Vẻ đẹp thơ Hồ Xuân Hương qua góc nhìn của Mai Ngọc Phát (phê bình) - Tuệ Mỹ

Vẻ đẹp thơ Hồ Xuân Hương qua góc nhìn của Mai Ngọc Phát

 

Giọng đọc của Mai Hương trên Youtube

 

 

Tác giả Tuệ Mỹ

 

 

Sách in lần thứ hai, tái bản có sửa chữ và bổ sung

 

 

Tuệ Mỹ

 

 

Ngay từ tựa đề cuốn sách “Hồ Xuân Hương - tài năng và bí ẩn”, tác giả Mai Ngọc Phát đã quyến dụ người đọc bước vào không gian nghiên cứu phê bình văn học của riêng ông, cùng thưởng lãm vẻ đẹp thi giới “bí ẩn” của nữ sĩ tài năng họ Hồ. Lâu đài thơ của Hồ Xuân Hương, một nhà thơ sống cách ta hơn hai thế kỷ, luôn mở rộng cửa đón bất kỳ ai mang lòng yêu mến muốn khám phá thơ bà. Đã có bao thế hệ phê bình văn học bước vào đó, để lại nhiều công trình nghiên cứu, phê bình, khảo cứu có giá trị. Mai Ngọc Phát, vốn là nhà nghiên cứu văn hóa và tiền cổ Việt Nam, nhưng ông đã dành nhiều năm nghiên cứu, chiêm nghiệm thế giới thơ Hồ Xuân Hương bằng cách cảm nhận của riêng ông. Lối đi riêng ấy chính là cảm nhận trực giác, giúp ông viết về vẻ đẹp thơ Hồ Xuân Hương bằng chính những trải nghiệm cá nhân, soi chiếu, liên thông từ đời sống của ông, bằng cả sự linh cảm mang nhiều vẻ bí ẩn.

 

Với 10 bài viết (trừ bài giới thiệu thân thế và sự nghiệp Hồ Xuân Hương) trong 124 trang sách, cuốn sách của Mai Ngọc Phát đã bổ sung cho bạn đọc nhiều kiến thức giá trị cùng những cảm nhận tinh tế, sâu sắc về thơ Hồ Xuân Hương. Có thể bạn đọc gặp lại trên từng trang viết của Mai Ngọc Phát những điều mình đã biết, đã đọc về thơ của nữ sĩ họ Hồ, nhưng sẽ ngỡ ngàng trước các góc nhìn độc đáo, có phần lạ lẫm và riêng biệt của tác giả cuốn sách này. Có điều dễ nhận thấy, Mai Ngọc Phát tuy nắm vững các khuynh hướng và thủ pháp phê bình, nhưng ông không quá lệ thuộc vào hệ thống lý thuyết khô cứng. Trực cảm riêng của Mai Ngọc Phát chính là những phát hiện mới mẻ, những nhận xét độc đáo, khác biệt, không lặp lại bước chân những người đi trước. Những đánh giá, thẩm định của ông cho thấy kết quả của quá trình tích lũy vốn sống, kiến văn sâu rộng và cả quan điểm thẩm mỹ độc lập. Do vậy, những kiến giải, thẩm định về thơ Hồ Xuân Hương của Mai Ngọc Phát được thể hiện chặt chẽ, khoa học và có sức thuyết phục cao.

 

Mai Ngọc Phát đã khảo cứu hai hình mẫu thơ Hồ Xuân Hương, thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm. Điểm xuyết sự nghiệp thơ Hồ Xuân Hương, ông đã chọn những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách của bà để tạo nên những điểm nhấn, dấu mốc, giúp bạn đọc hình dung được tầm vóc tác giả và chiều kích không gian nghệ thuật. Xin được điểm danh các bài phê bình trong cuốn sách để thấy tác giả đã thắp lên những điểm sáng giúp bạn đọc hình dung diện mạo thơ của bà: “Từ thơ chữ Hán đến thơ chữ Nôm”, “Những mẫu gốc ám gợi trong thơ chữ Nôm Hồ Xuân Hương”, “Biểu đạt âm thanh trong thơ Hồ Xuân Hương”, “Hình tượng “Cỏ” trong thơ Hồ Xuân Hương”, “Cảnh vật phát sáng nơi “Động Phật thâm u””, “Nỗi cô đơn vô vọng trong “Nỗi niềm gối lẻ””, ““Tấm lòng son” trong “Bánh trôi nước””, ““Đá Ông chồng Bà chồng”, một biểu tượng phồn thực” và “Bài thơ “Mời trầu” hay chuyện tình giả tưởng của Hồ Xuân Hương”. Qua các bài phê bình này, vẻ đẹp thơ Hồ Xuân Hương được hiển lộ rất tinh tế và sinh động dưới góc nhìn độc đáo, rất riêng của Mai Ngọc Phát.

 

Trong bài viết “Hình tượng “Cỏ” trong thơ Hồ Xuân Hương”, Mai Ngọc Phát đã dùng thủ pháp so sánh đối chiếu với “cỏ” trong thơ của các nhà thơ cùng thời để làm nổi bật vẻ đẹp riêng biệt của hình tượng “cỏ” trong thơ bà. Sau khi so chiếu đối sánh: “Cỏ thấm đẫm nhân thế của Nguyễn Trãi, cỏ phản ánh và soi chiếu nhân gian của Nguyễn Du, cỏ ai oán thân phận của Nguyễn Gia Thiều hay cỏ man mác u hoài của Bà Huyện Thanh Quan”, Mai Ngọc Phát đã đúc kết: “Trong thơ Hồ Xuân Hương, hình tượng “cỏ” hay nhân vật “cỏ” đã hiện ra với đầy đủ danh phận, chủ động trong hành động… Hình ảnh “cỏ thắm xuân” và “cỏ cũ lặng nhìn” cho thấy diện mạo đầy đủ của một kẻ sáng tạo luôn tự tin trong tư thế “chủ nhân” đứng ngang hàng, bình đẳng với mọi thành tố trong xã hội và thiên nhiên, bất chấp hoàn cảnh”. Với nhận xét trên, Mai Ngọc Phát khẳng định “cỏ” trong thơ Hồ Xuân Hương không mang màu buồn, không trĩu nặng màu nhân thế, nhân tình như “cỏ” trong thơ các nhà thơ trung đại, mà bà đã khoác lên nó một “diện mạo” mới, một “tư thế” của con người đầy khí phách, bản lĩnh. Cảm nhận về ý nghĩa của “cỏ” như thế, còn nghệ thuật thể hiện “cỏ” của nữ sĩ thì sao? Tác giả viết:“Đọc đến thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương, ta thấy hình ảnh “cỏ” mới thực sự độc đáo, thông qua biệt tài tạo nghĩa táo bạo, đậm chất phong tình”. Đọc nhiều bài phê bình về thơ Hồ Xuân Hương, tôi ít thấy bài viết về “cỏ” tinh tế, kỹ lưỡng như Mai Ngọc Phát.

 

Tôi rất thích lối viết phê bình bằng cách ví von “Đối chiếu với hệ hình thẩm mỹ thơ trung đại Việt Nam cho thấy hình tượng “cỏ” trong thơ Hồ Xuân Hương là những mũi khoan sắc bén, mạnh mẽ, đâm thủng mọi lớp tường ngăn cách của thời gian, xuyên vượt những quan niệm thẩm mỹ đương thời và cả bây giờ”. “Những mũi khoan sắc bén” mà Mai Ngọc Phát dùng để so sánh với hình tượng “cỏ” trong thơ Hồ Xuân Hương vừa phù hợp trong trường liên tưởng vừa sắc bén, gây ấn tượng mạnh cho người đọc về hình tượng “cỏ” trong hệ hình thẩm mỹ của bà.

 

Viết về nghệ thuật biểu đạt âm thanh trong thơ Hồ Xuân Hương, các cây bút phê bình văn học thường khai thác hệ thống từ tượng thanh. Mai Ngọc Phát cũng vin vào loại từ này nhưng ông còn phát hiện nhiều nét độc đáo khác trong nghệ thuật tạo âm thanh của thơ bà. “khái niệm âm thanh trong bài viết nhỏ này không đơn thuần đề cập đến những từ tượng thanh trong thơ Hồ Xuân Hương mà khảo sát một phần hệ thống ngôn ngữ, những hình tượng thơ phát ra âm thanh tiếng động trong tâm thức thính giác người đọc” (tr 38). Theo ông, cách biểu đạt âm thanh của Hồ Xuân Hương khác với các nhà thơ cùng thời với bà “đa số các nhà thơ tránh lối diễn tả âm thanh trực tiếp mà thăng hoa, biến tấu qua bàn tay của những “phù thủy ngôn ngữ”. Còn với Hồ Xuân Hương, bà “có cách biểu đạt âm thanh trực tiếp chứ không thông qua bất kỳ “phim lọc” ngôn ngữ hay mượn lối nói ví von, uyển ngữ, nhã ngữ nào. Âm thanh của đời sống sinh động muôn vẻ thường được vang vọng trực tiếp vào từng câu thơ của bà. Tôi tạm gọi đây là những âm thanh “nguyên thủy” được nhà thơ chắt lọc từ đời sống, từ thiên nhiên, vũ trụ” (tr38). Để minh họa cách biểu đạt âm thanh trực tiếp của nữ sĩ, Mai Ngọc Phát viện dẫn và phân tích hàng loạt những câu thơ của bà có cùng tín hiệu này. Tôi tâm đắc nhất đoạn viết sau: “Ta hãy lắng nghe âm thanh của tiếng mõ, tiếng chuông bất ngờ vang lên trong bài thơ “Tự tình” của bà: Mõ thảm không khua mà cũng cốc/ Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om”. Tiếng “cốc” và “om” quả thực rất tài tình và bất ngờ. Nhất là tiếng “cốc” vang lên đột ngột, lạ lẫm, đầy thách thức đã làm người đọc giật mình, phá vỡ quy luật của cảm xúc. Điều kỳ lạ ở đây là tiếng “cốc” vang ra từ “mõ thảm” mà trước đó không ai động vào chiếc mõ. Lối viết ma mị này rất ít thấy trong thơ trung đại ở nước ta”. Thực ra, tôi cũng đọc nhiều lần bài thơ “Tự tình” của Hồ Xuân Hương nhưng ít chú ý đến hai từ “cốc” và “om”. Đọc lời bình này của Mai Ngọc Phát, tôi thật sự ngạc nhiên, nhận ra chính hàng loạt từ ngữ, như “bất ngờ”, “đột ngột”, “lạ lẫm”, “thách thức” tuôn ra từ ngọn bút Mai Ngọc Phát đã mang âm thanh tiếng chuông, tiếng mõ trong thơ Hồ Xuân Hương va đập vào trái tim tôi. Ông đã biết truyền tải âm thanh “nguyên thủy” trong thơ của Hồ Xuân Hương đến với người đọc bằng lối viết cũng rất linh hoạt, ma mị.

 

Mai Ngọc Phát còn phát hiện Hồ Xuân Hương biểu đạt âm thanh bằng những “Hình ảnh táo bạo lạ lùng”. Qua viện dẫn “Người quen cửa Phật chen chân xọc” (Chùa Hương Tích), “Tên sẵn bút để dường chĩnh chện/ Trống mang dùi cắp đã phanh phanh” (Duyên kỳ ngộ). Ông cảm nhận động từ “xọc” và tính từ “phanh phanh” như sau: “Nó táo tợn đến mức người đọc cảm nhận nhà thơ đã bóc lớp vỏ từ ngữ đến trần trụi, làm cho nghĩa của động từ, tính từ phát ra âm thanh rất kỳ lạ và sống động”. Cảm nhận về thơ Hồ Xuân Hương mà dùng các từ “táo bạo”, “táo tợn”, “lạ lùng” cũng không phải mới lạ. Cái mới lạ ở chỗ người bình đã nghe được âm thanh “kỳ lạ và sống động” phát ra từ những động từ, tính từ đã được Hồ Xuân Hương bóc lớp vỏ đến “trần trụi”.

 

Trong bài viết “Những mẫu gốc ám gợi trong thơ chữ Nôm Hồ Xuân Hương”, Mai Ngọc Phát cũng hé lộ góc nhìn rất riêng khi khảo cứu những mẫu gốc đó. Ông viết “khảo cứu tác phẩm từ góc nhìn mẫu gốc là cách người đọc quan sát tác phẩm từ bên ngoài, khác với cách đọc nhập tâm/thần, hóa thân vào tác phẩm như trước đây” (tr 26).Với góc nhìn này ông cho rằng “Tín ngưỡng phồn thực chính là căn nguyên làm hiển lộ những mẫu gốc trong thơ Hồ Xuân Hương” (tr 28), “Tín ngưỡng ấy làm nên hồn cốt những câu thơ bà viết về thiên nhiên sinh động và tinh nghịch”. Tìm trong thơ Nôm của bà, ông thấy hiển thị nhiều mẫu gốc nhưng ông chú ý đến hai mẫu gốc cơ bản, nổi bật là thiên nhiên Bắc Bộ và phụ nữ miền Bắc xưa kia. Và đây là nhận định của ông “hai mẫu gốc này tựa hai cây cột cái chống đỡ ngôi nhà thơ kiên cố và rộng lớn của Hồ Xuân Hương. Chúng thường hoán chuyển ngữ nghĩa cho nhau, ám gợi tín ngưỡng phồn thực, làm nên một thi giới độc đáo có một không hai không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới”. Những kết luận trên xem ra không phải là “những ý kiến nhỏ về thơ Hồ Xuân Hương” như lời ông khiêm nhường đã nói, bởi, nó phải đánh đổi bằng công sức “tôi đã đọc nhiều sách vở, khảo cứu khá nhiều chuyên luận, nhiều bài thơ Hồ Xuân Hương”.

 

Minh chứng về những ám gợi phồn thực bắt nguồn từ hai mẫu gốc nói trên, Mai Ngọc Phát dừng lại lâu, phân tích sâu hai bài thơ chữ Nôm là “Đá Ông chồng Bà chồng” và “Bánh trôi nước”. Đây là những nhận xét của ông về bài thơ “Đá Ông chồng, Bà chồng”: “Hồ Xuân Hương đã sử dụng thủ pháp tính dục rất tài tình”,… “Hồ Xuân Hương đã diễn tả  đầy đủ và sống động “trò chơi của tạo hóa” trong một không gian ước định, nơi có hai phiến đá chồng lên nhau. Bài thơ cho bạn đọc cảm nhận có hai tầng không gian và thời gian, trong đó nhân vật “Ông Chồng” xếp trên “Bà Chồng” được đặt vào lớp không gian bên trong gọi là cõi tạm. Còn lớp thời gian bên ngoài là của vũ trụ vĩnh cửu, không gian vô tận” (tr 76). Những câu thơ trong bài thơ “Đá Ông Chồng Bà Chồng” như “Tầng trên tuyết điểm phơ đầu bạc/ Thớt dưới sương pha đượm má hồng” thường gợi cho người đọc liên tưởng đến hoạt động tính giao nam nữ. Mai Ngọc Phát cũng không thoát ngoài liên tưởng ấy. Bằng chứng là ông đã đi sâu phân tích những biểu tượng phồn thực trong bài thơ như “Những cặp phạm trù này chủ yếu diễn tả hoạt động giao hoan của trai gái, lúc gần, lúc xa, trực tiếp rồi gián tiếp”. Nhưng trực giác của ông cho rằng “trò chơi tạo hóa” đó được đặt trong “hai tầng không gian và thời gian”: Không gian của cõi tạm và thời gian của vũ trụ vĩnh cửu.

 

Với bài thơ “Bánh trôi nước”, Mai Ngọc Phát có cái nhìn rất độc đáo: “Tôi sẽ không bình giải dựa theo câu chữ bố cục, xuất xứ của bài thơ mà chỉ thiên về những ẩn ức, cảm nhận trực giác mà tác phẩm mang lại”. Trực giác của ông đã mang lại những cảm nhận: “Bà viết nhiều câu thơ thấm đẫm tính dục, nghe có phần thô dã, nhưng phía sau những hình ảnh gợi/ nhạy cảm ấy luôn là tấm lòng ngay thẳng, chân thành của một thi sĩ tài năng, lênh đênh bạc mệnh”. Ông dừng lại phân tích kỹ những câu thơ, hình ảnh thơ “thấm đẫm tính dục” đó. Tôi chú ý đặc biệt đến lời bình của ông về hình ảnh “tay kẻ nặn” như sau: “Hình dáng của “tay kẻ nặn” trong bài thơ dù chỉ thoáng qua nhưng đó là “kẻ” đã tạo ra phông nền, hoàn cảnh xã hội thời nữ sĩ đã sống. Bạn đọc có thể hình dung “kẻ” ấy là một cá nhân có danh phận hay một kẻ quyền thế ăn trên ngồi trốc, mũ cao áo dài, hay một kẻ lừa đảo, dị hợm và cũng có thể một người đàn ông vô tình nào đó trong xã hội “trọng nam khinh nữ”. Và kẻ ấy cũng là đại diện cho thế lực nắm quyền bính thời bấy giờ” (tr 69, 70). Tôi cũng đã đọc nhiều bài phê bình về bài thơ “Bánh trôi nước” nhưng thấy đa số khi phân tích câu thơ “Rắn nát mặc dù tay kẻ nặn”, người viết thường nghiêng về khai thác cụm từ “rắn nát” còn “tay kẻ nặn” thì lờ đi hoặc có nói đến cũng mờ nhạt. Ở đây, Mai Ngọc phát lại xoáy ngòi bút của mình vào “tay kẻ nặn” và làm “đậm” nhân vật ấy bằng những lời bình sắc lẻm, sâu cay. Rõ ràng, ông đã bổ sung thêm một góc nhìn mới mẻ về một hình tượng thơ trong bài thơ này. Đặc biệt hình ảnh “tấm lòng son” ở câu kết của bài thơ qua cái nhìn của ông cũng trở nên mới lạ “Hình ảnh “tấm lòng son” hiện ra trong câu cuối đã đưa bài thơ sang bờ bến của nhân tính, lòng vị tha cao cả. Nó xóa nhòa mọi ấn tượng về tính dục “tay kẻ nặn” trước đó”. “Biểu tượng “tấm lòng son” của Hồ Xuân Hương đã làm cho  những “tấn trò đời” phía bên kia ranh giới bị đẩy lùi, lu mờ trong tâm thức bạn đọc”.

 

Đến với bài thơ viết về đề tài Phật giáo “Động Phật thâm u” của Hồ Xuân hương, trực giác đã giúp Mai Ngọc Phát phát hiện “Cảnh vật phát sáng” nơi động thiền. Người đọc thật sự thú vị với sự khám phá mới mẻ của ông về bài thơ này “Bức tranh lụa khổ lớn được Hồ Xuân Hương hoàn tất bằng những câu thơ mang vẻ đẹp mơ màng, tinh tế”,… “Cũng chính sự xuất hiện mờ nhòe ấy đã làm cho khung cảnh thấm đẫm màu sắc huyền thoại biến một địa danh trên đất nước ta thành vùng đất linh thánh”,… “Ngoại cảnh nơi cửa động đã được Hồ Xuân Hương làm cho phát sáng, soi chiếu tận đáy sâu tâm thức người đọc để mỗi người hình dung một động Phật của riêng mình”. Theo Mai Ngọc Phát thì đây là bài thơ vịnh cảnh một ngôi chùa ở Đồ Sơn, nơi Hồ Xuân Hương từng đến để tham thiền. Có thể ông cũng chưa từng đến nơi này. Nhưng bằng sự liên tưởng phong phú, dựa vào lớp ngôn từ đa nghĩa và sinh động của bài thơ, Mai Ngọc Phát đã cảm nhận cảnh vật nơi đây “phát sáng”, “đẫm sắc màu huyền thoại”, “một vùng đất linh thánh”... Điều này cho thấy tâm người bình thấm đẫm màu thiền, am hiểu sâu sắc Phật pháp cùng năng lực thẩm thơ tinh tế, độc đáo.  

 

Về thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương, Mai Ngọc Phát cũng đã dành những trang viết sâu sắc, bao quát. Ông đã nhìn thấy một chân dung thi sĩ “khác”, như hai sắc diện trong một bản thể thơ Hồ Xuân Hương: “Thơ chữ Hán của bà lại cho ta thấy một khía cạnh khác trong bức chân dung tinh thần của bà. Ở đó ta gặp một Hồ Xuân Hương đằm thắm, trữ tình, khiêm cung và hồn hậu”. Tôi thật bất ngờ và vô cùng hứng thú về nhận xét này của ông. Bởi từ trước đến giờ, nghĩ về Hồ Xuân Hương, trong tâm trí tôi chỉ hiện lên một người phụ nữ tinh quái, đáo để… qua  những bài thơ Nôm của bà. Mai Ngọc Phát giúp tôi có cái nhìn toàn diện hơn về Hồ Xuân Hương khi ông khảo cứu chân dung bà qua thơ chữ Hán. Hành trình nghiên cứu thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm Hồ Xuân Hương đã cho ông kết luận: “Thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương tựa hai tính cách “Nhu” và “Cương” cùng tồn tại song hành trong một con người”. Đó là chân dung Hồ Xuân Hương được hoàn thiện qua góc nhìn của tác giả cuốn sách.

 

Trong Lời thưa cuốn sách Mai Ngọc Phát đã tự bạch: Đương lúc trầm cảm gần như bi phẫn, tôi vô tình được một người bạn tặng cho một cuốn vở chép tay những bài thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương”, và, “Thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương thực sự đã soi sáng tâm trí, thay đổi tâm trạng tôi. Bà làm tôi bừng tĩnh, bình tĩnh và kiên nhẫn vượt qua cơn “bĩ cực”” (tr 6). Tâm sự trên cho tôi hiểu, nhờ tình yêu thơ Hồ Xuân Hương, ông đã tìm được sức mạnh vượt qua cơn sang chấn tinh thần bấy giờ, cũng như thấy được vẻ đẹp đời sống qua ngôn ngữ thi ca. Từ đây ông khẳng định:“Chính tình yêu bền bỉ và chân thành ấy đã cho tôi thêm năng lượng, làm giàu nhãn quan, thôi thúc tôi viết những dòng cảm nhận về thơ bà” (tr 7). “Tôi đến với thơ Hồ Xuân Hương như một định mệnh, một duyên lành”.  Vì “yêu” mà đến, vì “duyên lành” mà gặp gỡ thì đó mới chỉ là động cơ. Còn cơ sở để có một “công trình” nghiên cứu chất lượng, dĩ nhiên phải kể đến tài năng của người khám phá. “Tôi bỏ công nghiên cứu những lý thuyết văn học để nhận biết một cách có hệ thống những đóng góp lớn lao của bà vào kho tàng văn học nước nhà và thế giới” (tr 6). Những lời thổ lộ chân thành đó cho tôi hiểu cuốn sách “Hồ Xuân Hương - tài năng và bí ẩn” đến tay bạn đọc là kết quả của quá trình lao động sáng tạo nghiêm túc, bền bỉ và đam mê của Mai Ngọc Phát dành cho Hồ Xuân Hương.

 

Trên hành trình khám phá cái đẹp của thi ca, Mai Ngọc Phát đã được đền bù xứng đáng, tìm được chân dung Hồ Xuân Hương cho riêng mình. Thành quả của ông đã góp phần làm phong phú thêm kho tư liệu về thân thế và sự nghiệp Hồ Xuân Hương. Chắc hẳn Mai Ngọc Phát còn ấp ủ nhiều công trình nghiên cứu tiếp theo, nhưng thật tiếc ông đã sớm xa rời cõi tạm này. Nếu Mai Ngọc Phát xem cuốn sách là nén tâm hương kính dâng lên nữ sĩ tài năng Hồ Xuân Hương, thì bài viết nhỏ này của tôi cũng xin được coi như nén tâm hương tưởng nhớ tác giả Mai Ngọc Phát, nhà nghiên cứu mà tôi luôn trân trọng, yêu tin.

 

Bình Định, 02/2021

T.M

 

 

 

 

Sách in lần thứ hai, tái bản có sửa chữ và bổ sung

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị