Người đi tìm ánh sáng của thơ (phê bình) – Mai Văn Phấn

Người đi tìm ánh sáng của thơ

 

 

 

Bìa 1 cuốn sách “Thơ cần thiết cho ai”

 

 

Mai Văn Phấn

 

Mười gương mặt thơ trong tập sách “Thơ cần thiết cho ai[1]của Nguyễn Đức Tùng được chọn ngẫu nhiên, ngỡ như tác giả vô tình thắp lên mười ngọn nến trong màn đêm mờ mịt các khuynh hướng, quan niệm thơ. Mỗi ngọn nến ấy tỏa một cường lực, chiếu sáng, soi tỏ những góc nhìn trong đời sống, giúp con người nhận đường, nhìn rõ thiện-ác và hướng đến những mục đích cao đẹp. Như những gợi ý nhẹ nhàng và tự nhiên trong cuộc tri nhận thế gian đầy mông lung và khó khăn, một câu hỏi đặt ra cho những ai cầm cuốn sách, với tiêu đề nghe vừa quen vừa lạ: “Thơ cần thiết cho ai”.

 

Nguyễn Đức Tùng là nhà thơ, dĩ nhiên vậy, nhưng ông không bị lệ thuộc vào văn bản tác phẩm, cảm xúc, cũng như không bị ràng buộc bởi những duyên cớ, hay có thể gọi là hệ lụy của thi pháp. Ông đi tìm nguồn sáng phát ra từ mỗi gương mặt thơ, từ mỗi bài thơ, câu thơ của họ. Ông tiếp cận cẩn trọng, kỹ càng những di sản mà mười gương mặt thơ để lại, như nâng niu từng viên ngọc, rồi đặt chúng ngay ngắn vào mỗi chiếc hộp. Và để đó, ông ra đi! Sự “ra đi” của ông là để đón ánh sáng từ mười gương mặt kia lan tỏa, soi rọi lại. Ánh sáng ấy đã đến với ông tình cờ trong mọi tình huống, ở mọi cung bậc của đời sống. Ấy là lúc đang lái xe bỗng nghe được bài thơ của nhà thơ W. C. Williams[2], ông nổi hứng chạy chậm lại rồi tấp vào giữa hai bụi gai có nhiều trái dâu blackberries, gần một hồ nước, lao xao bầy vịt trời hạ cánh... Hay vô tình gặp một tháng sáu lạ lùng, trời đang nắng bỗng lạnh bất ngờ, tuyết rơi trắng xoá, và thơ Mary Oliver[3] đã cuốn hút ông, cứu ông thoát khỏi sự giả trá, đe doạ, thôi thúc ông đến với một đích mới. Chối từ cách tiếp cận công thức, sáo mòn (cliché), ông đến với mỗi tác giả bằng con đường riêng, đôi khi là độc đạo. Người đọc ngỡ như đã ông trải nghiệm cùng Patrick Lane trong đời sống khốn quẫn, gặp tai nạn khi đang lái xe

 

Cuộn tròn và xe tải

Lăn quay cuồng bên đồi”.

 

Và ông thấy vẻ đẹp thơ Patrick Lane[4] như báu vật tình cờ xuống trên tay, như thiên sứ, như cứu rỗi. Ông sẻ chia, đồng hành với William Stafford[5] trên “Đường qua bóng tối” để có được những liên tưởng rất độc đáo và hợp lý này: “Thơ Stafford không làm người đọc sợ hãi, trái lại chúng kéo dài đời sống của chúng ta, như phong tục kỵ giỗ của người Việt Nam. Có lẽ vì thế mà ông cho tôi cảm giác về một người thân trong gia đình. Tôi tưởng tượng ông vừa viết xong những câu thơ trên đây bên cửa sổ, căn nhà thôn quê yên tĩnh, ngoài sân vẳng lại tiếng cười đùa trẻ con trong buổi chiều ấm áp, rồi sắp xếp lại giấy tờ trên bàn, chuẩn bị bước ra đường.”. Nhưng với Wallace Stevens[6], Nguyễn Đức Tùng đã đến với thơ ông trong một trạng thái nghiêm cẩn như cử hành một nghi thức tôn giáo, “vừa là nguồn rung động trước vẻ đẹp, vừa là nỗi thương xót đối với con người, sự chiêm nghiệm thanh khiết về hạnh phúc”.

 

Lần giở, chiêm ngưỡng mười gương mặt thơ trong cuốn sách này, tôi mường tượng nhà thơ Nguyễn Đức Tùng là người đi gỡ những mối nhân duyên, thay vì xe duyên như nhiều người đã làm. Bởi ông không chú tâm bình thơ, không khêu gợi những bí ẩn tiểu sử tác giả, mà dõi tìm ánh sáng của bài thơ, câu thơ đang lan tỏa, chiếm lĩnh, chi phối đời sống thường nhật. Dưới con mắt của Nguyễn Đức Tùng, bài thơ, câu thơ hay và hấp dẫn đang được tồn tại sống động như một sinh thể độc lập. Chúng có số phận riêng, luôn chuyển động song hành cùng đời sống chúng ta, tựa người thân luôn có mặt để sẻ chia, tri ngộ trong từng hoàn cảnh cụ thể.

 

Trước khi biết lòng tử tế là gì

Bạn phải mất đi nhiều thứ”.

 

Câu thơ trên của Naomi Shihab Nye[7], được ông viện dẫn, không còn là sợi dây mong manh nối giữa hai nền văn hóa Đông và Tây, mà trở thành một triết lý sống và giác ngộ của con người. Nếu không đọc kỹ, ai đó có thể cho rằng Nguyễn Đức Tùng đã viết lan man, viết như nhàn đàm, tản mạn về thơ, và một số đoạn tựa như tùy bút, hồi ký... Đây là một chủ ý độc đáo của tác giả, cố tình “buông lỏng dây cương” để “con tuấn mã” phê bình chạy chậm lại nhặt những ngọn cỏ xanh non tự nhiên của thơ. Trong lời kết bài về thơ Naomi Shihab Nye, ông viết: “Nếu điều này làm cho bạn có chút nghĩ ngợi mông lung, ngay giữa một ngày bận rộn, chuyện này lan qua chuyện khác, đó mới thật là thơ. Ngoài ra, thì không phải.”.

 

Tôi cảm nhận bàn tay vô hình của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng đang khéo léo gỡ những mối tơ duyên bòng bong của đời sống vốn ẩn mật trong thơ, hoặc chỉ mới xuất hiện qua lớp sương mù của nghệ thuật văn chương. Những mối nhân duyên ấy đan kết lại, giờ đã được gỡ ra cho phân tán, bắt đầu những duyên khởi khác, quy tụ trong những vận hội khác. Trong nhiều câu thơ, bài thơ khi được “gỡ ra” theo cách của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, bạn đọc sẽ thấy ánh sáng tỏa ra mạnh hơn, dễ nhận biết hơn.

 

Từng tác phẩm của mỗi nhà thơ trong cuốn sách này đều gắn với những kỷ niệm, thậm chí riêng tư của Nguyễn Đức Tùng. Nó thực sự là những sẻ chia, nơi níu bám, có lúc là mộng báo, là căn đế trong những biến động cuộc đời ông. Trong những ngày được ân hưởng hạnh phúc, và cả trong những thời khắc được sống, phải sống..., Nguyễn Đức Tùng đã được ánh sáng thi ca soi chiếu để ghi chép lại, vừa cẩn trọng và tự nhiên, vừa ngẫu nhiên và chủ ý, để minh chứng cho những điều hết sức bình dị và thiêng liêng của thơ ca.

 

3/2014


 

_______________________

[1] Tên tập tiểu luận – phê bình  của Nguyễn Đức Tùng, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn  & Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam ấn hành năm 2015.

[2] William Carlos Williams (1883 – 1963): nhà thơ, nhà văn Mỹ theo trường phái hiện đại và trường phái hình tượng, đoạt Giải thưởng National Book (1950)  và  Giải thưởng Pulitzer (1963), cùng một số giải thưởng văn chương danh giá khác.

Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/William_Carlos_Williams

[3] Mary Oliver (1935 – 2019): nữ thi sĩ Mỹ, đoạt Giải thưởng National Book (1992) và Giải thưởng Pulitzer (1984).

Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Mary_Oliver).

[4] Patrick Lane (1939 – 2019): nhà thơ, nhà văn Canada, đoạt Giải thưởng Governor General's Awards (1978).

Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Patrick_Lane

[5] William Edgar Stafford (1914 – 1993): nhà thơ Mỹ, đoạt một số giải thưởng danh giá, trong đó có Giải thưởng National Book (1963).

Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/William_Stafford

[6] Wallace Stevens (1879 – 1955): nhà thơ Mỹ theo trường phái hiện đại, đoạt Giải thưởng Pulitzer về thơ (1955), Giải thưởng National Book (1951 và 1955), cùng  một số giải thưởng văn chương khác.

Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Wallace_Stevens

[7] Naomi Shihab Nye (1952 –): nhà thơ, nhà văn và nhà sáng tác ca khúc Mỹ, đoạt nhiều giải thưởng văn chương của Mỹ.

Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Naomi_Shihab_Nye

 


Bìa 1 và 4 cuốn sách “Thơ cần thiết cho ai”

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị