Bàn tay đính đầy trăng
Nhà thơ Đinh Trần Phương
Mai Văn Phấn
Con nhện bỏ đi
con bướm cứ ngủ mãi
tay em đính đầy trăng
Đinh Trần Phương
Mỗi tập thơ tôi thường chọn ra vài từ khóa, đơn giản là
sở thích, để có thể viết đôi điều, hoặc làm vốn cho những tình huống nào đó về
sau. Năm 2017, khi đọc tập thơ “Cánh
trăng” (NXB Hội Nhà văn, 2014) của Đinh Trần Phương, tôi đã tìm được từ
khóa cho bài viết “Nơi tụ hội ánh sáng".
Và giờ đây, tôi chọn tiêu đề “Bàn tay
đính đầy trăng” cho bài viết về tập thơ thứ hai của anh, “Giấc mơ của bàn tay”, do Nhà xuất bản
Văn học vừa ấn hành đầu năm 2021 này.
Hành trình thơ Đinh Trần Phương, từ khi ánh sáng bắt đầu
“tụ hội”, đã ra qua chặng đường dài để đến với “Giấc mơ của bàn tay”, một giấc miên mộng đính đầy trăng. Ánh trăng quy tụ để đính vào tay em, là một
thi ảnh chói lọi, khiến ta khép đôi mắt mộng để tưởng ra cái mảnh gương trong
ngời ngợi đậu trên lòng bàn tay ngà ngọc ấy, giữa đôi bờ thực-ảo có con bướm
đang ngủ quên trong ánh sáng mơ màng…
Trong lời mở đầu tập thơ “Giấc mơ của bàn tay”, Đinh Trần Phương đã giãi bày đôi điều về con
đường đưa anh đến với thơ. Năm hai mươi tuổi Phương phát tâm đi tìm Phật tính.
Rồi đến những năm du học tại Pháp, anh tình cờ đọc được một bài thơ haiku của
nhà thơ Naitō Jōsō. Từ ấy, ánh sáng thi ca trong anh bắt đầu
khơi lộ. Anh nhận ra toàn bộ nhiệt tâm
Phật Pháp của mình được gói gọn trong bài thơ của Naitō Jōsō. Dõi theo thứ
tự từng bài thơ trong tập, tôi cảm nhận từng bước chân Đinh Trần Phương đang
men theo 12 ánh sáng vô lượng của Phật A Di Đà, những mong chuyển hóa cõi Ta Bà
uế trược thành cõi Tịnh Độ trang nghiêm. Vậy đến bao giờ Phật tử Đinh Trần
Phương mới tới được siêu nhật nguyệt quang, thấy được ánh sáng vi diệu của Đức
Phật? Câu hỏi ấy có lẽ trước hết dành cho người đọc thơ anh, hãy tự lắng nghe
tâm mình, biết mình đang ở đâu, sẽ đi tới đâu, và lặng lẽ quan sát từng bước
chuyển trong người thơ này.
“Cửa
sổ buồng đêm
tiếng chim hót vào
dải mờ ánh sáng.”
Tôi
đọc bài thơ trên theo hướng giác ngộ. Cửa
sổ buồng đêm phải chăng chính là lối vào cõi Ta Bà, nơi khởi đầu các mối
tương duyên, tương hữu giữa vạn vật. Trong cõi tạm u mê, vô thường ấy bất ngờ
xuất hiện tiếng chim. Chữ hót vào tác giả dụng rất thần tình, biến
âm thanh của tiếng chim thành dòng nước cam lồ, một biểu trưng của lòng từ bi
được chứa đựng trong chiếc bình thanh tịnh. Dòng nước trong mát, thơm ngọt ấy
được hứng từ những giọt sương lắng đọng trong vũ trụ tưới lên dải sáng mờ hắt
vào buồng đêm. Tôi coi bài thơ là bức
tranh về sự thức tỉnh, dấy khởi lòng từ bi, thấu triệt lẽ thật trên cõi đời.
Vẻ
đẹp con người, vạn hữu, của thiên nhiên và vũ trụ liên tục thăng hoa trong “Giấc mơ của bàn tay”. Vẻ đẹp ấy xuất
hiện trong những bài thơ ngắn, rất ngắn, mang đến cho người đọc cảm giác như
ngồi trên chiếc xe đang chạy với vận tốc lớn, thấy lớp lớp cảnh vật vụt hiện
rồi vội trôi lại phía sau. Tất nhiên, nếu bạn muốn chiêm ngưỡng một hình ảnh
bất kỳ, có thể “dừng xe”, tĩnh tại, sẽ thấy được hồ quang, ánh xạ từ những vưu
vật ấy.
“Cây
thông trong mưa
con chim nhỏ tới trú
một thoáng, rồi bay đi.”
Tôi
hình dung nếu mình đang trên xe vội nhìn, sẽ thoáng thấy trên cây thông ướt át
kia có con chim vừa vụt bay đi. Hình ảnh ấy dễ làm người đọc liên tưởng tới
những bông hoa lay động trước cơn gió mạnh, rồi nép vào nhau, rạp xuống. Nhưng
khi tắt gió, tựa như xe đã dừng, tôi lại thấy cây thông và con chim kia chuyển
hướng, thay đổi hình dạng. Chúng là hai nhân quả, hai luật quy hồi hiển hiện trước
mắt tôi. Bài thơ phô bày cái sân ga đời sống với những sinh linh đến và dời đi
sang tận kiếp sau.
Có
thể nói, ánh sáng giác ngộ Phật tính trong tập thơ thứ hai này của Đinh Trần
Phương hiển lộ rõ nét hơn tập thơ đầu tay của anh. Khi chiều kích không-thời-gian
trong thơ được mở rộng, người đọc thấy được sự đa dạng của sắc màu ánh sáng
trong thơ anh hơn; đặc biệt, phân biệt được nơi khởi nguồn từng luồng sáng từ
những vùng trực giác, linh cảm.
“Treo
ngược trên cây
rơi xuống chú nhện
đêm pháo hoa.”
Đây
là bài thơ tiêu biểu cho lối tư duy trực giác. Chú nhện rơi xuống từ trên cây trong đêm pháo hoa là chuyển động vật lý tự nhiên không sắp đặt, một kiểu
rơi tự do. Sự dịch chuyển trong bài thơ đã mở ra vùng không gian linh giác. Tác
giả như hóa thân vào chú nhện treo ngược trên cây đợi đến thời điểm có pháo hoa
mới rơi. Như vậy, nhà thơ đã cho chú nhện,
một sinh vật bé nhỏ hiểu được “sứ mệnh cao cả” của mình là rơi xuống trong đêm pháo hoa. Và ngược lại, pháo hoa đã đợi lệnh của chú nhện mới chính thức khai mở đêm hội.
Ở đây khái niệm ý tượng đã phát triển thành ý cảnh. Nhà thơ đến gần
với sự đốn ngộ, một loại trực giác tức thì, thấu triệt lung linh, khó nắm bắt;
là sự phát triển phần thiêng của con người, một trạng thái xuất thần trong sáng
tạo.
“Có
một niềm vui
khi đêm tắt đèn
trong lòng con gián.”
Bài
thơ trên mở ra một cảnh giới khác được trực giác mách bảo trong không gian tĩnh
lặng, không thêm một sắc màu xuất hiện, cũng như không một chuyển động nào xảy
ra nếu ta quan sát bằng mắt thường. Nhưng thông qua trực giác của nhà thơ, niềm vui hiện ra tựa như sương khói, như
nguồn nước được dồn nén trong lòng con
gián. Niềm vui ấy thật lạ lùng,
tôi cảm nhận như chúng được cô đặc rồi trương nở trong một thể tích rất hẹp.
Qua đây cho thấy sự khác nhau giữa tư duy trực giác và tư duy phân tích, giữa
đốn ngộ và tiệm ngộ và các chiều kích của tưởng tượng, cảm xúc.
“Bóng
người ngư phủ
một mặt trời buồn
vớt trong mắt cá.”
Bài
thơ cho thấy sức khơi gợi, sức mạnh của trực giác để bạn đọc nhìn thấy một hiện
thực khác nằm ở phía sau, phía bên kia hiện thực ta có thể quan sát. Tác giả
đặt chữ bóng ở đầu bài thơ biến cả
thế giới thực tại trở nên huyền hoặc, hư ảo. Nhờ ánh sáng của linh cảm mà mọi
vật trong bài thơ hiện ra công bằng, tương duyên lẫn nhau. Tôi cảm nhận như
kích cỡ của chúng cũng bằng nhau nữa… Ánh sáng ấy bắt nguồn từ tri thức tương
quan và sự tích lũy phong phú mới khởi phát được nhãn giới đặc biệt nơi người
viết như vậy. Nếu mượn cách nói của Osho
thì bài thơ trên được sinh ra từ trực giác siêu linh trong trạng thái tiệm ngộ.
Tôi không dùng khái niệm đốn ngộ bởi sự chuyển dịch, chuyển hóa trong bài thơ
diễn ra từng bước chậm.
“Đưa
tang
từ tiếng khóc
mọc lên tiếng khóc”;
“Xe
gạch đầy
người kéo bộ
ngược chiều thu”;
“Mấy
con chim sẻ nâu
đậu trên những cành
thông
quả rụng đầy”…
Ở
những bài thơ mang tính trực giác thường xuất hiện một hình ảnh “khởi duyên”
nhưng không giữ vai trò chủ đạo. Những hình ảnh, chú nhện, bóng người
ngư phủ, bầy sẻ nâu, tiếng khóc, xe gạch xuất hiện trong phần đầu bài
thơ chỉ làm phông nền, là cánh cửa mở ra những thế giới hư huyền sau đó. Ta dễ
dàng nhận thấy từ những “nhân vật” khởi sự này đến chủ đích của mỗi bài thơ là
một khoảng cách. Khoảng cách ấy có thể coi như trọn vẹn một lương duyên, một
hành trình, một lẽ sống… Chuyển động ấy cho thấy những mối tương quan duyên
sinh Nhân-Quả. Ở những bài thơ đến từ vùng trực giác, ngoài ý nghĩa bất biến
của cái đẹp, nó luôn có sức cuốn hút, mời gọi người đọc kiến tạo cho mình một
đời sống an lạc, thanh bình.
“Văng
vẳng kèn tang
đoàn người lầm lũi
đi vào trong mơ”;
“Một
con thuyền che giấu
sự rỗng không
lơ đãng của dòng sông”;
“Đêm
tĩnh lặng
sau đám tang
đâu mất chiếc dùi
trống”…
Chuỗi
hình ảnh chủ đạo trong những bài thơ trên đa số nằm ở câu thơ đầu, cá biệt
trong câu thứ hai. Mỗi bài thơ thường xuất hiện duy nhất một hình ảnh gây bất
ngờ để đi đến kết cục. Những hình ảnh trong mơ, lơ đãng của dòng sông,
đêm, mất chiếc dùi trống… đã đưa ta đến không gian vô tận
của giấc mơ, nơi vô thủy vô chung, tạo nên những hình bóng mong manh, vương
vấn.
"Nỗi
buồn của chiếc lá khô
tôi mở xem
ánh trăng"
Đó là
bài thơ trong tập đầu tay “Cánh trăng”
của Đinh Trần Phương. Tôi muốn bạn yêu thơ cùng đọc lại bài thơ này để thấy
“hiện thân” ánh sáng trong thơ anh đã lớn lên, trưởng thành trong tập thơ vừa
xuất bản. Nếu ánh sáng trong tập thơ đầu là những câu chuyện nhỏ có khả năng
dẫn đường, thì ánh sáng trong “Giấc mơ
của bàn tay” tự nó đã vẽ một lộ trình cho tác giả, những đích tới chân
trời.
Trong
cuốn “Giấc mơ của bàn tay”, ngoài
phần thơ, tác giả còn công bố những bài nghiên cứu, tiểu luận bàn về những mối
tương quan giữa thơ haiku và hội họa, haiku và
Phật tính, haiku và cái đẹp,… Phần này hé lộ cho ta rằng tác
giả cuốn sách đã có được hệ thống kiến thức sâu rộng về văn hóa Nhật Bản, đặc
biệt về thơ haiku và tầm ảnh hưởng của nó tới thi ca ở nhiều
quốc gia trên thế giới.
Trước
khi khép lại bài viết, tôi xin trích lời tâm sự của Đinh Trần Phương in trong
phần đầu cuốn sách. Tâm sự này phần nào cho thấy tâm thế, quan điểm thẩm mỹ về
thơ haiku không tiêu đề của anh: “Mỗi bài thơ là một khai ngộ nhỏ, là
tình yêu và là sự trân trọng của tôi với đời sống. Làm một bài thơ haiku là nắm
bắt khoảnh khắc của thực tại, theo nghĩa rộng nhất của từ này. Một khoảnh khắc
được nhìn ra, được sáng tạo, và được thuần khiết hóa. Khoảnh khắc màu nhiệm ấy
vừa đi qua vừa ở lại, lưu giữ trong màn sương quên lãng của thời gian. Tôi hình
dung về nó như một khoảnh khắc thiền…”.
Nhà
thơ Đinh Trần Phương sinh năm 1981, tiến sĩ Vật lý tại Pháp, hiện là giáo viên
Vật lý trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Ngoài hai tập thơ đã công bố, Đinh Trần Phương đã xuất bản hai cuốn sách do anh
dịch: tiểu thuyết “Tuyết” của nhà văn
Maxence Fermine (NXB Văn học, 2008), và “Nghệ
thuật kịch Nō” của tác giả Zeami Motokiyo (NXB Thế giới, 2018).
Tôi
chưa một lần đàm đạo cùng Đinh Trần Phương, chỉ thoáng thấy anh từ xa tại Trung
tâm Văn hóa Pháp - L’Espace tại 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội vào mùa hè
2018. Nhưng hai tập thơ “Cánh trăng”,
“Giấc mơ của bàn tay” cùng hai cuốn
sách dịch đã cho tôi hình dung được chân dung anh – một nhà thơ giàu sức sáng
tạo và trong suốt. Đó chính là tài năng và tư chất cần có của một thi sĩ để anh
có thể đi tới cùng giấc mơ về Cái đẹp của mình. Tôi trân quý một nghệ sĩ trí
thức, thi sĩ Đinh Trần Phương – người đang mơ giấc mộng “Bàn tay đính đầy trăng”.
5/6/2021
