Đi đến tận cùng bản sắc dân tộc để gặp nhân loại lớn (Trả lời báo Kitob Dunyos của Uzbekistan. Nhà thơ Xosiyat Rustam thực hiện PV)
Đi đến tận cùng bản sắc dân tộc để gặp nhân
loại lớn
(Trả lời báo Kitob
Dunyos của Uzbekistan. Nhà thơ
Xosiyat Rustam thực hiện PV)

Nhà thơ Xosiyat Rustam
- Với ông, nhà thơ là ai?
- Mai
Văn Phấn (MVP): Nhà thơ trước tiên phải là người được thượng đế chọn, cho anh
ta được nhìn thấy hồn vía các đồ vật, sự kiện cũng như tâm trạng, được nhìn
thấy một thế giới của riêng anh ta. Cái dấu mốc ban đầu này gọi là bản năng thi
sĩ, nó nhất định phải có trong mỗi kẻ sáng tạo. Từ đó, nhà thơ ấy muốn lớn lên
và đi được xa, anh ta phải biết tự trau dồi kiến thức, biết sống, biết trải
nghiệm làm nền tảng vững chắc để anh ta có thể xây được ngôi nhà lớn sau này.
Nếu chỉ dựa vào bản năng thuần túy, tất nguồn sáng tạo trong con người anh ta
sẽ sớm cạn kiệt. Do vậy, tôi quan niệm nhà thơ đồng nghĩa với nhà văn hóa, một
học giả.
- Ông
cảm thấy như thế nào khi sáng tác thơ?
- MVP:
Tôi thường nhìn thấy một thế giới của riêng tôi. Và viết, tức đuổi bắt, phục
dựng cho được thế giới ấy vào trong văn bản. Như vậy có nghĩa, nếu tôi không
nhìn thấy thế giới ấy, hoặc nói khác đi, thế giới kia không xuất hiện thì tôi
sẽ không viết. Câu hỏi của chị bao quát cả quá trình sáng tạo một bài thơ. Bài
thơ ấy là cõi sống, một thế giới tâm linh của riêng tôi. Những hình ảnh trong
bài thơ như cái cây, dòng sông, con chim, mặt trời, giọt sương… vẫn mang bóng
dáng của chúng trong đời thực, nhưng linh hồn và bản sắc chúng, dĩ nhiên phải
thuộc về tôi, mang tâm trí và cảm xúc của tôi. Nếu coi thế giới trong bài thơ
là một vương quốc thì tôi chính là chúa tể vương quốc ấy.
- Ông
đã từng viết trong một tiểu luận, với ý thơ ca thắp lên ánh sáng, rằng, thơ là
niên biểu tâm hồn con người. Ông có thể bình luận thêm về điều này?
- MVP:
Thơ ca cũng giống như các loại hình nghệ thuật khác là sáng tạo ra cái đẹp cho
thế gian này. Sự sáng tạo không đơn thuần chỉ nằm trong ngôn từ, bằng thủ pháp
nghệ thuật, kinh nghiệm, hay thậm chí bằng những điều mà bài thơ ấy đề cập tới.
Vậy cái đích cuối cùng của thơ là tạo ra ánh sáng cho con người. Thơ ca luôn là
bộ mặt của cái thiện để đấu tranh với cái ác. Vậy muốn chiến thắng cái ác thì
cường độ của ánh sáng phải mạnh. Ánh sáng ấy để kết nối con người với nhau, gắn
kết con người với thiên nhiên, với xã hội; đồng thời khơi gợi tính chân thực,
lòng khoan dung trong mỗi con người.
- Ông
có thể nói điều gì về thơ ca thế giới đương đại không?
- MVP:
Thơ ca thế giới vẫn luôn hiện hữu vô cùng đa dạng và mang bản sắc văn hóa của
mỗi vùng miền, dân tộc. Thơ ca cũng phản ánh sự phát triển mọi mặt của từng dân
tộc, từ văn hóa, kinh tế, đến chính trị, tôn giáo… Tuy vậy, tầm vóc của các nhà
thơ nhiều khi không phụ thuộc vào môi trường bên ngoài mà nó có thể vụt sáng
lên như một báu vật được trời phú. Với các tài năng ấy, họ đi đến tận cùng bản
sắc dân tộc họ để gặp nhân loại lớn. Trong thế giới phẳng ngày nay, sự giao
thoa giữa các nền văn hóa đang diễn ra rất đa dạng, cũng như ảnh hưởng của văn
học, đặc biệt thơ ca giữa các dân tộc với nhau càng sôi nổi và mang lại kết quả
tốt đẹp. Có thể ví, thơ ca của các dân tộc tựa những dòng sông hòa vào nhau
thành dòng chảy lớn. Chúng bồi đắp và làm giàu cho nhau, làm phong phú thêm đời
sống tinh thần của mỗi dân tộc.
- Ông
nghĩ thế nào về tương lai của thơ ca?
- MVP:
Theo tôi, nếu thơ cứ mãi sống trong thế giới tâm linh của phương Đông sẽ sinh
luẩn quẩn, cũng như, thơ phương Tây thiên về lý trí, sắc sảo và lạnh lùng sẽ đi
đến cạn kiệt, trơ mòn. Những nhà thơ lớn đương đại đang kết hợp nhuần nhuyễn giữa
tinh hoa của phương Đông với phương Tây để làm nên những diện mạo mới cho thơ
ca thế giới. Tôi có thể lấy nhà thơ Tomas Transtromer của Thụy Điển làm ví dụ
điển hình của một gương mặt thơ thế giới đương đại. Thơ T. Transtromer chứa
nhiều ẩn ức trong không gian đa chiều với phức hợp những hình ảnh. Ông luôn
nhìn sự vật, hiện tượng tự nhiên và đời sống như người nhìn thấy các linh hồn
có số phận riêng, cả những dị biệt mà người khác khó thấy. Những hình ảnh ấy có
lúc sáng rực, lúc nhấp nháy như màn sao huyền hoặc, để bạn đọc đủ hình dung, tự
do tưởng tượng về thế giới bí ẩn và vô cùng phong phú. Thơ T. Transtromer, theo
tôi đã khỏa lấp chỗ trống giữa phương Đông và phương Tây.
- Xosiyat Rustamova: Cảm ơn
ông về cuộc trò chuyện!
(Bản tiếng Uz-bek: Kitob Dunyosi)
