Mai Văn Phấn
- người “đi quanh con chữ"

Anh Thơ
Sinh năm 1955, Mai Văn Phấn dường như “an vị’
với công việc anh đang làm tại Cục Hải quan thành phố sau khi tốt nghiệp Trường
đại học ngoại ngữ Hà Nội. Nhưng anh còn làm thơ!
Trong bài thơ "Một lần... thi pháp”, Mai
Văn Phấn đã viết: “Khi tắt nắng/ Và bóng đen thức dậy/ Anh đi vòng quanh con
chữ/ Gọi ơi hời”.
Chưa phải "một tuyên ngôn" về bếp
núc thơ. Nhưng là nỗi niềm muốn được sẻ chia với những tâm hồn cùng đồng điệu
với thi nhân thì đã có. Còn gì lấp lánh và huyền bí hơn chữ nghĩa trong thơ mà
nhà thơ mãi cảm thấy bất lực trong cuộc kiếm tìm!
Tôi thích câu thơ này. Lại chợt nhớ đến lời
tự thú rất biết mình trước thơ và nghề làm thơ của anh: "Thật là lạ: Trong
tôi vừa có cảm giác lo sợ, lại vừa cảm thấy yên tâm. Lo sợ vì biết rằng mình sẽ
viết. Song có viết được hay không thì có giời mà biết được". Và Mai Văn
Phấn đi quanh con chữ từ chặng đầu tiên với gần 100 bài thơ in trong ba tập
"Giọt nắng" (Hội văn nghệ Hải Phòng 1992), "Gọi xanh" (NXB
Hội nhà văn Việt Nam 1995) và "Cầu nguyện ban mai" (NXB Hải Phòng
1997) và sau này là “Nghi lễ đặt tên”,” Người cùng thời”, “ Vách nước”…
Đây là những tác phẩm ở đó những con chữ được
anh trau chuốt đến mức làm cho tôi có cảm giác anh đã viết rất khó khăn trong
sự trong trẻo của nhịp điệu và hình tượng thơ được tạo ra từ con chữ: “Những
hạt giống vừa chạm vào ánh sáng/ Đã gặp những gì chẳng thấy trong mơ/ Rơm rạ
mục dâng lên từ đất ẩm/ Gió xước qua bụi gai trong lúc giao mùa” (Tự thú trước
cánh đồng). Cũng chính sự tìm tòi con chữ khiến cho anh Mai có những bài thơ
viết về Hà Nội rất... Hải Phòng: “Hồ Gươm tựa ngày biển lặng/ Tháp Rùa đứng đó
buông neo/ Mặt người thành mây soi bóng/ Nỗi buồn biêng biếc rong rêu"
(Nhớ Hà Nội).
Ở thể thơ lục bát, Mai Văn Phấn uyển chuyển
trong vần điệu, dân dã trong cả ý và lời với sự lọc chữ có ý thức. Khi em gái
đi lấy chồng, anh thổ lộ lòng mình: “Đưa dâu qua chiếc cầu tre/ Lòng anh chạm
lá chua me chạnh buồn”. Và anh cũng nói hộ lòng mẹ: “Em ơi từ độ vắng nhà/ Cá
rô kho mặn ăn ba bốn ngày/ Màn thưa như gió heo may/ Chắc là mẹ ngủ đêm nay
chập chờn” (Em gái đi lấy chồng).
Có thể thấy chung quanh cuộc kiếm tìm đi vòng
quanh con chữ, Mai Văn Phấn ngày mỗi ngày thể hiện rất rõ phẩm chất “không tự
bằng lòng với mình”.
Chữ nghĩa trong những bài thơ, những câu thơ
anh viết về thiên nhiên còn là một ví dụ. Ở đây, anh không dừng ở việc chỉ tả
thực bức tranh thướt tha kiều diễm của cảnh vật. Bằng cách chọn lựa con chữ có
chủ ý, anh xoá nét tĩnh lặng của thiên nhiên. Những cỏ cây, những buổi sớm ban
mai mùa xuân hay mùa thu về không chỉ là sự sinh sôi : “Anh mơ được em gieo
trồng trên ngực/ Bàn tay dịu dàng vun vào da thịt/ Hôn lên tai anh lời chăm bón
thì thào/ Anh cựa mình nồng nàn tơi xốp/ Rồi mùa đông em phủ lá vàng lên mặt/
Nỗi ưu phiền mục ra trong lấm chấm mưa xuân” (Bài ca buổi sớm), mà còn là sự
phân thân trong tâm trạng nhà thơ với cấp độ khác nhay.
Còn nhiều câu thơ trong một bài thơ, còn nhiều
bài thơ là của Mai Văn Phấn không lẫn được với ai trong một tập thơ, dù gần
đây, anh có những cách kết hợp da dạng hình thức thể hiện giữa các thể thơ
trong một tác phẩm. Đó là kết quả của cái tình "trót nặng tơ duyên với thơ
và miệt mài kiếm tìm con chữ” của Mai Văn Phấn.
Đã qua nhiều "cuộc thẩm định" của
làng văn nghệ để đến khi là hội viên Hội văn nghệ Hải Phòng, hội viên Hội nhà
văn Việt Nam, Mai Văn Phấn đã có được những bài thơ của riêng mình nhưng cho
nhiều người. Nhiều tác phẩm của anh đã đoạt giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Bỉnh
Khiêm, Báo Người Hà Nội, cuộc thi thơ Báo Văn nghệ... Thơ của Mai Văn Phấn cũng
được giới thiệu ở New Zealand, Anh quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Singapore…
Song anh vẫn luôn luôn cần và trân trọng sự thẩm định từ phía độc giả. Bởi anh
hiểu người yêu thơ hôm nay đã khác.
Do vậy, đi quanh con chữ để tìm thơ của riêng
mình nhưng trụ lại được trong lòng bạn đọc vẫn là điều Mai Văn Phấn mải mê
trong cuộc hành trình thơ không mệt mỏi.
A.T
(Báo An Ninh Hải Phòng số 1659, ra ngày 17/12/2008)