Tư duy về thơ: Trường hợp Mai Văn Phấn (phê bình) - Trần Thiện Khanh

Tư duy về thơ: Trường hợp Mai Văn Phấn

 



Nhà phê bình văn học Trần Thiện Khanh


  

Trần Thiện Khanh

 

“Thơ tôi là ngôi nhà của riêng tôi, ai muốn vào

xin hãy gõ cửa và tuân theo những nghi thức nhất định”

 Mai Văn Phấn

 

Có nhiều con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà thơ. Ở đây tôi chọn con đường – “những nghi thức” - do chính tác giả tạo dựng, đúng hơn tôi coi đó là một giả thiết để đọc văn bản của tác giả. Tiền đề mà tôi dựa vào là chúng ta có thể đọc thơ từ tư duy thơ của người viết, nhất là những tác giả có ý thức sâu sắc, có quan niệm độc đáo về sự sáng tạo. Sở dĩ vậy, bởi vì chúng tôi tán thành quan niệm cho rằng: “Con người có một kiểu lao động riêng: anh ta tạo nên một sản phẩm theo cái mô hình trong óc anh ta” (Phan Ngọc). Tìm hiểu tư duy về thơ chúng ta sẽ phần nào biết mô hình sáng tạo mang tính cá nhân đó như thế nào. Đọc thơ, theo hướng này là đọc cách thức tạo lập văn bản, đọc sự sáng tạo như một quá trình, một cách tạo nghĩa: một cách đọc động, không có khuôn mẫu cố định, biến đổi theo từng trường hợp cụ thể.

 

Nhà thơ Mai Văn Phấn có ý thức tương đối rõ ràng về thơ mặc dù tác giả không phải là người tỏ ra ham lập thuyết hay ưa thích trưng ra những nguyên lí sáng tạo thứ nhất của mình. Mai Văn Phấn tuyên ngôn về chủ trương sáng tác của mình không nhiều và không phải ngay từ đầu đã bộc lộ điều đó. Song chính những phát ngôn kiểu này bao giờ cũng được coi là một dữ kiện khả tín, một cơ sở ban đầu để tìm hiểu tư duy của người viết; tuy nhiên điều đó cũng luôn hàm chứa một điểm khuyết nữa, để luôn nhắc chúng ta cần chú ý hơn tới cả bình diện vô thức sáng tạo mà dấu vết của nó không thể tìm ở đâu khác ngoài văn bản thơ có vẻ chỉ thuộc về cá nhân.

 

Đọc Mai Văn Phấn chúng tôi quan tâm đến hai trong số nhiều phát ngôn bộc lộ phần nổi của tư duy thơ. Thứ nhất: Thơ như là không gian; và thứ hai: Viết như là vong thân. Dựa vào hai mô hình sáng tạo này chúng tôi thử đọc Mai Văn Phấn như một tác giả có cá tính riêng, và chủ yếu thu về bình diện người phát ngôn và những ý thức không gian. Đọc Mai Văn Phấn, trong phạm vi vấn đề chúng tôi đề cập, là đọc người viết qua các không gian thơ, qua sự tự thân đổi mới, làm mới của chính anh ta.

 

Cách tân: như là đổi mới tư duy văn học

 

Đổi mới hình thức hay nội dung thơ phụ thuộc vào tư duy của từng nghệ sĩ. Nói cách khác, đổi mới nội dung và hình thức thơ ca phản ánh một sự đổi mới khác ở bề sâu: đổi mới tư duy. Đổi mới tư duy ở chủ thể vừa có tính cá nhân, vừa có quan hệ chặt chẽ với tồn tại xã hội, với thiết chế văn hoá, tư tưởng của cộng đồng...

 

Đổi mới quan niệm, đổi mới nhận thức về thể loại nên hiểu chỉ là một biểu hiện cụ thể, quan yếu của đổi mới tư duy. Phải đổi mới về tư duy trước, thì mới có đổi mới sản phẩm sáng tạo. Cái mới trong văn chương, chỉ thực sự có giá trị, nếu nó do chủ thể sáng tạo, phát hiện ra. Sự tiếp nhận, sử dụng cái mới từ bên ngoài, nếu không in đậm dấu ấn cá nhân của nhà thơ, và nhà thơ không đổi mới nó ít nhiều thì chỉ được xếp vào hạng bắt chước tài tình hoặc vay mượn nhanh nhạy.

 

Có quan niệm rõ rệt về thể loại đồng nghĩa với việc xác lập được một mô hình thế giới nghệ thuật trừu tượng. Nghệ sĩ có quan niệm hoàn chỉnh về thể loại, về văn chương, mới có thể tạo ra sự nhất quán bên trong cho tác phẩm. Ngược lại, nếu thi sĩ chưa hình dung được cụ thể mình sẽ sáng tác thế nào, chưa làm xong “bản vẽ cho việc thiết lập một văn bản” thì sẽ dễ rơi vào trò chơi ngôn từ vô tăm tích. Một số người cho rằng: tôi sáng tác hoặc anh ta sáng tạo chẳng hề bày đặt quan niệm gì hết. Nhưng trên thực tế, những người không có quan niệm rõ rệt về thể loại thì chẳng làm nên được trò trống nào. Những tác giả hăm hở tiêu dùng cái vốn trời cho một cách tuỳ tiện, thì chẳng những mai mốt sẽ cạn kiệt, đường bay cũng chẳng thể xa hơn bản năng mà còn chỉ có thể tạo được những tác phẩm không có dấu ấn riêng của phong cách.

 

Mỗi tác phẩm văn học, suy cho cùng chỉ biểu hiện cụ thể một quan niệm nào đó về thể loại. Quan niệm về thể loại vừa tạo ra tính chỉnh thể cho văn bản, vừa tạo ra sự khác biệt mang tính qui luật nào đó. Bất kì người viết nào, trước khi đặt bút đều tự biết mình viết cái gì, viết ra sao... nói cách khác - họ đều có quan niệm nào đấy. Quan niệm về thể loại thể hiện cách hiểu, cách nhìn, cách lí giải của riêng người viết về thể loại, đồng thời cũng thể hiện cái “tư tưởng bao quát” - chỉ đạo hoạt động sáng tác của họ. Quan niệm thể loại xét rộng ra, bao gồm cả phần ý thức lẫn phần vô thức. Dù người sáng tác có phát biểu rõ ràng và tập trung quan điểm về văn chương hay không, thì họ cũng đều có sẵn quan niệm nào đấy về sản phẩm mà họ sẽ làm ra.

 

Mỗi người, ở bất cứ lĩnh vực nào, trước khi làm ra một sản phẩm nào đó, họ đều có một mô hình “thể loại”. Nhà thơ, sở dĩ không mới vì họ không có một mô hình sáng tạo mới nào, không có một mô hình “thể loại” cho riêng mình. Họ chỉ cố gắng làm theo cái thể loại chung, cái thể loại đã có sẵn. Họ cố gắng minh họa, nương theo cái mô hình thể loại được nói đến khá nhiều trong các sách giáo trình văn khoa, trong các cuốn từ điển văn học để sáng tạo. Dĩ nhiên nhà thơ nên nắm được các khuôn mẫu thể loại trong lịch sử chung, nhưng khi sáng tạo, mỗi tác giả lại chỉ cần biết đến cái mô hình sáng tạo của riêng mình mà thôi.

 

Quan niệm về thể loại văn học - “thể loại của chủ thể sáng tạo” - luôn biểu hiện năng lực chiếm lĩnh thế giới, sáng tạo ra thế giới, và nguyên tắc vận động của chính thế giới ấy. Quan niệm về thể loại, xét ở góc độ chủ thể sáng tạo, không nên hiểu đơn thuần là lí luận của nhà thơ về thể loại, sự bàn về thể loại. Quan niệm về thể loại, hiểu cho đúng nghiêng về sự tự ý thức của nhà thơ về cái mô hình sáng tạo của mình. Người nghệ sĩ cần ý thức sâu sắc về thể loại, về việc sử dụng thể loại, về khả năng sáng tạo thế giới của thể loại với tất cả tính chất độc đáo và giá trị thẩm mỹ đặc sắc của nó. Do chỗ quan niệm về thể loại của nhà thơ dần dần chuyển hoá thành bản thể của thể loại, nên khi tiếp cận tác phẩm, độc giả phải tìm cho ra cái logic thể loại của tác phẩm.

 

Người nghệ sĩ lớn không sáng tạo theo cái mô hình chung - cái khung chung của thể loại. Anh ta có một mô hình riêng cho sự sáng tạo của mình. Thơ chẳng thể mới, nếu người nghệ không có ý thức tự giác sáng tạo cho nó một diện mạo mới. Chỉ những nhà thơ có quan niệm riêng về thể loại, mới làm chủ được thể loại đó. Ở đây lại cần phân biệt “khái niệm chung về một thể loại văn học” do các nhà lý luận rút ra sau khi họ đã xem xét hàng loạt tác phẩm với “quan niệm thể loại của người sáng tác”. Quan niệm thể loại ở đây không phải là kết quả của sự mô tả văn bản, tức không phải “cái văn bản chung”, hoặc “cái văn bản trừu tượng mẫu mực” nằm trong một loạt các tác phẩm văn học, mà là mô hình nghệ thuật, nguyên tắc nghệ thuật chỉ đạo hoạt động sáng tạo cá nhân. Thường thì chúng ta thường gặp hai lối ứng xử. Thứ nhất: người nghiên cứu chỉ ra những điểm giống nhau về loại hình, cách thức tổ chức văn bản, về đặc điểm của các loại hiện tượng đời sống được miêu tả... giữa các văn bản nào đó và họ sử dụng quan niệm của nhà thơ để minh hoạ cho quan điểm của mình. Ví dụ người ta gọi thể loại sử thi đối với tất cả các văn bản miêu tả sự hình thành của dân tộc, miêu tả các cuộc chiến tranh nhằm khẳng định chủ quyền, danh dự, với môtíp trên dưới một lòng, với nhân vật trung tâm là người anh hùng, và giọng điệu trần thuật chủ yếu là thành kính ngợi ca.... Cách làm này phổ biến nhất. Nó đã trở thành tham vọng của bất kì người nghiên cứu nào - tham vọng kiểm soát mọi văn bản và qui nó về một dạng thức chung nhất. Ưu điểm lớn nhất của hướng nghiên cứu này cũng là hạn chế rõ nhất của nó: nhằm vào khái quát các điểm tương đồng, và tương đối ổn định về mặt loại hình, loại thể giữa các văn bản khác nhau trong suốt quá trình phát triển lâu dài của văn học. Nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trên là: người nghiên cứu xem quan niệm của nhà văn về thể loại thuộc cái bên ngoài tác phẩm. Họ cho rằng: chỉ những quan niệm trong văn bản mới đáng tin cậy, chỉ có quan niệm trừu tượng nằm dưới bề sâu văn bản, hoặc chỉ có “siêu tổng cộng của các nguyên tắc sáng tạo ở các văn bản” mới trở thành đối tượng khám phá đích thực của nhà nghiên cứu. Vậy ra, dù người nghiên cứu có cố gắng khách quan đến thế nào đi nữa thì anh ta vẫn “mắc tội”:  lấy cái quan niệm mà mình khái quát được từ các văn bản khác nhau chụp lên cái văn bản trước mặt để thấy điểm chung từ sự trùng khít và nét riêng từ sự dôi ra của văn bản bị chụp. Thứ hai: người nghiên cứu xét tác phẩm từ chính qui luật sáng tạo ra nó, vì chỉ có qui luật do nhà thơ tạo ra mới đáng tin cậy nhất. Nói tới thể loại từ góc độ sáng tạo, góc độ quan niệm tức đang bàn tới thứ thể loại dùng để sáng tạo và được sáng tạo. Nó không ổn định, không phải của chung của mọi người. Nhà thơ có thể sáng tạo ra một thể loại mới. Quan niệm về thể loại của nhà thơ trên một mức độ đáng kể có thể ví với thiết chế sáng tạo của nghệ sĩ, do chính nghệ sĩ đặt ra cho mình.

 

Tôi nghĩ thế này, khi nhà thơ đặt dấu chấm hết ta có văn bản thơ. Văn bản thơ cần phải được lí giải từ chính quá trình sáng tạo ra nó. Quan niệm của nhà thơ về thể loại không hoàn toàn nằm bên ngoài văn bản; nó giữ vai trò quan trọng trong quá trình sáng tạo của cá nhân, tạo thành một qui luật sáng tạo phát ngôn thơ đặc thù, chuyển hoá tự nhiên thành nguyên tắc vận động, tổ chức nằm bên trong một văn bản thơ. Vậy, chúng ta có một hướng tìm hiểu văn bản thơ: đi từ “siêu thể loại của nhà thơ” đến thể loại cụ thể của họ. Nghĩa là ở đây chúng tôi không hướng tới tổng kết kinh nghiệm sáng tạo, đưa ra các mẫu mực sáng tạo, càng không dạy nhà văn sáng tác theo một thể loại nào đó thì phải thế này hay thế khác.

 

Quan niệm văn học, quan niệm thể loại của nhà thơ vạch ranh giới cho sự sáng tạo của họ. Xuất phát từ quan niệm về thể loại của nhà thơ, chúng ta sẽ lí giải tốt hơn diện mạo tác phẩm văn học, và có thể cắt nghĩa vì sao có đổi mới và chưa thể đổi mới văn học. Cội nguồn của cái mới hoặc cái cũ nằm ở tư duy của chủ thể. Nhà thơ có thể đánh lừa độc giả bằng một vài thủ pháp nào đó. Song không thể dối được độc giả rằng, quan niệm sáng tác của anh ta mới mẻ nhường nào.

 

Muốn đọc tác phẩm văn học với tính cách một quá trình có thể xuất phát từ quan niệm về thể loại, từ tư duy của nghệ sĩ. Nhưng để làm tốt điều ấy người nghiên cứu lại cần đặt mình vào vị trí của người sáng tạo để nhìn tác phẩm văn học từ cái nhìn bên trong. Người đọc cần tham dự vào quá trình sáng tạo của nhà thơ. Bất kì một văn bản thơ nào cũng cần phải được đặt vào một quá trình sáng tạo sinh động, phức tạp. Có thể bắt đầu từ việc nghiên cứu văn bản, lời phát ngôn của nhà thơ tới chỗ nhận diện quan niệm, tư duy của nhà thơ; và sau đó lại xuất phát từ tư duy thể loại, quan niệm thể loại ban đầu của nhà thơ để lí giải thấu đáo hơn các hiện tượng nghệ thuật tiềm tàng hoặc hiển lộ ở văn bản thơ.

 

* * *

 

Thơ:  như là không gian

 

Tư duy gắn liền với ngôn ngữ. Chỗ khác nhau, chẳng hạn giữa hai cách nói, hai phát ngôn như: thế nào là tác giảtác giả là gì nằm ở cách đặt vấn đề, mà thực chất là do cách tư duy khác nhau. Kẻ đặt ra câu hỏi tác giả là gì là kẻ muốn kiểm soát mọi thứ, cả người nỗ lực muốn trả lời được câu hỏi ấy cũng có tham vọng độc tôn chân lí; việc đặt ra vấn đề ấy cho thấy tư duy của kẻ nói đang hướng đến vấn đề thuộc bản thể, bản chất, muốn quy tác giả về cái gì đó cụ thể, rõ ràng, muốn vắt kiệt đối tượng, và do đó là kiểu tư duy khó tránh khỏi cứng nhắc, cực đoan, phiến diện. Kẻ đặt ra câu hỏi thế nào là tác giả có một tư duy khác, anh ta nhìn vấn đề động hơn, linh hoạt hơn, nhìn vấn đề từ chính những diễn trình mang tính lịch sử về nó, dự báo sẽ có những góc độ, những hiện tượng tiếp cận, diễn giải, quy ước khác nhau. Một đằng tư duy nghiêng về chiếm lĩnh sự toàn vẹn và phổ quát nhất về đối tượng, một đằng tư duy hướng đến những điều kiện mà tư cách tác giả được công nhận. Rõ ràng cách đặt vấn đề thể hiện tư duy của người nói, lời nói có thể tạo ra thế giới và tính chủ thể. Qua ngôn ngữ chúng ta có thể tìm được mô hình về nhận thức và chủ thể tính. Có thể xem ngôn ngữ là hiện thực cơ bản nhất của nhà thơ. Ở đây chúng tôi muốn nói đến trường hợp Mai Văn Phấn, một tác giả có thức sâu sắc về sáng tạo, về cái viết, về ngôn từ. Nói về sự chuyển động của thơ Việt Nam từ sau 1986 ông đã viết rằng:

 

“mỗi nhà thơ phải khám phá cho được không gian nghệ thuật của chính mình, nếu thực sự muốn tồn tại trong không gian mới của thời đại. Cách lập ngôn của nhà thơ không đơn thuần là giọng nói, mà chính là cách thiết lập không gian”(1).

 

Tôi chú ý đến quan niệm, cách nhìn như vậy, bởi nó được lặp lại nhiều lần (cho thấy sự nhất quán) trong những tuyên ngôn thơ của Mai Văn Phấn. Ở đây rõ ràng chủ thể phát ngôn không đơn thuần nói về sự thể hiện không gian trong thơ mà trước hết bàn đến sự tồn tại của người viết trước cái văn bản rộng lớn của truyền thống văn học, của xã hội, lịch sử và thời đại đang sống; Mai Văn Phấn nhấn mạnh đến những yếu tố khu biệt và thống nhất tạo nên tư cách tác giả: những dấu vết cho thấy sự hiện diện của tác giả trong đời sống văn chương. Khám phá cho được không gian nghệ thuật của chính mình là tìm kiếm, kiến tạo cho riêng chủ thể một không gian mang tính chức năng của sự viết bất tận, một thể thức không gian nào đó thích hợp để tự mê hoặc mình và để tư duy, thiết lập những lời nói, giọng nói. Phải là một người luôn có ý thức thay đổi, muốn vượt thoát những cái “bóng râm” sáng tạo, những “vùng ảnh hưởng”, những giới hạn của cái đã được nói rồi, được biết rồi, tự do đi tìm những cái mới, sáng tạo cái mới mới nhấn mạnh rằng bất kỳ kẻ viết nào cũng phải có trách nhiệm sáng tạo ra không gian, cấu trúc không gian, chiếm giữ không gian văn học. Chỗ đứng, tầm vóc nhà thơ - được Mai Văn Phấn hình dung qua khái niệm không gian: nhà thơ nào cũng nỗ lực chống lại sự quên lãng của thời gian bằng cách không gian hóa thơ ca của mình. Bao giờ người viết cũng được đồng nhất với lời nói, với sự viết tức chính với hành vi văn học của nó. Không gian viết là nơi hiện thực hóa tư duy của nhà thơ, cũng là nơi nhà thơ hiểu mình đã hư cấu ra sao, bị chế ước như thế nào. Cái viết là tất cả không gian của nhà thơ. Chức năng của nhà thơ là “lập ngôn” và cùng với nó là “thiết lập không gian” đủ các kiểu loại. Cứ đặt bút viết là anh ta có tham vọng trở thành nhà lập ngôn, thành kẻ mở ra “những chân trời”. Nhà thơ sinh ra cùng hành vi tạo lập văn bản, cùng những lời nói, kết nối những tiếng nói, tự tin và quả quyết cho rằng mình tự do thực hiện các hoạt động chức năng của lời, và luôn được công nhận ở cái vũ trụ lời nói đó. Mai Văn Phấn không gian hóa chiều kích và vị trí thực thụ của một tác giả trong nền văn học dân tộc. Đúng hơn, ông chủ trương một kiểu nhà thơ không lịch sử: không cần quan tâm đến nhà thơ đến từ đâu vì anh ta bị đồng nhất với không gian của sự viết cá nhân, với thực tiễn diễn giải của cộng đồng, vì chính anh ta cũng không biết thực ra mình đến từ đâu và đi về đâu; chúng ta không cần để ý nhiều đến “nguồn gốc”, “khuynh hướng” của nhà thơ; kẻ sáng tạo có thể là ai đó nổi lên trên bề mặt sự viết, giữa đám đông; một kẻ được hình thành từ sự tụ lại của cái viết với biết bao sự thể nghiệm, tìm tòi. Kẻ ấy xuất hiện để tạo ra một không gian ngữ nghĩa. Nhìn văn học như một kiểu không gian riêng thì hoạt động đọc văn không còn phụ thuộc vào thời gian tuyến tính nữa, đọc văn lúc này trở thành đọc trải nghiệm, đọc các khung khổ. Thơ là nghệ thuật không gian. Theo Blanchot thì đó còn là một kiểu không gian mà “cả không gian hình học, cả không gian của cuộc sống thường nhật cũng không giúp chúng ta hiểu được tính độc đáo của nó”.

 

Viết: như là vong thân

 

Có thể nói Mai Văn Phấn thuộc số ít nhà thơ có tham vọng tạo dựng cho thi ca một diện mạo mới từ và trong nhịp điệu đời sống hiện đại. Ông cổ súy cho sự đa dạng về khuynh hướng sáng tác, cởi mở và chấp nhận mọi sự thể nghiệm chuyển đổi. Tư duy Mai Văn Phấn luôn nắm bắt, thậm chí quy chiếu mọi thứ có giá trị vào những trạng thái có tính chất bước ngoặt, đột biến, bứt phá, mở đường, những cuộc cách mạng, những điểm chập nổ, sự đổ vỡ những giá trị cũ, thường xuyên hướng đến những chuyển động lệch nhịp của thơ ca: “sự vượt thoát tất yếu và tự nhiên” của kẻ cầm bút. Mai Văn Phấn thuộc thế hệ nhà thơ thời Đổi mới trăn trở “làm phong phú và thay đổi đời sống thi ca”; điều đó được thể hiện trước hết trong thái độ “từ chối sử dụng những thủ pháp nghệ thuật cũ”, những nhịp điệu quen tại, thứ nữa là trong tuyên bố “mở ra cho bạn đọc một chân trời tự do tuyệt đối”, “người đọc cùng tham  gia, đồng hành với quá trình sáng tạo của nhà thơ, được tự do đọc theo cách đọc của mình, tự tìm lấy chìa khóa để bước vào ngôi đền thi ca. Đó là một thế giới riêng biệt, một miền đất lạ, cần khám phá”.

 

Trong rất nhiều tuyên bố “lý thuyết” của Mai Văn Phấn tôi quan tâm đến quan niệm “viết như là cuộc vong thân”. Đây là một cách nói in đậm dấu ấn tư duy Mai Văn Phấn về sự cách tân, về nhu cầu tự thân phải làm mới. Nó được lặp lại nhiều lần vừa như một ý thức thường trực của người viết vừa như một cách tự họa con đường thơ của kẻ sáng tác. “Mỗi nhà thơ có được những khao khát viết khác trước, họ phải vượt qua sức ì bản thân, những cuộc tự vấn sòng phẳng, quyết liệt. (…) Quá trình sáng tạo chính là những cuộc cách mạng liên tiếp xảy ra trong mỗi nhà thơ”. Chưa kể đến sự thành bại trên thực tế sáng tác, một ý thức như thế đã có thể tạo ra một phấn khích chờ đợi nào đấy ở độc giả. Tôi nói, đó là một tư cách viết đáng trọng: nhà thơ dấn thân trong cõi viết mênh mông. Đọc Mai Văn Phấn vì vậy là đọc những khao khát có tính chất bản thể của sự viết. Ở đâu và thời nào, kẻ viết cũng mang nhiều tham vọng. Anh ta mang tham vọng của kẻ đi mở đường, tìm cách giành quyền “đặt tên lại sự vật, định hình lại thế giới”. Đó đích thị là kẻ không chịu thỏa hiệp mà ngấm ngầm tạo ra giá trị mới, một kẻ sẵn sàng nổi loạn thực hiện những cuộc cách mạng nhằm lật đổ những gì đã cũ kĩ già nua. Nhìn nhận về quá trình sáng tạo, Mai Văn Phấn quan tâm đến sự tự ý thức và bản lĩnh thay đổi của chủ thể. Chủ thể sáng tạo muốn đi được một chặng đường dài, hơn nữa nếu muốn tạo được “tiếng nói mới cho thơ” thì trước tiên phải ý thức được sự độc lập của mình, “biết lạnh lùng với chính bản thân mình”, cần phải thay đổi quyết liệt bản thân bao gồm sự nhận thức, quan niệm, lập trường của cá nhân để từ đấy có thể tạo ra những sự khác biệt, một sự đột khởi về thi pháp. Nhà thơ đích thực có thể tạo ra nhiều cái biểu đạt về mình, anh ta thường xuyên được sinh ra hay trở nên có nghĩa trong sự viết. Viết thiết lập lên không gian, người viết liên tục dịch chuyển không gian và ở trong trạng thái vận hành không giới hạn. Khao khát viết khác trước là một sự tự vấn nhằm vượt thoát khỏi những giới hạn không gian do chủ thể tạo ra, một cuộc đối thoại trong cấu trúc của lời nói mà nỗ lực chính là tránh sự đóng băng hóa hình ảnh cái tôi, cá tính. Viết, theo Mai Văn Phấn hình dung, như một sự xóa bỏ “nguồn gốc” bản thân trước tha nhân, là trạng thái chủ thể rơi vào ảo giác “đang vận động” thoát khỏi những giới hạn, những nẻo thuộc đường quen và cuộc vận động ấy không bao giờ kết thúc: “sáng tạo chính là cuộc vong thân”, “bài thơ là một dự phóng”, nhà thơ “không chiêm bái những con đường cũ, và không vái lậy chiếc áo vừa treo lên giá”, anh ta luôn hào hứng lên đường, có tâm thế “nhảy vượt và lột xác”. Sáng tạo là sự giải thể cái tôi đã xác lập để tái tạo cái tôi cá nhân khác. Mai Văn Phấn bị ám ảnh bởi những “cái khác”, “cái mới”: ông luôn muốn phá vỡ tính ổn định, những giới hạn, có thể chống lại chính mình và chấp nhận “vong thân” như thể là điều kiện duy nhất để tạo ra những cái mới. Các phát ngôn của ông đầy ắp hệ từ biểu thị mong muốn tạo ra trò chơi mới, cách chơi mới, những quy ước, quy tắc, thủ pháp, chiến lược chơi mới, với những không gian khác, tiếng nói khác, văn hóa khác, sóng từ khác, mã số khác, diện mạo khác, con đường khác, nhịp điệu khác, thân xác khác, tinh thần khác, ngôn ngữ khác, thế giới khác; và với những tiếng nói mới, quan niệm thẩm mỹ mới, chuyển động mới, giá trị mới, tâm thế mới, thiết lập hệ quy chiếu mới, giọng điệu mới, sinh quyển mới, ý thức hệ mới, trật tự mới

 

Mai Văn Phấn tự chia con đường thơ của mình thành ba giai đoạn: từ khởi đầu đến 1995, từ 1995 đến 2000 và từ 2000 đến nay. Đọc Mai Văn Phấn theo con đường đó là đọc những giới hạn và sự thay đổi, đọc những khung khổ và những cuộc vong thân.

 

Trước năm 1995, người nói trong văn bản thơ Mai Văn Phấn chưa ý thức được mình như một chủ thể. Đó là con người của những suy nghĩ tản mạn, nhiều mộng mơ và mang trong mình đầy đủ những nét quê quen thuộc. Anh ta chưa có ý thức đổi mới mình, vượt qua mình; phần nhiều thích những gì ổn định, nhẹ nhàng, ưa níu bám những gì yên bình, trong trẻo, nguyên sơ. Không gian thơ Mai Văn Phấn trước 1995 là không gian của những đồng ruộng, vườn tược, những bãi bờ, sông nước, những bầu trời rộng rãi, những nẻo đi đường về thênh thang, những mầm non đang trổ. Người nói trong thơ anh luôn cảm thấy tâm hồn mình “trong vắt”, luôn hình dung ra cảnh mình lẻ bóng, bị ràng buộc vào kỉ niệm xửa xưa đang mờ phai, còn không gian thì “trong veo” hoặc tràn đậm mùi hương xứ sở, hoặc ngập dày những trăng sương. Anh ta hoạt động trong không gian thể lục bát, thất ngôn, lục ngôn, ngũ ngôn, coi ngôn từ là vật truyền, hình ảnh thơ là hình ảnh sử dụng, tức anh ta chấp nhận hoạt động trong thực tiễn diễn ngôn truyền thống, trong một khuôn mẫu ngôn ngữ ổn định, anh ta thiết lập lời nói của mình như một chức năng biểu đạt, đồng nhất thời gian thơ với thời gian diễn dịch, giãi bày tâm trạng. Có thể hình dung kẻ sáng tạo đang đứng trước các thể thơ quen thuộc, tức một không gian đã bị khoét rỗng rồi, anh ta liên tục lấp đầy nó bằng những hình ảnh, câu chữ cũng rất quen thuộc. Đọc Mai Văn Phấn giai đoạn này là đọc những nhịp điệu đều đều, thong thả, những điệu ru ca lãng mạn, đọc các biểu tượng mang màu sắc truyền thống, có tính chất “nghiêm túc” và thân quen gần gũi, đọc những tín hiệu của sự đương hình thành. Thơ Mai Văn Phấn trước 1995 phủ dày những biểu tượng tự nhiên. Đó là một hồn thơ vừa có ý hướng trở về với tính nguyên sơ, chuyên chú ở những gì hiện hữu vừa đi về phía những bình minh mới, ngả về những khát vọng. Đó là một hồn thơ còn mang trong mình sự lưỡng lự, vừa muốn làm hồi sinh những cái đã qua, đã khuất, muốn lấp đầy cái rỗng trước mặt vừa muốn tự hủy diệt, muốn giải phóng mình ra khỏi những sáo mòn để cái mới ra đời: lúc này cần đọc Mai Văn Phấn bằng tâm thế chờ mong hi vọng.

 

Sau năm 1995 Mai Văn Phấn bắt đầu làm chữ, có ý thức tạo ra cấu trúc ngôn ngữ mới, nhịp điệu mới. Thơ anh không còn đuổi theo những câu chữ nhịp nhàng, du dương nữa mà chuyển động đột ngột, bất ngờ, táo báo hơn trước. Đến đây thơ anh đã bớt hẳn tính chất ước lệ và lối viết nặng về những quan hệ vần luật, cũng dứt bỏ được những gì đèm đẹp, phù phiếm, mộng mơ, tản mát. Người nói trong văn bản chứng tỏ mình đã trải nghiệm hơn trước rất nhiều, hành ngôn của anh ta không còn đơn giản hướng đến nhận diện mình, phô diễn mình (kiểu như anh là, ta biết mình, thấy mình…) nữa, mà hướng tới sáng tạo ra tính chủ thể trong những tình huống đa dạng của nhân sinh và với đầy đủ sự toàn vẹn, độc lập của nó. Đó là con người của những thay đổi, chứng kiến những “rạn đổ, vụn nát”, một kẻ đã đánh mất giọng quen của mình, chống lại những quán tính. Trước đây, người phát ngôn trong thơ Mai Văn Phấn chìm trong khúc du ca, trong nhớ nhung, mơ hồ, nhìn mọi thứ đều đẹp, đều ủ hương thơm dịu dàng, đều đang được tái sinh hay đâm trổ những mầm non; giờ đây chính con người ấy lại nhận ra “mình trong tiếng kêu người khác”, trong những tạp âm, anh ta triền miền suy tư, khắc khoải: Đó là một kẻ mang tâm thế phản tỉnh, vừa đang sắp xếp lại mọi thứ vừa đang “đợi mùa”; trước mắt anh ta không gian mở ra sâu hút và khó lường, trước mắt anh ta chỉ có ngôn ngữ trú ngụ…

 

Qua trường hợp Mai Văn Phấn, chúng tôi cũng lưu ý thêm rằng, độc giả không thể dựa vào lời phát biểu của một nhà thơ có cá tính sáng tạo nào đó về thơ để giải thích mọi hiện tượng thơ khác. Vì quan niệm ấy, trước hết chỉ được áp dụng với chính người phát biểu nó, và là nguyên tắc chơi của cái trò chơi văn bản cá nhân. Nếu lấy quan niệm của nhà thơ này để xem xét tác phẩm của nhà thơ khác, xét về nguyên tắc nhận thức - chúng ta đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng; vì mỗi nhà thơ có một cách nhìn thế giới, nhìn ra mô hình tác phẩm mà họ sẽ sáng tạo. Sáng tạo như là một trò chơi, mỗi văn bản là một cách chơi, quan niệm sáng tạo là nguyên tắc, quy tắc của trò chơi đó. Chúng ta không nên và không thể thay cách nhìn và tổ chức thế giới, nguyên tắc sáng tác vốn có ở mỗi nhà thơ. Cùng lắm chỉ quan sát được sự gần gũi giữa các cách nhìn, cách chơi. Về điểm này cũng phải tính tới quan niệm chung về văn học, về thể loại ở mỗi thời đại, mỗi giai đoạn lịch sử đã chế ước đến mức độ nào đối với quan niệm riêng ở từng nghệ sĩ, thậm chí cả sự vượt qua những luật lệ, những nguyên tắc chơi do chính nhà thơ định ra trước đó. Trên phương diện lí thuyết, có bao nhiêu người sáng tạo thì có bấy nhiêu quan niệm thơ ca. Và suy cho cùng, mọi quan niệm đều minh chứng cho các cấp độ tư duy, các trình độ nhận thức rất khác nhau của người cầm bút về văn học.

 

T.T.K

 

__________________

 (1): Những trích dẫn ý kiến của Mai Văn Phấn trong bài viết này đều được rút từ bản thảo Tuyển tập thơ Mai Văn Phấn

 

 

 

(Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công - Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/ 5/ 2011, NXB Hội Nhà văn, 2011).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị