Mai Văn Phấn: từng ngón đêm lóe sáng (phê bình) - Nguyễn Đức Tùng

Mai Văn Phấn: từng ngón đêm lóe sáng

 


 Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng và MVP. Ảnh: Nguyễn Đình Toán, 2011




Nguyễn Đức Tùng

 

Trong mỗi bài thơ hay, có một luồng gió lạnh thổi qua. Ngược lại, những bài thơ buồn bã nhất cũng hiến tặng một chữ, một câu, một hình ảnh ấm áp, nâng người đọc lên, tìm cách tha thứ cho họ.

Từng cái chết

Dẫn ra từ bóng tối

Mặt đất uy nghiêm

Minh bạch

Nhân từ

Mai Văn Phấn làm nhiều thơ tự do. Nếu một nhà thơ không có gì để nói, anh ta chẳng thể nào đi trốn trong các câu thơ tự do mà không bị nhìn thấy.

Mùa hè năm ngoái tôi ngồi đọc tập thơ của anh dưới giàn nho sau vườn, một trái nho chín sớm rụng vào giữa hai trang sách, để lại một vết tím. Khi tôi mở lại cuốn sách, chuẩn bị viết những dòng này, vết loang ấy vẫn còn. Quả thật anh thường nói về sự khởi đầu một cách tình cờ:

Chim bồ câu ra ràng

Sương đêm côn trùng tỉnh dậy

Sinh nở là hồi sinh; sinh ra và chết đi đổi chỗ cho nhau. Tôi dùng chữ tình cờ với nghĩa anh không mô tả điều ấy như đề tài, chỉ dùng nó như cái nền, sự tương hợp, vốn phóng túng cũng như thể thơ tự do. Thơ anh không phải của các sự kiện mà là của đời sống mỗi ngày. Đối với anh, mỗi sự vật dù nhỏ bé bao giờ cũng chứa một lịch sử đặc biệt khó nhận ra. Công việc của thơ là trong khi tiếp cận chúng, làm vang lên tiếng nói, dệt nên tấm vải, của đời sống tâm hồn.

Đã tỉnh lại cánh đồng mỏi mệt trong hạt mưa vang tiếng sấm đầu mùa, những khoai sắn tự tin trong đất, lúa chạy thẳng hàng chân không vướng vào nhau.

 

Nắng đã đến dìm bóng đêm trong ruộng ngấu

Sự khởi đầu không phải chỉ là một ý tưởng mà là sự hứng khởi, sự vận động ở bất kỳ nơi đâu nhằm đặt sự vật vào vị thế ít ma sát. Điều này được thấy rõ ở những bài thơ xuôi của anh như trên đây. Ngoài ra trong trường hợp Mai Văn Phấn, thơ xuôi còn là một bước chạm đến trường ca, thể loại mà anh ưa thích. Cái vỏ bên ngoài là văn xuôi, nhìn sâu vào bên trong là thơ, thì đó là thơ xuôi.

Chống lại câu thơ, thì có thơ xuôi.

Di động giữa hiện thực và huyền thoại, thơ Mai Văn Phấn là bản tụng ca, gần với lời cầu nguyện cầu kinh cầu hồn; thơ phủ bóng mờ của âu lo chết chóc nhưng phía sau lấp lóe hy vọng. Trong một thời kỳ biến động hỗn loạn như hiện nay, anh không xa lạ gì với bóng tối, chiến tranh, mất mát, nhưng ít khi nói trực tiếp về điều ấy. Tôi cho rằng đó là một chủ định nghệ thuật. Mặc dù có lúc mối quan tâm của anh cũng bộc lộ rõ ràng:

Lẽ phải vùi chôn trong đơn thư nặc danh

Đồng tiền lật ngược trang hồ sơ khởi tố

Phải theo dõi kỹ và phải tinh ý, tóm lại phải yêu thơ anh, một người đọc mới nhận ra được những phút giây giận dữ. Điều đáng tiếc là chúng ta ít khi thấy rõ bi kịch của xung đột giữa hiện thực và tâm hồn như trong các câu trên đây. Hoặc vì anh chọn một loại ngôn ngữ ít có khả năng truyền đạt điều ấy, hoặc vì anh đã vượt qua nó từ lâu và vì thế anh xem việc viết về hiện thực bên ngoài là không cần thiết nữa.

Nơi thánh đường không ai thờ phụng

Phi lý lỗi thời mọi toan tính suy tư

Mọi bền chặt đã đến giờ tan loãng

Mặt khác, nếu thừa nhận việc đi tìm ý nghĩa của bài thơ là mục đích quan trọng của việc đọc thì đáp ứng của người đọc đóng vai trò lớn trong việc thưởng thức. Và như thế, chức năng của phê bình là diễn dịch các ý nghĩa và chỉ sau đó mới phê phán tác phẩm. Thơ tác động đến người đọc bằng ý nghĩa, thông qua quan sát sự vật, tiếp tục quan sát, tiếp tục chuyển động cùng với sự quan sát trong khi tiến gần đến sự vật. Cùng với vài nhà thơ đương đại Việt Nam khác, Mai Văn Phấn là một trong những ví dụ của nghệ thuật quan sát mới. Đó không phải là sự quan sát thông thường, mà là quá trình lưỡng sinh, một mặt là sự tinh lọc, một mặt là quá trình chú tâm, chú ý có tính toàn thể .

Khi phá bỏ bức tường Berlin

Khi Xô Viết Liên bang tan rã

Nắng đã gắt gay rồi

Lại càng gay gắt quá

Nhân loại đi chuếnh choáng dưới mặt trời

Có hai cách sau đây: một là anh thành thực sống như thế, tan rã và chuếnh choáng như thế; hai là anh đứng ngoài và quan sát hiện thực một cách minh triết, chỉ ra ngã rẽ quan trọng của dân tộc. Thế mà khi đi tìm bằng chứng về nỗi cô đơn của anh, tôi lại bắt gặp trong thơ tính thân thể, tính nhục thể. Khác với tình dục. Anh muốn nhìn đến tận cùng bản thể mối quan hệ nam nữ và do đó cội nguồn của tình yêu. Ngoài ra, việc chú ý đến nghệ thuật ngôn ngữ trong một bài thơ trữ tình bao giờ cũng đi kèm với việc loại trừ các dấu ấn xã hội lịch sử. Sự xô đẩy của các tình cảm, nỗi hào hứng, niềm vui bất tận của tình yêu và lòng yêu đời chen lẫn sự thất vọng, cảm giác bị bỏ rơi hay sự sợ hãi có khả năng làm giọng điệu của anh thường xuyên thay đổi. Thơ anh viết cho ai? Anh viết cho độc giả hay viết cho chính mình, độc giả của anh là những người nào? Câu hỏi ấy làm một số các nhà thơ hiện nay lúng túng.

Mặt trời lên

Một vị quan tòa

Từng nỗi oan

Dẫn ra từ bóng tối

Tuy thế, một trong những giọng điệu chính của anh là vui tươi, thể hiện của vui thú. Vui thú (pleasure) không phải là vui chơi, chưa được là vui chơi (play). Mà anh cũng do dự. Vì chúng ta bị đẩy đến giữa một xã hội ngày càng xa lạ, nên nhu cầu trở về ngày càng lớn. Trở về đâu? Với các quan hệ chân phương của đời sống nội tâm, chống lại sự vong thân. Lòng say mê của anh với chữ, chính là tình yêu của đứa con ngày đêm đi tìm đất mẹ: đất của ngôn ngữ. Tôi không ngớt ngạc nhiên về thái độ vừa thu kín lặng lẽ, vừa sôi động trầm tư của anh trước vấn nạn của đời sống. Nhưng mỗi đời sống trong thơ là một sự chuyển thể (transformation). Trong khi các nhà thơ khác đi tìm mảnh đất an trú trong niềm tin của họ thì anh đi tìm sự an trú đằng sau sự tồn tại. Nói cách khác, trong khi người khác chấp nhận thực tại hoặc để chiến đấu với nó, hoặc để đầu hàng nó, thì anh chấp nhận thực tại để vượt qua thực tại.

Những cây rơm u mê, ngớ ngẩn dưới mưa dầm

Anh có hai chủ đề chính: tình yêu và sự bất trắc. Mối quan hệ giữa chúng được Mai Văn Phấn nối kết vào nhau bằng nỗi sợ hãi và lòng hy vọng. Chẳng phải là trong những ngày đen tối, nỗi hy vọng mà thơ ca mang lại, dù mơ hồ, là hy vọng duy nhất đó sao?

Không còn ác cảm hôm nào

Bóng tối mềm duỗi dài trên đất

Thanh bình tĩnh lặng

Cỏ hân hoan vừa nhận ra mình

Anh khởi đầu hiền lành nhưng bất ngờ rẽ ngoặt ở đường biên, bên những mỏm đá cheo leo, sẵn sàng lượn quanh vực thẳm, giữa một bên là mối quan hệ của anh với cuộc đời, đầy hệ lụy, và một bên là những quan hệ tâm hồn. Anh cũng cho thấy diễn trình vong thân của con người gắn liền với bi kịch xa rời nông thôn, đô thị hóa trong xã hội hiện đại. Thơ anh có tham vọng xuyên suốt bề mặt của hiện thực hơn là phản ánh chính hiện thực ấy. Thông điệp trong thơ ngấm ngầm, không lộ ra. Tôi có cảm giác người nào muốn đọc anh cần phải am hiểu sâu về lịch sử, biết đọc giữa hai dòng chữ, chấp nhận cách đọc ấy. Không nghi ngờ gì nữa, tính hiệu lực của thơ sẽ bị đặt thành vấn đề đối với nhiệm vụ của nó trước cuộc sống, hiểu theo nghĩa giản dị, cụ thể. Được xếp vào khuynh hướng hậu hiện đại, anh cũng ít biểu hiện sự hài hước, tính trào lộng trong ngôn ngữ, khuynh hướng bộc lộ chất liệu thô ráp như thường thấy ở các nhà thơ khác; có lẽ vì Mai Văn Phấn là chàng trai lãng mạn mới, thường xuyên bận rộn với các ý tưởng của mình hơn là với chân dung của người khác.

Một người như thế rất dễ bị thương tổn.

Tôi thường thức khuya và hay đọc thơ vào những phút cuối cùng trong ngày. Thơ anh hợp với thời khắc ấy, như những vì sao cuối cùng trên bầu trời, hay cơn mưa đầu tiên trên mái nhà, lúc mọi người đã đi ngủ cả, khi bạn không còn sở hữu một điều gì, không dính líu tới chuyện chi, không mắc nợ một người nào ngoài chính mình, nơi tài sản của bạn là bóng tối. Bạn có đam mê bị tan loãng, bị bẻ gẫy, được nhào nặn trở lại.

Từng ngón đêm lóe sáng

                        

Theo tôi, khả năng quan trọng nhất của một nhà thơ là tự đặt mình vào phía bên kia của sáng tạo, tức là vị trí của người đọc, tức là đồng sáng tạo. Nhờ khả năng này mạnh, Mai Văn Phấn có khuynh hướng phê bình. Khi làm trang maivanphan.com nổi tiếng, với nhiều khuôn mặt mới, anh là một nhà biên tập tài giỏi. Mặc dù thế, chìm sâu trong nỗi buồn, vây quanh bởi những nỗi ám ảnh tâm linh, anh đi đến cùng tận các ngã rẽ chỉ một mình. Có lẽ chưa bao giờ róng riết tự cho mình là một nạn nhân của thời đại, anh vẫn có khả năng biến nỗi buồn lịch sử thành bài hát, làm cho những chi tiết khốc liệt nhất trở nên cỏ dưới đất, ly tách trên bàn. Mặt khác, loại bỏ kí ức về cái chết là phương pháp của tình yêu. Chúng ta thường tự giam mình trong khuynh hướng lý tưởng hóa, những lời hứa hẹn lặng thầm, nỗi thèm khát được thành công và hạnh phúc, đi đến sự viên mãn, cũng như những câu thơ khi đi đến cùng không bị bẻ đôi, không bị rớt xuống, không bị làm thành vết nứt của thơ ca, như những vết gẫy trên tường gạch, nơi cỏ dại trổ nhánh ra bông; nói cách khác là tự do từ sự ràng buộc của các thể, tự do từ những giềng mối của ký ức tập thể. Nhiều khi một bài thơ của anh có vẻ không đi đến kết thúc. Đôi khi đó là sự thất bại về mặt nghệ thuật, đôi khi đó là sự không kết luận có tính hiển nhiên, như thể sự vật trôi chảy không có kết thúc. Có những bài thơ được kết thúc có phần vội vàng, sử dụng nhiều tu từ, có vẻ như được thiết lập bằng những cố gắng. Trong những bài thơ thành công, anh thường chọn kết thúc đằm thắm, với bất ngờ nhẹ nhàng, nhưng không quá đột ngột; đó là điểm mạnh của thơ anh. Có những bài gây cảm tưởng như nhà thơ đang viết giữa chừng thì dừng lại, khi anh trở lại để kết thúc thì bài thơ không còn ở đó nữa: có một sự gấp khúc rất rõ trong một bài thơ như thế. Có khi anh cũng vấp phải lỗi rất hay gặp của các nhà thơ Việt Nam hiện nay là văn xuôi hóa bài thơ một cách dễ dàng.

Tôi đứng lên nhường chỗ cho thiếu phụ đang tựa lưng gần bậc cửa. Chị vội vã lắc đầu và cảm ơn chiếu lệ. Về ghế của mình, tôi lơ đãng nhìn qua cửa sổ con tàu và ngủ thiu thiu.

Như thế hãy còn là văn xuôi, chưa thành thơ xuôi. Có một điều gì như thể năng lượng của bài thơ chưa khởi động, hoặc mới xuất hiện nhưng liền bị phân tán đi do sự chuyển hướng hay phép liên hợp không phù hợp.

Ngược lại, khi bài thơ của anh vận động thật sự, khả năng tự ý thức của chúng, tức là của từng câu thơ, có thể lên rất cao và chiếm lĩnh không gian sáng tạo, xô đẩy những câu thơ khác hiện ra, khi sự luyện tập, sự lành nghề, và cảm hứng vốn có tính cách lâu dài, bỗng gặp một câu thơ vô hình đi ngang, chúng tạo ra giây phút tiếp xúc đầu tiên, trong giây phút ấy sự xúc cảm phát sáng. Thơ Mai Văn Phấn có những giây phút phát sáng ấy. Do mải mê đi tìm hình thức mới, điều dĩ nhiên cần thiết, hình như anh quên mất rằng sự lặp lại, lặp lại nữa, chính là khởi đầu của âm nhạc và nghệ thuật. Anh ít khi làm thơ tự sự xét về thi pháp, và thơ thế sự xét về đề tài; câu chuyện mà anh kể trong thơ có khi đã được tổng quát hóa quá mức, trở nên trừu tượng, xa hơn độ cần thiết. Vì thực ra sự chuyển động của một câu chuyện kể bao giờ cũng, trong khi mau chóng để lộ các nhãn quan thì cùng lúc, cưỡng lại nỗi riêng tư. Thơ có khả năng tạo ra các thể như cách người ta dựng lên các bức tượng trong không gian, người đọc thơ được yêu cầu nhìn ngắm các bức tượng ấy chứ không phải là sự vật nguyên mẫu, trong khi vẫn phải nắm được bản chất của hiện thực. Tức là sự thật của các chữ. 

Nơi cha mẹ đã quỳ

Vết thâm còn trên đất

Trong khi đó, như một hành động thăng bằng, tình yêu của anh bao phủ các đối tượng, thú vật, cây cỏ, mùa màng, làm cho chúng thành một không gian thương cảm. Có thể cho rằng sự thương cảm (đúng mức) trong thơ anh là thăng hoa của tình yêu.

Một người để nước mắt rơi

Mặn mòi lăn khắp mặt người yêu thương

Lục bát. Cái đẹp không có nhiều trên đời này. Cái tốt có nhiều hơn. Đó là nguồn gốc của thương cảm. Mai Văn Phấn thường tìm cách đổi mới thi pháp. Anh đi qua nhiều giai đoạn khác nhau, nay thì có vẻ đang đến những đoạn cuối của chủ nghĩa hậu hiện đại, và quay trở lại nhưng theo một đường xoáy vừa đi vòng vừa mở ra. Anh vừa chối từ khái niệm ý nghĩa của thơ ca lại vừa bắt đầu chấp nhận nó trở lại. Chính ở nơi này, ở khoảng phân vân, là nơi mà các nhà thơ có thể bất ngờ sáng tạo những thứ chính họ cũng không biết trước.

Tôi là con chim bay đến đây

Thu mình trong chiếc tổ lạ

Những câu thơ như thế rất dễ bị bỏ qua. Có một sự trộn lẫn đầy vui sướng nghẹn ngào giữa tình yêu thương thân mật và cảm giác dục tình chiếm hữu trong thơ Mai Văn Phấn, không phải chỉ bằng các hình ảnh, mà còn bằng một ngôn ngữ hào phóng đối với các dưỡng chất trần gian nơi nhân cách hóa được anh sử dụng thường xuyên, làm cho các giả thuyết va chạm với đời sống. Tôi có cảm giác rằng để chống lại tất cả các ràng buộc, anh cần phải dùng rất nhiều năng lượng. Hệ số ma sát của anh là lớn. Chúng làm cho anh có khi mệt mỏi, rất mệt mỏi, nhưng trong nhiều trường hợp, anh vượt lên được và rồi quay trở lại.

Lá cuốn mùa thu trải thảm

Anh về ngủ dưới chân em

Thú thật, tôi rất thích hai câu có vẻ bình thường này của anh. Vì nó riêng tư. Ai mà không thích sự riêng tư? Đôi khi thơ chạm đến thần thánh, nếu nhà thơ biết cúi đầu xuống và ngửng mặt lên trước thứ vật chất nguyên thủy, trước các chuyển động nguyên thủy, trong đó sự vận động của một bài thơ chính là lời nguyện ước, là ban phép lành, là hồi chuông đổ. Phép lắng nghe trước hết khởi đi từ việc gạt bỏ các tiếng động hỗn tạp. Lắng nghe không làm nên âm nhạc của thơ, nhưng nó đặt chúng ta vào những thính đường dưới vòm cuốn cao, trước khán đài, trong hang sâu, nơi âm nhạc phát ra và truyền đi, vang đi dội lại, cộng hưởng, nhân lên. Một bài thơ hay có quyền lực dẫn dắt chúng ta vào cõi yên tĩnh của nhà thơ, đứng ở ngưỡng cửa, vượt qua ngưỡng cửa, trở đi trở lại một lần, nhiều lần.

Tôi lỡ quên một điều gì quan trọng

Trong bông hoa tường vi đứng lặng dưới chân cầu

Người bạn cho tôi giống nho quý nay trổ thành một vòm cây lớn là ông già di dân gốc Ý 79 tuổi cùng tên với thi sĩ Giuseppe Ungaretti. Tôi vừa đến thăm ông trong bệnh viện; điều trị phóng xạ vì ung thư dạ dày giai đoạn cuối; Giuseppe cầm tay tôi khóc; những ngày mưa và mưa và mưa không ngớt đã tạnh, và trời xanh trở lại, và tôi ra về đứng trong vườn dưới giàn nho trổ nụ xanh đầu mùa nghĩ đến cái chết đang chờ một con người, nghĩ đến tan hợp, nhớ câu thơ Mai Văn Phấn:

Lang thang như xưa lúc mẹ vắng nhà

Quên thể xác đăm chiêu lầm lũi

Quên thể xác: thơ như thế làm lòng ta bớt u ám, trở nên nhẹ nhõm. Nhưng thật ra, mối quan hệ chính yếu giữa thơ anh và cuộc đời là quan hệ hôn nhân. Theo tôi, hôn nhân có lẽ là công việc khó khăn nhất trên đời, chỉ sau việc làm thơ. Nhưng công việc ấy càng dài lâu, bền chặt, thơ anh càng chín.

Đêm ái ân lặng phắc ngọn đèn

Trái hồng đượm trong hương cốm nõn

Không phải hoài niệm, vì hoài niệm là trí nhớ của hạnh phúc, còn thơ là trí nhớ của tương lai.

Thơ anh là trí nhớ của tương lai.

Và là một cấu trúc của nó: chống lại các quy ước của điều kiện lịch sử, có thể đi trước thời gian, ngoái nhìn, và kể cho chúng ta nghe ký ức về các dự phóng, về việc nó đi xuyên qua như thế nào các bức tường của định kiến xã hội. Tương tự, một số các nhà thơ biết rằng khi sáng tạo, nhạc điệu của bài thơ đi trước ngôn ngữ một khoảng cách, vừa đủ để ý nghĩa của ngôn ngữ trở nên mơ hồ. Sự sinh thành của thơ Mai Văn Phấn, của những bài hay nhất của anh, bắt đầu trong cõi mờ mờ ảo ảo ấy.

Ở đó, thơ chuyển động nhanh hơn bài thơ.

4/2011

N.Đ.T

 

(Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công - Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/ 5/ 2011, NXB Hội Nhà văn, 2011)

 

 

 

 

 

 

  

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị