Mai Văn Phấn và giải thơ Cikada (tin thơ) - Nông Hồng Diệu

Mai Văn Phấn và giải thơ Cikada

 

 

 

 


Nhà văn Nông Hồng Diệu

 

 

 

 

TP - Sau Ý Nhi lại đến Mai Văn Phấn được trao giải thưởng văn học Cikada của Thụy Điển. Đây là một giải thưởng uy tín, nhiều nhà thơ từng nhận giải Cikada cũng đã được đề cử giải Nobel văn học. Những ngày này, nhà thơ Mai Văn Phấn không giấu được niềm vui.

 

Bạn văn chương trong nước cũng mừng cho anh, có người nửa đùa, nửa thật: Thế là từ nay khỏi phải tranh mấy giải thưởng văn chương trong nước. Ta đã “đem chuông đi đánh xứ người” được rồi.

 

Thơ đang phân hóa độc giả?

 

Nhà văn Bảo Ninh thú nhận: Thơ Mai Văn Phấn thì anh không thể bình luận gì vì ít biết. Thơ Ý Nhi thì có biết, vì có quen từ trước, có đọc từ trước. Tác giả “Nỗi buồn chiến tranh” không ngạc nhiên khi thơ Việt đang từng bước khẳng định mình ở ngoài biên giới, bởi: “Thơ bao giờ chả mạnh, đất nước mình là đất nước của thơ ca mà”.

 

Bảo Ninh lí giải vì sao anh ít đọc Mai Văn Phấn: “Kiểu đọc thơ của tôi cũ. Tôi hiểu được thơ các cụ như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… sau này đến Thơ Mới, thơ Tố Hữu…”. Ngay  thơ Trúc Thông với Bảo Ninh cũng  khó hiểu: “Tôi là người đơn giản. Đọc thơ kiểu tôi là kiểu học trò, thơ mà thâm sâu quá, mới quá thì không với được. Giống như xem tranh Picasso với tôi là khó, hỏi tuyệt vời ở chỗ nào thì tôi chịu”.

 

Chắc cũng có nhiều độc giả giống Bảo Ninh, nhận mình đơn giản để đọc những bài thơ giản đơn. Nhưng họ không giản đơn kiểu Bảo Ninh, có thể hiểu Truyện Kiều với 3.254 câu lục bát viết bằng chữ Nôm, cùng vô vàn những điển tích, điển cố bắt buộc người đọc cẩn thận phải vừa đọc, vừa tra từ điển. Bạn đọc thời nay đơn giản theo đúng nghĩa.

 

Có một dạo đi đến đâu cũng thấy người ta đọc: “Anh ngủ thêm đi anh/ Em phải dậy lấy chồng/ Mùa thu vừa rụng lá/ Lòng em đã sang đông”. Những kiểu thơ như Nồng Nàn Phố giờ khá nhiều và ăn khách, không khác nào sự thịnh vượng của bolero trong âm nhạc.

Trao đổi với chủ nhân của giải Cikada năm nay, thi sĩ Mai Văn Phấn nói: “Tôi thấy xã hội Việt Nam tiến triển tới một tự do trong nhận thức, trong thẩm mỹ. Do vậy mà khá gần với những nước văn minh. Tôi và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng sang Hàn Quốc đọc thơ. Họ bỏ ra chi phí lớn “bao” 12 nhà thơ Châu Á ăn, ở sang trọng chỉ để tổ chức 5 buổi đọc thơ, mỗi buổi đọc thơ có không quá 100 khán giả.

 

Đó là những bạn đọc tinh tuyển”. Nhà thơ Mai Văn Phấn cho rằng, thơ Việt đang có sự phân hóa mạnh: “Độc giả yêu thơ ngày nay có nhiều cung bậc. Đã qua thời ai ai cũng thuộc một câu thơ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”… Chẳng hạn, hỏi một người  thích thơ Trần Huy Tản xem có thích thơ Mai Văn Phấn không thì đương nhiên họ không thích.

 

Đây là tín hiệu đáng mừng của đời sống văn học. Nếu đưa cho bạn đọc một tờ phiếu để lấy tín nhiệm sẽ thấy độc giả thơ ca phân hóa lắm, không thể nói chính xác được”. Chủ nhân giải Cikada năm nay khẳng định: Bạn đọc trẻ ở Việt Nam đọc anh nhiều, nhất là sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh. Trước câu hỏi: “Anh có định chinh phục bạn đọc bình dân bằng thể thơ quen thuộc như lục bát?”, Mai Văn Phấn đáp: “Tôi chỉ khám phá tận cùng thế giới thơ tôi. Tôi không có ý định chinh phục ai cả”.

 

Lịch sự như…Cikada

 

Mặc dù đang rất vui vẻ nhưng nhà thơ Mai Văn Phấn chưa muốn phát biểu gì nhiều, bởi anh đang đợi thông cáo báo chí của giải thưởng Cikada. Có lẽ không giải thưởng nào ở ta, người nhận giải lại được viết thư hỏi: Có đồng ý nhận giải hay không? Ở giải thưởng Cikada, ban tổ chức đã làm điều ấy. Bức thư của vị Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cikada gửi Mai Văn Phấn có nội dung như sau: “Chúng tôi hân hạnh thông báo với ông, Ban giám khảo giải Cikada đã quyết định trao giải Cikada (2017) năm nay cho ông. Chúng tôi dự định tổ chức lễ trao giải vào tháng 11 năm nay, nếu ông đồng ý nhận giải thưởng. Ban giám khảo sẽ sớm gửi thông tin này cho báo chí, nhưng chúng tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu ông biết trước”. Nếu ở Việt Nam các giải thưởng nghệ thuật cũng lịch sử và kín kẽ như Cikada thì đã ít có chuyện nhà văn từ chối giải thưởng văn chương, nhiếp ảnh gia trả lại giải thưởng nhiếp ảnh om sòm trên các phương tiện truyền thông.

 

Mai Văn Phấn tiết lộ anh vừa kết thúc hợp đồng với một nhà xuất bản ở Anh vì mắc chuyện bản quyền: “Mỗi lần có nhà xuất bản nào muốn dịch lại phải xin phép họ, phải thương lượng lợi nhuận”. Nhưng từ khi anh kết thúc hợp đồng với nhà xuất bản ở Anh thì lại có thêm một số nhà xuất bản ở các nước dịch thơ Mai Văn Phấn. Cũng có thể sau giải Cikada, thơ Mai Văn Phấn sẽ bán chạy hơn trên Amazon.

 

Nhưng Mai Văn Phấn tâm sự, anh không định biến thơ thành hàng hóa: “Tôi muốn khẳng định rõ ràng một phong cách thơ Việt hiện đại hay nói rộng hơn, Việt Nam cần có một khuynh hướng thơ Việt hiện đại”. Tuy không rành thơ Mai Văn Phấn nhưng nhà văn Bảo Ninh đánh giá: “Những người như Mai Văn Phấn ít nhất là dũng cảm. Còn chuyện người ta có thích thơ Mai Văn Phấn hay không lại là câu chuyện khác. Nhưng ở ta, chán nhất là nhiều ông chẳng đọc gì cứ thấy mới là dị ứng”.

 

N.H.D

 

 

 

(Nguồn: Báo Tiền Phong)






Tác phẩm của nghệ nhân Gunilla Sundström, Thụy Điển







 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị