MVP và hành trình thơ... (chuyên luận - VI) - Ngô Hương Giang & Nguyễn Thanh Tâm

Ngô Hương Giang - Nguyễn Thanh Tâm

 


 

 

 

 

 Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác (VI)






 
Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm 

 

 

 

Chương I

CHÚ GIẢI THƠ MAI VĂN PHẤN

 

 

 

Nguyễn Thanh Tâm

 

 

 

(tiếp theo)

 

 

 

 

 

VI. VÁCH NƯỚC, Nxb. Hải Phòng, 2003

 

 

 

 

 

Tiếng kẹt cửa

 

Vọng trong cơn mơ thành tiếng sét(1)

trên giường cũ

mặt đất rộng lại về

mùi ruộng ải dâng mưa mù mịt

quyện vào mồ hôi chiếu chăn

phận cò

chìm trong màn trũng

thoai thoải sá cày vừa gối

phù sa bồi ngập lỗ tai

lòng tay lao xao tôm cá

người đi sạt đất lở bờ(2)

cố trấn tĩnh và nhớ trong mê sảng

trước tiếng sét là tiếng cuốc

trước nữa là cây bén xuống vực sâu

tiếng sét đi không còn vọng

thông với vực sâu lối hẹp

tiếng kẹt cửa reo vang

mở con đường(3).

 

______________

(1) Một liên tưởng tương đồng giữa tiếng kẹt cửa và tiếng sét. Chắc hẳn, trong mỹ cảm của chủ thể, tiếng kẹt cửa có một sức tác động rất lớn hoặc diễn ra trong một bối cảnh tâm thức đang có những biến động lớn, tạo nên một cú hích hoặc một chấn động mang ý nghĩa như một công án.

 

(2) Những hình ảnh có tính chất ngẫu nhiên, bất chợt gợi lại bối cảnh của giấc mơ hoặc những liên tưởng trước hoặc sau khi nghe tiếng kẹt cửa. Vấn đề ở đây không phải là logic của sự vật mà là logic của tâm trạng khi ta thấy những hình ảnh của một ký ức nông nghiệp với ruộng đồng, bờ bãi, mồ hôi, tôm cá, phù sa, sá cày, phận cò,… Dường như, chủ thể không thoát ra được khỏi những ám ảnh về một vùng nông nghiệp nghèo khó và lam lũ, thậm chí là đầy bế tắc.

 

(3) Tiếng sét như một tác nhân dẫn liên tưởng về phía những đời sống nông nghiệp đang chìm trong vực sâu của bế tắc. Trong mê sảng, sự cố trấn tĩnh chỉ là một ảo tưởng, bởi thế, tiếng sét có thể đã vọng lên đâu đó, nhưng gần hơn là tiếng kẹt cửa. Sau tiếng kẹt cửa, cơn mê sảng cố hình dung một hướng đi đã mở.

 

 

 

 

Mùa hạ rất gần

 

Những lối đi ngạo nghễ

Cả bức tượng phong kín mùi trầm bỗng chốc mất tăm

Mưa phùn hít thở

 

Che miệng anh, em nói:

- Đừng hát nữa lời ca thành thán khí!

Mất hứng

Buông theo lưỡi cày đang trôi trong sương

 

Từng chiếc sừng trâu nhô từ hốc tối

     Đội đất lên cho cỏ mọc

     Thổi hơi ẩm vào nơi mục rã

     Những vong linh vật vã đòi tái sinh

     Đuôi chó phất cờ ngõ nhỏ

     Ngôi nhà nằm mơ được khoác lên mình một ngôi nhà khác

     Chim chóc nghe lách cách giữa thân cây tiếng viên đạn lên nòng, nấp vào đám mây bị quay vàng trong hoàng hôn chảo lửa

    Con hà sặc khói hun mở miệng luận bàn về sự bất tử của nước và thoáng chốc con thuyền

    Con gấu ôm trọn tổ ong buông mình từ đỉnh cây xuống nơi giăng bẫy

... ... ...

 

Những con trâu gồng mình ngập đất

Dây chão thời gian kéo căng

Nổ tung nền đất cứng

 

Lửa bốc cao từ những đám mây

Vong linh được hoả thiêu lần cuối

 

Ai đang dang tay

Nói mãi không thành tiếng(1).

 

______________

(1) Người đọc bị hoang mang bởi một thế giới ngổn ngang, hỗn độn. Dường như không thể thiết lập được một trật tự nào cho sự vật. Sự hoài nghi cứ dâng cao dần theo những trình hiện ngày càng bề bộn của thi sĩ. Nhưng khi chạm đến câu thơ cuối cùng, mới vỡ lẽ bài thơ là một tự thuật trung thành của giấc mơ. Lối viết tự động tâm linh có tiền sử xa xôi trong thực hành của A. Breton và trường phái siêu thực đã tìm thấy một hậu thân nữa của mình. Ai đang dang tay/ Nói mãi không thành tiếng đứng riêng cuối cùng như một miêu tả về chủ thể trữ tình đã hiện diện trong giấc mơ ở trên. Nhưng tại sao lại là Mùa hạ rất gần? Tiêu đề của bài thơ đã được diễn giải bởi chính trường nghĩa, trường từ vựng và hình ảnh gợi lên sức nóng, sự nhễ nhại mệt nhoài hay căng thẳng, mỏi mệt. Giấc mơ kia có lẽ cũng là sản phẩm của một cơn ngủ vùi trong sức nóng, trong những trốn chạy vô thức trước mùa hè rát bỏng. Viết theo lối tự động tâm linh của chủ nghĩa siêu thực, đồng thời, những trình hiện về thế giới cũng gợi lên mỹ cảm của nghệ thuật sắp đặt đương đại. Cái thế giới mà người nghệ sĩ thấy và rung cảm về nó luôn ở dạng những thế năng hoặc chứa hoạt lực dự báo. Bởi thế, đừng đi tìm vần điệu hay những du dương của chữ nghĩa. Chất thơ nằm ở chính cơn mộng mê rời rạc như đời sống đang hực lên, bám riết, chập chờn, tan chảy, vụn vỡ trong sức nóng của một mùa hè rất gần.

 

 

 

 

 

Làng

 

Nước lùa bóng ao lên chót vót(1)

ngập cuống nhau rã phận hoa bìm

lối về thấp thỏm(2)

 

Cội rễ giữ đất

Con đường bầu vú vương thơm

nối khuôn mặt với bao nhiêu hộp sọ

trên tay chuyền một chuyền hai(3)

 

Lại con đường

dấu chân liềm hái

dấu chân mã tấu

nước mắt loang nhàu đám cỏ gà

đau buốt quá một đời kim chỉ

be chắn khỏi vỡ

 

Tiếng gọi vỡ không gian bình vôi

nhàu nát cánh cò dính nhựa

thổi căng áo mồng tơi trống mõ

bay đi cờ phướn mở

 

Vỡ từng huyệt mộ

nghiêm cẩn nhặt lên từng tiếng tổ tiên(4)

 

Làng ơi!

run tay sắp đặt lại xương cốt

trước khi trời rạng.

 

______________

(1) Một hình ảnh thực của hiện tượng khúc xạ ánh sáng. Thường thấy những mảng ánh sáng hắt từ mặt ao lên vòm cây, lóng lánh, xao động.

 

(2) Có lẽ là một liên tưởng tương đồng, tương cận về thân phận con người.

 

(3) Một cách hình dung về làng trong ký ức, trong đất đai, trong những dáng hình tiên tổ đã đi qua. Trò chơi thơ trẻ gọi về một ký ức xa xăm hoặc là một nối kết thơ ấu và trưởng thành, cái bắt đầu và những gì đã đi qua.

 

(4) Một phần thơ dài thể hiện những nhận thức về cuộc đời, con người, những xoay xở mưu sinh. Sự nhàu nát, nước mắt hay nhựa dính,… là những biểu đạt cho cuộc đời đầy bất trắc, gian nguy. Đám cỏ gà, kim chỉ, cánh cò, trống mõ,… không gì khác là một ký ức về thân phận của con người nơi làng quê. Không gian bình vôi là một liên tưởng về tính chật hẹp hay thế năng ngày một chật hẹp, tù túng của đời sống. Bay đi cờ phướn mở là một hình dung có tính nghi lễ gắn với các miêu tả về huyệt mộ, xương cốt, sắp đặt trước rạng đông. Lời tổ tiên được nghe thấy từ một nghi lễ gợi lại những hình ảnh của con người quá khứ, quá khứ của làng,… Bài thơ như một cuốn phim về cuộc đời, thân phận của làng qua lịch sử từng con người. Nhưng khi đi hết bài thơ, liên tưởng của người đọc lại như một cuốn phim quay ngược, từ xương cốt, huyệt mộ dần tìm về những tiếng nói của tổ tiên.

 

 

 

 

Bài hát mùa màng(1)

 

Lan nhanh, choáng ngợp đất hoang vừa mở(2)

Em đổ từng trận lũ dại cuồng

Cuốn xiết anh khỏi ngôi nhà có khu vườn bé nhỏ(3)

 

Con chim cắt không gian rộng để lại đường bay bất tận

Cội rễ anh vươn mắt em nhìn tươi tốt

Từng đọt mầm phun hơi ấm lòng đất ướt

từ hơi thở làm bầu trời đổi khác

từ khoảng không được quyền kiến tạo đám mây

 

Mắt rạ rơm đốt thiêu mùa cũ

Đổi thay cách nhìn và khoảng trống chân trời

đất nhận cả những gì còn cháy dở

mùa mới về tự tin, nghiền nát và xoá hết

Nụ hôn nín thinh, toả nhiệt, khoan vào lòng đất

chạm những mạch ngầm ứ căng huyền bí thuở xưa

Đất mỡ màu quyện rạng đông dâng lên khuôn mặt

dâng lên cỏ cây phồn thực bời bời

 

 

Những mùa tái sinh trổ đòng chín rục

Sấm nổ vang trong lòng tay mầm hạt

Vòng phù sa tươi ròng ấp ôm thớ đất

Em cúi xuống và dòng sông ùa đến bất ngờ(4).

 

______________

(1) Bài hát mùa màng là một khúc ca về tình yêu, về khát khao sinh sôi.

 

(2) Cơ thể, thế giới của anh và em, hoang sơ và trinh khiết, nơi lần đầu tiên hé mở.

 

(3) Khu vườn bé nhỏ là không gian riêng lẻ, cô độc của anh. Em đã mang anh khỏi nơi đó bằng tình yêu và những khát khao lớn rộng mênh mang hơn.

 

(4) Toàn bộ bài thơ là một ẩn dụ về ái tình, ân ái. Sự chú giải ở đây có nguy cơ giết chết bài thơ, giết chết mùa màng bởi sự thô thiển, vô duyên của lý trí. Tất cả các sự vật, hình ảnh, biểu tượng trong bài thơ đều cho thấy một năng lực dần căng lên, nóng bỏng, khao khát, cuồng nhiệt, thiêu đốt, chín rục, phồn thực bời bời, tươi ròng, phun hơi ấm lòng đất ướt, nín thinh, khoan vào lòng đất, toả nhiệt,… Lối tư duy và biểu đạt này vốn đã có trong những bài thơ của Hồ Xuân Hương. Hệ thống hình ảnh, biểu tượng lấp lánh đa nghĩa khiến cho diễn giải không thể khước từ những ám ảnh dục tình. Dĩ nhiên, một khúc ca mùa màng thuần nghĩa vẫn có thể được hình dung mà ý thơ của nó cũng đã chứa đầy trong cấu trúc ngôn từ trực hiện.

 

Vách nước là một tập thơ khá khó đọc. Phần lớn các bài thơ trong tập thơ này được viết theo lối tự động tâm linh hoặc những mê sảng của ý thức, sự trỗi dậy của vô thức, tiềm thức. Thế giới là một hỗn độn ngẫu nhiên, phi tuyến tính, phi trật tự, phi logic. Đọc tập thơ này, ở các bài như: Hát từ đất, Bông hoa, Đất mở, Nhịp điệu vẽ lối đi, Linh hồn bay lên, Quyền được nghĩ những điều đã ước, Mười bài tập mùa xuân, Đối thoại với thời gian,… người đọc bị vây bủa trong những nỗi bí bách, chật vật gợi lên bởi các hình tượng, mảnh ghép, phân đoạn, gián cách,… Rất khó để lý giải vào niềm tin về chất thơ lung lay đến hoảng hốt. Người đọc phải kiên nhẫn để đi hết thế giới hỗn độn của Mai Văn Phấn trong sự cảm thông sâu sắc về hiện thực tâm linh, hiện thực tư tưởng, một thế giới nhân tạo của thi sĩ. Điều cần thiết là một sự “thông tri” với thi sĩ như F. Nietzsche đã loan báo. Đừng giận dữ vì những niềm tin bị phản bội (dẫu biết là không thể tránh khỏi). Người đọc có quyền ném tập thơ qua cửa sổ như Thanh Tâm Tuyền đã nói trong Liên đêm mặt trời tìm thấy. Nhưng, tập thơ, thế giới ấy là đất đai, là vương quốc của nhà thơ, người đọc muốn vào đất đai vương quốc ấy dĩ nhiên phải tuân thủ theo luật lệ của vị quốc vương toàn quyền. Bởi lẽ, không ai có thể thay thế thi sĩ trong việc tạo dựng một thế giới từ trong ngôn từ, thi ảnh, nhịp điệu, cấu trúc. Những hỗn mang không hề là sản phẩm của thi sĩ, đó chỉ là sự phản ánh một cách xơ cứng sự phi lý của trật tự hay những niềm tin vào một trật tự tiên định nào đó. Với thi sĩ, thế giới ấy không phi lý, mọi sự của vương quốc tinh thần diễn ra trên nền tảng của một mỹ cảm về tính bất toàn, bất định của thế giới. Sự trình báo của tâm linh thi sĩ là kết quả sau những viễn du bất tận vào hỗn mang của vũ trụ. Bởi thế, có thể sẽ diễn ra tình trạng “bất khả tri” do những vách chắn về văn hoá, thẩm mỹ, tín ngưỡng và các quan niệm giá trị, quan niệm thơ. Mai Văn Phấn dĩ nhiên không cần phân tỏ về thế giới mà anh trình hiện. Điều quan trọng, thế giới đó mang lại cho anh sự giải thoát hoặc chính là sự giải thoát khỏi thế giới bị đóng băng, xơ cứng bởi các tri thức tiên nghiệm. Dường như, theo cách mà các nhà hiện tượng luận đã vạch ra, Mai Văn Phấn đã trả thế giới về với bản chất uyên nguyên của nó, giảm trừ các tiên nghiệm, các ràng buộc có tính cưỡng bức, khiến con người bị kẹt trong những vách ngăn không thể thoát ra. Thi sĩ có quyền lên tiếng về một thế giới: Kết tóc em rực rỡ vòng cườm trời rộng/ đứng dậy hạt mầm thời vụ râm ran/ tự tin làm sấm chớp, hanh khô và gió lốc/ và da thịt em rười rượi lưng trăng/ và quả ngọt, thóc vàng rười rượi lưng trăng/ thoáng bóng ông bà trong khói cơm thơm làm ta bật khóc (Nơi trời rộng). Con người đương đại với tư cách là một bản thể tri nhận thế giới trong tính toàn nguyên luôn có xu hướng khước từ trật tự tiên nghiệm, mỹ cảm tiên định có tính ước lệ, bởi thế, văn bản thơ là một quyển ký hiệu biểu nghĩa theo chủ đích cá nhân. Và, có thể hình dung ra cái tôi bản thể đang nhắm mắt lại trôi trong những suy nghiệm siêu hình về thế giới nói lên sự phong phú của tưởng tượng, sự vượt thoát của các không gian, xoá nhoà các giới hạn, triển hiện những khả năng của tinh thần và mỹ cảm. Tính khơi gợi và vẫy gọi của thế giới thơ Mai Văn Phấn nổi lên là một hoạt lực chủ đạo hơn là việc chuyển tải các phẩm tính thẩm mỹ thông thường của thơ truyền thống. Đặc biệt, trong Mười bài tập mùa xuân và một số bài thơ phía sau, văn bản thơ không sử dụng các dấu câu. Đây là một phản ứng với cú pháp thơ truyền thống. “Sự đọc tự bon đi” (Antoine Compagnon) trong tính mở vô giới hạn của các “kết hợp” (R. Jakobson). Câu thơ được định nghĩa lại mà đúng hơn là câu tiếng Việt được tổ chức lại hướng tới mỹ cảm cá thể cùng những trải nghiệm nhân sinh, văn hoá, sinh thái mà anh ta thụ hưởng và thuộc về. Câu thơ tiếng Việt với hình hài mới đã dành rất nhiều khả năng biểu hiện cho nhịp điệu tự thân của hình ảnh với những cấu trúc bất định, phi logic của giấc mơ, vô thức và tiềm thức. Cú pháp của thơ trong những thực hành của Mai Văn Phấn ở tập Vách nước đồng thanh nói lên tính tự do của những gì thi sĩ cảm nhận và xúc động. Đó là một thế giới được tái tạo, sáng tạo theo ý hướng chủ quan, diễn đạt trạng thái thăng hoa với niềm hứng khởi không hạn định. Sự đọc hẳn nhiên sẽ vấp phải những chướng ngại do việc cấu trúc câu thơ, bài thơ khác biệt quá nhiều với những gì đã được trang bị từ thói quen đọc truyền thống. Nhưng mọi thứ sẽ dễ dàng hơn khi công chúng tự đặt mình vào trạng thái của thi sĩ với tinh thần chủ đạo là trình hiện một “Thế giới như tôi thấy”. Đôi mắt ấy, tâm tưởng ấy là của một thi sĩ và anh ta không hề bị câu thúc bởi một hoạt lực nào đe doạ phủ định mỹ cảm đã làm anh ra say sưa và rung động. Đôi khi, phải gấp trang sách lại, rời bỏ những ám ảnh từ câu chữ để hình ảnh tự vận hành trong không gian tâm tưởng, để những trật tự ngẫu nhiên được sắp đặt cùng với độ vang, độ lan toả của âm thanh, ngôn từ: Níu thời gian cong/ Bốn mùa đổ từng khoảnh khắc/ Sóng nước dâng cao nơi vàng rực hoa quỳ/ Lãng đãng con thuyền ngõ vắng/ Tiếng gọi mơ hồ dâng ngọn tháp vút cao/ Vài gương mặt trôi đi làm nhầm lẫn cảm quan, ý nghĩ, nhầm lẫn thứ tự trang sách, rối tung tàn tro và đám cỏ gai/ Những điều vô tình bất ngờ hé lộ/ Bất ngờ dưới vòng cung thời gian, em và anh gồng mình chống đỡ, những mũi tên độc bị chặn lại trong vòm trời rách toạc/ Tâm bão cách chúng ta chỉ một tầm nhìn/ Áp tai vào vách lũ bình yên (Vòng cung thời gian). Không phải từ Vách nước mà từ những tập trước đó, người đọc đã bắt gặp một hình thức viết khước từ các dấu câu. Văn bản thơ được viết liên tục không ngưng nghỉ hay chia tách đoạn. Sự ngỡ ngàng sẽ dần biến tan đi sau nhiều lần thể nghiệm đọc, khi đã tìm được một phương án khả thi nhất cho nhịp điệu và cú pháp. Đây là phản ứng của thơ Mai Văn Phấn trước cú pháp thơ truyền thống cùng những mô hình văn bản, ngữ pháp đã quen thuộc. Người đọc tự điều tiết hơi thở, cảm xúc, rung động (kể cả là sự tự ý thức về tính tương đối đầy đủ của một câu thơ) để dừng nghỉ hợp lý. Như thế, thi sĩ đã trao lại cho người đọc quyền được sáng tạo, được tìm kiếm nhịp điệu và xúc cảm của bản thân trong việc thâm nhập vào thế giới ngôn ngữ của thơ. Không còn những ước lệ tiên nghiệm về cú pháp hay nhịp điệu nên những thành tố trọng yếu của thơ này có cơ hội được vận động trong những chân trời mỹ cảm khác nhau. Tác giả đã chết dường như là một thông điệp từ văn bản thơ như một di chúc tinh thần để lại.

 

 

(còn nữa)

 



Bìa tập thơ VÁCH NƯỚC


 


BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị