THƠ TỰ DO CÓ CẦN GIỚI HẠN? (phê bình) - Vân Long

 THƠ TỰ DO CÓ CẦN GIỚI HẠN?



 

Vân Long

 


Trên Văn nghệ trẻ số 8 (19/2/2012), nhà thơ Mai Văn Phấn đã phát biểu: “Dù sáng tác trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà thơ phải luôn được tự do. Lúc ấy, nhà thơ được sống, được trải nghiệm trong một thế giới riêng của anh ta…”; “… Với tôi, đời sống xã hội, đời sống cá nhân càng khó khăn… thì khát vọng tự do sáng tạo càng được thổi bùng… Khát vọng ấy như con chim vỗ cánh bay vút lên cao mà không bất kỳ sức mạnh, thế lực nào có thể ngăn cản…”.

          
Hành trình thơ Mai Văn Phấn ngay từ bước đầu đã có ý thức đổi mới, nhưng vẫn trong sáng dễ hiểu, anh được giải thưởng cao của báo Người Hà Nội và báo Văn nghệ (1994, 1995) với những bài thơ theo phong cách truyền thống mà anh quan niệm “truyền thống không chỉ đơn thuần là sự kế thừa, nó cũng liên tục là quá trình sáng tạo để tìm đến những giá trị cao hơn mang tính dân tộc”. Sau đó, có giai đoạn anh thể nghiệm một số cách viết khiến người vốn yêu sự trong trẻo trước đây của thơ anh cũng khó chấp nhận… May thay, là người rất chịu giao lưu với các bạn thơ trong và ngoài nước, trực tiếp nghiên cứu và thể nghiệm nhiều trường phái thơ thế giới…, cuối cùng, anh trở lại định hướng tìm về nguồn cội thi ca trên một tầm nhìn mới.

 

Trong tham luận đọc tại Hội thảo thơ Đồng Đức Bốn, Mai Văn Phấn ở Hải Phòng năm trước (Nghệ thuật mới số 2,6/3/2012 vừa trích đăng), tôi viết: “Mai Văn Phấn luôn tự phá vỡ thế đứng ngỡ như tạm ổn định để bước sang một giai đoạn thể nghiệm mới… Những bài thơ trong  sáng trước năm 1995 không ngờ lại là thứ vàng bảo đảm cho thơ anh ở những giai đoạn thể nghiệm sau (những tìm tòi khó hiểu). Mai Văn Phấn đã có định hướng mới sáng suốt là cách tìm về nguồn cội thi ca, để cảm xúc trôi chảy tự nhiên, tìm ra cách nói hồn nhiên, tối giản, trong trẻo nhất”.


Anh được giải thưởng Hội Nhà văn VN 2010 hẳn nhờ thực hiện định hướng này mà nhận định của anh Đỗ Ngọc Yên (SK&ĐS 17/3/2012) là  gần với thơ truyền thống hơn những tập thơ “phi truyền thống” được giải khác (tôi không có ý bàn về những giải thưởng mới được trao). Tiến trình thơ Mai Văn Phấn gần giống trường hợp thơ Hoàng Hưng (giải Ba báo Văn nghệ giữa những năm 60 thế kỷ trước, sau thời gian tự thân vận động, tìm tòi và trải nghiệm thơ vụt hiện, anh trở lại sự trong sáng giản lược qua tập thơ Hành trình, giải thưởng Thơ Hội Nhà văn Hà Nội 2006).


Khi Mai Văn Phấn có cảm giác khát vọng tự do sáng tạo của mình như con chim bay vút lên cao, không bị bất kỳ sức mạnh nào có thể ngăn cản thì con chim khát vọng tự do sáng tạo ấy mặc nhiên vẫn phụ thuộc lực hút của trái đất? Với thi sĩ, anh tiếp nhận lực hút ấy cùng với giọt sữa đầu tiên là tiếng ru đầu đời của bà mẹ Việt, mở đầu nguồn tinh hoa dân tộc được tích lũy bao đời, cuối dòng là những lần tiếp biến văn hóa với các nước, cả bạn lẫn thù từng giai đoạn mà chính Mai Văn Phấn đã tận dụng để xây dựng trên đó lầu thơ riêng của mình!

 

Thứ tự do Mai Văn Phấn nói đến tôi hiểu bao hàm cả quá trình là như vậy!


Còn một thứ tự do “tuyệt đối” khác, mà gần đây, ta có thể dễ dàng bắt gặp, nhất là trên các trang báo mạng, những bài thơ tự do bỏ vần, không nhịp điệu, miên man không có điểm trụ của chủ đề, đừng nói gì đến cấu tứ, những dòng văn xuôi không hình tượng, nằm bẹp trên mặt bằng trang giấy những xác chữ... nhân danh thơ tự do, hậu hiện đại của hậu hậu hiện đại(!) Phải chăng các nhà thơ này muốn tự do dỡ bỏ tất cả, làm cái mới ngay từ con chữ đầu tiên?


Tôi giả thử nếu trong số người viết này thực sự có người tài năng mà hành trang tri thức thơ còn nhẹ bẫng như vậy, chỉ viết theo bản năng thì sao đủ sức đi xa?  

 

V.L

(Báo Sức khỏe & đời sống, 4/2012)

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị