Nhà thơ Mai Văn Phấn - “Chữ bầu lên tư tưởng” (phê bình) - Vũ Thị Huyền

Nhà thơ Mai Văn Phấn - “Chữ bầu lên tư tưởng”


 

Vũ Thị Huyền

 

 

Tôi hứa sẽ “làm một cái gì đó” sau khi “lôi” 2 tập thơ liền của nhà thơ Mai Văn Phấn trên mạng “ra” đọc. Rồi sách anh gửi tặng cũng bày nghiêm ngắn trên bàn. Và… tôi cũng đã “ngốn” xong. Nhưng cảm xúc vào một lời hứa dường như bị “đông cứng”… để rồi mãi tới hôm nay “và đột nhiên gió thổi », những cảm thức về 2 tập thơ trỗi dậy. Không chờ đợi đến khoảng lặng nào nữa của “Hôm sau”.

 

Thành thật với bản thân – đó chính cảm xúc tác giả - cứ xung đột liên miên với cái nhìn lý trí vào hiện thực “không thể tin” – và – là – những – đợt – sóng xô cuốn không ngừng những cũ mòn hay lưu cữu tù đọng…? Chìa khóa mở vào ngôi nhà thơ Mai Văn Phấn là phải tự “giũa” cho mình một cái chìa. Anh không làm sẵn cho độc giả những chiếc chìa giống nhau và không phải căn phòng nào bạn cũng vào được? Bạn không muốn vào? Hay không được chào đón?

 

Chữ bầu lên tư tưởng rõ nét nhất trong tập “Hôm sau” (Bài học) là một ví dụ: “Cánh và khuỷu tay vẫn cứng/Từ cổ tay xuống đến ngón phải mềm/Đạo mạo múa tay trong bị”. Múa tay trong bị - là thành ngữ dân gian chỉ kẻ tiểu nhược, đạo đức giả, trước khó khăn, hoạn nạn của người khác đã không cứu giúp lại còn biểu lộ “sự hả hê” không dám công khai mà “múa tay trong bị”. Một BÀI HỌC chưa cũ mà tác giả không còn là rung chuông báo động mà đã là trống ngũ liên của “lũ sắp vỡ đê”. Sự xuống cấp băng hoại của những “đạo mạo” chết người, của cái “từ cổ tay xuống đến ngón phải mềm”. Trong bài “Dạy trẻ con”, nỗi nhức nhối đến nghẹn ngào một hiện thực xã hội không thể tin kiểu: “Trẻ con nước mắt chảy vào trong”. “Chúng  rủ nhau ăn kiêng đề phòng cao huyết áp, mỡ máu, u xơ tuyến tiền liệt”. Phản biện hiện thực hay hiện thực giả định? Đứng ở một tâm thế nhà thơ – ý thức tác giả với cái nhìn lạnh sắc, nhân bản – ít nhất, anh cũng gõ được vào hiện tại những thanh âm bằng chữ hay đơn thuần gửi tới người đọc những cảm nhận vào một hiện-thực-không-thể-tin - dưới cái nhìn thấu tỏ và thông tuệ của mình.

 

Thơ Mai Văn Phấn không có sự tiếp nối. Anh luôn làm cách mạng với chính cảm xúc của mình và còn hơn thế. Thơ anh không phải bấm vào đâu cũng chảy máu theo kiểu tuần hoàn thông thường. Có những bài thơ chạm ngưỡng của nghệ thuật sắp đặt. Có thể “biến” một giấc mơ, một buổi chiều, một cái lưỡi người (chẳng hạn) thành một miếng thịt bò và cái khoảng không chúng ta đang sống là cái tủ lạnh khổng lồ. Đó chính là cảnh báo. Tiên tri cần thiết của bất cứ tác gia nào về một ngày mai…. Hay đó chính là tính dự báo trong mỗi tác phẩm thơ của Mai Văn Phấn.

 

Có lẽ, để dịu mềm hay cân bằng cảm xúc cho chính mình cùng độc giả. Ngược lại với “Hôm sau”, “Và đột nhiên gió thổi” được “nộp lưu chiểu” cùng thời nhưng ngược khác với “Hôm sau”. Tôi bảo đó là tập thơ tình anh anh em em và cứ thấy phảng phất đâu đó “tính Haruki Murakami” của rừng Na-uy. Lời đề từ “Luôn nhớ em trên lưng/con sam cái khổng lồ bao trùm mặt đất” cũng đã chứa một “thông báo” rõ ràng. Trừ bài “Tắm đầu năm” đáng lý anh phải chuyển sang tập “Hôm sau”, còn lại là bản giao hưởng và mỗi nốt nhạc gợi tưởng một nỗi nhớ, mỗi câu thơ gợi tưởng một thân hình.

 

“Và bất động hồi lâu trong mắt nhắm” “Ta rực rỡ trong vỏ bọc đêm tối/ánh sáng gặp nhau nơi sợi tóc bóng đèn” “Dịu dàng dâng lên chân mây hơi ẩm đại ngàn”… “Sự cách tân khuynh hướng trữ tình” khiến người đọc nhiều khi phải “tháo cũi, sổ lồng” thói quen “giam cùm” cảm xúc của mình để cảm nhận sự tàn khốc của hiện thực “không thể tin” đến sự âu lo “Anh cầm trên tay hòn than nóng bỏng/ngậm lút sâu vào lưỡi câu sắc nhọn/nằm trên từng mũi kim sắc buốt/uống vội vàng ngụm nước đang sôi. Và em và anh…”

 

Mai Văn Phấn không chơi chữ, tách, ngắt, bất thường trong hàng chữ, lên xuống hay tháo rời chữ ra. Anh chỉ “làm” chữ trong từ trường ý tưởng của mình, hướng tới một khát vọng. Chính điều này đã hạn chế độc giả tìm đọc thơ anh, nhưng nhà thơ không vì thế mà “thỏa hiệp”. Tôi hiểu sự quyết liệt trên con đường sáng tạo anh lựa chọn và hạnh phúc trong mỗi câu thơ “sáng lóe” lên “ý tưởng” soi rọi vào hiện thực, dẫu đôi khi có làm biến dạng hiện thực đến mức giả định, không thể tin.

 

V.T.H

(Nguồn: Báo Hải Phòng cuối tuần, số 33, ngày 13/11/2009)

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị