Những ngón tay dị dạng
(Về tập thơ “Viết”, Nxb Thanh Niên, 2001)

Điêu khắc của Tom Eckert
Đặng Huy Giang
LTS. báo Người Hà Nội: Thơ “Viết” là
một tập hợp thơ của các cây bút: Nguyễn Quang Thiều, Ngô Tự Lập, Vương Huy,
Phan Bá Thọ, Thảo Phương, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Đạt, Mai Văn Phấn, Nguyễn
Công Bình, Nguyễn Quốc Chánh, Phan Huyền Thư, Trần Tiến Dũng… Sách do Nxb Thanh
Niên ấn hành năm 2001.
Một trò chơi hình thức đang được bày ra. Không luật lệ. Không rào
trước đón sau. Không cần ai hiểu. Cũng không cần hiểu ai. Chúng tôi đang nói
đây! Chúng tôi nói bằng cái giọng của chúng tôi đây! Hiện đại đây! Lạ lẫm đây!
Các người nghĩ gì? Mặc. Khó nghe và khó hiểu ư? Tốt. Không giống ai ư?
Càng tốt. Tìm hiểu chúng tôi ư? Thế là thành công rồi. Ai cấp giấy phép
in cho chúng tôi hả? Đừng có can dự vào công việc của người khác. Nhà xuất bản
Thanh Niên đấy! Mới ấn hành vào đầu thiên niên kỳ ba đấy! Quyền tự do phát ngôn
trong thơ đấy!
Đó là cảm tưởng chính của tôi sai khi đọc xong tập thơ “Viết”. Mở
sách ra, chủ yếu ta gặp những câu thơ viết dài, viết ngắn, ngắt nhịp hay không
ngắt nhịp, tùy… Có câu dài 200 từ, có câu cụt lủn chỉ một từ. Thỉnh thoảng bắt
gặp một từ chỏng chơ trong một câu thơ, tựa như đoàn người đang đi, có người hô
dừng lại, giọng gay gắt mà không có lý do gì: Nào là bỏ, lạnh; nào
là hắt, rụi, bụi…
Rồi những từ, những tập hợp từ, hoặc là tên bài thơ, hoặc là lẫn
vào những câu thơ, thoạt nghe đã thấy ù tai, chóng mặt: Chết tươi, kênh
rãnh giác quan, ý thức rách, tận đáy chìm xuống, hoang giữa hai vách, trước
cổng đóng gió… Nhưng thôi, dù sao đấy mới là hình thức. Thơ viết theo niêm
luật hay không theo niêm luật, đúng cách hay phá cách… không quan trọng. Quan
trọng là…
Hãy nghe một người diễn tả sự hành hạ: Gương mặt giẫm lên
tôi – Tôi không thể lặng xuống giẫm đạp bị chìm xuống. Tạm “giải mã”: Chắc
gương mặt này phải gớm ghiếc như bàn chân nên mới giẫm được, đạp được chứ.
Hãy nghe một người nói về ham muốn thể xác: Em ngoạm, hút
tôi – Trước khi tôi già đến mức chỉ còn biết cãi nhau với răng cửa của em.
Tạm “giải mã”: Ham muốn như một con ma cà rồng hút máu. Em đang tranh thủ tận
dụng sức lực của tôi. Tôi bất lực và chỉ còn biết căm thù cái răng cửa của em
(có thể nó sắc quá trong một hàm răng vổ chăng?).
Hãy nghe một người nói về chỗ đầu tiên mà thức ăn phải đi
qua: Vòm họng tươi tốt dịch vị. Tạm “giải mã”: Trọng họng có rất
nhiều nước bọt, có tác dụng tốt cho việc tiêu hóa.
Hãy nghe một người nói về một người nông dân đang lao động trên
cánh đồng: Nước mắt lửa kéo cày. Tạm “giải mã”: Tác giả muốn nói
tắt cho có vẻ ảo: Thực ra là người nông dân kéo cày vất vả lắm và nước mắt (có
thể thấp hơn là mồ hôi) nóng như lửa, đã đổ ra cho cái sự kéo cày ấy.
Còn đây là một liên tưởng: Con bướm nặng nhọc nâng mặt đất
trầm mặc sũng nước lên cao. Tạm “giải mã”: Con bướm có đôi cánh ướt, màu
đất, đang bay từ đất lên.
Hãy nghe hai người diễn tả cảnh chăn gối cũ rích, nghe mùi mẫn,
“mới mẻ” đến mức không còn biết đâu là giời đất nữa:
-
Hít hà ngực em hiện lên trảng cỏ
con ngựa hoang…
-
Hạt mầm vú ủ trong chăn ấm nâng
bờ hai con đê…
-
Hênh hếch chân em nuột nà ngang
ngực…
-
Ngã ba yêu hấp hé nụ tình…
-
Tự trút áo, tôi lột trần chờ hái…
Xin các vị cứ việc ngủ, cứ việc làm bất cứ điều gì trong bóng tối
mà các vị thích, hãy giữ làm của riêng, đừng phô ra như thế. Cũng đừng đánh
bóng mạ kền cái sự hành lạc đầy ô nhiễm ấy nữa.
Còn câu này nói gì: Lưỡi cày va nhau chập nổ mồ hôi nóng.
Tạm “giải mã”: Chắc là hai bác nông dân vác cày đánh nhau to đây. Một bên như
âm, một bên như dương, nên mới nổ. Lưu ý: Nổ thường đi liền với khô khốc và
nóng, nhưng nổ ở đây rất đặc biệt, tuy nóng nhưng lại ẩm ướt (mồ hôi).
Một người hình dung to tát về nỗi khổ của nhà thơ: Thơ nắm
tóc mình trồi lên mặt đất – Thơ câu rút cuộc đời… Để rồi chính anh ta cho
nhà thơ một cái quyền điên loạn: Nhà thơ cười ha hả… rồi ái ân chị Hằng.
Rồi cũng nhà thơ cho mình được quyền nói một câu úm ba la… đến Ông Bành Tổ sống
tám trăm năm, nếu tái thế, cũng cóc hiểu được: Hình dung quặt quẹo quỷ
ma, chẳng thể nào phụ sản điều hòa. Và cũng chính nhà thơ ấy lại hạ thấp
mình, nghe mới thảm hại làm sao: Nằm chung chỗ với chuột chết – Chúng
tôi thò đầu như loài giun…
Nói thế cũng hơi oan, vì có nhiều người trong số họ nói thật dễ
hiểu, nói thật đơn giản, giống như mấy mẩu báo viết dở, viết ẩu… Chưa kể còn
mắc bệnh giải thích có đầu có đuôi nữa:
-
Chúng ta sẽ uống rượu chứ?
-
…
-
Tao thèm cào cào rang quá.
-
…
-
Sao mày biết tao từng ăn món đó ở
rừng.
-
…
-
Ừ thì tao khùng.
Hoặc:
Một tên muốn thành kẻ cướp giấu khẩu súng giả
trong quần khập khiễng chạy trong sự phẫn nộ từ tầng thứ nhất lô A chung cư Lý
Thường Kiệt…
Thơ của Trần Tiến Dũng đấy, không phải tôi bịa đâu.
Đây là đoạn giải thích về kiến (nguyên văn):
Chẳng hạn kiến (một sinh vật theo những nhà
côn trùng chúng không tự chết. Trừ khi bị sinh vật khác ăn).
Chắc là thiếu chữ học sau nhà côn trùng.
Đây là một đoạn giải thích nữa (cũng nguyên văn):
Gọi là miếu Ông Tà (chú Linh hình dung nó
bằng cái chuồng chó).
Để giải thích cái giọng điệu của trẻ con, duwtsa khoát nhà thơ
phải thêm những từ đệm í a à vào (tác giả lo người khác không hiểu được)
cho chắc ăn:
Sau khỉ í a à, voi í a à, gấu í a à, công í a
à, đà điểu…
Viết đến đây, tôi chợt thấy một người trong
số các tác giả ngẩng đầu lên mắng: Nhìn nhận cổ lỗ quá! Tại sao lại đánh giá
những đứac on tinh thần của chúng tôi ở dạng cắt xén như thế. Ông là thằng
chẳng biện chứng, loogic, chẳng Frớt, chẳng Béc xông gì sất. Thực ra thơ của họ
cũng diễn dải lắm, cũng dài dòng lắm, cũng đơn giản lắm, cũng có trình tự một
hai ba lắm, cũng đơn chiều lắm, cũng lớp lang cổ điển lắm:
Người ném đã
vào gáy ta
Chọc gai vào
mắt ta
Mũi nhọn tê
tái
Còn “Mười bài tập mùa xuân” đích thị là 10
câu vọng cổ có “xuống xề” rồi. Nó chỉ khác kiểu “xuống xề” một chút là dài hơi
hơn, rối rắm hơn, hổ lốn hơn, vô nghĩa hơn, không làm chủ được câu chữ hơn:
... cánh bướm nặng nhọc nâng mặt đất trầm mặc
sũng ướt lên cao mặt nước phẳng lặng giãn nở muôn vẻ hạt mưa rồi tự tin vung
lưỡi rìu sóng nước quăn cùn bổ vào sườn đất hạc khô hoá thạch vọng lên mặt cỏ
rân rân tiếng động mùa xuân… tiếng sấm nổ gọi mùa hoa gạo...
Xin lỗi Mai Văn Phấn vì tôi không thể chép
trọn vẹn khổ thơ trong bài thơ trên của ông. Một vì tôi đã mỏi tay. Hai là vì
tôi cũng không muốn bạn đọc mỏi mắt mỏi mồm mà không “hấp thụ” được món tạp
chất của ông. Ông hơi vất vả khi dồn 133 từ trong một khuôn khổ “thơ”, mà cuối
cũng chỉ để chốt lại ở… tiếng sấm nổ gọi mùa hoa gạo đơn giản
thế thôi ư? Nhưng công bằng mà nói, ông cũng là người chăm chỉ, chăm chỉ, có công
bức hiếp từ ngữ. Hình như các ông Vương Huy, Phan Bá Thọ, Nguyễn Đạt, Mai Văn
Phấn, Ngô Tự Lập, Nguyễn Công Bình, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Quốc Chánh đang cào,
cấu, đấm, đá, đạp, trồng cây chuối, leo cây, nói mớ có ý thức với một khoảng
trống vô hình giả định, theo các trò “lên đồng”, “tẩu hoả nhập ma” để hù dạo
độc giả.
Tôi cũng phải xin lỗi là tôi không đủ kiên
nhẫn bàn thêm về các vị một cách đầy đủ được, vì tôi đã rất vất vả khi phải đọc
một thứ “ngoại ngữ tiếng Việt” vừa thiếu dấu, vừa ngô ngọng và không theo một
nguyên tắc ngữ pháp nào cả.
Có người bảo các vị đang nói mê, nói sảng. Có
người bảo: Thơ của các vị thuộc trường phái “bức tường cố tình bôi lem”. Còn
tôi được biết từ lâu nhà Phật có điển tích “ngón tay và mặt trăng”. Trong đó
hật dạy các đệ tử của ngài rằng: “Ta dùng ngón ay chỉ trăng cốt để thấy mặt
trăng, không phải để thấy ngón tay ta”. Trong tập thơ này, tôi chỉ thấy những
ngón ay dị dạng, lở loét mà không thấy mặt trăng của các vị đâu cả.
Cũng có người bảo rằng: Thơ của họ là những
con rắn đang bò rất hăng với những vệt trườn mới mẻ và nóng rực. Rắn dẫu độc
nhưng còn ngâm được rượu thuốc như tam xà, ngũ xà, thất xà… Vs von như thế, e
rằng rắn cũng phải kiếm lỗ mà chui. Có thể đây chỉ là thơ thể nghiệm. Hoan hô.
Vậy sao không ngâm cứu kỹ trong phòng thí nghiệm, mà lại ném chúng ra ngoài đời
vội vã đến vậy?
Đ.H.G
(Báo Người Hà Nội số 34,
ra ngày 25/8/2001)