MVP và hành trình thơ... (chuyên luận - VIII) - Ngô Hương Giang & Nguyễn Thanh Tâm

Ngô Hương Giang - Nguyễn Thanh Tâm



 
 

 

 

 Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác (VIII)






 

Nhà phê bình văn học Nguyễn
Thanh Tâm
 

 

 

 

 

Chương I

CHÚ GIẢI THƠ MAI VĂN PHẤN

 

 

 

Nguyễn Thanh Tâm

 

 

 

(tiếp theo)

 

 

 

 

VIII. VÀ ĐT NHIÊN GIÓ THỔI, Nxb. Hội Nhà văn, 2009

 

 

 

 

 

 

 

Nghe em qua điện thoại

 

 

Tiếng em trong điện thoại rất trong và nhẹ

 

Một giọt nước vừa tan

Một mầm cây bật dậy

Một quả chín vừa buông

Một con suối vừa chảy(!)

 

Khoảng cách tới đầu dây bên kia là ruộng đồng, làng mạc, quang gánh. Là xe cộ, tháp dựng, rễ sâu. Giọng em không vượt qua mà làm cho chúng bé lại, mở thông những cánh cửa sang nhau. Anh nghe em nhờ rễ sâu mở những vỉa tầng linh thiêng trong đất ấm, con sông chảy vào quang gánh, làng mạc phồn sinh tháp dựng, cánh đồng tươi tốt trên xe cộ(2). Nói tiếp cho anh những câu bâng quơ không nội dung(3)

 

Lát nữa em đặt ống nghe, chắc mọi vật sẽ loay hoay tìm về đường

 

Chỉ còn gợn sóng lan xa

Chỉ còn tan trong diệp lục

Chỉ còn thoảng bay dịu ngọt (4)

Chỉ còn bờ đá lung lay.

 

______________

(1) Có thể đây là một liên tưởng về giọng nói của em. Liên tưởng này không gây dựng trên những logic thông thường trong trường từ vựng và ngữ nghĩa mà gây dựng trên cảm xúc của chủ thể trước giọng nói của người yêu gắn với những hình dung về một tương lai phồn sinh hoặc là một mơ ước được gắn bó bởi tình yêu nồng nhiệt, say đắm đầy hứa hẹn.

 

(2) Nhịp điệu của đời sống hiện hình trong hình dung của tác giả khi lắng nghe tiếng em trong điện thoại. Gắn với đời sống, tình yêu của chủ thể và đối thể (người tình) là không gian của làng quê, của đồng ruộng, quang gánh, làng mạc, đất ấm,… Ở đây, hình dung của tác giả bắt nguồn từ thế giới vô thức với ký ức của một cư dân nông nghiệp. Tình yêu trong không gian ruộng đồng phồn sinh là cách thể hiện những hy vọng về sự gắn bó, hiến dâng và xây đắp. Liên tưởng về một không gian nông thôn trong lúc nghe tiếng em qua điện thoại gợi lên hình ảnh thân thuộc và gần gũi của cuộc sống. Có lẽ, đó cũng là những trình hiện của một tấm lòng chân thành, những nghĩ suy về đời sống trong tính thơ ngây, giản dị của nó.

 

(3) Sự thực, những câu bâng quơ không nội dung chỉ là một cách biểu hiện trạng thái của chủ thể trữ tình khi lắng nghe tiếng em trong điện thoại. Dường như anh không suy nghĩ được gì nữa, sự bâng quơ kia là hiện trạng của một nỗi say mê, đắm đuối.

 

(4) Những dư âm trong lòng chủ thể trữ tình sau khi nghe tiếng em. Cúp máy, tiếng nói đã kết thúc mà dư âm của nó cứ như những con sóng lan xa, như chất diệp lục đang tan, thoang thoảng dịu ngọt và lay động.

 

Và đột nhiên gió thổi là một tập thơ có tính chất bản lề cho hành trình thơ (đúng hơn là một khúc ngoặt) của Mai Văn Phấn. Một điều có thể cảm nhận rõ nhất ở tập thơ này chính là một nguồn sống, nguồn sinh lực và xúc cảm mới đang dâng lên rất nhẹ nhàng. Phải đọc kỹ tập Hôm sau (tháng 7/2009) để thấy rằng không phải ngẫu nhiên mà Mai Văn Phấn đặt tên tập thơ tiếp theo là và đột nhiên gió thổi (quý III/2009). Nếu ở tập Hôm sau, cảm xúc chủ đạo, âm hưởng chính là bi quan, hoài nghi, đầy âu lo thì và đột nhiên gió thổi lại nổi lên là những xúc cảm mang niềm tin, vui tươi và nhen nhóm nhiều hy vọng. Ngay cách đặt tiêu đề tập thơ đã gợi lên những niềm hân hoan khe khẽ. Cứ hiện ra trong tâm trí người đọc những hình dung về một cái tôi đang tái sinh, một cuộc sống đang tái sinh với chuyển động nhẹ nhàng như chút gió đột nhiên lay động lá cành: Cỏ xanh lan vào chân sóng / Nước rút xa dần/ Lại lên tiếng nói/ Non tơ... // Bàn chân em đặt lên/ Cho phân minh lời cỏ/ Anh lặng yên nghe ngực mình/ Rộng mở... (Khai bút cùng cỏ). Non tơ, yên lặng, rộng mở là một cách diễn đạt về hình ảnh mới của sự sống. Đến đây, tập thơ này, con người thơ Mai Văn Phấn mới hiện lên hoàn bị, đúng hơn là anh mới tìm thấy chân diện mục thi sĩ của mình. Mai Văn Phấn là một tâm hồn nhẹ nhàng và tinh tế. Xúc cảm đời sống, thi ca, những mối bận tâm hay cách thức thể hiện của anh nằm ở phía những kín đáo, dịu nhẹ, không ưa phô trương, lên gân lên cốt hay hô hào, khích động. Cứ như cơn gió đột nhiên, cứ như mầm non hé sáng, cứ như cỏ lan vào chân sóng, như ngày sang khe khẽ, như bàn chân em về, như hạt mồ hôi không ngăn trên khuôn mặt em vội vã, như bông hoa vươn về phía tiếng sấm sâu hút, như mảnh vườn mùa thu bình thản,… (những hình ảnh và tứ thơ của Mai Văn Phấn), một thế giới được phục sinh, cái tôi cùng những đối thể của nó hiện diện trong một nhịp điệu mới của sự sống. Nhịp điệu ấy gọi tên rất đỗi hiền hoà: và đột nhiên gió thổi. Tập thơ này đã giữ vai trò là một khúc quanh, một bản lề trên hành trình thơ Mai Văn Phấn. Từ đây, thơ Mai Văn Phấn chuyển sang trạng thái bình yên hơn, nguôi ngoai dần những nghi ngại, âu lo, những hoang mang, thảng thốt, vội vã, cả những hằn học, giận dỗi, bực bội về thế giới và tha nhân. Có lẽ, Mai Văn Phấn - trong tư cách là một chủ thể sáng tạo, chủ thể chứng kiến, tri nhận và ứng xử với thế giới, tha nhân và văn hoá đã nhận ra quy luật của sự sinh tồn và giá trị tối cao của những gì hiện hữu trên mặt đất. Người đọc sẽ thấy giảm hẳn đi những nôn nóng thay đổi, những động thái phản ứng, kêu gọi,… Thay vào đó, một sự im lặng, nhắm mắt lại để mở ra những thị kiến mới từ cảm giác và linh giác, từ những gì chỉ thấy được bằng con người toàn vẹn cùng sự thông tri sâu sắc với thế giới và tha nhân: Khi nhắm mắt chợt thấy thế giới không còn ô nhiễm. Những khoảng không thanh sạch quanh ta lan toả, đan cài. Thấy mình thuở nhỏ giữa lòng nhà thờ cầm cây nến sáng. Ánh sáng ngọn nến đang tràn vào hốc mắt, vào trũng đất sâu bất động giữa vòm cây bí ẩn mướt xanh. Nhắm mắt thấy rừng cây cũng giống khu vườn. Những cây song mây, dương xỉ, cỏ dại cao lớn hiện hình cổ thụ (Nhắm mắt). Mai Văn Phấn đã nhận ra quy luật của tự nhiên, trong đó con người chỉ là một phần bé nhỏ, một sinh thể trong chỉnh thể rộng lớn mang tên vũ trụ, thế giới, sinh thái. Ý niệm về sự sống đại đồng đã nhen nhóm ở chặng thơ đầu giờ càng hiện hình rõ rệt. Mai Văn Phấn nhận ra vẻ đẹp diệu kỳ của sự sống, những điều tinh vi mà cao cả, vĩ đại. Những hi vọng, niềm tin lớn dần lên khiến thi nhân cảm thấy run rẩy, hân hoan. Đúng hơn, Mai Văn Phấn đã trở về với bản thể, hoàn nguyên trạng thái sơ khai, tinh khôi. Tập thơ bắt đầu cho một chặng đường thơ mới, một hình thái mới của tư duy và xúc cảm, bắt nguồn từ ý niệm đại đồng, từ sự thông tri với sự sống bao la, rộng lớn và kỳ diệu: Sau đám mây kia cất giữ bao nhiêu bí ẩn, dự định những chuyến đi, chiếc khăn quàng màu lam anh muốn tặng em có đường kẻ nhỏ... Em trao anh ly trà nóng. Anh nhắm mắt gật đầu. Cùng hình dung đất đai phì nhiêu lan xa mãi. Những con trâu mộng ướt đẫm mồ hôi trong cơn phát dục kéo băng băng lưỡi cày sáng loáng lật lên từng sá đất. Tiếng muông thú hân hoan quần tụ trong đại ngàn ấm áp dội vào thịt da mê man bất tận. Cơn gió gần đang mơ ngủ trong cây. Chỉ cành cao vẫn còn phe phẩy. Những cuống lá níu vào ta từng hơi thở nhẹ, vào gót chân, bông tai, mái tóc... Toả hương thanh khiết em bảo: mình vừa tái sinh dưới đám mây bay (Những bông hoa mùa thu). Tập thơ và đột nhiên gió thổi có một số bài đã được in trong các tập thơ đã xuất bản trước đó. Tuy nhiên, khi xuất hiện trở lại trong một chỉnh thể mới mang tên và đột nhiên gió thổi, những bài thơ này đã đồng thanh lên tiếng về những chuyển động tinh vi hướng đến thế giới phục sinh, đại đồng, những hân hoan vừa kín đáo vừa hồn nhiên, nhẹ nhõm, đáng yêu. Theo chúng tôi, Mai Văn Phấn đã chạm đến một cảnh giới khác của thi ca, của lẽ sống huyền nhiệm. Thi sĩ hiểu được quy luật sự sống và niềm mỏi mong sự sống vẹn toàn, giá trị thiêng liêng của hơi thở, của cánh hoa, tiếng chim, nhựa sống, của đất đai, của nước, ánh sáng, bóng tối, cơn mưa, tia nắng,… Sự sống diệu kỳ và nên thơ trong những điều nhỏ nhặt nhất. Bởi thế, trái tim nhiều trắc ẩn của thi sĩ đã rung ngân những nhịp điệu thanh nhẹ, hân hoan về cõi đời đáng sống, đáng ngưỡng vọng và tôn thờ. Giải trừ những hoài nghi, bực bội hay hăm hở đổi thay, thi sĩ trở về với sự sống tự nhiên, cất lời về quy luật tự nhiên trước hết để tìm thấy niềm giải thoát cho mình, sau nữa là cảnh tỉnh nhân tình về giá trị của sự sống. Sức cảnh tỉnh của tập thơ không nằm ở những kêu gọi, hô hào mà ở niềm lặng im trình hiện một thế giới diệu kỳ cảm nhận bằng trái tim giàu mơ mộng.

 

(còn nữa)

 

 

 

Bìa tập thơ VÀ ĐỘT NHIÊN GIÓ THỔI

BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị