Tuổi thần tiên trong thơ Hoài Khánh
Nhà thơ Hoài Khánh
Mai Văn Phấn
Nhà thơ
Hoài Khánh ở Hải Phòng được coi là cây bút của tuổi thần tiên. Ông từng thử sức
trong nhiều thể loại, phê bình văn học, tản văn, tùy bút, thơ cho người lớn…,
nhưng thành công nhất vẫn là thơ viết cho thiếu nhi. Điều đặc sắc của thơ thiếu
nhi Hoài Khánh là sự trong trẻo và hấp dẫn, giàu vẻ đẹp nhân tính, nơi cái
thiện luôn ngự trị và chiến thắng cái ác. Chắc có người nói, thơ thiếu nhi
đương nhiên phải trong trẻo. Nhưng thơ Hoài Khánh lại khác. Từng tứ thơ được huyền
thoại hóa cùng các đồ chơi, đồ vật trong tưởng tượng thơ mộng của bạn đọc nhỏ
tuổi. Điều này không còn gặp nhiều trong đời sống hiện đại, khi mà tuổi thần
tiên đôi lúc là khoảng trời cách biệt với thế giới tinh thần của người lớn, vốn
phải gánh chịu nhiều mối lo toan thường nhật. Nhà thơ Hoài Khánh cùng một số
cây bút chuyên viết cho thiếu nhi đã mở ra khoảng trời thơ mộng đó.
Từ tập
thơ trình làng “Bé kim giây” (Nxb Hải
Phòng, 1991), Hoài Khánh đã đặt bước chân đầu tiên vào vương quốc tuổi thần
tiên. Có thể nói ngay thời điểm đó, nhà thơ đã được các công dân của vương quốc
đặc biệt ấy chấp nhận là một người bạn thân, một công-dân-nghệ-sỹ. Sau đó ba
tập thơ kế tiếp của Hoài Khánh lần lượt được xuất bản: “Tia nắng xanh” (Nxb Hải Phòng, 1996), “Trăng treo giữa nhà” (Nxb Hội Nhà Văn, 2004), “Dắt biển lên trời” (Nxb Kim Đồng, 2012). Và hiện ông đang chuẩn bị
công bố tập thơ thứ 5 (xin được bí mật nhan đề). Ngay từ khi xuất hiện, thơ
Hoài Khánh được thiếu nhi và cả người lớn háo hức đón nhận bởi giọng điệu riêng
qua mắt nhìn thơ trẻ, háo hức kiếm tìm, khám phá thế giới. Bất cứ bạn đọc nào
cũng có thể nhận thấy phía sau những bài thơ thiếu nhi ngộ nghĩnh, thơ mộng
đáng yêu của Hoài Khánh là bàn tay ấm áp của người lớn luôn ân cần dìu dắt,
dưỡng dục con trẻ trưởng thành.
Đọc tác
phẩm viết cho thiếu nhi nói chung, tôi nhận thấy hướng hành trình của các tác
giả hầu như không tiến về phía trước mà đi ngược thời gian để trở về với thuở ngây
thơ, khờ dại. Và trên hành trình ngược dòng như vậy, ngay từ tập thơ “Bé kim giây”, Hoài Khánh đã có được bài
thơ “chạm đích”. Đó là bài “Kim đồng hồ”,
viết năm 1988, một trong những tác phẩm đầu tay của ông. Nguyên văn bài thơ như
sau:
Kim đồng hồ
Bác kim giờ thận trọng
Nhích từng li, từng li
Anh kim phút lầm lì
Đi từng bước, từng bước
Bé kim giây tinh nghịch
Chạy vút lên trước hàng
Ba kim cùng tới đích
Rung một hồi chuông vang.
Bài thơ
là một câu chuyện kể với ba nhân vật (bác kim giờ, anh kim phút và bé kim giây)
làm nên một gia đình, một xã hội trên mặt chiếc đồng hồ. Ở đây, hai nhân vật, bác và anh đều xuất hiện ngộ nghĩnh, đáng yêu, luôn ân cần bên bé kim giây. Bác và anh trở thành
người thân yêu như ông bà, cha mẹ, anh chị. Thành bạn chơi, đồ chơi, cột mốc,
thành con đường cho bé tung tăng. Chỉ ba nhân vật trong một không gian nhỏ
nhưng tạo nên một khung cảnh yên bình, một sân chơi thật tinh khiết.
Điều thú vị là, tác giả đã mang tới cho ta điều bất ngờ trong khổ thơ cuối
cùng, khi tiếng chuông bất chợt vang lên báo hiệu cả ba kim cùng tới đích. Tôi đồ rằng, chính bài thơ này đã chạm đến
được đích cảm xúc của người đọc ở bất kỳ lứa tuổi nào. Chuyện “Kim đồng hồ” không còn ranh giới tuổi
tác, cho mỗi người một cảm nhận riêng. Với bé thơ, đây là câu chuyện đáng yêu
về bạn kim giây tinh nghịch, nhí
nhảnh bên người lớn. Với cá nhân tôi, bài thơ là vẻ đẹp của sự hòa đồng, kết nối
và trách nhiệm giữa các thế hệ trong cộng đồng, một gia đình thương yêu gắn bó,
sẻ chia.
Từ kinh
nghiệm bản thân tôi thấy, không phải ai cũng làm được thơ cho thiếu nhi. Nhiều
người cố gắng nhưng vẫn không vượt qua được ranh giới của tuổi tác, thế hệ và
tư duy “không thể trẻ thơ”. Điều này thì Hoài Khánh lại làm được một cách tự
nhiên, không hề khiên cưỡng. Với tư duy hồn nhiên sẵn có, từng bài thơ của ông
cứ tự dưng mà mà kết nên hình hài như đứa trẻ. Sự thành công ấy của Hoài Khánh,
theo tôi trước hết là do ông biết hóa thân thành trẻ nhỏ, tránh được lối áp đặt,
kẻ cả... Nhà thơ có cách mặc định, giả định hình ảnh, sự việc bằng
con mắt quan sát của trẻ thơ. Ông thường chọn cách nói trực tiếp, đóng vai
những đồ chơi, đồ vật xung quanh các bé. Ông tuân theo quy luật tâm lý, tình
cảm của các bé, từ đó biến mọi vật trở nên ngộ nghĩnh và lạ lẫm. Ông tự
mình khám phá và tìm thấy những bí mật của thiên nhiên, vũ trụ
ngay trong những sở thích rất bản năng của trẻ con lúc ăn uống, vòi vĩnh, học tập, nô đùa...
"Nấp trong quả bưởi
Một đàn tép con" (Bí mật);
"Thủy
triều tung hoa đón
Mây trời cùng xuống bơi"
(Tắm biển);
“Núi như ông già
Ngồi bên biển cả
Lặng lẽ câu cá
Vai quàng khăn bông” (Đèo Hải Vân).
Có thể nói, thế giới trẻ thơ đã phủ ngập, chiếm
lĩnh trọn vẹn thơ Hoài Khánh. Do vậy, nhiều bài thơ được ông viết ra chân
thực tự nhiên và gây xúc động mạnh. Những câu thơ hồn nhiên, thấm đẫm
nhân tính sau đây làm ta thấy ngỡ ngàng trước vẻ đẹp bình dị, đáng yêu của đời
sống này.
“Buồm mẹ và buồm con
Đã cuộn tròn nằm ngủ” (Chiều bến sông);
“Thế giới như trẻ con
Đánh chừa rồi xin lỗi
Nở nụ cười tươi non
Đủ làm vơi giận dỗi” (Ngày mở đầu tháng
sáu).
Không chỉ biến mình thành trẻ nhỏ, thơ Hoài
Khánh còn thắm đượm tình yêu thương ân cần, với trách nhiệm cao
cả của những bậc làm cha làm mẹ, luôn nâng niu dìu
dắt thế hệ kế tiếp.
"Vươn cao phơi tấm lưng trần
Búp măng ngay thẳng mơ dần thành tre" (Búp măng).
Trong bài thơ “Mây”,
tình yêu thương của các bậc cha mẹ lại ẩn
trong lời răn dạy:
“Mải chơi quên lời mẹ
Mây lạc giữa trời cao
Suốt cả ngày bêu nắng
Bị ốm, ai thương nào?”
Chính bởi sự ân cần, dặn dò, yêu thương của người lớn với
trẻ con nên trong một vài bài thơ đầu tay, tác giả còn để lộ mục đích giáo dục
khiến ý tưởng chưa được khéo lắm. Có lẽ trẻ em chưa cảm được những bài thơ như
thế. Ví dụ như những bài thơ “Nếu Hải
Phòng chỉ toàn người lớn”, “Làng em
không có bố”… Gần đây, nhà thơ đã khắc phục được những hạn chế của giai
đoạn đầu, nên thơ của ông ngày càng có sức lôi cuốn tự nhiên với bạn đọc nhỏ
tuổi.
Một điều đặc biệt nữa của thế giới trẻ thơ trong thơ
Hoài Khánh là không có sự khu biệt cho độ tuổi cố
định nào. Biên độ nhân vật trẻ thơ của Hoài Khánh trải rộng từ khi
các bé cất tiếng bi bô đầu tiên đến tuổi mới lớn. Đây là giọng
thơ ngộ nghĩnh dành cho các bé ở lứa tuổi mẫu giáo:
“Nhộn hơn trẻ thơ
Sấm không râu tóc
Tuổi bằng lũ nhóc
Vẫn được làm ông” (Sấm).
Khi các em cắp sách tới trường, lòng thêm thênh thang ước
mơ trong trang vở mới:
“Sáng ra biển hóa trẻ con
Sóng lắc ông trời thức dậy
Dã tràng cõng nắng lon xon
Mắt thụt mắt thò hấp háy” (Xuân trên đảo
Bạch Long Vĩ);
“Trường đảo ngang sườn dốc
Đường đá xếp tận nơi
Những con chữ khó nhọc
Dắt biển lên với trời” (Đường ở đảo).
Và cũng
có những trang viết mà Hoài Khánh dành cho tuổi mới
lớn mơ mộng, khi các em háo
hức hòa nhập vào đời sống nhiều sắc màu, mang những hoài
bão, đam mê và nhiệt huyết:
“Nay em
mười bốn tuổi tròn
Cái gì cũng đầy bí mật
Mắt nhìn như quả sấu non
Đủ gây men thơm trời đất” (Nay em
mười bốn tuổi).
Nhìn tổng
thể, thơ Hoài
Khánh luôn hướng đến đối
tượng thiếu nhi, rất rõ nét trong lựa chọn giọng điệu, đề tài, thể loại... Tuy vậy, một số câu
thơ, bài thơ hay của ông lại dành cho mọi lứa tuổi.
Trong những câu thơ đó, trẻ em được thấy khoảng trời trong veo, được chơi
với vạn vật trong một thế giới thơ mộng và huyền thoại. Còn
người đọc trưởng thành lại thấy trong những câu thơ ấy ánh sáng tư
tưởng, tính nhân văn, vẻ đẹp của sáng tạo ẩn hiện trong “thế
giới đồ chơi”. Như hình ảnh người mẹ hiền trong bài thơ “Mẹ phơi rơm” đã hóa thành biểu tượng của
người mẹ thiên nhiên, mang ý nghĩa khái quát:
“Cời rơm cuộn từng làn sóng
Mẹ cầm gậy như chèo thuyền
Sân phơi hóa thành biển rộng
Mẹ nâng cả buổi trưa lên”
Hay trong bài thơ “Xuân
trên đảo Bạch Long Vĩ”, câu thơ sau đây có thể dành cho nhiều đối
tượng bạn đọc với đa dạng tâm trạng. Trong tĩnh tại vẫn thấy hết những
chuyển động phức hợp của đời sống con người, thiên
nhiên, vũ trụ:
“Đèn biển đêm qua nhấp nháy
Bây giờ đứng quấn khăn sương”
Cũng như một nốt trầm, một quãng nghỉ của những giai
điệu đời sống đang diễn ra. Trong những câu thơ “không có tuổi”, Hoài
Khánh đôi lúc biểu đạt sự đa nghĩa một cách tài hoa. Đây là một câu lục
bát đã cho tôi cảm giác mênh mang, ánh xạ của nó cứ lan xa mỗi lần
đọc lại:
"Rơm phơi óng cả khung trời
Bầy chim thả tiếng hót rơi cũng vàng” (Đường làng em).
Nhìn vào thơ viết cho thiếu nhi hiện nay, tôi thấy có
những đặc điểm chung như huyền thoại hóa các đồ vật và hiện tượng trong đời
sống hàng ngày, bình đẳng và đã có những cộng hưởng với tư duy của người lớn,
ngôn ngữ thơ giản dị, dễ hiểu, thường được biểu đạt trực tiếp ở ngôi thứ nhất v.v...
Ở Hoài Khánh, ngoài những đặc điểm vừa nêu thơ ông còn mang sắc thái riêng, đó
là tính đa nghĩa và phức hợp trong những cảm xúc mạnh và khá độc đáo. Đặc biệt,
tính đa nghĩa thực sự là một thử thách không nhỏ với thơ viết cho thiếu nhi.
Bởi các em thường liên tưởng đến những gì gần gũi và dễ hiểu, cách nhìn của các
em còn trong trẻo, ngây thơ. Nếu tính đa nghĩa không được tác giả tiết chế phù
hợp sẽ gây cho các em cảm giác khó hiểu, xa lạ. Trong bài thơ “Chim chìa vôi”, Hoài Khánh đã nhân cách
hóa cực kỳ sinh động chú chim chìa vôi, nhân vật trung tâm làm nên một sớm mai
tinh khôi, an bình:
“Hạt sương còn giắt bên hông
Chìa vôi vác cuốc ra đồng ríu ran
Nhỏ nhoi như một hòn than
Hót lên, cời lửa nhen ban
mai hồng”
Một đặc
điểm nổi bật nữa trong thơ thiếu nhi Hoài Khánh là giàu cảm xúc, nhất
quán, tạo được hấp lực mạnh cho bạn đọc nhỏ tuổi. Bài thơ “Phố Đà Lạt” của ông đã ngấm vào tôi chất men say chếnh choáng ngay
từ lần đọc đầu tiên. Ai đã đến Đà Lạt chắc ghi sâu trong tâm trí những con
đường đèo quanh co, thác nước, mái nhà chìm trong rừng cây nhấp nhô. Bài thơ
theo nhịp đồng dao tựa bước chân trẻ thơ nhảy nhót đan dệt những điểm nhấn, tạo
nên bức tranh mờ ảo trong sương mờ ở thành phố cao nguyên thơ mộng này.
“Vén sương
Rẽ gió
Cõng chữ
Qua đèo
Thông reo
Mái phố
Mặt trời
Chạy theo”
Trẻ em
là ước mơ, tuổi thơ của nhân loại. Các em sống trong một vương quốc không biên
giới và luôn bình đẳng, thân thiết và công bằng. Thơ thiếu nhi Hoài Khánh
đã tái hiện vương quốc ấy, tạo cho các em một khu vườn đẹp để vui chơi, một con
đường rộng tới lớp, một ban mai trong lành thuở đầu đời. Nhiều câu thơ ấn tượng
của ông được các em thuộc nằm lòng. Nhà thơ đã cùng các bé thơ vui đùa, ăn
ngủ, học hành trong tuổi thần tiên. Mỗi bạn đọc chắc có cảm nhận riêng về thơ
thiếu nhi Hoài Khánh. Riêng tôi muốn được làm em nhỏ trong bản làng vùng cao heo
hút này:
“Bản
làng em sơ sài
Chênh vênh trên núi đá
Vẫn có bao điều lạ
Từ sách hồng bước ra” (Bên ô cửa đá).
25/3/2018