Ngắm nhìn cái đa tôi đã khác (phê bình) - Phạm Minh Đăng

Ngắm nhìn cái đa tôi đã khác

(Đọc tập phê bình – tiểu luận “Không gian khác” của Mai Văn Phấn, Nxb. Hội Nhà văn, 2016)

 


 

 
Tác giả Phạm Minh Đăng




 

Tác phẩm của Họa sỹ Graziano Locatelli (Italia)

 

 

Phạm Minh Đăng

 

 

Tập tiểu luận “Không gian khác” giới thiệu gương mặt 20 nhà thơ Việt và 04 nhà thơ nước ngoài đã được dịch vào ngôn ngữ Việt, cùng với đó là 05 tiểu luận, tham luận của tác giả trong nhận thức vai trò vị trí tương quan của thơ với người đọc, khu vực và thế giới. Mai Văn Phấn muốn tìm đến một chỗ – khác, ở đây và lúc này, nơi anh nhận diện gương mặt thi ca Việt Nam sau 1975. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi bản thân Mai Văn Phấn là một nhà thơ. Nhà thơ chuyên-nghiệp-chữ Mai Văn Phấn cảm nhận về thơ theo cách anh bộc lộ cảm nhận những rung động anh cộng hưởng. Tìm đến một không gian khác, là để anh cảm nhận những tiếng thơ cách tân, khác biệt với những hòa âm giữ nhịp dòng thơ xuôi chảy. Tôi tin rằng chỉ những người cách tân mới nghe được giọng nhau, và mức độ cách tân – tự thân đến đâu, họ nhận ra giọng cách tân – đồng vọng đến đó.

 

Ở đây phải chăng ngoài tình đồng cảm thi pháp, cách lập ngôn, còn là sự đồng thuận (không hoàn toàn) cách lập chữ. Lập chữ, với nghĩa, thơ ca tìm cách nói bằng một ngoại ngữ trong chính tiếng dân tộc mình và giữ được âm sắc mình trong các ngoại ngữ khác.

 

Về sự cộng hưởng các giọng thơ

 

Khoảng thời gian khảo sát là thơ Việt sau 1975, đây là khoảng thời gian rất dài, với nhiều giọng điệu thơ khác nhau, Mai Văn Phấn tập trung chủ yếu khảo sát thơ giai đoạn sau Đổi mới (từ 1992 nếu lấy mốc tập “Sự mất ngủ của lửa” của Nguyễn Quang Thiều) với hai lớp nhà thơ nối tiếp nhau mà anh tạm chia ra, gồm: thế hệ thứ nhất gồm: Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiến Dũng, Giáng Vân, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đức Tùng, Inrasara và thế hệ thứ hai khảo sát 09 nhà thơ, gồm: Đỗ Doãn Phương, Lê Ngân Hằng, Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thúy, Trần Lê Sơn Ý, Nguyễn Ngọc Tư, Lê Anh Hoài, Khánh Phương, Nhã Thuyên và một nhà thơ mang tính kết nối thơ trước – sau 1975 là Thi Hoàng.

 

Trong ba nhà thơ anh cho rằng “sẽ được văn học sử ghi danh là những tác giả khởi đầu cho khuynh hướng thơ cách tân sau 1975 tại Việt Nam”(2): Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc và Nguyễn Quang Thiều, anh khảo sát rất kỹ, đồng điệu với Dương Kiều Minh và Nguyễn Quang Thiều. Với Dương Kiều Minh, đó là sự chuyển mình chậm chạp mà rõ ràng theo hướng tìm về tư tưởng Đông Phương, từ cái tinh tế, run rẩy, mê đắm trước con người, thiên nhiên trong “củi lửa” đến chiêm nghiệm, suy tưởng ở các tập sau, và cả những đóng góp của Dương Kiều Minh ở mảng thơ văn xuôi, với bài thơ chưa công bố, “sực nhớ núi đồi”. Với Nguyễn Quang Thiều, anh đã chạm đến những bài thơ được đông đảo thừa nhận là “đặc sản Nguyễn Quang Thiều”, “bức thư đề ngày 25 tháng 12”, “chuyển dịch màu đen”,… là những bài đã có một khoảng cách với hơi thơ “trương nở”(3) của tác giả được khảo sát. Với Nguyễn Lương Ngọc, anh ghi nhận một hồn thơ quyết liệt mà tài hoa, nhưng cũng nghiêm khắc chỉ thẳng tên những bài anh coi là còn “nông cạn ý tưởng, hời hợt, mờ nhạt cảm xúc”. Tuy nhiên, để có thể làm rõ hơn nữa sự cách tân của họ so với thế hệ trước hoặc so với các nhà thơ cùng thời, người đọc vẫn hy vọng vào các đối chiếu thêm nữa và đưa ra được những bài tiêu biểu hơn nữa của ba tác giả này.

 

Ở thế hệ thơ thứ hai, anh dành nhiều quan tâm đến các tác giả trẻ, và có sự khảo sát kỹ lưỡng đầy đủ các thi tập của Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Ngọc Tư hoặc chỉ đi sâu khảo sát riêng một tập mà anh coi là tiêu biểu của tác giả. Và “thế hệ cách tân thứ hai”(4) đã được anh ưu ái dành nhiều tình cảm hơn sự phân tích mang tính tổng kết hay – dở với các nhà thơ thế hệ đầu. Tôi thấy dường như tác giả đã đón nhận những ngọn lửa của thế hệ này vào hành trình đi tiếp của mình, từ “ngọn lửa xanh” châm lên từ rượu mạnh của thơ Nguyễn Ngọc Tư, đến ngọn lửa cầu hồn cho những sinh – tử da diết, trở về từ tro tàn, sinh sôi trong thơ ca của Nhã Thuyên.

 

Ngoài thơ Việt, anh còn nắm bắt 04 tác giả “nhập Việt” qua bản dịch là Gjekë Marinaj (Hoa Kỳ), Müesser Yeniay (Thổ Nhĩ Kỳ), Metin Cengiz (Thổ Nhĩ Kỳ) và Rati Saxena (Ấn Độ). Những tác giả đã đem đến cách tiếp cận khác (thơ Việt) trong hình thức thơ và nội dung mang chứa sức mạnh cảnh tỉnh phận người trước các vấn đề thời sự mang tính nhân loại của thời kỳ bất an và chia rẽ cũng như hướng tới các giá trị nhân văn mang tính phổ quát nhằm thanh lọc và hàn gắn con người trước những đổ vỡ của dân tộc. Người đọc có thể chưa đọc 04 tác giả này, và Mai Văn Phấn đã chỉ cho chúng ta thấy, một không gian – khác trong nhiều không gian - khác, ngoài kia, cần hướng tới để nhìn và yêu thêm nền thơ của nước mình.

 

Cái tôi phân mảnh muôn phương

 

Quá trình một nhà thơ đọc thơ, viết về thơ của đồng nghiệp, là cách họ bộc lộ quan điểm và cái đa – tôi của họ. Điều này có thể thấy trong cách đọc của Mai Văn Phấn, anh luôn bắt đầu bằng việc cảm nhận những nét mới lạ trong thi pháp và những thi ảnh mà anh đồng cảm. Như ở trên tôi muốn nói, để nhận ra được một giọng thơ, cần phải mở lòng mình rộng nữa để có thể cộng hưởng được những gì gây đồng vọng. Vậy qua những gì anh nhận về, qua việc đọc các sáng tác của anh, tôi thử phác những nét sơ khởi một chân dung – thơ Mai Văn Phấn, cũng là một trong nhiều đặc tính thơ Việt sau 1975 như sau, bằng chính những nhận định của tác giả trong tập sách:

 

“Từ “tôi như, tôi là…” đến “chính tôi…” là cách chuyển đổi chủ thể quan trọng của thơ cách tân sau 1975” “hướng đến khát vọng tự do, cởi mở giấc mơ viên miễn về những điều tốt đẹp, cao cả…”

 

“nhà thơ có thể sử dụng bất kỳ cách nói nào, kể cả cấm kỵ (taboo) để đạt tới mục đích cao cả của sáng tạo”, “dục tính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên nền tảng và bản sắc của tác phẩm văn học” “khiến không ít những độc giả đã quen với phong cách thơ du dương, diễm tình dị ứng gay gắt.”

 

“Tính đồng hiện là đặc điểm nổi bật trong thơ (…) của các tác giả thuộc thế hệ Đổi mới sau 1975 tại Việt Nam”, “tiếp biến lối viết “dòng ý thức” kết hợp với “hiện thực huyền ảo” của tiểu thuyết để làm nên một thế giới thơ xô lệch độc đáo, đa điểm nhìn” “những chuyển động của hình ảnh thường đứt quang, đột ngột, mở ra nhiều liên tưởng bất ngờ, gợi nhiều chiều kích của cảm xúc, mở thêm những biên độ tưởng tượng phong phú và mới lạ”, “như muốn vươn tới thế giới siêu hình, vượt qua màn vô minh bằng con mắt “thứ ba” xuyên thấu”, “hầu như xóa nhòa dấu vết của các thủ pháp kỹ thuật bằng cảm xúc mạnh mẽ, tự nhiên” “… những hình ảnh cách biệt, xa nhau nhưng cùng cuộn trôi theo một từ trường cảm xúc mạnh mẽ và nhất quán, tạo được hiệu ứng không gian và bật lên sức liên tưởng mạnh mẽ: đó là cách liên tưởng đa tuyến” “có diện “phủ sóng” rộng, từ tâm thức, tâm lý, tính dục..., đến hiện thực đời sống, trầm tích văn hóa, lịch sử…”

 

“những phong cách và ngôn ngữ khác nhau, nhưng tinh thần chủ đạo trong đó vẫn là cuộc khai sáng, tìm về cội nguồn, kiến tạo không gian khác cho dân tộc…”, “sáng tạo chính là hành trình đi tìm tự do, công bằng, hạnh phúc cho con người và vì con người”

 

Tạm kết

 

Nếu biết uống, người ta có cơ may trở thành ẩm giả. Mai Văn Phấn đã thực sự “uống” được những vị chính của thơ Việt cách tân hiện tại. Ở đó, cách tân, không nên tính bằng việc đạt tới đích đến nào đó biết trước chăng, mà bằng khoảng dãn xa được tới đâu tính từ điểm khởi đầu thơ của từng người.

 

Các tác giả được Mai Văn Phấn khảo sát, cá nhân tôi chưa thấy là đầy đủ khi khảo sát thơ Việt sau 1975, nhưng tôi bị thuyết phục bởi cách anh phát hiện họ theo cách của anh, ở một không gian anh dựng nên, mời họ và mọi người cùng đến nghe ca ngợi và khích lệ. Những tiếng nói chia lửa, truyền lửa như vậy, thật đáng trân trọng và lay động.

 

Để tạm kết bài viết, tôi muốn dùng lại ý của Mai Văn Phấn trong “lời mở” về thơ Nguyễn Quang Thiều: “Trước năm 1975, những tìm kiếm để đạt tới lối biểu đạt mới và hiệu quả mới trong tư tưởng thi ca, rất phức tạp, đến nay còn chưa có sự khảo sát, nghiên cứu và đánh giá xác đáng, đầy đủ” để nói rằng, điều này đúng cả với thơ sau 1975 cũng như bất kỳ giai đoạn nào của thơ Việt.

 

10/10/2016

P.M.Đ

 

_________
(1) Theo Mai Văn Phấn, anh tự “tu luyện” để có thể trở thành tác giả chuyên nghiệp.

(2) “Không gian khác”, tr. 28.

(3) Chữ của Mai Văn Phấn.

(4) Chữ của Mai Văn Phấn.

 

 

 

 


Tác phẩm của Họa sỹ Graziano Locatelli (Italia)














 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị