Thơ
tạo sinh nghĩa Mai Văn Phấn

PGS. TS Hồ Thế Hà
Hồ Thế Hà
Tiếp cận thi giới Mai Văn Phấn theo trục lịch đại từ tập thơ đầu
tiên: Giọt nắng đến tập thơ mới nhất:
Bầu trời không mái che, tôi càng xác
tín một điều rằng, ngoài sự hiển minh nghĩa của sáng tạo văn học và tiếp nhận văn
học, thi ca lại liền tiếp tục mở ra khả năng tạo nghĩa bất ngờ theo từng tầm
đón đợi khác nhau của từng chủ thể tiếp nhận, đặc biệt đối với chủ thể tiếp nhận đồng sáng tạo. Những
khoảng trống vô thức của cả hai phía tác giả và độc giả sớm muộn gì cũng sẽ
hiện lên thành giá trị ngữ nghĩa – tư
tưởng mới mẻ, kỳ thú từ chính quan hệ chỉnh thể của tác phẩm mang lại mà ở
đó, ngôn ngữ là bà chúa của khả năng tạo sinh nghĩa do người nghệ sĩ xây dựng
nên. Chiếu theo khả năng tạo sinh nghĩa ấy, thơ Mai Văn Phấn đã, đang và sẽ còn
vẫy gọi liên chủ thể tiếp nhận để không ngừng phát hiện những hình thức mang
tính quan niệm độc đáo, làm đầy hành trình chữ
và nghĩa trong thơ anh.
Trước khi đi vào vườn thơ quen thuộc nhưng kỳ bí, ảo ẩn của Mai
Văn Phấn, đặc biệt là các tập thơ mới xuất bản từ Hôm sau (NXB Hội Nhà văn, 2009)
đến Bầu trời không mái che (NXB
Hội Nhà văn, 2010), tôi phải mượn lời
của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam khi
nhận định về thơ Bích Khê – thi sĩ thần
linh (chữ dùng của Hàn Mặc Tử) để quy chiếu lên thơ Mai Văn Phấn thì mới
mong người đọc bỏ qua cho những bất cập trong việc đọc – hiểu của mình về thơ anh: “…Còn các bài khác hoặc chưa xem
hoặc mới đọc có đôi ba lần. Mà thơ Bích Khê, đọc đôi ba lần thì cũng như chưa
đọc”. Quả là có sự thật này như Hoài Thanh cảm nhận về thơ Bích Khê khi tôi đọc
thơ Mai Văn Phấn. Nhưng rồi, tôi tự trấn tĩnh rằng phải cố lần vào bên sau, bên
sâu, bên xa của câu chữ thì mới mong hiểu được nghĩa ẩn chìm của văn bản. Điều
này là do Thông diễn học mách bảo cho
tôi. Thông diễn học là khoa học nghiên cứu về hoạt động hiểu và diễn đạt (bao
gồm diễn giải và tái diễn giải) đúng đắn những gì đã hiểu. Vậy, những gì tôi
tường giải về thơ Mai Văn Phấn sau đây có thể xem là một trong những cách hiểu
và diễn đạt của riêng tôi. Những người tiếp nhận khác sẽ có cách thông diễn
riêng của mình.
Càng về sau, Mai Văn Phấn càng ý thức thể hiện tâm thức hậu hiện
đại trong sáng tạo thông qua hệ ngôn từ và hình ảnh lạ đã làm cho thơ anh không
dễ đọc, không dễ hiểu ngay tức thì. Và đó cũng chính là điều làm nên thi pháp
riêng Mai Văn Phấn. Cái chung được biểu hiện kết tinh và đa dạng qua nhiều cái
riêng đã làm cho trữ lượng thơ anh qua các giai đoạn càng lấp lánh, tỏa phát.
Mai Văn Phấn là một hiện tượng riêng của nền thơ đương đại Việt Nam – mà là hiện
tượng riêng, liên tục lấp lánh và mới lạ. Ý thức đổi mới thi ca luôn thường
trực trong từng cảm giác bé nhỏ của chính người thơ mà anh tự gọi là “vong
thân” – tức phủ định bản ngã thi sĩ trước đó của mình để được tồn tại trong một
trạng thái tình cảm luôn luôn mới và trong một dạng thái ngôn ngữ luôn luôn
khác - nghĩa là luôn luôn tạo sinh nghĩa - đã làm cho thế giới thơ Mai Văn Phấn
không ngừng vận động, không ngừng phá
và thay. Trong bài viết ngắn này, tôi
muốn tìm hiểu (theo cách của mình) thi giới Mai Văn Phấn ở hai bình diện đặc
sắc: Hình tượng và Nghĩa, Chữ và Nghĩa.
1.
Thế giới hình tượng và khả năng tạo sinh nghĩa
Thế giới hiện thực trong thơ Mai Văn Phấn vẫn là thế giới như
khách quan vốn có đó thôi, nhưng nó không còn là nó nữa, mà được khúc xạ qua
từng trạng thái tình cảm và sự “nghiền ngẫm hiện thực” của chính người thơ. Anh
nhìn cuộc đời bằng đôi mắt của người thám hiểm, thổi vào sự vật, hiện tượng một
nội dung và ý nghĩa mới theo từng trạng thái tình cảm của mình. Có lúc, anh xóa
bỏ ý nghĩ, để nó tự buông xuôi theo dòng cảm giác, ảo giác. Đến như căn nhà
quen thuộc của anh, anh cũng nhìn nó bằng chập chờn, nhòa nhạt: “Pha xong ấm trà – Quay ra – Ông khách không
còn ở đó – Gọi điện thoại – Người nhà bảo ông mất đã bảy năm – Nhầm lẫn (…) Nhà
mình - Mọi sự đảo lộn – Không nhớ bức chân dung hạ xuống bao giờ - Đâu rồi
chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót? – Bộ ấm chén giả cổ ai cho?” (Vẫn trấn
tĩnh tiễn khách ra ngõ).
Mai Văn Phấn quan niệm: “Nội dung mới trong thơ tôi là những quan
tâm mang tính thời đại và thời sự, như lý tưởng sống của thế hệ trẻ, vấn đề ý
thức hệ, quan niệm về tự do, công bằng, dân chủ… Tôi đau đáu và trăn trở về đời
sống khổ cực của những người dân nghèo đói, khao khát cho dân tộc tôi không
thua kém bất kỳ dân tộc nào. Nội dung ấy phải được dung chứa trong hình thức
mới của thi ca. Hình thức mới ấy nằm trong nhịp điệu, tiết tấu nhanh trong
chuyển động tốc độ của đời sống hiện đại. Cách diễn đạt dứt khoát, tối giản,
liên kết rời và xa nhau tạo cho thơ một hơi thở mới, người phương Đông chúng ta
quen gọi là “Khí”. Theo tôi, “Khí” làm nên cốt cách thi sỹ và phân biệt được
các thế hệ thi ca”. Và anh đã biết làm mới hiện thực, cho hiện thực chuyển động
với “tốc độ đời sống hiện đại”:
Con
sơ sinh trên đất
Bơi
qua sông con nòng nọc đứt đuôi
Tập
vỗ cánh, quạt gió vào lòng tổ
Bật
lá mầm bay đi thênh thang
Hơi
nước bến sông
Không
gian đặc thời gian nhầm lẫn
Ngọn
khói lên cao
Biết
mình bơi trong biển sương
Không
phải sương mà đang mưa
Ngọn
tháp cao sáng láng
(Cửa Mẫu I)
Mọi cái hình như không thể tin ở mắt nhìn
thông thường, anh muốn nhìn chúng bằng cái nhìn ảo ẩn, xa lạ và nghi vấn:
Nhưng hình như
Mọi
con vật trong nhà
Vẫn
chế tác từ đồ phế thải:
Con
mèo tam thể được sinh ra từ mớ giẻ rách?
Cá
bơi trong bể được gò hàn từ vỏ lon beer?
Chim
họa mi hót trong lồng là chiếc ấm vỡ?
(Không thể tin)
Đó là thế giới của sự va chạm, bất ổn, nhiều khi vô nghĩa lý mà
con người đã kịp nhận ra trong khoảnh khắc ảo giác. Những hình ảnh siêu thực,
vô thức như thế, đã trở thành những hình tượng mang nghĩa bất ngờ. Mọi vật có
thể “Làm vòm cây tái tạo nên anh - Tóc em
bóng râm cội rễ - Thân cây cao vút thẳng đứng - muốn bứt lên - trong chênh lệch
những miền áp thấp - trong lay giật - muốn bứt lên trong hơi nóng cơ thể - đẩy
từ lòng đất - từ cốt tủy ngủ sâu tụ khí – phù trợ những sinh linh – Gạn từ em –
được chiết từ em – anh hiện hữu – và không hiện hữu” (Anh anh em em).
Ngay như trong ngôi nhà của mình, khi bừng tỉnh dậy, mọi vật đều
đã không còn là chúng nữa. Chúng quay tròn theo mái nhà, chúng bị đánh thức
theo tiếng vọng từ cõi âm của những nghệ nhân đã khuất hiện về mách bảo: “Những đồ vật quay không thể dừng lại. Thùng
rác quay mắc phải khung ảnh, quạt trần, giây điện thoại. Chiếc quần lót mắc kẹt
giữa tủ bát dĩa và máy tập thể hình, chổi cùn, bình diệt muỗi, đĩa CD chui vào
tủ lạnh. Con cá tắt thở trên đường gần đến cửa sổ. Lũ chuột nhắt chết đuối bơi
qua chảo mỡ. Bột giặt vừa quay vừa rắc lên hoa quả, dao thớt, bàn thờ. Bát nước
chấm quay cùng bìa đậu phụ. Lọ tương ớt lao đi trong tư thế lộn ngược. Và kim
giây quay chậm hơn hẳn kim giờ” (Quay theo mái nhà).
Những sự vật vốn quen thuộc hằng ngày, Mai Văn Phấn lại coi chúng
như những sinh thể và tự mình nhìn ngắm, tưởng tượng để phát hiện ra bên sau
mỗi sự vật hiện tượng là một tồn tại tự thân, nhưng con người nhận thức về
chúng lại là một quá trình đa phức để tạo thành những quan hệ, những giá trị
ngữ nghĩa mà có người gọi là sự “thay đổi tín hiệu trong văn học”, nó kích
thích ở người thưởng thức khả năng cảm nhận từ từ hơn là đi tìm ý nghĩa tức
thời. Đó chính là dư vị, dư vang thi ca mà không phải bất kỳ nhà thơ nào cũng
kịp nhận ra. Thơ Mai Văn Phấn thường tạo ra “sự vô nghĩa hợp lý” (Chế Lan Viên)
ấy một cách nên thơ, tạo thành tính thơ, tính nghệ thuật hay còn gọi là chất
thi ca mà R. Jakobson luôn đề cao:
Chiếc
bút trên bàn. Khi dọn dẹp vẫn muốn để lại. Cầm bút thư giãn, vừa lạ vừa
quen. Quản bút nhẵn ngón tay cầm. Đôi khi tháo ruột bút xem (phải
tháo trộm vì hành vi quái đản). Mở nắp bút như bật cánh cửa, cậy nắp hầm tối...
Cảm giác chợt thức, chợt mở mắt. Muốn tháo nắp bút một nơi. Nắp bút để trên,
thân bút bên phải hay ở dưới. Cả ngược lại.
Mở…
Lắp…
Lăp…mở…
Lắp
lại…
Cây
bút ngay ngắn bình yên
(Nhịp II - Hình Đám Cỏ)
Cứ thế, những trạng thái đảo lộn, biến ảo và rạn vỡ của sự vật và
con người được tác giả thông điệp một cách khẩn thiết. Những trạng thái đó còn
tiếp diễn thì càng cảnh báo những bất an khác rồi sẽ đến. Con người không làm
chủ, không tiên cảm tương lai thì họ có thể sẽ trở thành nô lệ của thế giới đồ
vật và thiên nhiên. Đó phải chăng là cảm thức hiện sinh của con người thời hiện
đại, luôn hồi hộp và âu lo trước dòng đời luôn bộn bề, tất bật, trước những
chấn động dữ dội của vũ trụ?
Lưỡi tôi
bị thắt
treo lên
đỉnh cột
mỗi lần
nói
chiếc lưỡi
phải co rút
kéo thân
thể béo ị lên cao
Tôi giẫy
giụa tựa mảnh vải quẫy trong gió mạnh.
Đang nghĩ
về chiếc lưỡi đau
Chợt cánh
bướm mọc trên bờ đá
Cánh hây
hây run rẩy cả chân kè
Rồi tấm
biển quảng cáo nước uống tăng lực
có gas
phun sương mù và chất lượng cao
Nơi lãng
mạn khác
thiếu nữ
vặn lưng trong bìa lịch
miệng
cười tươi và giơ tay rất lâu.
Tôi tồn
tại bởi cánh bướm, biển quảng cáo và thiếu nữ không quen biết
Họ nói
giùm tôi cuống lưỡi vực sâu.
(Ở những đỉnh cột )
Ngay giữa thế giới hiện hữu hằng ngày, quy luật của cuộc sống con
người là không ngừng mơ ước và khám phá những điều tốt đẹp, nhưng rồi sự hoàn
hảo ấy có thể trở thành mong manh, bé nhỏ và phân ly trước những ngọt ngào giả
dối của thiên nhiên – hay chính thiên nhiên cũng đang giả dối chính mình. Đọc
thơ Mai Văn Phấn, quá trình chuyển nghĩa luôn mở ra cho người tiếp nhận những
khả năng khác nhau thông qua từng hình tượng thơ:
Biển đang
vượt cạn
Con mực,
con sao trôi sang kiếp khác
Đổi chiều
những dòng hải lưu
Mặt nước
xẹp
Anh đứng
nơi bờ cát đang nứt
Đôi tất
nâu không còn cuộn trong giày
Cặp kính
mát nằm xa chiếc mũ
Nín thở
biết gần kho báu
Lần tìm,
cố xoay từng cánh cửa nước.
(Nhịp VI - Hình Đám Cỏ)
Chính vì phải chứng kiến những bất ổn và mong manh ấy của cuộc
sống mà con người lại có cách hóa giải nỗi đau riêng cho mình để họ không ngừng
được sống trong những khát vọng người đầy nhân bản và vị tha. Và cũng chính có
thơ mới nói hộ và lưu giữ hộ cho họ những khát vọng ấy một cách nghệ thuật và
xúc động nhất:
Giữa em là anh
một
con hoẵng vừa sinh trên cỏ ướt
một
bát nước ngùn ngụt bốc hơi
một
thế giới đang vội vàng hoàn hảo
(Nhịp VI - Hình Đám Cỏ)
Niềm tin khác lại hiện lên lấp lánh lời giải đáp về những điều
thầm lặng mà kỳ lạ để chiến thắng những hệ lụy, bất an:
Luôn
tin có em trong miệng anh
Nơi
không chiến tranh, dịch hạch
Mũi
tên bắn lén tẩm độc
Thị
phi, cạm bẫy, lọc lừa
Lối
em đi không còn gai nhọn
Bão
tràn qua anh dựng tường ngăn
Bình
yên trong miệng anh
Em
thúc nhẹ bờ vai
Vòm
ngực, ngón chân vào má
Huyên
thuyên và hát thầm
Hồn
nhiên cho lưỡi và răng anh chạm vào cơ thể
Anh
là con cá miệng dàn dụa trăng
Rời
bỏ bầy đàn quẫy vào biển động
(Ngậm em trong miệng)
Mai Văn Phấn còn đẩy những hình tượng đến một trạng thái tồi tệ
hơn nữa khi con người có thể tha hóa thành cái khác: “Chúng bịt miệng - trấn lột mọi thứ - và xin tôi bộ phận sinh dục - Nói
rằng xin - bởi nếu tôi không đồng ý - của quý kia phải liệng xuống hố phân
(chúng biết cả bí quyết thần chú) - Tôi bảo: các ông có thể lấy hết - nhưng cho
tôi giữ lại chút riêng - xin tự nguyện làm đồ chơi, giẻ lau, trâu chó” (Chỉ
là giấc mơ). Cứ thế, con người có lúc trở thành vô tâm, vô cảm: “Lưỡi tôi bị thắt – treo lên đỉnh cột - mỗi
lần nói - chiếc lưỡi phải co rút - kéo thân thể béo ị lên cao - tôi giãy giụa
tựa mảnh vải quẫy trong gió mạnh” (Ở những đỉnh cột).
“Thơ đang chuyển động trong một thế giới đa chiều, đa cực. Trách
niệm của mỗi nhà thơ là phải khám phá cho được không gian nghệ thuật của chính
mình, nếu thực sự muốn tồn tại trong không gian mới của thời đại. Cách lập ngôn
của nhà thơ không đơn thuần là giọng nói, mà chính là cách thiết lập không
gian”. Hình tượng không gian nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn thể hiện sự rạn vỡ
trong giao hòa, sự bất ổn trong trật tự. Trong không gian đó, con người luôn
phấp phỏng, âu lo:
Bóng
cây òa vỡ dưới chân
Hình
bản đồ rách nát?
Hay
xác chết nửa dơi nửa chuột?
Con
hốt hoảng đan lưới sắt
Đặt
bàn chông quanh mình
Mài
con dao
Thủ
sẵn bao diêm
Chân
trời càng gần
Bóng
tối càng trôi khủng khiếp
Nhanh
hơn cảm xúc
Con
vẫn dồn lo âu, tranh tức
Trên
mặt đất bóng đêm đã xóa sạch
(Cửa Mẫu IV)
Không gian thực đang đổ vỡ, nhà thơ khao khát đi tìm không gian đã
mất – để may ra một không gian tinh thần tốt đẹp khác sẽ tái sinh mầu nhiệm
nhằm xoa dịu nỗi ê chề hiện tại: “Mưa
thuận hòa gót chân - Trái tim rộn ràng ngực đất - Dòng trăng cuồn cuộn thân
cây”. Ở đó, mọi thứ đều sẽ đổi thay: “Ngày
mai mặt đất này - Và thế giới đổi khác”. Khi ấy:
Con
bồ câu đã về
Mang
cả buổi chiều
Kẹp
trong đôi cánh
Một
buổi chiều khoác bộ lông màu lam
Cổ
và đỉnh đầu khoang trắng
Cùng
móng chân bé xíu bước lên trăng
Ngày
chói gắt và rạng rỡ
Rũ
trên đóa hoa trinh nữ
Dịu
dàng khép lại
Đây
là thời khắc ái ân
Thắp
sáng lãnh địa bóng tối
Mùa
phồn sinh thụ phấn, kết hạt
Mặn
nồng thiêm thiếp trăng khuya
(Mùa trăng)
Hình tượng thơ Mai Văn Phấn càng về sau càng đậm chất siêu thực,
dù anh tâm niệm “Muốn viết câu thơ tự
nhiên – Như đi trên đất" thì cái tự nhiên kiểu trực giác, ấn tượng
trong một từ, trong một hình tượng nào đấy cũng đã làm cho quá trình tạo sinh
nghĩa càng nhân lên (simultible) trong cảm nhận của người đọc. Ví như khổ thơ
sau đây, có ít nhất là hai cách hiểu: cách hiểu theo nghĩa bóng thông thường và
cách hiểu theo nghĩa tượng trưng, ẩn dụ:
Che mắt anh
bằng đường
dài cây số
niềm vui
sương rơi khép cửa
nhiều ý nghĩ
thoáng qua
Em vẫn thấy
giữa khoảng
không chật hẹp hai nhà đi nhanh hơn tưởng tượng
và nắng chưa
kịp nóng hun
Đưa tay qua
khe hẹp hoàng hôn
Vội trao anh
gói quà nhẹ bẫng
Anh sung
sướng mở ra
Gặp ý nghĩ
từng quên trong quá khứ
(Nhịp
IX - Hình Đám Cỏ)
Nhà thơ là người gặp được “nhân duyên” trong Phật giáo, người được
may mắn nhìn thấy một thế giới khác, thế giới nhập nhòa giữa hiện hữu và hư vô.
Gọi tên vẻ đẹp cụ thể nhưng khó nắm bắt ấy chính là lý tưởng thi ca mà nhà thơ
vươn tới trên hành trình tư tưởng – nghệ thuật. Trong thế giới ấy, Mai Văn Phấn
nhận ra Đức Phật của lòng mình:
Đường
tùng, bướm trắng, cỏ khô
Đỉnh
núi nhìn con ngập sương khói
Yên
Tử thu tầm nhìn
Vầng
trán tán cây
Hơi
thở gấp gáp dưới khe suối cạn
Con
rắn lục trườn qua bụi gai khô
Hoa
mai trắng rơi trên phiến đá
Bỗng
nhớ chùm hoa xoan phởn phơ
Trong
gió xuân hôm nào
Ước
nguyện duy nhất lúc này
Cầm
tay người đàn bà con yêu
Được
gặp Đức Phật
(Buổi sáng lên Yên Tử)
2. Bản
thể chữ và khả năng tạo sinh nghĩa
Theo tôi, thơ theo khuynh hướng nào không quan trọng, tùy theo nhu
cầu thời đại và nhu cầu của chính quy luật thi ca, nhưng thơ phải hay, đó mới
là mục đích của quá trình thể nghiệm trong sáng tạo và tiếp nhận. Nếu không tạo
được hiệu quả thi ca như thế thì thơ sẽ trở thành vô tăm tích và sớm muộn gì
cũng mất hút trong sự quên lãng của thời gian. Trên hành trình tạo sinh nghĩa,
ngôn từ thơ Mai Văn Phấn đã vượt qua được sự quên lãng ấy. Thơ anh luôn “tươi
xanh” như chính “cây đời”: “Không, ta vẫn
còn giọng nói, Mỗi âm tiết lúc ấy hiện lên một sự thật. Sự thật hiển nhiên đảo
lộn mọi quy ước phổ thông (Anh anh em em). Nếu làm thơ là “làm chữ” thì Mai
Văn Phấn như “phu chữ” (cách nói của Lê Đạt) làm hiện lên những “sự thật” phái
sinh. Đó cũng chính là cách mở rộng biên độ nghĩa cho thơ. “Đổi mới thi pháp
trước hết là từ chối ve vuốt những sở thích của người đọc, nhằm tạo những sóng
từ khác, những mã số khác trong không gian thơ vừa được khám phá. Lý tưởng thi
ca của sự cách tân nhằm gọi đúng bản chất của sự vật trong nhịp điệu đời sống
hiện đại”. Mai Văn Phấn, với một “góc nhìn” rất riêng đã triển khai thi pháp
hiện đại và tâm thức hậu hiện đại một cách sáng tạo, đầy ám thị: “Trong mơ ngả mình trên biển - gối đầu lên
tay em - Em nghĩ nơi đây biển sâu 8 mét - tôi đọc được ý nghĩ - có đám mây và
chim hải âu - Tôi mang giấc mơ ra phố - lúc ăn sáng thấy mình giống miếng mộc
nhĩ - sôi lên trong nồi nước dùng - nồi nước sâu 8 mét - Vào thăm bạn trong ngõ
hẹp - biển số nhà giống miếng mộc nhĩ trong nồi nước dùng - tiếng bạn vọng từ
độ sâu 8 mét - Khép bớt cửa vì lạnh - Hơi ẩm mơ hồ ngấm xuống rất sâu - Thấy
khoảng cách từ chân ghế tới bức tượng - tiếng mọt kêu tới vụt nhanh tia chớp -
giữa những khuôn mặt trong quán phở xa lạ (...) bằng - khoảng cách giữa đám mây
và chim hải âu - đẹp tuyệt vời trên độ sâu 8 mét”(Chọn cảnh).
Phóng chiếu thơ theo trục lựa chọn, Mai Văn Phấn cũng như các nhà
thơ hậu hiện đại đã tìm thấy ở đây một phương thức thuận lợi, nhất là trong
việc sáng tạo ngôn từ (parole). Đó là thao tác mà nhà thơ dựa trên một khả năng
kỳ diệu của ngôn ngữ ở chỗ các đơn vị ngôn ngữ có thể thay thế cho nhau nhờ vào
tính tương đương, đồng dạng giữa chúng, cho phép nhà thơ lựa chọn một cách nghệ
thuật chỉ một đơn vị ngôn ngữ trong hàng loạt đơn vị ngôn ngữ có giá trị tương
đương nhau để diễn đạt nội hàm ngữ nghĩa mà mình cần thể hiện. Hoặc bên cạnh
đó, nhà thơ luôn tìm tòi, phát hiện những từ mới lạ khác để thể hiện nội dung mà
họ cần thông điệp đến độc giả. Mai Văn Phấn đã làm được điều này:
Tờ
lịch trên tường đang tự mở sang ngày…
Bát
canh nóng mở cửa phòng chật hẹp…
Miệng
em hé lộ khu vườn yên tĩnh…
Lời
vô nghĩa mở ra tưởng tượng…
(Mưa trong đất)
Nhà thơ Chế Lan Viên có nói đại ý: Nhà thơ càng độc đáo thì thường
nói những cái vô nghĩa, nhưng là sự vô nghĩa hợp lý, thoạt đầu, ta nghe ta
không hiểu được nhưng càng nghĩ và càng đi sâu vào bên trong những liên tưởng,
hình ảnh, câu chữ thì dần dần ta tìm được ý nghĩa ẩn chìm của chúng. M.
Heidegger cũng đã nói cái khả năng kỳ diệu ấy của ngôn ngữ: “Ngôn ngữ là ngôi
nhà của hữu thể”. Phát hiện này có một phần tương thích cho thi ca. Những câu
thơ của Mai Văn Phấn cấu trúc theo trục kết hợp với nhưng với trường từ vựng
lạ, đầy mê hoặc: “Ai đang về giữa hạt
sương trong. Tiếng sấm sâu hút - Cánh hoa mong manh vươn tự do” (Mưa trong
đất); “Gần em nghe trăng lên – ngồi trong
quả chuông ánh sáng” (Những bông hoa mùa thu).
Là một thi sĩ đam mê sáng tạo, Mai Văn Phấn cho rằng “nếu không
sáng tạo, tức không làm ra những sản phẩm mới, coi như anh ta đã chết”. Như
thế, sống, với Mai Văn Phấn, nghĩa là sáng tạo, tư duy thơ luôn luôn vận động,
luôn “thao thức”. Có thể thấy rằng, kiểu tư duy biến ảo là đặc trưng nổi bật
trong thi pháp ngôn từ thơ của thi sĩ tài hoa này: “Con cá nhảy vào đám mây tự vẫn - Buông ngang trời ngàn vạn lưới câu…
Đừng đứng gần bóng râm – Chúng là con quạ - Xõa cánh lúc hoàng hôn, rạng đông” (Biến
tấu con quạ).
Nhà thơ như đang chênh vênh ở hiện tại, nuối tiếc quá khứ, phấp
phỏng trong dự cảm về tương lai. Đó là dự cảm về một thế giới xáo trộn, đầy rạn
nứt: sống - chết, tụ - tán, trắng - đen, thật - giả: “Một giọt nước vừa tan - Một mầm cây bật dậy” (Nghe em qua điện
thoại). Thế giới ấy có khi được ngụy trang bằng vẻ ngoài “đạo mạo”:
Đạo mạo nghe trộm điện thoại
Đạo mạo nhìn ngực chị em trong đám tang
Đạo mạo ký tên vào công trình khoa học
Đạo mạo làm thơ tình khi đã liệt dương
Đạo mạo thả virus vào e-mail người khác
Đạo mạo đánh tráo bài thi
Đạo mạo tiêu tiền âm phủ
(Bài học)
Mai Văn Phấn là tác giả của một
trường ca (Người cùng thời) và 8 tập
thơ (Giọt nắng, Gọi xanh, Cầu nguyện ban
mai, Nghi lễ nhận tên, Vách nước, Hôm sau, và đột nhiên gió thổi, Bầu trời
không mái che). Thơ anh được giới thiệu tại: Thụy Điển, New Zealand, Anh
quốc, Hoa Kỳ, Hàn quốc, Indonesia… Dường như, cứ sau một bài thơ, một tập thơ,
anh làm người kiếm tìm, bón chăm và gieo vãi những mùa vụ thi ca mới. Thành
công hay thất bại còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng ý thức cách tân là một
động thái rất đáng trân trọng. Mai Văn Phấn tiếp cận và hào hứng cổ vũ những
chủ thuyết mới của thi ca thế giới, từ hậu hiện đại đến tân hình thức, từ siêu
thực hiện đại đến mông lung tân hiện đại... Với anh, “Viết để khai sáng chính mình, được thấy mình
khác những người khác”. Và Mai Văn Phấn đúng là Mai Văn Phấn, không thể là một
ai khác, trước hết là ở nghệ thuật ngôn từ - ngôn từ tạo sinh nghĩa:
- Hãy
nhìn xuyên đêm!
-
............
- Thấy gì
không?
-
............
- Chiếc
váy cuối hạ
-
............
- Lay
động thân cành
-
............
- Cánh
tay em cân đối cảnh vật
-
............
- Mở rào
gai góc
-
............
- Không
thấy ngôi sao
-
............
- Run mơ
hồ
-
............
- Ủ nắm
cát trên ngực!
-
............
- Pha lê
ánh sáng
- ............
- Bóng
đen lò luyện khổng lồ
- Thi
nhau vốc cát ném vào đêm tối
(Nhịp VII - Hình Đám Cỏ)
Giữa những dòng thơ có chữ và không chữ ấy là những thông điệp ẩn,
tạo thành mạch ngầm văn bản để người đọc tự phát giác nghĩa ở những quan hệ
khác nhau theo logic liên tưởng của mình.
Mai Văn Phấn cho rằng: “Thật kinh hãi phải ngắm nhìn một nghệ sĩ
cứ đứng mãi một chỗ mà biểu diễn quá nhiều lần một tiết mục tới gần như vô cảm,
nói cách khác là thương hại những ai thâm canh triền miên trên một mảnh đất đã
cỗi cằn. Quá trình vượt thoát khỏi cá tính chính là quá trình vong thân. Với cá
nhân tôi, quá trình vong thân là khoảng cách giữa giai đoạn tạm ngừng sáng tạo…
Mỗi bài thơ tôi quan niệm là một dự phóng, một kinh nghiệm riêng biệt… Truyền
thống không chỉ đơn thuần là sự kế thừa, nó cũng liên tục là những cuộc vong
thân. Nói cách khác, đó là quá trình sáng tạo để tìm đến những giá trị cao hơn
mang tính dân tộc”. Và từ nguồn mạch sáng tạo ấy, nhà thơ: “Tạ ơn mưa nguồn, chớp sáng, mây qua… Tạ ơn
sương sớm, đất đai, đêm tối” (Mưa trong đất) để anh tiếp tục chiêm cảm và sáng tạo.
“Văn chương là hành trình đơn độc đi tìm cái đẹp. Tác phẩm văn
học, trước hết quay lại hoàn thiện nhân cách, quan niệm thẩm mỹ và định hướng
cho chính nhà văn ấy”. Làm người lữ hành dấn thân trên hành trình đơn độc ấy,
Mai Văn Phấn đang xoá nhoà ranh giới giữa văn xuôi và thi ca mà vẫn được gọi là
ngôn ngữ thi ca (langue poetique), nghĩa là anh luôn thay đổi hệ ngôn từ để
chúng làm tiền trạm cho cảm xúc và suy nghĩ của mình để không trở nên xa lạ với
mọi người (dù lúc đầu có như thế thật). Thơ anh chú trọng vào nhịp điệu, tu từ
theo cách của anh – nhịp tình cảm có thật thông qua suy nghĩ, triết luận - đặc
biệt là những liên kết từ lạ, đa dạng và bất ngờ. Những câu thơ văn xuôi hóa
của anh lại súc tích, vì được đặt trong một “từ trường ngôn ngữ thơ” giàu tính
biểu tượng và tượng trưng. Chúng có sức mạnh tạo nghĩa và ám ảnh hơn nhiều lần
những câu mang nhịp điệu của một dàn đồng ca quen thuộc. Điều ấy đã tạo ra chất tự sự hiện đại và cả hậu hiện đại
trong thơ anh, : “Hơi thở truyền nóng
điện thoại giây lát, hỏi anh ăn sáng
chưa, đang làm gì, nhớ ngồi ngay ngắn. Anh trả lời bâng quơ, đặt tay lên bàn.
Tiếng em rì rầm. Quạt để tốc độ nhỏ
thổi gió khắp phòng. Bàn rộng. Cánh cửa
hẹp. Đưa tay có thể chạm đồ vật bất kì. Lọ hoa sáng nay đang tươi trở lại.
Tiếng em vọng từ bông hoa phớt tím, cánh lá nhỏ vây quanh. Anh nghe em cất đi
cuốn sách. Chiếc bút và đồng hồ tự
trôi…” (Nhịp II - Hình Đám Cỏ).
“Thơ tôi là ngôi nhà của riêng tôi, trước hết, ai muốn vào xin hãy
gõ cửa và tuân theo những nghi thức nhất định”. Vẫn biết như H. G. Gadamer nói:
“…Thế giới bao giờ cũng là thế giới đã được giải nghĩa, là thế giới với các
quan hệ chủ yếu đã được sắp xếp lại của mình… Chính vì thế, thông diễn, đơn
giản là chúng ta phải cố gắng tìm hiểu tất cả những gì có thể hiểu được…”,
nhưng đi vào ngôi nhà thơ của Mai Văn Phấn, đôi khi ta là kẻ “nhập gia” nhưng
khó lòng “tùy tục” được để diễn giải tường tận những ký mã của thơ anh. Điều
này đã có J. Lacan chứng nghiệm: “Vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ”, nên
nói tác phẩm văn học như là quá trình
là nói theo nghĩa ấy. Ngôn ngữ một khi được cấu trúc từ vô thức thì việc hiểu
nó càng phải có quá trình chính là vậy.
Giữa cuộc sống xô bồ, Mai Văn Phấn luôn tự hiện hữu mình trong từng
quan hệ. Anh cảm nhận sự trống vắng, lạc lõng khi “chưa nhận tin em” cho đến
khi sững sờ nhận ra một âm thanh, một bóng nắng, một hồi còi thì tất cả dường
như đã trôi nhanh vào xa lắc, dù lúc đó tiếng em đã hiện lên sau không gian im
lặng: “Hôm nay chưa nhận tin em. Anh lạc
trong lá cây, tiếng cười, gió mặn… Mở cửa anh nhìn. Không ai níu con đường trôi
trong bóng chiều. Không ai giữ lại hồi còi đang lan trên đất. Tiếng còi kia vừa
chạm anh, không vượt qua anh. Phía sau im lặng. Mọi vật vẫn trôi như nó vẫn
trôi… Chỉ khi có tiếng em, hồi còi
kia lại tiếp tục trôi nhanh, dù con tàu đã rất xa” (Nhịp IV - Hình Đám Cỏ).
“Sáng tạo chính là cuộc vong thân, là quá trình phủ định bản ngã…
Bài thơ tôi vừa viết xong là bài thơ cũ. Tôi là người luôn mới”. Nhưng bản ngã
ấy, có lúc chỉ như cánh chuồn mỏng manh, tả tơi trên đỉnh gió, thì cũng là bản
ngã của một tín điều thi sĩ:
Thoáng
một cây cầu
Thân thể
anh bị gió bẻ gập
Rũ xuống
tựa chiếc khăn ướt vắt qua hàng lan can
Nhỏ xuống
dòng sông chảy xiết
Nhớ đoàn
tàu lao qua xẻ ngang mình gió
Cột khói
vật ngược cùng hồi còi phút chốc mất tăm
Hơi thở
anh co thắt qua lưỡi gà cây kèn
Nâng cánh
chuồn chuồn mỏng manh
Ung dung
ngả lưng đỉnh gió
Ngoài kia
những vòm lá rối
Lay giật
tả tơi cho đã cơn hưng phấn điên cuồng
Cơn ức
chế thèm khát
(Đỉnh gió)
Việc sáng tạo thi ca, với Mai Văn Phấn gần giống trạng thái lần
đầu được khám phá những gì bí ẩn, phức tạp:
Là con
kiến nhỏ trong thế giới em
Có thể bị
nghiền nát dưới tảng đá vỡ
Dưới gót
giày
Mũi
khoan, lưỡi cuốc
Độ nóng que
hàn
Tiếng rít
từng bánh sắt
Bị thiêu
rụi trong đám cháy rừng
Thành tro
bụi giữa tầm sét đánh
Biết thế…
Vì biết
thế
Nên đỉnh
đồi
Hay tận
hang sâu
Anh hóa
thân thành muôn ngàn loài kiến
Kiêu hãnh
bò đi trên thân thể em
(Nhịp IV - Hình Đám Cỏ)
Mục đích của thi ca là tạo lập một từ trường, để tất cả từ đồ vật
đến linh hồn đều được cất tiếng nói, trong một trật tự mới: “Trong hơi ấm nồng nàn - Hạt nắng chảy vào em - Mùa nước về rạng rỡ - Con ong rạch đường bay - Cây cao vươn bóng anh - Chim bồ câu ra ràng - Sương đêm côn trùng tỉnh dậy - Lũ nấm rơm mở mắt - Trùm lên non nớt xanh” (Giai điệu xuân). Trong trật tự thi giới Mai
Văn Phấn, có những thứ tưởng như không thể khuôn lại trong “chiếc lồng” thì lại
tự quay về, tự sắp xếp như một ám ảnh nghệ thuật:
Tôi vội
vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ
Sợ chim
bay đi…
……..
Chẳng cần
chim lại bay về
Tiếng hót
ấy giờ tôi nghe rất rõ
(Con chào mào)
Hoặc:
Đêm ái ân
lặng phắc ngọn đèn
Trái hồng
đượm trong hương cốm nõn
(Cốm hương)
Tiêu đề các tập thơ của Mai Văn Phấn đều ẩn dụ một ý nghĩa đổi mới
và mang tinh thần tiên phong trong quan niệm thi ca. Ví như Hôm sau, không chỉ là thời gian thường
nghiệm chỉ ngày tháng mà chính là hôm sau của sự tiếp tục làm mới thi ca. Hoặc và đột nhiên gió thổi, tôi cũng xin được
hiểu theo cái nghĩa bất ngờ của sự bừng ngộ thi ca, của những cái khả nhiên từ
thiên nhiên đưa đến và trở thành năng lượng mới cho tâm hồn để biến thành thơ.
Còn với Bầu trời không mái che thì
xác tín trong tôi đã rõ. Mai Văn Phấn muốn thơ là ngôi nhà tâm hồn trần trụi,
không nên lúc nào cũng phủ lên nó mái che, làm mất khả năng bắt sáng và bắt
sóng. Chỉ có những khả năng ấy thơ mới tự do tỏa phát một cách nhanh nhạy và
tối đa thế giới nội tâm và ngoại giới từ vi mô đến vĩ mô mà không bị gò bó, cản
trở. Chỉ có tâm hồn nhạy cảm và luôn suy tư, trăn trở của anh mới là mái che
cho những va chạm, sinh thành những tứ thơ mới lạ, kỳ thú, lấp lánh lời giải
đáp về những điều hằng cửu tốt đẹp của cuộc sống và thi ca mà anh có sứ mệnh
phải chở che mà thôi!
Không thể trình bày hết và tường giải hết sự hiểu của mình về thế
giới hình tượng và ngôn từ đa nghĩa trong thơ Mai Văn Phấn. Nhưng qua hình
tượng, qua ngôn từ ấy, người đọc sẽ bất giác hiểu những gì không phải chỉ trên
bề mặt của chúng mà là ở dư vị, dư hương, dư âm, dư vang của hình tượng và ngôn
từ, dù chúng đa dạng và biến ảo, cổ xưa và hiện đại đến đâu. Khi ấy, ta mới
thấm thía câu nói của nhà thi học C. L. Strauss mà đến nay vẫn còn đáng để tham
chiếu: “Thi sĩ là những kẻ cuối cùng còn sót lại biết rằng ngôn ngữ cổ xưa vẫn
còn những giá trị”. Hành trình tạo sinh nghĩa trong thơ Mai Văn Phấn đi từ
truyền thống đến hiện đại và lại tiếp tục bén rễ trong truyền thống mới để tiếp
tục hiện đại và hậu hiện đại, như anh nói: “Nhưng thời gian qua đi, những giá
trị thi ca đích thực vẫn còn đó. Những giá trị thi ca mới mẻ, thậm chí xa lạ
hôm nay sẽ dần dần chinh phục được bạn đọc và nó sẽ trầm tích thành “truyền
thống”.
*
Trong một phỏng vấn ngắn, khi được hỏi: Mỗi người chỉ có một lần cơ hội, Mai Văn Phấn trả lời: Chết như một nhà thơ. Đó có thể xem như
tâm nguyện và đức tin tôn giáo thơ của Mai Văn Phấn. Anh đã tự nguyện làm “con
chiên” của thơ để mang vác cây thánh giá chữ đi cùng hành trình cuộc sống –
hành trình thi ca mong cứu chuộc tâm hồn mình và đóng đinh niềm tin vào sự sáng
tạo. Muốn vậy, nhà thơ còn phải tiếp tục vượt qua thử thách, hệ lụy bằng cách
luôn vượt chính mình, nói theo ý nghĩa và trong khuôn khổ của sự tiến lên, nhằm
làm thất bại (hay thất vọng, cũng thế) mọi nuông chiều theo những sở thích dễ
dãi để thực sự tự do hoàn toàn trong vương quốc của chữ và nghĩa mà tư tưởng nhà thơ mang vác. Dù cuối cùng
có thể bị thất bại, nhưng không thể không tiếp tục hướng về đích vinh quang mà
thơ ca đang vẫy gọi và chờ đón. Có thể mượn câu thơ của Chế Lan Viên để nghĩ về
hành trình thơ Mai Văn Phấn mà anh đã luôn tự nguyện “vong thân” và gián cách
với độc giả cho cái mới hiện hình: “Nghệ
sĩ lớn là người nào biết gián cách họ với ta bằng tác phẩm – Đem tất cả cái Bên
Trong tạo Hình Thức bên ngoài”.
Vỹ Dạ -
Huế, 5/2011
H . T . H
(Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành
công - Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/ 5/
2011, NXB Hội Nhà văn, 2011).
______________________________
TÀI LIỆU
THAM KHẢO
1. Lại Nguyên Ân và… (2003), Văn học hậu hiện đại thế giới- Những vấn đề
lý thuyết, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
2. Hồ Thế Hà (2007), Những khoảnh khăc đồng hiện, NXB Văn học, Hà Nội.
3. Hội Nhà văn Việt Nam (2010), Nhà văn Việt Nam hiện đại, NXB Hội Nhà
văn, Hà Nội.
4. Inrasara (2008), Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
5. J. F. Lyotard (2008), Hoàn cảnh hậu hiện đại, NXB Tri thức, Hà Nội.
6. Mai Văn Phấn (2011), Thơ tuyển Mai Văn Phấn cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn, NXB Hội
Nhà văn, Hà Nội.
7. Hoài Thanh – Hoài Chân (1988), Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội.
8. Ilin – Tzurganova (2003), Các khái niệm và thuật ngữ của các trường
phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.