MVP và hành trình thơ... (chuyên luận - XI) - Ngô Hương Giang & Nguyễn Thanh Tâm

Ngô Hương Giang - Nguyễn Thanh Tâm




 




 

Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác (XI)

  

 


 

Chương I

CHÚ GIẢI THƠ MAI VĂN PHẤN

  


Nguyễn Thanh Tâm

  




(tiếp theo)

 

 

 

 

 XI. NHỮNG HẠT GIỐNG CỦA ĐÊM VÀ NGÀY, Nxb. Hội Nhà văn, 2013(*)


 _____________

(*) Đứng trước thơ Mai Văn Phấn, tôi luôn bị ám ảnh bởi quan điểm của triết gia hiện sinh hữu thần G. Marcel: “… vũ trụ tha nhân như một vòng tròn tạo bởi bản ngã, không ngừng tự xác và đóng kín” (Đặng Phùng Quân, Triết học hiện sinh - Hiện hữu Tha nhân với Gabriel Marcel, Đêm trắng xuất bản, S, 1969, tr. 34). Chỉ có niềm cảm thông và ý thức một cách sâu sắc rằng tha nhân ở ngoài ta cũng là những nhân vị hiện hữu, mới đưa “bản ngã gặp gỡ tha nhân”, khai mở thế giới đóng kín đó. Nghĩa là, bản ngã và tha nhân phải là những “đồng hữu”, thiết lập trạng thái liên kết trong cùng một vũ trụ. Kiếm tìm nhân vị ở ngoài ta cũng chính là quá trình tự xác bản ngã. Điều đó đưa sự đọc đi trong thi giới Mai Văn Phấn với niềm phấn khích của một cuộc phiêu lưu!

 

Sự đọc vấp phải rất nhiều vấn đề trong quá trình tiếp cận thế giới thi ca của Mai Văn Phấn. Không khó để có thể lượm nhặt được những băn khoăn như: Thơ Mai Văn Phấn khó hiểu, khó đọc, khó nhớ, không vần, không giống thơ truyền thống, hình ảnh lập dị, bất thường, mỹ cảm xa lạ, ngôn ngữ bí hiểm, cấu trúc huyền hoặc, nhịp điệu rất khó nắm bắt, tư duy rời rạc, thiếu logic, phi logic,… Thậm chí, người ta còn nghi ngờ bản chất loại hình của nó! Tất cả những rào cản đó khiến cho thi giới Mai Văn Phấn có xu hướng đóng kín với nhiều người, làm nên một trong những điển hình của dòng thơ khó đương đại. Bản nguyên này đã khởi sinh từ những ngày đầu Mai Văn Phấn bước vào đường thơ: Giọt nắng (1992), Gọi xanh (1995), Cầu nguyện ban mai (1997), Nghi lễ nhận tên (1999), Người cùng thời (trường ca - 1999), Vách nước (2003), Hôm sau (2009), và đột nhiên gió thổi (2009), Bầu trời không mái che (2010), Hoa giấu mặt (2012) đến Vừa sinh ra ở đó (2013), Những hạt giống của đêm và ngày (2013),… Hơn hai mươi năm đã đi qua, nhưng lời giới thiệu tập thơ đầu tiên của Mai Văn Phấn vẫn cần được nhắc lại như một nhắn nhủ, lại như một định mệnh: “Ít ai mò tới quá xa giới hạn của tâm thức để đến vùng linh cảm hoang vu, bí ẩn. Lại càng ít hơn, những ai tới đó mà còn mang về cho chúng ta một ý tứ, một bài thơ…”. Trong niềm sướng vui hạnh ngộ, “Cầu cho có ai đó nhặt lên ve vuốt, ân iu rồi lặng yên giấu ở hồn mình” (Lời giới thiệu tập thơ Giọt nắng, Hội Văn nghệ Hải Phòng, 1992, tr. 2).

 

Mất đi sự cảm thông, thiếu vắng tinh thần “đồng hữu” nghĩa là mất đi hiện hữu. Mất hiện hữu là trạng thái của một thế giới đổ vỡ, tha hoá, một hình thái của sự chết. Như là một thôi thúc, bắt nguồn từ chính những hoài nghi bản ngã trên hành trình tìm kiếm tha nhân, những thể nghiệm có được khi tiếp cận thi giới Mai Văn Phấn là biểu hiện của một tinh thần đồng hữu. Từ sự cảm thông đến xác lập một một hiện hữu thi tính loại hình, một bản mệnh thi ca, một nhân vị là tinh thần công chính mà những người hữu thần luôn có ý định bày tỏ.

 

Năm 2013, Mai Văn Phấn xuất bản hai tập thơ: Những hạt giống của đêm và ngày (song ngữ), Vừa sinh ra ở đó. Đến chặng này, quả thực Mai Văn Phấn đã có sự ngưng đọng, trở về và hồn nhiên trong sáng. Dường như những u ám, những bức bối của đời sống đã được tiết giảm, được thanh lọc, ngưng kết, những ảnh tượng được mở ra từ đôi mắt khép lại. Thi ca tìm về trong huệ nhãn, trong quán tưởng, trong những khoảnh khắc dừng lắng nghe hơi thở của vô biên, của hữu hạn, của vĩnh hằng và thoáng chốc. Có thể cảm nhận rõ các đối thể, các chú ý thẩm mỹ, các tụ điểm năng lượng thi tính trong tập này đều toả ra thứ ánh sáng đủ để dắt dẫn tâm linh con người đến thiên lương và bình an! Tính chất duy linh, trọng âm, ưa hài hoà, lấy tình làm bản vị trong truyền thống thi ca dân tộc đã dung dị trở về trong một sinh thể mới: Vừa sinh ra ở đó.

 

Ưu tư làm nên thời tính của hiện hữu. Thời tính như cách hiểu của M. Heidegger là “hệ thống tính” của thời gian. Dự lượng về tương lai, níu kéo quá khứ hay lựa chọn hiện tại với đặc tính “ưu tư” làm nên hiện hữu. Có lẽ, Mai Văn Phấn chẳng hề bận lòng những chủ đề của hiện sinh, nhưng sự ưu tư của chủ thể tiếp nhận trong thời tính của một đồng hữu lại không thể rời bỏ nó để có thể gọi tên những hạt giống trong tiềm thức. Đêm chẳng gì khác là nơi nuôi giữ những mộng mơ, ưu tư của thi sĩ. Và, Ngày chính là lựa chọn để sinh hạ những mầm thơ. Ưu tư, mơ mộng là dưỡng chất của thơ, thơ là ngày của thi nhân, ngày là thơ của đời trong ánh sáng, sự sống. Mất đi ưu tư đồng nghĩa với triệt huỷ hiện hữu. Định mệnh của thi nhân là ưu tư và mơ mộng. Mơ mộng không phải là giấc mơ, đó là những tưởng tượng, những trầm tư về hiện hữu, sự “mơ về” mang khả năng thực hiện phác đồ làm người của mình. Nếu đồng hữu ý thức được điều đó, sẽ thấy trân trọng biết bao những tiếng vọng của tiềm thức, những trình hiện ở dạng “âm bản” của một tha nhân:

 

Khi làn hương bí ẩn ra đi, nặng trĩu đài sen cõng trên lưng mùa hạ. Những chiếc lá nằm mơ được hái về gói cốm, lũ ve sầu còn ngân lên lời xưng tụng cuối cùng (Cộng hưởng II).

 

Mộng mơ thâu gồm trong nó những liên tục, đứt đoạn, hữu lý và phi lý của tưởng tượng, liên tưởng, suy tưởng. Nhưng, với Mai Văn Phấn, dường như những động thái này đã bị quán tưởng thâu tóm, dẫn lối để đắm chìm vào tiềm thức. Chất thơ trong thế giới ấy là những dồn nén, vụt hiện, vụt mất, đan ghép, lồng nhập những ảnh tượng bất chợt, không sắp đặt. Chính quán tưởng, trụ ý, định tâm đã giúp thi nhân buông bỏ được những ràng buộc của ký ức, của hữu thức. Vì thế, thi giới của Mai Văn Phấn luôn vấp phải những kháng cự của tư duy duy lý. Nhưng, hãy mộng mơ để thấy viên sỏi dưới mưa đêm, ánh sáng nơi ngọn cỏ may bừng nở phía đồi, chiếc cổ cườm ánh tím của con bồ câu bên mái hiên buổi mai ẩm ướt… Mộng mơ để thấy anh và em gần nhau hơn trong nụ hôn tinh sương, trong ban mai trong suốt, trong ngày tít tắp,… Phải nói rằng, thi ảnh của Mai Văn Phấn đẹp, trong và ám ảnh, nhưng không dễ kêu gọi đồng cảm. Bất kỳ một sự thông dự nào vào thế giới ấy đều phải để lại, phải giảm trừ những tiền niệm, tiền ngôn là sản phẩm cố hữu của lý trí thuần tuý. Ngay cả những tri thức phổ biến về loại hình thơ, về vần điệu, câu chữ cũng cần phải gác lại để có thể thâm nhập sâu hơn vào vũ trụ biệt lập của thi sĩ. Nghĩa là sự đọc cũng phải “vong thân”, cũng phản bội chính mình để dung nạp một tri thức, một giá trị khác: Em vẫn mơ canh giữ con thuyền/ Thức dậy đổ đầy trăng vào nắng sớm (Buông tay cho trời rạng).

 

Gần đây, thơ Mai Văn Phấn nghiêng đắm nhiều hơn vào tâm linh, vào tiềm thức. Đắm chìm trong quán tưởng, trong thế giới tâm linh, nội giới của thi nhân đã không nhủ mà nên, khởi sinh những tổ chức lời thơ như là sự mặc niệm, tụng niệm với đức tin thành kính. Chất thơ sinh ra trong quán tưởng, hay đúng ra, sự tìm đến với một không gian khác, tìm kiếm một hệ giá trị khác đã đánh thức dậy trong thi sĩ một mạch nguồn thi ca đang chìm khuất trong tiềm thức. Chính vì thế, có thể nhận ra rất rõ nhiều bài thơ của Vừa sinh ra ở đó, Những hạt giống của đêm và ngày,… giống lời kinh, lời niệm. Lại có khi, những bài thơ như một trạng thái vụt sáng, hồn nhiên đến ngỡ ngàng. Lắm khi, chính người đọc cũng giật mình vì nét hồn nhiên đó. Nó như một sinh thể mới, được sinh ra sau chứng ngộ. Điều này có thể nhận ra từ độ trong trẻo của ngôn từ, thi ảnh. Ngôn từ ít gợi lên những tạp niệm. Quán tưởng đã duy trì huệ nhãn, định tâm và lời tự trong tiềm thức vọng ra. Chính cơ chế đó đã trả ngôn ngữ, thi ảnh trở về trạng thái tiền niệm, tiền ngôn - một trạng thái nguyên thuỷ, trước khi bị ràng buộc bởi các khái niệm, các ý hướng tính, các tri thức đã được quy ước. Như thế, dường như Mai Văn Phấn đã tự hồi quy, tự giảm trừ trong chính huệ tưởng. Lời thơ gần với ngôn sứ, bào ảnh thức dậy khởi sinh thi giới. Điều đó, như một lẽ tất nhiên, sẽ thách thức những hệ giá trị phổ quát của cộng đồng, những ý hệ trở thành quy chiếu, ràng buộc các hiện tượng, thoả hiệp hay mê hoặc con người: Chẳng cần vỗ cánh/ Chẳng cần bay đi/ Con bồ câu và anh/ Chồi lên thành lộc biếc (Tỉnh dậy trong mưa). Nếu không quán tưởng về một sinh mệnh toàn chỉnh (Mùa xuân), một cây xuân sự sống thì hẳn Mai Văn Phấn đã chẳng thể có được sự liên tưởng kỳ diệu ấy. Trên thân cây mùa xuân, trên thân mình sự sống, anh và con chim bồ câu là chồi non mới nhú, là lộc biếc trong ban mai yên lành.

 

Thi trình của Mai Văn Phấn càng ngày càng thể hiện rõ những vận động về ngưỡng của cái thiêng. Những hạt giống của đêm và ngày, Vừa sinh ra ở đó, chứng tỏ sự tham thiền đã mang lại cho tâm hồn cái đẹp có tính chất trong sáng, hồn nhiên, mang đến cho tâm linh những giá trị thiêng liêng làm nên đức tin. Càng về sau, thơ anh càng toát lên niềm an nhiên và đức tin ngày một sâu vững. Những hạt giống của đêm và ngày, Vừa sinh ra ở đó khác rất nhiều so với Hôm sau, và đột nhiên gió thổi. Cảm thức nổi trội chính là tha nhân đã đi từ hoài nghi đến tín tưởng. Hoài nghi là trạng thái của một tinh thần thiên động, hướng đến những hoạt động phê phán, cải tạo,… Trong đó có lúc không tránh khỏi vọng động. Bây giờ, khi đã trải qua nhiều biến cố của đời sống văn minh hậu công nghiệp, khi đã đắn đo giữa hoài nghi, vọng động và lặng im tuân theo quy luật, gửi tín tâm vào sự vĩnh hằng của các giá trị nhân bản, thơ Mai Văn Phấn lại tươi non trở lại. Vừa sinh ra ở đó chính là mầm sống đã trỗi lên từ đêm tiềm thức, rạng rỡ trong ban mai thuần khiết: Ngọn rễ non biết được/ Đất ôm trời đã lâu/ Căng tràn nhựa mật/ Vỏ hạt vừa buông/ Thả ngắt xanh về tít tắp/ Ngày lên thăm thẳm/ Lá mầm che mặt đất sum suê (Tỉnh dậy trong mưa - 13).

 

Suốt hành trình thơ của mình, dường như Mai Văn Phấn đã tham dự vào một công án. Sau đêm là ánh ngày, là ban mai, là bình minh tít tắp… đã lặng lẽ thể hiện một chuyển biến trong nhận thức, trong quán tưởng của thi nhân về sự sống, về các giá trị. Chính trong trạng thái ấy, thời tính của hiện sinh được xác lập. Sự lựa chọn của hiện tại đồng nghĩa với những ứng xử văn hoá, ứng xử nghệ thuật. Thơ ra đời trong ưu tư, mơ mộng, trong hân hoan mặc khải, trong hồn nhiên thơ trẻ, trong hy vọng tin tưởng. Bớt đi bóng tối nhiều lên những ban mai, bớt đi hoài nghi để tăng thêm hoài vọng, bớt đi bi luỵ để nhiều thêm lạc quan…, thơ Mai Văn Phấn ở hai tập mới nhất này đem đến cảm thức được phục sinh, được cứu rỗi. Đó là một cảm trạng cần thiết cho đời sống và nghệ thuật đương đại: Hôn em thật lâu ghi dấu/ Nơi đây. Giờ này/ Đám mây kia xuống thấp/ Buổi uyên nguyên trái đất quay về (Tỉnh dậy trong mưa - 4).

 

Mộng mơ luôn có xu hướng khước từ những trật tự tiền định, những logic duy lý thuần tuý. Với sắc thái này, thi giới của Mai Văn Phấn rút bỏ các cầu nối (liên từ, quan hệ từ, các trợ từ ngữ khí, phụ từ,…) để ngôn ngữ tự toả sáng, tự phát lộ các khả thể của nó. Mai Văn Phấn rất có ý thức trong việc đề cao khả năng kiến tạo của ngôn ngữ. Chính vì thế, anh đã trao cho ngôn ngữ toàn quyền kiến tạo thế giới, kiến tạo chân dung: Khi tha thẩn lạc vào chốn cũ/ Đất vẫn ăn từng bữa những âm thầm/ Nỗi âm thầm vò xé trong hàm răng làm tôi bỏ chạy/ Không có tiếng vang nào bởi các ngón chân (Giọng nói). Liên tưởng đã được dựng nên mà không cần đến những hư từ. Điều này tưởng như phi logic, nhưng kỳ thực, như F. Saussure đã chỉ ra, ngôn ngữ vẫn tự gọi nhau trong trường liên tưởng mà chúng thuộc về. Có khi, liên tưởng của thi nhân không bắt đầu từ đối tượng như là vật mà lại khởi đi từ tính, khởi đi từ chức năng, khởi đi từ những can hệ thuận, nghịch, tương đồng, tương cận, đối lập, nguyên nhân hay kết quả mà đối tượng gợi lên. Bởi thế, đất âm thầm, bởi thế những ngón chân lặng im,…

 

Đọc thơ là đọc một con người, một hữu thể, một nhân vị. Cho nên, khi đứng trước những rời rạc, phi lý, điều đầu tiên không phải là phủ bác nó mà là truy tìm nguyên cớ cũng như ý nghĩa hiện diện của hiện tượng. Mai Văn Phấn và nhiều thi hữu khác của nền thơ đương đại Việt Nam cần phải được nhìn nhận như vậy, tạo nên môi trường liên chủ thể, gắn kết, tương tác để hình thành các trường thẩm mỹ, trường văn hoá trong lịch sử mỹ học dân tộc. Thiếu vắng đức tin và tinh thần thông tri cộng sự quả thực chúng ta không thể chiêm ngắm vầng hào quang của vĩnh hằng toả trong vô biên. Và như thế, vô hình trung chúng ta đã bỏ rơi tha nhân, đồng thời bỏ rơi chính ta.

 

 

 

 

(còn nữa)

 

 

 

 

Bìa 1 tập thơ NHỮNG HẠT GIỐNG CỦA ĐÊM VÀ NGÀY

của Nxb. Page Addie Press (Anh Quốc)

BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị