Cái tôi trữ tình độc sáng trong thơ Mai Văn Phấn - Đoàn Thị Linh Giang

Cái tôi trữ tình độc sáng trong thơ Mai Văn Phấn

 

 

Tác giả Đoàn Thị Linh Giang

 

 

Đoàn Thị Linh Giang*

 

Nhà thơ Mai Văn Phấn là một hiện tượng độc đáo trong thi đàn đương đại. Ông cùng với một số cây bút tiêu biểu cùng thế hệ như: Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Bình Phương, Inrasara, Giáng Vân, Đinh Thị Như Thúy,… tạo lên một khuynh hướng đổi mới, cách tân sau năm 1986, thời điểm “Đổi mới”. Thế hệ tác giả này kiến tạo những không gian thơ đa chiều, thời gian đa tuyến, kết nối điểm nhìn, mở rộng thêm biên độ tưởng tượng cho thơ. Mỗi người trong số họ đều có con đường sáng tạo riêng. Mai Văn Phấn là tác giả tìm đến với nhiều khuynh hướng nghệ thuật hiện đại, trong đó có chủ nghĩa hiện sinh. Ông đã trừu suất được cái tôi trữ tình ấn tượng, độc đáo, thậm chí là độc sáng, khó trộn lẫn.

 

 1. Khác với những cây bút bị ảnh hưởng thấy rõ bởi những khuynh hướng, trào lưu hiện đại, hậu hiện đại phương Tây, Mai Văn Phấn tự tin thiết lập cho mình một không gian nghệ thuật riêng biệt, đưa thơ ca về với tiếng nói thuần khiết, tự nhiên nhất của con người. Anh là con cá miệng dàn dụa trăng/ Rời bỏ bầy đàn quẫy vào biển động” (Ngậm em trong miệng). Liên tục vong thân, tự phủ định mình, nhà thơ đã nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của hầu hết các khuynh hướng thơ hiện đại, tiên tiến trên thế giới, kết hợp với bản sắc văn hóa dân tộc để tạo ra những giá trị mới. Nhà thơ từng tâm sự: “Sau khi băng qua những “sa mạc” như siêu thực, tượng trưng, thơ Ngôn ngữ, Tân hình thức, Hậu hiện đại, Tân cổ điển…, tôi thấy sao chúng ta không tự tìm lấy một khuynh hướng mà phải lệ thuộc vào thằng Tây? Khuyng hướng ấy bên ngoài họ đã xếp vào viện bảo tàng từ thế kỉ trước, trong khi chúng ta vẫn lúng túng tranh cãi… Vậy thong dong là cách tôi tìm về với cội nguồn thi ca, để cho cảm xúc trôi chảy tự nhiên và tìm cách nói hồn nhiên, tối giản, trong trẻo nhất.”(1)  Bởi vậy, mỗi tập thơ của Mai Văn Phấn đều là một sự trở về với truyền thống, nhưng mang diện mạo mới và khác. Cách tân thơ cũng chính là cách nhà thơ tìm về cội nguồn dân tộc bằng tâm thế con người đương đại, với cách nhìn mới, mang hệ quy chiếu thẩm mĩ mới. Giọng thơ xóa nhòa ranh giới ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ đời sống của con người hiện đại; ngôn ngữ tối giản, trong sáng nhưng các thi ảnh chuyển động với tốc độ lớn, dứt khoát. Sáng tạo thơ được xem như một sự trở về, trở về với những giá trị cốt lõi của con người. Trở lại sau mười sáu năm dừng bút, Mai Văn Phấn đã nhanh chóng hòa nhập vào xu thế cách tân của thơ hiện đại, đồng thời cũng tìm cho mình một lối đi riêng. Với quan niệm không “thâm canh triền miên trên một mảnh đất đã cằn cỗi”, ông liên tục tự làm mới mình để cho ra đời những sáng tạo thi ca độc đáo. Xưa có con tim nào hóa đá/ Để một ngày cho đá hóa con tim/ Để bàn chân ta sáng lên ngọn lửa/ Thắp lên phần cháy dở đêm qua (Người cùng thời - Chương I). Đọc thơ Mai Văn Phấn, ta thấy hiện rõ lên một nhu cầu có tính thường trực, đó là phải liên tục sáng tạo như là phương thức duy nhất để khẳng định sự hiện diện của nhà thơ giữa cuộc đời và giữa những bộn bề văn chương. Thơ Mai Văn Phấn từ buổi đầu dù kết hợp nhuần nhuyễn giữa thơ ca truyền thống với tâm thức hiện đại, nhưng đã có ý thức giã từ giọng điệu cũ, nhịp điệu cũ để xây dựng những hình ảnh khoáng đạt, lạ lẫm. "Mặt đất vừa qua phút lâm bồn/ Anh về hụt bước trước hoàng hôn/ Chân trời phía ấy vừa se lại/ Chiều rỗng mặc kim chỉ gió luồn" (Nghe tin em sinh con). Cảm xúc thơ trôi chảy một cách tự nhiên, trong trẻo nhưng không đơn tuyến, dễ dãi mà luôn đòi hỏi người đọc phải tư duy, suy nghĩ và tự tái tạo thế giới thơ cho riêng mình. Con người hiện sinh cũng nhận định một cách sáng suốt, rằng không có sự vật gì có giá trị tuyệt đối. Con người hiện sinh là con người tỉnh ngộ dám nhìn thẳng vào sự thực, không trừu tượng hóa sự sáng tạo nhưng luôn cố gắng xác nhận ý nghĩa hiện sinh, tức là ý nghĩa thực sự của mỗi người. Họ luôn trung thực với chính mình. Con người trong thơ Mai Văn Phấn từ chối mọi cắt nghĩa về nó. Tự nó là một hiện sinh đầy đủ và ý nghĩa.

 

 2. Thơ Mai Văn Phấn luôn toát lên niềm tin (dù có lúc mong manh), sự an lạc. Quan trọng nhất, trong trường thẩm mĩ của mình, Mai Văn Phấn chiếu ánh sáng của đức tin, của niềm thiêng vào sinh quyển thơ ca. Trong một sinh quyển sống với nhiều rủi ro, nhiều giá trị bị phai nhạt, lãng quên, niềm tin, tình yêu trở thành điều gì đó xa xỉ, phù phiếm, thì thơ Mai Văn Phấn là một sự xác tín trở lại những thành tố làm nên đời sống con người, không biệt lập khỏi những hiện hữu trong nhân giới, vật giới, quá khứ và tương lai. Hồn mình dựa chốn mong manh/ Rồi hư danh ấy cũng thành hư không/ Mắt vừa mở với rạng đông/ Chân trời hổn hển phập phồng ngón chân. (Kinh cầu ban mai). Đọc thơ Mai Văn Phấn, người ta thấy trân trọng hơn những phút giây của sự hiện hữu và cả những liên hệ siêu hình ngoài không gian, thời gian, nhưng có ý nghĩa to lớn trong việc kiến tạo nên sự sống của con người. Cái tôi trữ tình trong thơ Mai Văn Phấn được phản ánh rõ qua cái nhìn hiện sinh về con người. "Một thời phờ phạc thiên di/ Tìm trong bóng nước thấy gì nữa đâu/ Mảng đêm đập cánh đi mau/ Giọt sương trong mát trên đầu hư không..." (Thay lời chim làm tổ). Chủ nghĩa hiện sinh không quan tâm đến quá khứ, mà chỉ quan tâm đến hiện tại. Jean-Paul Satre nói: “Chỉ có thực tại mới đáng kể còn những mơ màng, những sự chờ đợi, những niềm hi vọng cho phép ta định nghĩa con người như một giấc mộng tàn tạ, như một hi vọng bất thành, một sự chờ đợi luống cuống”. Gabriel Marcel là người chống lại khách thể tính, chống lại mọi hình thức cứng đọng. Ông lay tỉnh con người để họ đừng triền miên trong tình trạng phóng thể về dĩ vãng của họ. Theo Gabriel Marcel thì những vĩ nhân phải chọn: Một là đừng ỉ lại vào dĩ vãng để khỏi sa lầy trong an hưởng, hai là chỉ sống để nghĩ về sự nghiệp của mình thì nhất định sẽ nhốt mình trong hưu trí. Con người hiện sinh phải luôn tiến về phía trước… Tôi thấy tôi là kẻ xa lạ với tôi.”(2) Triết học hiện sinh lay tỉnh con người, nhắc cho mỗi người biết rằng mình là một độc đáo và mình phải hoàn thành cái định mệnh độc đáo của mình. Một khi đã ý thức sâu xa về tính chất độc đáo hiện sinh, con người tự cảm thấy, rằng chính tôi sẽ chết cái chết của tôi, không ai chết thay tôi cả. Con người trong thơ Mai Văn Phấn với tư cách là “một mạch nguồn tuyệt đối” luôn làm chủ cuộc đời mình, luôn đứng trên sự sống, nhìn nhận sự sống. Con người không chỉ là kẻ luôn “chuẩn bị sống” mà còn là kẻ thường trực ý nghĩ sâu sắc tâm thế “chuẩn bị chết”. Họ biết sống là “một quá trình”, là một sự “thỏa thuận”, sống thực chất là chuẩn bị chết. "Ừ, thì ra cát bụi/ Là một đời thân xác đớn đau/ gió vẫn ru xanh mướt ở trên đầu/ Trời rót xuống từng cơn mưa đằm thắm" (Hồn nhiên). Khi ý thức rõ về giới hạn của đời sống, giới hạn của bản thân, con người sẽ tự do lựa chọn thái độ sống và dấn thân trải nghiệm. Con người hiện sinh từ chối mọi nguyên tắc áp đặt từ bên ngoài.

 

 3. Về chủ đề, thể tài, Mai Văn Phấn đã “gom tụ trong mình những xác cảm phong phú của đời sống con người đương đại: âu lo, hoài nghi, bi quan, khổ đau, hạnh phúc, tin tưởng, khát vọng với các vấn đề tâm linh, tôn giáo, tình yêu, sự tha hóa, môi trường, nông thôn, đô thị, hậu chiến, tha hương, trở về…”(3) Những bước tiến trên lộ trình thơ Mai Văn Phấn cho thấy sự chuyển dịch nhanh nhạy về thế giới quan, nhân sinh quan và quan niệm thơ gắn liền với sự trải nghiệm cuộc sống. Nghệ thuật càng sáng tạo bao nhiêu thì lại càng khó tiếp nhận bấy nhiêu. Thơ Mai Văn Phấn xuất hiện khiến không ít độc giả phải ngỡ ngàng bởi cách viết mới lạ của ông. Xuyên suốt ý tưởng trong các tập thơ của Mai Văn Phấn là ước mơ tự do, bình đẳng và dân chủ. Đó là một khối cảm xúc cô đọng được biểu đạt bằng ngôn từ thông qua thế giới nội tâm, đồng thời hiển thị những bức tranh sống động về lịch sử, về xã hội đương thời. Mỗi tập thơ của ông đều chất chứa khát vọng của dân tộc, đồng thời là một cánh cửa mới được mở ra, giúp người đọc thưởng ngoạn thế giới. Nhiều người cho rằng, thơ Mai Văn Phấn góp phần giúp người đọc hiểu cuộc sống và nhiều tầng văn hóa. Như vậy, quan niệm đúng đắn về thơ chính là cách nhà thơ tìm về với nghệ thuật chân chính. Thông qua hành trình sáng tạo, Mai Văn Phấn đã minh chứng cho những quan niệm nghệ thuật của mình, về cái khác và những giá trị cần vươn tới. Trên con đường ấy sẽ không thể thiếu được dấu ấn của sự sáng tạo và những quan niệm tích cực. Trong đó, con người luôn có những ước mơ và khát khao cháy bỏng. Họ khát khao được thoát li khỏi cuộc sống hiện tại, được sống là chính mình, được hòa hợp với tự nhiên, không vướng bận bởi những điều vô nghĩa. Dù ở cuối làn hương/ Hay làm viên sỏi nhỏ/ Bị quên lãng ven đường/ Vẫn mong chờ ai đó/ Bỗng vô tình nhặt lên/ Lại cuống quýt gọi tên/ Lại bốn mùa xao xác/ Lại lo toan thường nhật/ Với thiêng liêng thuở nào/ Và mơ mộng chiêm bao.../ Và thương yêu khao khát/ Lại gọi tên cuống quýt/ Hỡi bé bỏng sinh linh!/ Hỡi bé bỏng trái tim!/ Trong vòng quay trái đất/ Dưới mặt trời thổn thức... (Người cùng thời - Chương V). Ý nghĩa cuộc sống con người như thế không gì khác ngoài sự đam mê hay khao khát mãnh liệt một điều gì trong cuộc đời. Một ngày nào đó điều này có khả năng chế ngự trái tim, linh hồn và thể xác chúng ta. Nó có thể cháy mãi tới khi ta chết. Nếu con người biết trải qua nỗi khao khát, đam mê sâu sắc ấy theo hướng thiện thì họ sẽ không sống vô ích. Nếu hành xử ngược lại, nỗi khao khát, đam mê sâu sắc có thể khiến con người trở nên độc ác bất nhân ngay cả với chính bản thân mình. Mai Văn Phấn là một chủ đề tận hiến cho sự sáng tạo thơ ca, cho con người, vì con người. Thơ ông thức tỉnh người đọc biết trân trọng với từng giây phút của thời gian sống.

 

 4. Từ cái tôi trữ tình độc sáng được kiến tạo dần trong hành trình thơ Mai Văn Phấn, người đọc luôn nhìn thấy ở thơ ông sự cách tân, tìm tòi những thi pháp mới lạ. Ông luôn khao khát đưa cảm xúc về với bản thể tự nhiên nhất của con người, hướng đến một lối viết giản dị mà sâu sắc, uyên bác mà hồn nhiên, “tự nhiên như đi trên đất”. Như vậy, trong xu thế vận động và cách tân thơ, Mai Văn Phấn ngày càng có ý thức tìm kiếm một vẻ đẹp bình dị, mang tinh thần và cốt cách dân tộc Việt. Cái đẹp trong thơ ông gắn với hành trình tìm về cội nguồn dân tộc, nặng lòng với các giá trị văn hóa truyền thống, những điều giản dị và thân quen của làng quê hay hướng con người đến sự an nhiên, thanh tịnh. Thẩm mỹ trong thơ vừa mang hơi thở truyền thống lại vừa kết hợp với tiết tấu của đời sống đương đại. Những trang thơ Mai Văn Phấn đã mang đến cho người đọc cảm nhận về một lối viết nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và đa nghĩa. Đồng thời với tình yêu quê hương, đất nước, sự hòa hợp, đồng điệu với thiên nhiên, vũ trụ và đất trời đã tạo nên một âm hưởng khó phai trong lòng bạn đọc. Những cống hiến và khát vọng nghệ thuật của Mai Văn Phấn rất xứng đáng được ghi nhận. “Nhà thơ biết thắp sáng nó để tự thân anh ta càng mạnh mẽ, thực hiện thành công những cuộc ra đi... Hành trình của sáng tạo chính là liên tiếp lên đường tìm đến những giá trị mới khác.”(4) 

 

Đ.T.L.G

 

 

________________

* Giáo viên trường THCS Lộc Ninh, Quảng Bình.

 1. Xem: Mai Văn Phấn (2011), Thơ tuyển Mai Văn Phấn cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

2. Xem: Trần Thái Đỉnh (2005), Triết học hiện sinh, Nxb Văn học, Hà Nội.

3. Xem: Ngô Hương Giang, Nguyễn Thanh Tâm (2015), Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

4. Xem: Tham luận tại Hội thảo "Thơ và những vấn đề thơ đương đại", do Hội Nhà văn VN tổ chức tại Hà Nội, 27/02/2018.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị