Công dân Thụy Điển là bạn đọc tinh hoa - Phạm Tùng Lâm, ĐSQ Thụy Điển tại HN thực hiện phỏng vấn
Công dân Thụy Điển là bạn
đọc tinh hoa
(Phạm Tùng Lâm thực
hiện)
Anh Phạm Tùng Lâm, ĐSQ
Thụy Điển tại HN
"Mỗi
thời khắc, mỗi bước chân của tôi đều là ấn tượng khó quên về thủ đô Stockholm.
Nhưng lưu dấu mãi trong tâm trí và tình cảm tôi là tính cách con người Thụy
Điển. Họ khá lặng lẽ và cẩn trọng trong ứng xử, nhưng khi họ đã tin thì chân
thành và gần gũi vô cùng...", đó là chia sẻ của nhà thơ Mai Văn Phấn người
đoạt giải thưởng văn học Thụy Điển Cikada 2017 sau chuyến đi Thụy Điển tuần vừa
qua.
- Xin chào nhà thơ Mai Văn Phấn! Được biết ông
vừa được Ủy ban Thụy Điển vì Việt Nam, Lào, Campuchia mời dự lễ kỷ niệm 50 năm
nhân ngày thành lập Ủy ban và tham gia một số hoạt động văn học tại Thụy Điển.
Xin ông vui lòng cho biết một số cảm nhận từ chuyến đi?
- Trước
hết, tôi trân trọng cảm ơn nhà nghiên cứu văn hoá & dân tộc học Eva
Lindskog trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Thụy Điển vì Việt Nam, Lào, Campuchia
mời đã mời và sắp xếp cho tôi chuyến đi này. Xin cảm ơn Ngài Đại sứ Pereric
Högberg cùng các anh chị Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội đã luôn quan tâm để
chuyến đi của tôi được thuận lợi. Đất nước và con người Thụy Điển không khác xa
với những tưởng tượng của tôi thông qua những cuốn sách của August Strindberg,
Selma Lagerlöf, Agneta Pleijel,… những bài thơ của Karin Boye, Artur Lundkvist,
Gunnar Ekelöf, Edith Södergran, Harry Martinson, Tomas Tranströmer… Tôi được
tận mắt chứng kiến Thụy Điển, một đất nước văn minh có nền kinh tế phát triển
cao, duy trì hệ thống phúc lợi xã hội rộng rãi, một vương quốc của dân chủ, tự
do, đặc biệt bảo vệ tự do dân sự. Thụy Điển cũng là một trong những nước có
Internet phát triển nhanh nhất thế giới. Bất kỳ người dân nào cũng có quyền
truy cập vào các dữ liệu của bộ máy Chính phủ. Mạng xã hội đã giúp cho chính
phủ và công dân giao tiếp, truyền đạt, phản hồi thông tin cho nhau. Thụy Điển
là đất nước hơn 200 năm không có chiến tranh, do vậy, các công trình kiến trúc,
văn hóa hầu như được bảo quản gần như nguyên vẹn. Thủ đô Stockholm là thành phố
cổ kính, có thể gọi là một bảo tàng lịch sử và văn hóa khổng lồ. Stockholm trải
dài trên mười bốn hòn đảo lớn nhỏ đã tạo nên những phong cảnh tuyệt đẹp, độc
đáo và thơ mộng.
- Điều gì đã để lại trong ông ấn tượng đậm nét
và sâu sắc nhất?
- Có thể
nói, mỗi thời khắc, mỗi bước chân của tôi đều là ấn tượng khó quên về thủ đô
Stockholm. Nhưng lưu dấu mãi trong tâm trí và tình cảm tôi là tính cách con
người Thụy Điển. Họ khá lặng lẽ và cẩn trọng trong ứng xử, nhưng khi họ đã tin
thì chân thành và gần gũi vô cùng. Tôi nhớ một đêm cuối thu khá lạnh trong căn
nhà của hai dịch giả Erik Bergqvist và Maja Thrans ở vùng nông thôn Högtorp,
Sörmlandhăm. Lúc ấy đã khuya, anh Erik đã dậy cắm thêm chiếc lò sưởi nữa vì sợ
tôi lạnh. Chị Maja mang một ấm nước lên phòng vì lo tôi thức dậy ban đêm có thể
sẽ khát. Tôi sẽ giữ mãi kỷ niệm ngọt ngào ấy như giữ một viên ngọc quý.
- Qua
Facebook tôi được biết, ông đã cùng các dịch giả Thụy Điển đọc thơ tại Thư viện
Stockholm. Xin ông cho biết cảm xúc buổi đọc thơ hôm đó?
- Trước đó tôi khá hồi hộp vì chưa bao giờ xuất hiện trên một
diễn đàn đặc biệt như vậy. Ngài Elias Hillström phụ trách thơ của Thư viện cũng
báo cho tôi biết trước sẽ có một số vị khách “đặc biệt” xuất hiện hôm đó, như
nhà văn lớn Agneta Pleijel, nhà báo uy tín đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa
Maciej Zaremba, nhà thơ Lars Granström – Ủy viên Hội đồng giải Cikada, và có cả
vị khách thân mật với tôi nữa là chị Ylva Jansson – nguyên Phó Đại sứ Thụy Điển
tại Hà Nội. Hai dịch giả Erik Bergqvist và Maja Thrans đọc thơ tôi bằng tiếng
Thụy Điển trước. Và tôi đã đọc bản tiếng Việt trong niềm xúc động mạnh. Tôi
biết đa số người nghe hôm đó không hiểu hết nghĩa từng tiếng, từng câu thơ của
tôi. Nhưng tôi coi mỗi âm sắc tiếng Việt là một nốt nhạc, và tôi có quyền cho
chúng vang lên đẹp đẽ và sang trọng nhất để biểu cảm tiếng mẹ đẻ của mình. Cuối
buổi đọc thơ hôm đó, một số bạn Thụy Điển đã nói rằng, họ xúc động khi nghe
những bài thơ tiếng Việt giàu ngữ điệu và âm sắc của tôi.
- Ông vừa nhắc tới nhà văn lớn Agneta Pleijel. Đây là tác giả tiểu thuyết “Một
mùa đông ở Stockholm” đã được dịch sang tiếng Việt. Ông có thể tâm sự ngắn về
nhà văn này không?
- Agneta Pleijel đã đến Việt Nam hai lần. Chị là một phụ nữ sắc
sảo, hóm hỉnh, đặc biệt tác phong nhanh nhẹn và trẻ trung dù sắp bước vào tuổi
79. Ngoài sự nghiệp văn chương lẫy lừng, Agneta Pleijel còn là nhà hoạt động
dân chủ, chống áp bức, bảo vệ các nhà văn bị thể chế độc tài cầm tù. Đặc biệt
trong sáng tác, nhà văn lên tiếng đấu tranh cho nữ quyền rất mạnh mẽ. Nhà văn
nói với tôi: “Tôi căm ghét sự bất công, tàn nhẫn trong tình yêu và nhất là
trong tình dục mà phụ nữ phải gánh chịu. Phụ nữ cần được tôn trọng và bình đẳng
với nam giới dù ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Nữ quyền phải được hỗ trợ bởi
luật pháp, phong tục và tập quán”.
- Ông
đánh giá thế nào về đời sống văn học Thụy Điển?
- Thụy Điển có diện tích đất đai lớn gấp rưỡi Việt Nam, nhưng
dân số chỉ bằng 1/10, tức khoảng 10 triệu dân. Trong đó có hơn 1000 nhà xuất
bản. Con số ấy đã nói lên đầy đủ nhu cầu đọc sách, yêu sách của người dân Thụy
Điển. Tôi đã đến thăm Nhà xuất bản Tranan, nơi đã ấn hành tập thơ “Höstens hastighet”
(Nhịp mùa thu) của tôi. Tôi được nhà văn Styrbjörn Gustafsson và nhân viên của
ông tiếp đón trọng thị. Ngoài ra, dịch giả Mimmi Diệu Hường Bergström còn đưa
tôi đến thăm Nhà xuất bản Bonnier. Chị Lina Rydén Reynols, Tổng Biên tập cho
biết, Nhà xuất bản Bonnier có 220 nhân viên, là một tập đoàn xuất bản lâu đời
và lớn nhất Thụy Điển, với đủ các thể loại sách và tạp chí. Những ngày cuối
chuyến đi, tôi đã đến thăm một số gia đình Thụy Điển. Họ là những nghệ sỹ, công
chức, nhà ngoại giao đang sống trong những căn hộ, biệt thự bạt ngàn sách. Tôi
cảm nhận người Thụy Điển đều là những bạn đọc tinh hoa. Đất nước văn minh ấy
chắc chắn là chiếc nôi sinh ra và biết trân trọng những văn tài.
- Cảm ơn nhà thơ đã chia sẻ với bạn đọc của trang Fanpage của Đại
sứ quán Thụy Điển!

Với dịch giả Maja Thrane