Nhà thơ Mai Văn Phấn muốn lặng yên cho nước chảy, còn nhà phê bình thì không (tin thơ) - Vũ Gia Hà
Nhà thơ
Mai Văn Phấn muốn lặng yên cho nước chảy, còn nhà phê bình thì không

Tác giả Vũ Gia Hà
Vũ Gia
Hà
Thứ Tư,
06/06/2018 03:12 GMT +7
(Vanhien.vn) - Tối 5/6/2018, nhà thơ Mai Văn Phấn xuất hiện ở Trung
tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội-L'Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội). Tại đây, ông
muốn lặng yên cho nước chảy, nhưng các nhà phê bình và người yêu văn
chương lại không muốn điều đó xảy ra.
Mai
Văn Phấn đến 24 Tràng Tiền vào cuối giờ chiều đầu tháng 6. Hà Nội
đang đẹp: nắng đẹp, lá đẹp, mặt hồ đẹp, các thiếu nữ đẹp. Tuy vậy,
Hà Nội cũng đang phải hứng chịu những đợt nóng. Đây là điểm chê của
Hà Nội. Giá Hà Nội như Đà Lạt? “Giá” là từ khó có thể xảy ra. Mai
Văn Phấn là một nhà thơ. Từ đây, để cho tiện, người viết đôi lúc xin
gọi là Mai. Nghe có vẻ mảnh mai. Nghe có vẻ mùa xuân.
Tại
24 Tràng Tiền có cả người Thụy Điển, là đại sứ. Tại 24 Tràng Tiền
có nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình có tiếng. Có cả người yêu
thơ. Không yêu, không ai đến đây. Khán phòng gần chật kín. Mai đi giày
đen, quần vải, áo cổ ngắn tay, hình như là loại vải lạnh? Tóc
ông rẽ ngôi không đúng nếp. Văn Giá ngồi ghế gần cuối, đang nghĩ ngợi
gì mông lung. Nguyễn Quang Thiều, Đặng Thân ngồi ở ghế cuối, hai ông
khá trầm tư. Riêng Đặng Thân, nhiều lần cười khoái chí. Không biết
cười vì điều gì. Ngồi bên ông có một họa sĩ, tên Phan Thiết, đầu
trọc, đeo kính, ngồi ngả lưng, mắt nhìn trần nhà.
Mai
đi từ cửa bước lên sân khấu chính, hơi run, dáng người nhẹ, tóc bềnh
nhưng không bồng. Ông ngồi vào ghế với vẻ hơi khó chịu. Ông bị người
ta “ép” phải nói về thơ, mặc dù ai làm thơ cũng hiểu, thơ là cái gì
đó khó định nghĩa, nói về nó có khác gì nói về linh hồn. Nhưng
một khi đã nói về thơ thì 99 năm nói cũng không hết.
Mai
từng làm thơ truyền thống vần điệu du dương, sau nhận ra, thơ thế giới
viết khác, vượt thơ Việt phải hơn nửa thế kỷ, những trường phái như
Đa Đa, Siêu Thực, Tân Hình Thức, Chim Chích, Chim Sâu đã đi qua. Thơ Việt
phải khác đi. Thơ phải như cánh đồng, các dòng chảy đi qua lắng lại
phù sa, giúp hoa trái đầy đặn, đẹp. Thơ ông chắc là thứ hoa trái đó.
Mai
tự nhận thích Đạo Phật mặc dù là người sinh ra đã mang trong mình
Đạo của Chúa Giê Su. Mai cũng nói là hay đọc sách của Thiền sư Thích
Nhất Hạnh. Đọc thơ Mai nhận ra được chất thiền. Chất Đạo của Đạo
Phật. Nhiều khi là huyền ảo. Nhiều khi là Lão ảo. Mai nhận ra rằng,
người làm thơ phải có lòng dũng cảm, phải đi đến nơi người khác chưa
đến, phải viết những điều chưa ai viết, đưa hình thức mới chưa ai đưa.
Như nhà thơ Walt Whitman – cha đẻ của tập thơ “Lá cỏ” nổi tiếng bậc
nhất thế giới. Ai muốn tẩy chay ông thì cứ tẩy chay, “Lá cỏ” vẫn cứ
tồn tại cho đến ngày hôm nay. Vậy mà có tay nào đó muốn tống cổ ông
khỏi nước Mỹ vì sự mạnh bạo ông viết ra.
Mai
hiền lành hơn. Mai ít rườm rà hơn, mặc dù ông đang bận tâm nhiều đến
tâm hồn. Mỗi giây, mỗi ngày, Mai phải tu luyện tâm hồn, lương tri, phải
sống đẹp để có những bài thơ để đời. Nhà thơ, với Mai gần giống
với một đạo sĩ. Với Mai, tốt nhất là nhà thơ nên lên núi mà tu, tu
gì thì tu miễn sau khi tu phải sống đẹp để có những bài thơ đẹp. Từ
đẹp ở đây mang nhiều nghĩa.
Sự
thật thì tại L'Espace, Mai muốn lặng yên cho nước chảy, nhưng các nhà
phê bình và người yêu văn chương lại không muốn điều đó xảy ra. Nước
đâu để chảy. Chỉ có Mai mới cảm nhận được. Nhà phê bình thì muốn đi
đến tận cùng của tâm hồn nhà thơ mặc dù không bao giờ đến được. Còn
người yêu thơ thì đi bên cạnh nhà thơ, nhiều lúc, họ nhảy sang đi cùng
nhà phê bình, cùng phe với họ nên không thích cái mà nhà thơ đang
thích.
Lặng
yên cho nước chảy là gì? Chắc chỉ có Mai mới giải thích được. Vài
người nói, đó là sự chuyển động không ngừng của nhà thơ trong sáng
tạo. Riêng Mai có lẽ chỉ nghĩ đơn giản thế này: Đến bên dòng nước
thì nên im lặng, không nên tạo ra tiếng động gì để lắng nghe tiếng
động của nước chảy, chảy mãi. Tuy vậy, để đạt được điều này như ý
nghĩ của ông, thì con người phải biết yêu con người và yêu thiên nhiên.
Nhiều
lúc Mai có vẻ hơi khó chịu khi phải ngồi trên chiếc ghế đệm vành
tròn, nó hơi nóng. Nhiều lúc ông lại thấy dễ chịu. Một lần ông đứng
dậy nói rất nhẹ nhàng, như khi nói về con người Việt Nam, về Nguyễn
Du, về Hồ Xuân Hương. Cái gì đó hài hòa. Cái gì đó khoan dung. Một
lần ông đứng dậy có vẻ hơi giận khi nói về sự thật của các “nhà
thơ già”, bởi họ có xem các “nhà thơ trẻ” ra gì đâu. Trước mặt bắt
tay, sau lưng thì khó chịu, thậm chí thể hiện thái độ... khinh. Mai ôn
tồn khuyên các “nhà thơ già” nên nhìn lại. Thời thế đã đổi khác.
Thẩm mỹ cũng đã đổi khác.
Mai
là người hiền lành. Mai là người nóng tính. Thứ thơ Mai theo đuổi
tựa như đứa trẻ chạy theo mây. Đứa trẻ đuổi được một đoạn rồi ngồi
mệt mơ mộng. Mây thì cứ thản nhiên bay. Thơ là vậy. Ai đuổi thì đuổi.
Chẳng có ai bắt được. Nên thơ cứ hình thức này đến hình thức khác.
Hiện ở nước Việt, có thể nói, thơ Mai Văn Phấn đang là “cơn sốt” với
thế giới. Tuy vậy, ở trong nước, thơ Mai Văn Phấn dường như đang khiêu
khích giới làm thơ. Thơ Mai Văn Phấn cũng đang làm điên đầu giới phê
bình thơ. Chưa ai nhận diện được Mai trong dòng chảy văn học Việt?
Một số
nhận định về nhà thơ Mai Văn Phấn
- Nhà văn
Văn Giá (ảnh trên - ảnh Đổng Thắng): "Mai Văn Phấn là một tiếng
nói quan trọng để tạo ra một thế hệ thơ ca sau năm 1975. Để định danh
thơ ông không phải là chuyện dễ".
- Nhà thơ
Nguyễn Quang Thiều: "Mai Văn Phấn đã biến đôi mắt tôi thành đôi
mắt khác thường khi đọc thơ ông".
- Nhà văn
Chu Thị Thơm: "Thơ Mai Văn Phấn không “đao to búa lớn” nhưng nói
được nhiều điều. Thơ anh trí tuệ, tâm linh, ma mị...".
- Nhà văn
Văn Chinh: "Thơ Mai Văn Phấn động chứ không tĩnh và mang tính nhân
loại".
- Nhà phê
bình Hoàng Đăng Khoa: "Mai Văn Phấn chuyên nghiệp. Ông có cái tâm
thế “vô vi” ngay từ cái tên tập thơ, bài thơ. Trong thơ ông bắt gặp một
nhãn quan “thiên-địa-nhân” tương giao. Mai Văn Phấn sáng tác với tâm thế
không chỉ của một người sáng tác, mà là mang tâm thế của một người
phê bình thơ".
- Nhà phê
bình Nguyễn Thanh Tâm: "Ở Mai Văn Phấn có sự “vong thân”, đó là
ruồng bỏ cả cái thất bại lẫn cái thành công".
(Nguồn: Tạp chí Điện tử Văn hiến Việt Nam - vanhien.vn)
