Không gian xa trong “Khối động” (phê bình) - Mai Văn Phấn

Không gian xa trong “Khối động”

 

 

 

Nhà thơ Trần Tiến Dũng

 

 

 

Bìa tập thơ “Khối động”

 

Mai Văn Phấn

 

 

Thả một ngày sáng hơn ngày trước

Trần Tiến Dũng

 

Thơ Trần Tiến Dũng có thể coi như một diện mạo độc sáng, cá biệt của thơ Việt Nam đương đại. Từ những bài thơ trình làng tới nay, tác phẩm của ông luôn thủy chung dòng chảy, hướng đến khát vọng tự do, mở ra giấc mơ miên viễn về những điều tốt đẹp, cao cả. Thơ ông được viết bằng bút pháp hiện đại, là kết hợp tinh hoa của những trào lưu, khuynh hướng thơ tiền phong trên thế giới thế kỷ vừa qua. So với những tác giả cùng thế hệ, Trần Tiến Dũng hiện là một trong những nhà thơ nổi bật của dòng thơ cách tân ở Việt Nam giai đoạn sau 1986.

 

Trần Tiến Dũng sinh năm 1958 tại Gò Công, Tiền Giang. Ông làm thơ từ thuở đôi mươi. Song phải đến khi bước sang tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” nhà thơ mới công bố tập thơ đầu mang tên “Khối động” (Nxb Trẻ, 1997). Năm 2000 ông xuất bản tiếp tập thơ thứ hai, “Hiện” (Nxb Trẻ).

 

Từ đó đến nay, nhà thơ Trần Tiến Dũng sáng tác không ngừng. Ông tự tập hợp và công bố một số tác phẩm của mình dưới dạng photocopy, là một trong những dạng xuất bản Samizdat[1].

 

Các tập thơ của Trần Tiến Dũng công bố ở dạng này gồm: “Bầu trời lông gà lông vịt” năm 2003, “Hai đóa hoa trên trán cho công dân hạng hai” năm 2006, “Mây bay là bay rồi” năm 2010. Ngoài thơ, ông còn viết nhiều truyện ngắn, phóng sự, tùy bút và một số thể loại khác.

 

Tôi đọc lần lượt các tập thơ của Trần Tiến Dũng, nhận thấy cách kiến tạo không gian, nhịp điệu, đặc biệt cách sử dụng ngôn ngữ, sử dụng vốn từ của ông mang một phong cách khá nhất quán. Nhìn từ góc độ thi pháp, việc kiến tạo không gian thơ của Trần Tiến Dũng khá ổn định. Nếu lấy hiện thực đời sống làm tâm điểm để so sánh, thì thơ Trần Tiến Dũng ngày càng tiệm cận đời sống xã hội hơn, với một ngôn ngữ trực diện, rất dữ dội. Đặc biệt, trong thơ ông luôn hiện diện niềm an ủi, sẻ chia với những thân phận cùng khổ của xã hội.

 

Lộ trình thơ Trần Tiến Dũng liên tục là những cuộc lên đường, vượt thoát về miền tự do, kiếm tìm cái đẹp. Ông viết với tinh thần “rũ áo” ra đi, bỏ lại lâu đài thi ca truyền thống, bất chấp con đường gai góc, tiến đến mục đích của mình. Đích đến của thơ ông như ngọn hải đăng, ánh sáng lan xa, tỏa rộng. Nếu giai đoạn khởi đầu của thơ Trần Tiến Dũng là những khoảng không gian được kiến tạo từ xa, thì những tác phẩm gần đây của ông chính là mồ hôi, gió bụi mà ta được hít thở, được sống, được trải nghiệm. Xa hay gần? Trực diện hay gián tiếp? Dù tiếp cận bất kỳ tác phẩm nào của nhà thơ Trần Tiến Dũng ta đều nhận thấy vẻ đẹp đặc trưng, giọng nói riêng biệt của một Thi sĩ với đúng nghĩa.

 

Trong phạm vi bài viết nhỏ này, tôi muốn tập trung bàn về tập thơ “Khối động”. Đây chính là một khởi đầu tuyệt đẹp trong văn nghiệp của Trần Tiến Dũng. Qua tập thơ này, bạn đọc được chứng kiến vóc dáng, nội lực của một “vận động viên” ở thời điểm bắt đầu đặt chân vào “vạch xuất phát”. Và, tới thời điểm hiện tại, ông đã cán đích và đang tiếp tục vượt qua những đích khác trong hành trình sáng tác của mình.

 

Trong đời sống sáng tác tại Việt Nam, ở “vạch xuất phát”, đa số các tác giả phải nương tựa, bám sát hiện thực đời sống xã hội để lấy tư liệu khởi nguồn cảm hứng. Cũng giống như các vận động viên thường bấm ngón chân vào mặt đất trước khi tăng tốc. Tôi xin lấy tác phẩm “Củi lửa” (Nxb Tác phẩm mới & Hội Nhà văn, 1989), tập thơ đầu tay của cố nhà thơ Dương Kiều Minh[2] làm dẫn chiếu. Trong bài thơ “Củi lửa” cũng như phần lớn các bài khác trong tập thơ này, nhà thơ thường sử dụng những tư liệu quen thuộc, gần gũi đến mức ta cảm thấy như đưa tay ra có thể chạm được vào nó. 

 

Mơ được về bên mẹ

ao xưa, mảnh vườn nhỏ ngày xưa

bậc thềm dàn dụa trăng mỗi tối

Bên những hoàng hôn loang lổ gò đồi

Mùi bạch đàn xộc vào giấc ngủ

con về yêu mái rạ cuộc đời…

Một sớm vắng

ùa lên khói bếp

về đây củi lửa ngày xưa”. 

 

Tôi coi đây là một “không gian gần” được Dương Kiều Minh tạo dựng, đưa ta về với cố hương, nguồn cội của nhà thơ.

 

Song tác phẩm đầu tay của một số tác giả khác lại chọn cách thiết lập “không gian xa”, chủ ý tạo những khoảng cách cần thiết giữa hiện thực đời sống và tác phẩm. Ở đây, tác phẩm văn học hiện hữu như một tấm gương, ánh xạ, hoặc có thể ví như một chân dung âm bản của đời sống thực. Không gian ấy tựa những mẫu vật, biểu tượng, thế giới lý tưởng của chủ thể sáng tạo. Với tác giả, đó còn là một ngôi nhà ẩn hiện trong sương sớm với nhiều cánh cửa mở ra mọi hướng nhìn.

 

Thơ Trần Tiến Dũng đã kiến tạo một không gian xa như vậy. Ấy cũng là một không gian mở, nó luôn cháy bỏng khát vọng kiếm tìm một xã hội lý tưởng, những vẻ đẹp nguyên khởi, những đời sống mới. Có thể hình dung niềm khát vọng của nhà thơ như những quả trứng được ủ ấm trong đêm giá lạnh chờ bình minh, những mầm cây đang quyết liệt vươn về phía ánh sáng. Những khoảng sáng xa tưởng như mơ hồ nhưng dễ nhận biết trong tập thơ “Khối động”. Điều này hiển thị trước tiên ở tiêu đề một số bài thơ: “Khoảng không khác thường”, “Nhịp đêm”, “Nơi chốn của sự ra đi”, “Tóc nguồn”, “Nơi trú của sự kết thúc”, “Vách ngăn sáng”, “Âm lặng”… Những tiêu đề ấy tựa chùm sáng vụt hiện trong ký ức, trong tưởng tượng về một đời sống từng có hoặc đang đến trong tương lai gần. Không phải nhà thơ nào cũng khiến người đọc cảm nhận, hình dung được không gian trong thơ mình. Để đưa được người đọc vào không gian kỳ ảo ấy, nhiều tác giả phải mất công mở những lối đi bằng những câu thơ, khổ thơ làm nền dẫn dắt. Nhưng bằng một thứ thủ pháp tưởng như hời hợt, Trần Tiến Dũng đã thi triển việc dẫn dụ ấy một cách tự nhiên nhi nhiên, chẳng tốn chút công phu. Ông viết như bộc bạch những điều nhìn thấy: 

 

Mỗi sáng

em lại đi trong suy nghĩ của anh

khum bàn tay che nắng

Anh dưới hiên da hồng…

đôi mắt em trở lại

có thể gieo ở đấy

có thể bỏ hoang” (Gương mặt hiện sáng).

 

Hiện thực trong thơ Trần Tiến Dũng thường bảng lảng, mong manh, khó nắm bắt. Không gian của ông hiển lộ lung linh, huyền hoặc như trong một giấc mơ. Điều kỳ lạ ở đây là cảm giác người mơ hình như đã tỉnh, nhưng vẫn nhắm mắt để níu giữ những điều kỳ lạ, đẹp đẽ mà ông vừa được nhìn thấy trong giấc ngủ. Có cảm giác như nếu chỉ cần mở mắt hay khẽ cử động thì mọi điều kỳ diệu, lung linh trong khoảng không gian xa mộng mị kia có thể sẽ tan biến. 

 

Mọc quanh đây cỏ đêm

chạm lòng tay ấm

anh

đang ở quá gần giấc mơ em” (Giấc mơ); 

Em biết không

vào những đêm không trí nhớ

sương mù trôi ơ hờ trong nhịp thời gian

những cành mọn rạch tìm nguồn lửa

nhả vào lòng tay anh/ lại những hạt đen

và anh

nguyên bản sai lầm đầu tiên và cuối cùng của đất” (Nhịp đêm).

 

Đi hết “Khối động” mới thấy, mê và tỉnh là hai trạng thái thường xuyên được giao thoa, hòa đồng trong suốt tập thơ đầu tay của nhà thơ Trần Tiến Dũng. Đó cũng chính là men say mê dụ người đọc trong những không gian xa huyền hoặc, chập chờn.

 

Khối động” là tập thơ không dễ tiếp cận. Trong nhiều bài thơ, ta như lạc vào mê cung. Cũng cảm giác mê cung ấy đã thoát khỏi mọi ràng buộc, mở rộng thêm những đường biên tưởng tượng, đưa không gian thơ Trần Tiến Dũng trải ra bất tận. Trong bài thơ “Nơi chốn trong sự ra đi”, nhà thơ để những hình ảnh hiển lộ hỗn độn và thôi thúc chúng luôn vận động. Như những chuyển động Brown[3], một quá trình chuyển động ngẫu nhiên liên tục của vạn vật, hình ảnh trong thơ Trần Tiến Dũng giống đàn cá chích, cá mòi, chốc lại tung mình lên trên mặt nước trong những ngày biển động: 

 

Trên đồng đất ngẩng mặt đón gió

Trên sóng cỏ chuyển động xòe những vòng cung khô, trôi dạt trong những tiếng dội như tiếng ho, tiếng than, tiếng nấc

Người ta thấy những làn hơi đam mê buồn bã

Người ta thấy chính mình quá nặng không cất được đôi chân”.

 

Điều đáng nói là giữa những chuyển động hỗn loạn, bất tận trong không gian xa xăm ấy, nhà thơ đã không quên thả những sợi chỉ dẫn đường cho ta thâm nhập vào thế giới thơ của ông. Và đây là đoạn kết của bài thơ trên, như một cách neo đậu giữa dòng nước xiết của Trần Tiến Dũng:

 

“… chúng ta khước từ đồng đất và cúi xuống chăm sóc vòm cung, tường vách, những ổ khóa, cửa kính, chậu hoa

gạch lát sàn, cầu thang và cả vách trắng của ngôi nhà bên cạnh

và cúi thấp nữa để nhìn rõ chỗ chết của chúng ta

luôn cao hơn những ngôi sao mới mọc”.

 

Đọc đến đây, tôi bỗng liên tưởng tới sợi chỉ Arian trong thần thoại Hy Lạp. Đó là chuyện công chúa Arian trao một sợi dây cho hoàng tử Theseus, người anh hùng của xứ Athens tự nguyện đi vào mê cung để diệt trừ quái vật Minotaur. Nhờ vào cuộn chỉ của Arian mà Theseus sau khi giết chết quái vật đã ra khỏi mê cung ấy. Ở tập thơ “Khối động”, sợi chỉ Arian luôn được nhà thơ Trần Tiến Dũng thả ra để người đọc nắm lấy. Dĩ nhiên, trong thế giới mê cung của Trần Tiến Dũng không phải ai cũng nắm được sợi chỉ ấy của ông.

 

Nhiều khung cảnh rất dung dị, gần gũi trong “Khối động”, song cách kiến tạo không gian của nhà thơ gợi cho ta cảm giác xa xôi, mờ ảo. Những hình ảnh như chỉ thoáng hiện, rồi trôi vụt đi: 

 

Đã dìu nhau đi

Từng nơi chốn chung sống

Sài Gòn phố dài rộng

Trôi xuôi hoài dưới chân” (Trong và sau mưa).

 

Nếu chúng ta không vội vàng nắm bắt, những hình ảnh vừa hiển lộ ấy sẽ nhanh chóng biến mất:

 

Dưới tán mưa trong gió

đưa tay hái

hai cái bóng sóng đôi chậm rãi

sau những dấu chân

trước những khoảng cách” (Khoảng cách).

Điều mà tôi nhận thấy rõ hơn cả, đó là thơ Trần Tiến Dũng hiển hiện khung cảnh nơi ông sống và sáng tác. Ấy là một căn hộ chung cư yên tĩnh giữa một thành phố lớn phương Nam. Tôi thấy hình ảnh những con chim sẻ bé bỏng, cơn mưa ấm, cốc rượu, chiếc bánh nóng, gánh hàng rong, kinh nước mặn, phố rêu mốc, bà cụ, người bán thuốc chuột, phần ăn sáng, đàn kiến lửa, khói, đường cỏ, bó rau, lồng chim, ánh mắt hồn nhiên, nơi chốn thất lạc, hơi thở… luôn đi về trong không gian xa của “Khối động”. Ta có thể bắt gặp những hình ảnh đó tại nhiều thời điểm khác nhau và thấy chúng mang thần thái, sắc vẻ đầy hấp dẫn và thân tình. Sự xuất hiện bất ngờ của những hình ảnh ấy trong thơ Trần Tiến Dũng có thể mô tả như cảm giác ta đang đi dưới một mái nhà, một vòm cây, và vô tình nhìn thấy một con nhện đang thả mình từ trên cao xuống. Con nhện và nơi nó dính sợi tơ vào đó thì ai cũng thấy, cũng biết. Nhưng con nhện đang đung đưa kia, rồi nó sẽ giăng mắc những đường tơ mảnh vào đâu… lại là điều không ai định đoán được. Bài thơ “Ký ức mưa”, được nhà thơ mở đầu bằng hình ảnh rất cụ thể: 

 

giấc mơ muộn nằm phơi như đất

thuộc về phía tây nam”.

 

Đến cuối bài thơ, hình ảnh phía tây nam thật thà và có vẻ cù lần (như cách Trần Tiến Dũng thường nói) ấy không còn ở chỗ cũ nữa. Nó đã biến hóa trong những không gian đa chiều:

 

nàng và mưa

từ phía tây nam hối hả về

đã tìm gặp linh hồn khai phá

phủ lên phố mưa bay”.

 

Khác với đa số tập thơ đầu tay của những tác giả mới bước vào văn nghiệp, ngôn ngữ thơ trong “Khối động” được nhà thơ sử dụng khoáng hoạt, nhuần nhuyễn với nhiều sáng tạo. Nhiều kết hợp hình ảnh, ngôn từ của ông làm người đọc thấy vừa lạ vừa quen, phi lý và có lý, đầy bất ngờ như: cái rốn chứng tích, ta chảy chậm dưới cánh áo gió phất, giọt nước khô lạnh, nền đất khẩy tượng hình, lông hửng màu sét, khát vọng tự trầm, xuống xề vuốt mặt ruộng, ngọ nguậy nỗi buồn rơm, chiếc xe thời gian xộc xệch, xác ngây thơ màu bạc, hiên da hồng, phồng vọp mành vách, rạng vuông da hoàng hôn, trời sao sữa mật, phát âm vào ẩm rừng, v.v.. Xin dẫn trọn vẹn bài thơ dưới đây để bạn đọc thưởng thức tài dụng ngôn và tạo nhịp điệu của nhà thơ Trần Tiến Dũng:

 

 

Đuôi dê và hoa cúc

 

“Dê con bước nhỏ trên đồi

chăn thả cành cúc trắng

đồi cao…

cao

đồi thấp

đuôi nhỏng và

đuôi nhỏng vẫy chiều trầm

va đập dòng yên lắng

Xa kia đá rỗng

ở đấy thời gian đã chết”.

 

Mỗi người sẽ có cách cảm nhận của riêng mình về bài thơ này. Riêng tôi thấy những hình ảnh của nó thoạt nhìn tưởng như ở trạng thái bất động. Cái khóa của sự bất động ấy nằm ở câu thơ kết “ở đấy thời gian đã chết”. Trên mặt câu chữ, nhà thơ bảo thời gian đã chết, nhưng nó cho ta cái cảm giác vẫn đang nảy mầm, sống động. Ở đây, tác giả đã làm cho những thi ảnh kia biến thành khối hổ phách lưu giữ trong lòng nó toàn bộ khoảnh khắc nhìn thấy, và trong cảm nhận chúng thăng hoa để người đọc tự hình dung. Đó là biểu tượng vẻ đẹp thơ trong con mắt đa chiều, đa góc nhìn. Nét độc đáo của bài thơ này là những dê con, cành cúc trắng, đồi cao, thấp, đuôi nhỏng… cứ lay động theo cảm xúc của mỗi người đọc. Và khi ai đó tự ngừng dòng cảm xúc, tức khắc những hình ảnh kia lại trở về vị trí cũ và lại bất động. Tiết tấu và nhịp điệu bài thơ này, giống như trong hầu hết những bài thơ khác của “Khối động”, chúng dồn đuổi, gối lên nhau như những đợt sóng biển. Lúc đều đều, lúc gây đột khởi. Nhà thơ sử dụng nhịp điệu trong bài thơ như sự hối thúc để đưa những hình ảnh của ông đi xa hơn theo hình dung, tưởng tượng của người đọc.

 

Khối động” đã mở được không gian xa – có thể gọi đó là thời khắc bắt đầu những cuộc trở về của nhà thơ – cho khát vọng tự do, phục hiện những giấc mơ cao đẹp trong nhiều tác phẩm sau này. Tập thơ cũng đã manh nha, định hình, tiên báo những con đường, thủ pháp sáng tác và cả những bước ngoặt của nhà thơ trong những giai đoạn sau đó. Ra đời đã gần 20 năm, “Khối động” của nhà thơ Trần Tiến Dũng đến thời điểm này không còn là hiện tượng và độc đáo như lúc mới xuất hiện, song nó vẫn gây sửng sốt cho những người đọc mới. Bóng dáng và thần thái của tập thơ cũng chính là chân dung nhà thơ hiển lộ trong câu kết của bài thơ “Khối động” được ông dùng làm tiêu đề cho tập thơ:

 

phía trước có cái gì đó không thật và

ai kia thực sự một mình”.

 

2/2016


 

_______________________

[1] Samizdat (phiên âm từ “самиздат trong tiếng Nga, có nghĩa “tự xuất bản”): là hình thức tự xuất bản tác phẩm của mình, trong đó các tác giả sao chép các tác phẩm bị kiểm duyệt và bí mật, thường bằng tay, và luân chuyển tài liệu từ người đọc sang người đọc. Thuật ngữ này do nhà thơ Nikolay Glazkov đặt ra năm 1940 khi ông tự đánh máy các bản sao tác phẩm của mình và kèm theo chú thích “Самсебяиздат” (tạm dịch: “Xuất bản tự thân”), sau đó được nhiều tác giả tại Liên Xô cũ và một số  nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu áp dụng. Nhiều tác phẩm của các tác giả lớn ở Nga trong đó có B. Pasternak, A. Solzhenitsyn, M. Bulgakov, I. Brodsky, A. Akhmatova … cũng được công bố lần đầu bằng hình thức xuất bản này.

(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Samizdat).

[2] Dương Kiều Minh (1960 – 2012): nhà thơ, nhà phê bình văn học.

[3] Robert Brown (1773 – 1858) là nhà sinh học và cổ thực vật học người Scotland. Ông là người đầu tiên quan sát và mô tả hiện tượng chuyển động ngẫu nhiên của các hạt lơ lửng trong môi trường chất lỏng hoặc khí vào năm 1827, và chuyển động này được đặt theo tên ông.

Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Robert_Brown_(botanist,_born_1773


  



 

Nhà thơ Trần Tiến Dũng ký tặng tùy bút "Món ngon và gia vị cảm xúc" của ông,
ngày 14/4/2015 tại Golden Mountain, 226 Điện Biên Phủ, Q3, TP.HCM

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị