Việt Nam, hương thơm lan tỏa - Bengt Berg - Mimmi Diệu Hường Bergström giới thiệu và dịch từ tiếng Thụy Điển
Bengt Berg
Nhà thơ Bengt Berg và nhà thơ Na Uy Jan Erik Vold bên hồ Gươm, 2/2019
VIỆT NAM, HƯƠNG THƠM LAN TỎA
Đất nước Việt Nam nằm ở vị trí khác biệt trên bản đồ thế giới, nhưng
trong cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ, người dân Thụy Điển đã sát cánh cùng nhân
dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Nhà thơ Bengt Berg khi ấy
đã từng đứng bên ngoài một cửa hiệu bán hàng thực phẩm Konsum, với chiếc ca trong
tay, ông kêu gọi mọi người quyên góp ủng hộ Việt Nam. Và đến mùa xuân 2019 vừa
qua, ông đã đến Hà Nội tham dự Liên hoan Thơ Quốc tế lần thứ III. Đây là bài viết
của Bengt Berg sau khi nhà thơ tạm biệt Hà Nội trở lại ngôi nhà của mình ở Torsby,
Thụy Điển.
(Mimmi Diệu Hường Bergström
giới thiệu và dịch từ tiếng Thụy Điển)

Dịch giả Mimmi Diệu Hường Bergström và Họa sỹ Phạm Lực tại Hà Nội, 10/2017
Rất nhiều người Thụy Điển chúng tôi vẫn còn nhớ
những nút bấm nhỏ: đỏ-xanh-vàng bao quanh bằng một vành trắng và bên trên có
khẩu hiệu: CÙNG VỚI PHONG TRÀO GIẢI PHÓNG DÂN TỘC CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM. Ngày
hôm nay, chiếc nút bấm ấy có giá trị như một vưu vật, nhưng khi đó nó chính là tín
hiệu rằng, chúng tôi cùng tham gia vào phong trào đoàn kết với nhân dân Việt
Nam. Phong trào này khởi phát ở Thụy Điển từ giữa thập kỷ 60, phát triển thành
cao trào vào giữa những năm 70 và lan rộng mãi sau này. Khi ấy, chúng tôi tập
hợp trên các đường phố, quảng trường, lắc những chiếc ca để quyên góp và hát
những bài ca ngợi con người anh hùng bên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Đỉnh điểm đầy
phấn chấn nhất là trước ngày 1 tháng 5 năm 1975, khi đó quân đội Mỹ đã thua
trận, vĩnh viễn rút khỏi miền Nam Việt Nam. Tôi còn nhớ lúc đó chỉ có tivi đen
trắng, khi Leo Rannaleet dùng một viên phấn khoanh lại báo hiệu thời tiết bán
đảo Bắc Âu, và Victor Vinde đã tường thuật sinh động sự kiện thời đại đang diễn
ra ở bán đảo Đông Dương mà tâm điểm là Việt Nam...
... Buổi sáng tháng hai năm 2019. Bên ngoài sân bay
Arlanda được bao phủ bằng lớp mây mù. Tôi ngồi với cốc cà-phê chờ hãng hàng
không Nga Aeroflot mở cửa lên máy bay. Đây là lần thứ ba tôi bay tới một đất nước
xa xôi mà đã từng rất gần với chúng tôi, gần như một lời hứa.
Người đàn ông ngồi trong quầy đổi tiền ở sân bay lúc ấy
tỏ ra rất hồ hởi. Anh ta không chỉ dừng lại hỏi khách hàng cần những loại tiền gì,
tờ đô la mấy đô, mà còn cặn kẽ hỏi tôi sẽ bay đến nước nào. À, Việt Nam! Anh ấy
tươi cười khuyên tôi nên đổi sang tiền đồng. Trong túi ni-lông tiền đồng anh ấy
đưa còn kẹp thêm một tờ hướng dẫn, ghi rõ: nếu quy ra tiền đô thì bỏ ba con số không
và chia đôi. Nghĩa là, một cốc cà phê khoảng 20 ngàn đồng Việt Nam.
Tôi đến Hà Nội theo lời mời của Hội Nhà Văn Việt Nam tham dự Liên hoan Thơ
Quốc tế lần thứ 3. Cùng đi có người bạn đồng nghiệp của tôi, nhà thơ người Na
Uy Jan Erik Vold. Chúng tôi ở tại Nhà khách Chính phủ, 37 đường Hùng Vương, một
con phố nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Trong khách sạn có khoảng 200 nhà thơ,
nhà văn, nhà phê bình văn học, dịch giả và nhà xuất bản quốc tế từ khắp các
châu lục. Hàng ngày các xe buýt có đánh số chuyên chở các đại biểu tới dự Lễ
khai mạc, hội thảo và đọc thơ, các chương trình biểu diễn văn nghệ xung quanh
thành phố Hà Nội và hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang.
Trong buổi khai mạc các lễ hội, đứng bên cạnh nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch
Hội Nhà Văn Việt Nam là nhà thơ Fernando Rendón (Colombia). Ông là sứ giả thơ
ca toàn cầu, từng nhiều năm tổ chức các Liên hoan thơ quốc tế tại Medellín,
Colombia. Fernando Rendón là người khởi xướng phong trào thơ ca thế giới – Thơ
ca vượt biên giới và thế giới không ngăn cách.
Liên hoan Thơ Quốc tế tại Hà Nội lần này, theo tôi, được ví như cuộc diễu
hành văn hóa toàn cầu diễn ra trước cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa tổng
thống Hoa Kỳ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Chúng tôi
được chứng kiến sự háo hức, nỗi mong chờ hòa bình cho bán đảo Bắc Á hiện trên
từng khuôn mặt, nụ cười của người dân Việt Nam. Chúng tôi ngắm nhìn cờ của hai
nước Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên được treo trên các cột đèn trong thành phố bẩy tám
triệu dân này.
Ngoài ra ở Hà Nội chúng tôi còn được trải nghiệm những dòng xe máy đủ loại chạy
hối hả, tạo nên bức tranh đặc biệt một thành phố Đông Nam Á. Để bước qua đường
ở đây thật không đơn giản, phải đủ can đảm, cần hiểu biết quy luật và thói quen
giao thông. Với tôi đây cũng là trải nghiệm thú vị.
Trong ngày khai mạc lễ hội thơ chúng tôi được tham dự
nhiều hoạt động mang tính truyền thống diễn ra trong khuôn viên Văn Miếu
- Quốc Tử Giám và cả trên đường phố. Trên các sân khấu, giữa các phần đọc
thơ có biểu diễn ca múa của các nghệ sĩ trẻ, hát, đọc thơ, hoặc trình diễn thơ.
Một vài nhà thơ đọc thơ mình với cảm hứng hùng tráng như đi thi thiên tài. Hòa
đồng với không khí hôm ấy, tôi đã đọc một bài thơ ngắn sáng tác trong chuyến đi
trước đây đã được dịch sang tiếng Việt:
BÀI THƠ VỀ VIỆT NAM
Hơn
40 năm trước đây tôi viết
một
bài thơ: Hà Nội
trái
tim lưu đày
trong
nhịp đập ta thong thả bước
về
phía trước, trong tâm tưởng
Văn
Miếu nơi bạn thả đồng xu
vào
những khe nhỏ và những cô gái trẻ líu lo
trên
chiếc điện thoại, khi những nén hương cháy dở
Chú
ếch trườn trong hồ bán nguyệt nước xanh
Khắp nơi, phụ nữ mặc áo lụa, đạp xe
Những
bông hoa đầy ắp trong giỏ
rực
rỡ sắc màu
tỏa
ngát hương thơm
Trên
tấm bưu thiếp có hình Bác Hồ
ngồi
trên chiếc ghế mây trong bộ quần áo giản dị
với
chiếc bút chì dài giữa ngón tay trỏ
và
ngón cái giữ điếu thuốc mới châm
Những
hình ảnh phản chiếu trong gương mặt nước xanh
đôi
tình nhân ngồi trong mưa phùn
và
những người đơn côi
tràn
đầy mơ ước
Và
với tôi là những suy nghĩ vẩn vơ
tôi
không hạnh phúc và cũng không bất hạnh
chỉ
thấy biết ơn khi mình có thể khỏa lấp tâm hồn
bằng
giây phút này, dưới cơn mưa Hà nội.
Điều khó quên trong chuyến đi thăm này, chúng ta thường
gọi là Thế giới thứ ba là sự tôn thờ thơ ca như sự biểu đạt. Người ta thường ngại
ngùng khi ai đó xin chữ ký trong kỷ nguyên selfie điên rồ. Dòng thơ ca ào ạt đối
với những con người ở mọi lứa tuổi đã chứng kiến vị trí bất diệt của thơ ca và
không chỉ có tính hàm lâm.
Chương trình lễ hội được phủ kín cả ngày lẫn tối. Chúng
tôi được dịp trao đổi những suy nghĩ, tình cảm, trao cho nhau card visit để sẵn
trong túi áo khoác. Chúng tôi phát hiện ra những miền đất mới lạ trên địa cầu
đang ngày đêm đối mặt với bao thách thức. Những mối quan hệ mới kết nối và chúng
tôi hiểu thêm khái niệm “khoảng cách và sự
khác biệt” là hết sức giá trị để hiểu được ngôn ngữ và xóa đi biên giới quốc
gia. Chúng tôi giống nhau, và cũng rất khác nhau, những cá nhân duy nhất, nhưng
đều là con người trong thế kỷ 21 này.
Tôi hy vọng có dịp đăng một số bài thơ mà tôi cảm hứng
từ những ngày ở Việt Nam. Lần này xin được đăng bài thơ của nhà thơ đồng nghiệp
Mông Cổ Sendoo Hadaa. Bài thơ nói về miền quê vắng vẻ tựa như vùng núi nơi tôi
đang ở, dù chúng tôi cách xa nhau vạn dặm. Bài thơ tên là ”Đêm trên xa mạc”
Mặt trăng
ngủ quá ngọt ngào
với lời ban phúc của mẹ
Và cả sa mạc
chui vào thùng sữa
Như giấc mơ của cậu bé
du mục bé con.
Tôi gọi điện cho Erik Eriksson, trước đây là phóng
viên cho tờ báo Aftonbladet, người từng tường thuật diễn biến cuộc chiến tranh
ác liệt từ Việt Nam cho đài truyền hình Thụy điển và cả Bắc Mỹ. Tất nhiên có rất
nhiều ký ức và trải nghiệm mà ông ta có thể truyền đạt lại, nhưng có một chi tiết
đặc biệt toát lộ khi chúng tôi nói chuyện. Ông kể, một sáng tháng 5 năm 1975 tại
thành phố Hồ Chí Minh (tên cũ là Sài Gòn), khi quân Mỹ bại trận rút lui, Erik
Eriksson ngồi trong khuôn viên khách sạn Continental và uống cà phê với một nhiếp
ảnh gia người Thụy điển, thì một cậu bé lẹt xẹt bước tới mời mua sách báo.
Trong số đó có cuốn “Người Mỹ trầm lặng” nói về giai đoạn kết thúc chiến tranh của
Pháp ở Đông Dương, phóng viên chiến tranh người Anh Fowler thủ vai chính (bộ
phim dựa trên tiểu thuyết của Graham Greene năm 1995). Điều kỳ lạ là Erik
Eriksson đã ngồi đúng chỗ trong khách sạn trong tiểu thuyết của Greene, trong một
cuộc chiến tranh thực dân khác. Erik Eriksson đã mua ngay cuốn sách này, nơi mà
cách đây 30 năm nhà báo chiến tranh người Anh kia đã từng ngồi.
Hiện có rất ít nhà thơ Việt Nam được dịch sang tiếng Thụy điển. Tuyển tập
thơ “Cho ngày hôm qua. Mười hai nhà thơ Việt Nam” (Nxb Tranan, năm 2009) là một
cuốn sách hay của các nhà thơ đương đại. Nhà thơ Mai Văn Phấn là một trong số
đó. Tôi may mắn gặp anh vài lần tại Liên hoan thơ lần này. Ngoài một số bài thơ
của Mai Văn Phấn được Erik Bergqvist và Maja Thrane tuyển dịch trong tập thơ “Nhịp Mùa Thu” (Nxb Tranan, 2017) tôi còn
được đọc thêm một số tập thơ tiếng Anh và tiếng Pháp khác nữa của anh. Trong
cuộc trò chuyện với chúng tôi, Mai Văn Phấn đã nói về những giấc mơ thi sĩ của
mình. Giấc mơ với các nhà thơ nói chung là một cõi sống, sự khao khát, ẩn ức
được hiển lộ, tỏ bày trong tác phẩm. Giấc mơ còn thỏa mãn mọi chức năng, như một
sự che chở nhạy cảm với đời sống bên ngoài và là phương tiện để đi sâu vào thế
giới nội tâm.
“Nhắm mắt thấy em không
rộn ràng như khi mở mắt. Nhưng sự im lặng của em vang lên những âm thanh kỳ lạ,
mách bảo tình yêu đã thấm vào cây cối, đường xá, phố nhà, vào vườn tược, ruộng
nương, sông suối... Từ nay ta không cần nghi ngờ điều gì khi nhắm mắt”
(trích từ bài thơ văn xuôi ”Nhắm
mắt” của Mai Văn Phấn).
Sau liên hoan Thơ, các nhà thơ chúng tôi có dịp đi
thăm quan các phố cổ Hà Nội. Gặp những con người thân thiện và luôn vội vàng,
những thiếu nữ xinh đẹp, đủ các mẫu mốt. Những ngõ nhỏ chi chít, vỉa hè làm nơi
đỗ xe máy, mùi thơm của các quán hàng ăn, thuốc Bắc bay ra, lan tỏa một hương vị
đặc biệt...
Ngày cuối cùng ở Hà Nội tôi tranh thủ tới thăm Viện Bảo
tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tôi ngắm mãi bức tranh Hồ Chủ Tịch làm việc trong ngôi
làng hẻo lánh dưới ánh trăng. Khuôn mặt của Ngài đầy ưu tư nhưng lan tỏa một
ánh sáng đặc biệt. Không gian trong bức tranh tươi tốt tre trúc, dòng suối,
cánh đồng... Trong không gian trang trọng và thanh tĩnh này, tôi như nghe thấy
tiếng suối trong một bài thơ của Ngài viết đã lâu. Từ nơi đây, giờ phút đẹp đẽ ấy
đã gợi những kỷ niệm tuổi trẻ của tôi sống lại, cùng những người Thụy Điển ủng
hộ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Kỷ niệm ấy, trong
tưởng tượng của các nhà thơ chúng tôi chính là hương thơm của ký ức, luôn được
lưu giữ và lan tỏa mãi.
Xin cảm ơn Hội Nhà Văn Việt Nam đã mời tôi tham dự Liên hoan Thơ Quốc tế
lần này. Đây là cơ hội để tôi trở lại Việt Nam, gặp gỡ những con người, mà cha
ông họ từng để lại trong tâm trí chúng tôi những hình ảnh tuyệt đẹp. Tôi luôn
tin vào tính cách, lòng quả cảm của con người Việt Nam, hiện nay và mãi sau
này.
Torsby, Thụy Điển, 6/2019
Bengt Berg