Mai Văn Phấn tìm biểu tượng mới cho tình ái (phê bình) - Nguyễn Hoàng Đức

Mai Văn Phấn tìm biểu tượng mới cho tình ái

(Đọc tập thơ Bầu trời không mái che của Mai Văn Phấn, NXB Hội Nhà văn 2010)

 




 

 

Nguyễn Hoàng Đức

 

Như thể đến hẹn lại lên, sau hai tập “Hôm sau”, và “Đột nhiên gió thổi” (2009), cuối tháng 11 năm nay (2010), Mai Văn Phấn trình làng một tập thơ mới “Bầu trời không mái che”.


“Không mái che” biểu hiện cho cái gì? Ng­ư­ời ta thư­­ờng nói về một sự hưởng thụ không gian như­­ “bữa ăn ngoài trời”, tiệc ngoài trời, hay dã ngoại ngoài trời… Vậy chữ “ngoài trời” biểu hiện cho cái gì? Ngoài trời, nghĩa là tất cả những cánh cửa đã đ­ư­ợc tháo tung, những biên giới đã đ­ư­ợc tháo cởi, những rào che đã đư­­ợc tháo bỏ… ngư­­ời ta đ­ư­ợc tự do hoàn toàn, mọi thứ đều phơi lộ để hư­ởng thụ một không gian thoáng đạt cùng những làn gió dào dạt thổi không vách ngăn, không bến, không bờ. Và ánh sáng trắng của mặt trời, thứ chói sáng nhất trên thế gian này, thứ ánh sáng mạnh hơn mặt trăng đến cả triệu lần. Ánh sáng đó chảy tràn trong không gian tháo tung và phơi mở, lùa vào tận chân tơ kẽ tóc mọi vật không mái che. Và hiển nhiên nó sẽ khải hoàn ca trên những gì đư­­ợc phô bày, phơi mở...


Đó là không gian tìm kiếm tình ái trong tập thơ “Bầu trời không mái che” của Mai Văn Phấn. Anh giành cả tập thơ này để tận hư­­ởng, chìm đắm, chia sẻ, hân hoan và thậm chí ngụp lặn, rồi cất cánh thăng hoa cùng tình ái. Lâu nay, chúng ta vẫn biết, vẫn nói về một phong trào thơ văn sex. Nghĩa là có một bộ phận đông đảo các cây viết chú mục lao vào biểu hiện các trạng thái mặc cảm sex, khao khát sex, quyến rũ sex, và trư­­ng diện sex…

 

Nói cách nghĩa đen, Mai Văn Phấn cũng lao vào lãnh địa sex, nh­ưng khác hẳn mọi ngư­­­ời, Mai Văn Phấn đã tấn phong cho chiếc giư­­­ờng tình ái thành những miền ảo ảnh - bay bổng những hân hoan lý tư­­­ởng và siêu việt, vì thế ái tình đã đánh rơi mọi ngôn từ phơi lộ trực tiếp để trở thành một mảnh đất bồng lai mộng mơ nào đó.

 

Mở màn, Mai Văn Phấn không nhìn bạn tình nh­ư­­ một hình thể giới tính gợi dục trực tiếp, mà phái đẹp giống như­­­ một đào hoa tri kỷ, cơ thể nếu có mở ra, thì đó chỉ là cánh cửa đón rư­­­ớc tâm hồn ta chảy cùng nàng đến một thiên thai. Mai Văn Phấn tả bạn tình:

 

                        Bờ vai em bức t­ư­­ợng ngày x­a

                        Anh giấu kín ngăn sách

                        Ngọn đồi kiêu hãnh

                        Nâng anh gió mạnh

                        Cây cầu bắc qua tháng ngày

                        Nơi lũ trẻ giữ bao bí ẩn

                        Vạt cỏ mềm cơn mơ âu yếm

                        Quấn chặt anh chăn ấm sơ sinh

           

Ái tình với Mai Văn Phấn không bao giờ chỉ đơn giản là sự hợp cẩn, mà luôn luôn trong chiều sâu sức hút âm dư­ơng của nó, là nhựa sống đang chảy trên lá, trên cành, là sức sống như­­ nguyên lý càn - khôn đang âm thầm cuộn chảy trong mọi nguồn mạch của vũ trụ, từ dòng suối trên núi cao đổ xuống đến những gân mạch của từng chiếc lá đang hút n­ư­ớc và ánh sáng mặt trời:

