Từ những "không gian khác"... (phê bình) - Nguyễn Thanh Tâm

Từ những "không gian khác"...

 

 


Nhà phê bình văn học - TS. Nguyễn Thanh Tâm

 

 

 

 

Nguyễn Thanh Tâm

 

 

QĐND - Nhà thơ Mai Văn Phấn được biết đến như một trong những gương mặt cách tân tiêu biểu của thơ Việt Nam đương đại. Từ những năm đầu thập niên 90 (thế kỷ 20) đến đầu thế kỷ 21, gần 30 năm, hành trình thơ Mai Văn Phấn luôn luôn là sự bứt phá, vượt bỏ, kiếm tìm trong quá trình sáng tạo thơ ca.

 

Không thỏa hiệp với cái cũ, cái ngưng đọng, bất biến, Mai Văn Phấn luôn đặt mình ở giữa những đường biên, ở trước các giới hạn, với tâm thế sẵn sàng rời bỏ, từ đó tìm một phương cách, một con đường để vượt qua. Tập phê bình-tiểu luận “Không gian khác” vừa được NXB. Hội Nhà văn ấn hành quý I năm 2016 là một cú vượt thoát như thế.

 

Với 24 tập thơ xuất bản trong nước, dịch ra nhiều thứ tiếng và đã đoạt nhiều giải thưởng văn chương uy tín, Mai Văn Phấn đã thực hiện chủ trương vượt thoát qua nhiều trường phái, nhiều hình thái thơ với các trải nghiệm thẩm mỹ khác biệt ở mỗi tập. Điều đó khiến cho thơ anh giàu năng lượng, ẩn chứa những vẫy gọi, thôi thúc những hành trình. Tuy nhiên, đến khi anh trình làng tập phê bình-tiểu luận “Không gian khác”, giới sáng tác cũng như giới phê bình mới thực sự giật mình. Biên độ của cái khác tiếp tục được mở rộng, cho thấy nội lực và cả những đam mê của người viết.

 

Mai Văn Phấn đã ý thức ngay từ những lời đầu sách, rằng với phê bình, anh là một kẻ ngoại đạo, đúng hơn, anh phê bình từ góc nhìn của một người sáng tác. Tuy nhiên, chính trong ý thức về những lằn ranh ấy, bản chất của cái khác-không gian khác lại hiện lên một cách tỏ tường. “Không gian khác” bao gồm hai phần. Phần I: Phê bình, với 24 gương mặt thi sĩ trong và ngoài nước. Đó là 24 không gian khác, từ điểm nhìn của Mai Văn Phấn. Phần II: Tiểu luận, gồm 5 bài viết về các vấn đề như động thái, khuynh hướng, đặc trưng thẩm mỹ của thơ Việt Nam đương đại.

 

“Kết nối điểm nhìn”, “tạo lập không gian” là chiến lược sáng tạo của Mai Văn Phấn. Đối với nhà thơ-người sáng tạo, có thể nói đây là hai thao tác có tính chiến lược và cũng là cơ sở để nhìn nhận sự khác biệt. Trong tư cách một nhà thơ, với những trải nghiệm sáng tạo cụ thể, Mai Văn Phấn đã thâm nhập vào thế giới của những người làm thơ khác, giải mã cách tạo lập không gian, kết nối điểm nhìn của họ. Người viết nhận ra, Dương Kiều Minh, “mang hơi xuân từ những cánh đồng”, Nguyễn Lương Ngọc và những cách tân khởi đầu, lộ trình cách tân của Nguyễn Quang Thiều, không gian xa trong thơ Trần Tiến Dũng, “ngọn lửa xanh” trong thơ Nguyễn Ngọc Tư… Cùng với những tên tuổi này, các thi sĩ khác như: Nguyễn Bình Phương, Đỗ Doãn Phương, Đinh Thị Như Thúy, Lê Ngân Hằng, Nguyễn Đức Tùng, Inrasara, Đỗ Trọng Khơi… cũng được tác giả khám phá bằng một cảm quan tinh nhạy, với những góc nhìn thỏa đáng, đem lại những luận giải khá thuyết phục. Đặc biệt, Mai Văn Phấn dành sự chú ý cho Gjekë Marinaj (nhà thơ Hoa Kỳ gốc An-ba-ni), Müesser Yeniay (nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ), Rati Saxena (nhà thơ Ấn Độ) bởi đây là những thi sĩ đại diện cho một số khuynh hướng thơ ca hiện đại trên thế giới. Nếu Gjekë Marinaj vừa mang màu sắc hiện đại, có dấu ấn của những khuynh hướng tiền phong mà vẫn đậm hơi thở truyền thống An-ba-ni, thì Müesser Yeniay lại là một tâm hồn Thổ Nhĩ Kỳ đầy kiêu hãnh, một Rati Saxena với những bài thơ làm hiện hình nền văn hóa Ấn Độ thâm trầm, sâu xa mà kỳ vĩ…

 

Phần II của cuốn sách là những tiểu luận công phu, tâm huyết của Mai Văn Phấn về thơ Việt Nam đương đại. Mặc dù bố cục hai phần rõ rệt, nhưng người đọc có thể nhận ra, Phần II chính là một cú “lia máy” để bao quát không gian rộng lớn của thơ Việt trong suốt 30 năm sau đổi mới. Bước ra khỏi những hiện tượng cụ thể, Mai Văn Phấn hình dung về thơ Việt với những động thái cách tân, những khuynh hướng vận động, những đặc trưng thẩm mỹ nổi bật… Rất đáng lưu ý trong những quan sát, diễn giải của Mai Văn Phấn về thơ cách tân là khuynh hướng này tập trung kết nối đa điểm nhìn, lối tạo hình lập thể vốn đòi hỏi một sự linh hoạt, tự do trong tư duy nghệ thuật. Mai Văn Phấn khá tinh tế khi nhận ra điều này. Nhưng, cái đáng nể hơn ở người viết là gọi tên một cách thích đáng lối thiết lập không gian của khuynh hướng thơ cách tân. Cùng với bài viết quan trọng này (“Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt Nam sau 1975”), một số tiểu luận khác như: “Người đọc và đổi mới thi ca”; “Vẻ đẹp và quyền năng của thơ ca”; “Thế giới sẽ được vẽ theo cách nhà thơ nhìn thấy nó”; “Thuốc đắng” khai mở thế giới thơ tôi” đã làm rõ hơn cảm quan đời sống và nghệ thuật của tác giả. Từ góc nhìn của một nhà thơ, Mai Văn Phấn luận giải về mối quan hệ giữa người đọc và đổi mới thơ, đổi mới thơ và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Thơ cần đổi mới và người đọc cũng cần thay đổi để có thể tiếp nhận các giá trị mới. Ở đây, có thể nhận ra một mạch ngầm suy tư của Mai Văn Phấn về người đọc và những không gian khác. Nếu sáng tác là hành trình vượt thoát, rũ bỏ, phủ định những gì bản thân sách tác ngày hôm qua, thì việc đọc cũng tương tự như thế, người đọc đòi hỏi cần có những tác phẩm hay, mới lạ. Đứng từ góc độ lý luận, có thể thấy Mai Văn Phấn đã chạm đến những vấn đề căn bản của lý thuyết tiếp nhận, về người đọc, người viết-sự viết, về bản chất của văn bản, ngôn ngữ, tác phẩm văn chương và cộng đồng diễn giải.

 

“Không gian khác” đem đến những hình dung về cái khác ở ngoài Mai Văn Phấn, trên hành trình sống và viết, tìm và gặp của anh. Nhưng, “Không gian khác” còn hàm nghĩa về cái khác ở quanh chúng ta-vốn là bản chất, đặc tính của cái sống. Nhận hiểu về cái khác, không chỉ là xác lập cái ở ngoài chủ thể, mà quan trọng hơn là xác lập chính chủ thể. Được viết bằng ngôn ngữ của một thi sĩ, cuốn sách không gây cảm giác nặng nề, hàn lâm mà nhẹ nhõm, thuần hậu.

 

N.T.T

 

 

(Báo Quân Đội Nhân Dân, Thứ bảy, 9/7/2016)

 

 

 

 

 


















 

 

 

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị