Thơ là Ngôi Lời

Phạm
Xuân Nguyên
Đây là tuyển thơ lần
thứ nhất của nhà thơ Mai Văn Phấn.
Từ những bài thơ đầu
tiên anh đã muốn khác, và khác. Vẫn trong cái vẻ lục bát nhịp nhàng muốn thành
cổ điển, người thơ đặt vào đấy một sự cân xứng trầm tĩnh khá là lạ nếu ta biết
khi anh xuất hiện đang ở tuổi trẻ. Câu thơ sáu tám trong cái sự chừng mực của
khuôn hình nhưng chữ dùng và nhịp thơ của người viết đã chất chứa một sự thăm
dò để bung phá. Anh là một người làm thơ chững chạc ngay từ đầu, có ý thức ngay
từ đầu.
Vâng, ngay từ đầu,
nhà thơ đã đi tìm. Tìm trong một xác quyết thơ phải khác. Khác với thơ hôm qua,
khác với thơ hôm nay. Khác trong mỗi bài, mỗi câu. Khác với chính mình trước
mỗi hành động viết thơ. Cho nên rất ít thấy thơ Mai Văn Phấn trong những cuộc
điểm danh của dàn đồng ca chung về thơ. Thơ anh đứng hẳn ra một chỗ mà mỗi khi
được nói đến là nói với sự trân trọng cùng với một mơ hồ bí ẩn mà người nói
chưa dám chắc, còn người được nói thì đang như hứa hẹn. Và quả thật, mỗi tập thơ
của Mai Văn Phấn ra đời là một sự khác. Nó được đẩy tới trên con đường đi tìm.
Quyết liệt, nhẫn nại, nhà thơ đưa thơ vào những ngõ ngách tâm hồn mình và những
thế trận, ma trận chữ. Sáng tạo là làm khác để làm mới, tại sao lại không dám
thử con âm con chữ cái nghĩa, tại sao không xới tung những khuôn khổ khung hình
tưởng đã yên ổn, vững vàng. Anh đã nghĩ những tại sao như vậy và thơ anh tìm
cách trả lời những tại sao đó. Ráo riết, băn khoăn, ngờ vực, tự tin, nhà thơ
bắt thơ mình làm ra ướm vào nhiều hình nhiều dạng chữ, nhiều thể cách phát
ngôn, nhiều khuôn thức tạo nghĩa. Có thể nói, anh đã nhúng thơ vào cả trường cổ
điển và hiện đại, cả hậu hiện đại nữa, để tìm cái anh đi tìm. Đây là một điều
theo tôi rất quan trọng, có ý nghĩa thiết yếu đối với người sáng tạo văn chương
nghệ thuật, đặc biệt cho thơ và người thơ. Hành động tìm kiếm luôn là tìm cái
đi tìm, chứ không phải từ đầu mình đã biết là tìm cái gì. Trong quá trình tìm
đó, người viết tạo ra mọi khả năng chữ có thể, và cũng sa vào mọi có thể khả
năng chữ, để rồi bất ngờ, ngẫu nhiên mà cũng lại là tất yếu, hắn hạnh ngộ được
cái hắn tìm. Chữ bật ra Lời. Thơ là/thành Ngôi Lời. Run rẩy và sững sờ. Thiêng
liêng và huyền hoặc. Và khi đó và từ đó, hắn biết mình ở đâu, biết mình là ai
trong khoảng không-thời gian của sáng tạo, phút chốc và miên viễn. Trong đời
người ta hiếm lắm giây phút được mặc khải, nhưng với thơ sự thần khải có thể
lóe lên ở một chữ, một từ. Khi đó nhà thơ là người được ban ân sủng, nói theo
cách thường hình dung nhà thơ là tín đồ của một tôn giáo thơ ca, tôn giáo cái
đẹp cao cả.
Tôi vừa nói hậu hiện
đại của thơ Mai Văn Phấn trên đường tìm thơ. Ở đây hậu hiện đại không phải là ở
chỗ hình thức bề ngoài như trình bày bài thơ theo dạng văn bản fax, cũng không
phải ở chỗ rối rắm, phức tạp cố ý. Thơ Phấn hậu hiện đại trước hết theo nghĩa
mỹ học hậu hiện đại của Jean-Francois Lyotard. Nhà triết học Pháp phân biệt các
phạm trù hiện đại và hậu hiện đại trong nghệ thuật theo hai cách. Thứ nhất, chủ
nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) được gọi là một phong trào tiền phong thì
luôn làm việc bên trong bản thân chủ nghĩa hiện đại (modernism). Nó mới mẻ và
khác biệt đến chỉ có thể gọi là hiện đại khi nhìn lại. Theo nghĩa này, chủ
nghĩa hậu hiện đại là tinh thần của sự thực nghiệm cuốn chủ nghĩa hiện đại vào những
hình thức bấp bênh, luôn thay đổi; nó là sức mạnh phá vỡ làm lung lay những quy
tắc đã được công nhận về tiếp nhận và ý nghĩa. Đối với Lyotard một cái gì đó
cần phải là hậu hiện đại đã, trước khi nó trở thành hiện đại. Cụ thể, nó cần
phải khiến lo lắng trước khi nó trở thành chuẩn mực được chấp nhận. Điều này,
Mai Văn Phấn có thể ý thức được hay không, nhưng độc lập và đồng thời cùng một
số những nhà thơ khác, anh đã thực hiện những bước đi hậu hiện đại để tìm cách
xác lập một giọng điệu khác của thơ, trước hết là cho mình.
Thứ hai, theo
Lyotard, nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại có thể phân biệt theo cách sau. Cả
hai đều liên quan với cái bất khả thể hiện (unpresentable): cái không thể được
trình bày (hay biểu hiện) trong nghệ thuật. Tuy nhiên, nghệ thuật hiện đại
trình bày một thực tế là có cái bất khả thể hiện, trong khi nghệ thuật hậu hiện
đại cố tìm cách trình bày cái bất khả thể hiện đó. Lyotard viết: “Nghệ sĩ hoặc
nhà văn hậu hiện đại ở vị thế của nhà triết học: văn bản hắn viết ra hay tác phẩm
hắn tạo ra về nguyên tắc không bị điều khiển bởi những quy tắc được xác lập từ
trước… Những quy tắc và phạm trù như vậy là cái mà tác phẩm hay văn bản đang
tìm kiếm. Người nghệ sĩ và nhà văn do đó là làm việc không có các quy tắc và để
xác lập những quy tắc cho cái đang được
làm ra. Đấy là lý do vì sao tác phẩm và văn bản có những đặc tính của một
biến cố (event)”. Điều này có nghĩa, văn học nghệ thuật mang tiềm năng biến
đổi. Nghệ thuật, theo Lyotard, không đơn giản là phản ánh hiện thực. Đúng hơn,
nó can thiệp vào các thể loại diễn ngôn cấu trúc một hiện thực định sẵn và mở
ra những khả năng phá vỡ và thay đổi [các thể loại diễn ngôn đó]. Chính là
trong tinh thần này, Mai Văn Phấn đã làm bối rối người đọc thơ anh khi họ thấy
anh xới tung, lật tung mọi thứ, và tưởng chừng như bế tắc, lúng túng. Quả là
đọc thơ anh có lúc nghĩ cũng lo cho người thơ và cho thơ. Lo trong một niềm
đồng cảm và chờ đợi.
Bầu trời không mái
che. Thì ra những hình thức, thể loại này khác chỉ là những thứ mái che, cần có
lúc, nhưng không phải lúc nào cũng cần. Con người sinh ra vốn đầu trần. Thơ
khởi thủy là Lời để thành Ngôi Lời. Tuyển thơ Mai Văn Phấn này chứng thực chặng
đường người thơ đi từ Chữ về Lời, từ hiện đại về truyền thống. Cái truyền thống
vẫn là hồn nhiên, trong trẻo, nhưng đã ngấm chất hiện đại, nên là truyền thống
của hiện tại, được nói bằng một giọng điệu Mai Văn Phấn. Một giọng điệu thơ
Việt. Giống như ta mang giọng làng quê đi khắp năm châu bốn biển nói nhiều thứ
tiếng, khi trở lại làng giọng ta nghe như không đổi mà thực ra là đã đổi đến
tưởng như không đổi. Thơ Việt Nam hiện đại có một giọng điệu Nguyễn Quang Thiều
chan chứa, tràn trề âm sắc mang nỗi khắc khoải buồn về sự phai nhạt, tàn lụi
những giá trị sống truyền thống. Giọng điệu thơ Mai Văn Phấn trầm lắng, vật vã
trong câu chữ dồn nén lo âu trước sự tha hóa của nhân sinh hiện thời. Sắc điệu
thơ Phấn, thơ Thiều vừa là cái đã tìm thấy vừa vẫn mở ra những cái khác mới đi
tìm. Nguyễn Quang Thiều cũng vừa có tuyển thơ lần thứ nhất của mình. Và đây
tuyển thơ lần thứ nhất của Mai Văn Phấn. Như vậy, thế hệ thơ mới sau 1975 đã
đến, đã ở lại trong thơ Việt bằng một giọng điệu thơ khác, một lối thơ khác. Đó
là một niềm vui mừng.
Đọc tuyển thơ Mai Văn
Phấn là đi cùng nhà thơ trở lại con đường thơ của anh và thế hệ anh. Đi cùng và
lắng nghe những nỗi xôn xao của người thơ khi bước một mình trên đường và cả
tiếng xôn xao của người đọc thơ khi không trên đường một mình như nhà thơ. Trong
trường hợp này tôi muốn dẫn lời nhà thơ Pháp Henry Deluy để nói với cả hai:
“Trước hết chúng ta cần quy ước với nhau cái ta gọi là thơ. Điều này hoàn toàn
không phải là đương nhiên. Có một định nghĩa về thơ như là cuộc trò chuyện với
Chúa. Nhưng tôi không tin vào Chúa. Tôi không bao giờ trò chuyện với ông ta. Dù
là tôi làm thơ. Và không phải một mình tôi có thái độ như thế. Dùng từ "đe
dọa" để nói về thơ, tôi cho là rất không thích hợp. Tôi nghĩ các nhà thơ
bao giờ cũng tìm được khả năng để tự thể hiện. Cả cái gọi là nghệ thuật trình
diễn, cả cái gọi là thơ thị giác thực ra đều không gây ra hiểm họa nào. Ngược
lại, tất cả các cái mới đó giúp mở rộng thêm trường thơ. Hơn nữa, chúng không
phải được mang từ ngoài vào, mà phát sinh từ cái chúng ta gọi là thơ.” (Ngân
Xuyên dịch). Xin hiểu Chúa ở đây như một biểu tượng. Đối với một nhà thơ mang
nhân đức tin mãnh liệt như Mai Văn Phấn, thơ là ánh sáng thiêng liêng của Đấng
Toàn Năng luôn soi sáng và dẫn dắt.
Khởi thủy là Lời. Thơ
là Ngôi Lời. Trên cánh đồng nhân gian, Mai Văn Phấn vác cây thánh giá thi ca
bước đi, và, bước tới dưới bầu trời không có mái che. Mái che của nhà thơ là
trời, là Ngôi Lời.
Hà Nội tháng
3/2011
P.X.N
(Lời giới thiệu Thơ tuyển Mai Văn Phấn, Nxb. Hội Nhà văn, 2011)