MVP và hành trình thơ... (chuyên luận - V) - Ngô Hương Giang & Nguyễn Thanh Tâm

Ngô Hương Giang - Nguyễn Thanh Tâm

 

  

 


 

 

Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác (V)

 




Bìa 4 sách chuyên luận



 

Chương I

CHÚ GIẢI THƠ MAI VĂN PHẤN

 

 

 

Nguyễn Thanh Tâm

 

 

 

(tiếp theo)

 

 

 

 

 

V. NGHI LỄ NHẬN TÊN(*), Nxb. Hải Phòng, 1999

 

______________

(*) Nghi lễ nhận tên là một tập thơ có tính bước ngoặt trong thi trình của Mai Văn Phấn. Về mặt tứ, tên của tập thơ gợi lên từ một ý niệm về bản thể trong thời khắc nhận ra bản mệnh của mình. Quả thực, từ Giọt nắng, Gọi xanh, Cầu nguyện ban mai đến Nghi lễ nhận tên, Mai Văn Phấn đã có một nhận thức về chính những chuyển động trong cấu trúc tư duy nghệ thuật cũng như hình thái thơ mà anh muốn tìm kiếm. Nghi lễ nhận tên đúng như cái mà nó biểu đạt đã gọi tên Mai Văn Phấn như một thi sĩ cách tân với những vượt thoát rốt ráo, quyết liệt. Những gì trình hiện trong tập Nghi lễ nhận tên sẽ bảo chứng cho điều đó. Nó khiến người ta phải giật mình bởi thời khắc thi tập này ra đời (1999) mà chắc hẳn có nhiều bài đã được hình thành từ trước đó khá lâu. Những dự cảm trong Giọt nắng, Gọi xanh từ đầu thập kỷ 90 (XX) đến đây dần định hình. Gọi tên thi sĩ, gọi tên thể loại, gọi tên trường mỹ cảm và văn hoá Mai Văn Phấn chính là ý niệm bao trùm gợi lên từ tên tập thơ.

 

 

 

 

 

Từ hạt mưa

 

Xuyên qua tầng không quá nhiều tầm nhìn(1)

Những hạt mưa rơi xuống sắc nhọn

Bầu trời xanh lơ vừa bị hoen thẫm

Phút chốc xoá mờ ước lệ chân mây(2).

 

Không chịu tan hạt mưa rơi vào ta

Thành sạn sỏi chạy khắp cơ thể

Tiếng máu gào trong bàn tay thuỷ ngân

Là thịt xương hay đá vôi âm ỉ(3).

 

Sủi bọt. Rạn nổ. Vụn nát

Hơi nóng bốc cao ngùn ngụt giữa trời

Nỗi khắc khoải không còn ý nghĩa

Sự đổi thay vượt quá sức mình.

 

Chưa kịp đắn đo, chưa kịp tưởng tượng

Đã chìm trong mưa, đã cuốn theo mưa

Bỗng nhận ra mình trong tiếng kêu người khác(4)

Những khẩu hình tựa phôi thai, miệng hạt, nhuỵ hoa...(5).

 

______________

(1) Một liên tưởng hài hước, cũng có thể là một giễu nhại về thói quen ở Việt Nam: cách nói - tiến lên một tầm cao mới, đưa mối quan hệ lên một tầm cao mới, kết quả đạt được ở một tầm cao mới,…

 

(2) Chân mây, chân trời là những ước lệ. Khi hạt mưa rơi xuống, khi màn mưa giăng kín bầu trời, những ước lệ ấy được xoá mờ, bị che khuất. Đây cũng có thể là một ẩn dụ về điều kiện của một thay đổi hay một sự vượt qua các ước lệ về giới hạn.

 

(3) Khổ thơ có nhiều hình ảnh liên tưởng và tưởng tượng khá xa nhau. Liên tưởng về hình dáng - liên tưởng tương đồng, tương cận: hạt mưa - hạt sỏi, sạn, giọt thuỷ ngân, giọt máu, xương thịt và đá vôi,… Cách liên tưởng và tưởng tượng này đã bắt đầu cho một lộ trình mới trong tư duy thơ Mai Văn Phấn. Sự đứt gãy, phân đoạn, lập thể của hình ảnh thơ là kết quả của sự tư duy trên tinh thần hậu hiện đại mà sau này sẽ nở rộ trong thơ Mai Văn Phấn và nhiều thi hữu khác. Tuy nhiên, vấn đề là chất thơ từ hình ảnh, thi ảnh, cách kiến tạo ấy đã mang màu sắc khác, không còn yên ổn trong quyển khí hậu thơ truyền thống nữa. Cái mới đến từ những đứt gãy, lập thể, hay gián cách của thi ảnh, dòng ngữ lưu, nói như R. Jakobson là những “lựa chọn” và “kết hợp” mới.

 

(4) Bỗng nhận ra mình trong tiếng kêu người khác là một dụ ngôn về đại đồng, về tinh thần thông tri của đồng hữu trong một thế giới đã được xoá bỏ các ranh giới, các đường biên. Tiếng người khác không gì khác chính là diễn ngôn của kẻ khác trong môi trường đã tìm thấy sự gặp gỡ của tự ngã và tha nhân. Hiện hữu tự ngã chính là hiện hữu tha nhân.

 

(5) Một tưởng tượng về những đổi thay bắt đầu trong cơn mưa. Hình ảnh tưởng tượng khá xa nhau nhưng có những liên hệ về sự bắt đầu: Phôi thai, miệng hạt, nhuỵ hoa,…

 

 

 

 

 

Khúc dạo đầu(1)

 

Sự kinh dị hay đổ nát(2)

Cùng con đường chạy qua ký ức(3)

Dấu chân không nhận ra nhau vô cảm trơn lỳ(4)

Cả dòng sông trúng độc từng dìm ta xuống đôi bờ cỏ nát

Giờ thành đuôi sao chổi quét ngang trời

Kết thúc cơn mơ cuối cùng thế kỷ(5).

 

Tất cả đang dần trở lại

Nụ hôn, nắng mới, tiếng gà

Nước sông sẽ liền mạch

Khát vọng sẽ liền mạch(6).

 

Con đò cũ không nặng mà vẫn chìm

Biệt tăm tích bóng người chết yểu

Đã tắt hẳn ngọn đèn leo lét

Dường như chẳng còn vương vấn điều gì(7).

 

Ấy là dấu hiệu tái sinh

Hay bắt đầu những điều trọng đại

Chưa kịp xúc động

Mới mơ hồ nhận ra

Ban mai đã cuốn lấy ta những vòng tã lót(8).

 

______________

(1) Khúc dạo đầu là một cách nói về những động thái khơi sinh những tình thế mới. Bài thơ ẩn chứa nhiều dòng cảm xúc khác nhau, châu tuần về ý niệm đổi thay, tái sinh, hoà hợp.

 

(2) Phải chăng là một ký ức đau thương, điêu tàn của chiến tranh.

 

(3) Con đường oanh liệt và kiêu hùng của chiến tranh, cũng là con đường đầy đau thương mà lịch sử đã tạc vào ký ức dân tộc.

 

(4) Những dấu chân không nhận ra nhau là nỗi đau của tinh thần trơ lỳ, vô cảm, sự hằn thù lẫn nhau trên một quê hương đau thương, đổ nát. Con người vô cảm là cái chết của thế giới - một thế giới vô tri.

 

(5) Có một dòng sông ngóng chờ đằng đẵng hơn 20 năm, là nỗi đau chia cách, là máu xương lặng im giữa hai bờ đổ nát. Dòng sông trúng độc chỉ là cách liên tưởng về hiểm hoạ mà lịch sử đã giăng lên số phận dân tộc. Cơn mơ cuối cùng của thế kỷ kết thúc bởi chiến dịch vĩ đại cuối cùng, thống nhất đất nước, tái sinh và hoà hợp dân tộc. Vệt quét của sao chổi là một thi ảnh đẹp, mang lại mỹ cảm về một cuộc biến thiên, thay đổi lớn lao, hứa hẹn một sự sống mới.

 

(6) Khổ thơ này là một minh chứng cho niềm hy vọng về một sự thay đổi, tái sinh, sự nối kết, hoà hợp.

 

(7) Những đau thương, mất mát rồi sẽ qua đi. Ký ức sẽ ngủ yên.

 

(8) Một liên tưởng đã được lược bỏ những quan hệ từ: ban mai - bình minh của sự sống; tã lót - sự khởi đầu của sự sống mới. Liên tưởng này còn hàm chứa tinh thần thế tục hoá khi đặt các đối tượng của liên tưởng trong một không gian, một mặt phẳng, không phân chia thứ bậc, đẳng cấp. Sự sống thiêng liêng gợi lên từ điều giản dị, thường tình nhất là những vòng tã lót sơ sinh quấn lên hình hài sự sống mới. Nhìn nhận lại quá khứ đau thương, những mất mát, hiểm hoạ của dân tộc trong khát vọng về cuộc sống mới chính là tư tưởng bao trùm, làm nên tứ thơ của bài thơ này.

 

 

 

 

 

 

Mũi tên bóng tối(1)

 

Từ tưởng tượng

Và niềm khát vọng

Tôi rút những mũi tên

Ra đi tìm đích cho ngày(2).

 

Quanh tôi những tấm bia bất động(3)

Đây ngó sen vời vợi đáy hồ(4)

Kia lũ trẻ trần truồng chạy vào tôi hơn bốn mươi năm trước(5)

Tôi mù mờ ngắm những mu mơ.

 

Từng mũi tên vạch đường bay vun vút

Xuyên táo chiều không gian thời gian

Xuyên táo nhân sinh quan và thế giới quan

Và tôi tin mình bắn trúng đích.

 

Khi cúi xuống dưới chân hoàng hôn(6)

Thấy bóng tối đã xếp dày hơn trước

Chợt phát hiện thấy rất nhiều lỗ thủng

Những ngọn đèn vừa thắp trên sông(7).

 

______________

(1) Mũi tên bóng tối là một tưởng tượng về những truy vấn, về cách mà người ta tư duy lại bản thể, tha nhân và cuộc đời.

 

(2) Một cách hình dung về hành trình của thời gian, của cuộc đời. Cái đích của ngày chính là đi tìm câu trả lời cho sự hiện hữu của bóng tối như phần thiếu khuyết, bất khả của ánh sáng.

 

(3) Những tấm bia bất động chính là đối tượng để truy vấn, sự hiện diện của những mục tiêu cần thay đổi.

 

(4) Phải chăng là một điển cố: “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” (Nguyễn Du)? Có lẽ, đây là sự hiện diện của tinh thần đồng hữu, một giải phẫu tự ngã trong cơn khát vọng đi tìm lẽ sống, ánh sáng, nơi hoàng hôn lặn xuống, nơi những bất lực bạo tàn đang diễn ra.

 

(5) Một liên tưởng từ thân phận tha nhân đến quá khứ tự ngã. Cái tôi nhận ra hình hài của mình trong những đứa trẻ trần truồng trước cuộc đời. Liên tưởng này mang giá trị nhân văn khi ở đó toả ra những trăn trở về số phận con người.

 

(6) Dưới chân hoàng hôn là bóng tối.

 

(7) Nhiều lỗ thủng gợi lên hai suy niệm: thứ nhất, bóng tối bị bắn thủng bởi những ngọn đèn trên sông như một an ủi từ ánh sáng để mơ về một viễn cảnh tươi sáng hơn - tôi hay là sự truy vấn và những động thái khả dĩ đã trúng đích; thứ hai, những lỗ thủng càng nhiều hơn như là sự hiện diện của những bất lực, những điều không thể. Ánh sáng trên sông như là lời tố cáo về sự trôi nổi, bấp bênh của số phận mà những tưởng tượng và khát vọng hay những mũi tên hoá giải vẫn chưa thể trúng đích. Ở đây, không thể không nhận ra, dường như một nỗi hoài nghi cứ vây bủa, giăng mắc. Tứ thơ, tình thơ vì thế kết thúc trong một nhịp điệu khá bâng khuâng, thổn thức.

 

 

 

 

 

Nghe Nana Mouskousri(1)

 

Không mơ hồ vẩn bụi

Mát trong chảy xuyên các đồ vật trong phòng(2)

Tay ngỡ trói vào chân bằng nước mắt(3)

Ta ngập ngừng trong giai điệu trôi đi.

 

Đã xa hiện thời, lu mờ quá khứ

Bao lối mòn, những bộ quần áo cũ(4)

Quên cả mình từng mất mát, khổ đau

Tiếng hát tung lưới quét ta về ánh sáng(5).

 

Hiện dần lên những lấm tấm vảy bạc

Nơi hoàng hôn chạm mặt ban mai(6)

Đom đóm muốn thiêu mình trên đống lửa

Cả vòm cây đang bật khóc xuyên tường(7).

 

______________

(1) Ca sĩ người Hy Lạp, Sứ giả hoà bình của Liên hiệp quốc. Nana Mouskousri sinh năm 1934, là nữ nghệ sĩ thành công nhất mọi thời đại. Bài thơ này là một ngẫu hứng của Mai Văn Phấn khi nghe Nana Mouskousri, bởi những ca khúc mà nữ danh ca này đã thể hiện.


(2) Sự trong sáng, thánh thiện của giọng hát Nana Mouskousri trong cảm nhận của Mai Văn Phấn.


(3) Một tưởng tượng về tư thế của người nghe nhạc. Hai tay đang ôm lấy gối, đang gục đầu trong mơ tưởng và nước mắt tràn lên bao bọc lấy hình nhân trầm mặc.


(4) Ẩn dụ về những cũ mòn cần thay đổi, cần được tháo tung và rũ bỏ.

(5) Khả năng thanh lọc và cứu rỗi của âm nhạc, của tiếng hát.


(6) Dường như, một tưởng tượng gạt bỏ đêm tối, đi qua đêm tối trong sự dẫn dắt của giai điệu để hoàng hôn gặp được ban mai, bắt đầu bằng những ánh sáng dát lên không gian như những vảy bạc.


(7) Một cách hình dung về nỗ lực vượt thoát. Để đến được ánh sáng, cần phải hy sinh, cần phải trả bằng những cái giá đắt đỏ. Như phượng hoàng tái sinh trong lửa, đom đóm đến ánh sáng bằng chính khát vọng thiêu đốt ánh sáng nhỏ nhoi, cô độc của mình. Rễ cây xuyên tường trong nước mắt của đau thương, của sự tận hiến và khát vọng vượt lên. Ở đây, dường như có một mỗi liên hệ nào đó với cuộc đời Nana Mouskousri, khi cô bị cấm thi tốt nghiệp tại Học viện âm nhạc Athene bởi chính giáo sư âm nhạc của mình (do Nana Mouskousri học âm nhạc cổ điển và Opera, nhưng lại thử hát dòng nhạc Jazz rất mới lúc bấy giờ). Khi bị cấm thi, Nana Mouskousri đã bắt đầu sự nghiệp âm nhạc tại các phòng trà với thể loại Jazz.

 

 

 

 

 

Bức ảnh, trái cây và giấc mơ(1)

 

Những bức ảnh thiếu sáng, những trái cây chín ép và giấc mơ rụng cánh trước cơn mưa, chầm chậm trôi ngược dòng ký ức(2).

 

Theo ngọn gió mở cánh đồng buổi sớm, ùa vào những căn phòng lẫn bụi và ánh sáng, lau mồ hôi vừa tắm gội giấc mơ(3).

 

Và như thế, cội nguồn trong gang tấc, lúc quay về là đi hết đời mình, hay chờ luân hồi trở lại kiếp sau(4).

 

Những linh hồn kia chưa kịp đầu thai, đang ngưng lại nơi không gian thờ phụng, bay lửng lơ rồi nấp vào bái vật giáo bất động(5).

 

Có ai chạy từ giấc mơ, trái cây đến bức ảnh, để nhặt được những gì mình đánh mất, nghe tù đọng từng giọt nước mắt và nhận ra sự chai lỳ của mỗi bóng râm(6).

 

Nơi đầu nguồn đã thay một không gian và thế hệ cỏ non đang ran ran trên đất(7).

 

Những linh hồn đứng vào góc mở ánh sáng khác, trong tiếng rên của giọt sương mới, dè dặt vụng về gõ cửa từng nguyên âm(8).

 

Nhưng khắp nơi đang bắt đầu những dòng đổ vào ký ức, cả từ bức ảnh, trái cây, giấc mơ thành giọng nói đêm qua(9).

 

______________

(1) Thế giới được trả về trong những ấn tượng nguyên sơ của chủ thể. Con người cảm nhận thế giới bằng kênh linh giác, bằng trực quan, bằng sự tự nhiên mơ hồ không lý giải nổi. Bức ảnh, trái cây và giấc mơ chỉ là sự vụt hiện của một thực trạng, một hiển hiện nguyên hình của sự sống trong thời khắc mong manh của trực nhận. Cái uyên nguyên mà M. Heidegger đã nhìn thấy trong Thơ Hoelderlin có lẽ cũng nằm trong trường linh giác này. Những trình hiện mơ hồ trong tranh của Salvador Dali có lẽ cũng thế. Đừng lý giải, hãy lặng yên nghe những chuyển động của tự nhiên, cái cây, hoa trái, giấc mơ, thế giới hồn nhiên hiện về trong lúc tâm hồn đang mở ra phía bình minh của ngày mơ mộng. Bài thơ này của Mai Văn Phấn là một tưởng tượng đầy mơ mộng. Mơ mộng đem về những bài thơ. Cấu trúc mang đầy tính truyện, một tự truyện, tự thuật về hành trình quy hồi của chủ thế, của con người, những trình hiện mang nhịp điệu của sự sống, của cảm xúc vừa bí bách vừa hân hoan khiến cho cấu trúc ngữ pháp, chuỗi ngữ lưu nhiều biến động. Tuần hoàn, lặp lại của dòng ngữ lưu đem đến những chìa khoá giải mã cấu trúc của bài thơ. Sự giao thoa, xâm lấn của cấu trúc truyện kể, tính văn xuôi, khiến cho văn bản ngôn từ là một thách thức, một thực hành thay đổi tính ngưng đọng, chai lỳ của thể loại truyền thống, của cách đọc truyền thống, của mỹ cảm truyền thống.


(2) Một tưởng tượng về sự quy hồi và phục dựng tinh thể của thế giới. Trái cây bị chín ép, bức ảnh thiếu sáng, giấc mơ rụng cánh,… là một nỗi cắn rứt hay đúng hơn là một dòng chảy đáng quên lãng, cần được huỷ tạo. Trôi ngược dòng ký ức là một cách huỷ tạo bằng quy hồi để hoá giải những bất cập, sai lệch của hiện tại. Mộng mơ này khiến cho ngay từ đầu thi phẩm, chủ thể đã không thể giấu nổi mình là một tâm hồn đang kiếm tìm viễn tượng đại đồng, nơi mà những lầm lẫn của ký ức được tu chỉnh và phục dựng trong niềm hân hoan tái sinh.


(3) Sự huỷ tạo bằng quy hồi đang diễn ra. Giấc mơ được tắm gội, căn phòng được thổi dọn bởi ngọn gió ban mai thổi từ cánh đồng buổi sớm.


(4) Hồi quy về tận cội nguồn, nơi thế giới và con người vừa khởi sinh, nơi tất cả chưa bị tha hoá, bị biến cải. Ở đây sót lại tàn dư của nỗi luyến tiếc, đúng hơn là tâm thế hiện sinh với quan niệm sống là quá trình. Bởi thế, trở về ký ức, quy hồi cũng chính là thực hành sự sống. Sự tái sinh từ cội nguồn ký ức thực ra cũng chính là sự đợi chờ luân hồi khi đi hết hành trình của hữu sinh.


(5) Cách hình dung về sự giao thoa của những thế giới hay chính là những tưởng tượng về linh hồn chưa được đầu thai hiện hữu trên những không gian thờ phụng, trong các bái vật giáo với tín ngưỡng vạn vật hữu linh của cư dân Việt.


(6) Nhưng tại sao lại là chạy từ giấc mơ, trái cây đến bức ảnh? Đó là một quá trình gắn với sinh mệnh của các thực thể. Bức ảnh như là sự ngưng đọng của quá khứ, trái cây đã chín ép, đã trải qua các mùa, qua thời gian, giấc mơ như là điều không bao giờ dừng lại, vĩnh viễn chuyển động. Sự quy hồi ở đây chính là từ giấc mơ trở về với quá khứ ngưng đọng, trong bức ảnh, thậm chí trên không gian thiêng của ban thờ hoặc nơi các bái vật giáo lặng im,… Giải phóng các ngưng đọng, chai lỳ này để lần tìm một khả thể, một sinh lực mới cho tương lai, tái sinh và luân hồi.


(7) Một tưởng tượng về thế giới mới, nơi sự sống được bắt đầu.


(8) Góc mở của ánh sáng khác là một hướng thay đổi, một tạo tác mới. Bức ảnh thiếu sáng, giấc mơ gãy cánh, trái cây chín ép, giọt nước mắt tù đọng hay sự chai lỳ của bóng râm là những mảnh ký ức cần được hoá giải, thay đổi. Giọt sương đang rên lên trong niềm vui sướng của sự tái sinh, những nguyên âm rưng rưng chờ đón tiếng gõ cửa từ giọt sương. Sự sống diệu kỳ đang khai mở. Những nguyên âm là một ẩn dụ, lại là một hiển hiện không thể cưỡng giấu về sự sống. Người ta không thể gọi tên bằng những phụ âm. Những nguyên âm là cơ hội để gọi tên sự vật. Đánh thức những nguyên âm là đánh thức thế giới, đánh thức con người và sự sống.


(9)
Một hình dung rộng lớn về sự hồi quy. Khắp nơi đang diễn ra sự hồi quy, hoá giải một thế giới ngưng đọng, thiếu sáng, chai lỳ, đổ gãy, cưỡng ép,… Tất cả biến thành giọng nói, thành những đòi hỏi được cất lời. Giọng nói đêm qua là của một thế giới quy hồi hay của chủ thể mơ về thế giới quy hồi? Không rõ nữa, chỉ biết rằng, sự lên tiếng về một thế giới đang chết cần được tái sinh, cần được huỷ tạo đã đánh thức những giấc mơ, những giọng nói khác. Đêm qua cũng là thời điểm để những mộng mơ được khởi dựng trên niềm khát khao và trí tưởng tượng về một thế giới phục sinh.

 

 

 

 

 

 

 

Thời vụ(1)

 

Cánh đồng trên đầu vừa mở cho tiếng vọng(2)

Cởi bỏ những ưu phiền

Cởi bỏ hoàng hôn

Mạch nước chảy về

Mỗi giọt đều được lau chùi từ thăm thẳm

Nhằm nơi ta bay ngược cánh cò(3).

 

Lại vỡ bài ca gieo hạt(4)

Tiếng trầm hùng qua thanh đới tổ tiên(5)

Như cố dạy giọt mồ hôi học nói(6)

Cỏ lác u sầu biết gượng mà đi(7).

 

Nhưng cánh đồng không chờ lâu được(8)

Qua bình minh, rồi trở lại bầu trời

Có ai đặt vào tay ta khoảng lặng im vụn rời như nắm thóc(9)

Lời ca chống những cặp môi lên làm ẩm ướt cả không gian(10).

 

______________

(1) Thời vụ là một ẩn dụ về cuộc sống.

 

(2) Cánh đồng trên đầu hay chính là sự tưởng tượng về cánh đồng, về cuộc sống. Cũng có thể, cánh đồng trên đầu là một ý niệm mang tính siêu hình học về tư tưởng cần phải thay đổi, cần phải tiến hành những “thời vụ” mới. Tiếng vọng mở ra từ chính ý niệm về cuộc đời mới.

 

(3) Một hành động tưởng tượng, rũ bỏ những phiền muộn, bóng tối, lau chùi giọt nước, trôi ngược về nơi cánh cò bay đi (cánh đồng), nơi ta trở về.

 

(4) Gieo hạt là một ý niệm về sự ươm mầm, khởi sinh sự sống. Một trình hiện liên văn bản, liên văn hoá về truyền thống nông nghiệp, về những văn bản đã có về khả năng cải tạo và tái tạo sự sống của con người. Cấu trúc cú pháp có những thay đổi, ngầm ẩn: Lại vỡ bài ca gieo hạt/ Lại bài ca vỡ (đất) gieo hạt/ Gieo hạt lại (với những) bài ca vỡ (đất)/ Lại vỡ (lẽ, hiểu ra) bài ca gieo hạt,…

 

(5) Tiếng nói của tổ tiên.

 

(6) Ẩn dụ về sức lao động, sự cần cù trên cánh đồng cuộc đời.

 

(7) Ẩn dụ về những hiện thể sống trên cánh đồng cuộc đời. Sự sống không dễ dàng.

 

(8) Cánh đồng không chờ được lâu là một ý niệm bi quan về hữu hạn. Cánh đồng không thể là sự sống nếu thiếu con người. Nhưng, con người mang trong mình muôn vàn giới hạn. Bởi thế, qua bình minh, bầu trời, qua những không gian, thời gian hữu hạn, con người có thể sẽ lỗi hẹn với cánh đồng.

 

(9) Từ ý niệm bi quan ở trên, mạch thơ dẫn đến một “hố thẳm” (Phạm Công Thiện): Khoảng lặng im vụn rời như nắm thóc - hạt giống của ý niệm, của tư tưởng, của lặng im suy ngẫm, của cùng cực hiện sinh. Dường như, sự bi quan đã bị đẩy lên tới đỉnh điểm khi thi sĩ nhận ra những rời vụn của ý nghĩ, của niềm mong mỏi đơn độc. Hy vọng cứ lụi đi khi từng ý nghĩ vụn rơi rụng qua kẽ tay, tuột khỏi những nâng niu, chăm chút của con người - hẳn đó là một dự tưởng ngoài mong muốn.

 

(10) Một tưởng tượng quá xa khỏi mỹ cảm cộng đồng. Lời ca có lẽ liên hệ nhiều với lời ca đã trình dẫn ở trên. Những cặp môi chống lên như là ý tưởng về con người - một hoán dụ bộ phận. Những lời ca chống những cặp môi lên làm ẩm ướt cả không gian là một hình dung về sinh quyển của thời vụ, về khả thể cho một tương lai nảy mầm, cũng có thể là một bi quan khác về tính phi lý, phản quy trình của những thế lực bên ngoài khiến cho thời vụ có thể không như mong đợi,…

 

 

 

 

 

 

Trong căn phòng

 

Đèn bật sáng

Mọi vật nhìn rất rõ

Chiếc gạt tàn kia

Bóng tối đã hình dung(1).

 

Ý tưởng mới hiện hình

Những điều chưa kịp giải thích

Cũng nằm yên trong ánh sáng chan hoà(2).

 

Còn mang một nửa bóng tối(3)

Tôi lấy hơi cho những âm vang

Bắt đầu là tiếng nấc hụt yếu hèn...

 

Muốn giật chiếc công tắc trong chốc lát

Gọi tên sự tù mù lẫn cả sự sáng lên(4).

 

______________

(1) Những mô tả về căn phòng khi ánh sáng được bật lên. Gạt tàn, bóng tối đã hình dung chỉ là cách liên tưởng ngược về chủ thể trước đó, một trạng thái hiển hiện như điện ảnh về một không gian được chiều rọi từ từ, dần hé lộ, nói lên quá trình ánh sáng khai minh bóng tối, đồng thời cũng làm hiện lên quy trình bóng tối đã chiếm lĩnh sự vật trước đó.


(2) Ánh sáng khai minh, mở ra những hình ảnh mới về thế giới, những ý tưởng mới, chưa thể giải thích.


(3) Một cách hình dung về thế giới tinh thần của con người. Nửa sáng và nửa tối có lẽ là một trình hiện về ý thức, vô thức và tiềm thức. Phần ý thức phải chăng là ánh sáng? Phần vô thức, tiềm thức phải chăng là bóng tối? Không hẳn? Bởi ở đấy, ánh sáng đang đi ra từ vô thức, từ bóng tối, từ thế giới ẩn mật của con người, cứu rỗi ý thức tha hoá thành bóng tối. Tiếng nấc hụt yếu hèn là một tình trạng của ẩn mật, là một tình trạng bị kím nén và sợ hãi. Bởi thế, âm vang nào nếu không phải là tiếng vọng từ vô thức, tiềm thức, cất lên cho một thảm trạng cần thay đổi, cần được chiếu sáng, cần phải hiện hình.


(4) Gọi tên sự tù mù và sự sáng là một tâm thế đang náo động trong sự bí bách, trong những hoang mang chưa tìm thấy sự bấu víu nào trong những chuyển động của bóng tối và ánh sáng. Sự tù mù không hẳn là bóng tối. Điều này gợi lên từ chính những hàm ẩn của tính từ này. Sự tù mù của ánh sáng, bóng tối tù mù, hiện thực tù mù, cuộc đời tù mù, các giá trị tù mù,… Tương tự như thế, sự sáng không hẳn tồn tại nơi ánh sáng. Chân lý không phải ở số đông. Bởi thế, gọi tên sự sáng cũng là gọi tên một giá trị, một khả năng khai minh từ trong bóng tối hoặc từ trong những tù mù, bất định. Song hành này đã thể hiện niềm hoang mang như là một sự kết liên với tâm thái bi quan sẵn có đồng thời không triệt tiêu ý hướng về một khả thể tích cực hơn cho sự sống.

 

 

 

 

 

Cấu trúc tạm thời( 1)

 

Những thửa ruộng, nóc nhà, bóng cây, mái tóc...(2)

Chuyển động lặng im, vụn rời, không quy luật.

 

Chúng chờ đợi tiếng cười tiếng khóc

Nỗi lo âu tìm cột mốc vô tư

Sự chân thành cảm hoá dối lừa

Để tạm thời tạo nên cấu trúc.

 

Ta chạy qua những ô cửa lấp loá

Ngã bảy ngã ba nờm nợp bóng người

Nơi công cộng tiếng hỏi chào vồn vã

Như chẳng hề có gì xảy ra.

 

Kìa thửa ruộng đang vươn lên che chở những ngôi nhà(3)

Và bóng cây cố hiện thân thành mái tóc

Cơn hạn hán réo sôi trong bàn chân chim chóc(4)

Tia nắng cuối chiều mơ mộng kéo thành tơ(5).

 

______________

(1) Cấu trúc tạm thời không gì khác là hình dung sơ lược ban đầu về một thế giới mới được khai mở từ tứ thơ bất chợt. Nếu xem “cấu trúc” là một danh ngữ, một chủ thể, thì “tạm thời” mang thân phận là một định ngữ với hàm nghĩa chắc chắn là “tạm thời”. Nghĩa là, nó sẽ có cơ hội để chỉnh sửa, để hoàn thiện. Tuy nhiên, chính trong bản mệnh tạm thời ấy, nó phản kháng lại tính cố định, bất biến, hoàn tất và đông cứng của cấu trúc. Cái nằm sau tứ thơ, cái hun đúc nên thi phẩm có lẽ là ở đó. Cấu trúc động, bất toàn, chưa hoàn kết là ý niệm rộng mở về thế giới.

 

(2) Những hình ảnh bất chợt khai sinh tứ thơ. Nó có vẻ ngẫu nhiên, nhưng kỳ thực lại mang ý nghĩa về những điều cốt tử đối với đời sống. Tứ thơ sẽ vẫn động theo hướng đó, nghĩa là một hệ triển khai ngang - dọc kiến tạo thế giới - cấu trúc tạm thời, vận hành xung quanh các hình ảnh ngẫu nhiên xuất hiện trong lúc tứ thơ khởi phát.

 

(3) Một ẩn dụ. Thửa ruộng và ngôi nhà chính là nguồn sinh kế và sự sống. Hiểu theo ý này mới thấy hết giá trị của việc thửa ruộng nuôi sống và che chở căn nhà. Ở đây, liên tưởng của tác giả đã dịch chuyển qua hai giai đoạn, lấy kết quả của liên tưởng nhân quả để làm chất liệu cho một liên tưởng khác. Sự lựa chọn cách biểu đạt này mang đến một không khí khá lạ lẫm trong không gian thẩm mỹ của bài thơ. Bóng cây hiện thân thành mái tóc cũng nằm trong mạch liên tưởng ấy. Bóng cây như là mái tóc trên thân thể trái đất, trên thân thể của không gian sống. Nó gợi lại cho con người những cảm giác được che chở.

 

(4) Một liên tưởng thông thường nhưng nhiều sức gợi. Một trong những đặc điểm hình thức của chất thơ chính là hệ thống ngôn ngữ giàu sức biểu cảm, gợi cảm. Ở đó vừa có ẩn dụ về con người trong cảnh sống khắc nghiệt. Mặt khác, vết chân chim còn gợi về phía những tiền niệm trên thân thể con người trải qua cuộc sống, qua thời gian. Tuy nhiên, tính từ “réo sôi” làm định ngữ cho cơn hạn hán lại có vẻ đi chệch khỏi quỹ đạo của trường từ vựng, trường liên tưởng. Bản thân “réo sôi” hàm chứa sức nóng nhưng lại không hàm chứa sự khô hạn. Bởi thế, tính gợi của chuỗi biểu đạt không được như ý muốn của tác giả.


(5) Một liên tưởng có gợi dẫn từ câu thơ trên. Có lẽ, Mai Văn Phấn bị chi phối bởi tính từ “réo sôi” khiến cho vị ngữ “kéo thành tơ” của câu dưới xuất hiện trong tư duy thơ. Tính thống nhất của một chỉnh thể vẫn được thực thi trong mộng mơ về những khả năng cứu rỗi, tái tạo trong không gian khắc nghiệt, khó khăn, cằn cỗi của sự sống. Thửa ruộng che chở căn nhà, bóng cây mơ thành mái tóc, tia nắng mơ thành sợi tơ,… Tuy nhiên, không thể không nhận ra ở câu cuối cùng này mạch cảm xúc bị chuội đi, rơi vào dễ dãi dù hình ảnh đẹp. Cái dễ dãi xuất hiện ngay ở âm hưởng và nhịp điệu nhẹ theo dạng thức của kết cấu truyền thống với nhiều thanh bằng - kiểu có hậu, cảm xúc đã vơi, đã tiên lượng một kết cục. Thậm chí, có thể mường tượng câu kết này có khi còn nảy sinh trước những tạo dựng văn bản ở trên. Đó cũng là quy luật của nhiều thi sĩ trong cách triển khai tứ thơ. Tứ thơ thường bất chợt đến và hiện hình trong một vài dòng đầu tiên đồng thời nó cũng hứa hẹn một kết thúc nào đó cho thi sĩ. Những triển khai theo chiều ngang - dọc như là một sự bổ khuyết, một lấp đầy, vun đắp, bồi trúc cho tứ thơ hay một khung cấu trúc nào đó tiên khởi trong tư duy thơ của thi sĩ. Nó khớp với một mở đầu và một mường tượng kết thúc có khi đã được tiên lượng.

 

 

 

 

 

Bây giờ mưa phùn(1)

 

Khi mưa phùn làm lại từ đầu(2)

Anh vẫn còn mơ hét vang trong tóc(3)

Em bảo khi ấy em đã tỉnh

Bởi không gian ẩm ướt đang về(4).

 

Cứ thương anh sao mơ nhiều, mơ lâu quá

Bởi lúc đó anh vẫn muốn hết mình

Thế còn ai cầm tay em

Nghe tiếng thở của em bên kia mộng mị...(5)

 

Anh bỗng sợ rồi mưa phùn nghe thấy

Biết chúng mình đã trẻ trung hơn xưa(6)

Những ý nghĩ lung tung chạy cùng sóng lá

Mùa này nụ mầm thường lên rất nhanh(7).

 

______________

(1) Một ý niệm về không gian và thời gian. Sự mơ hồ là nguyên thể của thơ, bởi thế, Bây giờ mưa phùn chỉ gợi lên một khoảnh khắc, một trạng thái, nơi khởi sinh những rung cảm về cuộc đời, về bản thể, về em, về tình yêu và những rung ngân của nó.

 

(2) Ở đây xuất hiện liên tưởng nguyên nhân kết quả nhưng bị lược bỏ giới từ (như). Mưa phùn làm lại từ đầu có thể là một khởi động cho quá trình xoá bỏ, thanh tẩy những vết bám của quá khứ hay hiện tại bất như ý.

 

(3) Một hoán dụ nảy sinh trong cơ chế trùng phức các tương cận: Giấc mơ, đầu - tóc.

 

(4) Đối thể em luôn là hình tượng mơ về thường trực của các thi sĩ. Không gian của hai câu thơ này tích chứa một trữ lượng âm tính cao, là không gian hữu sinh. Thực ra, chất thơ không nằm trên câu chữ mà thoảng hiện lên, mơ hồ trong dáng hình của em, chợt tỉnh giấc lúc mưa phùn ẩm ướt. Một cảm giác hiền lành và dịu nhẹ lan toả ùa về trong cảm thức của người đọc khiến cho những triển khai trước và sau nó trở nên đầy ám gợi.

 

(5) Sự dịu nhẹ lan toả đến phần thơ này (chúng tôi không muốn sử dụng cách định dạng cũ - khổ thơ). Hẳn nhiên, trong giấc mơ của anh có những niềm cuồng nhiệt và tha thiết. Sự dỗi trách nào kia nếu chẳng phải là một mộng mơ ở phía sau mộng mơ, nơi những khoảng tối ẩn mật bao trùm ý nghĩ và thân thể đang nhắc nhở. Nơi tiếng thở nén lại thành những cơn mưa phùn, thành những ẩm ướt. Phía sau mơ mộng là vô thức, tiềm thức - một vũ trụ vô biên và vô minh. Ai cầm tay em phía ấy nếu anh vẫn miệt mài trong giấc mơ hét vang của mình.

 

(6) Một cách diễn đạt về trạng thái của cái tôi và đối thể. Trẻ trung hơn xưa là một phản đề về chất lượng sống hoặc những tưởng tượng về một quy ước tuổi tác, thời đại đã mất đi hiệu lực tại thời điểm đang nhắc tới. Ở đây có một liên tưởng xuất hiện về một thời người ta đã không được sống như nhu cầu vốn có của lứa tuổi. Con người phải chăng đã già đi, đã bị tước đoạt mất tuổi trẻ ? Thế nên, bây giờ mưa phùn, bây giờ chúng ta đang trẻ trung hơn xưa.

 

(7) Những tưởng tượng về sự sống, sức sống đang dâng lên trong không gian hữu sinh. Tư duy lập thể của tưởng tượng vốn là sở trường của thơ siêu thực. Ở đây, những tưởng tượng lập thể xuất hiện vừa tạo nên không gian siêu thực của giấc mơ, vừa tạo nên cảm giác chập chờn, đứt nối của mạch thơ vốn nguyên phiến trong thăm thẳm vô thức.

 

 

 

 

 

Phía sau ánh sáng

 

Bóng những chiếc ghế, hàng cây, ngọn tháp...(1)

Trốn màn đêm đi tìm ước mơ(2)

Những lưng ghế không biết đổ mồ hôi

Và tán lá không làm ra diệp lục

Cả quả chuông cố rung lên mà không thành tiếng(3)

Ranh giới giấc mơ -

Ranh giới chân trời...

Những giấc mơ cố vùng vẫy đến tận cùng sự thật(4)

Nhưng bóng ghế, bóng những hàng cây, ngọn tháp...

Ngã sõng xoài về phía sắp bình minh.

 

______________

(1) Một hình dung ngẫu nhiên về thế giới. Các thực thể này được xem như một biểu đạt về con người.

 

(2) Ánh sáng có thể là ước mơ của nhiều thực thể nơi bóng tối.

 

(3) Những giấc mơ của lưng ghế, của lá cây và quả chuông. Những giấc mơ không thành hay là ranh giới của chân trời, cuộc đời.

 

(4) Sự trỗi dậy của phân tâm học đem đến những tưởng tượng về giấc mơ, về ranh giới của mơ, mơ mộng và tưởng tượng. Giấc mơ đi tìm sự thật chính là một hoài nghi những tuyên cáo phủ định giấc mơ, xem đó là hư ảo, vô thực. Nhưng sự thật không phải lúc nào cũng hiện diện ở ánh sáng. Tận cùng sự thật đôi khi phải thâm nhập vào bóng tối. Bởi thế, phía sau ánh sáng chưa phải (không phải) là bóng tối mà là những ước mơ kiếm tìm sự thật, là bao thực thể đang vươn về ánh sáng của sự thật toả ra từ bình minh hồn nhiên, vô tư - thứ ánh sáng không thể bị đội lốt.

 

 

 

 

 

Giải pháp(1)

 

Sự e dè thường được bọc kín thành nhân trong hạt. Dẫu mang nhiều hứa hẹn mùa xanh, những hiệu quả bội thu tiếp nối, nó vẫn không tự thoát ra khỏi lớp vỏ dày(2).

 

Dù thấy mình quan trọng bao nhiêu, ví với tầm nhìn không gian rộng lớn, những âm thanh dẫu hùng tráng... Nhưng sắc màu huyền ảo của nó chỉ lan toả từ ranh giới này sang ranh giới nọ(3).

 

Chỉ khi một cánh chim hay tia sáng ngôi sao vô tình nào bỗng xuyên thủng lớp vỏ kia bí ẩn, hay hạt giống được chạm vào dịu nhẹ ngón tay của hạt mưa xuân, mọi trật tự và quan niệm sẽ khác(4).

 

Trước mắt đâu còn đường chân trời, mà chỏm tóc của nhiều người nối tiếp nhau chạy gấp. Họ dốc sức chạy xa hơn khi phát hiện ra những đích khác(5).

 

Vẫn thói quen hào hứng và lạc quan xưa cũ, ta ngẫu hứng một giai điệu gì quen lắm, sao thấy không hào sảng và lôi cuốn như xưa(6).

 

Vội ve vuốt một mầm cây vừa mọc dưới chân và tưởng tượng ra mùi hoa trái dâng lên trong một khung cảnh mới. Đứng lên, ta hiểu mình vừa xua đi một nỗi kinh hoàng(7).

 

______________

(1) Giải pháp là một cách hình dung về con đường của sự giải thoát, sự phá vỡ những vỏ bọc bền bỉ để nẩy mầm một sinh thể mới. Bài thơ là một tự sự từ chủ thể gắn với cảm xúc vừa mệt mỏi, chán chường lại vừa nơm nớp hy vọng. Tính truyện được gia tăng khiến cho lời thơ như là một tự thuật, một tâm sự. Nhịp điệu của hình ảnh và thi cảm dàn trải với tiết độ chậm, ngôn ngữ khá gợi cảm. Chất thơ của thi phẩm này chính ở ngôn từ đậm sắc thái chủ quan, giàu cảm xúc và nhịp điệu.

 

(2) Những tưởng tượng này có tính chất ẩn dụ. Theo đó, thi sĩ trình báo một quy luật đồng thời liên hệ đến đời sống thông qua ý niệm về hạt, nhân và vỏ bọc. Sự e dè chỉ là cách liên tưởng mang tính chủ quan về thực thể bên trong, được che chở, bao bọc bởi những lớp vỏ bên ngoài. Hạt luôn ẩn chứa khả năng này mầm và hứa hẹn ở tương lai. Tuy nhiên, trong một khung cảnh nhất định, vỏ bọc bền bỉ đã triệt tiêu khả năng tự xé vỏ trổ mầm của nhân lõi bên trong. Tính chất bị động khiến cho những thành quả bội thu phải cần đến một giải pháp từ bên ngoài.

 

(3) Một ẩn dụ về các đại tự sự và tính kiên cố cũng như giới hạn của nó trong đời sống.

 

(4) Những tác động từ bên ngoài, những giải pháp cho phép nghĩ tới một khả năng nảy mầm của sinh thể mới.

 

(5) Một hình dung về giới hạn và tính bất định, bất toàn của các hệ giá trị. Không thể có một quy chuẩn cho tất cả, cho mọi thời, mọi người. Bởi thế, một ý niệm tuyệt đối nào cũng là một sự duy ý chí.

 

(6) Một phản tư về giá trị.

 

(7) Giải pháp được thực thi. Nâng đỡ, vuốt ve một mầm sống mới và mơ tưởng đến mùa hoa trái sẽ đến là niềm hy vọng cuối cùng trước những trơ lỳ, chai bạc đang hiện diện. Chỉ có nâng đỡ sự sống mới và hy vọng mới đưa con người thoát khỏi thảm trạng của sự mỏi mòn, thất bát.

 

 

 

 

 

Sáng mùa hè

 

Lá sen và ngó sen

Tỉnh dậy trong vòng tay của nước

Bờ vai em trong mịn nhô lên

Lại tan theo sóng lăn tăn...(1)

 

Anh trấn tĩnh níu vào chân cỏ

Gọi em trong bầu trời mở rộng

Và màn đêm vừa tan ra quá nhanh(2).

 

Không nghe được tiếng mình

Chỉ thấy tiếng hoa loa kèn vọng lại

Nhưng anh tin là em đã nghe.

 

Em đã nghe

Nên gốc cây vừa tưới mới ngấm nhanh đến thế

Vòm phượng vĩ đẫm sương sáng nay bốc cháy

Những quả ngô đồng khô nỏ khua vang(3).

 

Lao vào đất những ngón chân khát nước

Chiếc lá mới nhô lên đặt lại ca từ

Lửa đã bén trong không gian lặng lẽ

Từ nỗi niềm vừa rơi xuống vỡ tan(4).

 

______________

(1) Một mô tả khung cảnh gợi tứ. Ở đây có thể là một nhân hoá sen thành em. Cũng có thể, làm sao khước từ được một liên tưởng về em thực hữu giữa không gian sen, một sớm trong lành.

 

(2) Cảm xúc được khai triển rộng hơn nên hình hài của chủ thể và đối thể được nhận diện. Khi màn đêm tan ra, mới hay, vòng tay của nước chính là anh, còn ngó sen, lá sen tròn mượt như bờ vai kia là em. Anh trấn tĩnh níu chân vào cỏ trước vẻ nguyên sơ và thánh thiện của sen. Vòng tay của nước có thể nào không thể xao động trước vẻ đẹp ấy.

 

(3) Những cảm xúc trình hiện khoảnh khắc nhận ra một mùa mới đang về. Sen và hoa phượng, hoa loa kèn cùng dâng lên sức sống của mùa hè. Tiếng khô vang của quả ngô đồng gây một âm hưởng mạnh trong không gian mang dấu ấn của thi pháp thính giác phổ biến trong thơ văn xuôi sau này của Mai Văn Phấn và nhiều thi hữu khác.

 

(4) Những liên hệ ngầm ẩn của cảm xúc trước các dấu hiệu của mùa hè. Những ngón chân khát nước, chồi lá nhú lên, lửa trong không gian và tiếng vỡ của những khô nỏ là tín hiệu thị giác nhưng lại giấu một nỗi niềm vừa tan vỡ, lặng lẽ, tiếc nuối và cả những nhen nhóm thầm kín. Chiếc lá mới nhú đặt lại ca từ là một hình dung về đời sống khác, một bài ca khác sẽ hát cho/ trong một đời sống khác, nơi những tan vỡ đã đi qua.

 

 

 

 

 

Từ một đường bay

 

Trong màn sương quánh đặc ẩm tối

Bóng cây im lìm rũ rượi

Cánh chim vút lên mở một đường bay(1).

 

Như tất cả cùng lặng thinh chờ đợi

Giữa không gian bí ẩn rộng thênh

Cánh chim hoá ngọn cờ phát lệnh(2).

 

Lưỡi chổi vô tâm làm run rẩy mặt đường

Những răng lược bén vào chân tóc

Đôi môi cô đơn tìm lên vòm ngực

Bao cặp mắt mở to nhìn ngọn lửa bốc cháy từ sương(3).

 

Đâu phải từ ngàn xưa truyền lại(4)

Lửa vừa bén lên từ một đường bay(5)

Có tàn than bắn vào ta nơi nỗi đau buốt sáng(6)

Sau tiếng chân chim nhẹ nhàng đậu lên sống lưng, đỉnh sọ

Ta thấy qua ngực mình mây xám dần trong(7).

 

______________

(1) Không gian của tưởng tượng. Bóng cây đã được lắp ghép vào sự im lìm rũ rượi bởi sự lược bỏ danh từ làm chủ thể: thuộc về cây hoặc thuộc về một sự trú ngụ. Ở đây hẳn là những cánh chim. Bởi thế, câu thứ ba là một đột phá, tách khỏi tình trạng rũ rượi để kiến tạo một đường bay.

 

(2) Cảm xúc được cụ thể hơn ở phần thơ này khi cánh chim và đường bay kia trở thành hiệu lệnh cho một sự thay đổi, một sự bứt phá, phá vỡ trạng thái im lìm, rũ rượi. Không gian được kiến tạo khá tĩnh đọng, khiến cho cánh chim trở thành một hoạt lực mạnh mẽ nhất, có khả năng đánh thức toàn bộ. Lấy cái tĩnh để chuyển đạt và đề cao cái động chính là thủ pháp sở đắc trong trường hợp này.

 

(3) Một trong những thủ pháp yêu thích của Mai Văn Phấn là trình hiện một thế giới được quan sát từ tâm linh hay đúng hơn là thủ pháp biểu đạt cái trực cảm trong tính hỗn dung, phồn thể của nó. Anh không sắp đặt tự nhiên, càng không sắp đặt cảm giác của mình bởi trong sự lộn xộn tưởng như phi logic ấy lại hiện lên một đôi mắt có lẽ cũng đang im lìm, rũ rượi và hoang mang quan sát thế giới. Đó là cảm giác phía sau cái nhìn hỗn độn, một phi lý nội tại. Lưỡi chỗi, răng lược và cặp môi cô đơn hàm chứa một nỗi trì đọng và nhức nhối, một tình trạng đòi hỏi được thay đổi. Có một nguồn năng lượng đang căng lên cho giây phút bật tung thành những đường bay khác trương mở từ những đôi mắt đang nhìn. Trong sương, đường bay hiệu lệnh bén vào không gian ánh lửa của niềm khao khát cháy bỏng vẫy gọi.

 

(4) Hoạt lực giải phóng không phải là di sản của ký ức mà trước hết như nhu yếu của thực tại.

 

(5) Cảm xúc tiếp nối đã được trình hiện ở chú giải 1.

 

(6) Nỗi đau buốt sáng là một liên tưởng đã bị rút mất phụ từ, trạng từ, từ so sánh (bây giờ, đang, như, rồi, cứ, lại,…). Ở đây, trong sự im lìm, rũ rượi, trong trạng thái ngưng kết trì đọng và vô cảm, nỗi đau là một ánh sáng dẫu nhức buốt. Bởi nỗi đau nhắc con người về cảm giác sống, về sự mất mát hay nhu cầu phải thay đổi. Không còn cảm thấy đau đớn là tình trạng của cái chết.

 

(7) Một hoán dụ bộ phận: sống lưng, đỉnh sọ, thay thế cho sinh lực và trí lực. Từ đường bay của cánh chim đến dấu chân chim nhẹ nhàng đậu lên sống lưng và đỉnh sọ là một quá trình tự ý thức, chuyển hoá từ thị giác, thính giác vào trong tư tưởng. Sự thức nhận về thay đổi đã rọi sáng mây xám trong lồng ngực âm u. Tỉnh thức là trạng thái tinh thần của chủ thể trước đường bay cháy bỏng gợi lên từ tứ thơ ở đầu, duy trì một mạch cảm xúc đi từ ngưng đọng đến linh động và hé sáng.

 

 

 

 

 

Dấu vết bình minh

 

Sóng sắc lẻm, đường chân trời đã vỡ

Ban mai trào lên nơi ranh giới xoá nhoà

Muôn ngàn mắt em xoay không gian lập thể

Trong hạt sương trôi căng mọng phập phồng(1).

 

Đừng trôi lại gần đám mây đẫm xăng

Dù cố giấu đi mười ngón tay có lửa

Những lưỡi gió thơm tho luồn vào lỗ tai

Ấp lên hoang sơ giấc mơ của cỏ.(2)

 

Da thịt anh rộn ràng mang dấu chân em(3)

Làm những móng tay trên đất càng vang vọng(4)

Mỗi đốt xương muốn rời ra ngân lên bộ hơi(5)

Ngỡ có đôi môi trên đỉnh đầu đang thổi.

 

______________

(1) Nếu cần phải đặt tên cho bức tranh lập thể này, Mai Văn Phấn sẽ đặt tên là Bình minh/ Ban mai như chính cách anh gọi tên thi tứ của mình. Bức tranh được tạo nên bởi những hình ảnh đan chồng, lồng nhập, những hình nét bất quy tắc (trong thị giác thông thường). Nhưng chính Pablo Picasso đã nói, người nghệ sĩ trình hiện cái anh ta cảm thấy chứ không phải là cái đang hiện diện, hoặc A. Ainstein nói là Thế giới như tôi thấy. Bởi thế, hoàn toàn có thể mô tả bức tranh ấy bằng ngôn ngữ như Mai Văn Phấn đã thực hiện. Sóng, đường chân trời rạn vỡ, ngọn sóng như mắt em, lập thể những chân trời, những hình ảnh về thế giới, hạt sương căng mọng, phập phồng là những mảnh ghép, những mảng màu, hình khối trong một bố cục lập thể đã được gọi tên.

 

(2) Đám mây đẫm xăng là hình ảnh liên tưởng. Biến sự vật, danh từ thành tính từ, biểu đạt trạng thái của đám mây bởi thế mà độ căng của thông tin và cảm giác được gia tăng. Mười ngón tay có lửa là một triển khai mang tính kết quả của liên tưởng ở trên về đám mây. Chiếc lưỡi thơm tho của gió, giấc mơ hoang sơ của cỏ,… là cách hình dung và biểu đạt về tình yêu hay một mộng mơ bỏng cháy nào đó trong niềm hân hoan được liên kết, được tỏ bày. Cỏ hoang sơ và mềm mượt, gió thầm thì bằng chiếc lưỡi ma thuật, bùa chú về một niềm bỏng cháy giấu trong những đám mây đẫm xăng, những móng tay lửa nóng,…

 

(3) Anh mường tượng thân thể mình như đất đai, dấu chân em rộn ràng những niềm thơ trẻ.

 

(4) Những móng tay vang vọng là một tưởng tượng quá xa, chẳng biết nó có mối liên hệ với thân thể đất đai ở trên hay không. Trong tín ngưỡng bản địa làng quê Việt Nam thường có quan niệm mỗi ngôi làng và đất đai thường là thân thể của một vị thần, trên đó, núi đồi, hồ đầm và các con đường là huyệt đạo và kinh mạch,… Tuy nhiên, rời bỏ những ám ảnh tín ngưỡng đó, ở đây, trong hình ảnh những móng tay vang vọng có lẽ là một trực nhận, bất chợt của mỹ cảm, mang tính cá nhân và chủ quan cao độ.

 

(5) Một liên tưởng tương đồng về các ống xương với bộ hơi trong dàn nhạc. Khi hoạt lực của sự sống lên cao, niềm phấn khích khiến cho mỗi đốt xương đều muốn rung ngân thành nhạc điệu, cất tiếng về những hân hoan của đời sống. Câu cuối cùng là một tưởng tượng độc đáo. Khi các đốt xương đều muốn rời ra thành bộ hơi, cơ thể như một dàn nhạc, và tưởng tượng có đôi môi đang thổi vào cơ thể từ đỉnh đầu.

 

 

 

 

 

Anh đã rơi

 

Thế là rơi xuống nơi em
Xoã cánh trên vòm xanh sũng nước(1)
Dưới gốc kia lũ trẻ đã ngậm đèn(2)
Củi cháy hết và hòn than nhắm mắt(3).

 

Mặc lũ vịt chạy lên triền đê đẻ trứng
Bên mầm cây nâng trời đất chui lên
Cả nỗi cô đơn cây kèn vừa ngân
Tiếng lóng lánh nấp trong chiếc kim tuột chỉ(4).

 

Khẽ nhắm mắt, khẽ ngậm vào tóc em
Đang chết đi và đang sinh sản
Dù có lả đi thành âm u bóng tối
Lại thấy huy hoàng chạm những môi hôn(5).

 

______________

(1) Có lẽ đây là một hình dung về mầu xanh. Vòm xanh sũng nước gợi lên tính chất, mức độ của mầu xanh trong liên tưởng của Mai Văn Phấn.

 

(2) Một đám trẻ đã kết thúc trò chơi của mình. Dưới gốc cây lặng im, không gian trở về lặng im cùng bóng tối.

 

(3) Một liên tưởng sử dụng biện pháp nhân hoá. Hòn than đã tắt - hòn than nhắm mắt. Có một hình ảnh của cái tôi mỏi mệt, ngưng nghỉ giấu thân trong vòm xanh của em, nơi gốc cây lặng im sau trò chơi của lũ trẻ, như hòn than đã lụi tắt.

 

(4) Có một nỗi thờ ơ nơi cái tôi mỏi mệt, ngưng nghỉ. Lũ vịt đẻ trứng trên đê, mầm cây đội trời đất nhô lên không níu lại được một sinh lực lụi tàn. Chiếc kèn cô đơn, cây kim tuột chỉ, dẫu ngân vang, dẫu lóng lánh cũng chỉ là hiện thân của một sự sống không tìm thấy niềm gắn kết.

 

(5) Rơi xuống nơi em trong sự mỏi mệt, lụi tàn, trong ý niệm về một sự trở về đầy hối lỗi hay một cầu mong được cứu rỗi, cái tôi nhận ra có điều gì đang lả vào âm u bóng tối, đang chết đi và điều gì đang sinh sôi. Nhắm mắt, ngậm vào tóc em, sự im lặng đó nhen lên những hy vọng về sự sống. Chạm vào môi hôn huy hoàng là ánh sáng cứu rỗi ở thời khắc cuối cùng, làm bừng lên sự sống (từ “sinh sản” trong bài nếu đặt bên cạnh “đang chết đi” e chừng sẽ chênh về sắc thái: thanh - trọc. Cái chết đi là một mạch cảm xúc và một mạch khác là sự sinh sôi. Từ sinh sôi thế nào nhỉ?). Toàn bộ bài thơ được đan dệt bởi hai mạch cảm hứng: cái chết, lụi tàn và niềm phục sinh huy hoàng.

 

 

 

 

 

Tập phát âm

 

Không còn ác cảm hôm nào

Bóng tối mềm duỗi dài trên đất

Thanh bình tĩnh lặng

Cỏ hân hoan vừa nhận ra mình(1).

 

Màu đen thấm dần từ ngọn xuống chân

Chảy từ vú u ơ khổng lồ nhẫn nại

Dòng sự thật âm bản hiện lên

Ngỡ ai phát nhanh những thước phim đã mốc(2).

 

Miệng bóng tối ghé vào thanh bạch

Hơi độc từng phun ngược lại âm hình

Nơi đoán phạt trắng đen, thiện ác

Lá cỏ trồi ra chiếc lưỡi phân minh(3).

 

______________

(1) Một ý niệm về sự trỗi dậy của ngoại vi trong cơ chế phẳng dần của thế sự. Đây là kết quả của quá trình tự ý thức về các hệ giá trị trong không gian sống của con người thời kỳ đổi mới. Không còn ác cảm, bóng tối được nhìn nhận bao dung nên duỗi dài trên đất, không bị dồn đẩy và kìm nén. Cỏ hân hoan vừa nhận ra mình là một ẩn dụ, cụ thể hoá một biểu đạt về ngoại vi, về thân phận. Cỏ là hiện thân của ngoại vi, bên lề, thấp bé, phiêu dạt. Niềm hân hoan nhận ra mình chính là khi cái bên lề, ngoại vi ấy được thừa nhận được bình đẳng với các giá trị khác trong tinh thần giải trung tâm (thực tế là giải cả ngoại vi) một cách thanh bình tĩnh lặng.

 

(2) Vẫn khai triển tiếp mạch thơ từ phần đầu với ý niệm về thân phận bên lề, bóng tối, ngoại vi cùng quá trình trở lại trên một mặt phẳng của các hệ giá trị. Bóng tối, âm bản đang tràn lên, cất lời về những sự sống, giá trị khác. Màu đen thấm từ ngọn xuống chân là một cách hình dung về sự bao trùm, sự sống khổng lồ nào đó đã từng bị xem là bóng tối đang chảy ra từ bầu vú như một ẩn dụ. Những thước phim bị mốc cũng là một liên tưởng về sự sống bị lãng quên, thậm chí là ruồng bỏ.

 

(3) Sự trở lại và nối kết của bóng tối vào ánh sáng, thanh bạch nói lên khả thể của một thế giới nhân văn, độ lượng. Hơi độc từng phun ngược lại âm hình, nơi đoán phạt trắng đen, thiện ác,… là một trình hiện về ký ức tưởng như phân minh nhưng đầy cảm tính và thiên lệch. Chỉ ở đây, nơi này, trong những nỗ lực của hiện tại, lá cỏ đang nói về sự phân minh khiến sự sống trở nên bao dung. Tập phát âm là một bài thơ khởi tứ từ ý niệm chung sống nhân văn ở một thế giới đại đồng, phi tâm, phi đẳng cấp. Tập phát âm hay tập gọi tên, tập nói, tập định danh,… kỳ thực ấy là quá trình cất lời của các diễn ngôn, các hệ giá trị trong không gian phẳng của thế giới.

 

 

 

 

 

Giọng nói

 

Vừa tỉnh dậy

Tôi ngỡ nghe giọng nói

Chưa biết từ đâu...

Vang vọng đi đâu...(1)

 

Hình như nước ngoài kia sắp chảy xiết

Nhuỵ hoa trong vườn dính được chân ong

Đôi môi muốn mọc chân chạy trên da thịt

Lưỡi lửa thèm thuồng nhoài đến chân rơm...(2)

 

Chỉ thế thôi ư?

Mà sinh ra giọng nói

Thế thì trái với các định nghĩa, tiêu đề

Tôi đã học, tôi nghe(3).

 

Khi tha thẩn lạc vào chốn cũ

Đất vẫn ăn từng bữa những âm thầm

Nỗi âm thầm vò xé trong hàm răng làm tôi vùng bỏ chạy

Không có tiếng vang nào bởi các ngón chân(4).

 

______________

(1) Tứ thơ được dẫn khởi từ ý niệm về con người và thế giới như là những diễn ngôn, những ký hiệu biểu nghĩa (điều này không đảm bảo cho việc Mai Văn Phấn đã ảnh hướng hay tiếp thu lý thuyết đa thanh, diễn ngôn, ký hiệu học của M. Bakhtin, R. Barthes hay M. Foucault). Bởi thế, giọng nói không đơn thuần chỉ là những âm thanh được phát ra từ hệ thống cấu âm của con người. Giọng nói từ đâu, vang vọng đi đâu chỉ là cách đặt ra hoài nghi về trực cảm các giọng trong môi trường trập trùng ký hiệu.

 

(2) Một trình hiện về thế giới đa phức, trập trùng ký hiệu. Nước chảy xiết, nhuỵ hoa dính được chân ong, đôi môi muốn mọc chân chạy trên da thịt, lửa bén vào chân rơm,… là những diễn ngôn về sự sống, sự khao khát trong những mối liên kết mật thiết.

 

(3) Nhận thức ấy làm hoài nghi những định nghĩa, những tiêu đề về giọng nói trong ngôn ngữ học truyền thống mà tác giả đã nghe, đã học. Dĩ nhiên, những tri thức ngôn ngữ học được giảng dạy trong nhà trường Việt Nam đã làm đóng băng bản chất của giọng, lời như là những ký hiệu biểu nghĩa, các diễn ngôn.

 

(4) Phần cuối cùng của bài thơ là một minh chứng cho sự hiện hữu các giọng nói trong sinh thái. Chốn cũ là một hình dung về không gian đã được xác lập, nhưng giờ đây không chỉ hiện hữu các giọng nói trong quan niệm cũ. Ở đó, đất đai cất lời về sự âm thầm, nhẫn nại. Những âm thầm vò xé trong hàm răng cũng là một diễn ngôn, các ngón chân trên mặt đất không tiếng vang cũng là những diễn ngôn,… Người ta hiểu vì sao đất âm thầm, vì sao những ngón chân lặng im và nỗi vò xé trong hàm răng khiến con người bỏ chạy,… Đơn giản vậy ư? Giọng nói ở khắp nơi nếu con người nhìn bằng cái nhìn thông tri với hiện tượng, thông tri với những biểu nghĩa gợi lên từ thế giới.

 

 

 

 

 

 

Nhịp thu về

 

Mùa thu buông ngàn vạn con đò(1)

Hít thở nhịp nhàng tiếng khoả nước

Có tay sào vô hình chống xuống vai tôi

Cả đôi bờ run lên hồi hộp(2).

 

Hạt mưa vỡ từ giấc mơ mùa hạ

Ngọn cỏ ngước lên đón từng giọt ngập ngừng

Xác lá mủn, hồn chạy nhanh lên ngọn

Cao xanh về trong hốc mắt tan sương(3).

 

Từ đây sang bờ ấy gần lắm chứ

Thế mà xao xác hết mùa thu(4)

Ai lịm vào sắc hoa mê đắm

Làm con đò kia phải quay lại đi tìm(5).

 

______________

(1) Một liên tưởng về giao mùa. Con đò chở thời gian và vạn vật từ bến bờ mùa hạ sang mùa thu.

 

(2) Phần thơ này chuyển đạt một cảm xúc về sự giao hoà của trời đất, vô hình với con người, hữu hình trong khoảng khắc giao mùa. Trong xúc cảm của thi sĩ, sự hồi hộp là điều có thể đoán định. Tâm hồn thi sĩ sao tránh được những khoảnh khắc như thế của không gian và thời gian.

 

(3) Một hình dung về sự vật trong khung cảnh mùa thu chớm sang. Hạt mưa vỡ từ giấc mơ mùa hạ như là cách trình bày về trạng thái thôi không ào ạt, dữ dội của những cơn mưa từ hạ sang thu, sự ngập ngừng của cỏ cũng chỉ có thể liên tưởng trong khung cảnh mưa nhẹ nhàng, len thấm của mùa thu.

 

(4) Đây là một cách diễn đạt về giao mùa. Cũng là một triển khai về chính mùa thu trong vẻ dùng dằng, giăng mắc của nó. Xao xác cả một mùa thu là chính mùa thu chứ chẳng phải vì chuyển giao gì mà dùng dằng.

 

(5) Một ý niệm về sự tuần hoàn của thời gian chăng?

 

 

 

 

 

Quyền lực mùa thu

 

Mùa thu đổ những dòng thép nóng

Chảy về chầm chậm rót vào khuôn(1).

 

Vào hàng cây vừa chạy qua mùa hè rũ rợi(2)

Cánh đồng nhìn mây bằng gốc rạ tươi

Những mái rạ xếp lên nhau thở dốc

Mặt đất nôn nao mở miệng sông hồ

Mùa thu chảy vào nỗi niềm thâm căn cố đế

Hơi nóng rân rân truyền lên thịt da.

 

Vọng tiếng reo trên nguồn rừng góc bể

Hay tự nơi nào vừa tan chảy u mê

Nơi thánh đường không ai thờ phụng

Phi lý lỗi thời mọi toan tính suy tư

Mọi bền chặt đã đến giờ tan loãng

Nung nấu réo sôi từng vật thể tế bào(3).

 

Ai biết được những gì trở lại

Khi mùa thu thoát qua mắt sâm cầm(4)

Những gót sắt vụng về mắc vào tơ nhện

Quyền lực phát ra từ đài hoa ngọc trâm(5).

 

______________

(1) Một cách liên tưởng lạ về mùa thu, chí ít cũng tạo nên những sắc thái phi truyền thống trong những diễn giải đã có về mùa thu. Trong mỹ cảm của thi sĩ, sức nóng được hiểu như là quyền lực, không phải là cái nóng của nhiệt lượng. Tuy nhiên, cũng không thể không nghĩ đến một cảm hứng dựng xây, sản xuất trong mùa thu, làm phát sinh cảm xúc đối với thi nhân. Nhưng, diễn giải này có vẻ đi xa ngoài phong cách cũng như những chú ý thẩm mỹ, tình cảm thẩm mỹ quen thuộc của Mai Văn Phấn.

 

(2) Những hình ảnh về thế giới vừa đi qua mùa hạ, được bao bọc bởi khí quyển mới của mùa thu. Hàng cây rũ rượi (rợi), cánh đồng sau vụ gặt, những mái rạ xếp lên nhau thở dốc, những sông hồ đang cần được khai mở và cả những truyền thống bảo thủ,… cần được thay đổi. Da thịt trong mùa thu đang rân rân nóng bởi nhịp sống mới dịu dàng hơn đang về.

 

(3) Phần thơ này tiếp tục là những thông báo về quyền lực của mùa thu. Mùa thu là một ẩn dụ cho những nguồn sinh lực sống mới, đánh thức dậy những thế giới bị bỏ quên, nhưng niềm u mê đang tan chảy, nơi đầu rừng hay góc bể,… Những toan tính trở nên lỗi thời, những bền chặt bỗng nhiên trở thành phi lý, không còn khả năng tự cố kết trong một bối cảnh dần tan chảy các đại tự sự.

 

(4) Trong đôi mắt sâm cầm còn vương lại những mùa thu cũ, những dáng hình đã đi qua dưới đôi cánh thiên di. Có điều gì trở lại, không trở lại?

 

(5) Gót sắt và tơ nhện. Những đối lập về tính chất, nhưng kỳ lạ, tại đây, tơ nhện đang giăng lên những gót sắt, để nói về những niềm mong manh nhưng có sức níu giữ và cảm hoá. Hoa ngọc trâm là hình tượng kết thúc cho thi phẩm như một điểm nhấn, một trung tâm của thi cảm, của thị giác, nói lên đầy đủ nhất quyền lực của mùa thu. Sau tất cả, vẻ đẹp của ngọc trâm vẫn là nguồn sinh lực hướng đến cuộc sống nhân văn mãnh liệt mà thi nhân đã ký thác.

 

 

 

 

 

Hoa Bằng Lăng(1)

 

Ban chiều. Trên đỉnh bóng cây đang tối dần thành miệng vực, những bông hoa bằng lăng rực rỡ đăng quang. Muôn ngàn môi hoa, cánh tay hoa đung đưa trong nghi lễ xông hương của mặt đất tạ ơn vòm trời. Hơi nóng vẫn đổ về bốc hơi mặt ao đầm, muốn khẳng định ngự trị liên tục của mùa hè. Cả ngôi nhà quay mặt về hướng tây cũng ngộ nhận về mặt trời, dù nắng xế đã chiếm gần hết phòng khách.

 

Tôi ngước lên dòng thác màu tím nhạt từ bông hoa đang dội xuống ngực mình. Không phải ai đi qua mùa hè cũng được vô tình tắm gội.

 

Vực thẳm của bóng cây khi chiều xuống càng hun hút và rợn ngợp. Biết có ai dìu những bông bằng lăng bé bỏng đi đâu.

 

Chắc là hoa vẫn rực rỡ và thản nhiên ban phước.

Dòng thác màu tím nhạt thấm từ đỉnh đầu xuống đến gót chân, chẳng sợ phai đi khi mắt tôi nhắm lại.

 

Khi mưa thu đem theo bao hứa hẹn để lấp đầy miệng vực, tôi sẽ thay những bông hoa kia làm nhân chứng hôm nay.

 

______________

(1) Đây là một bài thơ văn xuôi. Bởi thế, trước hết vẫn phải là thơ trong đó tính văn xuôi như là một vec-tơ định loại. Dẫu sao, chất thơ cũng vẫn là điều cốt tử, có tính thứ nhất. Cũng đã có một số nghiên cứu về thơ văn xuôi và thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn. Với tính chất là một chú giải, chúng tôi cho rằng, thơ văn xuôi nghĩa là trong đó, thơ là khái niệm loại hình, thơ văn xuôi như là một định dạng thuộc về tiểu loại hình. Điều đó nói lên tính thống nhất trong việc diễn giải. Chất thơ của tác phẩm này chính là những cảm xúc chủ quan riêng tư, tinh tế đang dâng lên trong vũ khúc của bằng lăng, trong không gian mùa hạ, nơi buổi chiều ánh lên màu hoa rực rỡ. Chất thơ còn đến trong cấu trúc lặp lại của những âm vang nơi ngôn ngữ có nhiều vần bằng, âm vực rộng và cao, đan xen trong các chu kỳ có tính lặp lại nên tiết tấu, nhịp điệu. Nhịp điệu của âm thanh, của hình ảnh trong dòng cảm xúc vừa miên man vừa nhoi nhói về thời gian, về mùa hoa, định mệnh của loài hoa đầu hạ, về những cánh tím nhạt rơi xuống trong một chiều vô danh. Cảm thức về thời gian, về những còn mất trong cuộc đời đã dừng lại trong suy niệm của thi sĩ về hoa bằng lăng, về những gì bền bỉ, những gì phôi pha. Thơ văn xuôi vốn nổi trội về nhịp điệu (tiết tấu, nhịp độ - tempo), về hiệu ứng của thị giác (hình ảnh), thính giác (âm thanh, âm điệu, giai điệu), và cả nhạc điệu nữa nên ở đó một đôi tai quen với vần điệu sẽ gặp chướng ngại. Thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn, ở bài này, một vài bài trước và nhiều bài về sau nữa, sẽ thấy sự nổi trội của một tinh thần nhạy cảm, tinh tế, khá dịu nhẹ nhưng vẫn không giấu nổi những xót buốt, nhức nhói. Mỹ cảm ấy được thể hiện bằng tiểu loại hình thơ văn xuôi như một tìm kiếm đắc địa. Bởi lẽ, trong tính chất tự do của thể loại, cảm xúc được triển hiện đầy đủ nhất mọi trạng thái, cung bậc của nó. Thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn, như đã nói và sẽ thấy ở những chú giải sau, đã tự nó làm nên một tiểu hệ thống trong thi nghiệp của thi sĩ này.

 

(còn nữa)

 


Bìa tập thơ NGHI LỄ NHẬN TÊN


 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị