Lạm bàn hay kiến giải đôi điều về bài thơ "Con chào mào" của Mai Văn Phấn - Little Dragon

Lạm bàn hay kiến giải đôi điều về bài thơ "Con chào mào" của Mai Văn Phấn

 

 

  

 

 

Little Dragon

 

 Từ tận trong cổ tích con chim đại bàng đã bay ngang núi Bạc. Từ lời ru, cánh cò “bay lả bay la”. Từ trên bầu trời ước nguyện, sự hòa bình có bóng dáng chim câu. Phía bếp lửa thiêng liêng, ta nghe con tu hú gọi hè... Chạm vào nỗi xót xa nhỏ lệ với tiếng quốc quốc kêu hay là con sẻ nhỏ đập cửa cũng để lại day dứt - sự hối hận cho tâm hồn.

 

Có lẽ, hình ảnh loài “thiên di” này chưa bao giờ vắng trong thi ca thì phải. Từ năm 2010, tôi cũng được đọc tập thơ “Bầu trời không mái che” của Mai Văn Phấn, trong đó hình ảnh - loài chim được tác giả nhắc đến nhiều lần: chim chào mào, ví như câu:

 

"Con chào mào em

Khoét rỗng môi anh

Và vỗ cánh

Ngậm anh đi gieo hạt"

(Hình đám cỏ. Nhịp III)

 

Hay bài thơ có nhan đề trực tiếp “Con chào mào” - bài này được đưa vào sách giáo khoa Ngữ Văn 6 tập một.

 

1. Tác giả - Nhà thơ Trạng nguyên có gương mặt buồn hay nét trầm mặc của triết gia.

 

Mai Văn Phấn có lẽ là người có “duyên” với các giải thưởng thơ từ những năm chín mươi của thế kỷ trước, cho đến nay, ông đã nhận rất nhiều giải thưởng. Kể từ khi ông đoạt giải nhất “Cuộc thi thơ” tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) năm 1995, thì người ta gọi ông là “Trạng nguyên thơ” của Việt Nam. Ông không chỉ đoạt giải ở trong nước mà còn cả giải quốc tế, như năm 2017, ông là người Việt Nam thứ hai dành giải thưởng thơ của Thụy Điển có tên Cikada; hai lần Giải thưởng Văn học Cây bút vàng Liên bang Nga, 2019 và 2020; hay gần đây, Giải thưởng Văn học Quốc tế Sahitto (Cộng hòa Nhân dân Bangladesh) năm 2021...

 

Mai Văn Phấn sinh năm 1955 tại Ninh Bình. Ngoài sáng tác thơ, ông còn viết tiểu luận phê bình. Thơ ông rất phong phú đề tài; có nhiều cách tân về nội dung và nghệ thuật, một số tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng.

 

“Ông luôn trầm mặc và suy tư trước nhân thế thời cuộc, nét triết gia trầm lắng luôn hiện trên gương mặt của nhà thơ...”. Đó là một vài nhận xét vui mà chân thật của bạn bè dành cho ông.

 

2. Bài thơ “Con chào mào”

 

Về xuất xứ: bài thơ in trong tập “Bầu trời không mái che” (2010). Tập thơ đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010; Nhà xuất bản Page Addie Press của Anh quốc chính thức ký hợp đồng (trực tiếp với nhà thơ Mai Văn Phấn) để xuất bản. Bản in giấy được phát hành tại 3 nước Hoa Kỳ, Canada và Anh quốc.

 

Về thể thơ: bài thơ sáng tác theo thể thơ tự do. Thơ tự do là sự tiếp nối, phát triển sau thể thơ vần (thể luật). Thơ tự do, loại thơ mà nhà thơ phải tự tạo nên luật tắc của họ, luật tắc là cấu trúc thơ thay thế với thể luật truyền thống và tạo ra luật tắc là một điều cực khó song bài thơ này là một thành công của thể tự do của tác giả vậy.

 

Về bố cục, bài thơ gồm 2 phần:

 

Phần một là ba câu đầu: Hình ảnh con chào mào trong thực tế. Nó xuất hiện ở vị thế rất cao, cao đến chót vót và với hình dáng đẹp “đốm trắng mũ đỏ”. Vị trí của sự hiên ngang, tâm điểm. Chỉ với không gian ấy, âm vọng tiếng hót của nó mới vang cao, vươn xa. Đó là một cách trực tiếp và quen thuộc của loài chim thuộc bộ Sẻ này.

 

"Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

Hót trên cây cao chót vót

triu… uýt… huýt… tu hìu…"

 

Phần còn lại: Hình ảnh con chào mào trong suy nghĩ.

 

Ý nghĩ đầu tiên của tác giả - nhân vật “tôi” trong bài thơ là “vẽ chiếc lồng” bởi trong tiềm

thức, trong ý nghĩ “chiếm hữu” cho riêng mình bằng cách tưởng tượng là nhốt con chim vào để được nghe, được ngắm, được sở hữu tiếng hót, hay nói rộng hơn là độc chiếm thiên nhiên kia:

 

“Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

Sợ chim bay đi”

 

Nhưng khi chim bay đi, “tôi” rượt theo, “tôi” khao khát mở rộng “chiếc lồng” của mình thành bất tận, để tâm hồn bao trùm cả thiên nhiên rộng lớn hơn. “Tôi” ôm khung nắng, khung gió, nhành cây, ôm trọn không gian thiên nhiên rộng lớn, hối hả đuổi theo gấp gáp, thậm chí mở rộng tâm hồn mênh mông:

 

“Vừa vẽ xong nó cất cánh

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo”

 

Càng mở rộng không gian “chiếc lồng” nhưng đã là lồng thì vẫn là của giới hạn, giới hạn bởi "khung". Sự vô định, vô bờ, không giới hạn của con chào mào, của thiên nhiên, của đối tượng - cái đẹp, cái hay nơi chủ thể tiếng "hót tầm cao" kia là vô hạn nên "tôi" nhận về là không dấu vết. Những hoạt động của chào mào:

 

“Trong vô tăm tích tôi nghĩ

Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

Trái cây chín đỏ

Từng giọt nước

Thanh sạch của tôi”

 

Ý nghĩ con chim mổ những con sâu, ăn trái cây chín đỏ, uống từng giọt nước. Đó là những món quà chuộc lỗi khi tôi nhận ra rằng, con chim chào mào mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, giữa thiên nhiên rộng lớn. Và, rồi tiếng hót:

 

triu… uýt… huýt… tu hìu…

 

Chẳng cần chim lại bay về

Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.

 

Chim chào mào không cần quay về nhưng “tôi” vẫn cảm nhận được tiếng hót vang lên trong tâm trí, vang lên trong tâm tưởng, vang lên rất rõ.

 

Một sự đổi thay bất ngờ nếu không nói là sự “đốn ngộ” của bản thân, thông suốt mọi suy

nghĩ: Tiếng hót - cái đẹp là của tự nhiên, của thanh cao và tự do mới đạt được sự “minh triết” của nó còn không thì sẽ ngược lại...

 

3. Lạm bàn thêm về những liên quan tác phẩm

 

Trong một lần Mai Văn Phấn trả lời câu hỏi “Ông tự bồi đắp mình thế nào?” Câu trả lời đó: “Triết học và tôn giáo vốn là hai trụ cột quan trọng tạo nên mặt bằng văn hóa của mỗi quốc gia. Đây là hai hình thái ý thức xã hội mang tính đa dạng, phức tạp, biến đổi theo thời gian và ý thức hệ...”

 

Chúng ta chưa có một nền triết học riêng biệt, nhưng có sự giao lưu, tiếp biến với nhiều

nền văn minh trên thế giới. Sự học, sự “bồi đắp” đã dẫn đến một tác giả phong cách, chuyên nghiệp và định vị tác phẩm trong dòng chảy thi ca...

 

Qua đây, chúng ta thấy sự minh triết, triết học trong bài thơ “Con chào mào” một cách rõ hơn. Đó là chất Thiền, là sự “ngộ” trong triết học Phật giáo. Cái ta mãi đuổi bắt - ta còn ta là còn bản ngã; ta không đuổi bắt, ta không còn ta của bản ngã thì tất cả là “nhất như", “hồng hoang” ban sơ... “không” là “có”. “Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ".

 

Vụn bàn năm, mười phút sao xứng được tầm thơ, tầm tri thức, của bể vô bờ. Tôi xin mạn phép trong giới hạn thời gian, giới hạn tri thức của bản thân chỉ trình bày đến mọi người "lời quê chắp nhặt" vậy. Mong được góp ý rất nhiều.

 

 

(Nguồn: www.hive-stories.com)

  

 

 

CON CHÀO MÀO

 

Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

Hót trên cây cao chót vót

triu… uýt… huýt… tu hìu…

 

Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

Sợ chim bay đi

 

Vừa vẽ xong nó cất cánh

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo

 

Trong vô tăm tích tôi nghĩ

Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

Trái cây chín đỏ

Từng giọt nước

Thanh sạch của tôi

 

triu… uýt… huýt… tu hìu…

 

Chẳng cần chim lại bay về

Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ. 

 

M.V.P

 

 

Chào mào hồng y

 


 

 

 

  

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị