Dạy học theo hướng phát triển năng lực đọc hiểu cho học sinh từ trường hợp bài thơ “Thuốc đắng” của Mai Văn Phấn (Nghiên cứu lí luận). Lê Hải Anh, Chu Thị Thuỷ ​

Dạy học theo hướng phát triển năng lực đọc hiểu cho học sinh từ trường hợp bài thơ “Thuốc đắng” của Mai Văn Phấn

 

 

 

Lê Hải Anh[1], Chu Thị Thuỷ[2]

 

TÓM TẮT: Năng lực đọc hiểu văn bản là nền tảng trong các năng lực văn học nói chung. Đây là vấn đề đã được nghiên cứu nhiều nhưng nó vẫn còn cần được nhìn nhận sâu và kĩ hơn nữa. Bám sát mục tiêu phát triển năng lực của chương trình giáo dục tổng thể năm 2018, chúng tôi đề xuất một phương pháp đọc hiểu ở một trường hợp lựa chọn là ngữ liệu mở. Chúng tôi chọn một văn bản không có trong chương trình và sách giáo khoa hiện hành: Bài thơ “Thuốc đắng” của tác giả Mai Văn Phấn để tiến hành thực nghiệm vì đây là một văn bản đáp ứng được những tiêu chí mà nghiên cứu này đặt ra: hay, lạ, nhiều cơ hội khai thác để tiệm cận hướng phát triển năng lực nhưng vẫn vừa sức học sinh.

 

1. Đặt vấn đề

 

Vấn đề phát triển năng lực văn học cho học sinh (HS) thông qua hoạt động đọc hiểu văn bản văn học đã được đặt ra từ nhiều năm. Các nhà giáo dục (GD), các nhà quản lí, giáo viên (GV), HS đều hiểu được tầm quan trọng của năng lực đọc hiểu trong việc dạy học môn Ngữ văn. Tuy nhiên, quá trình dạy đọc hiểu cho HS chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Lí do chính là thay đổi chưa triệt để, chưa bài bản, chưa đi vào lõi của hoạt động. Đặt vấn đề dạy đọc hiểu văn bản văn học theo định hướng phát triển năng lực cho HS trong thời điểm hiện nay, chúng tôi muốn đề xuất cách thức thực hiện mới đối với một hoạt động GD quen thuộc. Thiết nghĩ, mọi vấn đề đều có thể có nhiều cách giải quyết, mục tiêu cuối cùng là hiệu quả trên HS như mong mỏi của tất cả những người làm GD. Trong xu hướng của chương trình (CT) sách giáo khoa (SGK) mới về độ mở của ngữ liệu, chúng tôi chọn một văn bản không có trong CT và SGK hiện hành, bài thơ “Thuốc đắng” của tác giả Mai Văn Phấn để tiến hành thực nghiệm vì đây là một văn bản: 1/ Đáp ứng được những tiêu chí mà nghiên cứu này đặt ra: hay, lạ, nhiều cơ hội khai thác để tiệm cận hướng phát triển năng lực; 2/ Vừa sức HS. Bài thơ “Thuốc đắng” phù hợp chọn dạy cho HS lớp 8 hoặc lớp 9. Hình thức, các tầng nghĩa và ngôn ngữ thơ đủ để HS lứa tuổi này tiếp nhận.

 

1. Nội dung nghiên cứu

 

2.1.Cơ sở lí luận và thực tiễn

 

2.1.1.Văn bản và lí thuyết tiếp nhận

 

Sự phát hiện ra văn bản là một sự kiện quan trọng trong nghiên cứu văn học đầu thế kỉ XX. Trong đó, điểm quan trọng nhất của lí thuyết về văn bản xác định ý nghĩa của tác phẩm văn học không phải là một cái gì đương nhiên, có sẵn trong văn bản. Như vậy, văn bản văn học luôn chỉ là sự khởi đầu của nghĩa. Bất cứ cách hiểu văn bản nào cũng là một sự diễn dịch được thực hiện một cách thiếu tự giác. Thiếu người đọc, văn bản chỉ là một hệ thống kí hiệu trên bản in. Hành động đọc biến văn bản thành tác phẩm. Tác phẩm văn học được hiểu như là một quá trình (một hiện tượng động), không nhất thành bất biến mà được mở rộng nghĩa hầu như vô tận nhờ người đọc. Đến đây, vai trò của tác giả đã chấm dứt, nhường chỗ cho sự đọc phong phú và đầy bất ngờ của độc giả. Nghĩa của tác phẩm được người đọc kiến tạo liên tục, vượt khỏi tầm kiểm soát của tác giả.

 

Người đọc trong tầm đón nhận của mình, bằng sự liên tưởng, tưởng tượng sẽ lấp đầy các, khoảng trắng trong văn bản, kiếm tìm các hàm ngôn, phát hiện những khả thể nghĩa, tìm ra logic của kết cấu và mối liên hệ chỉnh thể của các yếu tố trong văn bản. Vai trò của người đọc có tính quyết định trong việc biến văn bản thành tác phẩm. Vai trò chủ động của người đọc phải đi liền với việc tôn trọng tính khách quan của của tác phẩm. Dạy đọc hiểu văn bản trong nhà trường chính là dạy cách tiếp nhận văn bản một cách hiệu quả nhất, vừa bám sát đặc trưng của văn bản văn học vừa đạt được các tiêu chí khoa học.

 

2.1.2. Năng lực đọc hiểu văn bản văn học

 

Trong các năng lực văn học, năng lực đọc hiểu được xem là quan trọng nhất vì tất cả các năng lực khác đều liên quan đến đọc hiểu, được phát triển trên nền tảng của đọc hiểu văn bản. Từ cuối thế kỉ XX, các nước phương Tây và một số nước Châu Á có nền GD hiện đại (Nhật Bàn, Hàn Quốc, Singapore…) đã rất chú trọng việc dạy đọc hiểu. Nhiều công trình nghiên cứu sâu tập trung vào phát triển kĩ năng đọc hiểu cho HS đồng thời với việc thay đổi vai trò của GV.

 

Thái độ học tập chủ động tích cực của HS song song với quyền tự chủ của GV đã góp phần cải thiện năng lực văn học cho HS một cách rõ rệt. Đọc hiểu là hành động sử dụng các tri thức công cụ và các kĩ năng khác để tiếp nhận và nắm bắt các tầng nghĩa của văn bản (Tư tưởng của tác giả, các lớp hiển ngôn và hàm ngôn, cảm xúc chủ đạo, cấu trúc văn bản, đặc điểm ngôn từ nghệ thuật, các thủ pháp nghệ thuật, giá trị của văn bản đối với nhận thức và tình cảm của người đọc…). Năng lực đọc hiểu văn bản có những biểu hiện cụ thể như sau:

 

  • HS nắm được tri thức lí luận văn học - công cụ để đọc hiểu văn bản văn học: bản chất và giá trị của văn học, thể loại, thi pháp, phong cách, tiếp nhận…

     

  • Có kiến thức về văn học Việt Nam, văn học nước ngoài: các thời kì phát triển của văn học, đặc điểm, thành tựu, các tác giả, tác phẩm tiêu biểu.

     

  • Có kiến thức về văn bản: Các dạng kết cấu văn bản, đoạn văn bản, liên kết câu, đoạn, phong cách văn bản; Kiến thức ngôn ngữ: từ, câu, các biện pháp tu từ…

     

  • Biết vận dụng các biện pháp, phương pháp, kĩ thuật, chiến thuật đọc hiểu văn bản.

     

  • Có khả năng ứng dụng tri thức văn học vào tìm hiểu, nắm bắt các giá trị sống thực tế.

 

2.1.3. Thực trạng đọc hiểu văn bản trong trường phổ thông và tính cấp thiết của việc thay đổi phương pháp dạy học

 

Từ năm 2006 đến nay, phương pháp dạy học môn Ngữ văn có nhiều thay đổi, trong đó có thay đổi về tên gọi các bước tiến hành giờ học văn bản. Phần trọng tâm trước đây được gọi bằng những thao tác “Phân tích”, “Bình giảng” đã được thống nhất thay bằng “Đọc hiểu”. Đề thi môn Ngữ văn cũng thiết kế phần đọc hiểu chiếm đến 30% tổng điểm. Đây là sự thay đổi trước hết về quan niệm dạy học từ chỗ xem thầy là người truyền thụ, độc quyền tri thức, kĩ năng thuyết trình, giảng bình văn học của thầy là quyết định đến việc xem người học là chủ thể của quá trình nhận thức, sự chủ động và kĩ năng đọc hiểu văn bản của HS là yếu tố quyết định. Sau nữa là thay đổi về cách thức dạy học, tập trung mạnh hơn vào việc tổ chức cho HS tự học, phát triển tư duy độc lập và phản xạ với các yêu cầu từ phía GV.