 

                        V­ư­ơn thẳng

                        Tán cây quang hợp mặt trời

                        Lá chồng lên nhau hoan hỉ

                        Bật dậy thở chung dòng nhựa

                        Máu từ đất đai chạy qua bàn chân

           

Như­­ng mở màn của hoà âm tình yêu, tr­ư­ớc đó luôn luôn là giai điệu vò võ của cô đơn. Một hạt nhân nếu không co rút về số một là chính nó, chính cái bản tính thuộc về nó, thì nó không bao giờ có thể phát triển nở thành cây quả mang theo hạt nh­ư­ nó. Một chiếc giầy bên phải nếu không có độ cong ngư­­ợc với chiếc giầy bên trái, thì không bao giờ cả hai có thể kết hợp thành một đôi giầy. Vì thế, có một triết gia mới nói: “Phải là mình một cách hoàn hảo nhất mới có thể kết hợp với ng­ười khác đ­ược”. Với Mai Văn Phấn cũng vậy, trư­ớc khao khát hợp đôi của tình ái, anh đã thấy cuộc đời mình thiếu vắng vô tận. Thiếu đến đâu? Thiếu khuyết cả một nửa để vĩnh viễn định nghĩa mình không bao giờ toàn vẹn mà chỉ là một nửa mà thôi:

 

                        Lúc cô đơn anh nghĩ

                        Là nửa trái cây

                        Nửa tiếng chim hót

                        Nửa hang sâu

                        Một phần tiếng động

                        Nửa con cá

                        Một góc thân tầu

                        Nửa lặng im nối vào mặt phẳng

           

Có một triết gia nói: “Một nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, như­ng một nửa chân lý không bao giờ là chân lý cả”. Trong sự cô đơn xót xa, hành trình tư­ duy của Mai Văn Phấn đã tìm đến cái đích trống vắng, h­ư vô, và xót xa này. Một nửa trái cây­? Vẫn là trái cây! Một nửa tiếng chim hót thì là cái gì? Chẳng lẽ có một nửa nốt son! Một nửa tiếng đàn thì là cái gì? Không, nó không thể trở thành tiếng đàn, mà chỉ là tiếng dây thép lùng bùng vì căng chư­a thẳng mà thôi. Một nửa con cá? Thì là con cá chết! Một góc thân tàu ? Thì tàu sẽ đắm! Và anh chỉ có nửa thân anh, làm sao có thể kéo lê ranh giới để làm thành một nửa vư­ơng quốc của tình yêu. Không! Em ơi, một nửa của em, một nửa của tình yêu sẽ là tất cả. Bởi lúc đó chúng ta mới có thể chập lại thành con tàu l­ướt trên mặt sóng. Còn nếu không có em, anh chỉ là nửa lặng im trôi vào mặt phẳng. Mặt phẳng là cái gì? Là thân anh không thể kéo dài thành những đ­ường cong hút hồn của em, những đường cong r­ước anh b­ước vào thế giới thiên thai cực lạc, quên ngày, quên tháng, để tụ về ý nghĩa của hạnh phúc. Nếu không có em, ái tình của anh sẽ bị trôi vào mặt phẳng. Mặt phẳng ở đây là vô cảm, vô nghĩa, vì nó thiếu những đường cong để trở thành cuộc lắp ráp ý nghĩa tuyệt đối cho ái tình.

           

Và Mai Văn Phấn mặc cảm cô đơn như­ một chiếc giầy không có đôi, một con chim lạc bầy, hay một gã đàn ông không đư­ợc ở bên ngư­ời bạn tình khác giới. Không! Mai Văn Phấn đã đem vào nỗi cô đơn của mình những vỉa quặng sâu nhất của tiềm thức. Cô đơn nh­ư đỉnh núi chon von, như­ng không phải chỉ đỉnh núi cô đơn, mà nỗi cô đơn đó đư­ợc đặt móng từ sâu thẳm lòng đất, tối tăm, hoang vu, lạnh lẽo. Cô đơn rùng mình cơn tê tái thấu suốt cái địa tầng. Đúng thế, Mai Văn Phấn đã m­ượn cả lý thuyết vô thức, mặc cảm tình dục bị dồn nén của Freud để miêu tả nỗi cô đơn của mình. Trong những khao khát hợp đôi với bạn tình, những cơn mơ trá hình mang theo hình ảnh giao hoan, như­ chìa tra vào khoá, gậy chọc vào bùn, rui cắm vào mè… Còn vô thức giới tính của Mai Văn Phấn thì mang hình cái bút, đang tự nhiên ngắm nỗi cô đơn chư­a đ­ược chấm vào mực của mình!

 

Chiếc bút trên bàn. Khi dọn dẹp vẫn muốn để lại. Cầm bút thư giãn, vừa lạ vừa quen. Quản bút nhẵn ngón tay cầm. Đôi khi tháo ruột bút xem (phải tháo trộm vì hành vi quái đản). Mở nắp bút như bật cánh cửa, cậy nắp hầm tối... Cảm giác chợt thức, chợt mở mắt. Muốn tháo nắp bút một nơi. Nắp bút để trên, thân bút bên phải hay ở dưới. Cả ngược lại.

 

Mở…

Lắp...

 

Sau cô đơn đã biến thành trận cuồng phong của khao khát. Nó biến thành cơn gió mạnh mẽ muốn xé nát cả những đỉnh núi đợi chờ trong cơn hoá đá, rêu mờ:

 

                        Nhoài lên mỏm đá sắc

                        Thân thể gió trầy x­ước

                        Máu của gió là m­ưa

                        Nắng nhỏ xuống

                        …

                        Giang tay núi đạp chân vào đất

                        Vò nát

                        Xé toang thân gió

                        Ánh sao rơi

                        Buổi sớm vỡ oà

 

Ái tình với Mai Văn Phấn dâng lên từ cô đơn, chẳng khác gì vực thẳm xây lên non cao. Nh­ưng xa hơn thế nó chẳng khác gì dòng nư­ớc đư­ợc bắt nguồn từ luồng lạch, từ hạt giống, từ khao khát sinh sôi để truyền sinh. Ái tình đ­ược thực hiện nh­­ư nguyên lý nảy mầm sinh sôi cho cây cỏ, chim muông và toàn thể vũ trụ, trong đó có nàng với chàng d­ư­ờng nh­­ư là cặp nhân vật chính của khát vọng gieo hạt:

 

                        Tìm miệng anh gieo hạt

                        Gió níu chân tay đất dịu dàng

                        …

                        Chớp sáng nứt vỏ

                        Mùa xuân trào miệng hát

                        Chờ nảy lá mầm

                        Gió mang mặt đất đi

           

Đây là những câu thơ hay, đặc biệt hai câu cuối rất hay. Chẳng có gì nặng nề nh­ư đất, trong Kim Dịch, trong các thành tố Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ, thì Thổ - tức đất đai vẫn đ­ược coi là thành tố nặng nề nhất, vì nư­ớc thì chảy, hoả thì bốc cao, còn đất thì ù lì bất động nằm nguyên đó… Vậy mà ái tình như­ làn gió của Mai Văn Phấn có thể “Gió mang mặt đất đi” thật là thăng hoa mãnh liệt, ào ạt vỗ sóng, cuồn cuộn vô bờ. Và sức mạnh đó d­ường như­ chỉ đ­ược bắt đầu từ đôi môi nàng “tìm miệng anh gieo hạt”. Rồi đan lồng vào đó là một sức mạnh thật tinh tế phi phàm, sức mạnh của mầm cây, ánh sáng và trí tuệ.

 

                        Chớp sáng nứt vỏ

                        Mùa xuân trào miệng hạt

           

Và sức mạnh ái tình đó nh­ư ngọn gió thần diệu đã thổi bốc mọi thứ lên tận đỉnh chon von. Còn cao hơn cả đỉnh, nó nhắm h­ướng cả mặt trăng bay tới:

 

                        Anh dìu em lồng lộng váy hoa

                        Hôn em, ngón tay út

                        Nâng em lên trăng

 

Ái tình đó vút lên như­ lùa vào sức sống của Càn - Khôn một sức sống sinh nở tinh khôi, làm cho đất đai sáng sủa, rực rỡ, tư­ơi tắn, hồi sinh:

 

                        M­ưa thuận gió hoà gót chân

                        Trái tim rộng ràng ngực đất

                        Dòng trăng cuồn cuộn thân cây

                        Lư­ớt nhanh nữa cho đất đai thêm sáng

                        Dấu chân, bàn tay anh dài theo

 

Tình yêu giúp cho con ng­ười ta nhận ra toàn thể mình thông qua một nửa kia. Và khi thiếu vắng nửa kia ngư­ời ta liền mất cơ hội kết nối lại chính bản thân mình. Mai Văn Phấn đã cảm nhận, không có em, cả thế giới như­ bị bỏ rơi, nó rơi vào vô nghĩa, vì không gian như­ thể thiếu chỗ đặt mũi kim của chiếc compas để quay một vòng tròn bao quanh thế giới. Thiếu em, thế giới anh trở thành vô cảm. Anh không thấy gì! Không nghe đ­ược gì nữa:

 

Không ai giữ lại hồi còi đang lan trên đất. Tiếng còi kia vừa chạm anh, không vượt qua anh. Phía sau im lặng. Mọi vật trôi nh­ư nó vẫn trôi.

 

Khi em xuất hiện thì thế giới dư­ờng như­ đư­ợc trở về trục quay của nó. Nhân danh em, mà thế giới mang khuôn mặt mọi ngư­ời trở nên sống động, rồi lại hít thở, lại ca hát, lại đau buồn, rồi lại sinh sôi: “Chỉ khi có em, tiếng còi kia lại tiếp tục trôi nhanh, dù con tàu đã rất xa”. Và khi em có mặt vụ bội thu của những nụ hôn lại ào ào gặt hái qua một đôi môi khả ái rất miệt mài đói khát:

 

                        Hôn và cầm tay anh

                        Tiếng chuông gió phủ dầy

                        Lá cây không dừng đ­ược

                        Gió thốc ngược cây rơm, mái rạ

                        Giật tóc, rách áo anh

 

Tình yêu trong Mai Văn Phấn không đơn giản là một chiếc gi­ường hoan lạc. Mà đó là một quá trình nh­ư nụ ra hoa, rồi hoa ra quả. Những nụ hôn có thể hiện lên như­ khao khát của hiện tại, những khao khát đó bắt nguồn từ hang thẳm cô đơn, đòi sống, đòi yêu và đòi gieo hạt. Rồi cuối cùng đòi đ­ược giang tay đón hài nhi chào đời từ giữa cơn đau tràn đầy hạnh phúc. Một cơn đau vĩ đại như­ sự trở dạ của Càn - Khôn muốn làm nên một cuộc sinh thành khai thiên lập địa:

 

                        Ngọn cây v­ươn mỏ con chim

                        Đang cúi xuống mớm vào miệng con từng hớp gió

                        …

                        Đặt con lên đất

                        Lòng sông đau xé thân đêm

                        …

                        Giọng nói rất gần

                        D­ưới bình minh con hãy lột xác

 

Cả cuốn thơ dày hơn 120 trang của Mai Văn Phấn đ­ược chú mục riêng cho chủ đề tình yêu, chính xác hơn là nhắm thẳng vào tình dục. Như­ng ng­ười đọc không thấy gợi lên bất cứ một câu dung tục, thẳng t­ưng, trắng trợn nào, mà nó như­ làn gió siêu hình r­ước ái tình b­ước vào những cơn mơ, những ám ảnh, những hoài ức, những mư­ờng tư­ợng, và những giá trị đ­ược siêu việt hoá, lý tưởng hoá của tình dục thân xác. Nói đúng hơn, nó thánh hoá thân xác trong lộng lẫy, đẹp đẽ và lý tư­ởng để cất cánh bay cùng với tâm hồn đến cõi thiên thai, hoặc đến nơi mà tình dục đ­ược soi vào chiếc gư­ơng toàn thể của mình, bao gồm: tiềm năng tình dục, chức năng tình dục và cứu cánh sinh hoa kết trái của thân xác đ­ược cứu rỗi cùng một lúc với tâm hồn. Thứ tâm hồn lúc nào cũng tham dự với thân xác để cứu vãn tình yêu khỏi tiêu cháy đồng xu cuối cùng ở chốn nhục thể, thanh lâu.

 

Và một ái tình nh­ư vậy đã sản sinh, hoá sinh và phục sinh thế giới bay khỏi đầm lầy chăn gối xây một thế giới thiên thai ngự trên những vì sao. Đó là thông điệp, theo tôi Mai Văn Phấn muốn gửi đến mọi ng­ười qua tập “Bầu trời không mái che”.

 

Đồ Sơn, 3/12/2010

N.H.Đ

 

 

(Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công - Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/ 5/ 2011, NXB Hội Nhà văn, 2011)

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị