Người thơ không cô đơn
(Ghi chép)

Vũ
Thúy Hồng
Mỗi khi đọc một tập
thơ hay bài thơ mới của bạn bè, đặc biệt là ở những nhà thơ luôn tìm tòi đổi
mới, tôi lại xót xa ngẫm nghĩ: Hành trình vật lộn với con chữ của họ sao mà cô
đơn, dẫu vẫn biết rằng thơ không phải là món ăn tinh thần dành cho số đông.
Nhưng tại Hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn do Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng phối hợp với
Hội Nhà văn Hải Phòng (Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng) đồng tổ chức
vào trung tuần tháng 5/2011, đã cảm nhận thấy sự quan tâm của đông đảo độc giả,
“người thơ” phần nào bớt lẻ loi trên con đường độc hành của mình.
Không cần PR, tin về hội thảo cứ lặng lẽ lan truyền trên
từng trang mạng với cấp số nhân. Người ta tò mò, hỏi thăm về đốm lửa “lý luận
phê bình” được nhen trở lại từ miền cửa biển trong bối cảnh “thơ đang thiểu
năng trong lòng bạn đọc” như nhận xét của nhà thơ Trần Nhương. Ban tổ chức bất
ngờ với 117 “khách phương xa” từ khắp mọi miền đất nước đổ về Hải Phòng mặc dù
chỉ gửi đi 60 giấy mời, chưa kể 124 hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng và nhiều
quan khách trung ương, khiến khán phòng chật cứng. Con số kỷ lục gần 50 tham
luận của các nhà lý luận phê bình, các nhà văn, nhà thơ, các bạn yêu thơ trong
cả nước và từ nước ngoài gửi đến trước, trong và cả sau hội thảo đã khẳng định:
Hội thảo thành công hơn cả mong đợi, đúng như bày tỏ của nhà văn Đình Kính, Ủy
viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng: “...Bằng bề dày
học vấn và kinh nghiệm, bằng sự công bằng của tri thức và thành tâm, các tác
giả sẽ có những đóng góp đáng trân trọng góp phần vào sự thành công của hội
thảo”.
Trong diễn văn chào mừng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ
thuật Hải Phòng Tô Hoàng Vũ đã đề cập đến truyền thống thơ và văn học nói chung
của Hải Phòng, thời nào cũng có những tác giả xuất sắc, chẳng những làm sáng
đẹp đất Cảng mà còn đóng góp vào sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, tiêu
biểu như Thế Lữ, Văn Cao, Nguyên Hồng, Thi Hoàng, Thanh Tùng... và bây giờ là
Đồng Đức Bốn, Mai Văn Phấn.
Thời gian hạn hẹp 10 phút cho một diễn giả chỉ đủ để họ
giới thiệu khái quát về bài viết của mình, còn chi tiết thì “mời các anh các
chị nghiên cứu trong cuốn kỷ yếu” dày gần 400 trang mà Ban tổ chức đã công phu
trình bày và in ấn rất cẩn thận. Bên cạnh “Tuyển tập thơ Mai Văn Phấn cùng tiểu
luận và trả lời phỏng vấn” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý II/2011, các
đại biểu có trong tay toàn bộ phần thơ của Đồng Đức Bốn rút từ tổng tập “Chim
mỏ vàng và hoa cỏ độc” - tập thơ cuối cùng ra mắt trước khi nhà thơ qua đời vào
tháng Giêng năm 2006. Có thể thấy sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của Ban tổ
chức, qua đó là nghĩa cử đối với hai tác giả tài danh của Hải Phòng, thể hiện
niềm tự hào về hai dòng chảy riêng biệt, hai khuynh hướng khác nhau nhưng được
nhận định là hai hiện tượng thơ trên thi đàn trong vài thập niên qua. Đồng Đức
Bốn làm thơ lục bát, “gắp” những mảng miếng của cuộc sống hiện đại, thị thành,
của nông thôn thời mở cửa đưa vào thể thơ truyền thống. Mai Văn Phấn tiên phong
trong những sáng tạo, cách tân, thổi vào thơ một tư duy thẩm mỹ khác biệt, như
nhà thơ Đỗ Minh Tuấn đã đúc rút là “thoát xác, hóa thân để thiết lập trật tự
thi ca mới”.
Các tham luận tại hội thảo đã “xới tung” Mai Văn Phấn và
Đồng Đức Bốn trên mọi khía cạnh nghề nghiệp và tư tưởng, phân tích hiệu ứng
thẩm mỹ mà các tác giả mang lại cả trong đời thực lẫn trong thơ. Đã rõ ra những
ý kiến hai chiều khen chê thẳng thắn, không chỉ là những “cánh đồng bất tận lời
ca ngợi, né tránh chê nhau” như lo ngại của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên
hiệp các hội Văn học nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam mô tả về kiểu lý
luận phê bình thường thấy trên báo chí hiện nay.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đào Duy Hiệp có bài tham luận khá
công phu, mang tính học thuật cao về những chặng đường sáng tạo thơ Mai Văn
Phấn. Nhà thơ Thi Hoàng đọc tham luận “Cách tân, như là đẩy thơ vượt qua tai
họa”. Ông vừa “Thương sự cách tân, nể sự cách tân, ghét sự cách tân và phục sự cách
tân” khi đọc Mai Văn Phấn, mừng cho chặng đường đã qua song cũng quan ngại ở
những chặng chưa tới của thơ cách tân với cách tiếp cận độc giả khi mở ra hai
kiểu “đọc lý thuyết” và “đọc hưởng thụ”. Nhiều tham luận xưng tụng rất đại ngôn
khiến người nghe choáng váng như lạc vào mê lộ khi được giật những cái tít ma
mị, đơn cử “Quyền kiến tạo đám mây” - giải mã thi pháp thơ Mai Văn Phấn của nhà
thơ Đỗ Minh Tuấn có đoạn: “Nàng Thơ của Mai Văn Phấn không chịu ngồi yên trong
tọa độ thi ca, mà luôn cưỡi con ngựa liên tưởng bất kham để thực hiện những
cuộc phiêu lưu xuyên thế giới, làm nên thi pháp lập lờ biến hình ảo thuật của
những đám mây. Và hành trình xuyên thế giới của Phấn luôn luôn đi từ đời thực
đến giấc mơ, từ không gian cận kề đến bầu trời vũ trụ, từ đồ vật tầm thường đến
những cảnh giới đầy ánh sáng tâm linh”.
Nhà thơ Nhã Thuyên thì lập luận về “Khí quyển thơ - sinh
thái của Mai Văn Phấn: Thơ, bầu trời và những linh hồn“, chị nhận xét như một
nhà nghiên cứu môi trường: “Tôi có cảm giác thơ Mai Văn Phấn xanh, sạch và đẹp;
nó đóng góp vào hành trình của thế giới con người không chỉ có con người, làm
gần lại thế giới ấy”.
Đông đảo khán phòng đều rưng rưng nhớ về Đồng Đức Bốn khi
nghe các các tham luận của nhà thơ Bùi
Kim Anh “Đồng Đức Bốn - đa đoan lục bát gọi nhau” và Đinh Quang Tốn “Những bài
thơ cuối cùng của Đồng Đức Bốn”, ôn lại nhiều kỷ niệm về “một con người kỳ lạ
bậc nhất làng văn Việt Nam cả trong đời thường lẫn trong văn chương”. Nhà thơ
Nguyễn Thúy Quỳnh đánh giá cao tài năng nhưng thiếu cái hiện thực đời sống của
thơ Đồng Đức Bốn, chị phát hiện về ba hình tượng nghệ thuật của Đồng Đức Bốn
khá độc đáo: Mưa, giông bão và sông và có số liệu thống kê cụ thể. Nhà thơ
Nguyễn Trọng Tạo trong tham luận “Đồng Đức Bốn bắc cầu lục bát” đã đưa ra nhận
định: “Đồng Đức Bốn không phải là nhà thơ mang tư tưởng thiền, anh chính là một
nhà thơ hiện thực mang bi kịch lãng mạn. Vì vậy mà nhiều khi anh ngơ ngác trước
những nghịch lý trớ trêu của cuộc đời. Và anh đã làm thơ, đặc biệt là thơ lục
bát, gây được ấn tượng trong lòng bạn đọc. Có thể nói, Đồng Đức Bốn đã “bắc cầu
lục bát” để đến với cuộc đời này“.
Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà
Văn Việt Nam - Nhà thơ Bằng Việt đánh giá
rất cao cuộc Hội thảo mà theo ông là hay, rất kịp thời vì: “Khoảng mươi năm
trước, chúng ta còn phải băn khoăn với việc thơ bị ghẻ lạnh, bị trì trệ. Nhưng
hôm nay Hải Phòng đã làm người ta phải nghĩ khác về thơ. Đây đang là bắt đầu sự
trở lại và hy vọng đó là sự trở lại huy hoàng của thi ca của thế kỷ này như nó
đã từng trong thế kỷ trước”. Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Trung bay từ Đà
Lạt ra thì rất ấn tượng với cách chọn chủ đề của hội thảo “Thơ Mai Văn Phấn và
Đồng Đức Bốn - Khác biệt và Thành công”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ
tịch Hội Nhà văn Việt Nam tổng kết hội thảo, nhận xét về thành công trước hết
là sự lựa chọn khoa học về hai nhà thơ tiêu biểu, không chỉ của Hải Phòng. Sau
nữa và đặc biệt quan trọng là các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình viết tham
luận rất hay, rất công phu, đầy tri thức và phát hiện nhiều vấn đề học thuật,
nhiều vẻ đẹp thi ca hết sức khác nhau.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng
định: Hội thảo đã tập hợp những trí tuệ (nếu không nói là) cao nhất của nền văn
học nước nhà. Chỉ nói về hai tác giả nhưng đã mở ra hai chân trời thi ca, hàm chứa
những vấn đề của đời sống văn học: nội dung và hình thức, truyền thống và cách
tân. Hóa ra đi đến tận cùng dân tộc lại gặp thế giới, gặp hiện đại. Sau hội
thảo này, Hội Nhà văn Việt Nam muốn nhân rộng, muốn “làm điểm” cho các địa
phương khác trong cả nước học tập.
Đọc Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, nhìn các anh đi trên
con đường tìm tòi chính mình, tôi cứ liên
tưởng đến hình ảnh “Người đàn bà một mình đi đường” trong thơ của Blaga
Dimitrova: “Mình không dùng anh ấy để làm cầu qua/ Làm ván để nhảy xa/ Làm bức
tường để tựa mình ẩn nấp/ Mình đến với anh ấy với tư cách là người bình đẳng/
Và chỉ để yêu thương anh ấy mà thôi”. Các anh đã dũng cảm và liều lĩnh đến với
thi ca bằng tình yêu, bằng trái tim. Và dù viết theo phong cách nào, trào lưu
nào, cấu trúc ra sao, thì không gì khác là vẫn hướng đến cái đẹp, góp phần làm
nên tầm vóc của văn chương đương đại, làm nên giá trị nhân văn của văn học Việt
Nam, như Phó giáo sư-Tiến sĩ Văn Giá trong tham luận của mình đã khẳng
định “Thơ sinh ra để nói về niềm hy vọng của con người”.
Hải Phòng, tháng 5/2011.
V.T.H
(Báo Đất Việt, 5/2011)