Mai Văn Phấn người lữ hành vượt qua “sa mạc” (phê bình) - Vân Long
Mai
Văn Phấn người lữ hành vượt qua “sa mạc”

Vân Long
Hải Phòng là một vùng đất dễ sản sinh ra những tài năng dị biệt
trong lĩnh vực Thơ. Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, ngỡ như lớp nhà thơ chống
Mỹ sinh ra, lớn lên tại đây (tôi không tính những nhà thơ vãng lai như Hoàng
Hưng, Nguyễn Khắc Phục, Vân Long…) thường xuất phát và quy tụ trong bóng rợp
của thơ Văn Cao, tiêu biểu là trường ca Những
người trên cửa biển của ông. Thơ ông thể hiện một hiện thực khoáng đạt, ít
lệ thuộc vào những khuôn khổ, ước lệ của Thơ Mới (câu thơ lô xô gần với lời nói
thường một cách gợi cảm và giầu hình tượng). Xuất phát trên cái nền hiện thực
khoáng đạt ấy, thơ Hải Phòng có vẻ phóng túng hơn, công nghiệp hơn, gân guốc
hơn các tỉnh bạn. Từ thập niên 70, 80, 90 một số nhà thơ có bản lĩnh đã mài sắc
cá tính sáng tạo của mình, dần thoát khỏi bóng rợp ban đầu, tạo một chỗ đứng
riêng ngày càng tách xa nhau, để có những Thi Hoàng, Thanh Tùng, Dư Thị Hoàn,
Mai Văn Phấn, Đồng Đức Bốn…
Mai Văn Phấn là một trường hợp thật riêng khác mà phải qua một quá
trình dài ta mới nhận ra, bởi anh luôn không chịu ổn định một phong cách nào,
luôn tự phá vỡ thế đứng ngỡ như tạm ổn định để bước sang một giai đoạn thể
nghiệm mới. Ngay từ những bước đi đầu tiên, bên cạnh cách diễn đạt trong sáng,
thơ anh đã có màu sắc siêu hình: Ghé môi
vào miệng thời gian/ Cho hơi thở mọc vô vàn cỏ non/… Một thời phờ phạc thiên di/ Tìm trong bóng nước thấy gì nữa đâu/ Mảng
đêm đập cánh đi mau/ Giọt sương trong mát trên đầu hư không… (trang 14, 19 Thơ Tuyển Mai Văn Phấn - trước 1995).
Những bài thơ ngăn ngắn trên dưới chục câu, diễn đạt thật trong trẻo, dung dị,
lãng mạn đã chiếm cảm tình người đọc ngay từ ngày ấy: Một chiều bạn không tới/ Chim gọi hoài trong cây/ Hồn lá rơi loạng
choạng/ Thiếp đi trên đất này/ Mùa thu trên tay gày/ Nâng chén trà lẻ bạn/ Bóng
mình trong bóng chén / Mà hồn ngoài chân mây (Bạn). Tinh tế và bảng lảng chất thơ Hà Nội: Cây lá ở Nghi Tàm/ Thon những bàn tay Phật/ Ta nhìn vào sương tan/ Thấy
lòng mình trong vắt/… Ai đang dẫn ta về? Thành Thăng Long mây khói/ Nền xưa và
dấu xe… (Nghi Tàm) Kế thừa lục
bát truyền thống, nhưng vẫn cách điệu từ ngắt nhịp, đảo nhịp đến tu từ, không
thua gì những kiện tướng lục bát đương thời mà còn phả vào lục bát đôi nét kiêu
sang lãng tử: Mưa cầm tiếng phách tiếng
sênh/ Cho ta buông giữa chiều chênh lệch chiều/… Hồn hoa ngủ giữa tay cầm/ Mắt người khóc tựa ướt đầm cánh ong (Mưa cuối hạ). Đó là Mai Văn Phấn trước
1995!
Một nhà thơ dễ bằng lòng với mình, sẽ kéo dài giai đoạn này có thể
vẫn là một tên tuổi sáng giá. Nhưng Mai Văn Phấn, ngược với vẻ ngoài thư sinh,
anh là người say mê leo núi, vượt biển không biết mỏi, mục tiêu luôn ở phía
chân trời…
Xuất phát từ một tầm cao mỹ học, những bài thơ trong sáng trước
1995 không ngờ lại là thứ vàng bảo đảm cho thơ anh ở những giai đoạn thể nghiệm
sau, khi thơ anh có những tìm tòi khúc mắc, khó hiểu. Nếu những khúc mắc khó
hiểu ấy ở một cây bút mới xuất hiện, có lẽ bạn thơ và độc giả khỏi mất công tìm
hiểu làm gì, họ sẽ lãnh đạm quay đi… Đến với thơ, họ mong thụ hưởng cái thú
tiếp xúc với một ngôn ngữ bay bổng, có những mỹ từ, hoặc tâm trạng, hàm xúc ý
tưởng và hình tượng… chứ không phải căng óc nghĩ xem tác giả định nói gì như
đọc triết học…
Trong quá trình thể nghiệm, hình như Mai Văn Phấn có những khoảng
dừng để suy nghiệm lại thơ mình. Anh không cố tình xa rời truyền thống, nhưng
con ngựa bất kham của sự muốn thay đổi khác trước, đôi lúc làm anh giật mình: Ta cúi xuống cuống cuồng thổi lửa/ Nhận ra
mình là hòn than cháy dở đêm qua (tiêu đề đầu giai đoạn 1995-2000, Thơ tuyển MVP). Mình vẫn là ta, vậy là yên tâm bước tiếp… Hơn một lần,
anh như cánh diều tới được miền gió lớn, mà vẫn luôn trăn trở đâu là ranh giới
của ước mơ đâu là hiện thực của chân trời: Ranh
giới giấc mơ/ Ranh giới chân trời… Những giấc mơ cố vùng vẫy đến tận cùng sự
thật (1995-2000, Thơ tuyển MVP).
Đó là niềm khao khát đến được tận cùng chân lý. Nhưng nếu cuộc thể nghiệm nào cũng thấy hé lộ ánh sáng ở cuối đường hầm thì
còn gọi gì là thể nghiệm!
Tôi không được theo dõi thường xuyên chuyển
động thơ anh. Tôi chỉ bất chợt đọc một chùm, thậm chí một bài nơi này nơi khác.
Có lúc được đọc cả tập thơ anh tặng,
nhưng tập trước ra sao lại không có trong tay, và thú thực là nhiều phen phải
cố đọc để hiểu với niềm tin ở thành công giai đoạn đầu của anh!
Nay có dịp đọc hệ thống Tuyển Thơ của anh, đã
thấy thêm nhiều điều, nhất là đọc Mai Văn Phấn trả lời phỏng vấn của Lý Đợi:
- Sau
khi đã băng qua những “sa mạc”, như Siêu thực, Tượng trưng, Biểu hiện, thơ Ngôn
ngữ, Tân Hình thức, Hậu hiện đại, Cổ điển mới… tôi thấy sao chúng ta không tự
tìm lấy một khuynh hướng, mà phải lệ thuộc vào “thằng Tây”? Những khuynh hướng
ấy bên ngoài họ đã xếp vào viện bảo tàng từ thế kỷ trước, trong khi chúng ta
vẫn lúng túng, tranh cãi… Vậy “thong dong” là cách tôi tìm về với cội nguồn thi
ca, để cho cảm xúc trôi chảy tự nhiên và tìm cách nói hồn nhiên, tối giản,
trong trẻo nhất.
Nếu Mai Văn Phấn nói ra câu này từ hai thập
kỷ trước, tôi không tin, nhưng bây giờ,
anh đã là người vượt qua “sa mạc” thì tôi tin và mừng cho anh, như tôi từng tin
quan niệm thơ của nhà thơ Lê Đạt khi ông đã có “bốn năm đi thực tế quan trọng nhất trong đời sáng tác của tôi” sau
khi ông đã hoàn thành giai đoạn “30 tuổi
30 mươi con bò, ngu không số dư” cải tạo lao động. Giai đoạn đi thực tế quan trọng ấy là giai đoạn
ông “được phép” thâm nhập thư viện, tự do dịch đủ các thứ tài liệu văn, triết,
mỹ học, dân tộc học, cả… điều khiển học, để kiếm tiền nuôi gia đình. Trong đó,
phần thưởng lớn nhất là ông được đọc, hầu như một mình (bởi mọi người đều bận
công chuyện trong giai đoạn chiến tranh phá hoại của không lực Mỹ) kho sách của
Hội Việt Kiều Pháp gửi về: hầu hết các sách của những năm 50 là những năm hoạt
động sôi nổi nhất của giới trí thức Pháp, có tầm ảnh hưởng lớn đến diện mạo thế
kỷ 20, những phong trào Thơ mới, Tiểu thuyết mới, Phê bình mới ra đời, rồi chủ
nghĩa hiện sinh chưa kịp phai nhạt thì chủ nghĩa cấu trúc đã xuất hiện với
luồng sinh khí mới… Tiếp nhận văn học nước ngoài như vậy, mà Lê Đạt vẫn luôn
“khác” ngay cả với chính ông, trong từng giai đoạn. Mai Văn Phấn thì lao vào
thực nghiệm trên cơ sở nắm chắc ngoại ngữ và bạn bè ngoài nước để có nguồn tư
liệu phong phú không giới hạn, nhất là cập nhật với thế giới hiện đại. Lại được
in ấn trong điều kiện được khuyến khích đổi mới, cách tân. Rõ ràng anh có nhiều
thuận lợi hơn lớp nhà thơ trí thức tiền chiến, như Lê Đạt.
Mai Văn Phấn gợi tôi nhớ đến một họa sĩ người
Việt, vì hoàn cảnh riêng sinh sống ở Roma, đã đoạt giải nhất hội họa của tổ
chức UNESCO. Ông này đã trả lời phỏng vấn của tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn,
1967): “Hội họa Việt Nam phải bộc lộ được
bản sắc riêng, góp một tiếng nói với nghệ thuật thế giới, dù là một tiếng nói
nhỏ bé, nhưng là tiếng nói của riêng mình, không lai căng Tàu hay Tây. Tôi cảm
thấy hãnh diện là mình đã không mất rễ, và sau 15 năm đụng chạm trực tiếp với
phương Tây, tôi nhờ sức phản ứng mà phá tung được mọi xiềng xích nô lệ do sự lệ
thuộc vào lối nhìn nhận sự vật, ảnh hưởng của hội họa Trung Quốc và Tây Phương
thời kỳ bị đô hộ. Chính là nhờ ở lòng ham muốn tự do và ở cái chí quật cường
của dân tộc, tôi mới tìm được một lối giải thoát cho nghệ thuật của tôi.”
Phạm Tăng là sinh viên cũ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, người tìm ra nhịp điệu của vũ trụ và thể hiện thành
bức tranh được giải thưởng trên…
Trở lại với Mai Văn Phấn, tôi đọc chùm thơ
gần đây của anh để xem ý định của anh đã thực hiện đến đâu. Quả là một số bài
anh đã tìm lại được cội nguồn thi ca, cảm xúc trôi chảy tự nhiên và trong trẻo
như Giai điệu xuân, Cốm hương:
Trong hơi ấm nồng nàn
Hạt nắng
chảy vào em
Mùa nước về rạng
rỡ
Con ong rạch
đường bay
Gió lên thẳng đứng
Cây cao vươn
bóng anh
Chim bồ câu ra
ràng
Sương đêm côn
trùng tỉnh dậy
Lũ nấm rơm mở
mắt
Trùm lên non
nớt xanh
(Giai điệu xuân)
Với Cốm
hương cũng vậy, sự trong trẻo non tươi không đơn tuyến, không trôi chảy tự
nhiên một cách dễ dãi:
Thu về e ấp
Cốm non lãng
đãng sương giăng
Khăn áo ấy mịn
màng da thịt
Dâng heo may
lên trời
Nhịp cốm giã
rộn mùa thóc nếp
Thúng mủng dần sàng
vỏ trấu hây hây
Trái bưởi thơm
dịu nắng hanh
Thanh khiết
chùm hoa mộc
Giữa đất trời
ngó sen sau mưa
Da diết nhớ từng vòng
cuộn xiết
Lá sen xanh ủ cốm em anh
Chín nẫu chân
mây mùa hạ
Đêm ái ân
lặng phắc ngọn đèn
Trái hồng đượm trong hương
cốm nõn.
Cả cái tứ thơ ảo, siêu thực như Con chào mào cũng mang tầm triết học mang tính thẩm mỹ ở một đẳng
cấp cao hơn, không thách thức người đọc lý giải như Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ và Không thể tin (là hai bài đầu thập niên 2000-2010).
Mai Văn Phấn như con kình ngư dư sức, con đại bàng khát tầm bay
không giới hạn. Những suy tư, tưởng tượng của anh phải ở trên biển cả hoặc
nhũng tầm trời “không mái che”, nên anh hay viết những bài thơ dài, với đề tài trừu
tượng. Thiên nhiên và Tình yêu là hai miền vọng tưởng lớn của thơ anh, chúng
đan cài bổ trợ cho nhau với muôn dáng vẻ. Đó dường như là những tùy bút bằng
thơ, tuy phong phú ý tưởng và hình ảnh, nhưng chúng gắn kết với nhau khá lỏng
lẻo, hoặc cách xa nhau, khiến người đọc mệt óc xem anh muốn nói điều gì ở từng
chương… tuy về câu chữ, tu từ của anh vẫn trong sáng dễ hiểu. Với bạn đọc nhằm
hưởng thụ dễ dãi, họ sẽ phản ứng bằng cách không đọc nữa.
Tập thơ mới nhất Bầu trời
không mái che cũng có hai bài thơ dài: Cửa mẫu gồm 9 chương (8 trang in), Hình đám cỏ (9 nhịp, gần 50 trang thơ
in)… Trong thời đại có thể… ”rót biển vào chai”, một đề tài có cái tên giản đơn
như Hình đám cỏ mà viết được dài như
thế thì thật đáng nể! Phong phú ý tưởng quá ư, hay phức tạp một điều đơn giản?
Nhưng nếu ta rời bỏ lối mòn tư duy tuyến tính, ta sẽ được thâm
nhập một thiên nhiên kỳ ảo, cùng lúc oà vào ta mọi sắc màu, mùi vị… Cụ thể từ
một con cá động dục loé sáng mặt nước
đến một một cảm nhận khái quát không cầm nắm, nhận dạng được như hơi thở ban mai trong Hình đám cỏ. Tôi may mắn được tham dự
thực hiện những tác phẩm giao hưởng cổ điển lần đầu trên sân khấu nước ta, nên
mau chóng gạt qua bên thói quen thẩm định những bài thơ có chủ đề, ruổi theo tứ
thơ định sẵn… Từ bản nhạc không lời, Beethoven còn thể hiện được định mệnh con
người ngay từ bốn nốt nhạc đầu tiên như tiếng gõ cửa quyết liệt của số phận
(Giao hưởng số 5, giao hưởng Định mệnh),
huống chi những hình tượng thơ diễn đạt bằng câu chữ trong sáng (nhưng vẫn bắc
“cầu vượt “, đan chéo qua nhau) như thơ Mai Văn Phấn.
Thiên nhiên trong Hình đám
cỏ là một thiên nhiên tinh khôi và hoang dã như tự thuở hồng hoang, nơi:
Hừng đông sinh muông thú, cây trái, tiếng động
Hoa lồng đèn, hoa dạ thảo
tươi ròng
Màu rạng đông chìm vào đất
Tan trong sóng lớn
Hắt vòm lá xanh
Con vành khuyên xoá mọi dấu
vết
(Nhịp III)
Ngực sơn dương mở lớn
Sau lưng hừng đông
Sự sống sơ khai như cùng lúc bung nở khắp nơi:
Con thú giật tung dây trói
Nghiền không gian thành sữa thơm dưỡng chất
Bầu vú cương lên căng mọng
Nuôi nấng trẻ thơ trên khắp
thế gian
Trong đó, tình yêu của con người được miêu tả, nhục dục một cách
thánh thiện:
Lùa cơ thể vào nhau
Ném từng thanh củi lửa
Em và anh cùng phát sáng
bóng tối
Làn tóc, bờ vai vòm ngực
Lưỡi xoắn lại trong cơn hủy
diệt
(Nhịp V)
Đó là cơn hủy diệt để sinh thành, cuộc tạo sinh kỳ vĩ:
Giữa em và anh
Một con hoẵng vừa sinh trên
cỏ ướt
Một bát nước ngùn ngụt bốc
hơi
Một thế giới đang vội vàng
hoàn hảo
(Nhịp
VI)
Trường ca Người cùng thời
tránh được những nhược điểm miên man và lan man, bởi tính biên niên và khái
quát một giai đoạn lịch sử dân tộc, có những điều trải nghiệm để có thể gợi cho
độc giả cùng suy ngẫm với mình, về nỗi đau, về điều nhân ái. Viết về người nông
dân, anh vận dụng ca dao: “Đời cua cua máy…” đã đành/ Mà đời cáy cũng loanh quanh hết
chiều! Chương Đằm thắm mặt người
có những câu thơ thấm đẫm tình cảm vợ chồng, cha con, vừa khái quát niềm vui
thân thương của truyền thống gia đình: Bên
nhau bịn rịn trăng cười/ Tóc em xanh mát một thời xa nhau/ Thoáng đâu vại nước
hoa cau/ Nơi cha mẹ đã tin nhau một đời…
………………………………………..
Tiếng em
rồi tiếng con cười/ Rộng thêm căn phòng ta ở/ Anh hồi sinh tuổi ngây thơ/ Đùa
vui hồn nhiên tở mở.
Con đang khai
hoa đậu quả/ Ngự trên ngực mẹ ngực cha?/ Cây bám vững vào mặt đất/ Rễ sâu cành
lá la đà.
Đằm thắm
mặt người gần xa/ Cho con hiện thân da thịt/ Ra đi từ muôn năm trước/ Bàn chân
mới tới bây giờ.
Về hành trình qua “sa mạc” của Mai Văn Phấn, tôi có điều muốn lạm
bàn, xuất phát ngay từ trải nghiệm Mai Văn Phấn tự đúc rút:
Thơ Việt trong ba thập kỷ “làm thơ và đánh giặc”, nhìn chung,
chúng ta chưa có trải nghiệm những bài thơ thuộc các khuynh hướng Tượng trưng,
Biểu hiện, thơ Ngôn ngữ, Tân hình thức, Hậu hiện đạ, v.v… Nếu có, cũng là sự
giao thoa, không rõ nét giữa khuynh hướng này hay khuynh hướng kia. Vả lại
những điều kiện xã hội, văn hoá để sản sinh ra chúng, hiện nay chúng ta khác
họ, và thế giới thì đã vượt qua. Không nhất thiết cách tân, hiện đại hoá thơ,
chúng ta cứ phải trải qua từng bước theo họ. Như chính Mai Văn Phấn đã đúc rút:
Những khuynh hướng ấy bên ngoài họ đã xếp vào viện bảo tàng từ thế kỷ trước,
trong khi chúng ta vẫn lúng túng tranh cãi… Mai Văn Phấn có định hướng mới sáng
suốt là cách tìm về nguồn cội thi ca, để cảm xúc trôi chẩy tự nhiên, tìm ra
cách nói hồn nhiên, tối giản, trong trẻo nhất. Nhưng, như người học võ thuật,
có thể học tinh hoa của các phái võ để rút ra một chiêu riêng (chưa có tên) cho
mình, nếu hiệu quả thì vô chiêu thắng hữu
chiêu. Khi ấy, những nhà nghiên cứu võ thuật sẽ phải đặt tên cho nó.
Ý cuối cùng, tôi chưa nói, hẳn các bạn đã thấy, từ Đổi Mới đến
nay:
Chưa từng có một hội thảo Thơ nào tập trung đậm đặc chất xám của
các nhà học thuật, nghiên cứu về thơ và các nhà thơ không những trong nước, mà
cả ngoài nước, như cuộc hội thảo của chúng ta hôm nay: cũng là dễ hiểu bởi
trước đây, giới thơ chưa có một Mai Văn Phấn với hành trình qua sa mạc quyết liệt bền bỉ như vậy để
chúng ta có cơ sở sinh động mà bàn thảo.
Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn có thể được coi là hai hiện tượng thơ
của cả nước, sinh trưởng tại Hải Phòng.
V.L
(Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành
công - Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/ 5/
2011, NXB Hội Nhà văn, 2011)
