Thơ siêu thực không xa lạ (tiểu luận) - Hồ Thủy Giang

Thơ siêu thực không xa lạ

 

 

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Tấm gương say mê lao động nghệ thuật

Hồ Thủy Giang, nhà văn, nhà phê bình văn học

 

 

Hồ Thủy Giang

 

VNTN – Một số người viết và người đọc có một thói quen hễ gặp một lối viết có vẻ khác thông lệ, không hợp với quan niệm cố hữu bấy nay đã ăn sâu vào ý thức thưởng thức và sáng tạo của mình, thường luôn hoài nghi, thậm chí cảnh giác. Thời cả nước hướng về mục đích cứu nước thì văn học nghệ thuật cần phải khai thác những đề tài và vận dụng những phương pháp sáng tác cốt sao phục vụ đại chúng một cách hiệu quả nhất. Những gì thuộc về cá nhân cần hạn chế. Nhưng từ những năm tháng Đổi mới (1986) và nhất là đã bước vào cuối thập kỷ thứ 2 thế kỷ XXI, sự hòa nhập với các nền văn hóa, văn minh thế giới đã được mở rộng ở mức tối đa, văn chương cũng như các chuyên ngành khác rất cần sự tiếp nhận, học hỏi. Đó là chuyện tất yếu.

Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu, các phương pháp nghệ thuật không chỉ gồm các tinh hoa mà trong đó có cả phần rác nên việc tiếp nhận luôn là vấn đề cần tỉnh táo và có sự sàng lọc. Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều khuynh hướng sáng tác trên thế giới đã được các nhà văn Việt Nam vận dụng khá sáng tạo và hiệu quả.

Ở bài viết ngắn này, chỉ xin được trao đổi với bạn đọc và bạn viết riêng về thơ siêu thực đã ảnh hưởng đến các nhà sáng tác và độc giả của ta như thế nào.

Theo nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy, chủ nghĩa siêu thực đã có nguồn gốc từ chủ nghĩa lãng mạn thần bí Đức. Vào đầu thế kỷ XX cũng được một số nhà thơ ở Châu Âu thể hiện trong các tác phẩm của mình. Nhưng chủ nghĩa siêu thực chỉ thực sự hình thành từ nhà thơ André Breton (Pháp) cùng các cộng sự của ông sau khi nhóm Dada tan rã vào năm 1924. Và sau bản tuyên ngôn của André Breton (1924), thuật ngữ chủ nghĩa siêu thực mới được sử dụng rộng rãi trong văn học và nghệ thuật. Chủ nghĩa siêu thực bắt đầu từ thơ, về sau có sức ảnh hưởng lớn đến hội họa, điện ảnh, văn xuôi…

Tư tưởng triết học của chủ nghĩa siêu thực được dựa vào học thuyết trực giác của Bergson và phân tâm học của Freud. Những nguyên tắc mỹ học của trường phái này có thể hiểu tóm lược: Hướng về thế giới vô thức của con người; đề cao cái ngẫu hứng, không qua sự kiểm soát của lý trí; vứt bỏ phân tích lôgic, chỉ tin cậy ở trực giác, giấc mơ, ảo giác, mê sảng, linh cảm bản năng; kêu gọi sự hồn nhiên của trẻ thơ… Vì thế chủ nghĩa siêu thực chủ trương thơ ca phải được tuôn trào tự do. Về ngôn ngữ, không cần sử dụng các dấu chấm câu, không cần tuân thủ trật tự ngữ pháp… Từ những nguyên tắc trên, chủ nghĩa siêu thực đã đề xuất lối viết tự động. Như vậy, chúng ta thấy, chủ nghĩa siêu thực đã tồn tại cả những tinh hoa và sự bất cập. Trên thực tế, siêu thực, với ý nghĩa là một chủ nghĩa đã hoàn toàn tan rã chỉ sau khi ra đời khoảng hơn mười năm (vào cuối những năm 30, thế kỷ XX). Tuy vậy, cho đến tận ngày hôm nay, các yếu tố (tích cực) của chủ nghĩa siêu thực đã lan rộng khắp thế giới trong đó có Việt Nam, đã đưa thi ca lên một tầm cao mới.

Các nhà thơ siêu thực thường rất coi trọng lối viết tự động và xây dựng hình ảnh thơ siêu thực. Khi thơ thiếu vắng hoặc xa lánh vần luật thì hình ảnh chính là yếu tố cho sự hay/dở của bài thơ. Vậy hình ảnh thơ siêu thực khác với hình ảnh thơ thông thường như thế nào?

Reverdy, một nhà thơ của phái siêu thực đã định nghĩa về hình ảnh thơ siêu thực như sau: “Hình ảnh là một sáng tạo thuần túy tâm linh. Nó không thể sinh ra từ so sánh, mà từ sự sáp vào nhau của hai thực tại ít hay nhiều xa nhau. Những quan hệ của hai thực tại được đặt cạnh nhau càng xa nhau và càng thích đáng, thì hình ảnh sẽ càng mạnh mẽ – nó sẽ càng có sức mạnh xúc cảm và sức mạnh về thực tại thơ…“. Còn theo quan niệm của J.Vaché: “Hình ảnh trong thơ siêu thực là những va đập chói lòa của từ ngữ“. Các nhà siêu thực luôn cho rằng hình ảnh thơ siêu thực ra đời phải dựa vào kinh nghiệm của những biểu hiện vô thức như giấc mơ, ảo giác, sự mê sảng, hồi ức ấu thơ, linh ảnh thần bí, mang tính chất mộng mị, chiêm bao. Để nhấn mạnh ý niệm ấy, nhà thơ Saint Pol Roux trước khi đi ngủ đã treo tấm biển trước cửa “Nhà thơ đang làm việc”.

Luận điểm cơ bản của các nhà siêu thực khi xây dựng hình ảnh thơ siêu thực phải được sinh ra “Từ sự xích lại gần nhau của hai hiện thực ít nhiều xa nhau” (Breton dẫn lời của Reverdy vào tuyên ngôn thứ nhất của chủ nghĩa siêu thực). Hai hình ảnh đặt cạnh nhau càng có sự cách biệt, có độ xa về nghĩa càng trở nên lý thú, càng siêu thực. Dĩ nhiên, sự cách biệt này cần một sự tương đồng thích đáng. Ba yếu tố không thể thiếu khi xây dựng hình ảnh thơ siêu thực là: Bất ngờ, sai biệt và phi lý (tham khảo thêm bài viết “Hình ảnh trong thơ siêu thực” của TS. Đào Duy Hiệp).

Theo TS Đào Huy Hiệp thì chủ soái của văn chương siêu thực – nhà thơ Robert Bréchon đã chỉ ra ba cấp độ xây dựng hình ảnh thơ siêu thực (từ đơn giản đến phức tạp) như sau:

1. Từ “như” (comme) so sánh:

– Những Chủ nhật đã đi qua như rắn nước đang đi qua

(Leiris)

– Áo măng tô của nàng kéo lê như một mặt trời lặn

(Desnos)

– Thân em như hạt mưa sa

(ca dao Việt Nam)

Trên thực tế, chúng ta đã gặp nhiều hình ảnh so sánh cái này với cái kia cốt chỉ đạt mục đích về hình dạng, màu sắc như “da trắng như trứng gà bóc”, “Ngón tay to như quả chuối mắn”. Các hình ảnh so sánh này không phải là hai hiện thực cách xa nhau, không gây sự bất ngờ, sai biệt. Vì vậy, chúng không phải là hình ảnh thơ siêu thực.

Sự so sánh hai vế A như B ở ba ví dụ trên, tuy có phần đơn giản nhưng vế B của các so sánh đã ít nhiều gây nên sự sửng sốt, khác lạ so với các hình ảnh thơ thuần túy. Những Chủ nhật so sánh với rắn nước đang đi qua; Áo măng tô so sánh với một mặt trời lặn; Thân em so sánh với hạt mưa sa. Rõ ràng chúng là những thực tại xa nhau nhưng đã được đặt bên nhau, mang yếu tố bất ngờ. Đó là những hình ảnh được sinh ra từ mộng mị, trở thành hình ảnh thơ siêu thực.

2. Cấp độ thứ hai, thay vì được kết hợp bởi liên từ “như” (hoặc từ tương đương) thì A và B được đặt cạnh nhau:

Cây đậu tía áo dài hun khói

Cây dương địa hoàng pha lê mịn

Cây hoa đinh những đôi môi sản sinh

Em duy nhất và anh nghe thấy cỏ từ tiếng em cười

(Eluard)

“Cỏ” và “tiếng em cười” là hai “thực tại” xa nhau được sáp nhập vào nhau cho tri giác về âm thanh vang lên của tiếng cười vui vẻ với cái nhìn đồng cỏ xanh rờn đã trở thành biểu tượng cho sự trẻ trung đầy hy vọng. Tai ở đây làm thay cả nhiệm vụ của mắt: “nghe thấy cỏ”.

3. Bréchon cho rằng còn một loại so sánh thứ ba rất đặc thù của siêu thực: đó là ẩn dụ cụt (métaphore tronquée), nghĩa là không còn sự đặt gần nhau của hai phần được so sánh nữa mà là sự thay thế từ vế này sang vế kia. Đây là loại hình ảnh được kết hợp phức tạp nhất của siêu thực. Ví dụ hai câu thơ của Breton sau đây rất hay được dẫn:

Trên cây cầu, vào cùng một giờ

Cũng vậy hạt sương trên đầu con mèo cái đang tự dối mình.

Ở đây không thể biết được chắc chắn những vế nào dùng để so sánh. “Hạt sương” gợi nhắc đến “mèo cái” hay ngược lại? Sự sáp lại gần nhau của hai “thực tại” trên không mang chức năng gợi ý đến sự tương đồng giữa chúng mà lại giống như một thực thể siêu nhiên. Trong các ví dụ ở cấp độ 1, 2 ở trên ít ra còn có mối dây liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp nào đó, nhưng ở câu thơ trên rất khó “nối” chúng lại với nhau.

Ở bài này, người viết nhằm một hướng khác nên về phương diện lý thuyết xin chỉ được tóm lược những ý chính từ chuyên luận “Hình ảnh Thơ siêu thực” của Đào Duy Hiệp để chúng ta cùng tham khảo.

Thực ra, ở Việt Nam, những hình ảnh thơ có sự gần gũi, mang bóng dáng hình ảnh thơ siêu thực đã được các nhà thơ sử dụng từ lâu đời. Trong văn học dân gian, ngoài ví dụ “thân em như hạt mưa sa” mà Đào Duy Hiệp đã dẫn trong chuyên luận, chúng ta có thể tìm thấy trong kho tàng văn học dân gian không ít những ví dụ tương tự.

Văn học trung đại cũng từng có những dấu ấn của hình ảnh thơ siêu thực. Trong bài “Tính hiện đại trong thơ” nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đã nêu một số ví dụ rất đặc sắc: Vàng rụng giếng ngô sa lá gió/ Bạc xuy giậu cúc nảy chồi sương (Tương An quận vương thời Tự Đức); Mai bạc lạnh quen nhiều tháng trước/ Cúc vàng thơm đổi mấy phen hoa (Nguyễn Bỉnh Khiêm); Phấn hoa đầu cành làm nặng râu ong/ Bùn khóm rau cần làm thơm dấu chân chim én (Nguyễn Ức đời Trần)…

Thời kỳ Thơ Mới (1932 – 1945), văn hóa, văn học Pháp lúc đó đã phổ biến khá rộng rãi sang Việt Nam. Vì vậy, rải rác trong các tác phẩm của các nhà thơ như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh… ta nhận thấy, người ít, người nhiều, người tự giác người tự phát nhưng đều có sự xuất hiện các yếu tố siêu thực. Chế Lan Viên từng tuyên bố không chấp nhận siêu thực trong ý nghĩa là một chủ nghĩa. Ông cho đó là vấn đề của châu Âu. Dù vậy, Chế Lan Viên vẫn để lại những câu thơ mang màu sắc siêu thực:

Xanh biếc màu xanh, bể như hàng nghìn mùa thu qua

còn để tâm hồn nằm đọng lại.

Sóng như hàng nghìn trưa xanh trời đã tan xanh ra

thành bể và thôi không trở lại làm trời”

(Cành phong lan bể)

Nguyễn Xuân Sanh cũng vậy khi tạo ra những hình ảnh“chiều đọng nhạc trầm mi”, “hồn xanh ngát”, “trái xuân sa”, “vai suối tươi”, “ngàn mây tràng giang”, “vây tóc mưa”… trong bài thơ “Buồn xưa” khuấy động dư luận một thời.

Trong các nhà Thơ mới, màu sắc siêu thực ấn tượng nhất, không ai khác là Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên, Chế Lan Viên đã có một nhận định: “Hàn Mặc Tử không phải là nhà thơ siêu thực. Tượng trưng càng không. Chủ yếu anh vẫn là nhà thơ lãng mạn sử dụng các yếu tố siêu thực ở độ đậm đặc”. Có lẽ chính từ cuộc sống mỏi mòn trong bệnh tật, cô đơn, trong bóng đêm hoang hoải đầy ác mộng, ẩn ức, ám ảnh giữa thực và mộng của ông đã thăng hoa từ vô thức mà bừng lên những hình ảnh siêu thực trên cái nền lãng mạn: “Không gian dày đặc toàn trăng cả/ Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng”, “Nước hóa thành trăng trăng ra nước/ Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm”…

Thơ siêu thực không có sự hình thành một cách hệ thống trong nền thơ Việt Nam, nhất là sau 1945 và trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Cho đến tận sau ngày thống nhất và bước vào thời kỳ Đổi mới, các nhà thơ Việt Nam mới có đủ điều kiện tiếp nhận lại những gì mà trước đó hoàn cảnh lịch sử chưa cho phép.

Trong mấy chục năm qua, tuy thơ siêu thực chưa có sức ảnh hưởng lớn và rộng rãi đối với các nhà thơ Việt nhưng vẫn có một số tác giả gắn bó, duyên nợ với khuynh hướng này. Có thể kể đến những nhà thơ như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Hưng, Dương Tường, tiếp theo là Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn…

Có nhà phê bình đã coi bài thơ “Lá diêu bông” là bài thơ siêu thực tiêu biểu nhất, đẹp nhất của Hoàng Cầm trên cả hai mặt tiềm thức – giấc mơ và lối viết tự động. Đó là thơ siêu thực kiểu phương Đông bay lên từ một vùng quê quan họ thơ mộng trữ tình, mang cái nét riêng của Hoàng Cầm: thơ siêu thực – hiện đại – dân gian (Xung quanh Chiếc lá diêu bông của Hoàng Cầm – Xuân Nguyễn):

Chị cười xe chỉ ấm trôn kim

Chị ba con

Em tìm thấy lá

Xoè tay phủ mặt chị không nhìn

Từ thuở ấy

Em cầm chiếc lá

Đi đầu non cuối bể

Gió quê vi vút gọi

Diêu bông hời!…

– Ới diêu bông!…

(Lá diêu bông)

Với thơ của tác giả này, nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý cho rằng “Có thể Hoàng Cầm không có lý luận, không có tuyên ngôn như nhóm siêu thực của André Breton, nhưng trên thực tế, ông đã sáng tác như họ”.

Tương tự, là một ví dụ về Lê Đạt:

Chia xa rồi anh mới thấy em

Như một thời thơ thiếu nhỏ

Em về trắng đầy cong khung nhớ

Mưa mấy mùa

mây mấy độ thu

Vườn thức một mùi hoa đi vắng

Em vẫn đây mà em ở đâu

Chiều Âu Lâu

bóng chữ động chân cầu

(Bóng chữ – Lê Đạt)

Mai Văn Phấn cũng là một tác giả tiêu biểu:

Nơi ấy da thịt em đang ngủ, bởi trong anh có tiếng tâm linh đang thì thầm:

Em lần theo bóng mây trôi

Thấm qua sóng lá vô hồi

Đằm vào anh tiếng chim đôi bất ngờ…

(Em xa)

Hoặc:

Hoàng hôn như một cửa chùa

Hư không trên ngón tay vừa đi qua

Ta ngồi nhập định cùng hoa

Thành chuông ai thỉnh ngân nga cỏ mềm

Cầm tay gió dắt vào đêm

Mà hồn xanh lỡ để quên cuối trời

Dấu chân xin cát chớ vùi

Cho ta về lại luân hồi kiếp sau.

(Qua hoàng hôn)

Qua mấy ví dụ trên, ta dễ dàng nhận thấy dường như thơ siêu thực châu Âu đã được các nhà thơ Việt Nam “Việt hóa” một cách khá ngoạn mục. Thể lục bát truyền thống của ta đã được Mai Văn Phấn sử dụng làm cái vỏ hình thức cho sự hình thành các hình ảnh thơ siêu thực một cách thành công. Và, rất có thể chính sự “Việt hóa” này sẽ được bạn đọc Việt Nam chấp thuận, đồng điệu hơn so với thơ siêu thực châu Âu.

Như vậy, ta nhận thấy, thơ siêu thực không hề xa lạ với các nhà thơ Việt Nam. Thậm chí, trong phong trào thơ ở bất cứ một địa phương nào ta cũng có thể tìm thấy những vần thơ mang bóng dáng siêu thực. Có thể dẫn ra hàng loạt hình ảnh thơ rải rác trong các tập thơ của các tác giả ở Thái Nguyên trong khoảng mấy chục năm qua:

– Đêm mơ ngủ trong tóc tre ẩm ướt

Lô Giang như thiếu phụ nhớ chồng

(Thảng thốt Hà Giang- Nguyễn Đức Hạnh)

– Có một tiếng đàn mắt đen

Vỡ trong đêm trắng

(Tiếng đàn bầu – Nguyễn Đức Hạnh)

– Những vì sao nghẹt thở

Linh hồn ai đang tan

(Đêm – Võ Sa Hà)

– Dòng sông giấu biết bao đường ngầm thời chiến

Nước cứ trôi êm, con đường ngủ trong lời ru của nước.

(Sông Cầu của tôi – Võ Sa Hà)

– Ly cà phê

Đen như đêm

Đắng như đêm

(Không đề – Nguyễn Hữu Bài)

– Con, cây rau răm bước ra đường ngày tiễn biệt

(Thơ trước ngày giỗ – Nguyễn Thúy Quỳnh)

– Chiếc lạt mỏng hồn em nơi đáy mắt

Câu thơ tình buộc chặt đời tôi

(Chiều nắng ngược – Thế Chính)

Những hình ảnh: “Lô Giang như thiếu phụ nhớ chồng”, “Tiếng đàn mắt đen”, “Những vì sao nghẹt thở”, “Con đường ngủ trong lời ru của nước”, “Đắng như đêm” là những hình ảnh mang màu sắc siêu thực. Đặc biệt, hình ảnh “Con, cây rau răm…” của Nguyễn Thúy Quỳnh được “chiết xuất” từ câu ca dao “Gió đưa cây cải về trời/rau răm ở lại chịu lời thị phi”  “Chiếc lạt mỏng hồn anh….câu thơ tình…” cũng được hình thành từ câu thành ngữ “lạt mềm buộc chặt”. Đó là những hình ảnh siêu thực rất Việt Nam.

“Có lẽ khi sáng tác, các tác giả của nó không có chủ đích viết thơ siêu thực mà chỉ là một cuộc gặp gỡ, đồng điệu tự nhiên. Sự xuất hiện các câu thơ trên có thể chỉ là tự phát và chưa thật sự đậm đặc tính siêu thực kiểu các nhà siêu thực Pháp nhưng rõ ràng các tác giả đã viết nên những câu thơ ít nhiều mang vẻ siêu thực.”

Có một điều đáng lưu ý. Qua khảo sát của nhiều nhà phê bình về hình ảnh thơ siêu thực của các nhà thơ Việt Nam như Hoàng Cầm, Mai Văn Phấn và một số tác giả khác đã nhận thấy có sự hòa cảm giữa truyền thống và hiện đại để làm nên những hình ảnh siêu thực mang màu sắc Việt Nam, gần gũi với người đọc Việt Nam. Phải chăng đó chính là con đường mà các nhà thơ của ta cần hướng tới?

Phương pháp siêu thực thực ra chỉ là phương tiện chứ không phải là “bảo bối” để tạo ra những tác phẩm có giá trị như một số người lầm tưởng. Điều đáng tránh nhất có lẽ là sự muốn tỏ vẻ ta đây đang viết theo chủ nghĩa siêu thực để lòe đời (đã có đôi ba tác giả mắc). Về điều này, L. Aragon đã từng phát biểu rất chí lí: “Nếu trong khi sử dụng phương pháp siêu thực mà các ngài viết ra những điều ngớ ngẩn đáng buồn, thì chúng sẽ vẫn là những điều ngớ ngẩn đáng buồn. Điều đó là không thể biện bạch. Và nhất là nếu các ngài thuộc nhóm người đặc biệt đáng thương không hiểu nghĩa của từ ngữ, thì rất có thể việc thực hành phương pháp siêu thực sẽ chỉ làm bộc lộ sự dốt nát cán mai của các ngài”. Nhà lý luận M. Micheli cũng từng nói, đại ý: Muốn sáng tác theo siêu thực cũng phải có “Tài năng siêu thực”, và cái vô thức trong sáng tác của người nghệ sĩ siêu thực cũng phải có cơ sở kinh nghiệm chính trị – xã hội, khoa học… có liên quan đến tâm lý học vô thức của Freud, của K. Jung…(dẫn theo Nguyễn Văn Dân).

Có thể đi đến một nhận định chung: thơ siêu thực không hề xa lạ. Sự ra đời của nó chỉ với một mục đích lớn là chống lại sự xơ cứng, muốn vượt qua hiện thực sáo mòn để tìm ra một hiện thực ở tầm cao mới. Chính các nhà siêu thực cũng từng nói: siêu thực là hiện thực chân thực nhất, hiện thực tuyệt đối, là hiện thực bị “cầm tù” trong vô thức, cần phải được giải phóng và được thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật.

Như đã nói ở trên, xét về phương diện triết học, chủ nghĩa siêu thực không còn tồn tại, nhưng một điều không thể phủ nhận là hình bóng của nó dưới góc độ thi pháp vẫn lan tỏa và luôn luôn tươi mới, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới.

Bài viết này, chỉ với một mong muốn được đóng góp một phần rất nhỏ bé trên con đường đổi mới văn chương cùng các bạn thơ. Có điều gì sai sót, chân thành xin được chỉ bảo.

H.T.G

(Nguồn: Văn Nghệ Thái Nguyên)

 

 

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Tấm gương say mê lao động nghệ thuật

Sách của nhà văn Hồ Thủy Giang

 

 

 

 

  

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị