Cõi tinh sương trong “Màu tự nhiên” của Hàm Anh (phê bình) - Mai Văn Phấn

Cõi tinh sương trong “Màu tự nhiên” của Hàm Anh

(Đọc tập thơ “Màu tự nhiên” của Hàm Anh, Nxb. Văn học, 2008)

 

 

Chân dung Thi sỹ Hàm Anh: Tranh sơn dầu của HS. Trịnh Lữ[1], 2008

 

 

Mai Văn Phấn

sương

hay là sự im lặng...

Hàm Anh

 

Nhà thơ Hàm Anh đã xuất bản hai tập thơ: “Màu tự nhiên” (Nxb Văn học, 2008) và “Gọi tháng Ba” (Nxb Văn học, 2016). Cả hai tập thơ, theo cá nhân tôi, đều được kiến tạo bằng hình tướng và tinh thần của những giọt sương sớm, một cõi tinh sương. Màn sương trong “Màu tự nhiên” lúc rạng đông mát lành vẫn còn vương vất chút đêm tối cho cảm xúc tươi ròng. Còn màn sương trong “Gọi tháng Ba” trong veo lóng lánh ánh mặt trời, nhưng có phần thưa mỏng. 

 

Tôi yêu thích cõi tinh sương trong tập thơ đầu tay của Hàm Anh, bởi nó dẫn người đọc trở về tuổi thần tiên của chị, cũng chính là những tháng ngày thơ mộng nhất của mỗi con người. Con đường mà Hàm Anh đưa người đọc về thuở dại khờ, dễ nhận thấy nhất có lẽ là bài thơ “Chim chích bông”:

 

“Ô, ngoài kia

một chú chim chích bông

sớm mùa thu

nhởn nhơ bên bụi hồng...

 

Có phải tôi

đã từng như trẻ nhỏ

chạy lao tới

và nhìn theo bóng nó?”

 

 Ở đây, nhà thơ đã tạo dựng một hiện thực mơ màng để ta thấy những ngày ấu thơ của chị. Điều kỳ lạ ở “Chim chích bông” là những hình ảnh được nhà thơ cho hiển thị trong đó đang sống động trong thì hiện tại, nhưng khi đến đoạn kết bài thơ, chúng lại được đẩy lùi về phía sau một khoảng không-thời-gian. Câu thơ Có phải tôi/ đã từng như trẻ nhỏ đã đưa người đọc trở về quá khứ, làm toàn bộ không gian trong bài trở nên xa lắc, hư huyền. Hàm Anh đã cho người đọc xem lại những thước phim thời trẻ dại, chân thật và sống động; như được tận mắt nhìn thấy những con cá đang bơi tung tăng trong một thủy cung. Con “Chim chích bông” ấy đã mở cửa cho mỗi người về lại thuở đầu đời tơ non cùng thiên nhiên, vũ trụ. Hình ảnh tác giả chạy lao tới cho người đọc hình dung một chiếc lá, con chim vụt bay qua màn sương. Nó xuyên qua sự mờ mịt mà một người bình thường khó có thể vượt qua ranh giới thời gian để nhìn lại bóng nó.  

 

Chúng ta thấy gì trong buổi sớm tinh sương? Sự luân chuyển của vũ trụ vào thời điểm này được phản chiếu rõ nhất có lẽ từ những giọt sương. Màu sương chuyển từ sậm đen của bóng tối sang thẫm xanh của diệp lục, rồi long lanh không sắc màu của ánh ban mai. Vào mùa xuân, mặt nước ấm áp bốc hơi, gặp khí lạnh trong không trung nhanh chóng ngưng tụ thành màn sương mù dày đặc. Sương sớm đem lại cho con người cảm giác tĩnh lặng, nhưng sương mù ban mai lại gây nên cảm giác cô đơn trong thanh tịnh mơ hồ. 

 

“và dâng ngập đất trời

Sương

hay là sự im lặng”. (Im lặng

 

Với cảm nhận riêng tôi, khổ thơ trên mang đầy đủ diện mạo và phong cách thơ Hàm Anh: trong suốt, vô cực, hé lộ phần nào sự dữ dội trong đó, ý và ngôn từ đều kiệm, được nén chặt. Chính sự im lặng xuất hiện thay cho màn sương phủ ngập kia đã làm tôi ngạt thở, như bị đè nặng.  

 

Thơ Hàm Anh giao thoa với đa dạng tình huống, nhưng phần nhiều xuất hiện trong không gian phủ sương. Bài thơ “Ngủ mưa” như kéo người đọc đến bên từng giọt sương sớm để chiêm ngưỡng sự trong veo, tinh khiết của nó. 

 

“em mưa cho anh ngủ

ngoài kia đương mùa xuân

những cây bàng trỗi lá

xanh non đến ngại ngần” 

 

Màu tự nhiên” được tác giả cho hiển thị với đa dạng hình tướng trong cõi tinh sương. Xa hơn chút nữa là mờ tỏ những hình ảnh bị sương phủ mờ, nhưng người đọc vẫn nghe rõ từng tín hiệu âm thanh của sự sống đang trỗi dậy từng giây phút. 

 

“Không ai chạm được vào chúng ta

vì chúng ta là sức rung của cánh chuồn mặt nước

một thoáng rùng mình khi chiếc lá lìa cây

mơ hồ lắm khi chồi non tách vỏ

khi bóng tối lan ra, khi ánh sáng rạng ngày”. (Đồng điệu

 

Trong vô tận của sương, những âm thanh vọng lại từ “Màu tự nhiên” cho người đọc thấy hướng đi của những chuyển dịch như không có điểm dừng. Con người hiện hữu trong thơ Hàm Anh là một tiểu vũ trụ tồn tại gắn bó và hài hòa trong đại vũ trụ yêu thương.

 

“trong tiếng kêu dài tuyệt đỉnh

thành đôi chim thiêng sải cánh mặt trời”. (Rơi

 

Con người trong đại vũ trụ ấy đã hiển hiện trong bài thơ “Tình rễ” với tất cả những phức tạp, độc đáo, kỳ diệu và bí ẩn của nó. 

 

“Nỗi nhớ này hoang dại

Như những lóng rễ buồn  – lan – mọc – vào – đêm” 

 

Thế giới thơ sương sớm của Hàm Anh mở ra huyền hoặc, ảo mờ, như cố tình giấu đi những chuyển dịch và tiết chế những âm thanh, cảm xúc... Có một vài tình huống hiếm hoi, ta nhìn thấy một “lò than” trong “Màu tự nhiên” đang ngún cháy, rực lên, như nuốt vội, chớp lấy những hạt sương bé nhỏ vô tình lơ lửng bay gần nó.

 

“Em muốn nhìn thấy anh

thật rõ

hãy tắt đèn đi, hãy tắt nhạc đi,

hãy tắt cả bóng tối”. 

 

Tôi cũng có câu thơ ở trạng thái tương tự, nhưng đi ngược với chuyển dịch của thi sĩ Hàm Anh. Trong bài thơ “Hình đám cỏ, Nhịp VIII” tôi viết: Em ở đâu thắp đèn lên cho anh nhìn thấy. Nhưng câu thơ của tôi mới châm “dây cháy chậm”, còn khổ kết bài thơ của Hàm Anh đã chạm “điểm nổ”: 

 

“Em cần một cái gì đó rỗng, không màu

hay một màu không thể gọi được tên

ngay lúc này

nhanh lên!” 

 

Đây là một trường hợp hiếm khác mà tôi được nhìn thấy ngọn lửa cháy rực lần nữa trong “Màu tự nhiên” của chị: 

 

“anh hãy ôm lấy em đi, nghiền nát em đi

hãy vẽ lại em đi, hãy viết lại em đi”. (Người châm lửa). 

 

Cho “phát nổ” ở khổ kết bài thơ là thủ pháp hay gặp trong thơ Hàm Anh, trong đó có đa dạng, đa thanh những tiếng nổ. Trong bài thơ “Nhớ”, ngôn từ của câu thơ cuối bài dồn đuổi nhau tựa ngọn gió mạnh bất chợt thốc tới rồi cuốn đi: 

 

“Em tha thiết anh, tha thiết, tha thiết

như xóm nhỏ vườn chiều chân núi tỏa hương mưa”. 

 

Trong bài thơ “Một bức tranh”, tiếng nổ phát ra như không có âm thanh nhưng sức ép sâu tận tâm can người đọc: 

 

“Mẹ ngồi tụng kinh bên ngọn đèn dầu

bàn tay thời gian, hạt tràng số phận

mắt mẹ không ngước nhìn lên

làm sao con biết mẹ đau?” 

 

Một số bài thơ Hàm Anh “điểm nổ” phát ra ngay từ khổ thơ đầu. Sau đó âm thanh của nó chậm chạp như chum nước đầy tràn dưới cơn mưa rồi loang trên mặt đất. Hay như tiếng chuông đủng đỉnh đi qua lớp sương mù dày đặc buổi sáng. 

 

“Đôi khi đau đớn quá

em muốn lơ mơ như một con sên

chui vào anh

như cái nhà di động của mình,

rồi đêm xuống không ai thấy

bò – đi – như – một – nỗi – buồn

trong khu vườn

yên tĩnh...” (Con sên). 

 

Những chuyển dịch trong “Màu tự nhiên” thường được hiển thị chậm, hoặc ngẫu nhiên hoặc cố ý, ngưng đọng trong một không gian kỳ ảo mà yên tĩnh. Những hình ảnh trong đó như lau sậy, mưa, viên xúc xắc, ngọn đèn, bụi hoa hồng, trẻ nhỏ, bờ sông, bầu vú mẹ, chân núi, gió, mặt trời… cũng gần như đứng yên. Chúng trong suốt và khôi nguyên tựa những hạt sương buổi sớm:

 

“sớm mai ra tôi lại thấy mặt trời,

cầm bình nước tưới cây con vừa trồng

nháy mắt với cái lá non

chào ngày mới!” (Mặt trời mới). 

 

Thế giới sương được khơi lộ trong thơ Hàm Anh cho tôi liên tưởng phong phú về thế giới con người. Những hạt sương ngưng đọng bên nhau, hòa vào nhau để tạo nên một bức màn, mơ hồ, mù mịt… Ấy vậy nhưng từng giọt sương lại tồn tại độc lập, cô lẻ. Giọt sương chính là hình ảnh phản chiếu của vũ trụ, là biểu tượng cho sự kết tinh và thăng hoa. Nỗi cô đơn của con người trong “Màu tự nhiên” thường được nhà thơ biểu đạt trong hình ảnh giọt sương mỏng manh, phát sáng và dễ tan biến.  

 

“Không, tôi vẫn khóc đến rỏ máu

cho giấc mơ tổ ấm của mình

khóc

vào những hôm mưa thật to

rồi khi nắng lên

lại như con chim đứng rỉa cánh

bên hồ thu trong veo”. (Giấu vào mưa

 

Bài thơ "Sương" trong tập thơ cho thấy được sự thoáng chốc, mong manh của kiếp người. Những thoáng chốc tuyệt đẹp này cho người đọc cảm nhận cuộc đời con người dường như được sáng lên trong niềm cô tịch và luôn khát khao tình thương yêu gắn bó, sẻ chia. 

 

“Tôi vẽ lên trong không gian

một bóng hình tri kỷ

lặng lẽ

ngồi xuống bên nhau...

cho tới khi cả tôi cũng biến thành sương giá

trên vai người đi câu”. 

 

Trong bài thơ “Hạt đau” ta thấy, hạt sương ấy ngậm tình yêu của mình như ngậm một hạt ngọc trai quý  hiếm. 

 

“sẽ câm nín ngậm anh trong lòng

cho muôn vạn kiếp sau”.  

 

Ta thấy hình bóng nhà thơ trong tập thơ “Màu tự nhiên” là chú chim chích bông, lau sậy, một vết thương tươi, con thú lớn thở dài, biển đêm đen tối, ban mai xám hồng, luồng sáng chói lói, dòng nham thạch tuôn trào, mắt một con nai!, v.v... Và có lần, nhà thơ đã nhìn thấy số phận mình là một chiếc lông ngỗng cố bám vào vai áo ai đó để tìm chút hơi ấm, nhưng gió đã đến thổi bay. 

 

“Trong những ngày lạnh lẽo trong trẻo này

chiếc lông ngỗng vẽ lên một vũ điệu riêng

vũ điệu hân hoan tủi buồn

vũ điệu đau đớn đắm say

vũ điệu tự do đơn độc

lặng lẽ lượn bay

lặng lẽ lượn

                  bay...” (Tôi). 

 

Thơ Hàm Anh giản dị, tiết chế hình ảnh và ngôn từ đến mức không thể tối giản hơn. Ngôn ngữ và nhịp điệu thơ của chị gần với cách biểu đạt tâm trạng và cảm xúc trong đời sống sinh hoạt thường nhật. Chị lựa chọn hình ảnh và từ ngữ cẩn trọng, nhưng làm cho chúng sinh động và tự nhiên đến mức người đọc không tìm ra dấu vết mồ hôi tay của tác giả nữa. Bài thơ “Sông, cỏ, lửa và trăng” là những triết lý sống được Hàm Anh biểu đạt súc tích và gợi mở giống như bốn bài thơ haiku liền mạch, sâu lắng và vang vọng như tiếng chuông lan đi trong sương sớm. 

 

“Nhớ

như là sông

trôi chảy trong lòng

 

Yêu

như là cỏ

xanh ngút đơn thuần

 

như là lửa

chạm vào cái gì cũng sáng

 

Đau

như là trăng

thanh thản”

 

Nhà thơ Hàm Anh,tên thật là Phan Thanh Thủy, sinh năm 1970 tại Hà Nội; chị tốt nghiệp Khoa Văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học KHXH&NV) và Trường Viết văn Maxim Gorky (Liên bang Nga). Hiện chị công tác trong ngành Ngoại giao. Hàm Anh thông thạo tiếng Nga và tiếng Anh. Các bản dịch thơ Anna Akhmatova của Hàm Anh (lấy bút danh Phan Thanh Thủy) đã đoạt Giải cao nhất trong cuộc thi dịch văn học năm 1993 – 1994 do Hội Nhà văn Việt Nam và Báo Văn Nghệ tổ chức. Hàm Anh là tác giả có kiến văn rộng, với công việc của một nhà ngoại giao, chị đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa trên thế giới, làm việc trong những không gian sáng tạo tự do, đa văn hóa; môi trường này đã cho chị những trải nghiệm phong phú để sáng tác. 

 

Đẹp và cô đơn như một giọt sương! Đó làm cảm giác chủ đạo của tôi khi đọc tập thơ “Màu tự nhiên” của nhà thơ Hàm Anh. Buổi sớm tinh sương và cõi người. Một giọt sương và đời người. Viết đến đây tôi bỗng nhớ một bài thơ haiku của nhà thơ Matsuo Basho[2]

 

Không bao giờ quên

mùi cô đơn

của giọt sương trắng”.

 

Giọt sương trong “Màu tự nhiên” có hình tướng khác, đó là “Hạt đau” đã nảy mầm, hoài thai, sinh nở… làm nên một cõi thơ riêng, bảng lảng: 

 

Có một vẻ đẹp buồn không tả nổi

dâng lên như bóng tối

em đi...

về anh

về phía mặt trời cất cánh!” (Bay).

 

3/2018


 

___________________

[1] Trịnh Lữ, tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 tại Hà Nội, là họa sỹ, dịch giả người Việt Nam. Ông từng là phóng viên, biên tập viên tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam, từng sang Mỹ làm việc gần 15 năm cho các dự án truyền thông và giáo dục của Liên Hiệp Quốc, từng là họa sĩ có nhiều cuộc triển lãm tranh ở New York, Trịnh Lữ còn là một nhà thiết kế nội thất mang phong cách tối giản, một nghệ sĩ piano, một nhà văn với những truyện ngắn đậm chất hoài cổ và mang hơi hướng thiền.

(Nguồn: vi.wikipedia.org)

[2] Matsuo Basho (1644 – 1694): Nhà thơ nổi tiếng nhất của Nhật thời kỳ Edo; ông được coi là bậc thầy vĩ đại nhất của thơ haiku.  

 

 

 

 

 

 

 


BÀI KHÁC
1 2 3 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị