Những tìm tòi nghệ thuật mới trong tập thơ “Những hạt giống của đêm và ngày” của Mai Văn Phấn (Tiểu luận khoa học). Trần Thị Hồng Sương

Những tìm tòi nghệ thuật mới trong tập thơ “Những hạt giống của đêm và ngày” của Mai Văn Phấn

 

 

 

 

Tác giả Trần Thị Hồng Sương



 

 

 

Maivanphan.com: Cháu Trần Thị Hồng Sương, hiện là học viên cao học khóa 24 trường Đại học Vinh vừa gửi tặng tôi cuốn “Tạp chí Khoa học”, tập 45/ số 2B/ 2016 của ĐH Vinh, trong đó có đăng bài viết dưới đây của cháu. Tôi trân trọng sự nỗ lực và nghiêm túc của cháu Hồng Sương trong nghiên cứu khoa học qua bài viết này. Chúc cháu mãi yêu nghề sư phạm và thành công trong các công trình nghiên cứu tiếp theo.





Tóm tắt:
 Bài viết đưa ra những đánh giá, nhận định về thơ Mai Văn Phấn qua khảo sát tập thơ “Những hạt giống của đêm và ngày*”. Trong tập thơ này, Mai Văn Phấn tạo ra một biểu tượng khá phong phú về thiên nhiên trong cách nhìn, cách lý giải mang chiều sâu triết học. Trong thế giới biểu tượng ấy là bộn bề những suy cảm của nhà thơ về một hiện thực chồng lấn, đan xen, có khi vỡ vụn với trùng phức các lớp nghĩa trong sự đan bện quá khứ và hiện tại. Thơ Mai Văn Phấn vì thế, bằng một phong cách hiện đại, luôn luôn vẫy gọi những cách đọc, cách tiếp nhận khác nhau.

           

 

Bao giờ cũng thế, nhà thơ đến với thơ ca trước hết nhằm để “giải tỏa tâm trạng và ám ảnh về đời sống”, Mai Văn Phấn đã đến với thơ ca như thế từ tập thơ đầu tay Giọt nắng (1992). Nhưng với khát khao khẳng định tiếng thơ mới (so với trước đây và cùng thời), nhà thơ đã cố gắng thử nghiệm nhiều khuynh hướng khác nhau: Siêu thực, Tượng trưng, Biểu hiện… (Vách nước); phong cách hậu hiện đại (Hôm sau); phong cách cổ điển mới (và đột nhiên gió thổi). Dễ dàng nhận thấy đó là quá trình chuyển từ việc học tập các kinh nghiệm của thơ hiện đại phương Tây sang tập trung rút tỉa các bài học khác từ thơ ca truyền thống phương Đông nhằm thể hiện tư tưởng trong một hình thức thi pháp vừa hiện đại vừa cổ điển. Đến tập thơ Bầu trời không mái che, đặc biệt năm 2013 với Những hạt giống của đêm và ngày, Mai Văn Phấn đã "nhẹ gánh" hơn với các khuynh hướng của phương Tây, đưa thơ ca về với tiếng nói thuần hậu, gắn với đời sống văn hóa Việt. Nói như nhà thơ, đó là cách "tìm về với cội nguồn thi ca, để cho cảm xúc trôi chảy tự nhiên và tìm cách nói hồn nhiên, tối giản, trong trẻo nhất” [1]. Cội nguồn thi ca đó cũng chính là cội nguồn tiếng nói của dân tộc.

 

1. Có thể coi thiên nhiên là hình tượng trung tâm trong Những hạt giống của đêm và ngày. Trong tập này nói riêng và thơ Mai Văn Phấn nói chung, tác giả luôn xây dựng một hệ thống biểu tượng gần gũi, thoát thai từ ca dao dân ca, gắn với nền văn hóa nông nghiệp như đất, nước, rơm, ánh sáng, không khí... Điều đặc biệt, nhà thơ không đơn thuần đi miêu tả thế giới thiên nhiên, cảm nhận về vẻ đẹp của thiên nhiên mà luôn nhìn các đối tượng miêu tả bằng cái nhìn có chiều sâu triết học. Không khó để độc giả nhận ra trong thơ Mai Văn Phấn có một thế giới thiên nhiên tràn đầy sức sống, luôn quẫy đạp vươn dậy"Cuộn chảy/ trong tiếng gào những dải phù du/ đáy sông quặn thắt chưa hết sáng/ hoàng hôn ngậm chặt ánh ngày/ lửa co giật/ sục sôi mầm nụ/ đỉnh cây ngùn ngụt bốc cao" (Đất mở). Các từ: cuộn, gào, quặn thắt, ngậm chặt, co giật, sục sôi, ngùn ngụt, bốc... đặt cạnh nhau liên tiếp vừa diễn tả sự dâng trào vừa diễn tả sự rượt đuổi, đua tranh, từ đó một thế giới sống động được mở ra. Nhà thơ rất tinh nhạy với các chuyển động của thiên nhiên, kể cả nhỏ bé nhất và nhận ra tất cả sự vật đều muốn níu giữ sự sống của mình đến cùng (đáy sông quặn thắt chưa hết sáng/ hoàng hôn ngậm chặt ánh ngày). Cũng như con người, đó là nhu cầu tự thân của vạn vật. Cho nên ngay cả trong những mầm sống nhỏ bé xuất hiện trong thơ Mai Văn Phấn cũng chứa những gào thét, sục sôi. Không chỉ có thế giới con người chuyển động, thiên nhiên cũng không ngừng tranh giành, vật vã trong một thế giới vận động liên tục. Bắt nguồn từ quan niệm sự vật không đứng yên, thơ Mai Văn Phấn đã tạo ra một thế giới vận động liên hoàn, không ngừng nghỉ.

 

Thế giới luôn luôn tồn tại trong những quá trình mang tính biện chứng và trong mối liên hệ nhân quả. Sự thay thế, hoán đổi chúng là lẽ tự nhiên của vận động. Từ một góc nhìn nhất định, có thể thấy thế giới trong thơ Mai Văn Phấn là cuộc tranh đấu sinh tồn quyết liệt giữa cái mới với cái cũ, cái sắp xuất hiện với cái sắp tàn phai, và nó được diễn tả một cách mạnh mẽ nhất bằng những hình ảnh thơ rất mới. "Cánh bướm đen chập chờn tơi tả/ bắn ra từ tiếng nổ rễ cây" (Sen) hay "Trong đất máu đã phục sinh/ hóa nhựa non rưng rưng lá rụng" (Linh hồn đã bay). Trong thơ, ở nhiều trường hợp, trước sự phai tàn của vẻ đẹp thiên nhiên là sự nuối tiếc của con người. Thơ Mai Văn Phấn điềm tĩnh đón chào cái mới và chấp nhận cái ra đi như là tâm thế của con người hiện đại, tâm thế của con người ý thức được rằng thế giới không ngừng vận động. Đó là lí do trong Những hạt giống của đêm và ngày sự sống - cái chết luôn đi liền với nhau, thậm chí ngay trong một câu thơ hoặc một đoạn thơ, sự sống càng mãnh liệt, sự lụi tàn càng chóng sớm. Chính vì thế, dẫu thiên nhiên là hình tượng trung tâm, nhưng tập thơ không hướng đến việc xây dựng nên những bức tranh thiên nhiên - cuộc sống tươi đẹp, mà nó hướng đến những chiêm nghiệm, suy nghiệm mới, mang tính triết lý cao.

 

Văn học trước đây đi từ việc lấy thiên nhiên ước lệ cho vẻ đẹp con người đến lấy vẻ đẹp con người làm trung tâm, chuẩn mực. Trong mĩ cảm truyền thống, mối quan hệ giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và con người thường là mối quan hệ hô ứng, tương chiếu. Mai Văn Phấn đã không tách biệt thiên nhiên và con người, trong sự nhận thức rằng thế giới bắt nguồn từ vật chất, cội nguồn của con người là thiên nhiên. Trong bàiNơi cội nguồn thế giới, nhà thơ viết: "Tôi nhìn thấy trên đỉnh đồi/ Một bông cỏ may vừa nở/ Ánh sáng phát ra từ đó/ Bình minh đang phát ra từ đó/ Soi  rõ chân đồi, lối ra bìa rừng… Không phải nơi nào khác/ mà chính từ bông cỏ may kia/ Đang làm nên một ngày tuyệt đẹp". Một bông cỏ may nhỏ bé mọc trên tận đỉnh đồi, dường như nhà thơ đang muốn kéo thế giới con người về với buổi khởi thủy để truy tìm cội nguồn của nó. Và nhà thơ đã thốt lên: "Đúng, rất đúng/ Tất cả chúng ta vừa sinh ra ở đó". Thế giới bắt đầu từ những sự vật nhỏ bé, từ thiên nhiên hoang dại, và cội nguồn con người chính là ở đó. Chính vì thế, trong tập thơ, Mai Văn Phấn không hề tách biệt thế giới con người và thiên nhiên, không lấy vẻ đẹp của cái này để ẩn dụ/ điểm tựa cho cái kia, cho nên đôi khi người đọc thấy “lạ” với những cách biểu hiện này trong thơ ông. Độc giả, thậm chí có thể còn thấy phi lí khi thấy các hình ảnh không liên quan nhau đặt cạnh nhau liên tục: "Mùa thu buông ngàn vạn con đò/ Hít thở nhịp nhàng tiếng khỏa nước/ Có tay sào vô hình chống xuống vai tôi/ Cả đôi bờ run lên hồi hộp". (Nhịp thu về). Tại sao “tay sào” lại “chống xuống vai tôi”? “Đôi bờ” ở đây là đôi bờ vai con người hay là đôi bờ dòng sông thu? Với thơ của Mai Văn Phấn, cái đẹp của thiên nhiên là cái đẹp của con người, cái đẹp của con người là cái đẹp của thiên nhiên, đó là hai thế giới thống nhất, hòa quyện trong cảm nhận tổng hợp, liên tưởng tổng hợp, nhiều chiều. Cho nên nếu đọc với một lối đọc “cũ”, suy luận logich, phải có móc nối bề mặt thì không thể hiểu được thơ của Mai Văn Phấn.

 

Những hạt giống của đêm và ngày mở ra một lối thơ suy tưởng tổng hợp, thơ là sự đa chiều của tư tưởng, của cảm xúc, là sự vận dụng liên tưởng nhiều chiều từ kinh nghiệm đời sống của nhà thơ.

 

2. Đã là nghệ thuật, dù có nói về điều gì, dù nói về hiện tại hay quá khứ cũng là để thể hiện đời sống hiện thời, mang hơi thở thời đại. Những hạt giống của đêm và ngày trước tiên mở ra cho người đọc thấy được bức tranh hiện thực: "Huyệt sâu mở trong ngực/ Hiện lên đại lộ vòng quanh/ Bê bết dính bao mái nhà lộn ngược/ Vết ố tường vôi mạng nhện giăng/ Âm ỉ bên trong tiếng gõ/ Hối thúc chạy về cánh cửa". (Nhịp điệu vẽ lối đi). Giống như một bức tranh đời sống, nhìn thẳng thấy thật êm ả và đẹp đẽ nhưng lộn ngược nó lại sẽ thấy một thế giới khác. Ở đây nhà thơ đang quay vòng, lộn ngược hiện thực để thấy đó là một hiện thực phân rã, dồn đuổi con người; nhà thơ đang tái tạo hiện thực, mô tả hiện thực và rồi quay lại phản biện chính hiện thực đó ngay tức thì. Thế giới thiên nhiên - con người đều là thế giới vụn vỡ, thế giới lạc điệu, bị phong tỏa trong những nỗi lo sợ, nỗi cô đơn ngầm chứa sự đổ vỡ. "Quá khứ bắt đầu gầm rít quanh đời sống đã chết. Tất cả bị ướp đông trong hơi lạnh nhân tạo. Ướp đông tiếng nói vụng trộm. Ướp đông căn bệnh mãn tính. Ướp đông giọt mực gắn chặt vào trang giấy, chén rượu đưa lên vĩnh viễn cách môi Nắm đất ném lên trời không bao giờ trở lại". (Bến cuối). Nhà thơ nhận thấy đó là một thế giới phi lí, một thế giới “cong”; nó đẩy con người vào một vòng tròn khép kín, chật hẹp, cương tỏa. "Những bức ảnh thiếu sáng, những trái cây chín ép và giấc mơ rụng cánh trước cơn mưa, chầm chậm trôi ngược dòng kí ức". Nhưng cùng với sự phi lí của thực tại là sự đông cứng của con người hay có thể là sự bất lực của chính họ: "Có ai chạy từ giấc mơ, trái cây đến bức ảnh, để nhặt được những gì mình đánh mất, nghe tù đọng từng giọt nước mắt và nhận ra sự chai lì của mỗi bóng râm". Bất lực trước thực tại, nhà thơ hi vọng, mong chờ vào một thế hệ mới: "Nơi đầu nguồn đã thay một không gian và thế hệ cỏ non đang ran ran trên đất". Nhưng hiện thực đó vẫn quay vòng, khi các lớp người đi qua nhau vội trở về kí ức: "Nhưng khắp nơi đang bắt đầu những dòng đổ vào kí ức, cả từ bức ảnh, trái cây, giấc mơ thành giọng nói đêm qua" (Bức ảnh, trái cây và giấc mơ). Đó là cái nhìn về một thế giới cương tỏa, ở đó khát vọng vụn vỡ, con người đông cứng trước những thôi thúc của mình và thôi thúc của thời đại.

 

Điều đặc biệt của Những hạt giống của đêm và ngày là hiện thực đi liền với lịch sử, hiện tại gắn với quá khứ, đó là mối quan hệ hai chiều. Cho nên trong tập thơ xuất hiện rất nhiều những cụm từ/ hình ảnh/ sự biểu hiện về hôm qua - hôm nay - kí ức - giấc mơ - cội nguồn... Nhà thơ đang lấy hiện tại để soi chiếu lịch sử và lấy lịch sử soi chiếu lên hiện tại. Dường như ở đó lịch sử đè nặng lên thân phận con người và hiện tại đang chối bỏ lịch sử, đang vùng vẫy thoát khỏi áp lực của lịch sử. "Bóng đen nép vào cổ vật/ Còn run sợ lúc gọi tên/ Nước mắt nhòe mờ niên đại" (Nhịp điệu vẽ lối đi). Quá khứ cần được soi sáng, con người hiện thời không thể chỉ nghĩ đến vinh quang mà cần phải biết đến quá khứ mất mát, phải đối diện và thậm chí trả giá cho những tổn thương của lịch sử. "Biết ai vừa nảy ra ý định xếp tất cả những suy tư kia thành đồ chơi. Xếp bức tượng cổ lên chiếc bàn mới đóng, không, phải đặt cạnh ngọn đèn. Đôi giày cũ để trước gương, không, dưới gốc cây cổ thụ. Bàn tay trẻ con cố gỡ những ngón tay đã khô dính trên từng trang sách" (Những ý nghĩ không sắp đặt). Nhà thơ nói rõ quan điểm của mình: "Người cùng thời nhìn rõ đường đi nhờ những nỗi đau hắt sáng phía sau lưng, hắt sáng gương mặt người đằm thắm" (Cộng hưởng II). Mai Văn Phấn muốn vượt lên những ràng buộc của cả quá khứ và hiện tại đông cứng, cởi bỏ những “sắp đặt” để hướng đến một thế giới tự do: "Con cá khô trên móc sắt quẫy mình lao vào hồ nước". Thế giới hiện tại đang bị đè bởi các ý tưởng sắp đặt, các định đề có sẵn, nhà thơ đã "phản biện": "Hình như nước ngoài kia sắp chảy xiết/ Nhụy hoa trong vườn dính được chân ong/ Đôi môi muốn mọc chân chạy trên da thịt/ Lưỡi lửa thèm thuồng nhoài đến chân rơm/ Chỉ thế thôi ư/ Mà sinh ra giọng nói/ Thế thì trái với các định nghĩa, tiêu đề/ Tôi đã học, tôi nghe". Với nhà thơ, chân lí tuyệt đối chính là tự do tuyệt đối của con người về tư tưởng, về cảm xúc, về tình cảm. Trên tinh thần đó, Mai Văn Phấn đã mở rộng đến cùng biên độ tưởng tượng cá nhân, phá bỏ logich thông thường, những “ý nghĩ sắp đặt”: "Chạm vào anh biết viên sỏi rất mềm, cọng rơm khô trĩu nặng, sợi tóc thở nhẹ". (Tỉnh dậy trong mưa). Quan niệm của nhà thơ là con người phải tự mình tìm kiếm chân lí cho riêng mình, cũng như thơ ca cần phải cởi bỏ những áp lực để vươn tới tự do của nghệ thuật đích thực.

 

3. Dường như chủ thể trữ tình trong thơ Mai Văn Phấn luôn mãnh liệt những khát khao vượt thoát hiện tại, vượt thoát chính mình. Đó là lí do để trong thơ ông luôn xuất hiện những cuộc ra đi: "Đại dương sau ngõ nhỏ, tường rêu, vách đá… Hàng cây rì rào, sỏi đá cọ vào nhau, tiếng nước rót vào từng chiếc cốc… nhắc lại lời con sóng lớn đang mắc cạn. Phải ra đi cho sóng lá, sỏi đá, bọt nước lại tung lên đổ về phía sau tôi" (Một ngày). Trong Những hạt giống của đêm và ngày có điều thú vị là nhà thơ luôn tự "mai táng" mình, tự tiễn mình ra đi, tự xua đuổi mình. Đó là một cuộc ra đi rất quyết liệt, cuộc ra đi vì thơ ca, vì nghệ thuật: "Cơ thể anh/ Cánh cửa nhỏ bé/ Gập mình dịu mát/ Thả lỏng/ Sắp đặt lại xương cốt/ Dòng nước cuốn từng tế bào chết" (Tỉnh dậy trong mưa). Và luôn hối thúc chính mình: "Tiếng sấm nổ vào thời khắc anh hình dung con cá lớn quẫy khỏi cơ thể. Ngoi lên. Ung dung bơi đi trong mưa" (Tỉnh dậy trong mưa). Sự xuất hiện của những con người ra đi ấy cũng cho thấy sự trăn trở về chính mình, về thơ ca, như là một tuyên ngôn về lẽ tồn tại và về nghệ thuật của nhà thơ. Có thể thấy điều này trong bài Mũi tên bóng tối. Đó là hình tượng con người quyết "Ra đi tìm đích cho ngày" và luôn tin "mình bắn trúng đích". Nhưng "Khi cúi xuống dưới chân hoàng hôn/ Thấy bóng tối đã xếp dày hơn trước/ Chợt phát hiện thấy rất nhiều lỗ thủng/ Những ngọn đèn vừa thắp sáng trên sông". Nhà thơ nhận thức được rằng, dẫu đã ra đi, dẫu đã tin vào con đường nghệ thuật mình đã đi nhưng đó là một cuộc ra đi chưa triệt để, còn cần phải có nhiều cuộc ra đi hơn nữa. Với điều đó, bạn đọc có thể tin rằng con đường thơ, thế giới nghệ thuật Mai Văn Phấn chưa dừng ở đây, mà sẽ tiếp tục bằng những tìm tòi, mở ra những lối thơ mới.

 

4. Độc giả nếu quen với đại bộ phận thơ ca Việt trước 1975, khi tiếp xúc với thơ Mai Văn Phấn sẽ thấy một kiểu thơ “khó đọc”, hoặc “khác” với thơ trước đây bởi việc sử dụng các động từ, các tính từ, các hình ảnh đôi khi không liên quan đến nhau liên tục được đặt cạnh nhau. Và điều đặc biệt trong thơ Mai Văn Phấn, khiến đọc giả khó hiểu là những liên tưởng rất táo bạo, rất khác lạ như: "Cạn tiếng chim/ Rơi dấu chân thối rữa ủ thềm đá lạnh/ Lao xao gối chăn nỗi kiếp côn trùng/ Thở nhau/ Thở cơn mưa lạ/ Miệng chén hoằm sâu bầu vú khoét thủng/ Men lợn chuồng phóng lên lợn gỗ" (Mộng du). Các câu, các hình ảnh dường như không có sự kết nối ở ý nghĩa bề mặt bởi tác giả muốn hướng đến một lối thơ tổng hợp suy tưởng. Với Mai Văn Phấn, ngôn ngữ bỗng trở nên chật hẹp trước tình cảm, cảm xúc của con người; đôi khi nó không biểu đạt được hết thế giới nhà thơ muốn mở ra: "Căng ngang trời cánh chim/ cho ngữ nghĩa trị vì mặt đất/ nơi mặt gió gặp đỉnh đồi cúi gục" (Đất mở) hay "Chữ trong sổ tay vừa mơ thấy lửa/ Sắp thành tro lại chợt hoàn hồn" (Linh hồn đã bay). Vì thế nhà thơ vươn đến một thế giới khác, một kí tự khác, một thế giới biểu tượng khác. Cho nên trong thơ của ông các hình ảnh mang tính cô đúc cao, nó biểu hiện được nhiều tầng ý nghĩa. Và ở đây nhà thơ không phải là người cầm cây bút vẽ ra bức tranh hoàn chỉnh, họ chỉ là người gợi mở hiện thực, gợi mở cảm giác. Vì vậy mảnh vỡ hay tính “lạc” trong thơ Mai Văn Phấn rất nhiều, nó đòi hỏi người đọc vừa phải tưởng tượng vừa phải tổng hợp tất cả từ kinh nghiệm, kiến thức đến khả năng thâm nhập đời sống, thâm nhập thơ ca. Mỗi bài thơ là một mảnh vỡ hiện thực, mảnh vỡ cảm xúc, người đọc sẽ có những cách đọc khác nhau, có những lối vào thơ khác nhau, điều đó cho thấy sự mở rộng tối đa biên độ tiếp nhận của thơ Mai Văn Phấn. 

T.T.H.S

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Lí Đợi (2013), "Mai Văn Phấn đã thong dong hơn", http://maivanphan.vn
2. 
Mai Văn Phấn (2011), Thơ tuyển Mai Văn Phấn (cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn), Nxb Hội Nhà văn.
3. Mai Văn Phấn (2013), Những hạt giống của đêm và ngày, Nxb Hội Nhà văn.

 

 

 

 

SUMMARY

 

New artistic findings in “the seeds of night and day” poetry collection (Mai Văn Phấn)

 

The article suggests some assessments and opinions about Mai Văn Phấn’s poetry through surveying the collection of poems “Seeds of Night and Day”. At this collection, Mai Văn Phấn creates in his artistic poems a symbolic world of nature from a philosophical viewpoint. Such an iconic world is full of thoughts and contemplation of an intertwined reality, which sometimes shatters into layers and layers of meaning in a blend of past and present. Therefore, the poetry of Mai Văn Phấn, in a modern writing style, always inspires different ways of appoaching and reading.

 

 

 

 

___________

“Những hạt giống của đêm và ngày / Seeds of Night and Day” (Thơ song ngữ Việt - Anh. Nxb. Page Addie Press, Anh quốc; Nxb. Hội Nhà văn, 2013). Dịch giả: Nhà thơ Lê Đình Nhất-Lang. Biên tập: Nhà thơ Susan Blanshard (Anh quốc).

 

 

 

 

 

 

Tác giả Trần Thị Hồng Sương

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị