Mai Văn Phấn với những bài thơ hướng đến một trường-thẩm-mỹ mới (phê bình) - Nguyễn Việt Chiến

Mai Văn Phấn với những bài thơ
hướng đến một trường-thẩm-mỹ mới



 

Nguyễn Việt Chiến

 

                                                      

Mới đây, nhà thơ Mai Văn Phấn vừa gửi từ Hải Phòng lên Hà Nội cho tôi 2 tập thơ mới in của anh: “Hôm sau” (NXB Hội Nhà văn 7-2009), “và đột nhiên gió thổi” (NXB Văn học-quý III/2009). Tôi đọc liền một mạch hết 2 tập và điều cảm nhận đầu tiên là thú vị và ngạc nhiên. Thú vị là bởi cái giọng thơ nửa khôi hài, nửa kể chuyện theo kiểu thế sự hiện đại mà lại xót xa đau đáu trong tập thơ “Hôm sau” với nhiều bài thơ hay tới độ làm tôi phải “giật mình”. Còn ngạc nhiên là bởi khúc tụng ca tình yêu của Mai Văn Phấn trong tập thơ “và đột nhiên gió thổi” cho thấy khí huyết thơ anh vẫn còn trẻ trung, say đắm và tinh tế lắm. Cái đọng lại sau hai tập thơ mới này là một Mai Văn Phấn đã định hình một phong cách, một giọng thơ hiện đại sau chặng đường quyết liệt cách tân và đổi mới trong nhiều năm qua.

 

Thời gian trước đây tôi cho rằng, thơ hay (giống như một tấm gương phản chiếu) là loại thơ soi vào thấy mình, thấy cuộc sống con người hiện lên sinh động với các chiều kích khác nhau ở trong đó, còn thơ dở thì có soi vào mãi cũng không thấy gì. Còn thời gian gần đây tôi lại nhận ra rằng, thơ hay là thứ thơ làm cho người ta phải kinh ngạc và thật sự rung động bởi một ý tưởng mới, một suy tưởng mới, một sức sống mới đang làm nên những dạng thức mới của ngôn ngữ thơ. Và, bài thơ “Ghi ở Vạn lý trường thành” của Mai Văn Phấn là một trong những bài thơ hay khi nó mang trong mình một dạng thức mới của ngôn ngữ thơ: “Mây xếp trên vai từng tảng đá nặng/ nhòe mắt cát/ thở đầy ngực cát/ Vạn lý trường thành còn xây dở?/ Trên không tiếng hoạn quan truyền chỉ/ Bắt được kẻ nào vừa vác đá vừa làm thơ/ đánh hộc máu mồm/ Khâm thử/ Ngước lên gặp một khuôn mặt bì bì/ Tay lạnh, mắt chì, giọng mỡ/ Mái Phong Hỏa Đài màu huyết dụ/ Hình thanh long đao dính máu đang kề cổ/ Còng lưng đẩy nắng đi/ Chồn chân đẩy gió đi/ Miễn sao gần được bông hoa/ Đang mởn mơ trong gió lớn/ Tâu Hoàng thượng/ thưa ngài/ báo cáo đồng chí/ Bỉ chức/ thảo dân/ em…/ Sẽ làm tròn bổn phận/ Đây là đỉnh trời/ hay đáy vực sâu/ chỉ thấy trên lưng lằn roi bỏng rát/ Mồ hôi du khách trên đá xám/ Nở thành hoa phù dung”. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một trong những bài thơ hay nhất của Mai Văn Phấn từ hai tập thơ vừa xuất bản.

 

Trong số những nhà thơ sung sức hiện nay đang có những cách tân được dư luận chú ý phải kể tới Mai Văn Phấn. Theo tôi, anh đã biết cách giữ được đặc thù của ngôn- ngữ -thơ trong chuyển động đổi mới của những con chữ. Đây chính là sự khác biệt giữa một số cây bút cách tân đã nhân danh cái mới để “lạ hoá” thơ đến mức phản –thơ với những tác giả có xu hướng tìm tòi nhằm nâng cao vẻ đẹp của ngôn- ngữ- thơ bằng những ý tưởng mới. Trong bài thơ “Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ” mở đầu cho tập thơ “Hôm sau”, Mai Văn Phấn đã dựng một tứ thơ khá mới lạ theo cách kể chuyện pha chút “liêu trai” khá dí dỏm, khôi hài: “Pha xong ấm trà/ quay ra/ ông khách không còn ở đó/ Gọi điện thoại/ Người nhà bảo ông mất đã bảy năm/ Nhầm lẫn (!)/ Nhà mình/ mọi sự đảo lộn/ Không nhớ bức chân dung hạ xuống bao giờ.../ Đâu rồi chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót?/ Bộ ấm chén giả cổ ai cho?/ Ghé sang hàng xóm/ thử hỏi mấy loại thực phẩm/ loại tăng giá/ loại còn giữ giá/ Trong nhà/ Trà vẫn nóng/ Đẩy chén nước về phía ông khách đã ngồi./ Luồng tử khí cao chừng một mét sáu mươi dựng đứng trước mặt/ chốc lại cúi gập”.

 

Trong đoạn thơ trên, cái hàm ý sâu xa mà nhà thơ muốn khơi gợi nằm chính trong sự xuất hiện “đáng ngờ” của một chân dung, một nhân vật không còn tồn tại trong đời sống nhưng vẫn luôn lảng vảng ở xung quanh chúng ta như một ám ảnh bắt ta phải nghĩ tới. Diện mạo chân dung ấy rất có thể là của một ông khách hàng xóm mà cũng có thể còn là một chân dung ngộ nhận nào khác, tùy theo sự liên tưởng của mỗi người.

 

Mai Văn Phấn nằm trong số ít các nhà thơ đã thành danh nhưng đang có những tìm tòi, cách tân thơ đầy hào hứng và quả quyết. Khoảng hơn một thập niên trở lại đây, anh và một số nhà thơ của thế hệ hậu chiến đã nổi bật lên như những cây bút tiềm tàng sức sáng tạo, hướng về những cách tân thực sự mang lại cho thi ca một hơi thở mới, một sức sống mới và một biến động mới làm lung lay những “nền tảng” cũ trong thơ trước đó. Trong bài thơ “Đúng vậy” của Mai Văn Phấn dưới đây, bạn đọc có thể tìm thấy dưới những câu thơ kể chuyện bình dị như đời sống lại có một thông điệp khác của nhà thơ về thế giới này: “Lúc đi/ ông mặc áo len màu cổ vịt, quần rộng đũng/ tóc cắt ngắn/ tay cầm sách/ ra gần cửa còn lẩm bẩm: sáng rồi tối..thối rồi thơm..bơm rồi xì..đi rồi ngã..vả rồi thương..ương rồi chín..nín rồi thét..kẹt rồi lơi..xơi rồi hóc..bóc rồi che..đe rồi chừa..đưa rồi quỵt..bịt rồi hở..lỡ rồi toi..moi rồi thấy../ chốt cửa gỗ/ kéo cửa sắt/ ông bấm năm chiếc khóa/ rồi ném chìa vào trong nhà/ Lật đống chăn nơi ông vẫn nằm/ thấy mẩu giấy với nét chữ nguyệch ngoạc “Ai tìm thấy tôi ở đâu, gọi về số…Xin cảm ơn và hậu tạ”/ sau mẩu giấy vẫn còn văng vẳng: quấy rồi đục..nhục rồi than..tan rồi huề..mê rồi tỉnh..thỉnh rồi buông…”.

 

Không ít người  cho rằng giá trị “thật” của thi ca là phải có thơ “hay” chứ không cần thơ phải “mới” (thà “cũ” mà hay còn hơn “mới”mà dở!?). Nhưng một số người lại cho rằng, nếu các nhà thơ hậu bối cứ  học hỏi, “bắt chước” kiểu viết của các đại thi hào ở những thế kỷ trước thì làm sao nền văn học Việt Nam có được những “giá trị mới” của thơ tiền chiến 1930-1945 còn ảnh hưởng đến tận hôm nay. Như vậy, mỗi thời đại đều có diện mạo thơ ca riêng của mình, mang hơi thở và sức sống của thời đại đó. Vì thế, những tài năng thơ ở mỗi một giai đoạn mới, dường như đều nỗ lực kiếm tìm những giá trị mới trong nghệ thuật, để cho thơ hành trình cùng với đời sống tinh thần của con người qua mỗi chặng thời gian.

 

Theo tôi, bản chất của sự cách tân và đổi mới thơ không chỉ nằm ở sự tìm tòi về mặt hình thức nghệ thuật cấu trúc của ngôn ngữ thơ mà điều thiết yếu căn cốt là ở sự đổi mới nội dung đời sống được phản ánh trong thơ. Trong rất nhiều thế kỷ qua, các trường phái thơ lớn trên thế giới qua mỗi thời kỳ đều hướng tới sự tìm tòi và cách tân thơ. Điều khác biệt (và khu biệt nhất) để có thể nhận ra được các nhà thơ cách tân của mỗi thời đại có gương- mặt- thơ khác nhau như thế nào chính là ở nội dung đời sống trong thơ họ ở thời đại ấy đã được phản ánh, khắc hoạ trong một trường- thẩm- mỹ nào. Theo tôi, các nhà thơ xuất hiện sau năm 1975, trong đó có Mai Văn Phấn đã hướng đến những tư duy thẩm mỹ mới và hiện đại. Thơ của họ đã vượt thoát khỏi những khuôn sáo ước lệ của vần điệu để thắp lên những hình tượng thơ mới. Không gian thơ được mở rộng hơn, mở sâu hơn, với tới các chiều kích của những suy tưởng lớn mang tính khái quát cao. Và, trong trường- thẩm -mỹ này, những vấn đề tưởng chừng lớn lao lại được khái quát lên từ những cái rất tầm thường, nhỏ bé của đời sống quê hương máu thịt hàng ngày.

 

Nhà thơ Mai Văn Phấn đang hướng tới những bến bờ cách tân ấy, anh đã bước đầu có được những dấu ấn riêng trong nền thơ đương đại của chúng ta với tư cách là một nhà thơ rất chuyên nghiệp, chuyên sâu và có nhiều ý tưởng mới. Trong bài thơ “Chọn cảnh” dưới đây, chúng ta sẽ thấy Mai Văn Phấn, với một “góc nhìn” mới về thơ cách tân đã nắm bắt và triển khai thi pháp hiện đại một cách sáng tạo như thế nào: “Trong mơ ngả mình trên biển/ gối đầu lên tay em/ Em nghĩ nơi đây biển sâu 8 mét/ (tôi đọc được ý nghĩ)/ có đám mây và chim hải âu/ Tôi mang giấc mơ ra phố/ lúc ăn sáng thấy mình giống miếng mộc nhĩ/ sôi lên trong nồi nước dùng/ nồi nước sâu 8 mét/ Vào thăm bạn trong ngõ hẹp/ biển số nhà giống miếng mộc nhĩ trong nồi nước dùng/ tiếng bạn vọng từ độ sâu 8 mét/ Khép bớt cửa vì lạnh/ Hơi ẩm mơ hồ ngấm xuống rất sâu/ Thấy khoảng cách từ chân ghế tới bức tượng/ tiếng mọt kêu tới vụt nhanh tia chớp/ giữa những khuôn mặt trong quán phở xa lạ.../ bằng/ khoảng cách giữa đám mây và chim hải âu/ đẹp tuyệt vời trên độ sâu 8 mét”.

 

Một bài thơ luôn mang lại cho ta những bất ngờ đến từ mỗi câu thơ và ta không thể đoán định nổi câu thơ sau Mai Văn Phấn sẽ viết gì về “cái độ sâu 8 m” đã ám ảnh nhà thơ (và ám thị luôn cả người đọc). Bạn đừng đòi hỏi sự có lý, sự hợp chuẩn, sự dễ hiểu của những bài thơ hiện đại kiểu này, nó có vẻ như phi-đời- sống và phi-hiện- thực nhưng nó chính là một đời sống hiện thực 100% theo kiểu nhìn “nghiêng”. Và ở giác độ mới này, nhà thơ đã phát hiện giúp chúng ta những cảm nhận khác lạ về một số hiện tượng đời sống ở những góc rất khôi hài và nhiều ý vị.

 

Với Mai Văn Phấn, mỗi bài thơ là một thể nghiệm để có được một phát hiện mới, một ghi nhận mới về sự cách tân. Anh miệt mài như thế đã nhiều năm, anh đọc khá kỹ và đọc khá nhiều tác giả thơ hiện đại của thế giới để nắm bắt những trường phái cách tân thơ hiện nay. Sau những kiên trì thể nghiệm (có lúc đã đạt tới một cái gì đấy, và cũng có khi còn lúng túng, hoang mang), thơ Mai Văn Phấn thời gian gần đây bắt đầu “non xanh” trở lại và bớt đi những liên tưởng rắc rối (khiến người đọc thấy choáng sốc nhiều hơn là được thưởng ngoạn vẻ đẹp của thơ). Và bài thơ “Nghe em qua điện thoại” là một dẫn chứng về sự “non xanh” ấy: Tiếng em trong điện thoại rất trong và nhẹ/ Một giọt nước vừa tan/ Một mầm cây bật dậy/ Một quả chín vừa buông/ Một con suối vừa chảy.../ Khoảng cách tới đầu dây bên kia là ruộng đồng, làng mạc, quang gánh... Là xe cộ, tháp dựng, rễ sâu... Giọng em không vượt qua mà làm cho chúng bé lại, mở thông những cánh cửa sang nhau. Anh nghe em nhờ rễ sâu mở những vỉa tầng linh thiêng trong đất ấm, con sông chảy vào quang gánh, làng mạc phồn sinh tháp dựng, cánh đồng tươi tốt trên xe cộ.../ Nói tiếp cho anh những câu bâng quơ không nội dung!/ Lát nữa em đặt ống nghe, chắc mọi vật sẽ loay hoay tìm về đường cũ/ Chỉ còn gợn sóng lan xa/ Chỉ còn tan trong diệp lục/ Chỉ còn thoảng bay dịu ngọt/ Chỉ còn bờ đá lung lay...”.Một bài thơ tình khá hiện đại, tôi có cảm nhận thơ Mai Văn Phấn đang bắt đầu có độc giả và họ là những người đọc của thời @- cái thời mà giá trị thi ca đang chịu rất nhiều thử thách và đang trăn trở tìm lối thoát.

 

Theo tôi, cái mới trong thơ nhiều khi không cần đến sự trình diễn cầu kỳ bằng một hình tượng lạ, một cấu trúc lạ, một biểu đạt lạ mà điều nó hướng tới phải là một phát hiện mới về tính suy tưởng của thơ. Và bài thơ “Hắn” của Mai Văn Phấn sau đây là một trong những bài thơ mang lại sự phát hiện mới về tính suy tưởng của thi ca: “Nơi bóng tối ăn thịt bóng tối/ hắn ngồi lẩm bẩm.../... lầm rầm âm thanh tiếp diễn/ của bóng tối chưa thành/ của bóng tối nuốt dần bóng tối/ của màu đen không thể đen hơn/ Hắn là nơi hoàn thiện: của gương đã lành/ sâu đã nở/ trinh đã mất/ cáp đã đứt/ cống đã thông.../ là bãi phế thải của giẻ rách/ mảnh thủy tinh/ băng vệ sinh/ giày dép lạc mốt.../ là viên đạn bay đi chạm đích/ những vòng kinh hồi sinh/ dòng sông gặp biển../.Lần mò leo tận cây cao/ hắn hô: Ê, chiếu ánh sáng vào đây!/ Theo đèn pin le lói/ mọi người thấy hắn giang tay và bay lượn tựa thiên thần/Hắn cười và vung tay đấm qua lỗ thủng đã khoét sẵn trên tấm bìa. Những ngón tay xương xẩu co lại thành quả đấm thép lao qua tâm điểm không vật cản. Hắn nghĩ, bàn tay đang tìm khoái cảm của con chó chui qua bức tường lớn. Vị trí tấm bìa hắn giơ lên để nắm tay kia bay qua là khoảng cách quá ngắn. Khát thở/ Mỗi lần lao qua miệng lỗ thủng, bàn tay hắn lại xòe rộng. Tấm bìa giống con sứa đang bơi mắc phải lưỡi câu chùm. Xoay tấm bìa, hắn hát: trời xanh í a... đây vòm ngực rộng... Bên kia tấm bìa là thế giới khác. Biển báo, thầy giáo cũ, biên bản giám định, chợ búa, kỷ niệm chương, thợ móc cống, hội đồng hương, tu sỹ, dầu tắm, bẫy chuột, nhà tiên tri... và thời trang cũng khác (hắn nghĩ thế!). Hèn gì không chui nốt cả tay kia (!)/ Hắn liệng tấm bìa vào thùng rác, xuống tấn, đấm liên hồi vào lỗ thủng ước lệ, lao đi tốc độ chóng mặt/ Một dự báo về tương lai của thể thao. Với nhan đề trang trọng của tờ báo buổi chiều, hắn có tên trong danh sách những nhà vô địch”.

 

Thật ra, thơ hay có những tiêu chí gì, chuẩn mực gì vẫn là chuyện muôn đời xưa nay còn phải bàn cãi, vì cái hay đối với lớp người này (ở thời điểm này) chưa chắc đã là hay đối với lớp người khác (ở thời điểm khác) và ngược lại. Nhưng có một điều dễ nhận ra, thơ hay là thứ thơ còn đọng lại được qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian, bởi thời gian là thước đo sòng phẳng nhất đối với mọi giá trị sáng tạo đích thực của nghệ thuật văn chương. Với Mai Văn Phấn, vẻ đẹp nhân văn của ngôn ngữ thơ vẫn mãi mãi ám ảnh những câu thơ của anh. Và hành trình sáng tạo văn học của Mai Văn Phấn đang hướng đến những giá trị đích thực của đổi mới thơ,trong đó có sự tìm tòi làm giầu cho ngôn ngữ thơ.

 

N.V.C

(Báo Người Hà Nội số 42, ra ngày 16/10/2009)

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị