Một cuộc Hội thảo thú vị và gợi mở
Nhà thơ Hữu Thỉnh tại Hội thảo
Hữu Thỉnh
Chiều tối qua, ngay sau khi tới
đây, tôi đã tranh thủ đọc tập tham luận. Cả ngày hôm nay, lại được nghe thêm 20
bản tham luận nữa. Như vậy, cơ bản đã tiếp cận được toàn bộ nội dung của Hội
thảo. Cuộc Hội thảo đã được chuẩn bị tốt, tận tình và có tính nghề nghiệp cao.
Ấn tượng của tôi về tất cả những gì diễn ra tại đây là hoàn toàn dân chủ, giàu
trí tuệ, thoải mái và chân tình. Hội thảo là hoạt động tập trung của công tác
lý luận, phê bình, lĩnh vực khó nhất trong những lĩnh vực khó nhất. Hơn ở đâu
hết, để xử lý những vấn đề như thế này, cần rất nhiều hiểu biết, tinh tế và
trân trọng nhau. Còn phải tính đến đặc điểm
lớn của tình hình hiện nay là sự thay đổi hệ giá trị, kéo theo biết bao
thay đổi khác về nhu cầu, sở thích, tâm lý, thói quen. Đa dạng hoá trong sáng
tác đòi hỏi đa dạng hoá trong tiếp nhận, thẩm định và đánh giá. Trong bối cảnh
nền văn học đang vận động mạnh mẽ, việc có ý kiến khác nhau là rất bình thường.
Tôi tán thành ý kiến của nhà thơ
Nguyễn Quang Thiều là Hội thảo đã thành công. Ở Hải Phòng, còn có gì khác nhau
hơn Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn! Hai giọng điệu, hai phong cách, với những
thao tác như đẩy xa về hai cực. Vậy mà cả hai đều có cống hiến, đều có chỗ đứng
trong dòng chảy của thi ca. Hoá ra, khi anh thực sự có gì riêng, anh sẽ có đóng
góp cho cái chung.
Còn nhớ, vào một ngày đầu tháng 4
năm 1992, các anh Vân Long, Trịnh Hoài Giang và chị Dư Thị Hoàn đến thăm tôi ở
Tạp chí Văn nghệ quân đội mang theo một vị khách mới. Vị này, trông cổ
quái và hoang dã, vai rộng, mắt xếch, giọng nói vang to. Tôi được giới thiệu đó
là Đồng Đức Bốn ở Hải Phòng, đã có thơ đăng ở đâu đó khá lâu, nhưng vì đông con
phải lo kiếm sống, nay muốn trở lại công việc viết lách. Tôi là trưởng ban Nhà
văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, thấy vậy là hồ hởi ngay. Câu chuyện rôm rả
đến xế trưa, các bạn ra về, Đồng Đức Bốn ở lại. Tôi nói ở lại hoàn toàn theo nghĩa đen, nghĩa là ở với nhau như trong gia
đình. Tính Bốn dễ dãi, có gì ăn nấy, chỉ ngặt có mỗi một chiếc giường cá nhân,
Bốn nhường tôi, còn anh ngủ trên bàn làm việc và vào giấc rất nhanh, mặc kệ đôi
chân có thừa ra chút ít. Cứ thế, khi thì dăm ba ngày, có lúc về quê, tôi giao
hẳn phòng cho Bốn. Anh em trong đơn vị có người cự nự tôi tại sao đưa một người
dân sự về sống hẳn ở doanh trại quân đội. Tôi bảo anh ấy tốt, cứ yên tâm. Còn
tôi thì nhắc Bốn gặp ai nhớ chào hỏi cho cẩn thận. Thoắt ẩn thoắt hiện, đến và
đi đều đột ngột, nhiều khi Bốn còn kéo thêm một số bạn mới nữa, cũng là dân yêu
thơ và cũng đang tập viết. Vui vẻ ồn ào nhưng nhiều khi đến khổ. Những ngày đó,
chúng tôi nói với nhau không thiếu một chuyện gì. Thời gian Bốn ở với tôi đến
tháng 10/1994 là khi tôi chuyển về ở tại quận Thanh Xuân. Tôi kéo Bốn về với
đồng quê, với dân ca ca dao. Và để cho Bốn yên tâm, tôi dẫn một câu nói của một
học giả phương Tây: “Thành thị có thể xác, thôn dã có linh hồn”. Trở về với dân
gian là trở về với hồn quê. Hồn quê sẽ sống mãi. Chị Bùi Kim Anh buổi sáng khen
hình ảnh bàn tay héo trong thơ Bốn và hỏi không biết vì sao Bốn lại có thể viết
được như thế. Tôi nhớ có lần hỏi Bốn có biết câu đố này không:
Cái cây mà có năm cành
Dấp nước thì héo để dành thì tươi
là cái cây gì? Bốn ngắc ngứ không
nói được. Tôi bảo, cậu là người nhà quê như thế à. Đó là cái bàn tay. Bàn tay
đi cấy, ngâm trong bùn lạnh, nó tím tái lại, teo quắt đi, đó là tay héo. Xong
việc lên bờ, ấm lại, thì nó nở ra, nó tươi hồng lại. Có lẽ là hình ảnh tay héo
của Bốn có gốc gác từ đó chăng? Những ngày sau, mỗi lần đến thăm tôi, Bốn lại
xùy ra một vài bài thơ mới, nhờ tôi đọc và sửa cho; đọc và sửa và tìm nơi đăng
cho nữa. Tôi vui vẻ làm thứ dịch vụ công cho Bốn. Và mừng là thấy Bốn lớn lên
rất nhanh. Chỉ trong khoảng 8 năm, Bốn làm một cú vươn vai ngoạn mục trong thơ.
Bốn làm thơ đầy bản năng, biết
tận dụng khai thác triệt để cái bản năng ấy, thâm canh ở đó. Anh không chỉ trở
về mà là biết chưng cất hồn cốt dân gian, đẩy trực cảm thành một cuộc lên đồng.
Câu thơ của anh trở nên có phù phép, lộng lẫy, quen mà lạ, xa mà gần, và chủ
yếu là rất gợi. Có gì đâu, vì anh biết đánh thức con người nhà quê tiềm ẩn đâu
đó trong mỗi chúng ta. Trong muôn phím đàn, anh biết chọn một, mà chọn đúng, là
cảm giác dìu dịu mênh mang của tiếng ru nâu sồng xa lắc. Bốn thành công nhất
trong lục bát. Lục bát của anh dễ say như một hơi men. Vì nó không tả, mà là
thốt lên, là hát, là tự nở hoa trong tâm hồn, cảnh tình bấm bện, ma mị, như một
cuộc gọi hồn.
Nhưng suýt nữa thì anh trở thành
véo von. Bởi ngoài cái hồn và cái cảm, anh ít quan tâm đến chiều sâu của tư
tưởng. Anh mải hát, mải đuổi bắt cái do chính tiếng hát anh tạo ra, nên thơ có
sự lỏng lẻo về cấu trúc. Người ta bảo, cấu trúc là trí tuệ. Thơ Bốn có nhiều
câu văng ra khỏi bài, có một cuộc sống riêng. Đó là cả một sự tài tình, người
làm thơ biết dồn nhan sắc cho các câu thơ hay. Được là thế, nhưng thua là xổng
xểnh, xổng xểnh trong bố cục. Nhưng Bốn là thế. Có xổng xểnh và có thăng hoa
mới là Đồng Đức Bốn.
Còn Mai Văn Phấn là tất cả những
gì ngược lại. Ấn tượng đầu tiên của tôi, đó là một chàng nho nhã, khiêm cung và
khá chững chạc ngay từ giai đoạn đầu. Thơ ấy, người ấy, hứa hẹn một người lãnh
đạo văn nghệ tương lai. Tôi đặt nhiều hy vọng ở Phấn. Và trong Hội nghị những
người viết văn trẻ lần thứ IV năm 1994, tôi mời anh tham gia Chủ tịch đoàn. Một
năm sau, anh đoạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi thơ của báo Văn nghệ. Bỗng, anh ngoặt sang một lối
rẽ khác, thay đổi hoàn toàn. Một chàng quần jeans
và áo phông, nền nã một cách hiện đại. Đây là một bước ngoặt có chuẩn bị, quyết
không phải là sự bốc đồng hay cuộc chơi xổ số đầy may rủi. Phải nói là Mai Văn
Phấn có lợi thế cho cuộc cách tân này, đó là lợi thế tiếp xúc trực tiếp với các
nền thơ nước ngoài. Anh lặng lẽ trong tự tin. Kết quả, một thời gian sau, người
ta gặp một Mai Văn Phấn khác hẳn, Phấn phức hợp và kỳ khu, Phấn cầm roi ra lệnh
cho các con chữ, Phấn đáo để chống lại sự nông cạn, cùn mòn. Chàng thử sức cả
thơ ngắn và trường ca. Từ cách đặt tên bài, đến chia đoạn, vắt câu, chỗ nào
cũng tuân theo phương châm cách tân triệt để. Có ý kiến thơ Phấn ở chặng sau
này hay ở từng mảng, từng câu, chưa kết lại những bài hoàn chỉnh. Tôi nghĩ khác,
thơ Phấn có những bài khá hoàn chỉnh, hoàn chỉnh một cách mới mẻ, mới mẻ mà
hay. Anh biết sốt ruột một cách bình tĩnh. Bởi vấn đề ở đây là tài năng và văn
hoá. Không tài năng và văn hoá, chỉ biết sốt ruột không thôi dễ trở thành những
kẻ đốt đền. Một người dám từ bỏ những tiếng vỗ tay quen thuộc để ngoặt sang một
chặng đường hoàn toàn khác hẳn, phải là người có chí có gan. Phấn có ý thức
phấn đấu cho thơ thật giản dị, tôi muốn thêm hai chữ tự nhiên. Thơ anh có nhiều thể nghiệm, quyết liệt cho cái mới. Vì
ham thể nghiệm, có chỗ chưa nhuyễn, có chỗ còn sượng và còn vướng nhiều phụ
tùng quá. Anh còn kể nhiều, thiếu ma lực, ít khi đạt được chót đỉnh những khái
quát. Anh thành công ở chiến thuật nhiều hơn ở chiến lược. Chiến lược của nhà
thơ là từ trường đồng cảm, nói một cách khác, đó là công chúng. Nếu nhà thơ lấy
thơ hay là mục đích, thì công chúng là mục đích của mục đích. Trong những bài
viết về Mai Văn Phấn, tôi chú ý đến sự tinh tường và cảm động của Thi Hoàng.
Từ hai trường hợp cụ thể, Đồng
Đức Bốn và Mai Văn Phấn, như vẫn thường thấy, Hội thảo cũng đề cập đến những
vấn đề chung của thơ ta hiện nay. Quả là thơ ta hiện nay đang có nhiều vấn đề
thật. Người làm thơ rất đông, nhưng công chúng thơ thì teo lại. Trên báo chí,
chúng ta gặp một cánh đồng bất tận những lời khen, trong thực tế công chúng lại
chẳng mấy mặn mà. Sự thật ở đâu? Tôi cho rằng chúng ta đang lạm phát những lời
khen. Sự dễ dãi của những lời khen thực chất đang che giấu một sự thật. Đó là
nỗi sợ hãi, sợ hãi đưa ra những lời chê, những góp ý thẳng thắn, sợ mất lòng.
Như thế là không bình thường. Trong cuộc Hội thảo này đã xuất hiện những cố
gắng khắc phục sự bất bình thường đó. Chúng ta nói về Mai Văn Phấn rất thẳng
thắn, chân tình, khen chê xác đáng, nhưng anh Phấn bước lên diễn đàn thật lịch
lãm và tôi đọc được những xúc động chân tình. Như thế là có bản lĩnh, báo với
ta rằng anh còn có thể đi bền trên đường thơ. Tôi chờ đợi sự nhuyễn, sự trong
lắng của anh. Và tôi muốn không khí thảo luận vừa chân tình vừa thẳng thắn của
cuộc Hội thảo này được nhân rộng ra nữa.
Trở lại vấn đề chung, tôi thấy
thơ ta hiện nay có hai trọng bệnh, một là véo von, hai là xa-lông hoá. Véo von
là tự bằng lòng, lặp lại mãi giai điệu cũ, lười biếng, dễ dãi, nghe cứ phào
phào mà ít thơ và ít tài. Xa-lông hoá là rơi vào sự nhấm nháp cá nhân, ngắm
vuốt xiêm áo, tuyệt đối hoá hình thức, bịt kín mọi mối giao cảm với công chúng.
Cách chữa thì có nhiều, nhưng trước hết cần trở lại truyền thống nhập thế của
cha ông. Nhập thế để cấp dưỡng khí cho tài năng.
Câu chuyện cũng khá rôm rả trong
Hội thảo này là các trường phái, thi pháp, các "chủ nghĩa" nghệ
thuật. Cái này có gốc gác từ thuyết các Trung tâm. Với đà tiến bộ và thành tựu
trong khoa học, kỹ thuật, công nghệ, đem đến những bước tiến lớn về kinh tế,
quân sự, châu Âu tự coi mình là Trung tâm của thế giới. Châu Á cũng chẳng chịu
lép, cũng tự coi mình là Trung tâm (Trung tâm “dĩ Âu”, Trung tâm “dĩ Á”).
Phải thừa nhận bán kính ảnh hưởng châu Âu là rất rộng. Cho nên trong nghệ thuật
phương Tây có loại thuyết gì, "chủ nghĩa" gì thì các vùng ảnh hưởng
cũng lặp lại những cái đó. Nhưng cũng có những vùng họ cứng cổ, thay vì bắt
chước châu Âu, họ quay về đánh thức yếu tố bản địa. Vì thế mới có chủ nghĩa
hiện thực huyền ảo của Mỹ la tinh, thơ haiku của Nhật và tiểu thuyết chương hồi
của Trung Quốc. Tiếp thu thế giới là tiếp thu các tinh hoa, điều không nên là
họ có lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, tân hình thức, hậu hiện đại, ta cũng
phải lặp lại y chang. Cái chủ nghĩa nghệ thuật là một phạm trù mỹ học đồng thời
là một phạm trù lịch sử. Nó xuất hiện rồi lại bị thay thế. Có thể xem đó như
những chặng đường, những bước đi để đến ngôi đền thơ ca. Mà nhân loại thì có
biết bao những chặng đường như thế. Nói cho cùng, các trường phái không thể
thay thế được tài năng; trong thơ không có tài, thì còn làm nên được cái gì?
Nhân nói về vấn đề này, tôi nghĩ
đến cuộc phê bình thơ không vần của anh Nguyễn Đình Thi. Lạ lùng là những người
phản đối anh Thi đều là những người có Tây học. Anh Thi cũng học Tây, muốn bỏ
vần để nhập vào với hơi thở kháng chiến. Anh bỏ vần để:
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
Hoá
ra cách tân không phải là cắt đứt với truyền thống, mà để nghe truyền thống rõ hơn, nhân cái truyền thống ấy trong hiện đại.
Ở trên tôi có nói thơ ta hiện nay có xu hướng rút lui vào hình thức, tuyệt đối
hoá hình thức. Để minh hoạ, cho tôi kể một câu chuyện nhỏ. Năm 2000, tôi đến
thăm thành phố Chicago, Hoa Kỳ, và gặp một nhà thơ cách tân bậc nhất của Mỹ là
Paul Hoover. Anh là giáo sư, phụ trách Khoa Sáng tạo nghệ thuật ở một trường
Đại học của thành phố. Paul Hoover làm thơ hiện đại như sau: Thoạt đầu, anh
viết những bài thơ son-nê rõ ràng, tề chỉnh trên
máy tính. Sau đó anh thực hiện một thao tác làm cho bài thơ nổ tung ra như một
đám hoa cà hoa cải. Rồi anh in ra, tuyên bố đã làm xong một bài thơ hiện đại.
Làm thơ mãi theo kiểu đó, chẳng gây ấn tượng gì, chán trò, anh trở lại làm thơ
theo thể son-nê cổ điển. Paul Hoover có sang thăm
Việt Nam hai lần. Tôi tiếp anh ở báo Văn nghệ thật vui vẻ. Thời gian đó
tôi và anh Nguyễn Trọng Tạo đang làm Phụ trương Thơ, tiền thân của Tạp chí Thơ ngày nay. Rút lui vào hình
thức, tuyệt đối hoá hình thức dễ đi vào tắc tị. Nếu tuyệt đối hoá hình thức mà
có tiền đồ thì nhóm Xuân Thu Nhã Tập đã thành một dòng thơ lớn rồi. Nhưng nó đã
biến mất và chỉ để lại một tấm biển báo nguy hiểm bên cạnh đường thơ: Chủ
nghĩa hình thức cẩn thận, có mìn. Nói như thế không có nghĩa là coi nhẹ
việc học hỏi thế giới. Ngược lại, càng phải học, học để hiểu, để chắt lấy cái
tinh hoa. Là bộ phận của nhân loại, sao dại gì mà không học lấy cái tinh hoa
của nhân loại. Tôi muốn nói là học cái tinh hoa. Học cái tinh hoa là cả một quá
trình tiếp biến văn hoá nhọc lòng và công phu, để biến những yếu tố ngoại sinh
thành hồn thành máu chứ không phải là sự sao chép vụng về. Càng không phải
thiên hạ có gì ta cũng phải lặp lại một cách máy móc. Những chỗ thành công của
Mai Văn Phấn là một ví dụ. Anh đã tạo ra vùng “tiểu khí hậu” trong thơ.
Thời gian một ngày đi nhanh quá.
Tiếc có ít thời gian để thảo luận và tranh luận. Nhưng bằng tất cả những gì đã
diễn ra tại đây, hôm nay, chúng ta có thể xem là một cuộc hội thảo thú vị và
gợi mở.
Hải Phòng, 15/5/2011
H.T
(Phát
biểu tại Hội thảo thơ
Mai Văn Phấn & Đồng Đức Bốn: Khác
biệt và thành công, tổ chức tại Hải Phòng ngày
15/5/2011/ Tạp chí Thơ 7/2011)

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại Hội thảo