Tiếng chuông trong trà thất ở Seoul - Mai Văn Phấn

Tiếng chuông trong trà thất ở Seoul

 


 Nhà thơ Kim Sa-in (bên phải), nhà thơ Ko Hyung-Ryul, MVP

 

 

Mai Văn Phấn

 

Liên hoan Nhà văn quốc tế 2019 do Viện Dịch thuật Văn học, Bộ Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc tổ chức vào đầu tháng 10 tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Sau bế mạc lễ hội, nhà thơ Kim Sa-in (Chủ tịch Viện Dịch thuật Văn học) và nhà thơ Ko Hyung-Ryul (Tổng biên tập tạp chí Thi học hiện đại) đã chọn quán trà Chodang trên phố cổ Insadong làm nơi chia tay tôi. Tên quán Chodang có nghĩa đơn giản là trà thất nhỏ.

 

Len qua những đoàn người du lịch và khách mua hàng trên phố, chúng tôi rẽ vào một con hẻm. Tôi thực sự ngạc nhiên và thú vị khi đến quán trà, nhìn tên quán được viết thảo bằng phấn màu trên cánh cửa đã bong tróc nhiều lớp sơn. Trà thất này khá hẹp, chưa đầy 20 mét vuông, bầy biện rất nhiều cổ vật. Tôi theo sau hai nhà thơ, cùng bước chậm lại và ngồi xuống ghế.

 

Nhà thơ Kim Sa-in tâm sự, ông là khách quen của trà thất này đã ba mươi năm có lẻ, và từ bấy đến nay, mọi vật bài trí trong trà thất hầu như không thay đổi. Vẫn một vài bóng đèn vừa đủ sáng dưới chao đèn được phất bằng giấy bóng kính. Trên bức tường đối diện cửa ra vào vẫn treo một bài thơ cổ lồng trong khung kính đã ố mờ. Bài thơ có tên "Khúc hát chim vàng anh", được viết thảo bằng chữ Hangul. Chữ Hangul là quốc ngữ của người Hàn, có bảng chữ cái riêng, được Sejong Đại Đế (vị vua thứ tư của triều đại Joseon) tạo ra vào năm 1443. Theo bà chủ quán trà, bài thơ treo trong quán cũng là ca từ một bài dân ca cổ của người Hàn Quốc ra đời từ năm 17 trước công nguyên. Bài thơ do một nhà sư viết tặng bà khoảng 40 năm trước khi ông tới đây thưởng trà. Quán cũng chỉ có duy nhất một chiếc bàn nhỏ, một ghế đơn và một ghế kiểu salon chỉ đủ cho hai người ngồi. Khách vào thưởng trà cùng lúc tối đa không quá ba người. Ngồi trong căn phòng cổ kính này tôi ngỡ mình lạc vào một không gian xa xưa, cách biệt với đời sống hiện đại bên ngoài. Khoảng năm phút, một tiếng chuông chùa vọng ra từ chiếc loa rất cũ. Chỉ duy nhất một tiếng chuông!

 

Sau vài tiếng chuông, bà chủ quán chậm rãi bưng ra khay trà đặt lên chiếc bàn thấp trước mặt chúng tôi và cung kính rót trà vào ba chiếc bát nhỏ bằng gốm sứ màu ngọc thạch. Đây là kiểu bát irabo miệng hơi hẹp giữ được nhiệt trong mùa thu và mùa đông. Còn mùa hè người Hàn thường uống trà bằng kiểu bát katade miệng rộng để nước mau nguội. 

 

Cách thưởng trà của người Hàn giản dị, chất phác, tự nhiên, và ít nghi lễ, không cực đoan nâng thành “trà đạo” như người Nhật. Trà với người Hàn nương theo thói quen từ xa xưa, tự do, thư giãn và nhiều sáng tạo, gợi mở bốn tư tưởng lớn của các hiền sĩ, tu sĩ nơi đây, là “Hòa, Kính, Thanh, Tịnh”.

 

Chúng tôi thưởng thức hai loại trà, trà Phổ Nhĩ (shóuchá) và trà lá thông đỏ (jannip-cha). Trà Phổ Nhĩ có màu nâu sáng, hương vị nồng hậu thơm nhẹ, nước trà có vị chát dịu, ngọt hậu, phảng phất mùi gỗ thông. Trà Phổ Nhĩ được chế biến từ giống trà cổ thụ, để lên men trong nhiều năm. Tôi nhấp ngụm trà có vị đắng, sau chuyển dần sang ngọt. Nhà thơ Ko Hyung-ryul cho biết đây đúng là loại trà được làm từ cây trà cổ thụ, bởi nếu vị đắng chuyển sang chát thì trà được làm từ cây trà non.  

 

Rồi chúng tôi uống trà lá thông đỏ. Nguyên liệu chế biến loại trà này là lá thông đỏ Hàn Quốc. Cây thông đỏ thường được trồng trên các vùng núi cao ở Hàn, cao chừng 30 – 40m, lá kim màu xanh và ngả vàng vào mùa đông. Lá thông đỏ thường được thu hoạch vào tháng 12, tốt nhất là trước 12 giờ trưa. Lá thông đỏ hái về được ngâm trong nước một ngày, tỉa bớt các đầu nhọn, cắt ngắn từng đoạn; sau đó sấy khô hoặc ngâm với mật ong hoặc đường để lên men. Uống cùng với trà nóng, mỗi chúng tôi còn được nhâm nhi một ngọn thông đỏ đã lên men, vị bùi, bở tơi trong miệng.

 

Những ngụm trà nóng thơm dịu đã làm ba chúng tôi thêm hoạt bát trong câu chuyện về thi ca, về phong tục tập quán, văn hóa hai nước Hàn – Việt. Thi thoảng câu chuyện như chậm lại, lắng xuống cho tiếng chuông ngân nga xen vào. Tiếng chuông ngân vọng trong không gian ấm áp, thanh tịnh.

 

Nhà thơ Kim Sa-in cho biết, hàng tuần ông thường đến đây thư giãn sau những lúc công việc căng thẳng. Ông thanh lọc mình trong tiếng chuông trầm ấm này. Đây là âm thanh được ghi âm lại từ tiếng chuông chùa Bulguksa, một ngôi chùa cổ nhất Hàn Quốc trên núi Bukhansan, nó được xây dựng năm 751 – 774 trên nền một ngôi chùa nhỏ có từ thế kỷ thứ VI. Nhấp ngụm trà thông đỏ, tôi lại nhớ cách đây mấy ngày, nhà thơ Ko Hyung-ryul và nhà văn Sue Ja-kwon đã đưa tôi tới thăm ngôi chùa này. Lúc này, thưởng trà và nghe tiếng chuông trong lòng phố cổ cảm giác như Kim Sa-in dẫn tôi lên núi vãn cảnh chùa lần nữa. Nơi ấy, những cây tùng cây bách ngàn năm tuổi đang vươn lên kiêu hãnh từ đất hoàng thổ lẫn sỏi đá, từ những vách đá granite trắng suối lau bông xanh dựng đứng. Nơi có dòng nước nhỏ trong suốt chảy chậm từ trong lòng núi đổ vào chiếc ang bằng gỗ của nhà chùa, mà khi thăm ngôi chùa Ko Hyung-ryul đã múc một gáo nước trong ang gỗ đưa cho tôi uống. Khí núi mát lạnh, thanh sạch thoảng về trong tiếng chuông trầm ấm, quyện trong hương vị trà thơm bùi giữa lòng phố cổ.

 

Seoul 17/10/2019

 

 

 

Giao lưu với bạn đọc Hàn Quốc, Seoul, 2019

 

 

 

 

 

 




 

BÀI KHÁC

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị