Về bài
thơ "Thuốc đắng" của Mai Văn Phấn
Thuốc đắng
(Cho Ngọc Trâm)
Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa
Cha cũng có thể thành tro nữa
Thuốc đắng không chờ được rồi
Giữ tay con
Cha đổ
Ngậm ngùi thả lòng chén vơi...
Con ơi! Tí tách sương rơi
Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh
Và những cánh hoa mỏng mảnh
Đưa hương phải nhờ rễ cay.
Mồ hôi keo thành chai tay
Mùa xuân tràn vào chén đắng
Tuổi cha nước mắt lặng lặng
Sự thật khóc òa vu vơ.
Con đang ăn gì trong mơ
Cha để chén lên cửa sổ
Khi lớn bằng cha bây giờ
Đáy chén chắc còn bão tố.
Lời
bình bài thơ:
Bài thơ
được trao giải nhất - giải thưởng văn nghệ thành phố Hoa Phượng Đỏ năm 1991.
Nhân
vật trong bài thơ "Thuốc đắng" là hai cha con. Đứa con (không rõ trai
hay gái, nhưng lời đề tặng Ngọc Trâm, chắc là viết cho con gái) còn rất nhỏ,
chưa đủ nhận thức để hiểu được tác dụng của việc uống thuốc, mà người lớn phải
giữ tay chân, rồi pha thuốc vào chén để đổ cho cháu uống.
Trong
cuộc sống cũng như trong văn chương, trong nhiều tác phẩm văn học, đặc biệt thơ
ca đã nói nhiều đến tình mẫu tử, những công lao và sự hi sinh của người mẹ
trong việc nuôi dưỡng con cái. Nhưng không nhiều thơ, truyện ca ngợi tình phụ
tử, sâu sắc, ẩn ý như bài thơ Thuốc đắng.
Bài thơ
diễn tả thật xúc động tình cảm bậc làm cha trong giờ phút bồn chồn, lo lắng
những lúc con ốm đau, nhất là những lúc con nguy kịch. Cảnh tượng người cha ôm
đứa con trong lòng khi cơn sốt đang lên hầm hập, nóng đến mức người cha tưởng
như có giàn lửa đang cháy quanh con mình trông thật đau lòng:
Cơn sốt
thiêu con trên giàn lửa
Cha
cũng có thể thành tro nữa.
Bốn câu
kết đặc biệt hay và sâu sắc. Nó vừa giản dị, vừa phản ánh đúng tâm lí của người
trong cuộc. Khi con người ta trải qua một sự kiện lớn, dù vui hay buồn, biết
chắc rằng mình không bao giờ quên được, nhưng người ta vẫn muốn có một vật
chứng. Cái Medail của giải thi đấu, hoặc viên đạn được lấy từ trong người ra...
Ở đây người cha cất cái chén lên cửa sổ để mai sau những hạt của viên thuốc còn
đọng ở đáy chén làm minh chứng cho cái đêm kinh hoàng đầy bão tố của hai cha
con.
Bài thơ
còn chứa đựng ẩn ý thời cuộc chân thực. Bài thơ ra đời năm 1990, đất nước ta
mới thực hiện đường lối đổi mới được mấy năm, tư tưởng bảo thủ cùng những tàn
dư của thời bao cấp còn khá nặng nề và cũng không phải ai cũng muốn đổi mới;
nhưng muốn đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu thì không thể không tiến
hành công cuộc Đổi mới, mở cửa. Công cuộc Đổi mới quả là nhọc nhằn, vất vả, và
không kém phần quyết liệt, nhưng từ trong nỗi vất vả và quyết liệt ấy đã thấy
bóng dáng cuộc đời mới đang về. Đọc "Thuốc đắng", ngẫm ngợi sâu một
chút ta sẽ thấy ngay cái ẩn ý ấy:
Con ơi! Tí tách sương rơi
Nhọc nhằn vắt qua đêm
lạnh
Và những cánh hoa mỏng
mảnh
Đưa hương phải nhờ rễ
cay.
Mồ hôi keo thành chai tay
Mùa
xuân tràn vào chén đắng
Bài thơ
viết theo thể thơ 6 chữ giản dị, mộc mạc, chân thành, cảm động, chỉ bằng sự
giản dị bình thường như cho con uống chén thuốc đắng để giã tật, mà nói được
vấn đề lớn đang thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Tác giả
bài viết: Cute pikachu
(Nguồn bài và tranh minh họa:
Diễn đàn Việt Nam Overnight)
