Đọc bài thơ “Thuốc đắng" của Mai Văn Phấn (bình thơ) - Nguyễn Cảnh Nhu
Nguyễn Cảnh Nhu
Đọc bài thơ “Thuốc đắng" của Mai Văn Phấn
(Viết nhân ngày “Đàn ông” ở Đức )
THUỐC ĐẮNG
(Cho Ngọc Trâm)
Cơn sốt thiêu con trên
giàn lửa
Cha cũng có thể thành
tro nữa
Thuốc đắng không chờ
được rồi
Giữ tay con
Cha đổ
Ngậm ngùi thả lòng chén
vơi...
Con ơi! Tí tách sương
rơi
Nhọc nhằn vắt qua đêm
lạnh
Và những cánh hoa mỏng
mảnh
Đưa hương phải nhờ rễ
cay.
Mồ hôi keo thành chai
tay
Mùa xuân tràn vào chén
đắng
Tuổi cha nước mắt lặng
lặng
Sự thật khóc òa vu vơ.
Con đang ăn gì trong mơ
Cha để chén lên cửa sổ
Khi lớn bằng cha bây
giờ
Đáy chén chắc còn bão
tố.
Mai Văn Phấn
Lời bình của Nguyễn
Cảnh Nhu:
Tôi đọc
bài thơ “Thuốc đắng” của Mai Văn Phấn từ hồi phải lên tận thủ đô Berlin để có
thể mua được một tờ báo mới nhưng thực ra thì tin đã cũ, nghĩa là vào một năm
nào đó của thế kỉ trước. Dịp ấy con gái đầu của chúng tôi mới sang đây không
quen thời thiết lạnh nên đã bị viêm phổi, sốt rất cao, may mà cấp cứu kịp, một
cú hết hồn. Ngoài việc “Thuốc đắng” là một bài thơ hay thì đây cũng là lí do mà
tôi thích đọc bài thơ này đến thuộc lòng.
Trong
cuộc sống cũng như trong văn chương, người ta nói nhiều đến tình mẫu tử, những
công lao và sự hi sinh của người mẹ trong việc nuôi dưỡng con cái. Nhưng cũng
có nhiều câu chuyện ca ngợi tình phụ tử. Trong ca dao đã có câu:
Công
cha như núi Thái Sơn…
Vương
Ông trong truyện Kiều, khi biết con phải bán mình đã đau xót đến nỗi không còn
thiết sống nữa. Thúy Kiều phải dùng những lý lẽ rất khôn ngoan mới đưa đươc ông
tỉnh lại do bị cơn dày vò làm cho mê man:
Thà
rằng liều một thân con,
Hoa
dù rã cánh, lá còn xanh cây.
Nhân vật
trong “Thuốc đắng” là hai cha con. Đứa con (không rõ trai hay gái, nhưng đầu đề
tặng Ngọc Trâm thì chắc là viết cho con gái) còn rất nhỏ, chưa đủ nhận thức để
hiểu được tác dụng của việc uống thuốc, mà người lớn phải giữ tay chân, rồi pha
thuốc vào chén để đổ cho cháu uống.
Người
cha, nếu ta đọc đoạn thơ:
Mồ
hôi keo thành chai tay
Mùa
xuân tràn vào chén đắng
Tuổi
cha nước mắt lặng lặng
Sự
thật khóc òa vu vơ.
Có thể
hiểu là một người đàn ông không còn trẻ trung nữa, anh cũng trải qua những năm
tháng cực nhọc để mưu sinh, một con người chín chắn trong suy nghĩ, giàu cuộc
sống nội tâm và có phần muộn đường con cái.
Mở đầu
là hai câu thơ:
Cơn
sốt thiêu con trên giàn lửa
Cha
cũng có thể thành tro nữa,
Tác giả
đã làm cho người đọc thật sự sửng sốt. Đó là cảnh tượng người cha ôm đứa con
trong lòng khi cơn sốt đang lên hầm hập, nóng đến mức người cha tưởng như có
giàn lửa đang cháy quanh con mình. Ta như nghe những tiếng kêu đến xé lòng của
một người đàn ông: cơn sốt mà cướp mất con thì cha sống làm gì nữa, con ơi!
Tình thế đã bắt buộc phải đổ thuốc đắng cho con uống.
Tôi có
một cái tật (có lẽ cũng nhiều người mắc phải), mỗi khi đọc mấy câu mở đầu một
bài thơ thấy không hay là bỏ cuộc, không đọc nữa. Ngược lại đọc hai câu mở đầu
bài “Thuốc đắng” thì không thể không đọc tiếp.
Đã làm
cha, làm mẹ chắc hẳn ai cũng trải qua những giờ phút bồn chồn, lo lắng những
lúc con ốm đau, nhất là những lúc con nguy kịch. Những câu thơ diễn tả tâm
trạng ấy trong bài “Thuốc đắng” thật xúc động:
Con
ơi! Tí tách sương rơi
Không
biết có phải cái đêm mà tác giả chứng kiến cảnh người cha trông chừng con ốm
vào đúng hôm trời tạnh hay không, nhưng phải nói rằng câu thơ thật sáng tạo. Nếu
viết: “Con ơi! Tí tách mưa rơi”, câu thơ chỉ ở mức bình thường. Nhưng ở đây
chữ SƯƠNG đã nâng tầm câu thơ lên rất cao. Sương phải đọng trên ngọn cỏ,lá cây
một lúc lâu mới thành giọt để rơi được, mà rơi cũng rất nhẹ, con người phải rất
tâm trạng mới nghe được. Có lẽ khi buồn lo thì bản năng nghe nhìn của người ta
cũng nhạy hơn lúc bình thường. Một quan sát thật tinh tường. Tiếp theo lại một
câu thơ hay nữa:
Nhọc
nhằn vắt qua đêm lạnh
Sương
rơi tí tách thì cũng phải lúc trời gần sáng, mới có nhiều sương như vây. Người
cha đã thức thâu đêm bên con nhỏ. Trong cái đêm bồn chồn lo lắng ấy thì mọi cử
chỉ, hành động đều bộc lộ sự nhọc nhằn. Nhọc nhằn đứng dậy, nhọc nhằn rót cốc
nước, nhọc nhằn ngồi xuống, nhọc nhằn… Chữ “vắt” ở đây cũng rất hợp và hay, nó
thể hiện sự yếu ớt, khó khăn của một hành động.
Thật ra
để miêu tả tâm trạng của người cha chỉ cần hai câu thơ ấy là đủ. Nhưng nghĩ đến
việc làm bất đắc dĩ của mình là phải bắt ép con uống thuốc, người cha muốn nói
cho con hiểu nhưng cái chính là cũng để trấn an lòng mình:
Và
những cánh hoa mỏng mảnh
Đưa hương
phải nhờ rễ cay.
Hoa nở
trên cành cây. Cây phải có rễ, rễ nằm ở dưới đất, không thấy được. Để có được
những cánh hoa mỏng mảnh, tỏa mùi hương thì cái rễ ấy đã phải chịu bao khó khăn
và cay đắng.
Con
đang ăn gì trong mơ
Cha
để chén lên cửa sổ
Khi
lớn bằng cha bây giờ
Đáy
chén chắc còn bão tố.
Tôi rất
thích bốn câu kết này. Nó vừa giản dị, vừa cho độc giả biết được cháu bé đã qua
cơn nguy kịch, nhưng quan trọng hơn cả là nó phản ánh đúng tâm lí của người
trong cuộc. Khi con người ta trải qua một sự kiện lớn, dù vui hay buồn, biết
chắc rằng mình không bao giờ quên được, nhưng người ta vẫn muốn có một vật
chứng. Cái Medail của giải thi đấu, hoặc viên đạn được lấy từ trong người ra… Ở
đây người cha cất cái chén lên cửa sổ để mai sau những hạt của viên thuốc còn
đọng ở đáy chén làm minh chứng cho cái đêm kinh hoàng đầy bão tố của hai cha
con.
Nói
chung, “Thuốc đắng” là một bài thơ hay, có những câu rất hay, mở đầu và kết
thúc rất ấn tượng. Nhưng tôi cho rằng, câu thơ “ Sự thật khóc òa vu vơ” không
hợp với bài này, nó giống như một con chim bị lạc vào đàn khác vậy.
Männertag
2019
NCN
