Dù truyền thống hay hiện đại - đều đi đến cách tân - Phạm Thùy Linh

Hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn:

dù truyền thống hay hiện đại - đều đi đến cách tân



 

 

 

Phạm Thùy Linh

 

Khi hội thảo trên mới ở dạng “dự thảo”, nhiều người e ngại về sự thất bại bởi hai khuynh hướng thơ của hai nhà thơ khác nhau. Có ý kiến còn cho rằng, việc chọn hai nhà thơ một đậm nét truyền thống với thể thơ lục bát là Đồng Đức Bốn (đã mất) và một đặc sệt phong cách hiện đại, đổi mới theo lối riêng là Mai Văn Phấn đã dự báo trước một hội thảo kém hấp dẫn, rời rạc và không thành công. Nhưng sau một ngày (15-5-2011) tại tầng 9 bar Vũ Trụ (22 phố Lý Tự Trọng (Hải Phòng), sự thành công ngoài mong đợi tạo nên một hoạt động lý luận, phê bình, trao đổi học thuật không còn nằm trong phạm vi một thành phố.

 

Hội thảo “song đề” thành công từ khi mới bắt đầu

 

Nói theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quang Trung tại hội thảo, đây chính xác là một hội thảo “song đề”. Có nghĩa là song song hai chủ đề tương trợ lẫn nhau. Nói về Đồng Đức Bốn, người ta tưởng nhớ anh qua những tác phẩm còn để lại mang tính dự báo. Những bài thơ đậm chất ca dao với chất liệu đồng quê, nông thôn Việt Nam “bắc cầu” đưa Bốn đến với công chúng. Còn khi nhắc đến Mai Văn Phấn, người hiện diện tại hội thảo với tư cách “thính giả”, nghe thiên hạ nói về mình thì lại là hình ảnh của những câu thơ cách tân, đổi mới, một mình một kiểu “không giống ai”.

 

Đó là cách hai nhà thơ tạo nên được nét riêng đứng song song độc lập với nhau. Nếu cả hai cùng làm lục bát, cùng làm tự do, cách tân thì không còn gì là thú vị của một hội thảo “song đề” nữa. Những ý kiến trao đổi, tham luận sôi nổi tại hội thảo khi thì về Đồng Đức Bốn với những ký ức, kỷ niệm chưa nguôi, khi thì về các hình tượng bao trùm trong thơ Mai Văn Phấn với thiên nhiên, người tình và cái tôi cá nhân đan xen tạo nên diễn đàn đặc biệt về các trường phái thi ca và khuynh hướng sáng tác trong thời kỳ hiện đại. Nhìn bề ngoài, có thể đó là những tham luận về cá nhân hai nhà thơ, nhưng bao quát hơn, đó cũng là những ý kiến về trào lưu thơ hiện nay. Như nhà thơ Vân Long khẳng định, từ trước tới nay chưa từng có cuộc hội thảo thơ nào lại tập trung nhiều nhà khoa học, nghiên cứu, phê bình như tại hội thảo này. Sự có mặt của gần 300 khách mời là minh chứng rõ nét nhất. Trong đó, hơn 50 tham luận được gửi về nước ngoài, từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố bạn. Chưa nói tới yếu tố tình cảm cá nhân của những tác giả tham luận với hai nhân vật, chỉ riêng về học thuật và nội dung trao đổi liên quan đến khuynh hướng sáng tác được đề cập tại hội thảo đã tạo nên một hội thảo thành công ngay từ khi mới bắt đầu.

 

Hiện đại và truyền thống đều đi đến cách tân

 

Tuy vậy, ý đồ của ban tổ chức hội thảo không hẳn ở nội dung “song đề” như Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quang Trung nhận định. Việc chọn 2 nhà thơ có tiếng của Hải Phòng thành công ở hai khuynh hướng thơ tưởng như khác nhau nhưng thực chất lại gặp nhau ở một điểm – đó là sự cách tân về lối thể hiện. Đồng Đức Bốn chọn thể thơ lục bát truyền thống, nhưng nội dung biểu lộ trong thơ anh chính là sự đổi mới rất riêng chỉ có ở thơ Đồng Đức Bốn. Khi anh bắt đầu với việc “quay về truyền thống”, bạn bè anh trong đó có nhà thơ Hữu Thỉnh đã băn khoăn về sự “lặp lại lối mòn”. Trước anh, nhiều người đã quá thành công với thể thơ này. Như “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, như nhà thơ Nguyễn Bính… Nhưng Đồng Đức Bốn chọn được lối đi của mình trên một con đường truyền thống của thi ca. Và anh thành công ở sự cách tân trên nền thơ lục bát của dân tộc.

 

Còn Mai Văn Phấn, khác hẳn Đồng Đức Bốn, Mai Văn Phấn chọn hình thức cách tân toàn diện cả về thể loại và nội dung, cách thể hiện. Những bài thơ của anh với một khuynh hướng hiện đại, rất “Mai Văn Phấn”. Không giống bất cứ ai, không đi lại lối mòn dù của chính mình. Thơ Mai Văn Phấn thực sự là “thách đố” với nhiều người không loại trừ bạn văn chương. Thơ anh được ghi nhận không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Nhưng có một băn khoăn như lời nhà thơ Bằng Việt, còn thiếu mối tương quan với xã hội. Còn thiếu công chúng để thơ Mai Văn Phấn thực sự thành công. Nhà thơ Khánh Phương nhấn mạnh ý này bằng nhận xét của riêng mình: “Thơ Mai Văn Phấn để cảm chứ không để hiểu”. Nhưng cũng không phải mấy người “cảm” được những bài thơ như “mê cung”, “ma trận” của anh giai đoạn gần đây.

 

Đồng Đức Bốn dừng lại và Mai Văn Phấn đi tiếp

 

Lời kết của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sau khi hội thảo thành công như đánh giá của nhà thơ Hữu Thỉnh là một cái kết mở. Hội thảo tuy kết thúc nhưng còn tiếp tục những trao đổi về thi ca từ đây lan ra mãi. Hữu Thỉnh nhận ra “sức sống nội tại của một nền thơ đang chuyển động”. Sự quan tâm của anh em văn chương với thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn là một biểu hiện với sức cuốn hút trong tư duy đổi mới của thi ca. Công chúng cũng đang dành sự quan tâm với hai nhà thơ này và sự đổi mới của các anh. Đồng Đức Bốn đã dừng lại trong cuộc đời mình, những sáng tác của anh đã tạo nên được từ trường của thơ Đồng Đức Bốn với lối cách tân trên nền lục bát. Còn Mai Văn Phấn vẫn tiếp tục đi trên chặng đường cách tân còn dài phía trước.

 

Như ý kiến chân thành của nhà thơ Hữu Thỉnh với thi sĩ họ Mai của Hải Phòng, “Mai Văn Phấn đang sốt ruột một cách bình tĩnh” để vun đắp cho lâu đài thi ca riêng của mình. “Thơ Mai Văn Phấn đang ở độ chảy xiết, nó sẽ trong lại” – Hữu Thỉnh đã nói như vậy. Hội thảo thành công với sự đánh giá “không còn gì để bàn cãi” về thơ Đồng Đức Bốn. Với “người ở lại” Mai Văn Phấn, anh thuộc về số những nhà thơ đang được chờ đợi. Công chúng vẫn đang nuôi dưỡng sự chờ đợi để đón bứt phá mới hơn, gần gũi hơn của thơ anh.

 

Trên tất cả sự đợi mong của những người yêu thi ca, hội thảo thành công với độ sôi sục đến tận phút cuối cùng. Như lời xúc động của nhà văn Đình Kính – đại diện cho ban tổ chức hội thảo: “Hội thảo thành công vì chúng tôi có một Mai Văn Phấn và một Đồng Đức Bốn”.

 

P.T.L

(Báo Hải Phòng cuối tuần, 5/2011)

 

 

 

Báo Hải Phòng – Wikipedia tiếng Việt

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị