Thơ ca có thể san lấp địa ngục nơi tâm hồn con người - Nhà Phê bình VH Hoàng Đăng Khoa thực hiện PV

Thơ ca có thể san lấp địa ngục nơi tâm hồn con người*

(Nhà thơ-Nhà Phê bình VH Hoàng Đăng Khoa thực hiện PV)

 

 

Nhà thơ-Nhà Phê bình VH Hoàng Đăng Khoa

 

 

 

Giữa kỉ nguyên hậu hiện đại, mọi thứ đều bị/được hoài nghi, giễu nhại, giải thiêng. Vậy mà có một tín niệm nơi nhà thơ Mai Văn Phấn không hề lung lay: vẻ đẹp và quyền năng của thơ. Ông hứng khởi bền bỉ tự kiến tạo riêng mình một thế giới thơ-hiện-đại-thuần-Việt, trở thành một trong những nhà thơ Việt Nam hiện đại có tác phẩm được dịch ra nhiều ngoại ngữ nhất. Và cuối năm 2017, giải thưởng thơ Cikada của Thụy Điển đã gọi tên ông…

Bên lề Ngày Thơ Việt Nam 2018, tại khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), nhà thơ Mai Văn Phấn đã có những chia sẻ nghề nghiệp thú vị với bạn đọc VNQĐ.

 

Hoàng Đăng Khoa: Ông đã bén duyên thơ như thế nào?

Mai Văn Phấn: Tôi có hai lần bén duyên thơ. Lần thứ nhất, tôi chọn thơ nhưng thất bại. Là khi còn học phổ thông. Khi ấy tôi say mê, nhiệt huyết, nhưng chưa nhìn thấy hồn vía của tác phẩm. Tôi nghĩ đơn giản, chỉ cần mình biết gieo vần và diễn tả được trạng thái cảm xúc là có thơ rồi. Nhưng hoàn toàn sai. Đến lần thứ hai, thơ đã chọn tôi và cùng tôi đi đến bây giờ. Tôi muốn dùng từ “thơ chọn”, cũng bởi đến lúc này, tôi đã nhận ra quyền năng và vẻ đẹp của thơ. Thơ trở thành cõi sống, kiếp sống, như định mệnh ám vào tôi mà không thể dứt ra được. Hay nói đúng hơn, tôi không muốn dứt ra nữa. Thơ không chỉ nằm trong chữ, giữa khe chữ, sau văn bản, mà còn tạo ra vùng khí hậu, môi sinh. Vóc dáng người làm thơ vốn thường bé nhỏ, còn duyên thơ luôn lớn lao, bao hàm khái niệm bất tận. Khi đã bén duyên thơ, nếu người viết không sáng tạo được thêm, tức khắc anh ta có cảm giác mọi thứ đều vô nghĩa, bất lực, rã rời…

 

Hoàng Đăng Khoa: Đường thơ của ông không phải là một đường thẳng?

Mai Văn Phấn: Nên coi mỗi bài thơ là một vạch xuất phát, không phải để chạy tiếp sức, mà tìm kiếm một không gian mới/khác. Cũng giống như bổ nhát cuốc vào vỉa quặng, khoan một mũi xuống mạch nước ngầm… Vậy nếu nối các bài thơ của một tác giả lại, ta sẽ thấy con đường anh ta đi có hình zích zắc, trong đó, mỗi bài thơ như một khúc cua gấp trên hành trình dài. Liên tiếp những đoạn cua gấp, không phải nằm ngang trên một mặt phẳng mà tịnh tiến lên trên. Cũng như bản chất của thơ luôn là một giấc mơ cao đẹp, một khao khát thẩm mĩ. Hành trình sáng tạo thơ là liên tiếp những cuộc ra đi. Khi người làm thơ có lí tưởng sáng tạo thì mọi chuyện trái ngang, thua thiệt trong đời sống riêng chung đều được anh ta hóa giải, tự đền bù. Và khi đã biến mọi cung bậc thất tình lục dục thành thơ thì khi nhìn lại, người làm thơ vẫn thấy con đường của mình rất thẳng. Vì lí tưởng sáng tạo chính là một đường thẳng.

 

Hoàng Đăng Khoa: Nhiều người chủ ý tẩy trắng bản sắc/tính dân tộc khi viết, vì cho rằng đó là cách tối ưu để tác phẩm của họ kết nối, hội nhập với thế giới. Tôi thấy có một sự ngộ nhận không nhỏ ở đây. Còn ông thấy sao?

Mai Văn Phấn: Bản sắc, căn tính dân tộc trong tác phẩm nghệ thuật nói chung, trong đó có thơ, luôn làm cho đời sống tinh thần nhân loại giàu có, phong nhiêu thêm. Ở quan điểm cá nhân, tôi thấy nhiều tác phẩm có bản sắc dân tộc “trung tính”, tức có thể ghép nó với bất kì quốc gia, dân tộc nào. Dạng tác phẩm này đã xuất hiện nhiều đến mức bão hòa, tựa như một đám đông vây lấy kẻ sáng tạo làm anh ta ngạt thở vì không còn nhìn thấy đường đi nữa. Trong bối cảnh ấy mọi người vẫn chờ đợi một đóa sen mang bản sắc dân tộc hiện ra. Tôi cũng đã tự mình đi tìm lí do thành công của một số văn tài khổng lồ trong thế kỉ vừa qua, và đã tự trả lời, phải chăng tính dân tộc luôn là nền tảng, hồn cốt trong các tác phẩm của họ.

Chúng ta đã chứng kiến dòng máu Nga chảy trong những bài thơ của J. Brodsky, trong trang văn của A. Solzhenitsyn, hay chứng kiến hơi thở, hình bóng dân tộc Trung Hoa trong tiểu thuyết Linh sơn của Cao Hành Kiện, mặc dù những nhà văn này phải mang vác thân phận lưu vong. Một dẫn chứng khác, đó là nhà thơ Adonis người Syria, dù ảnh hưởng văn hóa phương Tây từ nhỏ, nhưng tác phẩm của ông luôn kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa hiện đại với thế giới tâm linh huyền bí của Ả Rập cổ điển. Hoặc nhà thơ Ba Lan Czeslaw Milosz, đoạt giải Nobel văn học năm 1980, từng phải xin tị nạn chính trị ở Pháp, nhưng trong thơ ông luôn tràn ngập vẻ đẹp tâm hồn con người và cảnh sắc thiên nhiên Ba Lan.

Tác phẩm của các nhà văn lớn ấy cho thấy, bản sắc dân tộc là cốt tủy của sự sáng tạo, nó tiếp biến từ văn hóa gốc bản địa nơi họ đã lớn lên và trưởng thành, trở thành những giá trị quý báu, vun đắp, không chỉ cho những nơi đã nuôi dưỡng họ mà còn cho cả thế giới.

 

Hoàng Đăng Khoa: Phải vậy chăng mà ông hứng khởi bền bỉ tự kiến tạo riêng mình một thế giới thơ-hiện-đại-thuần-Việt, và trở thành một trong những nhà thơ Việt Nam hiện đại có tác phẩm được dịch ra nhiều ngoại ngữ nhất?

Mai Văn Phấn: Điều anh vừa nêu chắc là khao khát chung của những người cầm bút. Thơ đương đại Việt Nam từng bị/được ảnh hưởng từ một số trào lưu thơ ca bên ngoài. Đã đến lúc các nhà thơ chúng ta có quyền mơ ước thiết lập trường phái, khuynh hướng thơ thuần Việt có ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế. Muốn làm được điều đó, nhà thơ cần tích hợp được những tinh hoa của thơ ca thế giới kết hợp nhuần nhuyễn với bản sắc, căn tính dân tộc Việt. Chắc chắn chúng ta phải vượt qua ranh giới hiện tại, những giá trị hiện tại để bứt phá, chuyển dịch về phía trước. Khái niệm khuynh hướng thơ Việt hòa vào dòng chảy thơ thế giới hiện nằm trong máu, trong cốt tủy kẻ sáng tạo. Nếu không tích lũy đầy đủ kiến thức, không có kinh nghiệm cần có và nếu ý chí sáng tạo không mãnh liệt thì khuynh hướng ấy rất khó thành hiện thực. Tôi đang nghe thấy tiếng gọi của khuynh hướng thơ riêng biệt ấy vang lên rất gần ở phía chân trời.

Chỉ khi thơ Việt mang được những giá trị tiên tiến và riêng biệt thì mới đủ sức lan tỏa mạnh mẽ sang những ngôn ngữ khác.

 

Hoàng Đăng Khoa: Thơ hay nhiều khi để cảm, chứ không để hiểu. Tôi hơi khó hình dung những câu/bài thơ tiếng Việt để cảm (như nhiều câu/bài thơ của ông chẳng hạn) sẽ mang sắc diện như thế nào khi được/bị phiên dịch…

Mai Văn Phấn: Thơ cũng giống như âm nhạc và hội họa, đường đến với người thưởng thức nó trước hết qua lối vào trái tim, sau đó mới được phân định bằng lí trí, bằng thị giác, thính giác. Bạn đọc thích một bài thơ cụ thể trước hết vì cảm thấy nó hay. Bài thơ ấy dẫn dắt bạn đọc vào một không gian kì lạ, một cõi hồn của kẻ sáng tạo. Có những câu thơ, bài thơ quyến rũ đến mức bí ẩn nên không thể diễn tả hết bằng lời, bởi nhà thơ đã cảm thấy chúng trọn vẹn và linh diệu khi viết. Một số trường hợp, có thể ngay bản thân nhà thơ cũng không hiểu tại sao lúc ấy mình lại viết như vậy. Phải chăng đó chính là cảm xúc đặc biệt chỉ có được trong sáng tạo nghệ thuật? Họa sĩ - nhà điêu khắc người Tây Ban Nha Pablo Picasso cũng từng nói về sự cảm của kẻ sáng tạo như sau: “Hội họa là nghề nghiệp của một người mù. Anh ta không vẽ những gì anh ta nhìn thấy, mà vẽ những điều cảm nhận được. Đó chính là điều anh ta tự nói với bản thân về những điều đã nhìn thấy.” Những bài thơ, câu thơ giàu cảm xúc và khó hiểu thường xuất hiện lúc thay đổi tâm trạng, những cung bậc tình cảm đan xen khó giải thích, khi thiên nhiên thay mùa, nơi ranh giới mơ hồ của màn vô minh, trong thế giới tâm linh...

Hai dịch giả Erik Bergkvist và Maja Thrane, những người đã dịch tập thơHostens hastighet (Nhịp mùa thu) của tôi sang tiếng Thụy Điển, gọi những câu thơ dễ cảm nhận nhưng khó hiểu ấy là sự “tù mù” cần thiết của một văn bản thơ. Hai dịch giả đã yêu cầu tôi diễn giải, làm sáng tỏ những nơi “tù mù” trong những bài thơ của tôi, và qua đó, họ cũng hé lộ một phần bí quyết nghề nghiệp dịch thuật. Đó là cách các dịch giả trải rộng và soi tỏ đến mức cần thiết sự “tù mù” trong một không gian thơ, rồi sau đó họ “gói/phong kín” chúng lại bằng vẻ đẹp bí ẩn, đặc thù riêng của ngôn ngữ Thụy Điển. Hai bạn Erik và Maja còn hỏi tôi về những linh cảm trước khi một bài thơ cụ thể được bắt đầu, cả cảm giác của tôi khi đọc lại nó trong những tâm trạng khác nhau, và đề nghị tôi đọc lại bài thơ của mình để họ nghe âm sắc từng câu chữ vang lên trong tiếng Việt. Bạn Maja còn yêu cầu tôi hát một số bài dân ca Bắc Bộ, hỏi tôi về tuổi thơ, về những kí ức tháng năm chiến tranh ám ảnh, về chuyện riêng tư, gia đình, về những khẩu vị, thị hiếu âm nhạc, hội họa… Tôi chưa từng gặp dịch giả nào có phong cách làm việc khoa học, tỉ mỉ và nhiệt huyết như Erik Bergkvist và Maja Thrane. Những người bạn thân thiết và đáng yêu này chính là người thầy dạy tôi thêm về sự nghiêm túc và tính chuyên nghiệp trong sáng tạo.

Dịch thơ, rộng ra, là đưa không gian văn hóa của dân tộc này dịch chuyển tương đồng với không gian văn hóa của dân tộc khác mà không làm mất đi diện mạo, cội rễ tinh thần của văn bản gốc.

 

Hoàng Đăng Khoa: Có người đã tiên đoán, hành trình tư tưởng nhân loại thế kỉ XXI là hành trình đi/tìm về phương Đông. Những tập thơ của ông, ngay từ cái tên, đã biểu cảm một thứ minh triết phương Đông, đặc biệt là vũ trụ quan thiên địa nhân tương giao, là tâm thế vô vi. Ông có thể nói đôi chút về câu chuyện này?

Mai Văn Phấn: Tôi quan niệm, mỗi nghệ sĩ nói chung cũng như mỗi nhà thơ nên có vũ trụ quan và nhân sinh quan của riêng mình, từ đó hình thành chân lí sáng tạo, lẽ sống và lối sống trong hành trình của anh ta. Như vậy được hiểu, mỗi nhà thơ có một quan điểm triết học và niềm tin tôn giáo riêng. Có thể tạm chia hai loại quan niệm, thứ nhất, nhà thơ dựa trên một nền tảng triết học hay một tôn giáo cụ thể để tôn thờ, suy nghiệm, sáng tạo; thứ hai, anh ta nương theo tổng hợp những kiến thức mà mình thâu nhận được, tự minh định nó và tạo nhân đức tin để đi tới. Tôi thiên về quan niệm thứ hai. Theo tôi, có một nhận thức chung phù hợp với phần lớn các tôn giáo là, mọi vật trong vũ trụ luôn tồn tại hài hòa và quan hệ khăng khít với nhau. Gần đây tôi có đọc các cuốn sách bàn về vật lí, vũ trụ và tôn giáo của GS. Trịnh Xuân Thuận, thấy rất thích quan niệm này: "Hoạt động của con lắc đồng hồ Foucault không hề dựa vào thái dương hệ này mà là vào những giải thiên hà xa nhất, hay nói một cách đúng đắn hơn, vào toàn thể vũ trụ."

Nếu nhà thơ Hoàng Đăng Khoa tâm đắc với tôi quan điểm trên, thì cuộc trò chuyện của chúng ta tại đây được coi như một điểm đến của hai hành trình tốt đẹp, của anh và của tôi. Tức trước đó, anh và tôi đều đã sống đẹp, đã sáng tạo với đúng nghĩa ở đâu đó nên chúng ta đã/ được gặp nhau tại điểm đến này.

Xin trở lại sát hơn với câu hỏi của anh về tên một số tập thơ của tôi. Như tập thơ Vừa sinh ra ở đó (Nxb. Hội Nhà văn, 2013) mang nội hàm bất chợt nhìn thấy những chuyển dịch, là cửa thiên đường vừa hé mở tại một điểm bất kì trong vũ trụ khi mình nhận ra, là nơi và thời khắc tái sinh không được báo trước trên hành tinh này… Hay tập thơ ba câu - thả (Nxb. Hội Nhà văn, 2015) với ý nghĩa và trạng thái rơi tự do, buông bỏ, phóng thích, đưa vào, giải oan, trả về, bắt đầu, và cũng là kết thúc một chuyển dịch...

 

Hoàng Đăng Khoa: Làm thế nào mà nhà thơ Mai Văn Phấn luyện giữ một cách lâu bền đôi mắt trong veo khi nhìn thế giới như thế được nhỉ?

Mai Văn Phấn: Nghệ sĩ thường không đi về phía tuổi già mà trở lại với thuở ấu thơ, sống với thời trẻ trung của mình. Đây thực sự là một hành trình không kém phần gian nan để gột rửa và buông bỏ. Nó gần với tinh thần của đạo Phật, con người cần buông bỏ những tham sân si để thấy tâm bình an, được hạnh phúc. Mươi năm gần đây tôi có hành thiền theo phương pháp dưỡng sinh tâm năng. Mục đích thiền của tôi là cho vui khỏe, yêu đời hơn và đến được với thơ. Tôi thích đọc sách và nghe các bài giảng của thiền sư Thích Nhất Hạnh nên tâm đắc quan niệm của ông: Niết bàn không phải ở nơi xa lạ, mơ hồ, mà ở ngay trong từng giây phút con người đang sống, đang hít thở. Đặc biệt, tôi rất thích bài kệ có câu từ dung dị mà giàu ý nghĩa của ông khi dạy về thiền chấp tác (thiền làm việc): Nhiệm màu thay tôi gánh nước/ Nhiệm màu thay tôi bửa củi. Soi vào tinh thần của thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi biết mình chưa thực sự sở hữu “đôi mắt trong veo” như anh vừa nói. Nhưng đó là niềm khao khát, điểm đến của bản thân tôi. Tôi cũng thấy đây chính là điểm đến chung của tất cả các nghệ sĩ.

Xin kể câu chuyện vui về họa sĩ Lưu Công Nhân có liên quan đến “đôi mắt trong veo” lúc ông còn sinh thời. Có lần Lưu Công Nhân gửi qua bưu điện cho tôi một gói nhỏ, trong đó có bức thư của ông kèm một ít hạt giống hoa. Ông dặn tôi, đây là một loại giống hoa rất đặc biệt mà trong đời ông chưa từng nhìn thấy hoa nào đẹp như thế. Họa sĩ còn viết thêm, rằng ông tin tôi sẽ đột khởi viết được bài thơ hay khi bông hoa đầu tiên từ hạt giống kia hé nụ. Tôi thận trọng gieo hạt giống hoa đó vào chiếc chậu trước nhà và ngày nào cũng chăm vun tưới. Đến khi cây bật mầm là tôi đã thấy hơi ngờ ngợ. Nhưng khi bông hoa đầu tiên của họa sĩ mở ra thì tôi hết sức ngạc nhiên về ông và càng yêu quý ông hơn. Anh có biết đó là hoa gì không? Là hoa bìm bìm, loài hoa mọc rất nhiều ở chân bờ giậu quê tôi.

 

Hoàng Đăng Khoa: Và giải thưởng Cikada đã gọi tên ông như thế nào?

Mai Văn Phấn: Giải thưởng thơ Cikada của Thụy Điển được trao cho các nhà thơ Đông Á, nơi "cảm quan thơ ca của họ chỉ ra tính bất khả xâm phạm của đời sống". Thơ của tôi có lẽ phù hợp với tiêu chí này.

Nhà thơ - tiến sĩ Lars Vargo (Chủ tịch Hội đồng giám khảo) trong cuộc trao đổi với nhà văn Bão Vũ có đưa ra nhận xét: “Hội đồng giám khảo đều đồng tình về chất lượng thơ của hai nhà thơ Việt Nam Ý Nhi và Mai Văn Phấn. Họ có lối viết giản dị và là những nhà thơ xuất sắc. Khi nói như vậy, nghĩa là chúng tôi đã đủ cảm nhận về tính độc đáo trong những trang viết của họ. Chúng tôi không đi tìm những kiểu thơ đặc biệt, mà quan trọng, nó phải lột tả được sự trân trọng tính bất khả xâm phạm của đời sống một cách sâu sắc. Có nghĩa, ít nhiều phải là những nhà thơ rất nhạy bén, để có thể diễn tả được vẻ đẹp mỏng manh của số phận con người trên trái đất và trong sự sống này.”

 

Hoàng Đăng Khoa: Hướng đến một phong cách thơ thuần Việt, thuần phương Đông, nhưng thơ ông lại khó chạm đến được số đông người đọc trong nước, có thể vì phẩm tính hiện đại của nó, cũng có thể không hẳn vì lí do này. Theo ông thì nên đáng buồn vì tầm đón nhận của một bộ phận người đọc, hay là nên đáng vui vì một nền dân chủ, tự do được kiến tạo trong cộng đồng đọc hôm nay?

Mai Văn Phấn: Theo tôi, vì phẩm tính hiện đại nên thơ chúng ta hiện nay còn xa lạ với những bạn đọc vẫn quen với hệ hình thẩm mĩ cũ vốn đã ổn định. Những bạn đọc thuộc đối tượng này có những khó khăn và cản trở riêng khi tiếp cận các tác phẩm thơ. Một số trong họ có thể đã chán ngán với thứ thơ cứ quanh quẩn lối viết cũ, nhưng lại chưa tiếp cận được thơ có phong cách đổi mới, cách tân. Chính vì thế, có người trong họ đã vội vã kết luận một cách chủ quan, rằng thơ đã hết thời, không có bạn đọc. Tôi nhớ 26 năm trước đây, khi tập thơ Sự mất ngủ của lửa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Nxb. Lao động, 1992) mới xuất hiện đã dấy lên những ý kiến tranh luận nhiều chiều, đa dạng những thái độ khen chê. Nhưng thời gian đã kết lắng lại và khẳng định, Sự mất ngủ của lửa đặt dấu mốc quan trọng khai mở dòng chảy thi ca cách tân trở về sau.

Theo tôi, bạn đọc chúng ta vẫn ưu ái và còn “nhẹ tay” với những giá trị mới mẻ cách tân đấy, chứ nhìn ra bên ngoài thấy nhiều trường hợp trớ trêu, kinh hãi lắm. Ví dụ tập thơ Lá cỏ của nhà thơ Walt Whitman (Hoa Kì). Năm 1855 khi tập thơ mới ra đời, giới phê bình coi đó là những vần thơ “tục tĩu, thô lậu, không niêm luật, không vần điệu, dám công khai ca ngợi tình dục, thể xác...” Thời gian sau đó, tập thơ Lá cỏ được dư luận đánh giá là một cuộc cách mạng trong thi ca, với sự ra đời của một thể thơ mới - thơ tự do, mà Walt Whitman là người khởi xướng. Ông là người có ảnh hưởng lớn nhất tới thơ Mĩ suốt một thế kỉ. Lá cỏ là tác phẩm thơ duy nhất thể hiện vẻ đẹp muôn mặt của đời sống nước Mĩ, đề cao tư tưởng dân chủ, đánh dấu sự ra đời của một nền văn học Mĩ mang đậm bản sắc dân tộc.

Thơ đương đại đang phân hóa mạnh và khá đa dạng. Đó là tín hiệu đáng mừng của đời sống văn học hôm nay. Người đọc cũng phân hóa theo nhiều khuynh hướng đọc, tự do chọn lựa phong cách thơ mà mình yêu thích. Thơ của các nhà thơ theo khuynh hướng cách tân ngày càng nhiều bạn đọc, sớm nhất là sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh… Họ có kiến thức, có ngoại ngữ, đặc biệt hơn là kết nối được với thế giới bên ngoài. Họ tiếp nhận tỉnh táo, có chọn lọc và công bằng.

 

Hoàng Đăng Khoa: Sinh thời, nhà thơ Lê Đạt tự nhận mình là “phu chữ”. Tôi nhớ không nhầm thì có lần nhà thơ Mai Văn Phấn tự nhận mình là “vua chữ”. Hai cách xưng/định danh này vừa giống vừa khác nhau như thế nào, thưa ông?

Mai Văn Phấn: Tôi trân trọng thái độ và tinh thần “phu chữ” của nhà thơ Lê Đạt. Theo tôi, thơ ông gần với trường phái thơ ngôn ngữ và đã để lại cho chúng ta nhiều bài thơ hay, độc đáo.

Năm 2004, trong cuộc trao đổi với nhà thơ Khánh Phương, tôi có đưa ra quan niệm về một không gian thơ, có thể ví nó như một vương quốc, mà trong đó tôi được làm vua những con chữ của mình. Chữ với tôi là phương tiện chứ không phải mục đích. Chữ trong thơ tôi là quân cờ, ngọn đèn, cột mốc, là lính hầu, nô tài của tôi…

Tôi mong ngày càng được “quên” chữ, thay vào đó là vận dụng tối đa ngôn ngữ đời thường, tối giản mà gây hiệu quả, để đưa không gian thơ của mình đến với đông đảo bạn đọc, được dung dị và quyến rũ hơn.

 

Hoàng Đăng Khoa: Nhiều người bảo, nhà thơ chuyên nghiệp phải chủ động gọi thi hứng đến, thay vì thụ động chờ thi hứng đến. Tôi muốn được nghe bình luận của nhà thơ Mai Văn Phấn…

Mai Văn Phấn: Thi hứng nằm trong mục đích sống, thái độ sống của người viết. Có như vậy, nhà thơ mới làm chủ được nội lực của mình, tức chủ động gọi thi hứng đến. Trong trường hợp này, nhà thơ cũng giống như một thiền sư điều khiển được mọi trạng thái trong cơ thể mình. Khi tôi đi học một lớp thiền, thầy giáo đã thực hành cho các thiền sinh thấy, một cánh tay của ông ta ấm nóng hơn cánh tay bên kia, cùng một vài động tác khác nữa… Lúc đầu tôi khó tin, nhưng khi đặt tay vào người ông thì quả thực điều đó đã xảy ra.

Việc gọi thi hứng và giữ được cảm xúc với một nhà thơ là quá trình tích lũy và tu luyện lâu dài, cũng giống như một thiền sư thực hành chánh niệm, một phép thực tập giúp ông ta dừng lại từng phút giây đang hiện hữu.

 

Hoàng Đăng Khoa: Giữa kỉ nguyên hậu hiện đại, mọi thứ đều bị/được hoài nghi, giễu nhại, giải thiêng. Vậy mà có vẻ như một tín niệm nơi nhà thơ Mai Văn Phấn không hề lung lay: vẻ đẹp và quyền năng của thơ?

Mai Văn Phấn: Vẻ đẹp và quyền năng của thơ là bất biến. Từ khi cầm bút tới giờ tôi đều quan niệm, thơ ca luôn mang vẻ đẹp nguyên khởi, nhằm phục sinh, tái tạo thế giới, mãi đối lập với cái ác, xấu xa, gian tà... Xin đừng nghi ngờ về mục đích cao cả này trong trào lưu hậu hiện đại cũng như một số khuynh hướng nghệ thuật tiền phong khác đang thịnh hành. Thực ra, hoài nghi, giễu nhại, giải thiêng chỉ là thủ pháp để nghệ sĩ kiếm tìm một đời sống khác, thế giới khác công bằng, nhân đạo hơn, cũng như khám phá những giá trị mới/ khác mà thôi. Nhà thơ cũng có thể gieo sự hoài nghi, giải thiêng trong lòng bạn đọc, giống như gieo một hạt giống lạ, tự nó sẽ nảy mầm ra hoa trái mới. Và, chính vẻ đẹp và quyền năng của mình, thơ ca luôn là nơi thanh lọc tâm hồn con người, kết nối những con người xa lạ với nhau. Trong vở kịch "Huis Clos" (Xử kín) hay "No Exit[1]" (Không lối thoát) của Jean-Paul Sartre, nhân vật Garcin đã thốt lên: “Tha nhân là Địa ngục” (Hell is other people). Vậy phải chăng, vẻ đẹp và quyền năng của nghệ thuật, trong đó có thơ ca, có thể san lấp địa ngục nơi tâm hồn con người ở bất kì thời đại nào.


___________________________

[1] Trong vở kịch, ba người bị mắc kẹt trong Địa ngục - đó là một căn phòng nhỏ và kín, và cuối cùng, khi thú nhận tội lỗi của mình, họ lại rơi vào một mối tình tay ba kỳ quái.

 

 

(Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 889 - cuối tháng 3/2018)

 

 

 

Một số bìa sách của Hoàng Đăng Khoa

 

 

Một số bìa sách của Hoàng Đăng Khoa

 

 

Nhà thơ-Nhà Phê bình VH Hoàng Đăng Khoa

 










BÀI KHÁC

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị