Thơ Nhã Thuyên sinh sôi trong ngọn lửa (phê bình) - Mai Văn Phấn

Thơ Nhã Thuyên sinh sôi trong ngọn lửa

 



Nhà thơ Nhã Thuyên



Mai Văn Phấn

 

Thơ Nhã Thuyên nhắc nhiều đến lửa, hoặc gợi những hình ảnh liên quan đến lửa như thiêu đốt, ngùn ngụt cháy, hỏa hoạn... Tôi có cảm giác, nhà thơ coi lửa như một điều kiện, một manh mối, duyên do để nhận chân đời sống, khơi dậy đống tàn tro của quá khứ, những cuộc di biến, tao loạn… Với chị, lửa là cửa sinh tử của con người và vạn vật. Đó cũng là nơi khởi đầu, nơi kết thúc của hạnh phúc, khổ đau, tự do, mất tự do, sầu khổ, an lạc… Đọc tập thơ “từ thở, những người lạ[1]” (Nxb Hội Nhà văn & Công ty Văn hoá và Truyền thông, 2015) của Nhã Thuyên, ta sẽ cảm nhận mọi tồn tại và chuyển dịch trong đời sống này đều được sinh ra, biến hóa qua cái “vòng lửa” đó.

 

Trước hết, phải nói tập thơ này có cấu trúc và hình thức trình bày khá lạ. Nội dung của “từ thở, những người lạ” gồm bảy phần: chốn thân thiết ấy; dấu; lửa; tro; cầu hồn; từ thở; những người lạ; bất tận cuối. Nhìn vào những đề mục trên ta thấy, tập thơ tái hiện cuộc phù du “vô tiền khoáng hậu” của kiếp người. Nó có diện “phủ sóng” rộng, từ tâm thức, tâm lý, tính dục…, đến hiện thực đời sống, trầm tích văn hoá, lịch sử… Sách dày 159 trang, trong đó, 22 tranh minh hoạ do chính tác giả Nhã Thuyên vẽ bằng bút dạ đen, khá đẹp và ấn tượng. Tại trang 3, chị vẽ ba tốp người nhỏ li ti đi lẫn giữa tên tập thơ và nhà xuất bản. Những tốp người ấy hiện trên nền giấy trắng trông giống những con kiến biết đi bằng hai chân trên sa mạc. Tiếp đến trang 105, “đàn kiến” lại được Nhã Thuyên vẽ cạnh những con chữ do chính tay chị viết. Chữ và “kiến” bỗng dưng tụ lại thành chiếc tổ lớn với những chuyển động hỗn độn. Đó chính là ý đồ của Nhã Thuyên chuẩn bị cho phần kết sau đó của tác phẩm. 

 

Đọc “từ thở, những người lạ”, tôi hình dung một cảnh giới, trong đó vật chất và tinh thần đang bén lửa hoặc lặng lẽ cháy sáng để tự biến dịch, tự hủy diệt, biến mất, hoặc tái sinh. Nhà thơ gọi cuộc hỏa hoạn ấy là ngọn lửa đòi nhiên liệu, đòi tỏa rạng và đòi hủy hoại (không gì ngoài tiếng đập), là đốm lửa cháy bền bỉ, cơn bão lửa phục sẵn trong đất (lửa), hay ngọn lửa đã im dần những tiếng kêu… treo mình bập bùng không ngừng nghỉ (không gì ngoài tiếng đập), hoặc những kiếp lửa (trò chuyện về lửa)...

 

Một đời sống lửa sinh sôi, náo động luôn hiện hữu trong thơ Nhã Thuyên. Nơi ấy, ngọn lửa, trước hết được thắp sáng trên da thịt con người, soi sáng những khát vọng, giới tính, dục tính, mở ra một biểu tượng kép: máu của người và lửa của trời. Ngọn lửa ấy cho người đọc nhận ra tính nhị nguyên cơ bản của tàn lụi và sinh trưởng, nhân và quả, gieo và gặt... Như ở câu thơ này:

 

bầu vú đỏ hoa rừng rực lên ráng chiều, tôi đang mở ngực và chăm chú nhìn những ô cửa đỏ mở trên ngực” (tất cả những câu chuyện này cho ai).

 

Ở đây, ý niệm về sự bén lửa, bốc cháy được nhà thơ nâng thành biểu tượng của khát vọng, chờ đợi, thành đích đến của những chuyển động. Đặt trong trường liên tưởng ấy, ta sẽ hiểu vì sao trong thơ Nhã Thuyên, một đám mây, nếu nó không được hoặc không thể “bắt lửa” cháy sáng, tất phải chuốc lấy những phiền lụy khôn lường:

 

tôi không hiểu tại sao đám mây còn dày vò ngày lại đêm về nỗi cô độc đang hóa bê tông, làm nó mắc kẹt giữa hai chạc cây, không nhấc mình bay lên nổi, không thể bắt lửa” (lửa).

 

Và, trong bài thơ “trò chuyện về những đoạn kết”, nhà thơ hân hoan bởi giấc mơ được đốt cháy trong một cái lưỡi khổng lồ:

 

tôi ẩn danh phóng túng yêu người

cả tro than tôi cũng lặng lẽ     khi    tôi    cháy bùng trong cái lưỡi khổng lồ của nó”.

 

Lửa xuất hiện nhiều trong những khúc “cầu hồn” mà Nhã Thuyên ghi lại. Hòa mình vào đó, người đọc được chứng kiến biết bao điều phi lý lạ kỳ. Ấy là những cái bóng cũng có khả năng bắt lửa. Chúng được đốt cháy như ngọn đuốc, tờ giấy, hoặc gợi cho ta liên tưởng tới hành động “phi tang” bằng lửa, hỏa táng nhân dạng của những đứa con:

 

lửa, thanh củi cháy dở, đêm tàn, những vệt máu cũ, mùi khét trong lò

mẹ ngồi đốt những cái bóng tội nghiệp của lũ con bà mang theo đến gần hết cuộc đời, bọn chúng đã bỏ đi hết, chỉ còn

những cái bóng ăn năn, xót thương, ái ngại, thờ ơ, nhạo cợt, hống hách, lạnh lùng

những vệt máu cũ bốc mùi khét trong lò” ().

 

Cùng là lửa đấy, song trong không gian thơ mình Nhã Thuyên thiết lập những trạng thái cháy khác nhau như: cháy rụi, bất ngờ đốt cháy, cháy bền bỉ, cháy im lặng, cháy vô nghĩa, cháy dần, cháy dở, đám lửa bùng cháy, lửa cháy vũ điệu run rẩy. Và càng đọc ta sẽ càng khẳng định, cháy là trạng thái tinh thần thường trực trong tư duy và cảm xúc của nhà thơ. Đôi khi cháy trở thành sự ám thị dẫn dắt tới một hành động khác tiếp theo:

 

một ngày đẹp trời, hắn buồn bã nhận ra trái tim chỉ đập, đập, đập, đập, những nhịp đập nô lệ hormone. đám lửa bùng cháy này là một bức vẽ. từ độ ấy, luôn luôn, hắn cần đốt cái gì đó, cho đỡ nhớ ánh lửa” (đồ thừa).

 

Có thể gọi cháy là những khát khao tự biến dịch, tự phá vỡ trong thơ Nhã Thuyên để thiết lập trạng thái mới, không gian mới. Cũng chính những biến dịch ấy đã tạo nên sự chuyển dịch quan trọng trong thế giới nghệ thuật của chị. Trước Nhã Thuyên, tinh thần tiên phong (avant-garde), khai phóng ấy được khởi xướng từ thế hệ nhà thơ cách tân đầu tiên của Việt Nam sau 1986, như Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc… Nếu ví tác phẩm của những nhà thơ đi trước như hừng đông, ban mai vừa rạng của tinh thần canh tân trong thơ Việt đương đại, thì đến Nhã Thuyên, ánh sáng tinh thần đó như mặt trời chính ngọ đã ngập tràn mặt đất. Trong chùm thơ năm bài cùng mang tên “những hình dung xa lạ”, tôi nhận thấy cuộc “tự hủy” của Nhã Thuyên được thực hiện triệt để từ gốc đến ngọn. Hội tụ ở đây là những hình ảnh, những chuyển động thường không diễn ra đơn lẻ, mà kéo theo hàng loạt những dịch chuyển khác:

 

tái dần trong những cơn hôn tôi đổ ngập vào tôi đầy bóng tối...

...làn da mưa xanh những sinh linh vai trần. kêu dưới lớp phù sa bãi bồi rải đầy xác loài chim đã bay và chết vô hướng” (những hình dung xa lạ).

 

Đến lúc này, mọi hình ảnh được Nhã Thuyên tái hiện không còn tuân theo quy luật tự nhiên thông thường, mà cong vênh, căng phồng và phát nổ như những đồ vật trong một cuộc hỏa hoạn:

 

những chiếc rễ cây dốc ngược hút từng giọt đến kiệt

bộ da trút

xuống đôi cánh tay vạm vỡ của kẻ đi săn

hơi thở và bóng tối sốt bỏng...

...Máu nàng trôi loang ngàn cánh hoa cúc” (những hình dung xa lạ).

 

Những hình ảnh trong thơ Nhã Thuyên thường được dựng trên rìa vực[2] chênh vênh của những khái niệm, những cặp phạm trù đối lập, như sự thật và giả trá, độc ác và thánh thiện, bóng tối và ánh sáng, v.v... Chúng không chỉ kết nối các chiều không-thời gian mà làm đảo lộn trật tự, trình tự trong đó. Như những câu thơ:

 

gã điên trong phố thè chiếc lưỡi nhờn nước miếng thèm thuồng

mùi vị bình minh cổ xưa...

...để trừng phạt đàn ông và rủa nguyền đức hạnh, nàng phản bội gã trong cơn mơ

 nàng hôn không thôi đôi mắt chết ai khoét bỏ nằm ngơ ngất

nàng bay trên ngả đường ấu thơ cùng con chim trúng thương” (những hình dung xa lạ).

 

 Những hình ảnh này, đôi khi được nhà thơ sắp đặt độc lập để mang ý nghĩa biểu cảm riêng biệt: những cái miệng nhơm nhớp của con chó già; xác chết; “chiếc thai đẫm nước”, “thai hoang”, “những sinh linh trần”, “con ngựa già”, “tiếng kêu lầy lội”, “những người đàn bà mòng mọng và nhũn”, con cá trên bức vẽ tổ tiên…

 

Xuyên suốt tập thơ “từ thở, những người lạ”, Nhã Thuyên thường sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba, như ngươi, người, hắn, gã, người lạ, kẻ lạ làm nhân chứng, manh mối, người dẫn chuyện… Đôi khi hắn lại là nhân vật chính, mang tính biểu trưng cho hiện thực, dĩ vãng, hoặc tựa những ám dụ về căn bệnh của lịch sử, thời đại:

 

tôi níu tay hắn, tôi bám víu, tôi tham vọng, tôi phiêu dạt, tôi sống và chết trong hai gọng kìm siết chặt” (đùa chơi thêm nữa);

tôi không đợi hắn, từ một cơn mưa xa, cơn mưa xa, hắn đến, im lặng, vươn tới im lặng, mọc vuốt im lặng, ai nén bóng tối hắn dồn chân tôi, ai cắn chân tôi, đau êm ái…

...tôi hỏi: người là phiên bản thứ mấy của Im Lặng?” (mưa đen).

 

Chuỗi đại từ nhân xưng ngôi thứ ba này chính là những người lạ mà nhà thơ Nhã Thuyên thường xuyên muốn trò chuyện, lục vấn, đối thoại, truy xét… Chính ngôi thứ ba này là đầu mối để tìm ra những “mồi lửa” sinh ra những cuộc hỏa hoạn, di biến trong tập thơ.

 

Hiện thực trong thơ Nhã Thuyên pha trộn, giao thoa giữa thực và ảo, mộng mị và khát vọng, vô minh và minh tuệ… Hiện thực ấy thường cho ta những ý nghĩa kép, khái niệm đảo nghịch về một hiện tượng. Trong thế giới của Nhã Thuyên, hình ảnh lửa cháy không còn đơn thuần là biểu tượng của sự hủy hoại, hủy diệt, mà còn chứa đựng trong đó những cảm giác đẹp đẽ mang ý nghĩa của khai sáng, phục sinh… Do vậy khi đọc thơ Nhã Thuyên, bạn đọc luôn cảm nhận một đời sống sinh sôi, nảy nở và náo hoạt trong “những kiếp lửa” ấy:

 

trò chơi vừa bay lên vừa mở ngoác thêm nữa của trái tim làm những tia máu vút lên

vô hướng

để tỏ rõ uy quyền, tôi đã bịt kín các cửa sổ” (trò chơi ban mai).

 

Tôi đọc “từ thở, những người lạ” và bị nhấn chìm bởi ngọn lửa và nhiệt lượng tỏa ra từ đó. Song tập thơ này cũng có khi không bỏng rát, mà dịu dàng như gió xuân, như mưa xuân… Chính điều kỳ lạ này đã làm nên sự phồn sinh trong thơ Nhã Thuyên:

 

bầu trời bờ đất nâu ướt ôm vòng bàn chân trần, không gian tôi, lá khô rào rạo vỡ mùi mưa nồng, cơ thể tôi, mỏng loang trong vũng nước đọng” (cầu hồn – người lạ).

 

Thơ Nhã Thuyên cho người đọc cảm nhận về bản chất của ngọn lửa giống như cảm nhận về đất đai, nguồn nước và khí trời. Lửa cho con người ánh sáng và hơi ấm. Trong cảm giác thiêu đốt, hủy hoại của lửa, ta vẫn cảm nhận được sự sinh sôi, vươn dậy của sự sống bất diệt trong thơ chị. Một số cụm từ trong tập thơ của Nhã Thuyên cho thấy rõ hơn điều này: những kết nối lặng lẽ, nhảy múa im lặng, chúng im lặng và tôi thở chậm, những đêm lặng phắc nhất, sự im lặng hoàn hảo, sự im lặng làm tôi giàu có, đến được nơi vắng lặng, tiếng im lặng rền rĩ, lựa chọn im lặng, hiện diện im lặng của ta, vết xăm cũ lặng lẽ bò khỏi cơ thể, cuộc tự sát im lặng, màu đen lặng ngắt, sự im lặng tàn nhẫn, lúc tôi bận bịu lặng im, dấu máu lặng câm, lặng lẽ khi tôi cháy bùng, mặt trời im lặng đỏ, v.v.... Tôi cho đây là những cụm từ mang ý niệm chuyển dịch, sống động trong trạng thái yên lặng.

 

Sự yên lặng trong thơ Nhã Thuyên chính là cánh cửa mở ra không gian rộng lớn. Nó cắt đứt quá trình tư duy thuần lý, đồng thời phá bỏ mọi quy ước và công thức của ngôn từ.

 

cuối cùng, mình sẽ nín thở, lẻn trốn, cùng nhau, hồ trên núi, bình yên vĩnh cửu và xanh mát dịu dàng” (những hình dung xa lạ).

 

Đi cùng thơ Nhã Thuyên, tôi được trải nghiệm nhiều trạng thái yên lặng trong “từ thở, những người lạ”. Có yên lặng phân rã, yên lặng tái kết cấu, lại có yên lặng sinh sôi, yên lặng chuyển dịch bất tận… Bạn đọc hãy cùng tôi thưởng thức những câu thơ giàu liên tưởng và căng tràn cảm xúc sau đây của Nhã Thuyên trong yên lặng:

 

“ngửi mùi bão, tôi đào hố nơi tấm lưng người tìm chỗ trú ẩn, máu đang dâng lên, người có thể ngửi mùi thơm dào dạt” (trò chuyện về trò chơi);

 

“trong lúc đợi người, bởi cơn đói đã lùi, tôi ngồi đào xới những con ma trốn trong đất xốp, nơi đây người ta nhân giống một loài khoai lang kỳ lạ, những rễ củ to cỡ bắp đùi luôn dậy mùi hương mê ngủ, đôi khi cơn sốt lên và gió chuếnh choáng, tôi nán lại hỏi chuyện đất và rình rập từng ngọn cỏ nhen, huyền thoại kể ngọn cỏ đầu tiên luôn đọng sẵn một linh hồn ân ái, ăn vào mình sẽ no đủ yêu thương bốn mùa” (trò chuyện về nước).

 

Trạng thái yên lặng để thanh lọc và chuyển hóa thân tâm trong thơ của Nhã Thuyên cho thấy, chị đã tích tụ được năng lực giác ngộ và tự giải thoát khỏi những biến cố, hệ lụy của đời sống:

 

bây giờ, tôi đã quyết nằm yên trong bình sẽ nằm yên trong bình và tro tàn không bay lên nữa” (tro).

 

Sau cuộc hồi sinh trong ngọn lửa, đây là sự thức nhận đầy minh tuệ của chị:

 

khi xung quanh say ngủ, tôi sẽ lẻn ra ngoài tắm mưa như một con chuột nhắt nghịch dại, chỉ để thấy mình bé bỏng và thương tổn” (cầu hồn – vườn);

 

đôi cánh đã mất, nhưng tôi còn thấy đó, u bướu cây cành lưu dấu sẹo thâm tái, vết máu ửng trên da nơi đôi cánh mọc và bay đi” (trò chuyện về cơ thể).

 

Tập thơ là một hành trình của cuộc hồi sinh trong biến cố hỏa hoạn. Tôi cảm nhận những vết bỏng từ những cuộc hỏa hoạn ấy thường mau lành và không để lại sẹo. Bạn đọc cũng dễ dàng nhận thấy điều này ở cuối mỗi bài thơ, hoặc cuối mỗi trường đoạn. Ở đó, tâm thế nhà thơ được lắng lại, trong vắt như một cốc nước đặt nơi yên tĩnh:

 

bây giờ, tôi vẽ một vòng tròn trên bãi cát, và tôi lún sâu mãi xuống cát ướt, cho tới khi hoàn toàn vắng lặng, và tôi sẽ không trở về” (Dấu vết của khoảng trống).

Thơ Nhã Thuyên trong những trạng thái hồi sinh luôn chứa chan hy vọng và hàm ẩn một nội lực mạnh mẽ:

 

những rễ cây cựa quậy đất cằn, những vô vọng mở chân trời, một mùi hương vắng mặt nhảy múa quanh ta, ngọn lửa cháy vũ điệu run rẩy, mất và tìm thấy và chưa từng đánh mất, và tôi yêu người, và tôi nói yêu người mỗi sáng, tinh khiết như ban mai, tự do như hương thơm, quấn quýt như hương thơm” (trò chuyện về khoảng cách).

 

từ thở, những người lạ” là tập thơ đầu tiên của Nhã Thuyên được xuất bản song ngữ với bản dịch tiếng Anh do nhà thơ Kaitlin Rees[3] dịch, nó được Nhà xuất bản Vagabond Press (Australia) ấn hành dưới tên “words breathe, creatures of elsewhere”. Đây cũng là cuốn sách thứ năm sau một số tác phẩm của chị được xuất bản trước đó là: “Viết” (Nxb Văn học, 2008), “Ngón tay út” (Nxb Hội Nhà văn & Phương Nam Book, 2011), “Rìa vực” (2011), “Màu cỏ xanh trong suốt” (Nxb Trẻ, 2012, in chung). Những tác phẩm này, về hình thức, là sự pha trộn giữa thơ và văn xuôi. Nhưng tôi coi chúng đều là những tác phẩm thơ, bởi cùng chung tư duy thẩm mỹ, tư duy hình tượng. Đặc biệt, chúng thể hiện rõ nét cách thiết lập không gian, kết nối điểm nhìn, ngôn ngữ biểu đạt của Nhã Thuyên.

 

Nhã Thuyên sinh năm 1986, cách thế hệ các nhà thơ cận kề sau cuộc chiến tại Việt Nam khoảng ba mươi năm. Qua các tác phẩm thơ, bạn đọc dễ dàng nhận thấy thơ Nhã Thuyên đã khác, mới mẻ hơn thế hệ thơ trước đó. Tôi muốn nhấn mạnh thêm về cái khác trong thơ Nhã Thuyên: tư duy thẩm mỹ trong thơ của các nhà thơ cách tân thế hệ trước chị ít nhiều vẫn chịu ảnh hưởng của hệ hình thi pháp cũ, sự cách tân của thế hệ này thường là kết hợp tâm thức hiện đại với một số thủ pháp nghệ thuật phương Tây, tuy đã xuất hiện không gian thơ đa chiều, đa điểm nhìn, nhưng hình ảnh trong phần lớn các tác phẩm thường tồn tại và chuyển dịch đơn lẻ, hoặc chưa thành hệ thống thẩm mỹ chắc chắn; đến thơ Nhã Thuyên, chị đã tiếp nối những bước đi của thế hệ cách tân trước đó, song những hình ảnh trong thơ chị thường xuất hiện đan xen, đồng hiện, tạo ra những chuỗi phản ứng khác nhau và liên tiếp. Ngôn ngữ thơ của Nhã Thuyên cũng đa giọng điệu và biến ảo hơn. Đặc biệt, thơ Nhã Thuyên hầu như xóa nhòa dấu vết của các thủ pháp kỹ thuật bằng cảm xúc mạnh mẽ và tự nhiên. Xin dẫn một đoạn thơ trong “từ thở, những người lạ” để bạn đọc dễ dàng cảm nhận, cũng là minh chứng cho nhận định của tôi:

 

“những chiều muộn, dòng sông quanh chúng tôi dềnh lên trắng nhợt, cha tôi cần mẫn gột rửa và cạo những lớp bụi dày lên từng chiếc lá, cạo dần cơ thể mình, trìu mến cắt tỉa những tháng ngày đau cặn, tôi vờ thơ thẩn để ngắm người từ xa trong im lặng, tiếng cạo chạm đến xương, buốt thít, khói thuốc vờn bay xanh xám, buổi chiều thu nhỏ dần bóng tôi, tôi sẽ biến mất vào bóng tối khờ dại này để nghe tiếng người gọi khẽ” (cầu hồn – cỏ).

 

Về thơ Nhã Thuyên, nhà thơ Kaitlin Rees nhận định: “Thế giới thơ Nhã Thuyên vừa kỳ dị vừa bình thản. Có một sự thanh lặng trong cơn phóng túng cuồng loạn, một thế giới sống sót vĩnh viễn sự phá hủy vĩnh viễn của nó. Những bài thơ này chuyển dịch dọc cơ thể ấy, và trìu mến, dịu dàng, xé ra khỏi chính nó. Như một yếu tố của tự nhiên, như cơn mưa, viên đá, luồng gió, cơ thể này được về lại cùng vũ trụ. Một sự hiến tặng tình nguyện của một trái tim. Tổn thương, nhưng không ướt át xúc cảm, trái tim này bị phơi trần và nhịp đập của nó vang vọng. Dù nó có bị móc rỗng, nó vẫn đập[4].

 

Sinh sôi trong ngọn lửa, tôi mong hình dung này chỉ là một lát cắt trong hành trình dài của nhà thơ Nhã Thuyên. Giờ đây, độc giả đã nhìn thấy một năng lượng sáng tạo lớn cùng bản lĩnh tự tin và mạnh mẽ trong con người thi sĩ của chị.

 

4/2016


 

_________________________

[1] Tên tập thơ, tên những bài thơ trong tập, những chữ cái đầu câu được tác giả Nhã Thuyên chủ ý không viết hoa.

[2] Tên một tập thơ của Nhã Thuyên ( 2011).

[3] Kaitlin Rees (1985 – ): Nhà thơ, dịch giả Mỹ, người đang cùng Nhã Thuyên biên tập tạp chí văn chương AJAR.

Nguồn: https://www.asiancha.com/content/view/2594/594/

[4] Nguồn: https://junglepoetry.wordpress.com/2016/01/06/found-words-nhung-tu-tim-lai/.

 



Bìa tập thơ “words breathe, creatures of elsewhere” xuất bản tạiAustralia





 

 

 




 






BÀI KHÁC
1 2 3 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị