Việt Nam - nơi gặp gỡ những tâm hồn thi sỹ (tin, ảnh) - Phong Lan
Việt Nam - nơi gặp gỡ những tâm hồn thi sỹ

Tin, ảnh: Phong Lan
02-06-2014 12:24:22 AM

VanVN.Net - Nhà thơ-tiến
sĩ triết học Gjekë Marinaj (người Mỹ gốc Anbani), trong gần hai năm qua đã miệt
mài chuyển ngữ thơ Mai Văn Phấn sang tiếng Anbani và tập hợp 55 bài thơ thành
cuốn sách mang tên “Zanore në vesë” (Những nguyên âm trong sương sớm, Nxb.
BOTIMET M&B, 4/2014). Tập thơ của tác giả Việt Nam đầu tiên được xuất bản
và phát hành tại Anbani ngay trước ngày Hội sách (23/4) đã gây được ấn tượng
đặc biệt với bạn đọc Anbani về vẻ đẹp văn hóa, đất nước và con người Việt Nam.
Ngày 01/6/2014, nhà thơ-tiến sĩ Gjekë Marinaj đã đến Việt Nam và có cuộc gặp gỡ
thân tình với tác giả của những bài thơ ông chuyển ngữ cùng các nhà văn, nhà
thơ Việt Nam tại thủ đô Hà Nội.

Nhà thơ Hữu Thỉnh chúc mừng nhà thơ Gjekë Marinaj và MVP
Đến dự buổi gặp mặt nhà thơ Anbani Gjekë Marinaj có các
nhà thơ Việt Nam nổi tiếng: nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn VN, Chủ
tịch Liên hiệp các Hội VHNT VN; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội
Nhà văn VN, Phó Tổng thư kí thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi; nhà thơ Bằng Việt –
Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn VN;
nhà văn Trung Trung Đỉnh – Ủy viên BCH Hội Nhà văn VN, Giám đốc Nxb Hội Nhà
văn; nhà văn Võ Thị Xuân Hà - Ủy viên BCH Hội Nhà văn VN, Trưởng ban Nhà văn
trẻ… cùng nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình và cán bộ Nxb Hội Nhà văn.
Nhà thơ Gjekë Marinaj phát biểu
Nhà thơ Hữu Thỉnh chúc mừng tập thơ mới của nhà thơ Mai
Văn Phấn đã cất cánh và bay đến đất nước Anbani, xứ sở của những dãy núi tuyệt
đẹp. Chủ tịch Hội Nhà văn đánh giá rất cao tình yêu, niềm say mê trước vẻ đẹp
Việt Nam và tinh thần hợp tác phát triển văn học của nhà thơ-tiến sĩ triết học
Gjekë Marinaj. Ông giới thiệu cùng nhà thơ Anbani hai thế hệ nhà thơ Việt Nam
có mặt tại đây: thế hệ nhà thơ chống Mỹ (đại
diện là nhà thơ Bằng Việt và nhà thơ Hữu Thỉnh - PV) và thế hệ các
nhà thơ đổi mới, trong đó Mai Văn Phấn là một trong những gương mặt tiêu biểu.
Ông khẳng định nhà thơ Mai Văn Phấn và các nhà thơ cùng thời đã trả lời được
câu hỏi: Thơ Việt Nam cần đổi mới như thế nào? Với những tập thơ của mình, Mai
Văn Phấn đã đưa ra những lý giải về sự đổi mới trong thơ Việt, anh đã nói được
những điều thế hệ nhà thơ chống Mỹ chưa kịp cất tiếng trong chiến tranh. Đất
nước, con người, tâm hồn dân tộc Việt Nam đã được diễn tả một cách thăng hoa
bằng tài năng của Mai Văn Phấn.
PGS.TS. Văn Giá (đứng) và nhà văn Trung Trung Đỉnh
Nhà thơ Mai Văn Phấn chia sẻ, sau khi ba tập thơ được
dịch sang tiếng Anh của ông (Firmament without roof cover - Bầu trời không mái
che, Seeds of night and day - Những hạt giống của đêm và ngày, Out of the dark
- Buông tay cho trời rạng) xuất bản ở Mỹ, Canada, Anh, Úc..., ông bất ngờ nhận
được thư điện tử từ một người Mỹ gốc Anbani, trong đó bày tỏ niềm yêu thích đặc
biệt đối với những bài thơ đó. Hai năm qua, hai nhà thơ ở hai nửa bán cầu đã có
rất nhiều cuộc trao đổi qua thư về thơ ca, về quan điểm nghệ thuật cũng như sự
cần thiết của những nhịp cầu giao lưu giữa các nền văn học. Vượt qua những khác
biệt về ngôn ngữ, quan điểm, phong tục… để đi đến điểm gặp nhau cuối cùng chính
là vẻ đẹp của thi ca, tập thơ “Những nguyên âm trong sương sớm” chính là kết
quả tuyệt vời được tạo nên bởi hai tâm hồn đồng điệu. Tập thơ được tái bản với
hai phần: tiếng Việt và tiếng Anbani để dành tặng những bạn đọc Việt Nam. Cũng
trong khoảng thời gian này, nhà thơ Gjekë Marinaj đã gửi đến nhà thơ Mai Văn
Phấn những sáng tác của mình (bằng tiếng Anh), và những bài thơ đó đã được nhà
thơ Nguyễn Chí Hoan chuyển ngữ sang tiếng Việt với tiêu đề: “Những hy vọng
trong suốt” (Nxb. Hội Nhà văn xuất bản tháng 5/2014).

Từ trái sang: PGS.TS. Đào Duy Hiệp, nhà phê bình VH Nguyễn Thanh Tâm, MVP
Trong
buổi gặp gỡ thân tình với các bạn văn Việt Nam, nhà thơ Gjekë Marinaj đã xúc
động nói: “Có bốn sự kiện quan trọng trong cuộc đời tôi, đó là khi tốt nghiệp
đại học, lần vượt biên khỏi đất nước Anbani ra nước ngoài mà không bị chết, lúc
kết hôn và bây giờ, lần đầu tiên tôi được có mặt tại Việt Nam. Từ năm 7 tuổi
tôi đã tìm hiểu về Việt Nam và tôi luôn dành tình cảm yêu mến sâu sắc đối với
đất nước của các bạn. Hai năm qua đã có một người bạn đồng nghiệp dạy tôi nói
những câu tiếng Việt thân thiện nhất. Tiếng Việt không phải lựa chọn duy nhất
của tôi mà sự lựa chọn này chính là vì những người bạn Việt Nam tốt nhất tôi đã
được gặp.” Nhân dịp này, nhà thơ Gjekë Marinaj gửi lời cảm ơn đặc biệt tới nhà
thơ Nguyễn Chí Hoan, người đã chuyển tải trọn vẹn vẻ đẹp của Anbani sang Việt
Nam qua bản dịch tập thơ “Những hy vọng trong suốt”.
Nhà thơ Gjekë Marinaj và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Khi
nhà báo đặt câu hỏi: “Nếu tập thơ “Những nguyên âm trong sương sớm” của Mai Văn
Phấn được xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Anbani thì tập “Những hy vọng trong
suốt” của ông cũng là tập thơ của tác giả Anbani đầu tiên tại Việt Nam. Vậy tỉ
số là “1 đều” đúng không?”, nhà thơ Gjekë Marinaj lập tức trả lời: “Tỉ số
nghiêng về phía Việt Nam, các bạn đã giành chiến thắng lớn hơn vì nhà thơ Mai
Văn Phấn nổi tiếng và tài năng hơn tôi rất nhiều. Thơ Mai Văn Phấn tại Anbani
được đón nhận nồng nhiệt và lan tỏa rất rộng ngay ở thời điểm phát hành.” Ngay
trong ngày thứ nhất ở Việt Nam, ông đã đi thăm một số điểm di tích văn hóa: Văn
Miếu – Quốc Tử Giám, Hồ Gươm, Bảo tàng Dân tộc học… Trở về từ Bảo tàng Dân tộc
học, sau khi biết Việt Nam có 54 dân tộc anh em, nhà thơ Anbani có ước muốn trở
thành dân tộc thứ 55 của người Việt Nam, bởi theo ông: “Đến Việt Nam như được
trở về ngôi nhà trong trái tim tôi”.
Một
số hình ảnh tại cuộc gặp gỡ:
Từ trái sang: nhà văn Đặng Thân, nhà thơ Gjekë Marinaj, nhà thơ Hữu Thỉnh, con gái MVP
Từ trái sang: nhà thơ Bằng Việt, MVP và con gái, nhà thơ
Gjekë Marinaj
Gjekë Marinaj và bạn bè
Văn Sáng (áo vàng) - Họa sỹ thiết kế bìa sách của Gjekë Marinaj và MVP
Nhà văn Trung Đỉnh và MVP
Gjekë Marinaj và MVP ký tặng sách
Cán bộ Nxb Hội Nhà văn chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà thơ
Lưu lại những khoảnh khắc bên nhau trước khi chia tay
(Nguồn: vanvn.net)