Bài thơ “Con chào mào” trong sách Ngữ văn lớp 6 và sách dành cho giáo viên

NGỮ VĂN 6, TẬP MỘT

 

 

 

 

CON CHÀO MÀO

 

Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

Hót trên cây cao chót vót

triu… uýt… huýt… tu hìu…

 

Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

Sợ chim bay đi

 

Vừa vẽ xong nó cất cánh

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo

 

Trong vô tăm tích* tôi nghĩ

Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

Trái cây chín đỏ

Từng giọt nước

Thanh sạch của tôi

 

triu… uýt… huýt… tu hìu…

 

Chẳng cần chim lại bay về

Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ. 

 

____________

* Vô tăm tích: không có dấu vết nào (ghi chú của Ban Biên soạn).

 

(Mai Văn Phấn. Bầu trời không mái che,

NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010, tr. 26)

 

 

 

Sau khi đọc

TRẢ LỜI CÂU HỎI

 

1. Em có thể hình dung, tưởng tượng những hình ảnh gì khi đọc ba dòng thơ đầu?

2. Hãy nêu những ý nghĩ, cảm xúc của nhân vật “tôi” khi “vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ”.

3. Vì sao lúc đầu nhân vật “tôi” “sợ chim bay đi” nhưng kết thúc bài thơ lại khẳng định: Chẳng cần chim lại bay về/ Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ?

4. Dòng thơ nào được lặp lại trong bài thơ? Theo em, việc lặp lại như vậy có tác dụng gì?

5. Con chim chào mào bay đi rồi nhưng nhân vật “tôi” vẫn có thể “nghe rất rõ” tiếng chim hót. Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) miêu tả một hình ảnh thiên nhiên được em lưu giữ trong ký ức.

 

 

 

 

NGỮ VĂN 6 – SÁCH GIÁO VIÊN (trích)

 

BAN BIÊN SOẠN:

Bùi Mạnh Hùng (Tổng Chủ biên),

Nguyễn Thị Ngân Hoa (Chủ biên)

Nguyễn Linh Chi, Nguyễn Thị Mai Liên, Lê Trà My,

Lê Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Nương, Nguyễn Thị Hải Phương

 

 

 

VĂN BẢN 3. CON CHÀO MÀO

(Mai Văn Phấn)

 

1. Phân tích yêu cầu cần đạt

 

- Mục tiêu chính của văn bản (VB) 3 là bổ sung, mở rộng chủ đề của bài học: Yêu thương, chia sẻ không chỉ là tinh cảm đẹp đẽ, quý giá giữa con người với con người mà còn là tình yêu, sự trân trọng, ý thức bảo vệ thiên nhiên,… của con người.

- Học sinh (HS) tiếp tục hình thành, phát triển năng lực đọc hiểu tác phẩm thơ (thể loại chính HS được học ở bài 2).

- HS biết yêu cái đẹp và có ý thức gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên.

 

Hoạt động 1 – Khởi Động

 

Trên lớp, để khơi gợi cảm hứng đọc của HS, giáo viên (GV) có thể yêu cầu một số em chia sẻ niềm yêu thích dành cho một con vật nuôi, một loài cây, loài hoa hoặc chim chóc, muông thú…

 

Hoạt động 2 – Đọc văn bản

 

GV chỉ định một vài HS đọc thành tiếng bài thơ.

 

Hoạt động 3 – Khám phá văn bản

 

Câu hỏi 1

 

Câu hỏi yêu cầu HS luyện tập một chiến lược đọc quen thuộc khi đọc hiểu VB thơ. GV có thể gợi ý HS hình dung về màu sắc, tiếng hót của con chim chào mào; tưởng tượng khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, bình yên được gợi ra từ hình ảnh “cây cao chót vót”…

 

Câu hỏi 2

 

- Câu hỏi yêu cầu HS bước đầu nhận biết được mạch cảm xúc trữ tình trong bài thơ và cảm nhận được tình yêu thực sự mà con người cần dành cho thiên nhiên. GV có thể hướng dẫn, gợi ý thông qua một số câu hỏi: Vì sao khi ngắm nhìn bộ lông rất đẹp và lắng nghe tiếng hót du dương của con chim chào mào, nhân vật “tôi’ lại vội vàng “vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ”? Nhân vật “tôi” mang theo khung nắng, khung giónhành cây xanh “hối hả đuổi theo” con chim chào mào để làm gì? Tại sao khi không còn thấy tăm tích của con chim chào mào, nhân vật “tôi” lại hình dung về những con sâu, trái cây chín đỏ, giọt nước thanh sạch?

 

- Dự kiến câu trả lời: Khi “vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ”, nhân vật “tôi” đã muốn “giam cầm” con chim chào mào – muốn “độc chiếm” cái đẹp của thiên nhiên. Khi “hối hả đuổi theo”, nhân vật “tôi” mang theo cả không gian đầy nắng, gió, cây xanh mong níu giữ con chim chào mào và tiếng hót. Nhưng khi không còn thấy tăm tích, nhân vật “tôi” đã hình dung con chim chào mào đang mổ những con sâu, trái cây chín đỏ, giọt nước thanh sạch “của tôi” – những món quà chuộc lỗi khi con người hiểu rằng, con chim chào mào mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, tự nhiên giữa thien nhiên,…

 

Câu hỏi 3

 

- GV hướng dẫn HS sử dụng một phần kết quả của câu hỏi 2; Khi “vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ”, nhân vật “tôi” lo sợ con chim mang tiếng hót bay đi mất. Từ đó, GV giúp HS kết nối mạch cảm xúc của bài thơ và cảm nhận ý nghĩa của hai dòng thơ cuối. Có thể tham khảo một số câu hỏi gợi ý: Tiếng hót mà nhân vật “tôi” nghe “rất rõ” đang vang lên từ đâu (trên cao chót vót hay trong tâm hồn)? Tiếng hót ấy cho thấy trạng thái cảm xúc nào của nhân vật “tôi” (vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ,…)? Vì sao nhân vật “tôi” có thể cảm thấy như vậy?...

 

- Dự kiến câu trả lời: Sự khẳng định của nhân vật “tôi” ở hai dòng thơ cuối thể hiện những thay đổi trong ý nghĩ, cảm xúc; trong tình yêu dành cho thiên nhiên. Chẳng cần con chim chào mào lại bay về, tiếng hót du dương vẫn vang lên trong tâm trí. Bởi vì, nhân vật “tôi” đã biết ứng xử với thiên nhiên bằng sự tôn trọng và tình yêu chứ không phải bằng “độc chiếm” hẹp hòi, ích kỷ. Tình yêu thương ấy khiến cho tâm hồn con người rộng mở, phong phú, tràn đầy niềm tin và sức sống,…

 

Câu hỏi 4

 

Câu hỏi định hướng HS tìm hiểu giá trị biểu hiện của một biện pháp nghệ thuật (dễ nhận biết) trong VB, GV yêu cầu HS xác định dòng thơ được lặp lại; có thể hướng dẫn bằng câu hỏi gợi ý: Dòng thơ được lặp lại miêu tả cái gì? Sự lặp lại như vậy giúp em nhận biết điều đó như thế nào? (Có thể liên hệ với biện pháp tu từ, điệp ngữ trong các VB ở bài học số 1: Nếu cậu muốn có một người bạn… Và Bắt nạt….)

nhân vật “tôi”

 

Câu hỏi 5

 

Câu hỏi mở nên HS tự chọn đề tài với yêu cầu chung: hình ảnh thiên nhiên đẹp và việc lưu giữ nó trong tâm trí khiến em cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. HS có thể viết đoạn văn trên lớp hoặc ở nhà.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị