Đối thoại: Thơ Việt, giải thưởng và một dòng chảy thơ đẹp - Nhà báo Khánh Vân phỏng vấn TS. Nguyễn Thanh Tâm
Đối thoại: Thơ Việt, giải thưởng và một dòng chảy thơ đẹp
(Nhà
báo Khánh Vân phỏng vấn TS.
Nguyễn Thanh Tâm)
TS.
Nguyễn Thanh Tâm
Thứ
Năm, ngày 14/06/2018 - 16:56
(Tổ Quốc) - Thời gian gần đây có thể thấy ‘không khí’ thơ Việt khá
sôi động, những buổi sinh hoạt văn thơ vẫn đều đều diễn ra nhưng nhiều gương
mặt thơ với những tập thơ mới xuất bản được công chúng dành sự quan tâm, đánh
giá có chất lượng tốt về cả nội dung lẫn hình thức.
Ghi nhận những thay đổi này và tìm hiểu thêm về tình hình thi ca
Việt Nam thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện cuộc trao đổi với Nhà phê bình
TS. Nguyễn Thanh Tâm, người dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu, phê
bình văn học mảng thơ Việt Nam từ nhiều năm nay.
Thơ Việt và giải thưởng thơ
Xin chào nhà phê bình, thời gian gần đây thấy anh có rất nhiều bài
nhận xét chí lý về thơ Việt đương đại. Thôi thì xin anh cho vài nhận định tổng
quan tình hình sáng tạo thơ trong vòng mười năm trở lại đây xem chúng ta đang
có những gì?
Tại sao lại là
mười năm nhỉ? Vì tôi không nhận thấy ở thời điểm 2008 và 2018 có gì đặc biệt về
thơ khiến chúng ta phải dành riêng cho nó một mô tả (cười). Dĩ nhiên, một lát
cắt với hi vọng nhận ra chuyển động của thơ Việt là rất cần thiết. Mười năm
qua, thơ ca của chúng ta vẫn phát triển rầm rộ, nhưng có thể xem đó là một cuộc
khủng hoảng: cả thiếu và thừa - thừa người làm thơ mà thiếu thi sĩ, thừa cái
giống như thơ, gọi là thơ mà thiếu thi phẩm. Trong khí thế “thi đua” ấy, người
chăm chú vẫn có thể nhận ra đâu là vàng, đâu là thau. Khủng hoảng bản thân nó
là một câu chuyện sang trọng. Bởi lẽ, khủng hoảng nói lên tính chuyển động của
một hiện tượng nào đó. Khủng hoảng biểu hiện trạng thái bất hợp lý của nó và
đòi hỏi một sự thay đổi.
Vâng, có vẻ mười năm thi ca vẫn chưa nói được gì nhiều lắm. Vậy
anh nói xa hơn về một chặng đường thi ca từ sau đổi mới tới nay có được không?
Kể từ thời điểm
Đổi mới (1986) thơ ca Việt Nam lại bước vào một cuộc hội nhập mới có thể đem so
sánh với phong trào Thơ mới đầu thế kỷ XX. Nghĩa là, không khí toàn cầu hóa, sự
mở rộng các đường biên hay sự giải tỏa các giới hạn, các lằn ranh, sự tiếp nhập
của các luồng tư tưởng, tri thức mới đến từ bên ngoài đã đưa không chỉ thơ ca
đến với khí quyển nghệ thuật chung của thế giới. Hãy hình dung, từ giữa những năm
80 của thế kỷ XX, những tên tuổi như Ý Nhi, Dư Thị Hoàn, Trương Đăng Dung,
Nguyễn Lương Ngọc, Giáng Vân, Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh… đã đưa thơ
ca sang một hệ hình thẩm mỹ mới.
Sau đó, thơ với
tính chất tự do, cởi mở, với nhịp sống mới, điệu cảm xúc và phương thức biểu
đạt mới đã dần tạo ra khí quyển hiện đại, hậu hiện đại cho thơ Việt, chúng ta
chứng kiến sự nở rộ của các trào lưu, khuynh hướng, các thể nghiệm mới. Sự khám
phá mới mẻ về đời sống, nhu cầu được sống với tư cách toàn nguyên của con người
bản thể, sự phá bỏ các mô hình trữ tình kiểu cũ đã làm nảy sinh một thế hệ nhà
thơ mới. Thế hệ 6x, 7x, 8x và cả 9x đã cho thấy thơ ca cần đi vào đời sống bản
thể, phô bày ý niệm của con người về cõi sống hôm nay, nơi mà mọi khuôn khổ hay
các mưu toan định hình, cố kết dần trở nên chật hẹp hay phi lý, cực đoan, thậm
chí là thiển cận.
Sự tái xuất của Lê
Đạt, Trần Dần, Phùng Cung… sự xuất hiện của các nhóm thơ tân hình thức, tân cổ
điển, thơ vụt hiện, thơ chữ, thơ ảnh tự, thơ ngoài lời, thơ văn xuôi, thơ tối
giản… tự nó bày tỏ tính chất “thậm phồn” của không gian thơ ca đương đại.
Các thể loại
truyền thống được làm mới trong cảm thức hiện sinh đầy đủ và sâu sắc hơn. Các
thể loại mới hình thành hay du nhập cũng tạo ra mỹ cảm mới cho người đọc. Thơ
ca trong không gian đương đại đã trút bỏ khỏi vai mình sứ mệnh của một đạo
quân, để trở về là tiếng nói trong thăm thẳm tinh thần bản thể, trong tương
quan mật thiết với mọi thứ đang diễn ra xung quanh nó, trong nó và từ nó. Nói
như thế, nghĩa là cuộc khủng hoảng chưa hẳn là đáng lo ngại. Bởi lẽ, bất kỳ một
hiện tượng xã hội nào đều phải trải qua các chu kỳ vận hành của nó. Và, nhìn
lại, chúng ta vẫn còn những thi sĩ, những thi phẩm có thể an ủi rằng, giá trị
thẩm mỹ trong sứ mệnh tự thân của nó, vẫn đang được kiến tạo.
Anh từng chia sẻ một thống kê về giải thưởng thơ của một Hội nghề
nghiệp lớn nhất nước về văn chương hiện nay là Hội Nhà văn Việt Nam, anh có thể
nói thêm những nhận định từ danh sách này về thơ Việt Nam và giải thưởng thơ
hiện nay?
Tôi chia sẻ thống
kê đó với mục đích trước hết là để những ai quan tâm, nhất là các bạn sinh
viên, học viên Cao học, nghiên cứu sinh khỏi mất thời gian tra cứu. Đồng thời,
việc thống kê đó cũng xuất phát từ công việc mà tôi theo đuổi: cố gắng bám sát
tình hình thơ Việt Nam đương đại. Nói về danh sách giải thưởng này, từ cảm nhận
của riêng tôi, những tập thơ được giải đương nhiên đã được hội đồng các cấp
thẩm định, đánh giá. Nghĩa là nó có thể đảm bảo các tiêu chí về mặt giá trị mà
hội đồng đó đề cao. Nhưng, như chị biết, ngay cả những tập thơ được giải đó
cũng dần chìm vào im lặng hoặc nó chỉ được biết đến, được nhắc nhở trong một
cộng đồng khá hẹp là các nhà thơ và các nhà nghiên cứu, phê bình. Công chúng
phổ thông dường như rất ít biết đến sự tồn tại của các tập thơ đó. Đến nỗi,
người ta đã đặt tôi viết một bài với chủ đề: “Những tập thơ được giải hiện đang
ở đâu?” Sự chìm khuất của những tập thơ được giải có một phần hệ lụy từ chính
thời đại, khi mà thơ dường như đã bị “thất sủng”.
Một phần khác, tôi
thấy có những tập được giải nhưng chất lượng lại không thuyết phục. Giải thưởng
văn chương ở ta có vẻ chưa tạo được chỗ đứng trong lòng công chúng. Giải thưởng
của Hội Nhà văn Việt Nam, theo tôi cũng không thể hiện một cách đầy đủ các khu
vực hay mảng miếng của bức tranh thơ đương đại. Cùng với giải thưởng này, các
hệ thống giải khác của Hội Nhà văn Hà Nội, Văn nghệ Quân đội, Sông Hương… cũng
đáng chú ý. Và nữa, đương nhiên, ngoài các giải thưởng của các hội, chúng ta có
những tác phẩm được đánh giá tốt từ cộng đồng đọc.
Anh có thể nói cụ thể một số tập thơ đáng kể không?
Khách quan mà nói, cũng có tác phẩm được giải một cách xứng đáng.
Và, phải nói lại, cũng có những tập thơ không được giải, nhưng sự hiện diện của
nó là rất đáng được gọi tên. Những tập thơ như: Lối nhỏ,
Bài mẫu giáo sáng thế của Dư Thị Hoàn; Từ nước và Ngày sinh lại của
Nguyễn Lương Ngọc; Sự mất ngủ của lửa của
Nguyễn Quang Thiều; Củi lửa của
Dương Kiều Minh; Giọt nắng hay Bầu trời không mái che của Mai Văn Phấn; Lam chướng, Xa thân, Từ chết sang trời biếc, Buổi câu hờ hững của
Nguyễn Bình Phương; Đường gió của
Giáng Vân; Những kỷ niệm tưởng tượng của
Trương Đăng Dung; Linh, Khát của Vi Thùy
Linh; Mật thư của Nguyễn Thế Hoàng Linh, Thơ Miên Di… đem lại cho tôi niềm tin rằng thơ vẫn sống
nơi những tâm hồn thi sĩ biết yêu mến, trân trọng cuộc sống, cái đẹp và giá trị
thơ ca đích
thực.
Nếu chúng ta làm một cuộc điểm danh các gương mặt thơ mười năm trở
lại đây thì những cái tên nào đáng được gọi lên?
Trong vòng mười
năm lại đây, người trẻ ở thời điểm 2008 thì đã già vào năm 2018 và người trẻ
của 2018 thì vẫn dường như còn loay hoay kiếm tìm và hoàn toàn không có gì đảm
bảo rằng họ sẽ ở lại với thơ ca. Tuy vậy, nếu cứ hình dung những nhà thơ mười
tám đôi mươi đến 35 tuổi (tiêu chí Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn), từ 2008 đến
2018, chúng ta có thể nhắc đến: Vi Thùy Linh, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lữ Thị
Mai, Miên Di, Nguyễn Thị Thùy Linh, Lu, Kai Hoàng, Huyền Thư, Việt Anh, Từ Hồng
Sơn, Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Thị Thúy Hạnh… Bây giờ thì có người đã ngoài 35
rồi, có người tôi cảm nhận rằng nguồn thơ của họ đã cạn hoặc nội lực không đủ
để đi xa. Dẫu vậy, thơ của họ, trong tình thế này, có thể xem như mảnh cắt khá
tiêu biểu của thơ trẻ Việt Nam đương đại. Tôi không dám hi vọng hay đặt cược
vào điều gì trong thế giới này. Ngày kia, cái gì đến sẽ đến, dẫu là một sự lụi
tàn hay từ bỏ.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg chia sẻ trong buổi
tọa đàm thơ (ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Câu chuyện về một Dòng chảy thơ
Vừa qua anh được ngồi ghế chủ tọa cuộc tọa đàm về thơ Mai Văn
Phấn- một dòng chảy thơ được giới phê bình dành chiều thiện chí, qua tác
phẩm mới xuất bản của ông, là người trong cuộc, anh thấy sao?
Buổi tọa đàm đó xoay quanh tập thơ do BTV Nhã Nam lựa chọn và cấu
trúc với tinh thần gắng thể hiện đầy đủ hành trình thơ, chân dung nghệ thuật
của Mai Văn Phấn từ trước đến nay. Dĩ nhiên, không đủ đầy được. Và nữa, không
phải tác giả lựa chọn, cũng không phải là tác phẩm mới, nên có thể xem đây là
một Gallery về Mai Văn Phấn ở những chặng đường đã qua. Nếu đọc toàn bộ Mai Văn
Phấn, lại đọc tập thơ Lặng yên cho nước chảy (Nhã
Nam, 2018) chúng ta sẽ thấy Mai Văn Phấn đã được hình dung như thế nào trong
cảm quan của Nhã Nam. Sẽ có chặng khởi đầu với những dáng vẻ cổ truyền, nhẹ
nhàng, thậm chí rón rén, những quãng dao động, những quãng thét gào, những
hoang mang hay dằn vặt, những quãng bình yên, thanh thản, hành trình trở về đầy
minh triết… Tôi cho rằng, tập thơ này Nhã Nam đã lựa được những yếu điểm trên
hành trình nghệ thuật của Mai Văn Phấn. Cuốn sách sẽ giúp những người không có
cơ hội đọc toàn bộ tác phẩm của Mai văn Phấn có được một hình dung căn bản về
hành trình thơ của tác giả.
Tôi cũng tham dự buổi tọa đàm đó, phải nói rằng tôi rất ấn tượng
về một buổi tọa đàm thi ca với khán phòng Hội trường lớn của Trung tâm Văn hóa
Pháp ngữ đông nghịt người ở đủ mọi thành phần: phê bình, nhà văn, nhà thơ, nhà
báo, các độc giả yêu mến thi ca… Anh nhận định những đóng góp của tác giả này
trong dòng chảy thơ đương đại thế nào?
Đây là vấn đề lớn,
cần có những khảo sát và trình bày một cách nghiêm cẩn, bằng các thao tác khoa
học. Tuy vậy, trong phạm vi bài phỏng vấn này, có thể nói, Mai Văn Phấn đã xác
lập một mô hình thi sĩ khá tiêu biểu, thể hiện rõ tinh thần sáng tạo không ngừng.
Sáng tạo như là sứ mệnh, là sinh mệnh, là hiện hữu của thi sĩ. Mai Văn Phấn
liên tục phủ định mình, kể cả những thành công, để kiếm tìm những chân trời
nghệ thuật mới. Tôi cho rằng, đó là tư cách, phẩm chất, đạo đức và trách nhiệm
hiếm có ở thi sĩ hiện nay. Điều đó dường như cũng làm anh vượt lên trên mặt
bằng ngâm vịnh, biểu tả hiện nay của thơ Việt. Ở mỗi chặng đường thơ, mỗi hệ
hình thẩm mỹ mà Mai Văn Phấn thể nghiệm, khám phá, anh đều cố gắng để đi đến
tận cùng cảm xúc, tư duy của mình. Rồi sau đó, lại rời bỏ, tiếp tục hành trình
mới, thể nghiệm mới. Chưa bao giờ quan niệm của M. Heidegger lại được hiện hình
rõ rệt đến thế: đích đến không quan trọng bằng hành trình.
Việc nỗ lực đưa
thơ ra với cộng đồng thế giới, được in ấn, xuất bản, giới thiệu trên 24 ngôn
ngữ, có tập thơ lọt vào top 100 cuốn sách bán chạy của Amazon, được Vương quốc
Thụy Điển trao giải Cikada (2017) cho thấy Mai Văn Phấn rất có ý thức trong
việc tiến đến phô bày hay chiếm lĩnh, thể hiện các giá trị phổ quát của nhân
loại. Không phải ngẫu nhiên mà nước ngoài lại dịch, in và xuất bản thơ Mai văn
Phấn. Dường như, họ tìm thấy ở đó những giá trị cần thiết cho cộng đồng của họ
- như chính tiêu chí của giải Cikada nêu lên: “Cảm quan thơ ca của họ, chỉ ra
tính bất khả xâm phạm của đời sống”. Cái bất khả xâm phạm của đời sống chính là
giá trị phổ quát mà cộng đồng, cá nhân, thời đại nào cũng có, cũng cần, để sống
và duy trì bản tính nhân loại.
Với những đóng góp đó của nhà thơ Mai Văn Phấn, nhìn rộng ra phạm
vi ngoài Việt Nam, có gì đáng kể?
Mai Văn Phấn có gì
đáng kể trong dòng chảy của thơ Việt Nam đương đại cũng như những chuyển động
của thơ ca thế giới?. Như tôi nói, đó là vấn đề lớn, nhất là khi chúng ta không
đủ tự tin để dám chắc rằng mình bao quát được mọi sự. Tuy nhiên, từ quan sát của
bản thân tôi, có thể nhấn mạnh đến vài điểm:
Thứ nhất, nhà thơ này có tập thơ đầu in năm
1992 (Giọt nắng). Tôi cho rằng đây là một sự xuất hiện rất
đáng nhắc lại. Bởi khi đó, cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ XX, chúng ta có
Dư Thị Hoàn, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều… Rõ ràng,
ông đã xuất hiện ở trung tâm của chuyển động thơ ca hậu chiến. Và sự
thực, Giọt nắng hoàn toàn có thể đặt bên cạnh những thi
tập ở trên trong dáng vẻ của một mũi tên đang run lên vì sức căng của dây cung.
Đối với người nghệ sĩ sáng tạo, năng lượng dự phóng là một tư chất, nó nói lên
khả năng của chủ thể trong những chuyển động tiếp theo.
Thứ hai, những tập thơ tiếp theo của ông (Gọi xanh, Cầu nguyện ban mai, Nghi lễ nhân tên, Người cùng thời,
Vách nước), mỗi tập thơ là một sự dịch chuyển, một kiến tạo và một
dự cảm rời bỏ. Cảm thức đời sống và cảm quan nghệ thuật của chặng này càng ngày
càng hiện rõ, trở thành tiếng réo gào, thét gọi hay những hoang mang, hoài
nghi, đau đớn ở chặng sau với Hôm sau, và đột nhiên gió thổi,
Bầu trời không mái che (2009). Có thể nói, nếu hình dung về
phẩm tính hậu hiện đại của thơ Việt, chúng ta có thể cảm nhận từ ba tập thơ này
của ông. Quãng thời gian này, nhìn rộng ra, cũng là quãng mà những thực hành
cách tân theo hướng hậu hiện đại đang có xu hướng “trương nở”. Nhưng ngay ở
thời điểm năm 2010, ông lại đã rời đi, dấn bước trên hành trình thi ca của
mình. Từ hoa giấu mặt, Vừa sinh ra ở đó, thả… ông tiến đến một
hình thái thẩm mỹ mới - Tân cổ điển. Thơ ngắn của ông ở những tập gần đây cho
phép chúng ta hình dung về một sự đốn ngộ, một tỉnh thức sau hành trình sống
trải giữa nhân gian. Thơ kiệm lời, ý cô đọng mà sâu, tình lắng xuống phía sau
những biểu kiến rất tinh vi, cái tĩnh hàm chứa sự vận động đầy vĩ đại của sự
sống, thiên nhiên và vũ trụ.
Thứ ba, nhà thơ với hành trình thơ của
mình, đã định nghĩa một cách đầy quyết liệt khái niệm thi sĩ - nghệ sĩ. Sáng
tạo luôn là câu chuyện đầu tiên và quan trọng nhất của nghệ thuật. Bởi thế,
hành trình thơ luôn phủ định để dấn bước, “vong thân” để kiến tạo những hình
hài mới, những bản sắc mới, chính là Mai Văn Phấn trong những gì chúng ta có
thể quan sát được.
Thứ tư, nhà thơ luôn nỗ lực để đưa thơ ca
đến với cộng đồng thế giới. Việc thơ ông được dịch ra 24 thứ tiếng, được giải
Cikada của Thụy Điển… cho thấy giá trị thơ ca của ông được cộng đồng thế giới
đón nhận và có những đánh giá đúng mức.
Thứ năm, ở câu chuyện trọng tâm, giá trị
thơ ca của Mai Văn Phấn ở đâu? Từ cảm quan cá nhân, thơ ông thuyết phục được
tôi ở cả bình diện “cảm niệm triết học về thực tại” (Chu Văn Sơn), cả ở tư duy
nghệ thuật, ở khả năng tượng trưng hóa, biểu tượng hóa.
Thứ sáu, thơ ông là một gợi mở cho hành
trình của mỗi chúng ta. Vấn đề này rất lớn khi nó buộc phải tham chiếu vào các
cấu trúc văn hóa, xã hội, thời đại, kinh nghiệm thẩm mỹ của mỗi người. Văn bản
thơ là một thực thể - có tính vật lý, nhưng, tác phẩm là của mỗi người. Đọc
thơ, như có lần tôi nói, đó là hành trình tìm kiếm chính mình, diễn giải chính
bản thân mình.
* Vâng, chúng tôi xin tạm gác câu chuyện thú vị về thơ ca ở đây,
hy vọng những điều anh chia sẻ sẽ góp thêm tiếng nói có trọng lượng để định
hình những giá trị của thơ trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện nay.
(Nguồn: Báo Tổ Quốc)

Từ trái sang: Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư, cháu Phương, Nhà báo Khánh Vân, Nhà thơ Nông Thị Hưng

TS. Nguyễn Thanh Tâm phát biểu tại tọa đàm