 

Tuy nhiên, từ quan niệm đến thực hành vẫn có khoảng cách rất lớn. Do nhiều nguyên nhân, bài đọc hiểu trên lớp vẫn nghiêng về việc thuyết trình của GV hơn là hoạt động tự tiếp nhận của HS. Nhiều GV đã nỗ lực đầu tư đổi mới nhưng vẫn khó thoát ra khỏi quán tính và khuôn mẫu cũ. Trong đó, nặng nề nhất là hệ thống tri thức đọc hiểu vẫn do GV áp đặt. Rất khó để HS tự phát hiện ra các nghĩa của văn bản, vẻ đẹp của ngôn từ và sự độc đáo của thủ pháp. Việc trả bài của HS sau đó vẫn mang tính chất lặp lại những gì GV cung cấp. Khả năng tìm ra cái khác, cái mới, tự phát hiện giá trị của văn bản tập trung vào số ít HS giỏi các cấp. Số này chiếm tỉ lệ quá nhỏ so với tổng lượng HS. Sự thụ động của HS thể hiện rõ nhất khi cần đọc hiểu các văn bản ngoài CT. Trong các kì thi, ngữ liệu cho câu hỏi đọc hiểu phần lớn là văn bản nhật dụng, bình luận báo chí, với những câu hỏi đọc hiểu khá đơn giản, nhiều HS vẫn lúng túng và trả lời sai. Phần lớn HS không thể tiếp nhận các văn bản nghệ thuật ngoài SGK. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không đề cập đến các lí do thuộc về CT, SGK, quy trình kiểm tra đánh giá mà chỉ tập trung vào phương pháp dạy học. CT, SGK và đề thi có thể thay đổi dễ dàng, nhưng phương pháp không dễ thay đổi nếu không xuất phát từ một nền tảng triết lí, một cách nghĩ, một cách làm mới chứ không phải là những thao tác có tính kĩ thuật.

 

Nguyên tắc GD hiện đại đề cao vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của HS trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Nhiều nhà GD nhắc đến nguyên lí “Tôi nghe tôi quên, Tôi nhìn tôi nhớ, Tôi làm tôi hiểu” khi xây dựng các lí thuyết mới. HS chỉ tiếp nhận được 20% kiến thức nếu học thụ động. Muốn hiểu và nhớ được kiến thức lâu dài, HS cần tự mình tiếp nhận, kết nối, xử lí thông tin với sự hướng dẫn của GV. Việc tiếp nhận văn bản văn học không nằm ngoài nguyên tắc nhận thức trên đây.

 

* Ở góc độ chuyên biệt, đọc hiểu văn bản văn học là hoạt động phức tạp nhất trong tiếp nhận văn bản do đặc thù của đối tượng. Nếu không dạy HS cách tự chiếm lĩnh tri thức trong lĩnh vực văn học, chúng ta không chỉ hạn chế năng lực nhận thức chung mà còn làm hỏng năng lực thẩm mĩ của HS. Trải qua một thời gian quá dài, GD trong nước chỉ chú trọng tri thức và năng lực khoa học tự nhiên, bỏ quên phần quan trọng nhất: năng lực thẩm mĩ trong mối liên hệ với hình thành nhân cách HS. Vấn đề này hiện đã được đặt ra trong CT GD tổng thể. CT đề ra yêu cầu về năng lực thẩm mĩ như sau:

 

Năng lực thẩm mĩ của HS bao gồm năng lực âm nhạc, năng lực mĩ thuật, năng lực văn học. Mỗi năng lực được thể hiện qua các hoạt động sau đây: 1/ Nhận thức các yếu tố thẩm mĩ; 2/ Phân tích, đánh giá các yếu tố thẩm mĩ; 3/ Tái hiện, sáng tạo và ứng dụng các yếu tố thẩm mĩ. Yêu cầu cần đạt về năng lực thẩm mĩ đối với HS mỗi lớp học, cấp học được quy định trong CT các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Ngữ văn và được thực hiện trong CT của nhiều môn học, hoạt động GD, phù hợp với đặc điểm của mỗi môn học và hoạt động GD, trong đó ba môn học đã nêu là chủ đạo. Từ những nội dung đã trình bày ở trên, chúng tôi khẳng định tính cấp thiết của việc dạy đọc hiểu văn bản văn học theo định hướng phát triển năng lực.

 

2.2. Đề xuất biện pháp dạy đọc hiểu văn bản văn học định hướng phát triển năng lực (trường hợp bài thơ Thuốc đắng của Mai Văn Phấn)

 

2.2.1. Mai Văn Phấn và bài thơ Thuốc đắng

 

a. Nhà thơ Mai Văn Phấn

 

Mai Văn Phấn sinh ngày 29 tháng 11 năm 1955 tại Kim Sơn, Ninh Bình. Năm 1974, Mai Văn Phấn nhập ngũ, đến năm 1981 ông xuất ngũ và theo học Ngôn ngữ học và Văn hóa Nga tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Năm 1983, ông tiếp tục tu nghiệp tại Trường Đại học Sư phạm Maxim Gorky, Minsk (Thủ đô của Byelorussian SSR). Hiện nay, ông sống và sáng tác tại thành phố Hải Phòng. Mai Văn Phấn đã xuất bản 21 tập sách ở Việt Nam. Ở nước ngoài, Mai Văn Phấn xuất bản 17 cuốn thơ. Thơ của ông đã được dịch ra 28 thứ tiếng, xuất hiện trong hơn 50 tuyển tập thơ và tạp chí quốc tế. Mai Văn Phấn giành giải thưởng văn học Cikada 2017 của Thụy Điển. Giải Cikada được sáng lập năm 2004 và được trao cho các nhà thơ Đông Á.

 

b. Bài thơ “Thuốc đắng”

 

“Thuốc đắng” được xem là bài thơ khai mở hành trình thơ Mai Văn Phấn sau 1990. Sau “Thuốc đắng”, Mai Văn Phấn sáng tác liên tục, không gian thơ ngày càng mở rộng với nhiều cung bậc và màu sắc đa dạng. Năm 1991, bài thơ được trao giải nhất, giải thưởng văn học Nguyễn Bỉnh Khiêm của Hải Phòng. Bài thơ cũng được nhiều nhà thơ, dịch giả nước ngoài chú ý và dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp. Nguyên văn bài thơ như sau:

 

Thuốc đắng

            (Cho Ngọc Trâm)

 

Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa

Cha cũng có thể thành tro nữa

Thuốc đắng không chờ được rồi

Giữ tay con

                   Cha đổ

Ngậm ngùi thả lòng chén vơi...

 

Con ơi! Tí tách sương rơi

Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh

Và những cánh hoa mỏng mảnh

Đưa hương phải nhờ rễ cay.

 

Mồ hôi keo thành chai tay

Mùa xuân tràn vào chén đắng

Tuổi cha nước mắt lặng lặng

Sự thật khóc òa vu vơ.

 

Con đang ăn gì trong mơ

Cha để chén lên cửa sổ

Khi lớn bằng cha bây giờ

Đáy chén chắc còn bão tố.

 

(Hải Phòng, tháng 7 năm 1990)

 

2.2.2. Đề xuất một hướng dạy đọc hiểu văn bản theo hướng phát triển năng lực

 

a. Mục tiêu

 

1/ HS hình thành và phát triển năng lực đọc văn bản một cách độc lập. GV chỉ đóng vai trò hướng dẫn, tổ chức để HS biết cách phân tích và đánh giá văn bản văn học; 2/ HS có khả năng đưa ra các quan điểm cá nhân về văn bản; 3/ HS có khả năng tiếp nhận các văn bản văn học khác của Việt Nam và thế giới ở tất cả các thể loại; 4/ HS có khả năng phản biện các ý kiến đánh giá khác về văn bản; 5/ HS biết cách tự đọc hiểu một văn bản thơ trữ tình.

 

b. Phương pháp được đề xuất

 

* Cung cấp kiến thức công cụ: Để HS có thể đọc hiểu được các văn bản văn học thì phải cung cấp tri thức công cụ cho các em. Tri thức công cụ ở đây là kiến thức lí luận văn học đơn giản, dễ hiểu nhất về thể loại thơ. Những đơn vị kiến thức cần thiết cung cấp là: Khái niệm thể loại; Đặc điểm văn bản thơ: Hình ảnh thơ, tứ thơ, ngôn ngữ thơ, cảm xúc.

 

Tạo bối cảnh cho trải nghiệm văn học, trong đó: Cần gợi lên các kết nối cá nhân, lịch sử, văn hoá hoặc khái niệm rộng rãi ở bạn đọc; Cần mời gọi những trải nghiệm văn học của bạn đọc HS (bước vào văn bản và khám phá các khả năng) chứ không chỉ là tìm kiếm thông tin: tác giả, hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

 

HS được hướng dẫn để nêu ra những cách hiểu văn bản khác nhau

 

  • Sử dụng chiến lược đọc suy luận (Make inferences or make guesses) dựa trên các chi tiết trong văn bản và kinh nghiệm của bản thân… Có thể thấy, cách tổ chức bài học văn ở đây chú trọng vào việc hình thành và phát triển ở HS những năng lực đọc dựa trên nền tảng tri thức công cụ và việc kết nối giữa văn bản với mỗi cá nhân HS, nhất là mời gọi những trải nghiệm văn học của bạn đọc HS. Trong đó, mỗi văn bản không chỉ đưa đến cho HS một cơ hội trải nghiệm việc đọc mà quan trọng hơn là giúp HS hình thành, phát triển hệ thống kiến thức và kĩ năng đọc văn thông qua việc tìm hiểu và vận dụng những tri thức lí luận có tính chất công cụ.

     

  • Tổ chức hoạt động nhóm để HS có cơ hội trao đổi, thảo luận, bảo vệ ý kiến cá nhân trong một tập thể nhỏ.

 

Liên hệ từ văn bản đến đời sống: Học Văn học để HS nhận thức về các giá trị, để rồi dựa vào đó có thể xem xét lại thế giới quan của chính mình. Từ hiểu văn bản, HS nêu ra những suy nghĩ của mình về những giá trị đời sống được gợi ra từ bài thơ.

 

Tập phản biện khi thấy bất đồng ý kiến với các bạn, với GV. Việc phản biện vừa giúp HS có dịp hoàn thiện năng lực thuyết trình, khả năng bảo vệ quan điểm, trải nghiệm cảm giác làm chủ bản thân vừa chia sẻ kinh nghiệm thẩm mĩ cá nhân với người khác.

 

* Luyện tập vận dụng: Đọc hiểu một văn bản khác, trình bày quan điểm cá nhăn bằng các hình thức nói, viết.

 

2.2.3. Đề xuất hướng dạy đọc hiểu bài thơ “Thuốc đắng” của Mai Văn Phấn

 

a. Bước thứ nhất: Cung cấp kiến thức công cụ

 

Nguyên tắc dạy tri thức công cụ: Kiến thức lí luận vốn trừu tượng, không dễ hiểu đối với HS phổ thông. Vì vậy, đặt câu hỏi phải đơn giản, chấp nhận việc diễn đạt hướng về ý không hướng về lời để tránh lối nói hàn lâm khó hiểu; Kiến thức lí luận dù khó vẫn phải dạy trước để HS có thói quen tư duy khái quát, có tri thức công cụ để đọc hiểu bất cứ văn bản nào cùng thể loại; GV nhất thiết phải hướng dẫn HS dùng ngữ liệu để hiểu kiến thức lí luận. Có thể tiến hành đặt câu hỏi như sau (xem Bảng 1):

 

b. Bước thứ 2: Tạo bối cảnh để HS có được trải nghiệm trước khi đọc hiểu

 

Ở bước này, HS không chỉ tìm kiếm thông tin mà phải học cách xử lí thông tin, sử dụng thông tin cho việc tạo tâm thế trước khi đọc hiểu văn bản. Việc tìm hiểu trước giúp HS làm quen với tác giả và tác phẩm, tạo đường dẫn để việc đọc hiểu sau này đạt hiệu quả. Phần này HS chuẩn bị trước ở nhà, tại lớp, GV đặt ra hai câu hỏi để HS nghiên cứu trước:

 

Câu hỏi 1: Hãy nói những điều em biết về nhà thơ Mai Văn Phấn? Điều gì làm em ấn tượng nhất về nhà thơ Mai Văn Phấn?

 

Câu hỏi 2: Bài thơ được viết trong hoàn cảnh nào? Từ hoàn cảnh đó, cùng với việc đọc văn bản, theo em bài thơ có thể viết về điều gì?

 

Mục tiêu cần đạt ở câu hỏi 1: HS nắm được vị trí, đóng góp của thơ Mai Văn Phấn, đặc điểm thơ Mai Văn Phấn. Cao hơn nữa, HS có thể so sánh với các tác giả khác cùng thời để hình dung được vị trí của tác giả trong bối cảnh văn học Việt Nam đương đại. Nội dung này nếu thực hiện tốt sẽ cho HS sự tự hào và ngưỡng mộ đối với một tác giả lớn của Việt Nam. Mục tiêu cần đạt ở câu hỏi 2: HS nắm được hoàn cảnh ra đời của bài thơ, từ đó gợi ý đến cảm hứng của tác phẩm, đó là tình cảm cha con.

 

c. Bước thứ ba: HS tự xây dựng ý nghĩa của tác phẩm trên cơ sở văn bản bài thơ

 

Bước này sẽ tiến hành với hình thức seminar tại lớp. Ở bước này, GV là chủ toạ điều hành thảo luận. HS nêu ý kiến ủng hộ hay phản bác các luận điểm của chuyên gia, tự nêu lên ý kiến của mình về văn bản văn học, tranh luận với nhau để cùng nhìn thấy văn bản dưới nhiều góc độ. Cuối giờ, các em tự viết tóm tắt về buổi thảo luận, cùng thống nhất ra những điểm nhất quán và những điểm không đồng tình. Cách thức tiến hành như sau:

 

Hoạt động 1: Phát hiện ý nghĩa của tác phẩm

 

  • Chia nhóm;

     

  • Các nhóm tìm hiểu văn bản bài thơ, nêu ra các cách hiểu về ý nghĩa bài thơ;

 

  • Các nhóm nêu quan điểm, thảo luận, phản biện;

     

  • GV hướng dẫn HS chọn ra những cách hiểu phù hợp nhất. Gợi ý để tìm hiểu ý nghĩa tác phẩm (xem Bảng 2)

 

Hoạt động 2: Liên hệ thực tế:

 

 GV đưa các ra các gợi để HS thảo luận trong nhóm; Các nhóm nêu quan điểm, thảo luận, phản biện.

 

Hoạt động 3: Tích hợp liên văn bản

 

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu “John Roberts - Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kì từng tốt nghiệp đại học Harvard. Gần đây, ông có đến tham dự lễ tốt nghiệp trung học của cậu con trai. Ngài Chánh án đã bắt đầu bài diễn văn của mình trong sự ngỡ ngàng của đám học trò non nớt chưa từng trải đời. Lũ trẻ vô cùng kinh ngạc bởi điều chúng chờ đợi là những lời chúc may mắn, mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai, nhưng ông đã không làm thế. Ông nói: “Từ giờ về sau, ta hi vọng con sẽ bị đối xử bất công, bởi chỉ có như vậy con mới có thể cảm nhận được giá trị của sự công bằng. Ta hi vọng con có thể nếm trải một chút mùi vị của sự phản bội, bởi chỉ có như vậy con mới có thể hiểu được tầm quan trọng của sự chân thành. Xin lỗi phải nói thế này, nhưng ta hi vọng con cảm nhận được sự cô đơn hàng ngày, bởi chỉ có như vậy con mới hiểu được rằng bạn bè không phải là điều đương nhiên mà con cần phải giữ gìn. Ta hi vọng con có thể gặp xui xẻo một vài lần, bởi chỉ có như vậy con mới hiểu được ý nghĩa của may mắn trong đời, để con khiêm tốn hiểu rằng thành công mình có lẽ là nhờ vận may, và sự thất bại của người khác cũng không phải là đáng đời. Ta hi vọng thi thoảng con bị người khác coi thường, chỉ có như vậy con mới hiểu được học cách tôn trọng và lắng nghe là quan trọng tới mức nào. Và ta cũng hi vọng con sẽ học được đủ đau đớn để học cách cảm thông. Cho dù ta có hi vọng những điều này hay không thì thật ra sớm muộn gì nó cũng sẽ xảy ra trong cuộc sống của con. Con có thể tiếp thụ giáo huấn hoặc thu hoạch được gì trong đó hay không, đều dựa vào việc con có nhìn thấy những bài học trong khổ đau của mình hay không.”

 

Câu 1: Xác định biện pháp tu từ cú pháp trong đoạn in nghiêng, nêu hiệu quả của biện pháp tu từ đó?

 

Câu 2: Vì sao vị Chánh án không chúc các HS gặp nhiều may mắn? Ông hi vọng HS gặp những điều gì trong cuộc sống sau này?

 

Câu 3: Trong lời phát biểu trên, thông điệp được ngài Chánh án gửi đến các HS là gì?

 

Câu 4: Liên hệ với bài thơ Thuốc đắng của Mai văn Phấn để thấy những nét tương đồng trong tư tưởng của hai người cha.

 

Hoạt động 4:

 

Đọc bài thơ “Thuốc đắng” (bản dịch tiếng Anh của Lê Đình Nhất Lang), so sánh với bản tiếng Việt, rút ra nhận xét riêng.

 

 

Bảng 1: Tìm hiểu tổng quan

 

Thơ là gì?

Thơ là một thể loại văn học ra đời sớm nhất của nhân loại. Thơ là thể loại trữ tình

GV nhắc đến 3 thể loại văn học chính (Tự sự, trữ tình, kịch)

Trong bài thơ, sự kiện hay cảm xúc quan trọng hơn?

Trong thơ, cảm xúc của nhà thơ trước sự kiện mới là quan trọng.

GV gợi ý đển HS sử dụng ngữ liệu phát hiện vấn đề.

Các hình ảnh trong bài thơ được tác giả xây dựng bằng cách nào?

Hình ảnh thơ thường được nảy sinh bằng sự liên tưởng, tượng tượng của nhà thơ.

Hình ảnh thơ thường có tính biểu tượng.

GV gợi ý đển HS sử dụng ngữ liệu phát hiện vấn đề.

Lời thơ có đặc điểm gì?

Lời thơ được cấu tạo đặc biệt: có tính gián đoạn, tính lạ hóa, có nhịp điệu, giàu ẩn dụ, nhiều khoảng trống, khoảng trắng.

Phần này, GV phải lí giải kĩ những đặc điểm

 

Bảng 2: Tìm hiểu chi tiết

 

Các gợi ý để HS liên hệ với thực tế cuộc sống

Văn bản

Ý nghĩa của văn bản

Hành động của người cha mang tính ép buộc thô bạo. Nhưng vì sao người cha làm vậy? Hãy nghĩ về cha mình, có bao giờ cha các em như vậy không? Em hiểu thêm được gì về tình cảm của cha mình?

Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa

Cha cũng có thể thành tro nữa

Thuốc đắng không chờ được rồi

Giữ tay con

                 Cha đổ

Ngậm ngùi thả lòng chén vơi...

Bài thơ bắt đầu bằng một khoảnh khắc dữ dội, gay cấn:

- Câu 1: Mô tả căn bệnh của con: cơn bênh nặng +Lưu ý các từ “thiêu”, “giàn lửa”. Cơn sốt là chi tiết thật nhưng có ý nghĩa biểu tượng. Căn bệnh hủy diệt dần cơ thể đứa con.

- Câu 2: căn bệnh của con hủy diệt cả tinh thần người cha

- Câu 3, 4: thuốc đắng + những hành động của người cha bề ngoài có vẻ nghiệt ngã.

+Giữ tay con: thô bạo, áp chế

+ Từ “đổ”: động tác mạnh (so sánh với bón, rót)

- Câu 5: sau hành động thô bạo, nghiệt ngã là sự ngậm ngùi, xót xa

+ Từ “thả”: buông tay để rơi => người cha kiệt sức vì buộc phải cưỡng bức con uống thuốc.

Ý nghĩa:

Nhận thức của người cha về sự cấp bách của hoàn cảnh. Nếu không uống thuốc (đắng), đứa con có thể không cứu được.

Nỗi xót xa thương con khi buộc con phải uống thuốc đắng. Khổ thơ dồn nén cả về nghĩa và lời.

Dân gian đã có câu “Thuốc đắng giã tật”. Ý kiến của em về vấn đề này như thế nào?

Con ơi! Tí tách sương rơi

Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh

Và những cánh hoa mỏng mảnh

Đưa hương phải nhờ rễ cay.

Mở đầu là “con ơi!” nhưng là lời người cha nói với chính mình.

 

  • Sương rơi, đêm lạnh, nhọc nhằn: cuộc sống không dễ dàng. Hạt sương đó dù rất nhỏ cũng phải nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh mới có.
  • Hương của những cánh hoa mỏng mảnh đến từ đâu? Từ những chùm rễ đắng cay cũng như con muốn khỏe lại phải chấp nhận uống thuốc đắng.

Ý nghĩa: khổ thơ trĩu nặng suy tư của người cha. Sau khi bắt ép con mình uống chén thuốc đắng, có một dòng nước mắt thầm lặng chảy bên trong con người anh ta với nhiều trạng thái cảm xúc đan xen: thương, ngậm ngùi, xót xa, tin tưởng, hi vọng….

 

Mồ hôi keo thành chai tay

Mùa xuân tràn vào chén đắng

Tuổi cha nước mắt lặng lặng

Sự thật khóc oà vu vơ.

Khổ thơ này là những suy niệm của người cha về cuộc đời. Những suy niệm được gợi lên từ chén thuốc đắng đứa con buộc phải uống để khỏi bệnh.

Mùa xuân và chén đắng: Từ những hình ảnh cụ thể trở thành những biểu tượng. Mùa xuân là biểu tượng của sự sống, của cái bắt đầu, sự tươi mới, của hi vọng lúc này tràn vào lòng chén đắng.

Nước mắt người cha lặng lặng, là thứ nước mắt rơi trong im lặng, là nước mắt vô hình mà người đàn ông không muốn phơi bày.

Ý nghĩa: Chén thuốc cha cho con uống không chỉ là thuốc bệnh thể xác. Nó còn là thuốc cho tinh thần mà cha đúc rút được, nhưng con chưa thể nhận chén thuốc đó nên cha giữ lại trong bài thơ như một lời nhắn nhủ.

Sự thật khóc oà vu vơ.

 Câu thơ này liên quan trực tiếp đến hoàn cảnh xã hội đã nêu ở trên. Sự thật lúc này khóc òa lên bởi nó bị dồn nén đến đỉnh điểm, không thể kìm giữ được nữa. Tuy nhiên, mới là cái khóc vu vơ, chưa thể làm nên sự thay đổi. Nhưng dù vu vơ vẫn hơn là bị bưng bít.

Người cha trong bài thơ viết những dự cảm về một tương lai còn nhiều bão tố. Theo em, vì sao ông không viết về một tương lai màu hồng cho con gái bé bỏng của mình?

Em hình dung về cuộc sống mai sau như thế nào? Nếu phải đối diện với bất công, trắc trở, tại họa, em nghĩ mình sẽ vượt qua như thế nào?

Con đang ăn gì trong mơ

Cha để chén lên cửa sổ

Khi lớn bằng cha bây giờ

Đáy chén chắc còn bão tố.

- Con đang ăn gì trong mơ: Hình ảnh đứa con trong giấc ngủ hồn nhiên. Vì sao là “ăn”? Vì đó là bản năng, cái mà trẻ con mới có.

- Hình ảnh cha để chén lên cửa sổ là một biểu tượng. (thủ pháp điện ảnh) Chiếc chén đã hết thuốc đó, cha đặt nó lên cửa sổ như đặt nó vào kí ức của cha và con. Bài thơ Thuốc đắng được xem là khai mở con đường thơ của Mai Văn Phấn, chiếc chén đặt trên cửa sổ cũng chính là chiếc chén được đặt vào bài thơ quan trọng này. Xuất hiện năm 1990, đến nay đã gần 40 năm vẫn vẹn nguyên trong tình cha con của họ.

- Đáy chén chắc còn bão tố: Gian khó, bão tố cuộc đời là cái sẽ đồng hành trong suốt đời người. Con rồi sẽ lớn, chén cuộc đời còn đựng nhiều thuốc đắng vì bão tố trong đáy chén vẫn vần vũ. Và suốt đời con sẽ còn phải nhận thuốc đắng để trưởng thành.

Ý nghĩa: Khổ thơ cuối cũng chính là dự cảm của người cha về cuộc đời phía trước mà thực tế chứng minh dự cảm đó hoàn toàn đúng.

 

Tổng hợp: Bài thơ là tình phụ tử nhưng thể hiện ở một phương diện riêng: cách người cha yêu thương con, cách cha dạy con đối diện với cuộc đời. Không có bài học đạo đức nào, chỉ có những sự thật trần trụi và đắng chát cha muốn con nhìn ra và chấp nhận nếm trải để lớn lên và sống. Bài thơ còn là những lo âu của người cha về những bão tố con sẽ phải đi qua. Âu lo và bình tĩnh, âu lo và chấp nhận, âu lo và chờ đợi.

 

 

__________________

[1] Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Email: lehaianh@vnu.edu.vn

[2 ]Trường Cao đẳng Cộng đồng Bắc Kạn

Tổ 17 phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, Việt Nam

Email: Chuthuycdcdbk@gmail.com

 

 

 

(Nguồn: Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam. Số 24 tháng 12/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị