THƯ VIỆN THÀNH PHỔ STOCKHOLM – STOCKHOLMS STADSBIBLIOTEK: "Höstens hastighet" (Nhịp Mùa Thu) của Mai Văn Phấn: Tuyển tập thơ của Tháng Hai - Mimmi Diệu Hường Bergström

THƯ VIỆN THÀNH PHỔ STOCKHOLM – STOCKHOLMS STADSBIBLIOTEK

("Höstens hastighet" (Nhịp Mùa Thu) của Mai Văn Phấn: Tuyển tập thơ của Tháng Hai)

 

 

Poster buổi giới thiệu sách

 

 

 


Dịch giả Erik Bergqvist 

 

 

Mimmi Diệu Hường Bergström

 

Tuyển tập thơ "Höstens hastighet" (Nhịp Mùa Thu) của Mai Văn Phấn, do Erik Bergqvist và Maja Thrane dịch sang tiếng Thụy Điển (NXB Tranan 2017) được ban Thơ của Thư viện thủ đô Stockholm lựa chọn là Tuyển tập thơ của Tháng Hai 2018.

 

Hôm nay Thứ Tư ngày 28-2-2018 lúc 12g – 12.40 tại Thư viện thủ đô Stockholm Thụy Điển đã diễn ra buổi giới thiệu tuyển tập thơ "Höstens hastighet" (Nhịp Mùa Thu) của nhà thơ Việt Nam Mai Văn Phấn. Nội dung buổi giới thiệu gồm hai phần: đọc thơ và tọa đàm. Các khán giả yêu thơ của thủ đô Stockholm muốn khám phá thơ ca Việt Nam đã tới tham dự và mua sách.

 

Mở đầu chương trình khán giả được thưởng thức giọng đọc thơ của nhà thơ Erik Bergvist, người đã dịch tập thơ "Höstens hastighet" của Mai Văn Phấn trên băng P1 của Sveriges Radio AB (Đài Phát thanh quốc gia Thụy Điển) vào tuần đầu tháng Hai vừa rồi. Erik Berqvist là nhà thơ giàu kinh nghiệm đọc thơ trên sóng phát thanh. Chủ trì buổi giới thiệu tuyển tập thơ"Höstens hastighet" là ông Lars Granström - nhà thơ, thủ thư, thành viên Hội đồng giám khảo giải Cikada 2017. Tham dự còn có nhà thơ - dịch giả Maja Thrane, chị Alice Thorburn - phụ trách Thơ của Thư viện và tổ chức tọa đàm và buổi đọc thơ ra mắt tập "Höstens hastighet" (Nhịp Mùa Thu) vào tháng 12 vừa rồi cũng tại thư viện thành phố. Bài thơ ”En insikt” (Để nhận ra anh) của Mai Văn Phấn do Alice Thorburn đọc làm nhiều người ngỡ ngàng vì câu thơ giàu tính ẩn dụ, mang sắc thái Á Đông: ”Huset krängde trött i gryningen. - Jag ringde ditt sömnnummer för - att höra din dröm” (Cả ngôi nhà lao đi chóng mặt - sửng sốt rã rời khi gặp bình minh.. - Anh bấm số điện thoại tưởng tượng - để em biết mọi điều từ trong giấc mơ), hay thán phục như trong bài "I drömmen" (Trong một giấc mơ): “Được sống qua nhiều thể chế - Vậy mà - Không bị làm phiền”.

 

Tiếp theo là phần tọa đàm thơ Mai Văn Phấn. Mở đầu, ông Lars Granström, người am tường thơ Haiku đã nêu những nhận xét khái quát về phong cách thơ của các tác giả Đông Á, trong đó có những nhận xét thú vị về thơ Mai Văn Phấn. Là thành viên Hội đồng giám khảo giải Cikada 2017 nên Lars Granström đã nghiên cứu kỹ thơ Mai Văn Phấn qua các bản tiếng Anh và tiếng Pháp. Ông tâm đắc với bài viết ”Mai Văn Phấn kiến tạo những khoảnh khắc đời sống thường nhật thành vũ trụ” của Sebastian Lönnlöv đăng trên Nhật báo Svenska Dagbladet của Thụy Điển và bài "Những bài thơ ngắn đầy cảm xúc của Tranströmer Việt Nam" của Staffan Bergsten, đăng trên Báo Mới Upsala ngày 22/01/2018 của Thụy Điển. Ông Lars Granström có những nhận xét riêng đáng ghi nhớ: có sự tương đồng trong cảm xúc giữa thơ của TomasTranströmer và thơ Mai Văn Phấn qua những tình tiết tinh tế, trong sáng, giản dị đầy hình tượng, âm thanh, cảm xúc nhưng bao hàm triết lý sống phương Đông cao thượng. Thanh cao như trong bài "Bland lotusbladen" (Ngồi giữa lá sen): “Con nhái bén - Thè lưỡi - Liếm trăng" và bài "Zen" (Lòng thiền): “Bông sen - Vắng người - Nở”. Triết lý đạo Phật được thể hiện tinh hoa, bài "Khana" (Sát na): “Chưa kịp lời cầu Kinh - Con chim sâu - Vội chuyển sang càng khác”.

 

Nhà thơ đồng thời là dịch giả Maja Thrane nói rằng, việc tuyển chọn dựa trên hơn 14 tuyển tập thơ đặc sắc của Mai Văn Phấn là công việc tốn nhiều thời gian và không dễ dàng. Maja Thrane đã cố gắng lựa chọn những bài thơ có nội dung và sắc thái đồng điệu với tâm lý và cảm xúc người Thụy điển, đồng thời cũng mang được những nét độc đáo của văn hóa Việt Nam, bởi trong thơ Mai Văn Phấn tràn đầy những ẩn ức, biểu tượng của lịch sử, tín ngưỡng và phong tục Á Đông. Chị kể về sự công phu khi dịch bài thơ ”Làng” của Mai Văn Phấn. Maja đã tìm hiểu nhiều tài liệu, trong đó có những trò chơi dân gian chỉ có ở VN như ”chơi chuyền”... Chị thổ lộ, dịch thơ Mai Văn Phấn quả là một thách thức nhưng rất thú vị.

 

Chị Alice Thorburn - người phụ trách Thơ của Thư viện luôn chăm chú ghi chép lại những ý kiến trong tọa đàm. Alice nhấn mạnh, chị say mê những câu thơ có cú pháp thơ bất ngờ trong "Höstens hastighet" (Nhịp Mùa Thu).

 

Đồng tọa đàm (panelist) Elias Hillström so sánh giữa hai nhà thơ Mai Văn Phấn và Ko-Un của Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng. Phải chăng nền tảng văn hóa, trong đó có phong tục tập quán của các nước châu Á láng giềng có những điểm gần nhau. Điều đó có thể so sánh với văn hóa châu Âu như Thụy điển với Na-Uy hay Đan Mạch với Phần Lan? Câu hỏi này xin nhường cho những nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa của Việt Nam chúng ta trả lời.

 

Trong số bạn đọc tham dự sự kiện tại Thư viện, tôi đã gặp chị Eva Lindskog, người gắn bó tha thiết với Việt Nam và hiểu biết văn hóa Việt Nam như đất mẹ, vì chị hiểu được ngôn ngữ và hiểu cặn kẽ các vấn đề chính trị xã hội, người đã sát cánh với nhân dân Việt Nam trong phong trào chống chiến tranh. Với cương vị Chủ tịch Ủy Ban Đoàn kết Việt Nam – Lào – Campuchia chị lăn lội tâm huyết trong chương trình chống chất độc màu da cam, bôn ba dọc đất nước hình chữ S để chụp ảnh, viết phóng sự, và đã mở 2 triển lãm ảnh tại cả Việt Nam và Thụy điển.

 

Thư viện thủ đô Stockholm thông báo trong hội thảo về thơ Ko-Un sẽ được tổ chức vào ngày mồng 5 tháng 3 sắp tới. Thơ Mai Văn Phấn cũng sẽ được đọc và dẫn trích, bình luận tại đây để các độc giả so sánh.

 

*

 

Để kết thúc lời giới thiệu ngắn này, tôi xin nói đôi dòng về Thư viện Stockholm. Thư viện thành phố nằm giữa thủ đô Stockholm của Vương quốc Thụy Điển. Đây là một kiến trúc nổi tiếng do kiến trúc sư Gunnar Asplund (1885 - 1940) thiết kế và đi vào hoạt động từ năm 1928. Dung tích ban đầu đủ chứa 200 000 cuốn sách. Tòa nhà như một khối hình học, theo phong cách tân cổ điển, giữa là hình ống tròn cao vút, các cổng hướng ra hai đại lộ lớn, hai bên là hai dãy nhà hình chữ nhật nối liền nhau thành một góc vuông. Mặt tiền tòa nhà lát gạch trát vôi, các đường biên trang trí các hình nổi với 294 bức tranh biểu tượng cho 294 tồng thể các chủ đề của Thư viện. Thềm mặt sau Thư viện gắn liền với khu đồi cây xanh, có đầm nước, thác nước, đường đi dạo. Bậc thang Himlatrappan dẫn lên sản chính (Rotundan) được gọi là ”cầu thang con lừa” vì bản rộng, khiến ai đó bước lên vào Thư viện sẽ có cảm giác oai nghiêm, bay bổng trươc khi bước vào cổng chùa. Đây là Ngôi chùa Kiến thức, bầy tỏ sự tôn kính và lòng đam mê đọc sách.

 

Nội thất bên trong tòa nhà thư viện cũng rất độc đáo, các hình vẽ mô típ trường ca Homeros Iliat-xê, các tranh trát vữa trên tường của họa sĩ Ivar Johnsson và tranh nghệ thuật của các danh họa nổi tiếng của Thụy điển, các tác phẩm điêu khắc tinh tế, thảm tường dệt, các giá kệ sách cao hình vòng cung, các cửa sổ lớn để ánh sáng tràn vào phòng đọc, gây cảm giác thoáng rộng, bàn ghế bằng da gỗ quý đi đôi với những phòng sách chuyên môn thiết kế hiện đại, các bàn mượn sách tự động, trật tự và quy củ. Phòng đọc sách cho thiếu nhi trang trí màu sắc sinh động, như lạc vào thế giới thần tiên.

 

Tại đây có hơn 410.000 đầu sách văn học, kỹ thuật mọi lĩnh vực chuyên khảo và có cả phân khoa sách nói (đọc), ngoại văn của hơn 100 ngôn ngữ quốc tế, có cả tiếng Việt. Hàng ngày có tới 2.500 người đến đọc sách, tra khảo nghiên cứu. Ngoài ra còn có các hoạt động diễn đàn, khóa chuyên đề, đi thăm, tham khảo của các nhà văn. Trên giá sách hạng mục Thơ Lyrik tôi có thấy hai cuốn sách Till Igår (Cho đến ngày hôm qua) của 12 tác giả thơ Việt Nam đương đại và tuyển tập Höstens Hastighet (Nhịp Mùa Thu) của nhà thơ Mai Văn Phấn, nhà Xuất bản Tranan ấn hành.

 

Tại gian Thơ Poesibazaren trong gian Sách Bibliotekets Bokbazar trưng bày các tác phẩm thơ mới ra lò và tại đây cũng diễn ra chương trình đọc, tìm hiểu thơ, đàm đạo với tác giả. Thư viện có tên Tranströmer thường tổ chức các chương trình thơ dạng văn xuôi mới với các nhà xuất bản nhỏ. Vào dãy trong có thể mượn sách thơ tất cả các thể loại.

 

Gian trưng bày sách và thơ Bok- och Poeisbazaren được bắt đầu từ năm 2010 với sự hỗ trợ của Hội đồng Nghệ thuật và Viện Hàn lâm Thụy điển. Từ khi khởi xướng đã có hàng trăm chương trình được tổ chức cho các nhà xuất bản và giới chuyên môn, người am đọc. Từ tháng 3 năm 2016 liên tục có các chuyên đề về thơ ca gắn liền với ngày Thi ca Thế giới 21 tháng 3 hàng năm.

 

Thơ ca là một loại hình nghệ thuật đủ các dạng, phong cách và thay đổi không ngừng. Ở Thư viện thành phố, người đọc có thể tìm thấy các tác phẩm thơ ca hiện đại nhất, trường phái tân cổ điển, thể nghiệm, cách tân, truyền thống.

 

Stockholm 28-2-2018

D.H.M

 

 

 

 

  

 

 


 


Alice Thorburn đọc thơ MVP

 

 









BÀI KHÁC
1 2 3 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị