Đọc bài thơ “Cốm hương" của Mai Văn Phấn (bình thơ) - Đặng Thành Văn
Đặng
Thành Văn

"Sen" – Tranh của Một Danna
Đọc bài thơ “Cốm hương"
của Mai Văn Phấn
Cốm hương
Thu về e ấp
Cốm non lãng đãng sương giăng
Khăn áo ấy mịn màng da thịt
Dâng heo may lên trời
Nhịp cốm giã rộn mùa thóc nếp
Thúng mủng dần sàng vỏ trấu hây hây
Trái bưởi thơm dịu nắng hanh
Thanh khiết chùm hoa mộc
Giữa đất trời ngó sen sau mưa
Da diết nhớ từng vòng cuộn xiết
Lá sen xanh ủ cốm em anh
Chín nẫu chân mây mùa hạ
Đêm ái ân lặng phắc ngọn đèn
Trái hồng đượm trong hương cốm nõn.
(Rút từ tập thơ “Bầu trời không mái che”, Nxb Hội Nhà văn, 2010)
Lời bình của tác giả Đặng Thành
Văn:
Ẩm thực Việt Nam mang tính mùa màng rất rõ, và, gạo là thứ được
người dân chế biến ra nhiều món nhất. Có những món nổi tiếng cả ở nước ngoài,
như phở, nem chả cuốn... Nhưng có một món được chế từ thóc nếp non, loại nếp
cái hoa vàng và cũng rất nổi tiếng, đó là cốm. Cốm được làm vào đầu thu, thời
điểm mà lúa nếp chuẩn bị chín, vỏ hạt còn xanh chớm vàng. Người dân gặt về tuốt
lấy hạt rồi đem rang lên cho vào cối đá giã, gọi là cốm giã. Ở đây nhà thơ Mai Văn
Phấn đặt tên cho bài thơ là Cốm hương.
Cốm hương là “trái
đầu mùa”. Cốm non thơm tinh khiết, dịu dàng, lãng đãng trong màu thu e ấp, tan
lẫn vào trong sương, nó trở thành máu thịt đến nỗi: khăn áo ấy mịn màng da thịt, có sức lan toả, như “vật chiếm chỗ”,
tràn ngập vào không gian bất tận của trời đất, lấn át cả heo may, chế ngự không
gian thu mạnh đến nỗi dâng heo may lên
trời (có thể được hiểu là dâng hương cốm lên trời), cái vô lý trong cái có
lý của trí tưởng tượng bay bổng của nhà
thơ.
Mùa thu tĩnh lặng nhưng khi mùa cốm đến thì sôi động hẳn lên, nhịp cốm giã rộn mùa thóc nếp. Những
phương tiện làm cốm được huy động vào các công đoạn cũng rất thủ công, như thúng, mủng, dần sàng... Ta thấy được sự
kỳ công, tỷ mỉ, có cả sự khéo léo nữa, và nhận ra bao hương vị thiên nhiên trong
mùa thu đã hoà quyện trong cốm: có sương thu, có heo may, trái bưởi thơm dịu nắng hanh, rồi hương thơm thanh khiết
của chùm hoa mộc, cả ngó sen sau mưa; đấy là không gian đầu
mùa, tất cả như chỉ mới bắt đầu, non trẻ, đầy sức sống. Ta thấy được cả mùa thu
trong cốm non. Nhưng ý thơ không dừng lại ở đấy mà được đẩy lên cao hơn ở ý
tưởng tình yêu lứa đôi mà sự phồn thực trong cốm hương mang lại: Lá sen xanh ủ cốm em anh/ Chín nẫu chân mây mùa hạ. Để rồi đêm ái ân lặng phắc ngọn đèn. Như vậy
cảm xúc thơ, ý thơ, tình thơ trong cốm hương không chỉ nói lên vẻ đẹp, sự thanh
khiết của mùa thu tụ hội trong cốm hương mà sâu xa hơn còn là cả sự phồn thực
của mùa thu qua Cốm hương. Ai cũng
biết mùa xuân mới là mùa của sinh sôi, nẩy nở, mùa của phồn thực. Còn mùa thu
là mùa của bắt đầu tàn phai, mùa của sự ngưng lại - chín - rụng. Nhưng trong Cốm hương thì cảm giác giao quyện, sinh sôi, phồn thực luôn đầy ắp.
Và đây là điều khác lạ của bài thơ này.
Câu thơ kết: trái hồng đượm
trong hương cốm nõn, lại trở về chủ thể là Cốm hương, cái hương vị của cốm thâu tóm toàn bộ thiên nhiên mùa
thu. Đọc và ngẫm kỹ thấy toàn bộ những câu, những chữ được chọn lọc rất tinh tế
và tài tình, nhằm tập trung phát sáng đặc tả cái huơng vị thơm ngon thanh khiết
của cốm. Và qua cốm, điều mà nhà thơ muốn nói với chúng ta về vẻ đẹp tuyệt vời,
mê dụ của thiên nhiên mùa thu, cái hương vị đặc trưng mà chỉ mùa thu mới có.
Điều đó ta thấy ngay ở tên của bài thơ là Cốm
hương.
Hằng năm đã trở thành thói quen mỗi khi thu về, bao người lại nhớ
đến mùa cốm. Cốm đã trở thành món ăn thanh lịch, hấp dẫn của người Việt. Những
gánh hàng rong trên hè phố Hà Nội với lời rao mời: “Cốm đây, cốm non đây”, thật
khó cưỡng. Nó luôn phảng phất đi về trong tâm trí mọi người, khi man mác, khi da
diết; nhất là những người con dân nước Việt xa xứ, thì nỗi ám ảnh càng mạnh mẽ.
Và khi đọc bài thơ Cốm hương của Mai
Văn Phấn có làm vơi đi nỗi nhớ quê nhà hay lại càng làm cho nỗi nhớ đầy thêm.
Và nếu Cốm hương có “gây mùi nhớ” thì
đâu phải lỗi ở thi nhân. Lỗi chăng là ở mùa thu Việt Nam quá đẹp, quá tình mà
nhà thơ họ Mai đã dụng công tái hiện bằng cảm quan nghệ thuật mà đến giờ chỉ
ông mới thể hiện Cốm hương thành công
trong thơ đến thế.
Mùa thu, 2015
Đ.T.V
