Một thế giới sẽ không cô độc vào ngày mai (phê bình) - Nguyễn Đức Hạnh
Một
thế giới sẽ không cô độc vào ngày mai

Hình trái đất chụp từ hành tinh
Các nhà nghiên cứu văn học, các nhà thơ đã viết nhiều về Mai Văn
Phấn. Nhiều điều tôi tin nhưng có hai điều tôi
còn băn khoăn:
Thứ nhất: Có một số ý kiến khẳng định Mai Văn Phấn viết theo ảo
giác, mộng du, tâm linh, vận dụng “lối viết tự động”... Tôi lại nghĩ anh vô
cùng tỉnh táo khi sáng tác. Tất cả các thi ảnh, các biểu tượng độc đáo, thậm
chí kì dị trong thơ anh chỉ là kết quả của khát vọng làm mới thơ, rời bỏ sự sáo
mòn cũ kĩ, hi vọng tạo ra một thế giới mới trong thơ với những cách kiến tạo
mới, từ đó đòi hỏi, mong mỏi người đọc hình thành một cách tiếp nhận mới.
Thứ hai: Nhiều ý kiến khẳng định thơ Mai Văn Phấn là tượng
trưng, siêu thực, hậu hiện đại… Các tên
gọi ấy thực ra cũng như “nhãn mác” dán lên hàng hoá, sinh ra một đứa con thì
phải nghĩ một cái tên để đặt cho nó. Thực chất trong sáng tác, dù là lãng mạn,
hiện thực, hiện đại hay hậu hiện đại, đó cũng chỉ là những con đường khác nhau
dẫn nhà thơ tới cùng một đích: trình bày những suy ngẫm về thân phận con người
với mọi đau khổ và hạnh phúc của nó, bộc lộ mọi khát vọng hay ảo vọng của nó,
v.v… Những nội dung mà thơ xưa nay trình bày nào có mới mẻ gì: nỗi cô đơn, tình
yêu lứa đôi, tình cảm quê hương đất nước, nỗi ám ảnh về cái chết, trăn trở
trước thế thái, nhân tình... Cái mới nằm ở hình thức nghệ thuật để thể hiện
những nội dung không mới ấy. Đó là cách tư duy mới để tạo ra những ngôn từ,
những biểu tượng thơ mới, vừa in đậm cá tính độc đáo của nhà thơ qua cái nhìn
độc đáo của anh ta về thế giới, vừa nhằm tạo ra một “cú sốc” thẩm mĩ cho người
đọc, để người đọc “giật mình” trước cái mới sau khi đã chán ngắt cái cũ, từ đó
mà đọc, nghĩ, đồng cảm với nhà thơ.
Tôi nghĩ Mai Văn Phấn đã sáng tác theo
quan điểm ấy và anh đã bước đầu thành công ở phương diện xây dựng một thế giới
mới của riêng mình theo một logic mới. Còn ở phương diện người tiếp nhận thì
còn phải chờ đợi có thời gian. Từ bỏ tư duy tiếp nhận cũ đã được dạy dỗ và rèn
luyện cả đời không phải là chuyện ngày một ngày hai. Để hiểu và yêu được “ngôi
nhà” thơ Mai Văn Phấn không phải dễ dàng, nhưng tôi tin thế giới thơ Mai Văn
Phấn sẽ không còn cô độc trong tương lai. Vì sao như vậy? Bởi một vài căn cứ
sau đây:
1. Một thế giới riêng mang tên Mai Văn
Phấn:
1.1. Một thế giới được xây dựng bằng các
biểu tượng “mờ nhoè” theo logic mới.
Trong các bài thơ hay viết theo cách viết
truyền thống, ta gặp một thế giới ít nhiều quen thuộc, minh bạch với các biểu
tượng sáng rõ, đơn nghĩa (và dù đa nghĩa thì vẫn nằm trong “vùng kiểm soát” của
chúng ta). Ví dụ: “Mặt trời” là biểu tượng của chân lý, “mưa” là kỉ niệm, là
giọt thời gian rơi, là nỗi buồn, “sóng” là đường đời, là số phận, “hoa” là cái
đẹp, v.v… Cái nhìn duy lí tuyến tính và mối quan hệ nhân quả cho ta cách tiếp
nhận theo tư duy “đường thẳng”, hợp lí, quen thuộc và có thể dự đoán trước: sau
câu thơ này, hình ảnh này sẽ xuất hiện câu thơ khác, hình ảnh khác như một tất
yếu.
Nhưng đọc thơ Mai Văn Phấn từ 1995 đến nay
(ở phần sáng tác trước đó, anh vẫn “truyền thống” dù đã thấp thoáng tín hiệu về
một kiểu tư duy mới) ta ngỡ ngàng trước cái lạ, cái mới và ban đầu không thích
vì không hiểu.
Chẳng hạn, ở giai đoạn sáng tác trước 1995,
Mai Văn Phấn viết về tình yêu dù tài hoa vẫn cứ “truyền thống” mà thôi:
“Em thở
êm như biển lặng tờ
Hay đâu
có bão ở trong mơ
Tay em,
anh khẽ nâng trên ngực
Như kéo
con thuyền lên cát khô”
(Em và
biển)
Các hình ảnh, biểu tượng trong bài thơ như
biển, bão, thuyền được xây dựng bằng logic quen thuộc với sự duy cảm, duy mĩ
của thơ Việt truyền thống. Tất cả để khẳng định tình yêu của “Anh” dành cho
“Em”: yêu, che chở nâng niu “em” không chỉ trong đời thực mà trong cả giấc mơ
em.
Nhưng sau 1995, cũng trong một bài thơ
tình yêu, Mai Văn Phấn đã xây dựng một thế giới mới với các biểu tượng vốn quen
thuộc, nay được đặt trong một trật tự mới nên mang ý nghĩa khác, lạ hơn và cũng
hấp dẫn hơn.
“Chúng
mình hôn nhau trong hành lang hẹp
trên cỏ
xanh, trong những góc tối
trên tháp
chuông, bên gốc cây cổ thụ...
Bốn bề
nước tràn ướt chân
lúc ấy
gió thổi rất mạnh
Con sâu
đo em đu lên người anh
thì thầm
gặm hết những xanh non
Con ong
vẫn nhởn nhơ bay
thác đổ
đều đều, mưa rơi rất chậm
nhưng tất
cả ngọn cây đều bạt về một phía.
(Gió thổi)
Hai khổ thơ đầu với 5 câu thơ đậm chất văn
xuôi như một đoạn nhật ký miêu tả lại địa điểm, điều kiện thời tiết khi “chúng
mình hôn nhau”. Có sự tiết chế tối đa cảm xúc, tình cảm chủ quan của người miêu
tả này - một điều tối kị với “chất thơ” theo quan niệm truyền thống. Khổ 3 với
2 câu thơ là một biểu tượng độc đáo: “Em” thành “Con sâu đo đu lên người anh”,
động từ “gặm” gắn liền với tính từ “non xanh” cho ta một nội dung quen thuộc
trong một hình thức mới mẻ: con sâu đo em gặm hết non xanh ở anh bởi vì sau nụ
hôn mê cuồng (ở mọi nơi, mọi lúc ấy) những ngây thơ vụng dại của “anh” đã không
còn. Khổ 4 gồm 3 câu chỉ tả cảnh mà hoá ra lại gợi tả về “anh” và “em”, tưởng
tả “gió thổi” nhưng không: “Nhưng tất cả
ngọn cây đều bạt về một phía”, khi ong bay nhởn nhơ, thác đổ đều đều, mưa
rơi rất chậm thì làm gì có gió mạnh? Thì ra vẫn sức trẻ và nụ hôn ấy làm tất cả
ngọn cây bạt về một phía. Người làm nghiêng cây hay cây có linh hồn đang
nghiêng theo người?! So sánh 2 bài thơ, ta gặp hai tư duy nghệ thuật - hai cách
xây dựng biểu tượng đã khác xa nhau.
1.2. Có thể coi mỗi bài thơ của Mai Văn
Phấn là một ngôi nhà, các biểu tượng là vật liệu. Cách kết nối các biểu tượng
ấy theo logic “nhảy cóc, liên tưởng xa và lạ” đã tạo ra một thế giới vừa quen
vừa lạ, đặc biệt rất độc đáo.
Bài thơ “Nếu” là một biểu tượng lớn gồm 4
biểu tượng như: tôi, con chó, ba mét bảy nhăm xăng ti, mưa và mơ. Các biểu
tượng ấy thoạt đầu rời rạc, tưởng như không có mối liên kết nào. Nhưng khi đặt
chúng vào một tổng thể, với mối liên hệ là logic “nhảy cóc, liên tưởng xa và
lạ” ta chợt hiểu: nỗi đau cho những thân phận được mặc địch trong thế giới này.
Người mơ giấc mơ của người, chó mơ giấc mơ của chó, và khoảng cách là ba mét
bảy nhăm xăng ti - một khoảng cách là cố định, bất biến không thể thay đổi. Chỉ
khi có “mưa”- có sự trong lành và công bằng cho vạn vật của thiên nhiên, không
kể sang hèn, thì “chúng” sẽ cùng “mơ”. Vậy nếu không có khoảng cách ấy? “Nếu tôi không ngủ trên giường” thì liệu
có sự đổi vai giữa chó với người?!
Bài thơ “Anh tôi” ấy được viết theo logic
kể trên, như một truyện siêu ngắn, đáp ứng đủ mọi yêu cầu của truyện. Nhưng các
biểu tượng xuất hiện trong nó thật lộn xộn, phi logic (theo cách hiểu quen
thuộc). Nhân vật “Anh” nhờ giữ hộ “ký ức” đã phi lý. Nhân vật “tôi” 4 lần từ
chối kèm theo 4 lần đưa ra giải pháp, để rồi 3 lần “Anh nhìn tôi buồn lắm!”.
- Lần 1: Khuyên anh lên vẽ tranh hoặc viết
sách
- Lần 2: Cắt rồi, khởi động lại, thu nhỏ,
dừng đột ngột, ninh nhừ, nghiền thành bụi.
- Lần 3: “Tôi” nhớ “người yêu”.
- Lần 4: “Tôi” là quần áo và “tập nghĩ vẩn vơ để có thể nghĩ tiếp”.
Giữa ý nguyện của “Anh” và giải pháp, phản
ứng của “tôi” là “ông chẳng bà chuộc” không ăn nhập chút nào. Khổ kết bài thơ
còn phi lý hơn: “Anh chờ tôi rửa tay”
còn “tôi” thương anh và “nhìn bọt xà
phòng ngầu lên trên da trơn ướt thật dễ chịu”.
Nếu từ bỏ tư duy logic quen thuộc và tiếp
nhận tư duy mới, ta cảm nhận được nội dung đích thực sau các biểu tượng trong
bài thơ này: nỗi cô đơn của mỗi người là không thể trao gửi hay rũ bỏ. Mỗi con
người (dù với anh em ruột thịt) là một sinh vật cô đơn vĩnh viễn và ích kỷ vĩnh
viễn. Dù có “thương anh”, “tôi” vẫn
mang ký ức của mình “mốc meo”, “thối giữa”, vẫn “nhớ người yêu” của mình, vẫn phải “giặt là, giặt là” và “giống
quả lắc đồng hồ đã cũ”, v.v…
1.3. Các biểu tượng được kiến tạo theo
logic “mập mờ - song hành - đa nghĩa”.
Có lẽ bài thơ “Ghi ở Vạn lý trường thành”
là một trong những bài thơ lạ và hay nhất của Mai Văn Phấn. Quá khứ và hiện tại
đồng hiện, “vác đá” và “làm thơ” song trùng, bi thảm và hài hước sóng đôi, thực
và ảo cùng xuất hiện.
Với bài thơ này, một cách viết mới đã xuất
hiện tạo ra một thế giới đa tầng, đa nghĩa. Kiểu logic tuyến tính theo quy luật
nhân - quả bị phá vỡ, chỉ còn quan hệ bổ sung ý nghĩa của các thi ảnh có mối
liên hệ “ngầm” xuất hiện sóng đôi:
- Xây Vạn lý trường thành <--> Xây
thế giới thơ của riêng mình
- Vác từng tảng đá nặng, nhoè mắt cát, thở
đầy ngực cát <--> Còng lưng đẩy nắng, chồn chân đẩy gió
- Hoàng thượng <--> Ngài, đồng chí
- Bỉ chức <--> Thảo dân, em
Đi trên Vạn lý trường thành, nhà thơ thấy
mình hoá thành một “bỉ chức”, “thảo dân” đang vừa vác đá vừa làm thơ. Những
nhọc nhằn khi “Mây” xếp đá lên vai, khi “cát” vào trong hơi thở và làm “nhoè
mắt”, nghe được tiếng hoạn quan đe doạ: “Bắt
được kẻ nào vừa vác đá vừa làm thơ - đánh hộc máu mồm - khâm thử!”, nhìn
thấy “mặt bì bì, tay lạnh, mắt chì, giọng
mỡ.” Một sự phân thân của nhà thơ
xuất hiện trong thời gian đồng hiện quá khứ và hiện tại: vừa là thảo dân đang
xây Vạn lý trường Thành vừa là nhà thơ đang “còng lưng” đẩy nắng, đẩy gió xây
thế giới thơ còn dang dở của mình, cố sao đến gần “bông hoa” - Cái đẹp cùng
lòng dũng cảm “đang mởn mơ trong gió lớn”.
Sự đe doạ của “hoạn quan”, của “mặt bì bì”, đặc biệt của:
“Mái Phong
hoả đài màu huyết dụ
Hình
thanh long đao dính máu đang kề cổ”
Tất cả là biểu tượng của những thiết chế
gò bó, những áp bức về tinh thần, những khổ đau của trí thức mà Tần Thuỷ Hoàng
xưa, Cách mạng văn hoá ngày nào ở nơi đây từng gây ra; nhà thơ đã đi xuyên
không gian, thời gian để hoá thân làm thảo dân, làm thi sĩ, bỉ chức, em... Ít nhất thi sĩ đã nhập hồn vào vài số phận để
trải nghiệm những khổ đau của kiếp người cả trong quá khứ và hiện tại.
Để rồi bừng tỉnh mà vẫn chưa thôi ám ảnh
trước Vạn lý trường thành:
Đây là
đỉnh trời
hay đang
vực sâu
Chỉ thấy
trên lưng lằn roi bỏng rát
Ở hai câu kết, nhà thơ trở lại “đóng vai”
du khách
Mồ hôi du
khách trên đá xám
Nở thành
hoa phù dung
Có lẽ nỗi kinh hoàng sau khi thoát xác
nhập hồn, sống bao nhiêu kiếp qua mấy ngàn năm chỉ trong khoảnh khắc đã làm du
khách toát mồ hôi. Biểu tượng “Nở thành hoa phù dung trên đá xám” đã kín đáo
gửi gắm một hàm nghĩa: Có cái đẹp ẩn chứa sự nguy hiểm chết người. Ngắm cái đẹp
bề ngoài mà rùng mình bởi bao xương máu ở bên trong.
2. Một thế giới được kiến tạo theo cách mới đòi hỏi
một cách tiếp nhận mới:
Trong thơ truyền thống, ta thường gặp một
thế giới nghệ thuật đơn cực, tường minh, với hệ thống biểu tượng đơn phiến, dù
có sáng tạo đến đâu cũng nằm trong “vùng thẩm mĩ” quen thuộc và tư duy tiếp
nhận đã thành “lối mòn”: từ “cảm” đến “hiểu”, từ rung động của con tim đến sự
cắt nghĩa của trí tuệ. Thơ Mai Văn Phấn xuất hiện trong sự khát khao đổi mới,
khước từ thậm chí “phá vỡ” những chuẩn mực mang tính quy phạm kể trên. Một thế
giới mới ra đời với những trật tự mới. Trong đó, các biểu tượng quen thuộc của
thơ Việt như đất sông, ban mai, mưa, mây... xuất hiện trong một trật tự, một
logic khác để tái sinh với một vẻ đẹp, sức mạnh khác. Có thể tạm khái quát một
số đặc điểm cơ bản của thế giới thơ Mai Văn Phấn:
- Những biểu tượng “mờ nhoè” mời gọi người
đọc đồng sáng tạo.
- Xuất hiện rất nhiều “khoảng trắng thẩm
mĩ” giữa các thi ảnh.
- Dồn nén những thông điệp hàm súc tối đa
trong những sự vật hiện tượng hết sức bình thường, không lí tưởng hoá, phi
thường hoá.
- Chất văn xuôi giao hoà với chất thơ và
tự nó ánh lên một chất thơ mới.
- Tiết chế sự bộc lộ cảm xúc, tình cảm chủ
quan của nhà thơ.
- Tạo cảm xúc cho trí tuệ rồi mới đến cảm
xúc cho trái tim.
Với một số đặc điểm thi pháp ấy người đọc
cũng phải thay đổi quan niệm thẩm mĩ truyền thống và tư duy tiếp nhận quen
thuộc, để “hiểu” rồi mới “cảm” được thơ Mai Văn Phấn, rất ít hi vọng trông chờ
vào sự mách bảo của trực cảm ban đầu, việc phân tích từng thi ảnh đơn lẻ, từng
biểu tượng cụ thể rồi tổng cộng ý nghĩa và nội dung của chúng lại, không phải
bao giờ cũng đem lại một kết quả khả quan. Có lẽ ta đặt mọi thi ảnh, biểu tượng
ấy vào một “trường liên tưởng” thật rộng, tạo ra một “ván cờ thế” bằng ngôn từ
rồi đưa ra hàng loạt giải pháp như “phép thử” để phá “thế cờ” này. Đặt hàng
loạt kết quả khác nhau bên nhau, ta chọn lấy những kết quả ưng ý nhất theo kinh
nghiệm đời sống và nghệ thuật của mình. Và chúng ta luôn tâm niệm: Với những
bài thơ hay theo phương thức sáng tạo này sẽ không bao giờ có chân lí cuối
cùng. Có lẽ phải đọc và hiểu thơ Mai Văn Phấn theo cách sau: đặt toàn bộ các
biểu tượng trong bài vào một chỉnh thể, lắng nghe sự âm vang, sóng sánh khi
chúng tương tác với nhau, từ đó tiến đến hàng loạt lớp nghĩa hàm ngôn nhiều khi
chẳng ăn nhập gì với lớp nghĩa hiển ngôn của nó. Từ những “khoảng trắng” thẩm
mĩ dầy đặc trong thơ anh, hãy để tưởng tượng và suy lý cùng bay bổng đến những
chân trời khác lạ.
Bài thơ “Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ”
là một ví dụ cho hướng tiếp nhận ấy. Nếu phân tích bài thơ theo cách truyền
thống, chúng ta sẽ tập trung vào 4 sự kiện phi lí xuất hiện trong 4 khổ thơ.
- Khổ 1 - Sự kiện 1: Pha trà mời khách,
quay ra không thấy khách, điện thoại hỏi thì ông ta đã mất 7 năm.
- Khổ 2 - Sự kiện 2: Chủ nhà đột nhiên mất
trí nhớ, ngơ ngác trước mọi đồ vật trong nhà.
- Khổ 3 - Sự kiện 3: Ghé hỏi hàng xóm giá
thực phẩm, thấy mình vẫn minh mẫn vì vẫn biết “loại tăng giá - loại còn giữ
giá”.
- Khổ 4 - Sự kiện 4: Đẩy chén nước về phía
ông khách (đã) ngồi thì “luồng tử khí cao
chừng một mét sáu dựng đứng trước mặt - Chốc lại cúi gập”.
Nếu phân tích bài thơ theo cách truyền
thống này chúng ta sẽ chỉ thu được hai kết quả. Đây là một câu chuyện Ma hiện
hình giữa ban ngày; một bài thơ phi lí, vô nghĩa.
Nhưng nếu đặt cả 4 sự kiện phi lí này vào
một “trường liên tưởng” rộng hơn, nắm bắt cái “thần” của toàn bài chứ không làm
phép cộng giản đơn của tổng số các chi tiết cụ thể, ta có hàng loạt kết quả từ
sự suy nghiệm và phán đoán của mình:
- Sự phi lí của hình thức lại chính là nội
dung, bởi cuộc sống quanh ta đâu có thiếu những điều phi lí.
- Cái tưởng đã “chết” lâu rồi vẫn hiện
hữu, vẫn “sống” một cách lì lợm đến không thể tin nổi ở quanh ta.
- Sự hoang mang mất niềm tin không chỉ với
“người” mà còn với chính mình.
- Sự thật chưa chắc đã là cái “mắt thấy
tai nghe”, có sự thật không chỉ không thể xác định bằng các giác quan thông
thường, v.v...
Bài thơ có sức gợi mở mạnh mẽ và mỗi người
đọc tuỳ theo vốn sống, tầm văn hoá và năng lực cảm thụ văn học của mình mà sẽ
có một “đáp số” của riêng mình. Nhà thơ không đóng vai “Đấng toàn trí” để răn
dạy, giải thích cho người đọc.
3. Một hành trình với hai ngả đường tìm
đến Chân - Thiện - Mỹ trong thơ Mai Văn Phấn:
3.1. Hành trình đi từ nỗi cô đơn vào vũ
trụ để khám phá, trở về với chính bản thể của mình, trở về với chân thiện mĩ.
Đọc thơ Mai Văn Phấn, ta gặp cảm hứng vũ
trụ là một trong những cảm hứng trung tâm. Nhà thơ đặt vạn vật vào tọa độ vũ
trụ để kiếm tìm, khám phá sự vĩ đại trong cái nhỏ nhoi bình dị, thậm chí tầm
thường. Các bài thơ “Đêm lập xuân”, “Sẽ mưa”, “Nhìn anh”, “Cửa mẫu”, “Đỉnh gió”,
“Hình đám cỏ”... là những biểu hiện cụ thể với rất nhiều biến thái của cảm hứng
này.
Bài “Đất mở” của Mai Văn Phấn phác họa một
không gian kì vĩ với sông, ngang trời cánh chim, gió, đỉnh đồi, sóng, mặt trời,
khoảng đất rộng... Nhưng việc phân tích từng hình ảnh cụ thể ấy không giúp ta
hiểu được thi phẩm này. Ta thấy các động từ mạnh xuất hiện dầy đặc và luôn mở
đầu cho từng khổ thơ. Các động từ gắn với hệ thống biểu tượng trong 5 khổ thơ.
Đặt các biểu tượng trong 5 khổ thơ vào một hệ thống tìm hiểu sự tương giao,
tương hỗ giữa chúng, lắng nghe những “âm vang” vọng lên từ những “khoảng trắng
thẩm mĩ” chúng ta mới nhận ra “mạch ngầm” ý tưởng của bài thơ.
- Khổ 1: Cái sắp kết thúc và cái mới bắt đầu đang
giằng co dữ dội.
“Cuộn chảy
Trong tiếng gào những dải phù du (...)
Đỉnh cây ngùn ngụt bốc cao”
- Khổ 2: Khẳng định sự ra đời và tồn tại của cái mới
là tất yếu.
“Căng ngang trời cánh chim (...)
Dòng sông vừa chảy
Vừa sinh nở”
- Khổ 3:
Cái mới trẻ trung mạnh mẽ xuất hiện từ những đổ vỡ:
“Vòng tay sóng khỏa rộng (...)
Em dựng lại mặt trời đã vỡ”
- Khổ 4: Cái mới đi qua sự “trăng trối” và “phân trần”
của cái cũ:
“Trôi...
Trôi qua vô cớ lặng im (...)
Thoảng
nghe thang thuốc phân trần”
- Khổ 5:
Cái mới gắn với cái đẹp bắt đầu lan toả và chiếm lĩnh thế giới.
“Bông hoa mở
Bùng vỡ những khoảng đất rộng”
Phải chăng cái mới ở đây là thơ hậu hiện đại mà Mai Văn Phấn đã
dũng cảm “vong thân”để theo đuổi và đã thành công? Tất cả được đặt vào một
không gian rộng lớn ở trong trạng thái “động” dữ dội với 28 động từ xuất hiện trong
25 câu thơ, diễn tả một hành trình kiếm tìm đấu tranh vật vã, để đi tới cái đẹp
đích thực theo quan niệm của nhà thơ. Ngay trong những bài thơ tình yêu gắn kết
với tình dục của Mai Văn Phấn, đẹp đẽ và kì vĩ với tầm vóc vũ trụ là đặc điểm
nổi bật trong bút pháp Mai Văn Phấn. Kì lạ và vĩ đại thay, chuyện tình dục xuất
hiện với vẻ đẹp thanh sạch, với sự kết hợp của âm dương, đất trời được miêu tả
như phút giao hoan khổng lồ của vũ trụ, và qua đó, “Anh” tìm lại chính mình.
Các bài thơ “Nơi trời rộng”, “Được quyền nghĩ những điều đã ước”, “Anh anh em
em”... mang cảm hứng và tầm vóc ấy:
“Điên cuồng đỉnh thác buông
Tiếng thác hay tiếng hú, tiếng rên, tiếng nói
Những bọt nước tung lên và chạy ra xa
Hắt lên nhau ánh cầu vồng ngũ sắc
(...)
Ra biển một mình
Nỗi nhớ buộc vào chân tóc
Cơ thể em trước đại dương phần phật”...
(Anh anh
em em)
3.2. Hành trình vượt qua bao ngột ngạt,
đắng cay để tìm về sự hồn nhiên cùng sự tẩy rửa, thanh lọc tâm hồn.
Xã hội hiện đại có bao điều tốt đẹp nhưng
mặt trái của nó cũng đem lại bao đau khổ. Sự tha hoá khi con người biến thành
đồ vật, loài vật theo nghĩa bóng (Chỉ là giấc mơ) những nghịch lí và bao điều
phi lí đang hiện hữu (Dạy trẻ con, Còn cậu hãy đứng ra đằng kia, Hội chứng từ
một tin đồn...) thói đạo đức giả tràn lan (Chuyện còn dài, Bài học....), nhịp
sống hiện đại quay cuồng đến ngạt thở (Quay theo mái nhà), v.v... Từ trong “bụi
bặm” ngột ngạt của cuộc sống hiện đại, nhà thơ khát khao về sự tẩy rửa thanh
lọc tâm hồn. Bài thơ “Tắm đầu năm” miêu tả một nghi thức “thanh tẩy” kì diệu
bằng ánh sáng ngọn đèn và khi ấy, một sự đổi thay phi thường đã diễn ra.
“Xối ánh sáng vào từng góc khuất
Góc khuất như lò thúc mầm
Như thép nóng đem tôi vào nước
Như quả trứng trong ổ đang ấp
Rễ thân cành đã chiết đâm ngang”
Những “góc khuất” tăm tối của con người
được ánh sáng ‘xối” vào để những điều kì diệu xảy ra.
- “Lò
thúc mầm”, “thép nóng”, “quả trứng” đang ấp, “rễ thân cành đã chiết đâm ngang”, tất cả các biểu tượng ấy diễn tả
một đổi thay nhờ ánh sáng thanh tẩy. Sự tôi luyện và sự sinh sôi đã bắt đầu.
Mục đích của “thanh tẩy” thật đẹp: “Tắm
gội cho mùa xuân về” trong tâm hồn.
Nhà thơ không chỉ tìm đến sự “thanh tẩy”
mà còn tìm về sự hồn nhiên đã mất từ thuở nào. Đi tìm sự hồn nhiên ở thôn quê
(điều mà bao nhà thơ khác đã khắc khoải tìm về trong thơ, nhưng ít ai dám về ở
thực sự trong đời thực) kết quả thật tệ hại cho kẻ đi qua chốc lát “càng thêm đau đầu trong nắng tháng sáu”.
Giải pháp thứ hai để sống hồn nhiên là kết hợp lao động trí tuệ với hoạt động
chân tay? Kết quả thật hài hước:
“Cả lúc chăm chú đọc sách
Tay vẫn giật như culi kéo quạt (...)
Vừa tư duy vừa cầm dây giật”
Chỉ đến khi học được bài học sống hồn
nhiên của cây cối trong vườn nhà - những bậc thầy thiên nhiên đang dạy dỗ con
người những bài học không lời, điều ước mong mới đến.
“Lại ngập ngừng thêm bao mơ mộng
Tôi pha trà đem dâng cho cây”
Trước khi đọc thơ Mai Văn Phấn, tôi như đã
quen ngẩng lên chỉ thấy một bầu trời. Đọc và ngẫm nghĩ thật nhiều về thơ Anh,
ta như ngạc nhiên nhận ra bên cạnh bầu trời thân quen đã có thêm một bầu trời
mới (nó đẹp hay xấu thì tuỳ thuộc vào cảm nhận của mỗi người). Mỗi bài thơ của
Mai Văn Phấn như một biển đêm, người đọc là những con tàu, những biểu tượng
trong thơ anh là những “cọc tiêu” - Những ngọn đèn thắc thỏm chỉ lối vào bờ.
Nhưng “sóng” suy tư xô đẩy nó bập bềnh như không có hàng lối nào, rối rắm và vô
phương hướng. Nhưng nếu biết nương theo “sóng”, kết hợp tất cả các “ngọn đèn”
tín hiệu ấy thành một hệ thống (chứ không xoáy vào một ngọn đèn nào) ta nhận ra
con đường mơ hồ qua “biển” chữ nghĩa để cặp “bờ” cái đẹp, cái thiện, và cũng từ
đấy hiểu và yêu thêm biển đêm – thơ Mai Văn Phấn. Về các biểu tượng trong thơ
Mai Văn Phấn, anh đã vượt qua thủ pháp “lạ hoá” thông thường để đạt tới “siêu
lạ hoá” với những cấu trúc mới cho từng biểu tượng. Mỗi biểu tượng lại như một
khối nam châm “hút” trí tưởng tượng của người đọc vào một “trường hấp dẫn” để
nó tự do bay lượn và cùng sáng tạo với nhà thơ, cùng “lấp đầy” những “khoảng
trắng thẩm mĩ” đang mời gọi người đọc (còn “lấp đầy” được đến đâu lại còn tuỳ
thuộc vào năng lực của mỗi người. Nhưng như vậy, người đọc không còn là học trò
để tác giả dạy dỗ, chỉ bảo mà đã trở thành “đồng tác giả” với nhà thơ khi đứng
trước một bài thơ).
Thơ Mai Văn Phấn không phải không có nhược
điểm. Những sáng tạo của anh đòi hỏi một tầm văn hoá cực kì sâu rộng và một tài
năng thi sĩ đích thực, cùng một đam mê đến tột độ dành cho thơ và cách tân thơ.
Tất cả những điều ấy được ví như một ngọn lửa lúc nào cũng phải rừng rực cháy
trong tâm hồn thi sĩ. Nhưng lửa có phải lúc nào cũng cháy sáng? Những “đồ gốm”
thơ Mai Văn Phấn “nung” trong ngọn lửa ấy có lúc “chín” non, gượng, chưa tới.
Thành ra bên những tuyệt phẩm vẫn có thứ phẩm. Điều đáng tiếc ấy cũng là một
tất yếu với mọi nhà thơ.
Nhưng tạo ra được một thế giới mới của
riêng mình với phương thức kiến tạo mới, từ đó đòi hỏi, hoặc thúc đẩy phải ra
đời hệ quy chiếu mới, quan niệm thẩm mĩ mới để bình giá, thưởng thức “ngôi nhà”
thơ độc đáo thì đó phải là một tài năng lớn; Và trong nghệ thuật tài năng lớn
phải đi cùng nhân cách lớn, có như vậy tài năng mới có thể phát sáng tận độ của
nó. Đó cũng là một đóng góp lớn cho quá trình hiện đại hoá mà không xa rời bản
sắc văn hoá dân tộc cho văn học nước nhà của Mai Văn Phấn. Tôi vừa say mê vừa
phờ phạc về thơ Anh. Nhưng dù có phờ phạc đến đâu, không hiểu sao những câu thơ
Mai Văn Phấn cứ văng vẳng trong tâm thế tiếp nhận vừa sung sướng vừa nhọc nhằn
của tôi:
“Anh là con cá miệng dàn dụa trăng
Rời bỏ bầy đàn quẫy vào biển động”
(Ngậm em trong miệng)
N.Đ.H
(Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành
công - Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/ 5/
2011, NXB Hội Nhà văn, 2011).