Tĩnh lặng (37) của Mai Văn Phấn. Nhà văn Bão Vũ bình chú
Tĩnh lặng
(37) của Mai Văn Phấn
Bão Vũ bình chú
Chân dung NV Bão Vũ –
Gò đồng của NT Phạm Xuân Trường
Maivanphan.com:
Sau khi Website Maivanphan.com
công bố bài viết
của TS. Ramesh
Chandra Mukhopadhyaya bình chú bài thơ Tĩnh Lặng (37) của MVP, chúng tôi nhận
được nhiều ý kiến phẩm bình nhiều chiều, trong đó, cũng có người cho rằng TS. Ramesh
đã đưa bài thơ đi quá xa. Đặc biệt, hai bạn thơ kính mến, Sấu Mã và Nhà văn Bão
Vũ đã dành thời gian và tâm huyết đọc kỹ bài bình chú của TS. Ramesh cùng bài
thơ của tôi để đưa ra lời phẩm bình thấu đáo, tinh tế, đầy sức thuyết phục. Các
bạn yêu thơ có thể đọc Ý kiến của bạn thơ Sấu Mã tại đường link này! Xin trân
trọng gửi tới các bạn ý kiến của Nhà văn Bão Vũ, có thể coi đây là bài bình chú khác cho bài thơ Tĩnh Lặng (37). Xin trân trọng cảm ơn Nhà văn
Bão Vũ, bạn thơ Sấu Mã cùng các bạn yêu thơ!
Bão Vũ
Tiến sĩ, nhà thơ người Ấn Độ Ramesh Chandra
Mukhopadhyaya đã kỳ khu viết những lời bình chú sâu sắc cho bài thơ “Tĩnh Lặng
(37)” của Mai Văn Phấn sau khi ông phiên dịch bài thơ từ tiếng Anh ra tiếng
Bengali. Cũng cần nói thêm rằng, tiếng Bengali không chỉ là một thứ phương ngữ
của Ấn Độ mà là ngôn ngữ của một miền đất nổi tiếng với những di sản văn hóa,
là ngôn ngữ mà Rabindranath Tagore đã viết nên những vần thơ đoạt giải Nobel.
Lời bình chú của R.C. Mukhopadhyaya cho bài
thơ Tính Lặng (37) dài hơn cả chính bài thơ. Điều này không phải là đặc biệt
đối với Thơ và nhất là đối với thơ Mai Văn Phấn. Vì ta đã biết những bài thơ
ngắn đến khó có thể ngắn hơn của Phấn, như những bài thơ Haiku, một lối thơ hàm
súc, “ý tại ngôn ngoại” đặc trưng.
Nhưng, đọc bài thơ này, tôi có những ý nghĩ
khác với tiến sĩ - nhà thơ R.C. Mukhopadhyaya. Xin nói ra đây:
Nhà thơ, như một người quan sát sự vật, đã từ
đường phố náo nhiệt bước vào một cửa hàng vải. Những súc vải trên mặt quầy hình
dáng giống nhau như những súc gỗ nằm im lìm trong kho, cùng với chất vải dịu êm
không vang âm đã khiến không khí cửa hàng vải rất tĩnh lặng. Tất cả im lặng cho
dù những súc vải nhiều màu đã từng tham dự vào cuộc sống của bao nhiêu con
người trong cái thế gian ồn ào náo động đầy màu sắc này. Sự tĩnh lặng còn được
thể hiện một cách tuyệt đối khi nhà thơ cầm ly nước len lỏi qua những súc vải
mà không làm sánh một giọt nước... cứ như trôi đi trong một giấc mơ vô thanh.
Tôi nhớ đến một bài thơ tiếng Pháp dành cho
trẻ tiểu học thời chúng tôi. Đại ý, tiếng Việt:
Cái lò bánh mì
ấy rất to
Nó thức suốt
đêm để sinh ra những chiếc bánh mì
Buổi sáng, lò
bánh im lặng thơm phức
Những chiếc
bánh mì tròn nằm im
như những con
mèo đang ngủ…
Sự tĩnh lặng thơm phức của cái lò bánh mì vĩ
đại (so với những đứa trẻ) là sự tĩnh lặng lớn lao sâu thẳm trong tâm hồn trẻ
thơ. “Chiếc lò bánh mì” ấy chính là sự tĩnh lặng vô cùng với những chiếc bánh
mì tròn xinh xắn, im lặng như những chú mèo đang ngủ, khiến cho tâm hồn luôn
đầy ắp những âm thanh của lũ trẻ chúng tôi chợt lắng đi trong sự tĩnh lặng đầy
mỹ cảm, thánh thiện.
R.C. Mukhopadhyaya đã hướng sự Tĩnh Lặng của
Mai Văn Phấn đến cõi Phật. Đó là một ý hay, là sự đồng hợp tâm hồn hai nhà thơ
phương Đông, xứ sở của Phật giáo, của những thiền viện thâm nghiêm, tịch mịch.
B.V
Tĩnh lặng
37
Lạc vào cửa hàng bán vải
Nhiều cuộn chồng lên như đống gỗ
Phải khôn khéo mới len qua
Đây màu nâu trầm
Xanh dương
Kia màu da cam
Trắng nõn
Đỏ boóc – đô...
Màu nào
Một người
Cũng mặc cả đời không hết
Tôi đi
Tay cầm ly nước
Chỉ lo
Lỡ làm đổ lên cuộn vải nào.
M.V.P

Bìa tập truyện ngắn “Thung lũng ngàn sương của Nhà văn Bão Vũ