MVP và hành trình thơ... (chuyên luận – IV) - Ngô Hương Giang & Nguyễn Thanh Tâm

Ngô Hương Giang - Nguyễn Thanh Tâm

 

 


 

 


 

 

Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác (IV)

 



 
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm

 




Chương I

CHÚ GIẢI THƠ MAI VĂN PHẤN

 

 

 

Nguyễn Thanh Tâm

 

 

 

(tiếp theo)

 

 

 

 

 

III. CẦU NGUYỆN BAN MAI, Nxb. Hải Phòng, 1997

 

 

 

 

 

Tự thú trước cánh đồng(1)

 

Như vừa mở được chiếc hũ nút

Bóng tối tràn tím rạng đông

Sấp mình tựa lũ bướm đêm

Ôm những giấc mơ, mơ cùng hạt giống(2).

 

Những hạt giống vừa chạm vào ánh sáng

Chợt hiện bao điều chẳng thấy trong mơ

Rơm rạ mục dâng lên từ đất ẩm

Gió xước qua bụi gai trong lúc giao mùa(3).

 

Ngày mới đến đưa bàn tay nắng ấm

Lấy đi những hạt cuối cùng

Tôi chếnh choáng rỗng không chiếc hũ

Đợi những mùa vàng rạo rực hiến dâng(4).

 

______________

(1) Cánh đồng trong mỹ cảm truyền thống, trong ký ức của cư dân nông nghiệp là một gia sản, một biểu tượng của đời sống, sức sống nông nghiệp. Nhắc đến cánh đồng, Mai văn Phấn luôn thường trực một niềm kính trọng, sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn bởi đức hy sinh và nhẫn nại vô cùng. Tự thú trước cánh đồng là một lần đối thoại, một giao tiếp của lương tri, của tâm hồn với một trong những giá trị cao cả nhất của con người châu thổ.

 

(2) Như một hạt giống, bóng tối mang giấc mơ gieo trồng để nảy mầm những sinh thể của những gì bị che giấu, bị kìm nén. Ở đây, bóng tối là một ẩn dụ của phía khuất lấp, của ký ức quên lãng.

 

(3) Khi thoát ra khỏi chiếc hũ lặng câm giam hãm, bóng tối chợt nhận thấy những khó khăn, những nghiệt ngã của đời sống trong đó còn mang cả những hy sinh thầm lặng của rơm rạ mục, của những tiền kiếp đã vùi mình trong đất ẩm.

 

(4) Một cảm nhận về bối cảnh sống mới, nhưng không giấu được những âu lo, chuếnh choáng bởi trong khi đã trút hết gan ruột của đời mình, niềm tin về mùa sau mới chỉ bắt đầu là những hy vọng.

 

 

 

 

 

Khúc phóng túng

 

Những bông hoa thổi bung giai điệu

Nhân danh liềm hái

Nhân danh hom giỏ

Nhân danh bẫy chim...(1)

 

Vây cá lông chim bóng bẩy tràn lan

Vẽ sặc sỡ trên những đồ trang sức(2)

Xuân đã đến lại ngóng mùa xuân khác(3)

Ta thèm một lần nhân danh đất đai(4).

 

______________

(1) Vinh quang và những nhân danh che giấu những hy sinh lặng thầm. Trong những vẫy gọi của ngôn ngữ, như một phạm trù mà F. Saussure đã gợi lên, trường liên tưởng dắt ta về với ký ức và hiện tại thông qua những ám thị liềm hái.

 

(2) Những biểu trưng về một thứ hình thức nào đó.

 

(3) Thời gian.

 

(4) Khát vọng được nhân danh đất đai hay chính là niềm mong mỏi về sự cất lời, sự nhận thức một cách công bằng đối với những hy sinh thầm lặng, những dâng hiến miệt mài.

 

 

 

 

 

Bài ca buổi sớm

 

Anh mơ được em gieo trồng trên ngực

Bàn tay dịu dàng vun vào da thịt

Hôn lên tai anh lời chăm bón thì thào

Anh cựa mình nồng nàn tơi xốp(1).

 

Gió sẽ đến vỗ về từng chiếc lá

Lật phía bên kia che cơn bão đang về

Mùa đông em phủ lá vàng lên mặt

Nỗi ưu phiền mục ra trong lấm chấm mưa xuân(2).

 

Từng giọt mát lành thấm nhuần trong đất

Tươi từ môi anh đến gót chân em

Anh ngỡ mình được phép lành thánh thể

Đêm vừa qua hay đã mấy nghìn năm(3).

 

______________

(1) Một cách triển khai cho tứ thơ sinh sôi. Mỹ cảm đã bắt đầu với những hình dung về sự sống mới, một hoạt lực đang diễn ra trên thân thể, trong da thịt, trong hơi thở nồng nàn, tơi xốp.

 

(2) Những hình dung về điều kiện sinh tồn mới. Sự sống được chở che và vun đắp bởi khát vọng nhân văn, giảm đi những tai ương, giàu thêm những nguồn sinh lực mới và những ưu phiền đã tan mục đi cho sự sống đâm chồi dưới niềm ấp iu của mưa xuân lấm chấm.

 

(3) Vẫn là sự triển khai tứ thơ như trên nhưng các đối thể và chủ thể đã quy về trong những tưởng tượng mới. Anh và em thấm trong nguồn sống mới như được ban phép thánh thể (một bí tích Ki-tô giáo). Sự kỳ diệu của sự sống mới nhắc nhở con người không quên ký ức. Trọng tâm của cảm xúc ở đây chính là những hân hoan, ngạc nhiên đến ngỡ ngàng bởi sự đổi thay. Cuộc sống mới ấy diễn ra chỉ sau một đêm hay đã đi qua mấy ngàn năm hiện về trong bài ca buổi sớm.

 

 

 

 

 

Thương em

 

Em nói bâng quơ: Mùa xuân rồi cũng tàn!(1)

Anh ghì lấy bao nỗi lo toan đôi vai em gày nhỏ

Có bông hoa ngạc nhiên vừa bò ra mép nước

Con chuồn chuồn bay trên mặt sóng mơ hồ(2).

 

Anh phân vân không biết nên nhập vào con chuồn chuồn hay bông hoa ngơ ngẩn nhường kia

Nỗi lo toan ơi! Nỗi lo toan sao mà bay bổng thế!

Em có thấy anh nhẹ như cánh chuồn hay cánh hoa không nhỉ?

Anh thầm hỏi đôi vai em thôi mà(3).

 

______________

(1) Đây là hạt nổ của cảm xúc. Ý niệm về thời gian và sức tàn huỷ của nó hiện hình trong lời nói của em. Tuy vậy, hạt nhân của mỹ cảm lại chính là đôi vai em - một hoán dụ cho thân thể, cuộc đời.

 

(2) Hai hình ảnh này là một khúc xạ của cảm xúc, tâm trạng. Đúng hơn nó là những hoá thân của chủ thể trong khoảnh khắc tứ thơ vụt hiện. Bông hoa ngạc nhiên bò ra mép nước hay con chuồn chuồn trên mặt sóng mơ hồ là cách hình dung về mình của chủ thể trữ tình.

 

(3) Văn bản hiện hữu hai mỗi lo toan: Em lo toan về anh về cuộc đời trên đôi vai gầy gò bé nhỏ. Nếu không đi quá xa, có thể nhận thấy bằng những lo toan của mình, em đảm đương nhẹ nhàng cuộc đời anh. Và nữa, anh thấy mình chỉ là những lo toan cho em. Ở đó, tình thương đan lẫn với những tự trách, tự vấn bằng giọng điệu nhẹ nhàng của một tình yêu.

 

 

 

 

 

Giấc mơ đi qua

 

Giấc mơ đêm qua cuốn ào ra ngõ

Sóng tung bờm trên ngọn cây

Những dòng chảy cuộn sôi lối phố

Gót đêm còn vương lưới ban ngày(1).

 

Tấm lưới nghìn năm dằng dặc miệt mài

Ai đã kéo sau mỗi cơn binh lửa

Suốt đời mẹ đan những sợi ban mai âm thầm bên khung cửa

Khi đón cha đêm đã nhạt cuối vườn(2).

 

Ta kéo lưới lên từ cánh cửa vẹt mòn

Từ tiếng chân người quờ tìm giày dép

Những ngái ngủ, mơ hồ, ngơ ngác

Đang lặng chìm xuống đáy bình minh(3).

 

Dưới những mái nhà còn ôm nửa bóng đêm

Ta hay đám rêu phong ẩm mốc

Rùng mình... Héo khô... Xanh thêm... Hoảng hốt...

Trái chín thay áo hồng trút lại nửa vành trăng(4).

 

______________

(1) Có lẽ đây là một giấc mơ kỳ vĩ của dân tộc.

 

(2) Ký ức của dân tộc qua ngàn năm được đan dệt như những tấm lưới miệt mài. Những cơn binh lửa đi qua, lịch sử như tấm lưới kéo lên bao điều được mất. Mẹ đan tấm lưới của đời mình lặng lẽ, kéo lên một hạnh phúc ngắn ngủi, thoáng chốc và có lẽ cũng không ít bẽ bàng.

 

(3) Ký ức của ta - cái tôi trữ tình trong bài thơ gắn với bậu cửa cũ mòn, ngái ngủ, ngơ ngác và tù đọng.

 

(4) Từ ta đến mọi người, đến những căn nhà đang sống trong tù đọng, rêu phong, ẩm mốc. Những trạng thái tinh thần dẫu nỗ lực vẫn chứa nhiều hoang mang, hoảng hốt. Quả chín như mang áo màu hồng có một liên tưởng đến nửa vành trăng có lẽ dựa trên một sự khuất lấp nào đó.

 

 

 

 

Nghi lễ cuối cùng

 

Ánh sáng đã ngủ yên

Ta đang hồi sinh

Trong vòng tay của đêm(1).

 

Như có lá mầm(2)

Nở trong nụ hôn

Tiếng em gọi vang

Nơi bến xưa

Miệng chum

Bờ vực...(3)

Anh chạy về

Rì rầm sóng tóc

Xuyên qua màn âm dương...(4)

 

Nhựa trong lá mầm bắt đầu chảy

Máu trong huyết quản bắt đầu chảy

Những lạch nguồn bắt đầu chảy...(5)

 

Chạm bờ ánh sáng

Anh quỳ xuống

Em hiện thân trong chiếc áo thiên thần

Lấy một ít nước gọi lên máu và sữa cỏ

Em dịu dàng rửa tội cho anh(6).

 

______________

(1) Bối cảnh của nghi lễ. Ở đây, mỹ cảm của Mai Văn Phấn nhắc về một bí tích trong Ki tô giáo: Bí tích Phục sinh.

 

(2) Một hình ảnh tượng trưng cho sự chồi sinh.

 

(3) Đâu đó trong ký ức của anh, tiếng em gọi trong những không gian của kỷ niệm, nơi những dịu êm và gian khó đã đi qua trong cuộc đời, tình yêu của chúng ta.

 

(4) Hành trình phục sinh từ nụ hôn, tiếng gọi, những khoảng cách xa xôi,… hay giấc mơ trở về.

 

(5) Nhựa sống, máu, những nguồn mạch sinh sôi, đang chảy trong thân thể phục sinh.

 

(6) [1] Hoàn tất nghi lễ. Ở đây, Mai Văn Phấn đã phục dựng một nghi lễ. Có thể đó là một liên tưởng đến nghi lễ rửa tội cho một tâm linh Ky tô hữu. Những hình ảnh được nhắc đến trong phần thơ như: nước, máu, sữa cỏ, chiếc áo thiên thần, ánh sáng,… gợi về một sự thực hành nghi lễ. Ở đây, trong mỹ cảm của thi sĩ, sự phục sinh là một hành trình mới, bắt đầu từ một kết thúc. Rửa tội để kết thúc một hành trình, một kiếp sống, chuẩn bị cho một đời sống mới. Đấng tối cao ở đây là em, là tình yêu và sự sống mới bắt đầu nơi tiếng gọi của em, nơi nụ hôn màu nhiệm.

 

 

 

 

 

Sợi dây im lặng

 

Những đôi môi giấu mãi vào nhau

Như vỏ cây muốn lẫn vào ruột gỗ

Sự hoà hợp lặng im bắt đầu(1).

 

 

Sự lặng im đang nối vào xa lắm

Từ đầu này tới cuối những hoang sơ(2)

Cơn mơ muốn gọi ta mà không thành tiếng

Con chim thiêng sốt ruột lại bay về(3).

 

Nó đậu vào sợi dây im lặng vừa căng

Đâu phải thế... đâu còn là chốn cũ...

Thân ta đã khác rồi khi nhè nhẹ rung lên(4).

 

______________

(1) Sự im lặng của tình yêu, của nụ hôn mê mải. Nơi đó, khát vọng được hoà nhập, được lẫn vào đến tận cùng đời sống của nhau gọi liên tưởng như vỏ cây muốn lặn vào tận ruột lõi. Ý niệm này nói lên một tình yêu sâu sắc và những mong mỏi được gắn bó.

 

(2) Những liên tưởng về sự nối kết của hiện tại và quá khứ. Ở đây, sợi dây im lặng căng lên từ khoảnh khắc của nụ hôn, trong tình yêu đang tha thiết nhiệm màu đã nối vào hoang sơ tiền sử, trong ký ức của đời sống.

 

(3) Giấc mơ gọi ta không thành tiếng là một hình dung về những dài rộng của không gian, thời gian, những vách ngăn của sự sống hay cả những điều kiện bất toàn để cất lời, để truyền đi thông điệp nhân văn về tình yêu, sự sống, quá khứ và những điều thiêng liêng của cuộc đời. Con chim thiêng có lẽ là một biểu tượng, một liên tưởng về truyền thống, về dân tộc và nguồn cội. Trở về với hoang sơ tiền sử là một mỹ cảm đã từng có trong lịch sử thơ ca dân tộc (Thơ Đinh Hùng). Liên văn bản này cho phép chúng ta vận hành hai dòng mỹ cảm: hiện tại - những chối bỏ, quá khứ, tiền sử - những nguyên sơ trong lành, chưa hề tha hoá.

 

(4) Bài thơ kết thúc trong mỹ cảm của sự thức nhận về thực tại. Trở về có lẽ là khao khát, là mong mỏi vô biên. Nhưng, trong sự im lặng đó, nơi sợi dây của tình yêu vừa nối kết, những vận động vẫn luôn diễn ra. Thân ta đã khác, từng giây phút một trong nụ hôn mê mải, lặng im và mọi sự cũng không còn như cũ nữa. Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Ý niệm cổ đại ấy gợi về một luyến tiếc cũng có thể là một phủ định, một tuyên cáo về thực tại. Nhưng sau hết, dòng mỹ cảm vẫn dịu dàng, im lặng, dù rất căng thẳng, khẽ rung lên trong niềm xúc động vô biên.

 

 

 

 

 

Nhật ký đô thị hoá

 

Úp mặt vào bóng tối lùm cây(1)

Gió đang chạy trên lưng mình những bước chân đô thị(2)

Bóng tối dẫn tôi về ngôi nhà của mẹ

Ngôi nhà như chiếc bánh không nhân(3).

 

Nhặt được đồng xu cùn gỉ cuối sân

Ngỡ chạm phải tay mình ngày thơ ấu

Những dấu chân ai lún sâu lỗ đáo

Từng kiếp người mở mắt... thấy đôi chân cò lội nước trắng mênh mông(4).

Nơi chó đá đầu làng vẫn sủa những con trăng(5)

Có tiếng gọi nghe buồn như củi ướt(6)

Thương quê nghèo mẹ tôi ra bến sông

Vớt những câu ca chưa tan vào nước(7).

 

Mẹ ơi mẹ! Giờ con thấy bóng râm từ bùn đất

Đất ở dưới chân mà cao hơn những suy nghĩ của mình

Đêm thai nghén những thị thành trứng nước

Ai ấy còn ngơ ngác trước văn minh(8).

 

Trong bóng tối lùm cây tôi chợt nhận ra mình

Với nỗi e dè từ cái thời Văn Lang lúa nước

Nỗi e dè tự thắp mình lên làm ngọn nến mùa thu đi rước đuốc

Và ngôi nhà của mẹ là chiếc đèn lồng lặng lẽ sáng dần lên(9).

 

(1995)

 

____________

(1) Tư thế trữ tình gợi lên hình ảnh cái tôi mang tâm trạng của kẻ tha hương với nỗi niềm hoài nhớ, ăn năn.

 

(2) Một liên tưởng mang dấu ấn siêu thực. Gió thổi trên lưng hay chính là những dấu vết của thị thành, không gian thị thành vây bọc xung quanh cái tôi trữ tình.

 

(3) Bóng tối như một niềm ăn năn sâu kín. Ký ức trở về với căn nhà của mẹ. Chiếc bánh không nhân như một nỗi niềm chông chênh, nhạt nhoà. Ngôi nhà của mẹ, của ký ức, của những mong nhớ, nuối tiếc, có lẽ giờ đây cũng như chiếc bánh không nhân trong hương vị thị thành. Nhận ra điều đó khiến cho tâm trạng của cái tôi trữ tình càng day dứt. Trong liên tưởng của sự đọc, một dư vị của Exenin hiện về từ Thư gửi mẹ.

 

(4) Mỹ cảm trở về với không gian của ký ức. Những trò chơi thơ trẻ tội nghiệp và kiếp người nhỏ nhoi, trôi nổi, lặn lội ngay từ khi mở mắt sinh ra.

 

(5) Một ý niệm về sự miệt mài của thời gian.

 

(6) Trong không gian của làng quê nghèo khó, tù đọng, tiếng người, tiếng gọi, có thể là cả tiếng của sự sống cũng buồn như củi ướt. Liên tưởng thẩm mỹ này hình thành từ vốn sống của một kẻ đi ra từ làng, từ ký ức nông thôn và những nhen nhóm buồn bã.

 

(7) Đã xảy ra nơi quê nghèo những thiên di phụ bạc. Có lẽ thế. Tiếng gọi nào kia chẳng đủ giữ chân người vội vã lìa xa. Chỉ còn mẹ tôi, nhẫn nại vớt từ bến sông những điều gì chưa thể mất đi, chưa thể tan ra và trôi chảy. Cứ lầm lụi, mẹ tin vào ngày trở lại của những giọt nước rời nguồn, tin vào bước chân trở về của đứa con tha hương.

 

(8) Phần thơ này chứa đựng những ý tứ khá phổ quát trong thơ Mai Văn Phấn. Đứa con của làng quê ngày nào dứt bỏ ra đi giờ đây nhận ra sự chở che của đất, sự cao cả của đất, sự mong manh, phù phiếm của thị thành. Có lẽ, đứa con ấy vẫn chưa nguôi những ký ức về làng, vẫn chưa quen với nền văn minh đô thị. Ngơ ngác, ăn năn, đứa con muốn trở về.

 

(9) Mỹ cảm thống nhất đến phần thơ cuối cùng. Trong bóng tối ăn năn, cái tôi nhận ra mình, nhận ra bản mệnh một đứa con của làng, của nền văn minh lúa nước, của đất đai bao dung và nhẫn nại. Nỗi e dè có lẽ là cách diễn đạt về đặc tính tinh thần của con người nông nghiệp, con người Việt Nam (Văn Lang) từ truyền thống. E dè, ưa tĩnh lặng, trọng âm, duy tình, duy linh,… con người ấy tự thắp mình lên bằng nguồn sống nội tại, nguyên thuỷ. Ngôi nhà của mẹ lúc này trở thành một biểu tượng của sức sống, tinh thần, bản sắc và ý chí con người, cư dân nông nghiệp.

 

 

 

 

 

Lúc mặt trời mọc(1)

 

Cha muốn con thức dậy trước bình minh. Khi bàn chân đêm lướt qua dàn hoa leo trước cửa. Những bông hoa cuống quýt sắc màu, mở từng cánh khẽ khàng, khuôn mặt đêm dần sáng. Mặt trời còn run rẩy trong vạt áo nồng nàn của đất, sau những tấm rèm cửa, trong hốc cây hay trong tiếng nước xuýt xoa ong óng mặt ao nhà.

 

Con là nơi dòng sông từ giã những ngôi sao, nơi con thú hoang gọi rừng thay lá, nơi khoảng trống hoá thành thời gian. Khoảnh khắc ấy là minh mẫn và ngái ngủ, là bột nhão sắp đông thành bánh, là những gì cha làm chưa kịp phía cha mơ...

 

... Phía cha mơ có ban mai đến sớm, ban mai ấy giống như con dẫu khóc hay cười đều làm sáng lên lớp bụi trần gian, sáng lên những đường kỷ hà trên nền thổ cẩm. Trên hương án tổ tiên những bài vị nhang đèn đang tư lự điều gì âm ỉ. Sau tiếng đàn đá trống đồng, cha đứng ngây nhìn đàn chim Lạc bay qua...

 

Con đã thức dậy trong ban mai của cha. Phía chân trời hừng đông như trẻ thơ bụ bẫm đang duỗi dài khoái hoạt. Vài tia sáng đầu tiên giãi bày niềm hân hoan trên thềm cửa, rồi đưa những ngón tay mềm âu yếm đỡ con đi.

 

 

______________

(1) Lúc mặt trời mọc là thời khắc gợi tứ. Cảm xúc được gợi lên từ thời gian và không gian của một ngày mới, một sự sống mới, những song hành, đối nghịch và gặp gỡ, những hy vọng và suy niệm về thời gian, thế hệ, sự kế tiếp, truyền thừa và những điều mới mẻ bắt đầu khai sinh. Bài thơ này nằm trong tiểu loại hình thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn. Một bài thơ hay, trong sáng, dịu dàng và tinh tế. Cấu trúc ngôn ngữ, hình ảnh không có gì uẩn khúc. Điều đáng nói và làm nên giá trị của bài thơ chính là nhịp điệu du dương, lâng lâng, bay bổng, âm hưởng của một lời ru, lời nhắn nhủ ẩn trong cú pháp kéo dài khá thảnh thơi. Cấu trúc lặp lại của từng chuỗi ngôn ngữ trong mỗi đoạn và còn lặp lại trong các đoạn như một điệp khúc. Chất thơ nằm ở đó. Lời nhắn nhủ như ru, vỗ về đầy hy vọng. Từ ngữ mang sắc điệu sáng láng, tươi mới lan toả trong một không gian rộng mở. Ban mai, bình minh, hừng đông chia thế giới trong hai dòng liên tưởng. Thế giới của cha và thế giới của con, truyền thống và tương lai, những gì đã diễn ra và những hứa hẹn. Bài thơ hay đến nỗi sự diễn giải trở nên vụng về. Như ánh sáng, như rạng đông tự nhiên phủ lên ngày mới, năng lượng thơ dẫn người đọc đi trong một miền mỹ cảm thanh thoát, bao dung và hân hoan.

 

 

 

 

 

 

Ký sự mùa thu(1)

 

Mùa thu mang theo trận mưa giục chiếc lá chớm vàng rụng vội. Em dọn lại căn nhà, còn anh mang chài lưới ra khơi.

 

Hải Phòng mùa này động biển? Những đàn cá trích, cá mòi theo nhau nhảy lên mặt nước. Những lưỡi sóng lặng câm không nói, khi chạm vào dịu ngọt mùa thu...

 

Thức dậy gặp heo may, ta đỡ thương cho mùa sen tàn úa.

 

Nhìn mặt ao đầm biết mùa thu nghìn tuổi. Lũ cá mại cờ, đòng đong, cung quăng chẳng chịu già đi. Trong ký ức ta chúng luôn giật mình và bơi khe khẽ.

 

Trận mưa đêm qua đã dồn chúng ra sông, đổ về biển cả. Biển mênh mông xa xót mặn mòi, chúng huỷ diệt, hoá thân và thoát xác, hồn vía thành sương khói mùa thu.

 

Mùa thu trong đông kết những công trình, đem tổ chim gài vào những hiên nhà cổ. Hoa cúc đăm đắm vàng đi thu xếp những ngổn ngang phiền muộn.

 

Mặt biển vừa yên lặng. Kéo mẻ lưới đầu tiên có bóng ngôi nhà mình, anh thấy yên tâm về em và các con.

 

 

______________

(1) Mai Văn Phấn là một tâm hồn đẫm chất thơ. Chính trong những bài thơ văn xuôi, tư chất đó mới nổi lên rõ rệt. Bởi lẽ, tại một cấu trúc ngôn ngữ giao thoa thể loại, phẩm tính thi sĩ và chất thơ càng phải mạnh mẽ để duy trì đặc tính loại hình. Như người đi trên sợi dây bên ranh giới loại hình, nếu không có được một ý niệm bền vững về loại hình, cấu trúc ngôn ngữ sẽ tha hoá thành văn xuôi. Ký sự mùa thu vẫn mang được những nguồn năng lượng thơ đã sinh trưởng trong những bài thơ văn xuôi trước đó. Không thể diễn giải từng hình ảnh hay từng cú pháp mà chỉ nghe dâng lên một niềm xúc cảm dịu nhẹ, mơ hồ trong khí quyển mùa thu. Vẫn còn đó các thi liệu cũ. Chiếc lá vàng, mùa sen tàn úa, hoa cúc vàng đăm đắm, heo may se sẽ một sớm mai, chút giăng tơ dịu ngọt,… tự thân nó không còn đủ sức để lên tiếng về mùa thu nghìn tuổi. Có chăng, tất cả những thi liệu ấy giăng lên một không gian làm phông nền cho xúc cảm. Hải Phòng mùa động biển, những loài cá sinh sôi, hoá thân, thoát xác, luân hồi (như là chúng không già đi), những tổ chim gài vào mái hiên ngôi nhà cổ, ngôi nhà của chúng ta, em vun vén thu dọn, anh mang lưới ra khơi,… là những điểm hội tụ mới toả ra năng lượng thi tính. Cuộc đời hiện lên trong sương khói mùa thu, trong nhịp sống sinh sôi của Hải Phòng, của biển, của căn nhà. Biển hay là đời và mẻ lưới đầu tiên anh kéo lên giá trị thiêng liêng của đời mình là em và các con. Logic của sự sống giản dị và kỳ vĩ trong chính cảm xúc của thi sĩ trước mùa thu. Nhịp điệu khi cô chụm, lúc lan toả như những vòng sóng, như những thảng thốt giật mình của lũ cung quăng, khi co khi duỗi. Cái vĩ đại và bền bỉ chính là nhịp điệu của sự sống, hơi thở của mùa thu và những xúc cảm về cuộc đời được thể hiện bởi một tâm hồn thanh nhẹ, thiết tha.

 

 

 

 

 

 

Hải Phòng trước năm 2000

 

Trên nền cũ ngôi nhà xưa, một liên doanh mới làm lễ động thổ. Ký ức hiện về tựa ngôi đền, dâng trong tóc mình dĩ vãng tôn nghiêm(1).

 

Đặt tay lên những khung sắt, cần trục, pa-nen... Khoảng không ấy xưa là hố bom, những hốc mắt của kiếp người lầm lũi. Tôi ngậm ngùi lạc vào đám khói. Ai đốt chiếc lá vàng mùa đông hôm qua(2).

 

Đám khói mơ màng vẽ lên phần hồn của mặt bằng, chân móng. Gió cất lên âm thanh siêu thị, luồn qua kẽ tay miên man hát khẽ. Tôi gom câu ca xưa đúc thành bệ cho các thánh nhân ngồi, những câu ca thơm hương trong ngôi đền ký ức(3).

 

Hải Phòng trước năm 2000, trái tim mỗi người hay hạt giống đang ươm, cánh đồng biển phì nhiêu bên cửa sổ. Những con tàu tựa đôi hài cổ, tiếng ai cười gieo xuống khơi xa. Thuỷ triều thức dậy cùng cây lau cây sậy. Tiếng sóng râm ran gõ cửa mỗi căn nhà(4).

 

Gốc phượng vĩ vừa đọng thêm phù sa, đường phố rì rào ngỡ từng con sông nhỏ. Đôi tình nhân lặng lẽ trôi đi tấp vào một ca bin tin học, nhãn cầu và màn hình cũng đồng tông đồng tộc, trèo qua bậc thềm thực đơn, ngây ra nhìn: đẹp quá chừng quả cà trắng rau xanh! Từ Bến Bính, Lạch Tray, Cầu Đất... đến Cầu Rào, Cát Dài, Cát Cụt... Gió ùa đến đu cây làm sóng, trong giấc mơ những đàn chim bay về thanh khiết hót ta nghe(5).

 

Bước chân ban mai hay em đến bên hè, qua lối ngỏ hồn ta như cỏ ướt...

 

Từ bóng dáng bao ngôi nhà thuở trước, thời gian lắng xuống trong veo, hiện dần lên những nhà máy xi măng, đóng tàu, cán thép... Có giọt sương đêm qua đang cựa mình thăng hoa dưới ánh mặt trời.

 

Mặt đất căng cánh buồm no gió, ta lại nghiêng mình trước ngôi đền ký ức lúc ra khơi(6).

 

 

______________

(1) Ký ức về không gian truyền thống với ngôi đền và sự trang nghiêm. Cách liên tưởng khác lạ của Mai Văn Phấn: ký ức tựa ngôi đền - ngôi đền trong ký ức, dâng trong tóc mình dĩ vãng trang nghiêm - dâng trong ý nghĩ, cảm xúc.

 

(2) Trước những đổi thay mới mẻ của quê hương, dĩ vãng kéo về một thời bom đạn đau thương, những cuộc đời lầm lũi, tăm tối như mùa đông. Sự đốt bỏ những dĩ vãng đói nghèo thành khói bay lên trên những kiến thiết mới đầy hứa hẹn.

 

(3) Khói bay lên vẽ phần hồn của mặt bằng, chân móng là một liên tưởng về sức vươn cao của hiện tại và tương lai trên nền của quá khứ buồn vừa mới được thanh lý. Cùng với những kiến thiết mới, những câu ca xưa như là hiện thân của giá trị quá khứ, vẫn toả ra hương thơm của sự minh triết, rất cần thiết cho con người trên hành trình đi về phía trước.

 

(4) Đoạn thơ có nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng. Hạt giống đang ươm, cánh đồng biển phì nhiêu, đôi hài thần kỳ, cây lau cây sậy (con người) chính là phương tiện để nói lên khí thế mới của cuộc đời xây dựng.

 

(5) Đoạn thơ này vẫn tiếp tục triển khai mạch thơ đã có ở trên. Cuộc sống đang phì nhiêu hơn, đẹp hơn từ những điều giản dị như bó rau quả cà hay đến những công trình xây dựng to lớn.

 

(6) Ngôi đền của ký ức là một biểu tượng của giá trị, bản sắc truyền thống. Giọt sương thăng hoa dưới ánh mặt trời hay những chuyến ra khơi, mặt đất căng buồm no gió là một ẩn dụ về đổi mới, hội nhập cùng những điều mới mẻ đang phát sinh trong cuộc đời. Trước năm 2000 chỉ là cách hình dung có tính chất phiếm chỉ về giai đoạn lịch sử, nơi ghi dấu những chuyển động có tính bước ngoặt đầy khí thế của Hải Phòng và cả nước. Nhịp điệu của bài thơ được tổ chức bằng những chuỗi ngôn ngữ lặp lại có tính chu kỳ, biểu đạt trạng thái tâm lý, tình cảm của chủ thể trữ tình: hân hoan, kỳ vọng và tin tưởng. Cấu trúc lặp lại này được duy trì trong từng đoạn thơ và trong cả bài thơ. Bên trong các chuỗi ngôn ngữ (Nguyễn Phan Cảnh gọi là chuỗi không phân lập) là các từ, cụm từ có độ vang đồng thời tổ chức luân phiên khá đều đặn các thanh điệu khiến cho cảm giác nhịp nhàng hiện lên khá rõ nét. Thơ văn xuôi không đòi hỏi vần, số lượng câu, chữ, nhưng đòi hỏi mạnh mẽ một cấu trúc nhịp điệu và hình ảnh cùng với chất thơ trong toàn bộ các thành tố cấu tạo nên tác phẩm.

 

 

(còn nữa)

 

 

 


Bìa tập thơ CẦU NGUYỆN BAN MAI

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị