Nhà văn Bão Vũ trò chuyện với Nhà thơ Gjekë Marinaj
maivanphan.vn: Như tin đã đưa, Nhà thơ - Tiến sỹ triết
học Gjekë Marinaj đã có mặt tại Việt Nam từ 31/5 đến 7/6/2014 nhân dịp ra mắt bản
dịch của ông từ Anh ngữ sang Anbani ngữ tập thơ "Zanore në vesë/ Những nguyên âm trong
sương sớm” (Nxb. Hội Nhà văn VN tái bản bản Anbani ngữ của Nxb. BOTIMET
M&B Anbani 4/2014, có bổ sung bản Việt ngữ, 5/2014) và tập thơ “Những hy vọng trong suốt” (Nxb. Hội Nhà văn VN, 5/2014) của Gjekë Marinaj do nhà thơ Nguyễn Chí Hoan dịch
từ Anh ngữ. Gjekë Marinaj còn là nhà văn, dịch giả, nhà phê
bình văn học uy tín tại các nước Âu - Mỹ. Trước khi
sang Việt Nam, Gjekë đã có cuộc trò chuyện qua email khá lý thú
với nhà văn Bão Vũ. Xin trân trọng giới thiệu cùng Quý Bạn đọc.
(Phạm Văn Bình dịch từ Anh ngữ)
Nhà văn Bão Vũ (BV): Tôi tin rằng những cuộc tiếp xúc giữa ông với các nhà
văn Việt Nam trong dịp này sẽ rất thân mật và tràn đầy sự cảm thông, vì Việt Nam
và Anbani từng có những đặc điểm tương đồng về chính trị xã hội, những đặc điểm
đã ảnh hưởng lớn đến sáng tác của các nhà văn. Ông có mong chờ gì khi chuẩn bị
cho chuyến đi này của mình?
Nhà thơ Gjekë Marinaj (GM): Tôi có nhiều lí do để tin rằng chuyến đi đến Việt Nam sẽ
là một trong những trải nghiệm bổ ích nhất trong cuộc đời tôi. Bởi vì đây là
lần đầu tiên tôi gặp mặt một số nhà văn, nhà thơ và các nghệ sĩ mà các tác phẩm
của họ tôi rất quí trọng. Tuy vậy, điều này không liên quan nhiều đến bối cảnh
chính trị của Anbani và Việt Nam, bởi vì một nhà văn tài năng phải là một nhà
văn thể hiện được tài năng của mình dưới bất kì chế độ chính trị nào. Có những
nét tương đồng giữa hai nước chúng ta – chẳng hạn như tinh thần hi sinh để bảo
vệ tổ quốc, niềm tự hào và danh dự to lớn của cá nhân và của dân tộc. Trong
lịch sử, Việt Nam đã nhiều lần giành được độc lập từ các vương triều Trung Hoa,
còn Anbani tuyên bố độc lập khỏi đế quốc Ottoman vào năm 1912. Hiện nay, Anbani
vẫn là một trong những nước nghèo nhất châu Âu, còn Việt Nam ở trong số những
quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Tôi sẽ thu nạp cả những nét
khác biệt và tương đồng giữa hai nước chúng ta trong chuyến viếng thăm Việt Nam
của mình. Tôi biết trước rằng tôi sẽ yêu thích thời gian lưu trú ở Việt Nam với
cơ hội được gặp gỡ những tác giả Việt Nam. Trong các môn học lấy bằng tiến sĩ
của mình ở Trường đại học Texas tại Dallas, tôi đã học một cách khái quát về
lịch sử, văn hóa và văn học Việt Nam, và đã có sự nhận thức tốt đẹp về xã hội
Việt Nam. Tôi đã dung nhập và chịu ảnh hưởng một phần nền văn học truyền miệng
và văn học viết bản địa, bao gồm cả nền văn thơ đương đại của Việt Nam. Vì tất
cả những điều này, tôi vô cùng biết ơn Việt Nam.
BV: Xin cám ơn
ông đã có mối thiện cảm với đất nước chúng tôi. Được biết, tuy đã là một nhà
thơ và học giả danh tiếng của nước Mỹ, rất bận rộn với công việc hàng ngày
nhưng ông vẫn có sự quan tâm đặc biệt đến hiện trạng văn học Anbani; vậy, ông
có nhận thấy sự chuyển biến khác thường nào của văn học nói chung và riêng về
thơ Anbani kể từ sau biến cố năm 1991?(1)
GM: Đã gần một phần tư thế
kỉ kể từ khi thay đổi chế độ chính trị ở Anbani, với một số ít trường hợp ngoại
lệ, các nhà văn và nhà thơ tài năng nhất đã sáng tác những tác phẩm của mình
trong thời kì chủ nghĩa cộng sản đến nay vẫn là những người tài năng nhất. Điều
đó cũng đại diện cho các hình thức nghệ thuật khác. Từ cách nhìn đó, chất lượng
tổng thể của nền văn học Anbani không đạt được “sự đổi mới” mà chúng tôi đã
từng hi vọng. Điều này đã làm cho người đọc Anbani hết sức ngạc nhiên. Vì,
trong giai đoạn mà chúng tôi gọi là “Nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa”,
hầu hết mọi người đều ấp ủ ý nghĩ rằng chắc phải có một số nhà văn và nhà thơ
có tài năng siêu việt do bối cảnh chính trị mà không được phép xuất bản các tác
phẩm của mình. Thật không may, điều đó không xảy ra ở bất kì qui mô đáng kể nào
cả. Còn nữa, sự tiến bộ lớn lao về văn học diễn ra trong nửa sau thế kỉ 20 đã
bị phụ thuộc vào sự cào bằng dần dần địa vị của văn học trong khi số sách được
xuất bản đã tăng lên một cách mạnh mẽ trong 23 năm qua.
BV: Ông có nhận định gì về
sự tăng số lượng sách được in ra mà không phải là chất lượng văn chương; và chúng
ta đều biết rằng điều này không chỉ riêng ở Anbani?
GM: Trong đất nước Anbani xã
hội chủ nghĩa, nghề viết văn có những khích lệ to lớn thêm vào niềm vui được
cầm bút vì số người đọc chung và riêng của người viết. Chính thể trước đây của Anbani
đã trao tặng danh hiệu “nhà văn chuyên nghiệp” cho nhiều tác giả. Dưới danh
hiệu đó, với một số miễn trừ, tất cả những gì mà họ phải làm là viết và chính
phủ cung cấp cho họ một khoản lương tháng hợp lí, căn hộ ở những thành phố lớn
và cơ hội trở thành thành viên của hệ thống chính trị. Sách của họ được xuất
bản nhiều lần bởi các nhà biên tập chuyên nghiệp, được in ấn và phân phối tới
mọi cửa hàng sách và thư viện ở khắp cả nước mà họ không mất một chút chi phí
nào. Những thuận lợi này, bao gồm cả hình ảnh được lí tưởng hóa về nhà văn, gây
cảm hứng không chỉ cho các nhà văn chuyên nghiệp thêm tập trung vào công việc
của mình mà cho cả những tài năng trẻ muốn được trở thành nhà văn, nhà thơ.
Trong 23 năm qua dưới chính thể mới, hình ảnh được lí tưởng hóa của nhà văn
chuyên nghiệp trong thời kì xã hội chủ nghĩa đã không mất đi tầm quan trọng của
mình, mà, tôi xin lỗi phải nói, nó hoàn toàn mất đi những lợi ích khác vừa được
nhắc đến. Hiện nay văn học chỉ có giá trị văn chương, những nhà văn tài năng
cũng là những nhà văn có tinh thần hi sinh thời gian của mình vào việc viết
sách, cùng với khoản thu nhập cá nhân và thường xuyên của gia đình để xuất bản sách
– những cuốn sách này trong hầu hết các trường hợp sẽ không được phát hành ra
bên ngoài thành phố mà họ đang ở, và kết quả là sẽ không kiếm được món tiền lớn
nào cả. Họ viết chỉ vì họ là nhà văn và đó là điều mà họ phải làm. Tuy nhiên,
những nhà văn đó chỉ chiếm vào khoảng một nửa số tác giả Anbani đương đại có
tác phẩm được xuất bản. Còn một nửa kia bao gồm những tác giả không phải được
đào tạo một cách bài bản, không có sự dạy dỗ cần thiết để phát huy tinh thần
trách nhiệm quốc gia và trách nhiệm làm người của một nhà văn, họ viết không
phải vì họ là nhà văn mà vì họ có một điều gì đó – điều mà họ coi là quan trọng
– phải nói ra. Vì một lí do nào đó, họ có phương tiện tài chính để in ấn vài
trăm cuốn sách và phân phối chúng như là quà tặng cho bạn bè và gia đình mình.
Điều này không hẳn là một hiện tượng tiêu cực, bởi vì mọi cuốn sách có giá trị
riêng của mình, nhưng nó tạo ra sự lúng túng cho người đọc khi họ muốn biết ai
mới là những nhà văn đích thực. Điều này đã xảy ra đối với mọi thế hệ nhà văn Anbani
cho tới những năm 1990.
BV: Điều ông vừa nói về
giới văn chương ở Anbani rất thú vị và khá trùng hợp với Việt Nam một thời.
Chúng tôi đang cố gắng hội nhập với văn chương thế giới, hấp thu những điều mới
mẻ tiến bộ và rũ bỏ những gì được coi là phi văn chương. Theo quan sát của ông,
hiện nay trong nền văn học Anbani có trào lưu văn học nào tạo được ảnh hưởng
mang tầm thế giới?
GM: Cái tốt đẹp nhất trong
nền thơ Anbani ở chỗ nó là nền thơ mang tầm thế giới. Trong khi thơ ca còn được
coi là một hành vi sáng tạo cơ bản sử dụng đến ngôn ngữ, tính đặc thù của nó
đang bị thách thức bởi một quá trình loại trừ hơn là một quá trình đổi mới. Các
nhà thơ Anbani vẫn còn sử dụng các hình thái thơ ca đa dạng và các phương pháp
diễn tả để đưa ra một trình độ khác biệt trong việc hiểu các tác phẩm của mình,
nhưng vẫn tồn tại đầy đủ chứng cứ rằng, chậm rãi nhưng chắc chắn, họ đang giã
từ một số phong cách thơ mà những thế hệ trước đây đã từng sử dụng. Một cuộc
giã từ như thế là sự từ bỏ khuynh hướng bí ẩn của thơ ca. Ở Anbani từ thời quân
chủ(2), có một xu hướng sáng tác thơ bí ẩn và lập lờ được xem như mang hai ý
nghĩa riêng biệt. Điều này được coi là hình thức phê phán chính quyền một cách
an toàn. Trong trường hợp nguy hiểm, các nhà thơ sẽ cố gắng giữ cho mình vô tội
bằng cách bám vào ý nghĩa thứ nhất trong tác phẩm của mình. Tùy thuộc vào tính
nghiêm trọng trong sự phê phán của mình, đôi khi họ có thể thoát hiểm cùng với
nó. Nhưng nếu sự chỉ trích bị xem xét một cách bất công hoặc gây hại quá mức
cho chính quyền, họ sẽ bị bỏ tù tới 25 năm, hoặc kết thúc cuộc đời bằng cách bị
treo cổ công khai.
BV: Thật khủng khiếp khi bị
treo cổ vì thơ. Chuyện ấy làm tôi nghĩ đến một nhà thơ cũng bị xử treo cổ, François Villon, thi sĩ Pháp thế kỷ 15 với bài thơ bất hủ “Nhưng, đâu rồi những bông tuyết ngày xưa”,
tuy nhiên không phải ông này bị treo cổ vì thơ mà là vì tội trộm cắp, ẩu đả gì
đó. Ở Việt Nam thời quân chủ, các nhà thơ cũng có người bất bình với triều đình,
sáng tác loại thơ ẩn dụ, hàm ý phản nghịch, và họ cũng bị trừng phạt nặng do bị
tố giác, bị vu khống hoặc bị phán xét theo cách suy diễn có hại cho tác giả. Chúng
ta hãy trở lại với thơ Anbani những năm gần đây...?
GM: Trong 23 năm từ sau khi
chuyển đổi chế độ xã hội, loại thơ ẩn ý bị coi là cổ lỗ, đã bị loại trừ. Các
vấn nạn về chính trị, kinh tế và xã hội truyền thống vẫn còn tồn tại trong
những hình thái khác nhau, nhưng các chính khách hiện đại trở nên thành thạo
hơn khi phê phán, xúc phạm, thóa mạ, đe dọa, và chế giễu lẫn nhau trong nghị
viện, trên truyền hình, và trong các chiến dịch tái bầu cử của mình, khiến cho
các nhà thơ theo khuynh hướng bí ẩn trông giống như những tay nghiệp dư lỗi
thời. Ngoài ra, các nhà thơ đương thời đã chia tay với những bài thơ dài, với
những bài thơ phản kháng, và với các bài thơ được cấu trúc bằng các từ cuối câu
có vần, các khổ thơ bốn câu truyền thống mang vần điệu một cách có hệ thống và
kể một câu chuyện theo lối sử thi. Thơ văn xuôi, hay là thứ mà chúng ta sử dụng
để gọi những phác thảo thơ, cũng đã hoàn toàn không được yêu thích nữa. Các xu
hướng bổ sung bao gồm việc sáng tạo ra một loại thơ có chứa một ngôn ngữ cô đọng
và nâng cao, một loại thơ dành cho người đọc có một kiến thức sâu rộng để hiểu
nó. Mặc dù người Anbani được đào tạo rất tốt để đọc những điều không thể trông
thấy ngay lập tức trên trang giấy, phong cách mang tính trí tuệ cao của thơ
dường như đã làm cho đông đảo người đọc trở nên thờ ơ tới mức hoàn toàn tránh
xa nó. Mặt khác, thơ trữ tình nói về tình yêu, gia đình, thiên nhiên v.v… hết
sức phổ biến. Hầu hết các nhà thơ quan tâm về cách làm sao cho thơ được hiện
lên trên trang giấy hơn là các hình thái thơ khác nhau mà họ đưa nó vào. Tuy nhiên,
dường như một bài thơ hợp thời phải được trao cho sự phong phú các phép ẩn dụ
đầy quyền năng, những hình ảnh đẹp, những ví von thông minh và những công cụ
thơ được lựa chọn kĩ lưỡng khác như là sự láy âm, điệp từ, từ tượng thanh và
nhịp điệu để được xem là một bài thơ toàn vẹn. Khi mà sự trọn vẹn đó được hoàn
tất, nền thơ đương đại Anbani sẽ tranh đua được ở một tầm rất cao với bất kỳ
nền thơ nào trên thế giới.

BV: Một sự
trùng hợp kỳ thú. Theo nhận định của riêng tôi, thơ Việt Nam đương đại cũng có những điểm tương tự. Xin
nói thêm về văn học Anbani ở lĩnh vực văn xuôi. Chúng tôi có biết đến nhà văn
Ismail Kadare của Anbani qua tác phẩm “Viên tướng của đạo quân chết” và một số
tác phẩm khác của ông đã được chuyển sang Việt ngữ. Kadare đã đoạt giải Man
Booker và được coi là một ứng cử viên triển vọng của giải Nobel, khiến tên tuổi của ông không chỉ được biết
đến ở Anbani. Giả thiết, nếu năm 1990 Ismail Kadare không rời khỏi Anbani, thì
sau đấy ông ta có thể có những thành công như vậy?
GM: Nếu chúng ta phải xếp
hạng Ismail Kadare, ông ta sẽ được coi là một nhà văn kiểu mẫu của chủ nghĩa
cộng sản mang hồn cốt Anbani, chứ không phải là một người Pháp hay là một sản
phẩm quốc tế. Ông ấy được sinh ra ở cùng thành phố với cựu lãnh tụ cộng sản
Enver Hoxha; được giáo dục tại trường đại học mang tên Hoxha. Ông được tiếp tục
học tập ở nước Nga Xô viết. Trong các tác phẩm của Ismail Kadare, có cuốn “Viên
tướng của đạo quân chết” mà ông vừa đề cập, đó là một trong những cuốn tiểu
thuyết hay nhất ông ấy đã viết khi còn ở
Anbani. Kadare đã trở thành một trong những nhà văn tài năng thế giới dưới chế
độ xã hội chủ nghĩa. Hầu hết các giải văn học lớn của ông ấy, kể cả giải Prix
mondial Cino Del Duca (1992), giải quốc tế Man Booker (2005), và phần thưởng
Prince of Asturias về văn học (2009) đã căn cứ vào những tác phẩm của Kadare
xuất bản dưới thời Hoxha mà không cần xét đến những tác phẩm ông ta sáng tác
sau khi rời khỏi Anbani. Ismail Kadare là một người yêu quê hương mình và yêu nhân
loại. Ông ta là người có thể sáng tạo như là một nhà văn tài giỏi và suy nghĩ
như một triết gia nổi tiếng. Trong những cảnh huống vô cùng khó khăn, ông đã
dâng hiến toàn bộ trí tuệ của mình cho sự hoàn thiện của con người. Tôi nghĩ, Ismail
Kadare xứng đáng được giải thưởng Nobel vì những cống hiến của mình cho nền văn
học Anbani và thế giới.
BV: Vẫn về Ismail Kadare, ông ta cho rằng: “Một khi văn học
chân chính còn được quan tâm thì sẽ không có những nhà văn chính trị”. Và Kadare
cũng nói một câu rất hay: “Tôi không
phải là nhà văn chính trị. Tác phẩm của tôi còn không giàu tính chính trị bằng
các sản phẩm sân khấu cổ đại Hy Lạp. Dưới bất cứ thể chế nào tôi cũng có thể là
một nhà văn”. Tôi cũng từng thấy nhiều nhà văn đã nói tương tự như vậy. Nhưng
rồi chính Ismail Kadare đã rời bỏ Anbani do chính thể đương thời không thích
hợp với mình để trở thành một nhà văn lớn như hiện nay. Còn ông, về vấn đề này
ông có ý nghĩ gì khác không?
GM: Kadare chưa bao giờ
khẳng định mình là một nhà văn bất đồng quan điểm. Nhưng vì – với tất cả lòng
kính trọng – một số người muốn hỏi về tính hiệu lực của những lời phát biểu
mang tính cá nhân của ông ấy, chúng ta sẽ không bao giờ biết được liệu ông ấy
rời khỏi Anbani vì ông ấy cảm nhận rằng những lợi ích và hiểm họa của sự thay
đổi chế độ đương thời, hay là liệu ông ấy ra đi vì sợ những gì mà hệ thống dân
chủ mới còn thiếu kinh nghiệm mà ông ấy nhìn thấy đang đến sẽ gây ra cho mình.
Hoặc tốt hơn là, nếu ông ấy thực sự làm việc đó vì ông ấy tin rằng, như ông ấy
đã tuyên bố trong năm 1990 rằng “Nền độc tài và văn học đích thực không tương
thích với nhau”. Mặc dù vậy, điều mà chúng ta biết chắc chắn là, ông ấy đã viết
được hai tác phẩm về số phận con người: “Mùa
đông vĩ đại” (1977) và bài thơ trào phúng có nhan đề “Những viên tổng trấn”
(1975). Tất cả những tác phẩm văn học còn lại của Kadare đứng ở giữa “cái tốt
và cái xấu”. Và bởi vì ông ấy không có lí do hợp lí nào để đưa chúng ta đi lạc
vào sự liên quan đến cách thức mà ông ấy cảm nhận về các tác phẩm của mình.
Người đọc cần lắng nghe khi ông ấy nói với họ điều gì đó.
BV: Về nhà thơ Mai Văn Phấn của Việt Nam, đến nay thơ Mai
Văn Phấn đã vượt ra khá xa đất nước mình,
được dịch sang các ngôn ngữ Anh, Pháp, Indonesia, Hàn quốc, Thụy Điển,
Thái Lan... và Anbani. Nếu cần một sự lý
giải từ phía khách quan, ông có thể có ý kiến gì về trường hợp này khi ông đã
dịch thuật thơ Mai Văn Phấn?
GM: Tôi sẽ rất vui mừng
được gặp Mai Văn Phấn khi lần đầu đến Việt Nam, vào đầu tháng 6 này. Hy vọng
của tôi là được trực tiếp chuyện trò với Mai Văn Phấn như chúng tôi đã từng
chuyện trò qua email về những bài thơ của Phấn. Trong thời gian tôi học lấy
bằng tiến sĩ về văn học và văn hóa Việt Nam, người thầy của tôi là giáo sư Frederick
Turner(3) đã giới thiệu thơ của Mai Văn Phấn với tôi. Thơ Mai Văn Phấn để lại
trong tôi ấn tượng rằng ông ta đã hoàn thành thiên chức nhà thơ của mình, là
nói lên sự thật với một phong cách rất thơ. Đó là sự thật về cuộc đời riêng của
nhà thơ và cuộc đời của dân tộc Việt Nam mà ông yêu mến. Điều đó đã mang lại
cảm hứng cho tôi khi dịch và xuất bản một tập thơ của ông sang tiếng Anbani,
một trách nhiệm đầy thách thức và cũng đầy bổ ích. Thơ Mai Văn Phấn diễn tả một
cách sinh động trong trí tưởng tượng của tôi về một Việt Nam tươi đẹp với tất
cả tình yêu và lòng mến khách, niềm tự hào và dũng khí của mình khi tiến đến một
tương lai tươi sáng hơn. Những bài thơ của Mai Văn Phấn đã thôi thúc tôi sang
thăm Việt Nam, để có cơ hội được gặp Phấn cùng các nhà thơ đồng nghiệp của ông
ta, những người mà nhà thơ đánh giá cao trong những cuộc chuyện trò với tôi qua
email. Mai Văn Phấn là một nhà thơ mang tầm thế giới, và với những ai quan tâm
đến thơ ca hiện nay, những bài thơ của ông đáng được đọc lại không chỉ một lần.
BV: Cổ đại Hy Lạp, rồi
thời trung cổ ở châu Âu, người ta công diễn thơ trước đám đông dưới hình thức
kịch thơ, đọc thơ, ứng tác thơ. Những năm gần đây ở Việt Nam chúng tôi có ngày
Hội Thơ được cử hành ở Văn Miếu - Hà Nội. Nhưng không ít người cho rằng Thơ
không nên bộc lộ một cách ồn ào. Ông nghĩ thế nào nếu như có thể tổ chức ở đâu
đó một cuộc trình tấu thơ của Gjekë Marinaj và Mai Văn Phấn?
GM: Tôi rất thích điều đó.
Chính chất lượng của thơ và tài nghệ của người biểu diễn sẽ kích thích sự chú ý
của khán giả và xác định xem thơ ca dưới sự cân nhắc đánh giá sẽ biểu lộ là một
công cụ triệt tiêu tiếng ồn hay là công cụ phát sinh tiếng ồn. Nhưng đối với cá
nhân tôi, về mặt thơ ca, chỉ riêng việc được bước chân vào Văn Miếu cũng đã đạt
đến đỉnh điểm niềm vui lớn nhất trong tôi rồi. Tôi sẽ coi giây phút đặc biệt đó
như là khoảng cách ngắn nhất giữa tôi với Chúa Trời. Và chỉ riêng việc được
bước vào Văn Miếu, được vây quanh bởi lịch sử phi thường của nó, và được trở
thành một người dự khán hay là một người tham gia vào một buổi lễ Hội Thơ sẽ
thu hẹp lại khoảng cách đó, khoảng cách với đấng Tối cao Màu nhiệm.
BV: Điều cuối cùng, để vui:
Ở Việt Nam, rất nhiều người có thể viết được những bài văn vần du dương theo
những mẫu hình thơ truyền thống, và do đó cũng có thể được gọi là thơ. Hãy
tưởng tượng đến một thời kỳ nào đấy, mọi người đều là thi sĩ, đều có khả năng
nhận ra ý thơ trong mỗi hiện tượng tự nhiên và tâm hồn con người mà không cần
đến văn bản thơ để diễn đạt; và do đó sẽ không cần đến người làm thơ nữa. Ai
cũng có thể cảm thụ thơ
như khi xem tranh hoặc nghe nhạc không lời. Thơ như một thứ “quốc tế ngữ”, một
loại “Kinh Thánh” mà ở bất kỳ nơi nào trên thế giới người ta đều thấu hiểu được
nguyên bản tinh thần Thơ. Người ta có thể khóc, cười, sung sướng và đau khổ vì
Thơ hệt như nhau mà không cần đến sự thông dịch, sự phụ chú về những riêng biệt
của quốc gia, dân tộc, chính thể. Nếu có như thế thì đó là điều đáng vui hay là
một thảm họa cho nhân loại, thưa ông?
GM: Điều mà ông miêu tả có
thể được nhận thức nhiều hơn với những nội dung có lẽ xảy ra ở một giấc mơ hơn
là trong thực tế. Thơ như là một hình thái nghệ thuật, có thể được sử dụng như
là một liệu pháp tinh thần không mang tính thường xuyên. Với ý nghĩa đó, một
liều thuốc quá mức có thể có một vài tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe, đưa
người ta vào một trạng thái hoang tưởng. Nhưng, như ông nói, nếu hiện tượng này
không thể tránh khỏi xảy ra và câu hỏi sẽ là tốt hay là xấu đối với nhân loại,
thì, tôi muốn chúng ta cùng tham vấn bác sĩ chuyên khoa của tôi là William
Shakespeare – trong vở bi kịch “Hamlet” – với những lời được tìm thấy trong Hồi
II, Cảnh 2 :“Không có gì tốt hay xấu cả,
chỉ có sự suy nghĩ khiến nó trở thành như thế mà thôi.”
BV: Vâng. Thật chí lý, rất
đậm chất triết lý phương Đông. Cám ơn ông đã tham gia cuộc trò chuyện bổ ích và
thú vị này.
_______________
(1) Anbani
nằm bên bờ Địa Trung Hải. Trong lịch sử, các đế chế Hy Lạp, La Mã,
Byzantine, Venetian và Ottoman đã từng xâm lược Anbani để
lại các dấu ấn văn hoá cùng với sự tàn phá. Trong thế chiến II, Anbani bị Ý
chiếm. Quân kháng chiến Anbani đã đẩy lùi được quân đội phát xít Đức, Ý. Năm
1944 nhà nước Cộng hoà Nhân dân Anbani thành lập
do Enver Hoxha
lãnh đạo. Năm 1991, chính thể XHCN Anbani đã thay đổi cùng với hệ thống XHCN
Đông Âu.
(2) Tháng 4
năm 1939, sau khi Anbani bị Ý
chiếm, Victor Emmanuel III lên
ngôi vua Anbani, và Shefqet Verlaci đã lập ra một chính phủ phát
xít nắm quyền.
(3) Frederich
Turner là một đại diện kiệt xuất của Trào lưu chủ nghĩa “Cổ điển mới” với bản
Tuyên ngôn ông viết năm 1995 về chủ nghĩa Tân cổ điển trong văn học.
(Chú thích của nhà văn Bão Vũ)
(Bản của nhà văn Bão Vũ gửi qua email)
Một số hình ảnh Nhà thơ - Tiến sỹ Gjekë Marinaj thăm Việt nam:
Nhà thơ Gjekë Marinaj thăm Mẫu thân của MVP tại Phát Diệm - Ninh Bình, 2/6/2014
Nhà thơ Gjekë Marinaj xem ca nhạc dân tộc
... thăm đền Ngọc Sơn
Nhà thơ Gjekë Marinaj thăm Bảo tàng Dân tộc học VN
... bên hồ Hoàn Kiếm, 1/6/2014
Nhà thơ Gjekë Marinaj cùng các sinh viên VN tại Quốc Tử Giám, 1/6/2014